"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Giáo Hoàng hay Giáo Chủ?


Giáo Hoàng là danh xưng người Công Giáo Việt Nam dùng đã từ lâu để chỉ Vị Đại Diện Chúa Kitô ở trần gian. Gần đây rải rác trong một số sách báo hay một vài bài phát biểu, có người lại dùng từ Giáo Chủ để thay thế. Dụng ý của những người dùng từ này có lẽ là muốn thích nghi với thời đại dân chủ hiện nay, và có lẽ cũng muốn xóa đi mặc cảm quan liêu phong kiến người ta ghép cho từ Giáo hoàng, khi nghĩ rằng Giáo hoàng là vua như vua trong các chế độ quân chủ.

Thực ra, một số từ dùng trong Hội thánh để nói về các tu sĩ linh mục, giám mục và các vị chức sắc trong phẩm trật thường cũng chịu ảnh hưởng của thời đại quân chủ và phong kiến. Thí dụ các đan sĩ Biển Đức (Bênêdict) được coi như các chủ nhân ông. Người ta gọi các vị là Dom. Chữ Dom này là kiểu viết tắt chữ Dominus trong tiếng la tinh, nghĩa là ông chủ. Điều này không có gì lạ, vì thời xưa, các vị đó là chủ nhân ông các vùng đất đai của đan viện. Các vị giao đất cho tá điền khai thác và còn hướng dẫn cũng như chế tạo các dụng cụ canh tác cho họ nữa. Vì vậy, bá tước de Montalembert trong bộ sách đề là Les moines d’Occident đã có những lời lẽ đầy thiện cảm với công trình của các đan sĩ vào thời đó. Rồi các linh mục được gọi là Reverendus trong tiếng la tinh, Révérend trong tiếng Pháp, tiếng Anh. Giám mục thì đuợc gọi và thưa là Sua Excellentia, Son Excellence, His Excellence, Hồng y thì đuợc xưng là Sua Eminentia, Son Eminence, His Eminence, Giáo hoàng là Sua Sanctitas, Sa Sainteté, His Holiness, trong khi hai chữ S.S. các vị giáo hoàng viết trước khi ký tên, chính là Servus Servorum (Tôi tớ của các Tôi tớ) để diễn tả và nhắc nhở tinh thần phục vụ và đức khiêm nhường.

Chắc hẳn những từ và kiểu cách xưng hô này gắn liền với một thời đại. Thời đại những từ đó được đặt ra để xưng hô và chỉ định đã qua; người ta vẫn giữ hình thức cũ, nhưng nội dung gắn liền với thời đại đã thay đổi. Nếu cứ dựa vào từ ngữ thì người ta sẽ cho đó là những kiểu cách cao ngạo. Thí dụ bên nhà Phật, người ta gọi các vị chức sắc là Thượng tọa (ngồi cao) và các thiền sư là Đại Đức (đức lớn).

Dân chúng và xã hội tặng cho các vị những danh hiệu đó để tỏ lòng trọng kính, còn chính những vị đó chắc hẳn không dám nghĩ mình là như vậy. Thành ra đó chỉ là danh xưng quy định cho dễ xưng hô và ám chỉ. Thiết tưởng có thể nghĩ như vậy về danh xưng Giáo hoàng. Còn ý nghĩa của từ đó mới là điều đáng nói hơn, vì nó liên quan đến sự chính xác. Nếu dùng không chính xác thì ý nghĩa sẽ sai lạc đi. Vậy ý nghĩa đích đáng là thế nào?

Theo các tự điển, thông thường người ta hiểu giáo chủ là người lập ra một tôn giáo, trừ một hai từ điển hiểu là người đứng đầu một tôn giáo. Ở Việt nam có giáo chủ Huỳnh phú Sổ lập ra Phật Giáo Hòa Hảo, giáo chủ Phạm công Tắc lập ra đạo Cao Đài.

1. Giáo Chủ

Trong tiếng  Hán   (jiàozhŭ) có nghĩa là dạy dỗ, giáo dục và cũng có nghĩa là chủ, người chịu trách nhiệm chính như chủ nhiệm, chủ bút, chủ quản, chủ nhà. Ngoài ra, chữ “chủ” còn có nghĩa là chúa. Vì vậy, các từ điển đã định nghĩa từ Giáo chủ như sau:

-Từ điển Việt Nam, Thanh Nghị, xb 1967, trang 592: Giáo chủ: 1) Người sáng lập một tôn giáo (fondateur d’une religion). 2) Hồng y giáo chủ (cardinal) một trong 70 vị được quyền bầu cử Giáo hoàng.
-Từ điển Hán Việt, Nguyễn văn Khôn, xb 1960, trang  339: Giáo chủ: người sáng lập ra một tôn giáo.
-Hán Việt từ điển, Đào duy Anh, trang 330-331: Giáo chủ: người dựng nên một tôn giáo.
-Từ điển Hán Việt từ nguyên, Bửu Kế, xb 1999, trang 677: Giáo chủ: người đứng đầu một tôn giáo.
-Tiếng nói nôm na, Lê Gia, xb 1999, trang 245: Giáo chủ: người sáng lập, người đứng đầu một tôn giáo.
-Từ điển Việt Nam, Lê văn Đức & Lê ngọc Trụ, trang 555: Giáo chủ: 1/ vị sáng lập một đạo giáo, vd: giáo chủ đạo Ba-Ha’i; giáo chủ đạo Hoà Hảo…  2/ vị đứng đầu đạo Da-tô trong một nước có nhiều tín đồ đạo ấy, có quyền bầu cử Giáo Hoàng và là cố vấn Đức Giáo Hoàng, vd: Hồng y giáo chủ Richelieu .
-Từ điển Tiếng Việt, Viện Ngôn Ngữ Học, xb 2002, trang 394: Giáo chủ: 1/ người sáng lập ra một tôn giáo( ví dụ: Muhammad là giáo chủ Hồi giáo. 2/ chức trong Giáo hội Công giáo, trên Giám mục, dưới Giáo hoàng.
                 
2. Giáo Hoàng
                    
Trong tiếng Hán (jiàohuáng), chữ Giáo cùng nghĩa như trong từ Giáo chủ. Còn chữHoàng gồm chữ bạch và chữ vương. Chữ bạch có nghĩa là sắc trắng, sự trong sạch, tiếng nói rõ, tiếng người dưới thưa với người trên. Chữ hoàng có nghĩa là to lớn, tiếng gọi tôn kính sự chính đại cao minh ( Hán Việt  Tự Điển, Thiều Chửu).

Từ Giáo hoàng  được các Từ điển trên định nghĩa như sau:

-Tự điển Việt Nam, Thanh Nghị: Giáo hoàng là vị đứng đầu như là bậc vua trong Giáo hội.
-Từ điển Hán Việt, Nguyễn văn Khôn: Giáo hoàng là người đứng đầu Giáo hội Rôma.
-Hán Việt Từ điển, Đào duy Anh: Giáo hoàng là người chủ tể trong Giáo hội Cơ đốc.
-Từ điển Hán Việt từ nguyên, Bửu Kế, trang 679: Giáo hoàng là người đứng đầu Thiên Chúa giáo cũng như vua đứng đầu một nước.
-Tiếng nói nôm na, Lê Gia, không có từ Giáo hoàng, nhưng tác giả giải thích từ hoàng là to lớn, đẹp đẽ (trang 288).
-Từ điển Việt Nam, Lê văn Đức & Lê Ngọc Trụ: Giáo hoàng là vị cầm đầu Giáo hội Da-tô ở La-mã, được bầu cử giữa các Hồng y giáo chủ ở khắp hoàn cầu tựu về.
-Từ điển Tiếng Việt, Viện Ngôn Ngữ Học: Giáo hoàng: chức đứng đầu Giáo hội Công giáo.

Kết luận

Từ điển nào cũng có những giới hạn nên các định nghĩa chẳng bao giờ trọn vẹn. Nhưng dù sao, trong lĩnh vực tri thức, cũng nên theo một tiêu chuẩn khách quan cho thống nhất. Qua một vài định nghĩa từ „Giáo chủ“  và „Giáo hoàng“ của một số tự điển, người ta thấy có một điểm chung giống nhau là các tác giả đều phân biệt hai từ này. Từ “Giáo chủ” chỉ người sáng lập tôn giáo, từ „Giáo hoàng“ chỉ vị đứng đầu Hội Thánh Công Giáo Rôma. Nay nếu dùng từ Giáo chủ thay cho Giáo hoàng, căn cứ theo các từ điển thì e rằng không đúng nghĩa. Vả lại, trong thực tế Giáo hoàng không phải là người lập ra Kitô giáo mà chỉ là vị nối quyền thánh Phêrô, người Tông Đồ Trưởng được Chúa Giêsu đặt lên cai quản Hội thánh.

Vì vậy, danh xưng chính yếu của Giáo hoàng là Đại Diện Chúa Kitô ở trần gian, người được trao quyền cho điều khiển, cai quản và hướng dẫn Hội Thánh Công Giáo Roma, người được đặt làm nền tảng vững chắc và đuợc trao cho đầy đủ mọi quyền hành như các lời sau đây chứng tỏ: “Anh là Phê-rô, nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên Trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”(Mt 16,18-19)

Cuối cùng, từ Giáo chủ ngoài nghĩa chính là người lập ra một đạo lại có những nghĩa hàm hồ gắn liền với các phim chuyện chưởng, làm cho người ta liên tưởng đến những giáo chủ trong  đám giang hồ hảo hán như giáo chủ Minh giáo, giáo chủ Bạch Mi v.v…

Như thế, không nên sợ chữ hồng có liên hệ với vua chúa thời phong kiến. Vả lại, vua chúa cũng có những vị đáng bậc thánh hiền như vua Nghiêu, vua Thuấn, vua Lê Thánh Tông hay vua Luis thứ IX của nước Pháp, hoặc vua Beaudouin nổi tiếng nhân đức của Bỉ trong thế kỷ trước. Đàng khác, ngày nay vẫn còn những nước theo quân chủ. Dân của những nước ấy, như Anh,  Hà lan, Na uy, Nhật, Thái lan có mặc cảm hay xấu hổ gì về vua chúa của họ đâu! Đàng khác tuy là Giáo hoàng, nhưng các vị thay quyền thánh Phêrô như Đức Gioan XXIII, Phaolô VI, Gioan Phaolô II, Bênêđíctô XVI, và hiện nay Đức Giáo Hoàng Phanxicô không tỏ ra vẻ gì là vua chúa cả.

Bởi vậy, vì những lý do bàn giải ở trên, thiết tưởng không cần và cũng không nên thay đổi Giáo Hoàng ra Giáo Chủ làm chi.

Lm Anrê Đỗ xuân Quế OP