"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Sứ điệp của ĐTC Phanxicô nhân Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2013


Anh chị em thân mến,

Năm nay, chúng ta cử hành Ngày Thế giới Truyền giáo khi Năm Đức Tin gần đến hồi kết thúc, đó là một cơ hội quan trọng để tăng cường tình bằng hữu với Chúa và hành trình của chúng ta với tư cách là một Giáo Hội can đảm rao giảng Tin mừng. Trong bối cảnh này, tôi muốn gợi ý một vài suy niệm.

1. Đức tin là quà tặng quý giá của Thiên Chúa, giúp mở mang tâm trí chúng ta hiểu biết và yêu mến Người. Thiên Chúa muốn tham dự vào mối tương quan với chúng ta và cho phép chúng ta dự phần vào sự sống của Người để làm cho cuộc sống của chúng ta tốt, đẹp và ý nghĩa hơn. Thiên Chúa yêu thương chúng ta! Tuy nhiên, đức tin cần phải được đón nhận, nó cần sự đáp trả cá nhân của chúng ta, cần lòng can đảm để phó thác chính mình cho Thiên Chúa, để sống tình yêu của Người và tâm tình biết ơn đối với lòng thương xót vô biên của Người. Đức tin là một món quà, không dành riêng cho một vài người nhưng được ban tặng một cách quảng đại. Tất cả mọi người đều có thể trải nghiệm niềm vui được Thiên Chúa yêu thương, niềm vui của ơn cứu rỗi! Nó là một món quà mà người ta không thể giữ riêng cho mình, nhưng để được chia sẻ. Nếu chúng ta muốn giữ nó cho riêng mình, chúng ta sẽ trở thành những Kitô hữu cô lập, son sẻ và bệnh hoạn.

Việc loan báo Tin mừng là một phần của việc trở thành môn đệ Đức Kitô và đó là một cam kết liên tục và làm sinh động toàn thể đời sống Giáo hội. “Dấn thân truyền giáo là một dấu chỉ rõ ràng cho thấy sự trưởng thành của một cộng đoàn Giáo hội.” (Bênêđictô XVI, Verbum Domini, 95). Mỗi cộng đoàn được coi là “trưởng thành” khi tuyên xưng đức tin, vui mừng cử hành đức tin trong phụng vụ, sống bác ái, không ngừng rao truyền Lời Chúa, ra đi để mang Tin mừng cho ‘người ngoài’, nhất là những người chưa có cơ hội biết Đức Kitô. Về phương diện cá nhân cũng như cộng đoàn, sức mạnh đức tin của chúng ta có thể được đo bằng khả năng thông truyền cho người khác, để truyền bá và sống Tin mừng trong tình bác ái, để làm chứng Tin mừng cho những người chúng ta gặp gỡ và những người chia sẻ cuộc sống với chúng ta. 

2. Năm mươi năm sau khai mạc Công đồng Vatican II, Năm Đức Tin thúc đẩy toàn thể Giáo hội hướng tới một ý thức mới về sự hiện diện của mình trong thế giới ngày nay và sứ mệnh của mình giữa các dân, các nước. Tinh thần truyền giáo không những hướng về lãnh thổ địa lý, mà còn hướng về các dân tộc, các nền văn hóa và cá nhân, bởi vì “ranh giới” đức tin không chỉ là nơi giao lộ và truyền thống nhân văn, mà còn nơi tâm hồn của mỗi người nam và người nữ. Công đồng Vatican II nhấn mạnh một cách đặc biệt về việc truyền giáo, việc mở rộng ranh giới đức tin, thuộc về tất cả mọi người được rửa tội và tất cả các cộng đoàn Kitô hữu; bởi vì “Dân Thiên Chúa sống trong các cộng đoàn, nhất là các cộng đoàn giáo phận và giáo xứ, và tỏ ra hữu hình một cách nào đó nơi các cộng đoàn này, nên các cộng đoàn này cũng phải làm chứng về Đức Chúa Kitô trước mặt muôn dân” (Sắc lệnh Truyền giáo, số 37).

Do đó, mỗi cộng đoàn được thách thức và mời gọi nhận lấy mệnh lệnh Đức Giêsu uỷ thác cho các Tông đồ làm của riêng mình, trở thành chứng nhân của Người “tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđêa và Samaria và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8); và điều này không phải là khía cạnh thứ hai của đời sống Kitô hữu, nhưng là khía cạnh thiết yếu: chúng ta đều được mời đi trên các nẻo đường trần thế với anh chị em của mình, loan báo và làm chứng cho đức tin của chúng ta vào Đức Kitô và làm cho chúng ta trở thành sứ giả của Tin mừng. Tôi kêu mời các giám mục, linh mục, hội đồng linh mục và mục vụ, mỗi cá nhân và hội đoàn trong Giáo hội hãy đặt chiều kích truyền giáo lên hàng đầu trong chương trình huấn luyện và mục vụ, trong sự nhận thức rằng dấn thân làm tông đồ của họ sẽ không trọn vẹn trừ phi nhắm mục đích làm chứng cho Đức Kitô trước muôn dân, muôn nước. Truyền giáo không những đơn thuần là bình diện kế hoạch trong đời sống Kitô hữu, mà còn là bình diện khuôn mẫu có ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của đời sống Kitô hữu.

3. Việc Phúc âm hóa thường gặp trở ngại, không những từ bên ngoài mà còn từ bên trong cộng đoàn Giáo hội. Thỉnh thoảng, vẫn còn thiếu sự nhiệt tình, niềm vui, lòng can đảm và hy vọng trong việc loan báo sứ điệp Đức Kitô cho mọi người và trong việc giúp đỡ con người thời đại chúng ta bước vào cuộc gặp gỡ với Người. Thỉnh thoảng, vẫn còn có suy nghĩ rằng loan báo chân lý Tin mừng nghĩa là xâm phạm tự do. Đức Phaolô VI đã nói hùng hồn về điều này: “Áp đặt một điều gì đó trên lương tâm anh chị em của mình là làm một việc sai lầm. Thế nhưng, việc nêu lên cho lương tâm họ thấy chân lý của Phúc âm và ơn cứu độ nơi Đức Giêsu Kitô, một cách hoàn toàn minh bạch và hết sức tôn trọng chọn lựa tự do được chân lý Phúc âm cho thấy… là một việc tôn trọng quyền tự do này” (Tông huấn Loan báo Tin mừng, số 80). 

Chúng ta phải luôn luôn có lòng can đảm, vui mừng và tôn trọng đối với đề nghị gặp gỡ Đức Kitô, và trở nên sứ giả Tin mừng. Đức Giêsu đến giữa chúng ta, chỉ cho chúng ta thấy con đường cứu rỗi và ký thác cho chúng ta sứ vụ loan báo cho mọi người cho đến tận cùng trái đất. Chúng ta nhận thấy rằng bạo lực, dối trá và sai lầm được nhấn mạnh và đề nghị một cách quá thường xuyên. Thật là cấp bách để loan báo và làm chứng cho sự tốt lành của Tin mừng trong thời đại chúng ta, cũng như từ bên trong Giáo hội.

Điều quan trọng là đừng bao giờ quên một nguyên tắc cơ bản cho mọi nhà truyền giáo: Người ta không thể rao giảng Đức Kitô mà không cần Giáo hội. Loan báo Tin mừng không phải là một hành động riêng tư hay cá nhân lẻ loi; nó luôn luôn có tính Giáo hội. Đức Phaolô VI đã viết: “Khi một nhà giảng thuyết, một giáo lý viên hoặc một mục tử vô danh, rao giảng Tin mừng, quy tụ cộng đoàn nhỏ, ban phát bí tích, dù chỉ một mình, người đó đang thực hiện một hành động có tính cách Giáo hội.” Người ấy hành động “không vì sứ vụ quy về mình, hay theo cảm hứng cá nhân, mà là hiệp nhất với sứ vụ của Giáo hội và nhân danh Giáo hội“ (Tông huấn Loan báo Tin mừng, số 60). Và điều này cống hiến sức mạnh cho sứ vụ và làm cho mọi nhà truyền giáo và người loan báo Tin mừng không bao giờ cảm thấy cô đơn, mà là thành phần của một Thân thể duy nhất được Chúa Thánh Thần làm cho sinh động.

4. Trong thời đại của chúng ta, truyền thông di động và dễ dàng phổ biến thông qua phương tiện truyền thông mới làm pha lẫn giữa con người, kiến ​​thức và kinh nghiệm. Vì công việc, cả gia đình di chuyển từ lục địa này sang lục địa khác; trao đổi nghề nghiệp và văn hóa, du lịch và các hiện tượng khác cũng đã dẫn đến biến động lớn lao nơi các dân tộc. Điều này gây ra khó khăn để biết ai sống lâu dài hoặc tạm thời trong một khu vực, thậm chí trong một cộng đoàn giáo xứ. Và hơn nữa, trong khu vực rộng lớn hơn nơi những miền Kitô giáo truyền thống, số lượng những người không biết đức tin, hoặc thờ ơ về bình diện tôn giáo hoặc sống theo tín ngưỡng khác, ngày càng gia tăng. Do đó, không phải là hiếm trường hợp một số người đã được rửa tội có những lựa chọn lối sống xa lạ với đức tin, vì thế cần “tân Phúc âm hóa” cho họ. Tất cả các điều này cộng thêm vào thực tế là phần lớn nhân loại chưa nghe biết tin mừng Đức Giêsu Kitô.

Chúng ta cũng đang sống trong một thời đại khủng hoảng chạm tới các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống, không những về kinh tế, tài chính, an ninh lương thực hay môi trường, mà còn liên quan đến ý nghĩa sâu xa của cuộc sống và các giá trị đặt nền cho cuộc sống. Thậm chí sự chung sống của con người cũng mang dấu vết căng thẳng và xung đột, gây bất ổn và khó khăn trong việc tìm kiếm con đường đúng đắn cho một nền hòa bình ổn định. Trong tình thế phức tạp này, nơi chân trời của hiện tại và tương lai dường như bị phủ đầy bởi những đám mây đe dọa, thật là cần thiết để loan báo, một cách can đảm và trong chính tình trạng đó, Tin mừng Đức Kitô, sứ điệp hy vọng, hòa giải, hiệp thông, công bố về sự gần gũi của Thiên Chúa, lòng thương xót, ơn cứu độ của Người, và công bố rằng sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa có thể vượt qua bóng tối của sự dữ và dẫn chúng ta trên con đường thiện hảo.

Những người nam nữ trong thời đại chúng ta cần ngọn đèn chắc chắn rọi sáng con đường họ đi và chỉ có cuộc gặp gỡ Chúa Kitô mới có thể mang lại. Qua chứng từ của mình, chúng ta hãy mang đến cho thế giới tình yêu và hy vọng mà đức tin ban cho! Tinh thần truyền giáo của Giáo hội không phải để cải đạo, nhưng là chứng từ của đời sống, soi sáng đường đi, mang lại tình yêu và hy vọng. Tôi nhắc lại một lần nữa: Giáo hội không phải là tổ chức cứu trợ, doanh nghiệp hoặc tổ chức phi chính phủ, nhưng là cộng đoàn những con người, được Chúa Thánh Thần làm cho sống, họ là những người đã và đang sống điều kỳ diệu của việc gặp gỡ Đức Giêsu Kitô và muốn chia sẻ kinh nghiệm của niềm vui sâu xa và sứ điệp cứu độ Chúa ban. Và chính Chúa Thánh Thần hướng dẫn Giáo hội trên con đường này.

5. Tôi muốn khuyến khích mỗi người trở thành kẻ mang Tin mừng Đức Kitô và tôi đặc biệt biết ơn các nhà truyền giáo, các linh mục Fidei Donum (quà tặng đức tin), các tu sĩ nam nữ và giáo dân – càng ngày càng đông số – những người đáp lại lời mời gọi của Chúa, rời bỏ quê hương ra đi phục vụ Tin mừng nơi những miền đất và văn hóa khác nhau. Nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng chính các Giáo hội non trẻ này đang quảng đại dấn thân bằng việc gửi các nhà truyền giáo đến các Giáo hội đang gặp khó khăn – vốn không phải là hiếm nơi các Giáo hội có truyền thống Kitô giáo cổ kính – và nhờ đó mang lại sự tươi mới và nhiệt tình từ đời sống đức tin của họ, đức tin giúp canh tân đời sống và mang niềm hy vọng. Sống chiều kích phổ quát này, đáp ứng mệnh lệnh của Đức Giêsu “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19) là điều làm phong phú thêm cho mỗi Giáo hội địa phương và mỗi cộng đoàn, bởi vì việc gửi các nhà truyền giáo không bao giờ mất mát, nhưng là được hưởng lợi.

Tôi kêu gọi tất cả những ai nhận ra và quảng đại đáp trả lời mời gọi của Chúa Thánh Thần, tùy theo hoàn cảnh sống của mình, và không ngần ngại hào phóng với Chúa. Tôi cũng mời gọi các giám mục, các cộng đoàn và gia đình tu trì, và tất cả các nhóm Kitô hữu, với tầm nhìn xa và cẩn thận biện phân, hỗ trợ ơn gọi truyền giáo ad gentes và giúp các Giáo hội đang cần linh mục, tu sĩ và giáo dân, nhờ đó củng cố cộng đoàn Kitô hữu. Và mối quan tâm này cũng cần được thể hiện nơi các Giáo hội là thành phần của cùng một Hội đồng Giám mục hay vùng miền, bởi vì điều quan trọng là các Giáo hội giàu ơn gọi cần quảng đại giúp đỡ những nơi thiếu thốn.

Đồng thời, tôi kêu gọi các nhà truyền giáo, đặc biệt là các linh mục Fidei Donum và giáo dân, vui tươi sống ơn gọi phục vụ quý giá của họ trong các Giáo hội mà họ được gửi tới và mang lại niềm vui và kinh nghiệm về các Giáo Hội từ đó họ ra đi, bằng việc nhớ lại chuyện hai thánh Phaolô và Barnaba vào cuối hành trình truyền giáo đầu tiên “kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với họ, và việc Người đã mở cửa cho các dân ngoại đón nhận đức tin” (Cv 14,27). Họ có thể trở thành một con đường dẫn đến một loại “trở lại” của đức tin, mang lại sự tươi mới từ các Giáo hội trẻ trung đến các Giáo hội có truyền thống Kitô giáo cổ kính, và nhờ đó giúp họ tìm lại sự nhiệt tình và niềm vui của việc chia sẻ đức tin qua việc trao đổi, điều này làm phong phú cho nhau trong cuộc lữ hành theo con đường của Chúa. 

Mối quan tâm dành cho tất cả các Giáo hội mà Giám mục Roma chia sẻ với anh em giám mục tìm thấy một thể hiện quan trọng trong hoạt động của Hiệp hội Giáo hoàng Truyền giáo, là tổ chức giúp áp dụng và đào sâu ý thức truyền giáo nơi mỗi người đã chịu phép rửa cũng như nơi mỗi cộng đoàn, bằng cách nhắc nhở họ về sự cần thiết phải có một sự huấn luyện truyền giáo một cách sâu sắc cho toàn thể Dân Thiên Chúa và bằng cách khuyến khích các cộng đoàn Kitô hữu đóng góp cho việc loan truyền Tin mừng trên thế giới. 

Cuối cùng, tôi muốn nói về những Kitô hữu, nơi nhiều vùng khác nhau của địa cầu, đang gặp khó khăn trong việc công khai tuyên xưng đức tin và trong việc hưởng quyền lợi hợp pháp để thực hành đức tin một cách xứng đáng. Họ là anh chị em của chúng ta, những chứng nhân can đảm – thậm chí số lượng hơn nhiều so với các vị tử đạo của những thế kỷ đầu – những người đang chịu đựng nhiều hình thức đàn áp hiện đại với lòng kiên trì như các Tông đồ. Cũng có một số người liều mạng sống mình để trung thành với Tin mừng Đức Kitô. Tôi bảo đảm sự gần gũi của mình trong lời cầu nguyện với các cá nhân, gia đình và cộng đoàn đang gánh chịu bạo lực và bất khoan dung, và tôi nhắc lại với họ những lời an ủi của Đức Giêsu: “Hãy can đảm, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33). 

Đức Bênêdictô XVI đã diễn tả niềm hy vọng rằng: “Ước gì Lời Chúa được lan truyền mau chóng và được tôn vinh khắp nơi” (2 Tx 3,1): Ước gì Năm Đức Tin này làm cho tương quan của chúng ta với Chúa Kitô vững chắc thêm mãi, vì chỉ trong Người chúng ta mới vững lòng nhìn về tương lai và được bảo đảm về một tình yêu đích thực và lâu bền” (Porta fidei, số 15). Đây là mong ước của tôi dành cho Ngày Thế giới Truyền giáo năm nay. Tôi thân ái ban phép lành cho các nhà truyền giáo và tất cả những người đồng hành và hỗ trợ cam kết cơ bản này của Giáo hội để loan báo Tin mừng đến tận cùng trái đất. Nhờ đó, chúng ta là những  thừa tác viên và nhà truyền giáo của Tin mừng kinh nghiệm “niềm vui và an ủi trong việc loan báo Tin mừng” (Phaolô VI, Tông huấn Loan báo Tin mừng, số 80).  

Làm tại Vatican, ngày 19 tháng 5 năm 2013, nhân dịp lễ Hiện Xuống
Phanxicô

(Lm Phạm Quang Long chuyển ngữ)