"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Lời cảnh tỉnh của Đức Giáo Hoàng vang dội Châu Á


Gần như ngay sau khi thông báo bổ nhiệm 19 vị tân hồng y, được biết rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã viết cho họ một lá thư cảnh tỉnh. Ngài viết: “Tước vị hồng y không có nghĩa là thăng chức. Cũng không phải là một vinh dự hay một sự tô điểm, đơn giản chỉ là một sự phục vụ mà đòi hỏi quý vị phải mở rộng tầm nhìn và trái tim của mình. ”

Sau các hội nghị nơi diễn ra sự kiện Vatican chính thức bổ nhiệm các tân hồng y thường đi kèm một loạt những hình thức mang tính xã giao và các bữa ăn tối. Nhưng bức thư của Đức Thánh Cha dường như đã siết chặt ngay từ đầu.

“Tôi yêu cầu quý vị, vui lòng đón nhận việc chỉ định này với một trái tim đơn giản và khiêm tốn. Và, trong khi quý vị phải làm như vậy với lòng vui thỏa và niềm hân hoan, chắc chắn rằng tình cảm này vượt xa khỏi bất cứ sự diễn tả nào của thế gian cũng như bất cứ nghi thức nào đi ngược với tinh thần Tin Mừng là tinh thần khổ chế, tiết độ và nghèo khó. ”

Bức thư đặc biệt quan trọng đối với thách đố mà Giáo Hội tại Châu Á đang đối diện, nơi mà hệ thống phẩm trật đôi khi ăn sâu vào trong các bộ phận văn hóa địa phương. Với những phẩm trật đó dẫn đến một thái độ hoàn toàn trái ngược với những gì Giáo Hội đề ra tại Công Đồng Vatican II, một Giáo Hội mà Đức Giáo Hoàng hiện nay muốn khôi phục.

Công giáo được thêm phong phú khi các nền văn hóa khác hơn so với nền văn hóa Châu Âu mang lại ánh sáng tươi mới cho con người và sứ điệp của Chúa Giêsu cũng như ý nghĩa và việc cử hành các bí tích.

Nhưng đôi khi Giáo Hội phản ánh các khía cạnh của văn hóa địa phương mà thực sự là một trở ngại cho việc tiếp nhận Tin Mừng và việc lớn lên trong đức tin chân thực. Các thái độ gắn liền với địa vị cũng như các hoạt động của những người trong vị trí lãnh đạo có thể trở thành dấu hiệu phản chứng đối với đời sống và việc phục vụ mà Chúa Giêsu đã đề xướng.

Trong bức thư, mà ngài bắt đầu với lời chào đơn giản “Anh em thân mến” (không có tiêu đề hoặc hình thức), Đức Thánh Cha tiếp tục tập trung không ngừng vào mô hình Giáo Hội mà ngài muốn thấy sự triển nở, nơi mà người nghèo có được đặc quyền và vai trò của các vị lãnh đạo trong Giáo Hội là như người phục vụ.

Đề cập đến việc bổ nhiệm như một “việc chỉ định “chứ không phải là một sự thăng cấp, như thường được thực hiện, cho thấy một sự khác biệt đáng kể. Đây là vị Giáo hoàng người đã khuyên bạn bè không đến dự lễ nhậm chức Giám Mục Rôma của mình và thay vào dành tiền đi du lịch đó như một món quà cho người nghèo. Bây giờ ngài đang nói với các tân hồng y rằng những gì họ sẽ dấn thân vào là một sự phục vụ; một công việc khó khăn và đôi khi nặng nề.

Thực tế là trở nên một hồng y chẳng hơn thêm gì hơn chức giám mục đã có. Trở nên một hồng y có nghĩa là người được chỉ định để gia nhập nhóm các trưởng lão của Giáo Hội Rôma. Trách nhiệm chính của họ là việc bầu cử vị lãnh đạo của Giáo Hội Rôma.

Tuy nhiên trong thực tế, việc chỉ định mà nhiều người thường nhìn nhận như một sự thăng chức, kèm theo một địa vị làm cho họ cách biệt. Và trong những năm gần đây một số vị đã nhấn mạnh sự cách biệt bằng những bộ phẩm phục họ mặc và tầm quan trọng trong chức vụ của họ mà họ nghĩ họ có.

Sự biểu hiện rõ ràng và lố bịch nhất của khía cạnh này trong quan điểm của một số hồng y về bản thân mình trở nên hiển nhiên khi họ mặc bộ phẩm phục Cappa Magna, một hình thức ăn mặc diễn tả chức vụ vốn đã bị Đức Giáo Hoàng Phaolô VI bãi bỏ chính thức vào những năm 1960, chỉ xuất hiện trở lại trong thập kỷ qua.

Điều đó được nhiều người mô tả như một hình ảnh thu nhỏ của “kiểu trang phục Công giáo,” giờ đây đã bị Đức Giáo Hoàng Phanxicô lên án trong lời nói và việc làm. Mặc dù tạp chí thời trang Esquire chọn ngài là người đàn ông mặc đẹp nhất năm 2013, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cố tình ‘ăn mặc bình thường.’

Nhưng đó là một khía cạnh nhỏ của một vấn đề lớn mà Đức Giáo Hoàng đang tìm cách để đưa vào hàng giáo sĩ trên thế giới, mà ngài xem họ như là những người phục vụ cho dân chúng chứ không phải là tô vẻ cho chức vụ của mình.

Và trong lá thư đó, ngài không làm gì hơn là lặp lại giáo huấn của Công đồng Vatican II, Công đồng gọi Giáo Hội là Dân Thiên Chúa, không phải là một tổ chức gồm một lực lượng lao động các giáo sĩ và tu sĩ được coi như là một kiểu mẫu Công giáo cao hơn, người Công giáo tốt hơn hoặc thậm chí gần gũi với Thiên Chúa hơn.

Như Công Đồng Vatican II nhấn mạnh, các giáo sĩ và tu sĩ là hoàn toàn để hỗ trợ cho những người đã được rửa tội, họ là những người lính tiền tuyến cho sứ mạng của Giáo Hội.

Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô thì rất đơn giản nhưng cũng khó để sống: học những bài học khó này để chúng ta có thể chia sẻ sứ mạng của Chúa Giêsu như thế nào đòi hỏi sự kiên nhẫn, khiêm tốn và sẵn sàng cho việc phục vụ tự hiến.

Linh mục Michael Kelly
giám đốc điều hành của ucanews.com