"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Tìm kiếm kho tàng, viên ngọc: Nước Trời


Hằng năm cứ vào ngày 31 tháng 7 Giáo Hội mừng kính Thánh Ignatiô Loyola, Linh mục Ignatiô sinh năm 1493 tại Lôyôla miền Cantabria nước Tây Ban Nha trong một gia đình giầu sang, phú quí và đầy thế giá. Lớn lên như mọi chàng trai trong nước Tây Ban Nha lúc đó mang ý chí anh hùng, Ignatiô đã nhập ngũ và bị thương khi quân đội Tây Ban Nha giao tranh với quân đội Pháp ở Pampelune 

Năm 1523. Thời gian nằm bệnh viện dưỡng bệnh lâu dài tiếp theo sau đó, không có sách vở gì khác, Ignatiô dùng thời gian để đọc hạnh các thánh. Gương mẫu đời sống các thánh đã thúc giục Ngài:” Hãy bỏ mọi sự mà theo Chúa Giêsu”, Ngài tự hỏi - Tôi có phải thực hiện điều mà thánh Phanxicô và Dominico đã làm chăng?

Ơn trên thúc đẩy, Ignatiô bắt đầu khám phá ra mầu nhiệm nước trời trong ơn gọi của mình, Ngài đã bỏ thanh kiếm quí tộc của mình ở bàn thờ Đức trinh nữ Maria tại Mont-Serrat. Thánh nhân sống một đời sống họa lại tình yêu của Chúa Giêsu, Ngài đã sống khó nghèo như một người ăn mày, Ngài đã viết nhiều sách rất có giá trị về mặt đạo đức và thiêng liêng. Cùng với các cộng sự viên Ngài sáng lập Dòng Chúa Giêsu tức là Dòng tên châm ngôn của dòng là: "Tất cả cho vinh danh Chúa hơn".
Ignatiô thường cầu nguyện, "Xin ban cho con tình yêu và ơn thánh Chúa, thế là con giầu rồi, con không xin gì nữa".

Thánh Ignatiô gợi cho chúng ta hình ảnh Người làm vườn tìm thấy kho tàng trong Tin Mừng : muốn sở hữu thửa ruộng mà anh khám phá có kho báu trong đó. Anh vui mừng làm tất cả kể cả bán những gì anh có, để mua cho bằng được thửa ruộng hay như người thương gia làm tất cả để có được viên ngọc quý.

Chàng trai Ignatiô trước đây giàu sang quý tộc, danh giá, của cải và quý giá đã từng gắn bó với anh, nhưng một khi khám phá ra được kho tàng nước trời, tất cả phù hoa chẳng đáng giá gì nếu so với kho báu : mầu nhiệm nước Trời. Vì thế, như người Thương Gia chọn lựa và biết thẩm định giá trị của viên ngọc, anh mạnh dạn bán tất cả để có được kho báu nước Trời, hy sinh tất cả những gì mình có, anh lãi được cả nước Trời.

Thật thế kho báu - viên ngọc mà Chúa Giêsu nói trong dụ ngôn người làm vườn tìm thấy kho báu, và người thương gia tìm mua viên ngọc, đó là hình ảnh ẩn dụ của Nước Trời. Tiền tài, danh vọng và tất cả mọi sự ở thế gian này cộng lại cũng không thể so sánh với Nước Trời. Ai muốn chiếm hữu hay muốn vào phải có lòng ước ao, dứt khoát đánh đổi tất cả như Dụ ngôn nhấn mạnh về nhân vật thương gia “ông bán tất cả những gì mình có” (Mt 13, 44.46). Điểm nhắm trung tâm của các dụ ngôn chính là Nước Trời; Nước Trời cao trọng hơn bất cứ tài sản nào

Nước Trời là một điều thiện hảo được đặt vừa tầm tay mọi người và tất cả được mời gọi bước vào, nhưng không phải tất cả đều “tìm thấy” Nước Trời, vì không phải mọi người đều khao khát đi tìm kiếm. Thật thế tìm kiếm với sự khao khát là điều kiện thiết yếu để có thể gặp được Nước Trời (x. Mt 10,39; 12,29; 17,14; 18,13).

Con người sống trên trần thế luôn khát vọng trong toàn mỹ, tuyệt đối, hạnh phúc đó là sự khát vọng tự nhiên. Nhưng con người đã không thể thỏa mãn được các khát vọng đó. Con người mong bình an nhưng vẫn còn đó lo sợ. Con người mong luôn khoẻ mạnh vui tươi nhưng lại có thể bị đau bệnh bất cứ lúc nào. Thành công nhiều nhưng thất bại cũng không thiếu. Nước Trời sẽ làm cho con người vượt lên trên những khắc khoải lo âu đó, Tin Mừng đã dùng hình ảnh: “Ngài đi khắp các nơi… loan báo Tin Mừng về Nước Trời, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân” (Mt 4, 23), hình ảnh chữa lành của lời rao giảng Nước Trời nói lên mọi nỗi khắc khoải lo âu bệnh tật của con người được Tình yêu Thiên Chúa chữa lành, đó là sự hoàn thiện của Nước Trời.

Cho nên cuộc đời người kitô hữu là một cuộc tìm kiếm Thiên Chúa và nước Ngài không ngừng ), đó là kho tàng vô tận, được bình an và sự nghỉ ngơi đích thực như thánh Augustinô: "linh hồn con mãi khắc khoải, băn khoăn, cho đến khi nghỉ an trong Chúa" Chính Thiên Chúa sẽ thỏa mãn mọi khao khát của kiếp người; sẽ đem lại một niềm vui dạt dào cho những ai hết lòng tìm kiếm Người.

Trong thực tế ngày hôm nay, dù tuyên xưng vào Chúa và mang niềm tin tìm kiếm Nước Trời, người kitô hữu vẫn mê mải tìm kiếm vật chất mà quên đi những giá trị của Nước Trời, anh em tín hữu vẫn còn nhiều lo lắng mọi sự thế gian: làm tất cả để giàu, để đẹp, chính vì mải mê đó mà quên đi những thực tại quê trời tìm kiếm. Người tín hữu hôm nay vẫn còn đặt tất cả mọi lo toan, lo lắng, quên Đức Kitô và nước ngài như thánh Augustino đã nhìn thấy trong cách sống con người: “Chúa Giêsu không đáng giá chút nào, nếu Ngài không được coi trọng hơn tất cả” . Phải chăng Chúa Giêsu không phải kho tàng, Nước Trời mà Ngài rao giảng không có giá trị gì với chúng ta chăng?

Chúa Giêsu đã hứa với những ai dành trọn tâm cho việc tìm kiếm nước Chúa: “Trên hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6, 33). Vâng, bạn để tâm hồn mình định hướng tìm kiếm nước Thiên Chúa, mình sẽ có được tất cả, vì nước Thiên Chúa mà bạn tìm được sẽ chiếm hữu bạn. Chính lúc đó, bạn sẽ cảm nghiệm được hạnh phúc có Nước Trời, Nước Trời bắt đầu ở trong tâm hồn của bạn như lời nguyện Giáo Hội xác định: "Và cho chúng con được nếm trước những ân huệ Cha sẽ ban cho chúng con ở đời sau" (Lời tiền tụng các thánh Trinh Nữ và các thánh Tu Sĩ) và nhu thánh Phaolô xác tín: "bởi lẽ chính tôi đã được Đức Kitô Giêsu chiếm đoạt"(Pl 3,12)
Xin cho con xác định được đời mình luôn nỗ lực đi tìm kiếm Nước Trời: Ðánh đổi tất cả để chiếm lấy như hình ảnh viên ngọc quí nằm dưới lòng đất sâu.
"Hãy tìm kiếm, hãy đào bới!
Có thể anh không tìm thấy gì
Trong lần đầu tiên,
Có thể những người không biết gì về bí mật
sẽ cười nhạo anh làm anh buồn phiền.

Hãy cố gắng và kiên nhẫn,
Chính niềm tin sẽ trợ giúp anh.
Cứ tìm, cứ tìm mãi
Dưới bề sâu trong lòng đất."

(Swâmi Paramanandan)
Đó là sự lao xao cần có và cần tìm đến, không biết có phải sự lao xao bằng hình ảnh mà Nguyễn Bỉnh Khiêm nói tới:
"Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn người tìm chốn lao xao…"


Lao xao trong tâm với ước mong luôn tìm kiếm kho tàng, ngọc quý - nước Trời….

Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn