Phục vụ nổi bật hơn cả là tinh thần trách nhiệm. Trách nhiệm
trước tiên nằm trong trách vụ mà mình được giao phó. Điều gì thuộc về trách
nhiệm của mình đòi hỏi chúng ta phải quyết liệt hy sinh, cho dù sự hy sinh đó
xem ra có vẻ quá lớn lao đang khi kết quả của nó quá nhỏ bé và không chắc chắn.
Tuy nhiên chúng ta phải xét tính cách giá trị của nó trước cái nhìn của Chúa
chứ không xét theo thành quả trước sự đánh giá của người đời.
Cử chỉ người chăn chiên lặn lội đi tìm một con chiên lạc
trong tổng số 100 con chứng minh cho chúng ta thấy điều đó. Chúng ta luôn
ưa thích những thành quả lớn lao và dễ dàng đang khi tinh thần trách nhiệm thì
nhiều khi rất khó khăn và thành quả rất âm thầm. Nhưng đó lại là điều biểu
hiện tấm lòng nhân hậu mà Chúa ưa thích nhất. Cũng vậy, chúng ta luôn ưa chuộng
và chạy theo số đông mà bất chấp những cá nhân nhỏ bé, nhất là những cá nhân sa
lạc và làm trì trệ đời sống cộng đoàn. Điều này đi ngược lại với tinh thần
trách nhiệm của Đức Giêsu Kitô: Chúa đến cho mọi người nhưng Ngài cũng tha
thiết sống cho từng con người, nhất là những người hèn mọn và tội lỗi. Trong
tinh thần trách nhiệm chúng ta cần xét theo ý Chúa chứ không phải ý người ta.
Vì thế phục vụ trước tiên là phục vụ chính Chúa, Đấng đảm nhiệm mọi ý
nghĩa và giá trị của công việc chúng ta làm để đưa nó vào chương trình cứu độ
của Ngài.
Trong tinh thần trách nhiệm cũng cần phải luôn biết rằng,
mình phục vụ và người khác cũng đang phục vụ. Sự phục vụ trong vai trò của
chúng ta không được làm hư hại hay hạ thấp sự phục vụ của người khác. Giá trị
của phục vụ không nằm trong công việc lớn nhỏ, trong vai trò hay chức vụ, nhưng
nằm trong tâm tình, ý hướng và cách thái của người phục vụ. Sự phục vụ
chân chính trong tinh thần trách nhiệm bao giờ cũng đòi hỏi một sự tế nhị,
nhường bước để tạo được hoà khí sinh động, bình đẳng và bổ túc cho nhau trong
mọi công việc. Phục vụ mà gây ra bất an, hổn loạn và hư hại cho người khác
thì quả là sự phục vụ bất chính.
2. Hai là tinh thần
liên đới
Câu chuyện người Samaritano tốt lành trước cảnh người khác
bị trấn lột cho ta thấy rằng có những sự việc xảy ra ngoài trách nhiệm của
chúng ta, nhưng đòi buộc chúng ta phải xả thân phục vụ vì nó nằm trong tinh
thần liên đới. Không ai có quyền sống riêng cho mình nhất là khi đứng trước
tình cảnh khó khăn và đau khổ của người khác. Đó là chân lý trong lẽ sống làm
người, huống chi đối với chúng ta là những người coi mọi người như anh em với
nhau vì cùng là con của một Cha trên trời và đang hướng tới sự hoàn thiện như
Ngài. Người Samaritano khi đứng trước một người cần cứu giúp, anh ta không hề
tính toán xem mình có trách nhiệm hay không, anh ta cũng không hề nghĩ đến sự
cách biệt chủng tộc, tôn giáo, chức vụ, nghề nghiệp, xấu tốt, người thân hay kẻ
thù. Anh ta chỉ biết xả thân phục vụ một con người đang khốn đốn trong tinh
thần liên đới. Tinh thần liên đới đòi buộc anh ta phải phục vụ dù biết rằng
phải hao tốn nhiều công sức và tiền bạc, làm trì hoãn và gây nên khó khăn cho
trách nhiệm của anh ta đang thi hành, hơn nữa, anh ta có thể bị liên lụy và
nguy hiểm cho tính mạng của mình. Như vậy tinh thần liên đới theo Đức Giêsu
Kitô không phải chỉ là sự ràng buộc trên tình người mang tính cách cứu giúp bên
ngoài mà thôi, nhưng còn phải dám đồng cam cộng khổ, liên đới với chính số mạng
của họ nữa.
Tuy nhiên, tinh thần liên đới không phải chỉ biết cho đi mà
còn phải biết khiêm tốn lãnh nhận. Nhiều khi lãnh nhận còn khó hơn là cho
đi, vì nó dễ đụng chạm đến cái TÔI của chúng ta, đụng chạm tới quyền bính, vai
trò, chức vụ và uy thế của mình. Với tư thế phục vụ của một kẻ “bề trên” quen
rồi, chúng ta khó lòng có sự đối thoại, lắng nghe, chia sẻ và hợp tác với những
kẻ “bề dưới”. Vì thế thường chẳng ai dám nhắc nhở hay sửa sai các “đấng bậc”.
Nếu có dám làm đi nữa thì cũng sẽ bị “đì”, không mong gì ngóc lên được. Thế là
bề dưới cứ phải khúm núm, ca ngợi, tâng bốc công trạng phục vụ của các ngài, mà
thực ra là công trạng phục vụ của người khác. Đó là hình thức bóc lột của những
kẻ luôn khẳng định mình là “bề trên”.
Phục vụ như một kẻ “bề trên” thì quá dễ dàng, ai làm cũng
được. Đúng ra, phục vụ là tư thế của kẻ bề tôi, đặt mình ở phía dưới, coi mình
có bổn phận phải phục dịch những người khác như là bề trên. Nhưng rồi vì chức
vụ, y phục và áo mão bên ngoài, mình lại phục vụ với tính cách là “Cha”, là
“Mẹ” người khác, bất chấp tâm tư, nguyện vọng và cảm xúc của họ. Đó phải chăng
là sự phục vụ lộn đầu lộn đuôi, không còn tinh thần liên đới chân thực như Đức Giêsu
Kitô.
3. Tinh thần tổ chức
Để phục vụ cho hữu hiệu cần phải có tinh thần tổ chức, mà tinh
thần tổ chức trước tiên là tổ chức đời sống bản thân của mình cho có một sự
thống nhất hài hoà từ bên trong đến bên ngoài, từ tư tưởng, đường hướng cho đến
phương cách làm việc. Từ đó ta mới biết cách sắp xếp trình tự, kế hoạch và diễn
tiến công việc một cách ổn thoả, an vui, từ công việc cá nhân đến công việc của
tập thể, từ việc nhỏ tới việc lớn, từ công việc ngắn hạn tới những công việc
trường kỳ. Thiếu tinh thần tổ chức ta sẽ hành động một cách tuỳ tiện, ngẫu hứng
theo cảm tính của mình, sẽ dễ dàng gây ra những chạm trán, xung đột với người
khác và làm phương hại đến đời sống tập thể.
Cần phân biệt tinh thần tổ chức với công việc tổ chức. Tinh
thần tổ chức bao giờ cũng quan tâm đến con người hơn là công việc, quan tâm đến
ý nghĩa và mục đích bên trong hơn là những chỉ tiêu nhất thiết phải đạt tới bên
ngoài. Chỉ lo đạt tới những kết quả bên ngoài ta sẽ làm tổn hại đến những thiện
ích bên trong, khiến cho việc phục vụ trở nên trống rỗng không còn ý nghĩa gì.
Tinh thần tổ chức không bao giờ là một diễn biến từ ý định riêng tư do khả năng
đề xuất của mình, nhưng là một cảm nhận sâu xa về sự hiện diện và tác động của
Thánh Thần, Đấng đang gieo mầm sống mới trong sự chan hoà yêu thương qua việc
phục vụ của chúng ta.
4. Tinh thần từ bỏ
Trong sự phục vụ, tinh thần từ bỏ phải là một chứng tích
đương nhiên của một con người có tinh thần trách nhiệm, liên đới và tổ chức.
Tuy nhiên, người ta có thể dễ dàng từ bỏ những đặc quyền, đặc lợi của mình,
nhưng khó lòng mà từ bỏ chính bản thân mình. Vì thế, nếu không tỉnh thức đủ thì
sợ rằng phục vụ sẽ trở thành cách thức củng cố cái TÔI của mình, cảm thấy mình
sáng giá trước những công trình do mình làm nên, và rồi vui hưởng trong bình an
giả tạo vì cho rằng mình đã hết lòng sống cho Chúa và tha nhân. Tuy nhiên trước
sau gì thì chiếc mặt nạ này cũng sẽ rơi xuống trước sự thách đố của một
hành vi phục vụ chân chính khi nó đòi phải hy sinh chính mình.
Trong sự từ bỏ bản thân, người ta có cảm tưởng đánh mất
chính mình. Thật ra đó chỉ là ảo tưởng, vì chúng ta chẳng có gì để mất. Từ bỏ
trước tiên là xoá bỏ ảo tưởng đó, bởi vì chẳng có gì trong cuộc sống này thuộc
về chúng ta, mà tất cả đề thuộc về Chúa. Chúng ta từ bỏ ảo tưởng về bản thân
mình, chứ không từ bỏ sự sống linh thiêng của Chúa ban cho mình. Từ bỏ đây
có nghĩa là dâng hiến lại cho Chúa những gì thuộc về Ngài mà chúng ta cứ ngỡ là
thuộc về mình, mà vì vô tình hay cố ý chúng ta đã xâm chiếm một cách bất công
và bất nghĩa. Nếu trong sự phục vụ có mất gì đi chăng nữa thì cũng là để được
lại một sự sống đích thực, dồi dào và sung mãn hơn.
Trong một nếp sống văn minh vật chất, người ta chỉ còn muốn
hưởng thụ mà ít ai thật sự muốn phục vụ. Lối sống này cũng đã bắt đầu lan tràn
vào đời sống của các linh mục và tu sĩ: từ bỏ thì ít mà chiếm giữ thì nhiều; hy
sinh thì nhỏ mà đòi hỏi thì lớn; nói thì dạy dỗ đủ mọi điều mà làm và sống điều
mình nói thì chẳng có bao nhiêu; điều gì dễ dàng thoải mái thì tha thiết đón
nhận, còn điều gì khó khăn nặng nề thì tìm cách cho đi; điều gì thoả thích thì
vui hưởng, còn điều gì không ổn và bất lợi thì phản kháng và dồn hết cho người
khác.
Những điều này làm tôi nhớ lại điều Chúa nói: “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người
ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23, 4). Cần
chìm sâu trong cầu nguyện không ngừng để có thể gặp gỡ và sống thân tình với Đức
Giêsu Kitô là chính Đấng phục vụ. Nơi Ngài sự phục vụ của chúng ta được thanh
tẩy để trở nên trong sáng, được thánh hoá để trở nên cao cả hầu đem lại niềm
vui và hạnh phúc đích thực cho mình và mọi người trong chương trình tái tạo và
cứu độ không ngừng của Chúa nơi mỗi người chúng ta.
Lm. Thái Nguyên