"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Xuất chiêu không bình thường


Đảng CSVN vốn nổi tiếng về thủ đoạn chính trị, một phần học được từ Liên Sô, một phần từ Trung Quốc và một phần do quá trình hoạt động. Chính nhờ những kinh nghiệm già dặn này, sau khi chiếm miền Nam, Đảng CSVN đã lần lần thanh toán hay vô hiệu được hầu hết các tổ chức đấu tranh võ trang, chính trị hay tôn giáo chống lại họ. Nhưng trong vụ phản kháng của giáo dân giáo xứ Mỹ Yên thuộc Giáo Phận Vinh, chúng tôi thấy cả chính quyền địa phương lẫn trung ương đều đã hành động rất luộm thuộm. Điều đáng buồn cười là Đảng CSVN đã phải huy động cả nhóm Giao Điểm ở hải ngoại để “trợ chiến”!

ĐƯA GIAO ĐIỂM VÀO TRẬN

Ngày 20.9.2013, tờ Nhân Dân điện tử, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng CSVN, đã cho đăng một cách trịnh trọng bài “Tôn giáo chân chính đồng hành cùng dân tộc” của Trần Chung Ngọc, thủ lãnh của nhóm Giao Điểm, phê phán các “sự bất lương” của các cơ quan truyền thông tiếng Việt nổi tiếng ở hải ngoại là BBC, VOA, RFA, RFI, và chứng minh “Phật giáo ở Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc”! Trần Chung Ngọc nói rằng, với 80% dân số, Phật Giáo đã tham gia tích cực vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của Đảng Cộng Sản với ngụ ý rằng, các tôn giáo khác, nhất là Công Giáo, không “đồng hành” với Đảng Cộng Sản như Phật Giáo, nên không phải là “tôn giáo chân chính”!

Trong khi đó, trên website „sachhiem.net“ của nhóm Giao Điểm lại đăng thư ngỏ của một giáo dân xứ Nghệ, đề ngày 19.5.2013, gởi Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, giảng dạy tại sao Giáo Phận Vinh phải tôn trọng luật pháp. Tác giả kể lại một số sự kiện đã xảy ra và đặt câu hỏi: “Giả thử họ (chính quyền) nhân nhượng chúng ta thì các tôn giáo khác cũng bắt chước, nhà nước bó tay để xã hội bạo loạn?” Đọc nội dung lá thư này, chúng ta thấy ngay đó là lá thư đã được viết theo sự chỉ đạo của chính quyền.

Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ nói đến hai vấn đề: (1) Đảng CSVN đã dùng hạ sách khi xử dụng nhóm Giao Điểm ở hải ngoại để đối phó với Giáo Hội Công Giáo. (2) Trong cương vị của một quốc gia, Đảng và chính quyền cần biết phải hành xử như thế nào khi xảy ra những bất đồng vớí những thành viên của một chủ thể vừa là một quốc gia vừa là một tôn giáo như Vatican.

SỬ DỤNG CÔNG CỤ GIAO ĐIỂM

Ở hải ngoại ai cũng biết từ ngày thành lập đến nay, nhóm Giao Điểm có hai chủ trương chính là đánh phá Thiên Chúa Giáo và bênh vực Đảng và nhà cầm quyền CSVN. Mới đây, khi Bùi Hồng Quang, một sáng lập viên của nhóm Giao Điểm, đem báo Giao Điểm về in ở Việt Nam và khi đem ra đã được Tổng Cục An Ninh giới thiệu đây là tạp chí “phục vụ cho việc tuyên truyền vận động đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta”.

1. Đánh phá Công Giáo

Trong bài “Trừ Tà - Hiển Chánh và Độ Sinh” phổ biến trên sachhiem.net ngày 28.3.2012, Trần Chung Ngọc, cây viết chủ lực của Giao Điểm, đã xác định chủ trương của Giao Điểm như sau:
“Có thể nói, những bài viết về KiTô Giáo, đặc biệt là về Công giáo và Tin Lành thuộc mục “Trừ Tà”. Bởi vì những sự kiện lịch sử đã chứng tỏ bản chất của KiTô Giáo là một “tà đạo”, và đưa ra những sự thật về bản chất “tà” của Công giáo chính là để “trừ tà”.
Ngoài những bài chống Công Giáo đăng trên sachhiem.net, hàng ngày chúng ta thấy nhóm vệ tinh của Giao Điểm mang những tên như Trần Quang Diệu, Duyên Sinh (cùng vùng Redmond, WA 98052 với TQD), Bảo Quốc Kiếm, Baos Tam tambaos@gmail.com (cùng vùng Finney County, Kansas với BQK), Phạm Hòang Bá tự Phạm Hoàng Vương, Trần Tiên Long (Trần Văn Quý), Giác Hạnh, Hoàng Thục An, v.v…, không ngừng nghỉ viết những bài chống Công Giáo, hay mang những bài chống Công Giáo của Giao Điểm tung lên khắp các diễn đàn Internet. Trong vụ Mỹ Yên, Baos Tam tambaos@gmail.com là tên xung kích hàng đầu.

Đây là chủ trương mà Karl Marx đã đưa ra: “Xoá bỏ tôn giáo, coi là hạnh phúc ảo tưởng của nhân dân, là yêu cầu thực hiện hạnh phúc thực sự của nhân dân.” Kể từ cuộc Cách Mạng Tháng 10 cho đến khi các chế độ cộng sản Liên Sô và Đông Âu sụp đổ, các đảng cộng sản luôn thực mục tiêu này. Nhưng những tên sát thủ Công Giáo như Karl Mark, Lénine, Staline, Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh đều đã qua đi và chủ nghĩa cộng sản cũng đang qua đi, Giao Điểm là cái gì mà Đảng CSVN dùng chúng để thực hiện chủ trương của Marx?

2. Đòi tôn giáo phải “đồng hành” với Đảng CSVN

Bài “Tôn giáo chân chính đồng hành cùng dân tộc” của Trần Chung Ngọc được đăng trên tờ Nhân Dân với mục đích kêu gọi Công Giáo phải đi con đường của Phật Giáo là làm công cụ cho Đảng CSVN. Trần Chung Ngọc đã mô tả việc Phật Giáo “đồng hành với dân tộc” như sau:

“Từ xưa tới nay Phật giáo ở Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc. Khi thực dân Pháp xâm lăng và dưới thời Pháp thuộc, nhiều chùa đã trở thành nơi nuôi giấu, bảo vệ những người yêu nước chống Pháp. Trong cuộc kháng chiến ở Việt Nam gần đây cũng vậy, nhiều tu sĩ bỏ áo cà sa đi theo kháng chiến, vì theo truyền thống yêu nước, xét đúng ưu tiên của thời thế, giặc đến nhà đàn bà phải đánh, nền độc lập của nước nhà trên hết, không như bọn Việt gian vô Tổ quốc, phi dân tộc, chủ trương "thà mất nước chứ chẳng thà mất Chúa…”

Thật ra, Trần Chung Ngọc chỉ lặp lại những sự kể công của một số cao tăng lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang đối với Đảng Cộng Sản. Một thí dụng cụ thể là trong lễ ra mắt Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước hôm 7.11.1981 tại Hà Nội, Hoà Thượng Trí Thủ, nguyên Viện Trưởng Viện Hóa Đạo của Giáo Hội Ấn Quang, đã đọc một bức thư gởi Chủ Tịch Hội Đồng Nhà Nước Trường Chinh, trong đó có đoạn như sau:

“Suốt ba mươi năm chống Pháp, chống Mỹ, nhiều chùa là cơ sở của cách mạng, nhiều tăng ni tạm thời rời bỏ Thiền môn, hăng hái tòng quân đánh giặc cứu nước. Bác Hồ dạy: “Không gì quý hơn độc lập tự do!”, toàn thể tăng ni và Phật tử Việt Nam ghi lòng tạc dạ lời dạy đó của Bác, nhận thức rõ lý tưởng giải thoát của người tu hành không thể tách rời sự nghiệp giải phóng dân tộc, do Hồ Chủ Tịch và Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo.”

Nhưng kết quả sự “đồng hành” của Phật Giáo với Đảng CSVN thật là thê thảm. Sau khi chiếm miền Nam, đảng CSVN đã gọi nhóm Phật Giáo Ấn Quang đi theo họ là “Phật Giáo phản động”, rồi thành lập một Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước gồm khoảng 90% các tổ chức Phật Giáo ở trong nước và đặt dưới sự lãnh đạo của Mặt Trận Tổ Quốc. Nhóm Phật Giáo chống đối bị thanh toán hay vô hiệu hóa.

“Đồng hành với dân tộc” theo kiểu của Phật Giáo Ấn Quang, chắc chắn Giáo Hội Công Giáo của Việt Nam không bao giờ chấp nhận, vì đi với đảng CSVN là đồng lõa với tộc ác, đưa dân tộc Việt Nam vào một cuộc chiến kéo dài 30 năm với nhiều giết chóc tang thương, sau đó kìm hãm đất nước trong tình trạng lạc hậu. Không có đảng CSVN, ngày nay ít ra Việt Nam cũng ngang hàng với Thái Lan. Nhưng hiện nay Việt Nam có dân số trên 92 triệu với diện tích 331 698 km², nhưng tổng sản lượng quốc nội (GDP) chỉ khoảng 140 tỷ USD, trong khi Thái Lan có dân số khoảng 68 triệu với diện tích 514.000 km², nhưng GDP lên tới 345 tỷ USD. Đảng CSVN đang áp dụng một chế độ mà đa số người dân trong nước cũng như thế giới đều nguyền rủa.

Blogger Người Buôn Gió ở trong nước đã đặt câu hỏi: “Một bài viết lủng củng, ý tứ đối nghịch nhau, loạn ngôn, giọng điệu hằn học chia rẽ tôn giáo, kích động hận thù của Trần Trung Ngọc lại được báo Nhân Dân đưa lên. Chả lẽ không còn ai viết được hơn nữa sao?”

ĐƯỜNG LỐI CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

Điều cần phải lưu ý là Vatican vừa là một quốc gia vừa là một giáo hội. Đức Giáo Hoàng vừa là nguyên thủ quốc gia lãnh đạo chính phủ của Thành Vatican, vừa là giám mục Giáo Phận Rôma, lãnh đạo toàn thể Giáo Hội Công Giáo. Nhưng Giáo Hội phân biệt giữa tôn giáo và chính trị. Trong buổi tiếp kiến Hội Đồng Giáo Hoàng Đồng Tâm (Cor Unum), ĐGH Benedict XVI đã nhấn mạnh vai trò đặc biệt của Giáo Hội trong việc cổ võ công lý, không phải bằng chính trị, nhưng bằng sự rao giảng Tin Mừng và cổ võ các nhân đức như bác ái và đức tin.

1. Đường lối của Giáo Hội

Hôm 19.6.2003, trong một cuộc nói chuyện tại St. John Lateran Convent of the Dominicans, một ký giả đã hỏi ĐHY Lucas Jaime Ortega Alamino, Tổng Giám Mục Havana ở Cuba: “Khi một chính quyền hay một hệ thống chính trị trở nên một chế độ chuyên chế, lập trường của Giáo Hội và của người Công Giáo như thế nào và phải như thế nào?”

Đức Hồng Y trả lời: “Trước những chế độ có thể trở thành toàn trị, chuyên chế hay độc đoán, lập trường của Giáo Hội và của những người Công Giáo phải phù hợp với hoàn cảnh mà chúng ta đã biểu hiện cho toàn thể sứ mạng của Giáo Hội ở đó hôm nay...

“Tôi đã nói lên quan điểm này khi tôi được phỏng vấn ở ngoại quốc, Giáo Hội không có sứ mạng trở thành một đảng chính trị đối lập... Giáo Hội cũng không thể bị đòi hỏi phải ủng hộ một chính phủ cách mạng nào. Trong trường hợp khác, họ phải luôn hiểu điều mà chúng tôi đã nói: Chúng tôi ở đây để rao giảng Nước của Thiên Chúa.

“Thông thường, điều mà chúng tôi phải làm là hiệp thông với mầu nhiệm Thánh Giá; trong mọi trường hợp, số phận của chúng tôi là chịu đau khổ, và chúng tôi có thể phải chịu đau khổ và chết. Nhưng không chết cho lý do này hay lý do kia, mà chết cho tình yêu, cho phục vụ, cho hòa giải, cho sự tốt lành của nhân loại.”

Công việc dấn thân vào các sinh hoạt chính trị là công việc của người công dân Công Giáo chứ không phải công việc của Giáo Hội. Nhưng trong những năm qua, thay vì nối gót Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan để giải phóng đất nước, một số linh mục và giáo dân công giáo (thường được chúng tôi gọi là nhóm „Giao Điểm Công Giáo“) đã dùng “thần học phèng la” hay “thần học ôm bom” để thúc đẩy Giáo Hội phải “tham chiến” như Giáo Hội Ấn Quang đã làm. Tuy nhiên, Giáo Hội vẫn đi theo "Thần học Thập giá" của Thánh Phaolô, đi theo lời Chúa: "Nước ta không thuộc về thế gian này” (Gioan 18, 36) và “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta (…) Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55,8-9).

2. Giải quyết các tranh chấp

Chương V, quyển II của Bộ Giáo Luật đã quy định về sứ mạng của các đại diện của Tòa Thánh tại các quốc gia. Nhiệm vụ của các đại diện này là làm cho sự hợp nhất giữa Tòa Thánh và các Giáo Hội tại địa phương thêm bền chặt và đắc lực hơn. Ngoài nhiệm vụ này, điều 365 có quy định rằng dựa theo các quy tắc của quốc tế công pháp, đại diện của Tòa Thánh còn có nhiệm vụ:
(1) Cổ võ và duy trì mọi liên lạc giữa Tòa Thánh với chính quyền, và
(2) dàn xếp mọi vấn đề liên hệ tương quan giữa Giáo Hội với quốc gia.

Hiện nay giữa Tòa Thánh và Việt Nam chưa thiết lập bang giao, nhưng với sự đồng ý của chính quyền Việt Nam, Tòa Thánh đã cử Đức TGM Leopoldo Girelli làm đại diện không thường trú tại Việt Nam. Ngài đã đến thăm các giáo phận tại Việt Nam nhiều lần. Như vậy nhà cầm quyền Việt Nam có thể gặp Đức TGM Girelli để dàn xếp những vấn đề liên hệ đến Giáo Hội Việt Nam. Việc dùng nhóm Giao Điểm “trợ chiến” là hạ sách.

Hiện nay Tòa Thánh Vatican và các nhà lãnh đạo Giáo Hội Việt Nam đều biết rằng Đảng CSVN rất sợ “các thế lực thù định” sẽ biến hai giáo phận Kontun và Vinh thành những “điểm nóng” có thể thay thế Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang đang suy tàn. Nhưng chúng tôi tin rằng các nhà lãnh đạo hai giáo phận này không bao giờ theo “thần học ôm bom” của nhóm Giao Điểm Công Giáo, không đi vào con đường bi thảm mà Giáo Hội Ấn Quang đã đi.

Lữ Giang
Ngày 10.10.2013