VATICAN 24.10.2013 | Trong buổi tiếp kiến chung hơn 80 ngàn
tín hữu hành hương sáng ngày 23-10-2013, ĐTC Phanxicô diễn giải về đề tài: "Mẹ
Maria, mẫu gương của Giáo Hội" và ngài nhắn nhủ các tín hữu noi gương tin tưởng
của Mẹ Maria giữa những khó khăn, gương yêu thương nhưng không như Mẹ, đối xử
với nhau như anh chị em, và sống kết hiệp với Chúa Giêsu.
„Anh chị em thân mến, chào anh chị em,
Tiếp tục bài giáo lý về Giáo Hội, hôm nay tôi muốn nhìn lên
Đức Mẹ Maria như hình ảnh và mẫu gương của Giáo Hội. Tôi lấy lại một kiểu nói
của Công Đồng chung Vatican 2. Hiến Chế Lumen gentium, Ánh sáng muốn dân, khẳng
định: ”Như thánh Ambrosio đã dạy, Mẹ Thiên Chúa là hình ảnh của Giáo Hội về đức
tin, đức mến và sự kết hiệp hoàn hảo với Chúa Kitô” (n.63)
1. Chúng ta đi từ khía cạnh thứ nhất:
Mẹ Maria như mẫu gương
đức tin. Theo nghĩa nào Mẹ Maria là mẫu gương đức tin của Giáo Hội? Chúng ta
hãy nghĩ xem Đức Trinh Nữ Maria là ai: là một thiếu nữ Do thái, hết lòng mong
đợi ơn cứu chuộc dân tộc của mình. Nhưng trong tâm hồn người thiếu nữ Israel ấy
có một bí mật mà chính Mẹ chưa biết: theo ý định tình thương của Thiên Chúa, Mẹ
được tiền định trở thành Mẹ Đấng Cứu Chuộc. Trong lúc Truyền Tin, Sứ thần của
Thiên Chúa gọi Mẹ là ”Người đầy ơn phúc” và tỏ lộ cho Mẹ dự án ấy. Mẹ Maria
thưa ”xin vâng” và từ lúc ấy đức tin của Mẹ Maria nhận được ánh sáng mới: đức
tin tập trung vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa nhận lấy xác thể từ Mẹ và nơi
Chúa, mọi lời hứa của toàn thể lịch sử cứu độ được viên mãn. Đức tin của Mẹ
Maria là sự viên mãn niềm tin của Israel, nơi Mẹ có tập trung trọn con đường
của dân tộc trong đức tin, mong đợi ơn cứu chuộc, và theo nghĩa đó Mẹ là mẫu
gương đức tin của Giáo Hội, có trọng tâm là Chúa Kitô, Đấng là hiện tình thương
vô biên của Thiên Chúa.
ĐTC đặt câu hỏi:
”Và Mẹ Maria đã sống niềm tin ấy như thế nào? Thưa Mẹ đã
sống niềm tin ấy trong sự đơn sơ giữa hàng ngàn công việc bận rộn hằng ngày của
mỗi bà mẹ, như chăm lo lương thực, quần áo, chăm sóc nhà cửa... Chính cuộc sống
bình thường của Đức Mẹ là môi trường diễn ra quan hệ đặc thù và một cuộc đối
thoại sâu xa giữa Mẹ và Thiên Chúa, giữa Mẹ và Chúa Con. Lời ”xin vâng” của Mẹ
Maria, vốn đã hoàn hảo ngay từ đầu, tăng trưởng cho đến giờ thập giá. Tại đó
tình mẫu tử của Mẹ càng mở rộng, ấp ủ mỗi người chúng ta, đời sống chúng ta, để
hướng dẫn chúng ta đến cùng Chúa Con. Mẹ Maria luôn sống chìm đắm trong mầu
nhiệm Thiên Chúa làm người, như người môn đệ đầu tiên và hoàn hảo của Chúa, suy
gẫm mọi sự trong tâm hồn dưới ánh sáng của Thánh Linh, để hiểu và thực hành
trọn thánh ý Thiên Chúa.
”Chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta có để cho mình được đức
tin của Đức Maria, Mẹ chúng ta, soi sáng hay không? Hay là chúng ta nghĩ Mẹ xa
xăm và quá khác biệt với chúng ta? Trong những lúc khó khăn, thử thách, đen
tối, chúng ta có nhìn lên Mẹ như mẫu gương tín thác nơi Thiên Chúa, Đấng luôn
luôn mong muốn và chỉ muốn điều thiện cho chúng ta mà thôi?
2. Bước sang điểm thứ hai:
Mẹ Maria là mẫu gương đức mến. Mẹ
Maria là mẫu gương sống động về đức mến như thế nào cho Giáo Hội? Chúng ta hãy
nghĩ đến thái độ sẵn sàng của Mẹ đối với bà chị họ Elisabeth. Khi viếng thăm
bà, Đức Trinh Nữ Maria không những chỉ mang đến một sự trợ giúp vật chất, nhưng
còn mang Chúa Giêsu, đang sống trong lòng Mẹ. Mang Chúa Giêsu đến nhà ấy có
nghĩa là mang niềm vui, niềm vui trọn vẹn. Bà Elisabeth và ông Zaccaria vui
mừng vì có thai, một điều dường như không thể xảy ra được ở tuổi già của họ,
nhưng chính thiếu nữ Maria đã mang cho ông bà niềm vui tràn đầy, niềm vui đến
từ Chúa Giêsu và từ Chúa Thánh Linh và biểu lộ trong tình bác ái nhưng không,
trong sự chia sẻ, tương trợ, cảm thông lẫn nhau.
Đức Mẹ cũng muốn mang đến cho tất cả chúng ta, hồng ân cao
cả là Chúa Giêsu, và cùng với Ngài Mẹ mang tình thương, an bình và niềm vui của
Mẹ. Giáo Hội cũng vậy: giống như Mẹ Maria. Giáo Hội không phải là một cửa tiệm,
một cơ quan từ thiện, không phải là một tổ chức phi chính phủ, Giáo Hội được
sai đi mang Chúa Kitô và Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người. Giáo Hội không
mang chính mình, nhưng mang Chúa Giêsu. Và Giáo Hội phải như Mẹ Maria, khi Mẹ
đi viếng bà chị họ Elisabeth. Mẹ mang gì? Thưa mang Chúa Giêsu. Đây là điểm
trung tâm của Giáo Hội:mang Chúa Giêsu. Giả sử Giáo Hội khôn gmang Chúa Giêsu
nữa, thì đó là một Giáo Hội chết!
Còn chúng ta thì sao? Đâu là tình thương mà chúng ta mang
đến cho tha nhân? Đó có phải là tình yêu của Chúa Giêsu, Đấng chia sẻ, tha thứ,
tháp tùng, hay là một thứ tình yêu bị hóa loãng? Khi người ta làm loãng rượu,
thì nó giống như nước? Phải chăng tình yêu chúng ta giống như thế, hoặc tình
yêu lúc mạng lúc yếu theo thiện cảm, tìm kiếm sự đáp trả? Một tình yêu vụ lợi.
Nhưng thử hỏi: Chúa Giêsu có muốn tình yêu vụ lợi hay không? Tình yêu phải là
một tình yêu nhưng không, như tình yêu của Chúa. Đâu là những quan hệ trong các
giáo xứ, các cộng đoàn của chúng ta? Chúng ta có đối xử với nhau như anh chị em
hay không? Hay là chúng ta đoán xét, nói xấu nhau, mỗi người chỉ chăm lo ”mảnh
vườn riêng” của mình?
3. Và tôi nói vắn tắt về khía cạnh cuối cùng:
Mẹ Maria là
mẫu gương sự kết hiệp với Chúa Kitô. Đời sống của Đức Trinh Nữ rất thánh là đời
sống của một phụ nữ trong dân của Ngài; cầu nguyện, làm việc, đi đến Hội
đường.. Nhưng mỗi hành động luôn được thi hành trong sự kết hiệp hoàn hảo với
Chúa Giêsu. Sự kết hiệp này đạt tới tột đỉnh trên đồi Canvê: tại đây Mẹ Maria
kết hiệp với Con trong cuộc tử đạo nội tậm, và trong sự dâng hiến cuộc sống cho
Chúa Cha để cứu độ nhân loại. Đức Mẹ đã đón nhận sự đau khổ của Con làm của
mình và cùng với Chúa Con đã chấp nhận thánh ý Chúa Cha, trong sự vâng phục
mang lại hoa trái, mang lại chiến thắng đích thực trên sự ác và sự chết.
Thực tại mà Mẹ Maria dạy chúng rất là đẹp: luôn sống kết
hiệp với Chúa Giêsu. Chúng ta có thể tự hỏi: phải chăng chúng ta chỉ nhớ đến
Chúa Giêsu khi có điều gì không ổn và chúng ta cần một cái gì đó, hoặc chúng ta
có một tương quan liên lỷ, một tình bạn sâu xa, cả khi phải theo Chúa trên con
đường thập giá?
Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân thánh, sức
mạnh của Ngài để trong cuộc sống chúng ta và trong đời sống của mỗi cộng đoàn
Giáo Hội có phản ánh mẫu gương của Đức Maria, Mẹ Giáo Hội.
Chào thăm các tín hữu
Sau bài giáo lý trên đây, các giám chức và LM tại Tòa Thánh đã
lần lượt tóm tắt ý chính bài huấn giáo của ĐTC, cũng như dịch những lời chào
của ngài từ tiếng Ý sang các ngôn ngữ chính.
Chào các tín hữu nói tiếng Pháp, ĐTC nhắc đến các tín hữu
thuộc giáo phận Angoulême do Đức Cha Dagens hướng dẫn, và nhiều nhóm giáo xứ,
người trẻ, đến từ Pháp, Thụy Sĩ và Bỉ.
Ngỏ lời với các tín hữu nói tiếng Anh, đến từ Anh quốc,
Ailen, Đan Mạch, Na Uy, và từ nhiều nước Á châu như Ấn độ, Nhật Bản,
Philippines, Thái Lan, ĐTC đặc biệt nhắc đến một nhóm liên quốc hội liên đảng
tại Anh quốc về Tòa Thánh.
Khi chào đông đảo các tín hữu hành hương đến từ nước Đức,
ĐTC nói đến các đoàn từ Đan Mạch và nhiều giáo phận Đức về Roma hành hương nhân
dịp kỷ niệm 25 năm phong chân phước Niels Stensen, dưới sự hướng dẫn của ĐHY
Meisner TGM giáo phận Koeln.
Với các tín hữu Ba Lan, ĐTC mời gọi họ trong tháng 10 này
cầu nguyện cách riêng cho hòa bình trên thế giới, và sự phục hồi các giá trị
Tin Mừng.
Sau cùng, khi chào các phái đoàn bằng tiếng Ý, ĐTC nhắn nhủ
rằng tháng 10 nhắc nhớ chúng ta về sự dấn thân của mỗi người trong sứ mạng loan
báo Tin Mừng. Ngài nói: ”Các bạn trẻ thân mến, đặc biệt các chủng sinh ở
Verona, và những người trẻ từ giáo phận Manfredonia-Vieste- San Giovanni
Rotondo miền nam Italia, các con hãy trở thành những chứng nhân can đảm của đức
tin Kitô. Và hỡi anh chị em bệnh nhân thân mến,hãy dâng thánh giá hằng ngày của
anh chị em để cầu cho sự hoán cải những người xa lìa ánh sáng Tin Mừng; và sau
cùng, hỡi các đôi tân hôn, anh chị em hãy trở thành những người loan báo tình
thương của Chúa Kitô, đi từ gia đình của anh chị em.
G. Trần Đức Anh OP