"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Formosa và MCC


I. Tập đoàn MCC – nhà thầu xây dựng nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh

“Formosa Hà Tĩnh (FHS) là một công ty của Đài Loan hay của Trung Quốc?”. Cho đến nay, câu hỏi này vẫn còn ám ảnh rất nhiều người. Một số tác giả đã tìm cách chứng minh đó là một công ty của Trung Quốc bằng cách phân tích vốn đầu tư.

Sở dĩ có sự nghi hoặc là do hồi tháng 9 năm 2013, có tin 4 công ty con của Tập đoàn Formosa là Formosa Plastics Corp, Nan Ya Plastics Corp, Formosa Chemicals & Fibre Corp, và Formosa Petrochemical Corp đã quyết định cắt giảm số cổ phần trong Công ty Thép Formosa Hà Tĩnh từ 21.25% xuống 14.75% mỗi công ty (1). Vì vậy, ai sẽ là chủ sở hữu số cổ phần còn lại khi Tập đoàn Formosa chỉ còn nắm tổng cộng 59% tổng số vốn? Nhiều người ngờ rằng số cổ phần này sẽ lọt vào tay các công ty của Trung Quốc.

Nhưng nếu chúng ta chịu khó truy tìm các thông tin kinh tế đã được công bố, thì việc giải đáp câu hỏi này không quá khó khăn. Ngày 18/2/2015, trang Asian Nikkei của Nhật Bản thông báo: “Công ty China Steel (CSC) của Đài Loan đã nâng vốn đầu tư tại nhà máy thép Hà Tĩnh từ 5% lên 25%” (2). Cuối tháng 7/2015, Công ty JFE Steel của Nhật Bản thông báo họ sẽ mua 5% số cổ phần của Công ty Formosa Hà Tĩnh (3). Như vậy, số cổ phần còn lại chỉ là 11%. Vì vậy nếu có một công ty Trung Quốc nào đó nắm số cổ phần này thì về nguyên tắc kinh doanh, công ty đó cũng không thể khống chế được mọi hoạt động của Formosa Hà Tĩnh.

Thật ra, từ giữa năm 2014 đã có dư luận cho rằng “Tập đoàn Formosa bán dự án cho người Trung Quốc”. Trả lời báo chí Việt Nam, ông Vương Văn Tường – Phó tổ trưởng Tổ quản lý dự án Formosa Hà Tĩnh đã khẳng định: “Formosa Hà Tĩnh không có một ‘xu’ nào của Trung Quốc” (4).

Có thể nói cho đến thời điểm xảy ra thảm họa “cá chết”, Formosa Hà Tĩnh vẫn là một doanh nghiệp phần lớn vốn là của Formosa, các công ty mà họ mời tham gia thêm (vd: CSC hay JFE Steel) thật ra chỉ là người góp thêm vốn vào giờ cuối chứ không có quyền quyết định, vì vậy cố tìm cách chứng minh Formosa Hà Tĩnh là một “công ty của Trung Quốc” có thể là một việc làm vô ích, hoặc vô tình rơi vào cái bẫy mà Trung Quốc đã giăng sẵn.

Vấn đề đặt ra là: một tập đoàn kinh tế của Đài Loan có thể hợp tác với một tập đoàn kinh tế của Trung Hoa (đại lục) để phục vụ cho mục tiêu của Đảng Cộng sản Trung quốc hay không? Nói cách khác, Trung Quốc – một siêu cường về kinh tế và quân sự, có thể sử dụng một công ty hay một tập đoàn của Đài Loan để làm vỏ bọc hay không? Để tìm hiểu điều này, chúng ta cần đi vào thực tế, chứ không thể chỉ suy luận bằng lý thuyết thuần túy.

Lời nói dối của Formosa

Trong những điều ông Vương Văn Tường nói với báo chí Việt Nam, có một câu đáng lưu ý:
“Khi đầu tư, Formosa đều mở thầu quốc tế, có doanh nghiệp Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tham gia. Cuối cùng chúng tôi đã chọn nhà thầu Trung Quốc có kinh nghiệm, hai khâu sản xuất quan trọng nhất trong nhà máy là luyện gang, luyện thép đều do Trung Quốc thiết kế, lắp ráp, thi công. Nhưng bên cạnh đó, gói thầu hút cát san nền doanh nghiệp Bỉ trúng thầu. Phần bảo dưỡng thiết bị Hàn Quốc trúng thầu, nhà máy luyện than cốc công ty Đài Loan trúng thầu...” (5).

Sự thật là như thế nào?

Ngày 2/12/2012 thường được coi là ngày chính thức khởi công xây dựng Nhà máy Thép Formosa Hà Tĩnh – hạt nhân trung tâm của Khu công nghiệp Formosa tại Vũng Áng. Người thay mặt Chính phủ Việt Nam đến dự lễ khởi công này là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Về phía Tập đoàn Formosa, có mặt Vương Văn Uyên – Chủ tịch Tập đoàn (6).

Ông Vương Văn Uyên (王文淵, còn được gọi là William Wong) là con trai cả của ông Vương Vĩnh Tại (王永在Wang Yung-tsai). Vương Vĩnh Tại (1921-2014) là em trai của Vương Vĩnh Khánh (王永慶Wang Yung-ching (1917-2008) người sáng lập Tập đoàn Formosa), thường được coi là “đồng sáng lập Tập đoàn Formosa”. Vương Vĩnh Khánh về hưu từ năm 2002 cho nên Vương Vĩnh Tại trở thành nhà “đại kiến trúc sư” của Khu công nghiệp hóa dầu tại Mạch Liêu – Vân Lâm, trong đó có Nhà máy Naphtha Cracker số 6 – tác nhân gây ô nhiễm môi trường lớn nhất tại Đài Loan. Vương Vĩnh Tại về hưu năm 2006 và chuyển giao tập đoàn cho một tập thể 7 người – trong đó hai người có thế lực nhất là Vương Văn Uyên – con trai Vương Vĩnh Tại, và Vương Thụy Hoa (王瑞華, còn được gọi là Susan Wang) – con gái của Vương Vĩnh Khánh (7).

Điều ít được công luận chú ý là: trước đó hai tháng, Công ty Formosa Hà Tĩnh (Formosa Ha Tinh Steel Corporation, FHS) đã chính thức ký kết với Tập đoàn MCC (Trung Quốc) – nhà thầu (contractor) chính của Dự án xây dựng Nhà máy Thép Tổng hợp Formosa Hà Tĩnh. Có hai nguồn tin liên quan đến việc ký kết này:

(1) Theo tin của Tập đoàn MCC, một buổi lễ ký kết Ý định thư (Letter of Intent) đã được tổ chức vào ngày 12/10/2012 tại trụ sở của MCC ở Bắc Kinh. Dựa theo nội dung của Ý định thư, ba công ty con của MCC là CISDI Group, CIE (Changtian International Engineering Corporation, Công ty Quốc tế Kỹ thuật Công trình Trường Thiên) và ACRE (ACRE Coking & Refractory Engineering Consulting Corp, Công ty Tư vấn Kỹ thuật về Luyện than coke và Vật liệu chịu lửa ACRE) sẽ lần lượt đảm nhiệm các dự án khác nhau của Công ty Formosa Hà Tĩnh, bao gồm: các lò cao (blast furnaces), lò nung lại (reheating furnaces), hệ thống nung kết (sintering system), các lò luyện than cốc (coke ovens), cung cấp trang thiết bị chủ yếu và mở các lớp huấn luyện liên quan đến ngành luyện sắt thép. Thành phần tham dự buổi lễ gồm có các nhân vật giữ các chức vụ quan trọng của cả hai phía: về phía Formosa Hà Tĩnh có Chủ tịch Lâm Tín Nghĩa (林信義Lin Xinyi / Lin Hsin-i), Tổng giám đốc Dương Hồng Chí (楊鴻志Yang Hongzhi / Yang Hung-chi); về phía MCC có Thẩm Hạc Đình (沈鶴庭Shen Heting) – Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn MCC; Chủ tịch Tiêu Học Văn (肖学文Xiao Xuewen) của CISDI Group, Chủ tịch Yi Shuguang của CIE và Chủ tịch Yu Zhendong của ACRE (8).

Hình 1: Lâm Tín Nghĩa – FHS (trái) gặp Thẩm Hạc Đình – MCC (phải) 12/10/2012

Điều đáng chú ý là theo định nghĩa, Ý định thư (Letter of Intent, LOI) là một văn bản tóm tắt các thành phần chính của một đề nghị kinh doanh, hoặc là một văn bản phác họa những kỳ vọng giữa khách hàng và nhà cung cấp, nhưng nhược điểm của loại văn bản này là không có sự ràng buộc về mặt pháp lý. Như vậy, phải chăng đó chỉ là một loại văn bản “bày tỏ ý định” không có tính ràng buộc mà Formosa Hà Tĩnh có thể chấm dứt bất cứ lúc nào?

(2) Thực ra, giữa hai bên đã có sự thỏa thuận ở mức độ cao hơn. Theo một bản tin của CISDI đề ngày 12/10/2012, thì vào ngày 10/10/2012 (tức là hai ngày trước đó) – cũng tại Bắc Kinh, đã có một buổi lễ ký kết hợp đồng giữa Formosa Hà Tĩnh và CISDI Group. Theo hợp đồng này, việc cung cấp các lò cao (BF, blast furnaces) và lò nung lại (Reheating Furnaces, RHF) của Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh sẽ được giao cho Công ty Kỹ thuật Công trình CISDI và Công ty Lò cao Công nghiệp CISDI trên cơ sở phương thức EPC (Engineering, Procurement and Construction). Hợp đồng này được ký bởi Xiao Xuewen (肖学文Tiêu Học Văn) – Chủ tịch của CISDI Group và ông Yang Hongzhi (楊鴻志Dương Hồng Chí / Yang Hung-chi) – Tổng giám đốc Formosa Hà Tĩnh. Tham dự buổi lễ có ông Lâm Tín Nghĩa 林信義Lin Xinyi / Lin Hsin-i – Chủ tịch FHS và ông Thẩm Hạc Đình 沈鶴庭Shen Heting – Phó chủ tịch của MCC (9).

Như chúng ta đã biết, EPC là một loại hợp đồng theo đó nhà thầu nhận tất cả các khâu: từ thiết kế kỹ thuật (engineering), mua sắm trang bị (procurement) cho đến xây dựng (construction). Bản tin này cũng nói rõ: CISDI sẽ bảo đảm cung cấp các lò cao và lò nung lại theo phương thức chìa khóa trao tay (turnkey).


Hình 2: Lễ ký kết hợp đồng EPC giữa FHS và CISDI (10/10/2012)

Hơn thế nữa, bản tin còn cho biết một điều quan trọng: ngay từ năm 2008CISDI đã cộng tác với Formosa từ khâu thiết kế kỹ thuật cho đến lập dự án khả thi.

Nói tóm lại, ngay từ khi được Chính phủ Việt Nam cho phép đầu tư vào Vũng Áng, Formosa đã tìm đến MCC và sau nhiều cuộc giao dịch, đặt trọn niềm tin vào MCC kể từ khâu thiết kế kỹ thuật, lập dự án khả thi, mua sắm thiết bị lẫn xây dựng nhà máy thép tổng hợp, v.v…

Hình 3: Thiết kế 3D của lò cao tại nhà máy thép FHS

Quá trình giao dịch giữa Formosa và MCC trước năm 2012

Như trên đã nói, Formosa đã giao dịch MCC thông qua các công ty con (vd: CISDI Group) ngay từ năm 2008. Nhưng những thông tin cụ thể về quá trình giao dịch này không được công bố rõ ràng, vì vậy chúng ta chỉ có thể tìm thấy một số thông tin về giao dịch giữa hai bên trước tháng 12 năm 2012 :

- Từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 10 năm 2011, ông Xiao Xuewen (肖学文Tiêu Học Văn) – Chủ tịch của CISDI, đã đến thăm Đài Bắc và gặp các ông Lâm Tín Nghĩa (林信義Lin Xinyi / Lin Hsin-i) và Ngô Quốc Hùng (吳國雄Wu Guoxiong / Wu Kuo-hsiung) – Chủ tịch và Tổng giám đốc của Formosa Ha Tinh Steel (FHS) để tiến hành các cuộc trao đổi tỉ mỉ về hợp tác trong các dự án đa dạng của FHS (10).

- Ngày 16/2/2012, Tổng giám đốc của Công ty Thép Formosa Hà Tĩnh là Dương Hồng Chí (楊鴻志Yang Hongzhi / Yang Hung-chi) đã dẫn một phái đoàn của Formosa đến thăm CISDI. Chủ tịch của CISDI là Tiêu Học Văn (肖学文Xiao Xuewen) và Tổng giám đốc là Yu Zhaohui tiếp các vị khách tại Biệt thự CISDI và đã giới thiệu với đoàn về sự phát triển của CISDI cũng như cơ cấu kinh doanh của công ty ở trong nước và ở hải ngoại, đồng thời bày tỏ lòng mong muốn phục vụ các dự án của FHS trong toàn bộ chu trình hoạt động của dự án và thăm dò những cơ hội hợp tác nhiều hơn với FHS (11).

Hình 4: Lâm Tín Nghĩa – FHS (trái) và Tiêu Học Văn – CISDI (phải) – tháng 10/2011


Hình 5: Phái đoàn của Formosa Hà Tĩnh đến thăm CISDI – tháng 2/2012


Những dẫn chứng trên đây cho thấy hai bên đã tìm hiểu nhau rất kỹ trước khi ký kết hợp đồng chính thức. Chính vì vậy mà chỉ hơn một tháng sau ngày ký kết chính thức, CISDI đã có chuyến hàng đầu tiên bằng đường tàu biển – liên quan đến các thiết bị và nguyên vật liệu để xây dựng hai lò cao số 1 và số 2 của Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh. Chuyến hàng này khởi hành từ Thượng Hải vào ngày 18/11/2012 (12).

Tất cả những sự kiện nói trên đều diễn ra trước ngày chính thức khởi công xây dựng Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh. Như vậy, những chuyện như “tổ chức đấu thầu quốc tế”, “chọn nhà thầu”, … thực ra chỉ là những màn kịch để che đậy, lừa bịp dư luận mà thôi. Trong thực tế, ngay từ năm 2008, khi được chính thức cho phép đầu tư vào Vũng Áng, Tập đoàn Formosa đã “chọn” Tập đoàn MCC của Trung Quốc làm nhà thầu chính trong việc xây dựng nhà máy thép tổng hợp (integrated steel mill) tại Vũng Áng. Mà nhà máy thép tổng hợp này mới là “hạt nhân trung tâm” của Khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh, tương tự như Nhà máy Naphtha Cracker số 6 là “hạt nhân trung tâm” của Khu công nghiệp hóa-dầu tại Mạch Liêu (huyện Vân Lâm, Đài Loan).

Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là ngay từ năm 2008, Formosa đã bắt đầu thực hiện dự án xây dựng một nhà máy thép không gỉ (stainless steel, thường gọi là inox) tại tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc). Nhà máy thép Fujian Fuxin (福建福欣, Phúc Kiến Phúc Hân) có số vốn đầu tư khoảng 1,3 tỷ đô-la với công suất 1,4 triệu tấn/năm, được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 đã hoàn thành vào giữa năm 2013, sản xuất hết công suất vào giữa năm 2014 và hiện đang chuẩn bị thực hiện giai đoạn 2. Về mặt kỹ thuật, Formosa đã dựa vào Công ty JFE Steel Corporation – một công ty con của JFE Holdings (Nhật Bản), nhà sản xuất thép lớn hàng thứ 5 trên thế giới. JFE Steel chính là công ty mà Formosa đã cố mời đóng góp 10% cổ phần vào giữa năm 2015, nhưng có lẽ vì thận trọng, JFE chỉ đồng ý góp 5% cổ phần vào Nhà máy thép Hà Tĩnh.

Tại sao khi đầu tư vào một nhà máy thép quy mô nhỏ tại Trung Quốc, Formosa dựa vào kỹ thuật của một công ty Nhật Bản mà khi đầu tư vào Việt Nam, với một công trình lớn hơn hàng chục lần, họ lại dựa vào một tập đoàn của Trung Quốc? Đây là một dấu hiệu cho thấy việc Formosa lựa chọn MCC làm nhà thầu chính có thể là một điều kiện để Formosa nhận được giấy phép thành lập Khu công nghiệp sắt-thép tại Vũng Áng với những ưu đãi đặc biệt. Theo nhận xét của nhiều chuyên gia, đó là những ưu đãi chưa có doanh nghiệp nước ngoài nào đã từng được hưởng tại Việt Nam kể từ khi quốc gia cộng sản nổi tiếng khép kín này mở cửa đi vào con đường “lợi dụng chủ nghĩa tư bản để xây dựng chủ nghĩa xã hội” – theo gương của nước láng giềng “Trung Hoa cộng sản”.

II. Nhận diện MCC

MCC là tên viết tắt của China Metallurgical Group Corporation (Công ty – Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc). Tên gốc của MCC là 中国冶金科工集团有限公司[Trung Quốc dã kim khoa công tập đoàn hữu hạn công ty]. Ngay trong tên gọi của công ty, chúng ta đã thấy từ 集团 (tập đoàn, group). Nói cách khác, công ty MCC là một công ty “mẹ” (parent company), trong đó có nhiều công ty “con”(subsidiary companies). Nhưng trong số các công ty con này, nhiều công ty cũng có tên gọi bao hàm từ tập đoàn (group). Vd: Công ty MCC5 có tên là MCC5 Group Corporation Limited (Shanghai). Chúng ta có thể hình dung cách hình thành các tập đoàn kinh tế thuộc sở hữu nhà nước tại Trung Quốc như sau : nhiều công ty họp thành “tập đoàn”, nhiều tập đoàn nhỏ họp thành tập đoàn lớn, và cứ thế …
Vài nét về MCC:

Theo dữ liệu tháng 8 năm 2009, Tập đoàn MCC là một tập đoàn lớn với tổng tài sản hơn 60 tỷ yuan (nhân dân tệ), tương đương 7,7 tỷ đô-la Mỹ (US$ 7.7 billion). Tập đoàn sử dụng 45 ngàn người có tay nghề và có tổng cộng 70 công ty con (sở hữu toàn phần hoặc sở hữu một phần). Từ năm 1999, tập đoàn tăng trưởng hàng năm trên 30% và đạt được doanh thu kỷ lục vào năm 2005, với con số 69,1 tỷ yuan, tương đương 8,8 tỷ đô-la Mỹ (US$ 8.8 billion). Ngoài các hoạt động trong nội địa, công ty còn mở rộng hoạt động ra hải ngoại – nhất là châu Á và châu Phi, và đã bắt đầu mở rộng qua phía châu Mỹ la-tinh và châu Đại dương.

Từ 2009 đến nay, tập đoàn phát triển khá nhanh. Năm 2015, theo đánh giá của tạp chí Fortune , trong số 500 công ty lớn nhất toàn cầu (Global 500), MCC được xếp hạng 326, với thu nhập 35,8 tỷ đô-la.

Hình 6: Logo của MCC: hàng trên là tên chính thức của tập đoàn, hàng dưới là tên “thị trường hóa”

MCC là một tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước. Vì vậy nó hoàn toàn khác với các tập đoàn tư nhân ở Trung Quốc, và cũng khác với các “doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước” (state-owned enterprise) ở các nước “tư bản”. Để hoạt động với dáng dấp của một công ty tư bản, MCC cùng với Tập đoàn Bảo Cương (Baosteel Group Corporation, thường gọi tắt là Baosteel) đầu tư thành lập một công ty con lấy tên là Metallurgical Corporation of China Limited vào năm 2008. Công ty này được niêm yết trên hai thị trường chứng khoán Thượng Hải và Hong Kong. Nhưng đó chỉ là cái vỏ bên ngoài. Trong thực tế, MCC vẫn là một công ty thuộc sở hữu Nhà nước và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của SASAC (State-owned Assets Supervision and Administration Commission, Ủy ban Giám sát và Quản trị các Tài sản Nhà nước) trực thuộc Quốc Vụ Viện (tức Chính phủ Trung Quốc).

Về tổ chức nội bộ, MCC chịu sự lãnh đạo của một Đảng bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc – đứng đầu là một Đảng ủy. Và đây là một danh sách tiêu biểu của Đảng ủy tập đoàn MCC (không ghi rõ thời điểm, có lẽ vào năm 2014 hoặc 2015) :

· Bí thư Đảng ủy : Quốc Văn Thanh (国文清 Guo Wenqing)
· Phó bí thư Đảng ủy: Trương Triệu Tường (张兆祥 Zhang Zhaoxiang)
· Phó bí thư Đảng ủy kiêm Thư ký Ủy ban Thanh Tra Kỷ luật: Đan Trung Lập (单忠立 Shan Zhongli)
· Các ủy viên Thường vụ Đảng ủy: (1) Vương Vĩnh Quang 王永光 WangYongguang (2) Lý Thế Ngọc 李世钰 Li Shiyu (3) Trương Mạnh Tinh 张孟星 Zhang Mengxing và (4) Tiêu Học Văn 肖学文 Xiao Xuewen

Vào đầu năm 2016, để đánh dấu “sự khởi đầu một giai đoạn lịch sử mới trong việc giáo dục đảng viên và cán bộ của Tập đoàn MCC”, MCC đã áp dụng “một biện pháp quan trọng nhằm thực hiện các yêu cầu của Trung ương Đảng về việc quản lý Đảng một cách toàn diện và chặt chẽ”, đó là : thành lập một Trường Đảng (Party School) dành riêng cho Tập đoàn MCC.

Như vậy, dưới lớp vỏ bọc của Tập đoàn Formosa – một doanh nghiệp tư nhân của Đài Loan, phía Trung Quốc (Trung Hoa Cộng sản) đã đưa vào Việt Nam một tập đoàn xây dựng luyện kim phục vụ cho các mục tiêu của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Có thể kể tên một số chi nhánh của Tập đoàn MCC tham gia xây dựng nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh: CISDI [CISDI Engineering Co., Ltd], CIE [Zhongye Changtian International Engineering Co., Ltd, Trung Dã Trường Thiên], ACRE [ACRE Coking & Refractory Engineering Technology Co., Ltd], MCC 19 [China 19th Metallurgical Corporation], MCC 5 [MCC5 Group Corporation Limited – Shanghai], MCC 20, Shanghai Baoye [Shanghai Baoye Group Corp., Ltd, Thượng Hải Bảo Dã].

Trong thực tế, MCC đã phân công một số dự án quan trọng nằm trong dự án tổng thể của Nhà máy Thép Formosa Hà Tĩnh cho các công ty con như sau:

- CISDI chịu trách nhiệm thiết kế và cung cấp các lò cao (blast furnaces) và các lò nung lại (reheating furnaces) cho Nhà máy Thép Tổng hợp Formosa Hà Tĩnh trên cơ sở EPC (thiết kế kỹ thuật, mua sắm thiết bị và lắp đặt-xây dựng). Việc xây dựng các lò cao và lò nung được giao cho Công ty China MCC 19, có trụ sở đặt tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Đây chính là đơn vị có mặt tại Vũng Áng lúc Trung Quốc điều động “giàn khoan Hải Dương 981” đến vùng biển Hoàng Sa của nước ta.

- Dự án Nung kết (sintering project) của nhà máy Thép Hà Tĩnh được giao cho công ty CIE (Trung Dã Trường Thiên) thiết kế và Shanghai MCC 5 chịu trách nhiệm lắp đặt và xây dựng. Shanghai MCC 5 đã lặng lẽ tổ chức lễ “động thổ” dự án này vào ngày 15/4/2013.

- Hai lò luyện coke (coke ovens) không phải “do một công ty Đài Loan trúng thầu” như ông Vương Văn Tường lừa dối báo chí Việt Nam mà trái lại, được giao cho công ty ACRE thực hiện việc thiết kế và cung cấp, còn việc lắp đặt, xây dựng được giao cho hai công ty MCC 5 và MCC 20 thi công.

Qua đó, chúng ta thấy vai trò chủ yếu trong việc thiết kế và xây dựng nhà máy thép thuộc về Tập đoàn MCC chứ không phải là những nhà thầu lẻ tẻ như báo chí thường trình bày.

Hiểu được bản chất của Tập đoàn MCC, chúng ta có thể dễ dàng giải đáp được câu hỏi: Tại sao hàng ngàn công nhân Trung Quốc có mặt tại Vũng Áng?

Báo chí chính thống của Việt Nam – luôn nằm dưới lưỡi kéo của Ban Tuyên giáo, thường gieo vào lòng người đọc cái cảm tưởng rằng công nhân Trung Quốc làm việc tại Vũng Áng là do Formosa hoặc do “các nhà thầu phụ” tuyển mộ. Thật ra, đại đa số công nhân Trung Quốc là do Tập đoàn MCC đưa sang với tư cách là “công dân Trung Quốc làm việc tại nước ngoài”. Đây mới là lực lượng lao động có tổ chức, có kỷ luật nhất.

Vào ngày 19 tháng 5 năm 2014, báo chí Trung Quốc đồng loạt đưa tin về cuộc “di tản” của các công nhân Trung Quốc trở về từ Vũng Áng, được miêu tả giống như một vụ “nạn kiều”. Hãy đọc thử các tiêu đề trên một số báo tiếng Anh tại Trung Hoa đại lục: “Thêm 4 ngàn kiều dân Trung Quốc sẽ di tản khỏi Việt Nam” (4,000 more Chinese nationals to be evacuated from Vietnam, China Daily), “Các nạn nhân của bạo lực Việt Nam trở về Trung Quốc” (Victims of Vietnam violence back in China, Shanghai Daily), “Trung Quốc tạm ngưng các kế hoạch trao đổi song phương với Việt Nam” (China suspends bilateral exchange plans with Vietnam, China Economic Net), v.v…

Điều nổi bật trên các trang báo này là các công nhân Trung Quốc làm việc tại Vũng Áng đều được gọi là kiều dân Trung Quốc (Chinese nationals), công dân Trung Quốc (Chinese citizens). Chính phủ và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đích thân can thiệp vào vụ việc này. Trong các bản tin, Quốc Văn Thanh (Guo Wenqing) xuất hiện với tư cách Tổng giám đốc (President) của China Metallurgigal Croup Corporation – tức là Tập đoàn MCC. Ông ta công khai thừa nhận hàng ngàn công nhân Trung Quốc là người của Công ty MCC 19 – một công ty con của tập đoàn MCC. MCC 19 được gọi là một “nhà thầu” xây dựng nhà máy thép (a contractor for construction of the plant). Thực ra, MCC mới là nhà thầu chính, còn MCC 19 chỉ là một đơn vị trong kế hoạch “tổng thầu” đã ký kết giữa MCC và Formosa.

Trách nhiệm của MCC trong thảm họa “Cá chết hàng loạt” tháng 4 năm 2016”


Vụ cá chết hàng loạt (mass fish death) tại bốn tỉnh miền Trung Việt Nam (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên) đã thật sự trở thành một thảm họa môi trường đối với Việt Nam. Thế nhưng nhà cầm quyền Việt Nam cũng như báo chí chính thống dường như chỉ nhắc đến trách nhiệm của Formosa. Một số bài báo “xé rào” nhắc đến vai trò của MCC đã ngay lập tức bị gỡ bỏ.

Nhưng MCC có trách nhiệm gì đối với thảm họa cá chết?

(1) Trước hết, căn cứ vào hợp đồng EPC (Engineering, Procurement and Construction) theo phương thức chìa khóa trao tay (turnkey) mà Formosa đã ký với MCC, MCC chỉ hoàn thành trách nhiệm khi bàn giao nhà máy thép cho Formosa. Đó là chưa kể đến trách nhiệm của MCC trong việc giúp Formosa bảo trì, sửa chữa thiết bị sau khi nhà máy chính thức đi vào hoạt động.

(2) Trong năm 2015, đã có hai cuộc gặp mặt quan trọng giữa Formosa và MCC:

- Ngày 23 và 24/4/2015, Chủ tịch MCC là Quốc Văn Thanh (国文清 Guo Wenping) đã viếng thăm Tập đoàn Formosa và gặp gỡ ba nhân vật quan trọng của tập đoàn này: Tổng giám đốc Vương Văn Uyên (William Wang) – Phó Tổng giám đốc Vương Thụy Hoa (Susan Wang) và Trần Nguyên Thành – chủ tịch của Công ty Thép Formosa Hà Tĩnh. Tại cuộc gặp mặt này, Quốc hứa sẽ bố trí một số nhân sự nòng cốt về kỹ thuật và xây dựng lưu lại Vũng Áng sau khi nhà máy đi vào hoạt động. MCC cũng sẽ chỉ thị cho Công ty Dịch vụ Kỹ thuật MCC Baosteel (MCC Baosteel Technology Services Co., Ltd) gửi các đội chuyên nghiệp giúp thành lập Công ty Dịch vụ MCC-FPG Thép Hà Tĩnh nhằm cung ứng các dịch vụ tiếp theo (follow-up services) như sản xuất, bảo trì, và phối hợp để bảo đảm cho nhà máy thép vận hành thông suốt.


Hình 7: Vương Văn Uyên – Formosa (trái) hội đàm với Quốc Văn Thanh – MCC (phải) / tháng 4-2015

Hình 8: Quốc Văn Thanh – MCC (trái) và Vương Thụy Hoa – Formosa (phải) / tháng 4 năm 2015

- Sáng ngày 19/8/2015 (ba tháng sau ngày Quốc Văn Thanh đến thăm tập đoàn Formosa), Trần Nguyên Thành (陳源成 Chen Yuancheng) đã dẫn một phái đoàn của Formosa Hà Tĩnh đến Bắc Kinh để gặp gỡ Chủ tịch kiêm Bí thư Đảng ủy của MCC là Quốc Văn Thanh. Tại cuộc họp này Quốc Văn Thanh hứa MCC sẽ tập trung các đội ngũ tốt nhất và các lợi thế mạnh nhất để cố gắng hoàn thành dự án Formosa Hà Tĩnh như đã dự kiến, tiếp tục tối ưu hóa bản thiết kế và xây dựng của nhà máy nhằm biến Formosa Hà Tĩnh thành một xí nghiệp thép quốc tế hàng đầu và là chuẩn mực của nền công nghiệp thép thế giới. Về phía Formosa, Trần Nguyên Thành trình bày tóm tắt về tình hình hiện tại của dự án Thép Hà Tĩnh tại Việt Nam và bày tỏ hy vọng rằng MCC sẽ tập trung lực lượng lao động, máy móc để nhà máy có thể đi vào hoạt động vào tháng 3 năm tới (2016) và làm cho nó trở thành một dự án mẫu mực về xây dựng và vận hành nhà máy thép ở Đông Nam Á hoặc cả trên phạm vi toàn cầu.

Như vậy, nội dung của hai cuộc họp nói trên đều phù hợp với hợp đồng EPC theo phương thức chìa khóa trao tay. Nói cách khác, trách nhiệm của MCC là phải giúp nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh đi vào hoạt động và bảo đảm các dịch vụ tiếp theo (follow-up services) như “sản xuất, bảo trì, và phối hợp nhằm bảo đảm nhà máy thép vận hành thông suốt”.

(3) Trong “lá thư của Trần Nguyên Thành gửi toàn thể cán bộ nhân viên công ty FHS” ngày 30/6/2016, có đoạn viết: “Đối với hiện tượng cá chết hàng loạt tại bốn tỉnh miền Trung vừa qua, theo kết quả điều tra của Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ tài nguyên và Môi trường chủ trì, nhận định rằng công ty trong giai đoạn vận hành thử, do những sai sót của các nhà thầu phụ gây ra cá chết. Mặc dù đây là một kết quả mà tất cả chúng ta đều không mong muốn, nhưng Công ty tôn trọng kết quả điều tra của Chính phủ”.

“Các nhà thầu phụ” mà ông Trần nói đến là những nhà thầu nào nếu không phải là các công ty con của MCC? Và như ông Trần đã nói, hiện tượng cá chết hàng loạt xảy ra “trong giai đoạn vận hành thử”, thì theo đúng phương thức EPC, “chìa khóa trao tay” (turnkey), trách nhiệm thuộc về cả MCC lẫn Formosa chứ không phải chỉ thuộc về một mình Formosa.

Nói tóm lại, cho đến tháng 4 năm 2016, MCC vẫn chưa bàn giao toàn bộ Nhà máy thép Hà Tĩnh cho Formosa. “Nghi phạm” của vụ cá chết hàng loạt bao gồm cả Formosa và MCC, chứ không chỉ có một mình Formosa. Việc Chính phủ Việt Nam vội vàng quy kết cho Formosa, vội vàng tuyên bố “đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh kẻ chạy lại”, nhanh chóng tha thứ cho Formosa và quyết định nhận tiền bồi thường 500 triệu đô-la phải chăng là để che đậy phần trách nhiệm của MCC? Bởi vì nếu nói đến trách nhiệm của MCC thì không thể không nói đến “trách nhiệm của Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam trong việc cho phép MCC trở thành nhà thầu chính của Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh”.

Theo nguồn tin của báo chí chính thống, hiện tượng “cá chết hàng loạt” tại các tỉnh miền Trung bắt đầu xuất hiện trong khoảng thời gian từ ngày 6 đến ngày 10/4/2016. Vào ngày 22/4/2016, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “đến thăm, thị sát tình hình sản xuất, tiến độ thi công một số công trình, dự án trọng điểm” – trong đó có “Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh”. Điều làm mọi người dân ngạc nhiên và thắc mắc là ông Tổng bí thư đã làm ngơ, không hề nhắc gì đến sự cố về sau được đánh giá là “thảm họa môi trường” lớn nhất trong lịch sử nước ta. Điều gì khiến cho ông Nguyễn Phú Trọng phải bối rối, kéo theo sự lúng túng của cả bộ máy Chính phủ lẫn bộ máy Đảng nếu không phải là “trách nhiệm của nhà thầu MCC” trong vụ xả thải làm cá chết hàng loạt?

Cho đến nay, hồ sơ về vụ “cá chết hàng loạt” vẫn chưa được công bố rộng rãi, khiến cho ngay cả các nhà khoa học cũng không thể xác định nguyên nhân và phạm vi ô nhiễm một cách chính xác, mà chỉ có thể tranh cãi với nhau dựa trên sự suy đoán. Ngay cả Quốc hội – một Quốc hội của Đảng do “đảng cử, dân bầu”, cũng không được phép thảo luận, chất vấn công khai. Cho nên khi người dân mất lòng tin vào các biện pháp xử lý của các cơ quan có thẩm quyền thì đó là do cách hành xử của của Đảng CS và Chính phủ, chứ không phải do sự tuyên truyền của “các phần tử xấu” hay “các thế lực thù địch” nào cả.

Điều làm cả thế giới ngạc nhiên là khi bà Tô Trị Phần (Su Chih-fen) – nghị sĩ thuộc Đảng Dân Tiến (DPP), từ Đài Loan sang khảo sát tình hình với tinh thần thiện chí, thì bà lại bị gây khó khăn vì những lý do rất khó hiểu. Trong cuộc họp báo tại Đài Bắc ngày 4/8/2016 vừa qua, bà cho biết ngay cả sau chuyến đi thăm Hà Tĩnh, nhóm của bà cũng không hiểu thêm được điều gì về sự cố ô nhiễm môi trường ngoài những gì mà các cơ quan truyền thông đã tường thuật. Mặt khác, bà nghi ngờ tính minh bạch của cuộc điều tra do chính phủ Việt Nam tiến hành. Bà Tô nói: “Chúng tôi không đạt được một kết luận dứt khoát về sự cố ô nhiễm”và : “Chính phủ Việt Nam buộc phải công khai hóa cuộc điều tra của họ.”

Như tôi đã giới thiệu qua bài viết “Bà nghị sĩ và Tập đoàn Formosa”, trong số các chính trị gia Đài Loan, bà Tô Trị Phần là người đấu tranh với Formosa kiên quyết nhất. Từ chối hợp tác với bà chẳng khác nào tự thú nhận “Chúng tôi là người bao che cho tập đoàn Formosa”!

III. Ý nghĩa và hậu quả của sự hợp tác giữa Formosa và MCC


- Trong cuộc họp với lãnh đạo của Tập đoàn Formosa (ngày 23 và 24/4/2015), Quốc Văn Thanh (Chủ tịch MCC) có nhắc đến các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Việt Nam năm 2014 và những việc làm của cả hai tập đoàn để xử lý cuộc khủng hoảng. Ông ta đánh giá cao sự quan tâm và phối hợp của Formosa, khen Formosa là một tập đoàn có “đẳng cấp quốc tế”, sẵn sàng chịu trách nhiệm, thể hiện “lòng yêu nước và tình cảm anh em đối với các công dân Trung Hoa ở đại lục”. Về phía Formosa, William Wang (Vương Văn Uyên) bày tỏ lòng biết ơn và thán phục khả năng của MCC trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình. Vương nhấn mạnh rằng cả hai bên sẽ cộng tác một cách chân thành nhằm bảo đảm hoàn thành dự án tại Hà Tĩnh theo đúng lịch trình và để chứng minh năng lực tầm cỡ thế giới của Trung Quốc trong ngành công nghiệp thép. Bà Susan Wang (Vương Thụy Hoa) phát biểu ý kiến cho rằng Dự án Thép Hà Tĩnh là “một mẫu mực (epitome) về sự hợp tác giữa Đài Loan và Trung Hoa đại lục”.[1]

Trong cuộc họp với Trần Nguyên Thành (Formosa Hà Tĩnh) ngày 19/8/2015, Quốc Văn Thanh lại nhắc đến “các cuộc biểu tình bạo động dữ dội và nghiêm trọng tại Việt Nam ngày 14 tháng 5 năm 2014” và ca ngợi sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bên, phản ánh những hình ảnh tốt đẹp nhất về “tinh thần trách nhiệm quốc tế” cũng như “tình cảm anh em vững chắc mà hai bên đã có với nhau như những đồng bào (compatriots)”. Về phía Formosa, Trần Nguyên Thành nhấn mạnh sự hợp tác giữa MCC và Formosa sẽ là “một hình mẫu của sự hợp tác giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục tại một địa điểm thứ ba”. [2]

Những ý kiến trên đây giúp chúng ta thấy rõ ý nghĩa của sự hợp tác Formosa-MCC:

- Về phía Trung Hoa đại lục, Quốc Văn Thanh ra sức tuyên truyền cho nguyên tắc “Một Trung Hoa” (One China 一个中国, nhất cá Trung Quốc), coi Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc. Những người đứng đầu tập đoàn Formosa do chịu ảnh hưởng từ quan điểm của Quốc Dân Đảng (KMT) nên cũng thừa nhận nguyên tắc “Một Trung Hoa”, mặc dù giải thích theo một hướng khác. Năm 2008, Mã Anh Cửu tuyên bố: dựa theo Hiến pháp của Trung Hoa Dân Quốc (THDQ), THDQ là một quốc gia có chủ quyền, nhưng Trung Hoa đại lục cũng là “một lãnh thổ của THDQ”. Nói cách khác, quan hệ giữa Đài Loan và Trung Hoa đại lục là quan hệ giữa hai vùng: “vùng Đài Loan” (Đài Loan địa khu) và “vùng đại lục” (Đại lục địa khu). [3] Chính là dựa vào quan điểm này mà Quốc Dân Đảng tiến hành ký kết Hiệp ước thương mại dịch vụ Xuyên-Eo-biển (Cross-Strait Service Trade Agreement, CSSTA) – một hiệp ước đã bị giới trí thức và nhân dân Đài Loan phản đối kịch liệt. Ngày nay, phần lớn người Đài Loan đều không chấp nhận nguyên tắc “Một Trung Hoa”, coi đó là một quan niệm lỗi thời; bằng chứng là hiện nay Quốc Dân Đảng chẳng những mất chức Tổng thống mà tại Viện Lập pháp, chỉ còn giữ được 35 trong tổng số 113 ghế.

- Sự hợp tác giữa Formosa và MCC là “hình mẫu” của sự hợp tác giữa một tập đoàn tư bản thân hữu (Formosa-Đài Loan) và một tập đoàn kinh tế quốc doanh-cộng sản (MCC-Trung Quốc) tại “một nước thứ ba”. Tập đoàn tư bản thân hữu Formosa chủ yếu chỉ quan tâm đến siêu lợi nhuận, tìm kiếm đặc lợi (rent-seeking), trong khi tập đoàn quốc doanh của Trung Quốc lại coi mục tiêu chính trị là hàng đầu, mục tiêu kinh tế được xếp xuống hàng thứ hai;

- Sự hợp tác Formosa-MCC chỉ nhằm phục vụ cho lợi ích của một nhóm nhỏ các nhà tư bản tại Đài Loan (chứ không đại diện cho lợi ích của nhân dân Đài Loan), nhưng đồng thời phục vụ cho lợi ích của Đảng CS và Nhà nước Trung Quốc. Vì vậy lợi ích của đất nước sở tại (Việt Nam) không phải là mối quan tâm hàng đầu của họ. Họ chỉ coi Việt Nam là một địa bàn thuận lợi để gây ảnh hưởng đến toàn khu vực Đông Nam Á.

Hậu quả của sự hợp tác Formosa-MCC

Kể từ khi từ khi Formosa chính thức bắt tay với MCC, sự hợp tác này đã dẫn đến hai sự kiện nghiêm trọng:

1) Vụ xung đột bạo động ngày 11/5/2014 tại Vũng Áng:

Ngày 2 tháng 5 năm 2014, Tổng công ty Dầu khí Ngoài Khơi Trung Quốc (China National Offshore Oil Corporation, CNOOC) đã điều động Giàn khoan nước sâu Hải Dương Thạch Du 981 (海洋石油981, Haiyang Shiyou 981, thường gọi tắt Hải Dương 981 hay HD-981) trị giá gần 1 tỷ đô-la vào hải phận của Việt Nam với mục đích chứng minh “chủ quyền của Trung Quốc tại quần đảo Tây Sa” (tức Hoàng Sa của Việt Nam). Vào lúc đó, MCC có hơn 4 ngàn công nhân đang làm việc tại Vũng Áng.

Nếu nhận thức được âm mưu của Trung Quốc là xâm lấn Biển Đông, thực hiện “Đường chín đoạn” (Đường lưỡi bò) thì sự có mặt của hàng ngàn công nhân Trung Quốc tại Vũng Áng đặt Việt Nam vào tình thế cực kỳ nguy hiểm, chẳng khác nào một thùng thuốc súng mà “người hàng xóm nham hiểm” đặt ngay trong nhà mình.

Như vậy, đáng lẽ phải ra lệnh cho công trường xây dựng nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh tạm thời đóng cửa và yêu cầu MCC rút toàn bộ số công nhân về nước ngay từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 đến vùng biển Hoàng Sa, đồng thời cho phép người dân được biểu tình một cách ôn hòa để phản ứng lại “hành động xâm lược” của nhà cầm quyền Trung Quốc, thì Đảng và Chính phủ Việt Nam lại làm ngược lại. Một mặt, họ tìm mọi cách ngăn cản không cho phép người dân biểu tình (dù là biểu tình ôn hòa), trong khi vẫn điềm nhiên cho phép hàng ngàn công nhân Trung Quốc tiếp tục hoạt động tại Vũng Áng. Hậu quả là vào ngày 11/5, các cuộc biểu tình ôn hòa chống Trung Quốc nổ ra tại các thành phố lớn thì chỉ ba ngày sau đó, những cuộc biểu tình bạo động đã xảy ra trước sự “bất lực” (hoặc “án binh bất động”?) của bộ máy công an vốn nổi tiếng “giỏi” đàn áp và kiểm soát người dân. [4]

Sau vụ bạo động gây thương vong ngày 14/5/2014, MCC tiến hành rút số công nhân đang làm việc tại Vũng Áng về nước. Vào ngày 19 tháng 5 năm 2014, báo chí Trung Quốc đồng loạt đưa tin về cuộc “di tản” của các công nhân Trung Quốc từ Vũng Áng, được miêu tả giống như một vụ “nạn kiều”. Phía MCC công bố sự thiệt hại và đòi bồi thường, tiếp đó là ông Lâm Tín Nghĩa (chủ tịch FHS) cũng lớn tiếng đòi bồi thường.[5] Kết quả là vào ngày 28/8/2014, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phải xuống nước bằng cách gửi ông Lê Hồng Anh, ủy viên Thường trực Bộ Chính trị sang Bắc Kinh với tư cách “đặc phái viên” nhằm đàm phán, xin lỗi và hứa bồi thường cho những thiệt hại mà các cuộc bạo động gây ra cho MCC và Formosa.

Hình 9: Ông Lê Hồng Anh (trái) – đặc phái viên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, bắt tay ông Lưu Vân Sơn (phải) - đại diện Thường vụ Bộ CT ĐCSTQ ngày 27/8/2014

Nhìn vào tấm ảnh chụp kèm theo đây (hình 9), chúng ta thấy rõ gương mặt hớn hở của ông Lưu Vân Sơn (劉雲山 Liu Yunshan) - ủy viên Ban Thường vụ Bộ chính trị ĐCSTQ, thể hiện sự hài lòng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc trước kết quả đạt được của cuộc ra quân lần đầu của giàn khoan HD-981. Hết sức tương phản là bộ mặt buồn xo của ông Lê Hồng Anh (ủy viên Bộ CT, Thường trực Ban bí thư) - đặc phái viên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ngày nay nhìn lại, chúng ta thấy có sự trùng hợp lạ lùng giữa quá trình chuẩn bị ra đời Giàn khoan nước sâu HD-981 và lịch trình xây dựng nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh:

- Dự án xây dựng Giàn khoan nước sâu HD-981 được thực hiện trong thời gian 2007-2010[6], và đó cũng là thời gian Formosa và MCC tiến hành giao dịch để “hợp tác” xây dựng Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh;

- Giàn khoan HD-981 hoàn thành vào tháng 5 năm 2011, cũng trùng với thời gian hoàn thành công tác chuẩn bị thiết kế, lập dự án khả thi Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh;

- Ngày 9 tháng 5 năm 2012, Tập đoàn CNOOC đưa giàn khoan HD-981 vào hoạt động lần đầu tiên tại một địa điểm cách Hong Kong 320 km về phía đông-nam, với độ sâu 1.500 m. Năm tháng sau (tháng 10 năm 2012), Formosa Hà Tĩnh và MCC chính thức ký hợp đồng xây dựng nhà máy thép tổng hợp (integrated steel plant) tại Vũng Áng.

Điều đáng chú ý là ngay từ tháng 5 năm 2012, trước một cử tọa đông đảo tại trụ sở của Tập đoàn CNOOC tại Bắc Kinh, Chủ tịch của CNOOC lúc đó là Vương Nghi Lâm (王宜林 Wang Yilin) đã tuyên bố: “Các giàn khoan nước sâu quy mô lớn là những lãnh thổ quốc gia di động và là một thứ vũ khí chiến lược”.[7] Điều này bộc lộ ý đồ của Trung Quốc sẽ đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển đang tranh chấp với Việt Nam và một số nước khác.

Chúng ta không thể không đặt câu hỏi: tại sao Formosa đưa MCC vào Vũng Áng – một địa điểm có tính chất chiến lược gần như đồng thời với việc xây dựng giàn khoan nước sâu HD-981 nhằm thực hiện mục tiêu xâm lấn ở Biển Đông mà các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn không hề cảnh giác? Tại sao các vị chỉ biết nâng cao cảnh giác với các “thế lực thù địch” (mà phần lớn là các lực lượng trung kiên chống chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc để bảo vệ độc lập dân tộc) trong khi không hề có chút đề phòng đối với những hành động tiếp tay cho âm mưu xâm lược từ phía Trung Quốc?

Cuối cùng thì Việt Nam – nạn nhân của trò xâm lược quỷ quyệt của Trung Quốc, đáng lẽ phải được bồi thường, được xin lỗi vì bị “nước láng giềng xấu tính” đem giàn khoan khổng lồ xâm phạm chủ quyền, lại phải xin lỗi và bồi thường, đồng thời khẩn khoản mời “quý công nhân” của MCC trở lại Việt Nam (với số lượng có lúc còn lớn hơn).

Lỗi lầm này là do ai? Cho đến nay vẫn chưa thấy quan chức tuyên giáo hay nhà sử học chính thống nào nhắc đến.

2) Thảm họa “cá chết hàng loạt” tháng 4 năm 2016:

Trong những tháng gần đây, thảm họa “cá chết hàng loạt” (mass fish death) tại 4 tỉnh miền Trung luôn là đề tài sôi động trên mạng Internet và báo chí – kể cả lề trái và lề phải.

Qua phát biểu của các nhà lãnh đạo Đảng và Chính phủ cũng như dư luận báo chí chính thống, có hai chủ đề được bàn cãi nhiều nhất. Đó là việc địa phương “cấp phép 70 năm” cho Formosa Hà Tĩnh (sai luật lệ hiện hành) và trách nhiệm cá nhân của ông Võ Kim Cự - nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, hiện nay là Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14, thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ông Cự thuộc một thế hệ cán bộ xuất thân từ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đi lên từ Huyện đoàn huyện Cẩm Xuyên (xem “Võ Kim Cự”, Wikipedia tiếng Việt).

Như phần trên đã phân tích, trách nhiệm trong vụ “cá chết hàng loạt” tại 4 tỉnh miền Trung không chỉ là trách nhiệm của Formosa Hà Tĩnh mà còn là trách nhiệm của nhà thầu chính - Tập đoàn MCC. Vì vậy, có một vấn đề còn lớn hơn vấn đề “cấp phép 70 năm – làm sai luật”. Đó là “trách nhiệm trong việc cấp phép cho Formosa đầu tư xây dựng Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh trong khi chưa điều tra kỹ về lai lịch, thành tích phá hoại môi trường của tập đoàn này”, và kèm theo đó là “trách nhiệm trong việc cho phép MCC trở thành nhà thầu chính”.

Nếu không có “yếu tố Trung Quốc” (MCC), vụ cá chết hàng loạt chỉ là vấn đề môi trường và nạn tham nhũng; nhưng có thêm “yếu tố MCC”, vấn đề này còn có tính chất chính trị, bởi vì nó liên quan trực tiếp đến vận mệnh của dân tộc, sự tồn vong của đất nước. Nếu nói rằng “70 năm là không phù hợp”, vậy thì “thời hạn 50 năm” có đủ để biến đất nước ta trở thành một phiên thuộc của đế quốc Đại Hán thời hiện đại hay không?

Có một điều cực kỳ nghịch lý không thể chấp nhận: trong lúc Việt Nam đang phải đấu tranh với Trung Quốc một cách gay gắt về chủ quyền tại khu vực Biển Đông thì một số nhà lãnh đạo của Đảng và Chính phủ lại đồng ý cho phép MCC làm nhà thầu chính, và trong thực tế đã cho phép hàng ngàn công nhân Trung Quốc vào làm việc ở Vũng Áng - một vị trí có ý nghĩa chiến lược cả về kinh tế lẫn quân sự. Cần nhấn mạnh một điều: trong khi Trung Quốc một mặt dùng sức mạnh quân sự để lấn chiếm Biển Đông, thì bất cứ quan hệ kinh tế, thương mại, văn hóa nào có “yếu tố Trung Quốc” đều không thể coi là “thuần túy kinh tế”hay “thuần túy văn hóa”.

Từ đó có hai câu hỏi lớn được đặt ra:

(1) Trách nhiệm trong vụ Formosa phải chăng chỉ liên quan đến một mình ông Võ Kim Cự?

Nếu xem tiểu sử của ông Võ Kim Cự, chúng ta thấy ông không phải là “người đứng đầu tỉnh Hà Tĩnh” trong thời gian từ 2007 đến tháng 2 năm 2015, vì ông Cự chỉ là Chủ tịch UBND Tỉnh Hà Tĩnh. Người đứng đầu tại tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian đó là ông Nguyễn Thanh Bình - Bí thư Tỉnh ủy. Qua tiểu sử của nhà “chính khách” này, chúng ta được biết ông xuất thân từ Đoàn Thanh niên CS HCM (cũng từ Huyện đoàn Cẩm Xuyên), trở thành Bí thư Tỉnh ủy vào tháng 6 năm 2007, và là “người đầu tiên tại Việt Nam trúng cử chức Bí thư Tỉnh ủy theo phương thức đại hội bầu trực tiếp” (xem “Nguyễn Thanh Bình”, Wikipedia tiếng Việt).

Như vậy, lập luận cho rằng “việc mời Formosa vào Hà Tĩnh, cho phép hàng ngàn công nhân Trung Quốc vào làm việc tại Vũng Áng, tự ý cấp phép 70 năm, v.v… là trách nhiệm của ông Võ Kim Cự” là một lập luận không có căn cứ thực tế. Bởi một lẽ đơn giản mà ai cũng biết là: ở Việt Nam, người đứng đầu một tỉnh là ông Bí thư Tỉnh ủy chứ không phải ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tỉnh. Những ai đã từng làm việc trong bộ máy Nhà nước tại Việt Nam đều biết: người ký văn bản chưa hẳn đã là người quyết định, và người quyết định thường không đặt bút ký – nhất là các văn bản được công bố rộng rãi. Với cung cách “lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách” cho đến nay vẫn còn được duy trì tại Việt Nam, nếu đưa ông Võ Kim Cự ra làm “con dê tế thần”, e rằng không thể thuyết phục được ai.

Nhưng tại sao lại quy trách nhiệm cho một mình ông Võ Kim Cự? Phải chăng là vì hiện nay ông Nguyễn Thanh Bình đang giữ chức Phó ban thường trực của Ban Tổ chức Trung ương Đảng? Và hơn thế nữa, ông Bình lại là một nhân vật tiêu biểu, là vị “bí thư đầu tiên trúng cử theo phương thức đại hội bầu trực tiếp” – thể hiện một thành tích “dân chủ hóa tột bực” dưới sự lãnh đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Võ Kim Cự được chọn làm “con dê tế thần” phải chăng là để bảo vệ uy tín của ông Tổng bí thư, bảo vệ thành quả của một phương thức bầu cử “dân chủ đến thế là cùng”?

Hình 10: Ông Nguyễn Thanh Bình, tân Phó ban Tổ chức Trung ương tặng hoa chúc mừng ông Võ Kim Cự được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh

(2) Tân Thủ tướng có thật sự chỉ đạo quyết liệt vụ Formosa gây ô nhiễm môi trường biển?

Mặc dù trong thời gian gần đây, giới truyền thông chính thống đã thổi lên cụm từ “chỉ đạo khẩn trương”, “chỉ đạo quyết liệt” để ca ngợi phong cách làm việc của “Tân Chính phủ” trong việc xử lý vụ “ô nhiễm môi trường biển”, chúng ta thấy việc xử lý vụ Formosa có những dấu hiệu không bình thường:

- Cho đến nay, hồ sơ về “vụ cá chết hàng loạt tháng 4 năm 2016” vẫn chưa được công bố để các nhà khoa học tự do thảo luận hầu tìm ra cách khắc phục hiệu quả;

- Chính phủ và ngành tư pháp hầu như không tạo điều kiện cho người dân được quyền “kiện Formosa”, vì vậy các nạn nhân của thảm họa ô nhiễm môi trường biển không biết làm cách nào để đòi bồi thường thiệt hại;

- Chưa rõ môi trường biển bị ô nhiễm thế nào, phải khắc phục ra sao, chưa rõ có bao nhiêu cư dân bị thiệt hại, tốn bao nhiêu tiền để ổn định cuộc sống của họ, mà đã vội vàng quy định tiền bồi thường là “500 triệu đô-la”;

- Gần đây nhất là việc “Tổng cục Thuế miễn và hoàn thuế cho Formosa hơn 10 ngàn tỷ đồng”, theo bà Phạm Chi Lan là “tương đương với gần 500 triệu đôla, gần như bằng với số tiền mà Formosa chấp nhận bồi thường ban đầu cho sự cố môi trường mà họ gây ra" [8];

Những dấu hiệu đó cho thấy việc xử lý “vụ Formosa” có rất nhiều điều khuất tất. Tại sao như thế? Phải chăng Tân Thủ tướng là người có vấn đề?

Trong lúc truy tìm thông tin từ các trang mạng nội bộ của các công ty Trung Quốc (nhất là của MCC), tình cờ người viết tìm thấy một bản tin nội bộ của MCC đề ngày 3/5/2013 [9] có nội dung như sau:

“Vào ngày 28/4/2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu một phái đoàn đến kiểm tra công trường xây dựng lò cao (blast furnace) của nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh, tại đây ông đã tìm hiểu về tiến độ thực hiện dự án, việc tuyển dụng lao động và một số thông tin khác. Cùng đi có ông Nguyễn Thanh Bình (Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh) và ông Võ Kim Cự (Chủ tịch UBND Tỉnh Hà Tĩnh).

Hình 11: Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang say sưa tìm hiểu về các lò cao luyện thép 

Hình 12: Phái đoàn nhiều nước viếng thăm địa điểm làm việc của MCC 19

Trong cuộc thanh tra này, ông Phó Thủ tướng sau khi tìm hiểu chi tiết về công trình xây dựng lò cao, đã đánh giá cao năng lực thực hiện của Công ty MCC 19. Nhân dịp này, ông đã công bố kết quả đánh giá (tháng 4) do Ủy ban An toàn, Bảo vệ sức khỏe và Môi trường của tỉnh Hà Tĩnh thực hiện đối với tất cả các xí nghiệp trong vùng, theo đó công trình xây dựng lò cao của nhà thầu MCC 19 được xếp hạng 1.

Ngoài phái đoàn kiểm tra này, chỉ một ngày trước đó, một phái đoàn đông đảo gồm hơn 60 quan chức và đại diện các xí nghiệp do tỉnh Hà Tĩnh mời từ Thái Lan, Lào, Singapore, Nhật Bản, Nga, đã thực hiện một cuộc viếng thăm công trường xây dựng nhà máy thép của MCC.”


Có lẽ chỉ cần đọc qua bản tin này, độc giả cũng có thể hiểu được tại sao Tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không thể “chỉ đạo khẩn trương”, mà cũng không thể “chỉ đạo quyết liệt” việc xử lý thảm họa môi trường do Formosa gây ra.

Thay lời kết

Lâu nay vẫn có một luồng dư luận cho rằng việc cấp phép cho Formosa (Đài Loan) vào Vũng Áng là do một số nhân vật có chức có quyền “chạy theo lợi ích cá nhân, lợi ích của phe nhóm”, nói chung là do phái lợi ích. Nhưng nếu đúng như thế thì phái chính thống - với quyết tâm đánh phái lợi ích để làm trong sạch Đảng, tại sao không hăng hái xử lý vụ việc để lấy lại lòng tin trong nhân dân? Mặt khác, việc đưa hàng ngàn công nhân Trung Quốc vào làm việc ở một khu vực có tính chất chiến lược cả về kinh tế lẫn an ninh-quốc phòng, phải được quyết định từ một cấp rất cao – và người đứng đầu Chính phủ (Thủ tướng) không thể quyết định nếu không có sự đồng ý của người đứng đầu Đảng (Tổng bí thư). Đó chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa một chế độ hậu-toàn trị (Post-totalitarianism) với một chế độ độc tài quyền uy khép kín (Closed Authoritarianism).

Trong vụ việc này, để có thể đưa ra quyết định, có lẽ phải có sự đồng thuận từ cả hai phía: “phái lợi ích” đưa Formosa vào Vũng Áng có thể là vì lợi ích của cá nhân, của phe nhóm, còn “phái chính thống” thì đồng ý với điều kiện Formosa phải chọn nhà thầu Trung Quốc. Cách lý giải này xem ra phù hợp với thực tế hơn cả.

Xu hướng hiện nay của Đảng CS và Chính phủ Việt Nam là “cho phép Formosa Hà Tĩnh tiếp tục được tồn tại”. Đây là một quyết định có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, có liên quan đến kế hoạch “Một vành đai, một con đường” (一带 一路 Nhất đái, nhất lộ) – một sáng kiến chiến lược đầy tham vọng mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã khởi xướng vào năm 2013, nhưng thực ra đã được chuẩn bị kỹ càng từ nhiều năm trước.

Để có thể hiểu được ý nghĩa thật sự của quyết định này, có lẽ cần phải đặt nó vào một bối cảnh rộng lớn hơn, có liên quan đến quan điểm chiến lược của cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ trên phạm vi toàn thế giới cũng như khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Điều này vượt ra khỏi khuôn khổ của bài viết, xin dành lại để thảo luận vào một dịp khác.

Mai Thái Lĩnh
Đà Lạt, 12.08.2016