1. Sự kính trọng
Sự kính trọng không hẳn là đức hạnh, nhưng người ta vẫn nói “chính nó chứa đầy đức hạnh và chứng tỏ
nghĩa vụ đối với mọi người và với chính bản thân mình”. Nó hướng về các bậc
trưởng thượng hay những kẻ mà mình ái mộ. Tình cảm này không có ở những kẻ kiêu
ngạo và tầm thường. Nó được hình thành trên cơ sở lý luận hoặc tấm lòng đối với
“tất cả những người trong guồng máy chính
quyền, những thầy giáo, các bậc sinh thành và đối với cả phụ nữ, trẻ em, người
già và kẻ khốn cùng”.
Ở nhà thờ hoặc chùa chiền, người ta thường tỏ lòng tôn kính
đối với các vị linh mục và hòa thượng, đại đức trong khi tham dự các buổi lễ
cầu nguyện, cầu kinh. Đàn ông, đàn bà, thanh niên nam nữ tới đây đều gìn giữ
trang phục chỉnh tề, sạch sẽ. Sự kính trọng được bày tỏ ở nhà thờ, nhà chùa,
không chỉ qua trang phục mà còn thể hiện sự nghiêm trang đúng đắn qua cử chỉ và
tâm hồn mình.
Cha mẹ thường chiếm một vị trí rất quan trọng trong trái tim
của đứa trẻ. Họ phải thương yêu, coi trọng chúng. Tình yêu không xung khắc với
lòng kính trọng; ngược lại, nó còn đòi hỏi sự kính trọng. Đứa con hiếu thảo bao
giờ cũng tràn ngập lòng kính yêu cha mẹ mình. Nó trân trọng nghe lời khuyên nhủ
của cha mẹ và thường quanh quẩn bên họ. Sự tin cậy của chúng đặt hoàn toàn vào
kinh nghiệm ở đời của cha mẹ không nên giữ kín bất cứ điều gì đối với chúng,
ngay cả khi chúng đã trưởng thành, cũng không có gì quan trọng mà không bàn bạc
với con cái.
Những đứa trẻ khác thường thiếu lòng tôn kính và hay bội
bạc. Chìm đắm trong sự mê muội cá nhân, nó thường trả lời cha mẹ bằng thái độ
hỗn láo, khinh bạc, không ngại tranh cãi với cha mẹ và đôi lúc còn chế giễu
những cái mà nó cho là cũ kỹ, lạc hậu. Nó nói với bạn bè, cha nó là gì? Đó là “cái
ông bố già” hay “người mọi giữ của”, theo định nghĩa thông thường của nó thì
“người cha là kẻ giữ két để chi tiền hàng ngày”. Phải chăng do cha mẹ tạo điều
kiện quá khiêm tốn, nên nó thường tìm cách giao du với những đứa trẻ có nhiều
may mắn hơn. Nó tránh trình bày hoàn cảnh thực của mình để khỏi xấu hổ với bạn
bè về cái mà nó cho là thiếu thốn.
Một người ông què quặt không được ngồi chung một bàn ăn với
cả nhà, phải ẩn mình trong xó nhỏ và ăn với cái thau gỗ cũ kỹ. Một hôm, con
trai và con dâu của ông ta đang ăn, chợt thấy đứa con trai 5 tuổi đang xếp
những tấm ván trên nền nhà, bèn hỏi: “Con
làm cái gì đấy?”. Đứa trẻ đáp: “Một
cái máng gỗ đấy. Cái nầy để cha mẹ dùng khi tới tuổi già!”. Hai kẻ bạc ác
nhìn nhau, im lặng, nước mắt bỗng đầm đìa trên gò má. Và, ngay sau đó, người
cha tàn tật được mời ngồi vào bàn ăn, ở một chỗ tiện nghi nhất.
Người con phải luôn luôn gìn giữ tấm lòng kính trọng đối với
bậc sinh thành. Hãy quên đi mọi khiếm khuyết để chỉ mang nặng tấm lòng biết ơn.
Alexandre le Grand nói về người thầy của mình là Aristote và người cha là
Philippe rằng: “Nếu người sau truyền lại cho
ta chiếc ngai vàng, thì người trước dạy cho ta trở thành một vị vua sáng suốt”.
Mặt khác, người thầy không làm tròn chức năng nếu chưa dạy
cho học trò biết rằng tình cảm và sự kính trọng luôn luôn bình đẳng đối với mọi
người “linh mục cũng như quan tòa, đàn bà
cũng như thiếu nữ, người già nua cũng như kẻ nghèo hèn”.
Mọi người phải tuân thủ luật lệ, mà luật lệ thuộc về những
kẻ bỏ phiếu làm nên nó, thi hành và phủ quyết nó. Các vị quan tòa có nhiệm vụ
chính là tuân thủ luật lệ. Con người có thể bị coi thường nhưng kẻ thừa hành
công vụ thì luôn luôn được tôn kính. Một thói quen đáng ghét khi các vị quan
tòa quay lưng lại, tự bằng lòng sự yếu kém và khó khăn trong nghề nghiệp của
mình.
Tất cả mọi người, kể cả những kẻ có tuổi, có chức quyền,
phải biết tôn trọng phụ nữ. Qua phụ nữ, dường như họ thấy lại mẹ mình, chị em
mình và sau đó, người bạn đồng hành với mình trên đường đời. Tuổi già phải
được tôn trọng. Con cái và lớp trẻ có tâm hồn nhạy cảm thường xem người già
trong gia đình là hình tượng của sự lớn lao và quí giá. Họ kính trọng người
già, làm cho người có tuổi bớt đau đớn, nhọc nhằn, nhằm kéo dài tuổi thọ. “Đó là những người bạn quí, nếu họ đi luôn,
không gì bù đắp được”. Nơi nào, những người già tóc bạc không được tôn kính
thì ở đó, thiếu hẳn những lời khuyên bảo chí tình, thiếu hẳn sự trợ lực và sự
thanh tịnh, hòa đồng. Không quan tâm tới người già là tự làm nhục mình, cứ
nghĩ rằng họ là sự bất lực, yếu đuối, nạn nhân mà thần chết sẽ tới để đón đi.
Nhưng, chính họ là người chứa đầy những lời khuyên hữu ích cho thế hệ kế thừa.
Thời Hy Lạp, có một đạo luật bắt buộc người còn trẻ phải đứng nghiêm khi người
già đi ngang, phải chào hỏi nhường bước và hoàn toàn im lặng lắng nghe người
lớn tuổi phán bảo. Trong cuộc chiến chống lại nghịch cảnh thì đức hạnh hóa
thành sức mạnh thu lại thắng lợi và làm cho đời sống thêm hoàn hảo hơn. Tục ngữ
La tinh có câu: “Res sacra miser” (sự đau khổ là vật thiêng liêng), nên chúng
ta phải dành sự kính trọng cho những người đau khổ.
Người ta thường gán cho người khác cái tội “quả báo”, rồi
hất hủi, khinh miệt họ hoặc đối xử một cách lạnh nhạt, thờ ơ. Đó là thái độ
đáng trách. Có biết bao nhiêu người lương thiện trong đám đói nghèo, chẳng khác
gì hạt sạn lăn lóc trên đống vàng. Sự kính trọng còn được thể hiện với người
nghèo khó, vốn chịu nhiều vất vả, khó khăn. Thực tàn ác khi làm thương tổn tới
tâm hồn vốn cũng có những niềm tự hào thầm kín. Đừng bao giờ xúc phạm họ và
cũng đừng cho biết là ta đối xử nhân hậu với họ. Cũng đừng bao giờ bắt họ phải
khúm núm trước sự cư xử cao ngạo kèm theo thực nhiều của bố thí.
Người ta cũng nhận rằng có nhiều đứa bé quen tôn trọng cả
với loài vật thể hiện qua thái độ không sát sinh (giết chim chóc, sâu bọ),
không đối xử thô bạo với súc vật đang phục vụ mình. Nói tóm lại, cố giữ cho
mình là “vị vua xây dựng xã hội chớ không trở thành một bạo chúa”.
2. Sự khéo léo, tế
nhị
Phép lịch sự đòi hỏi nhiều tế nhị. Sự tế nhị xét về khía
cạnh đạo đức giúp ta tiên đoán được cái gì làm người khác đau đớn và đối với
ai, cần sự giúp đỡ cấp thiết của mình. Nó chỉ dẫn ra, đầy đủ hơn sách vở, cái
gì người ta nên nói, cái gì thì phải lặng thinh, cái gì nên làm và cái gì phải
tránh. Tính chất của nó là dự báo, thích nghi và chừng mực.
Thực hết sức thiếu tế nhị khi diễn tả từng chi tiết của một
cảnh đẹp cho người mù nghe; nói ba hoa về niềm say mê, thích thú của những
chuyến du lịch cho một người què quặt; nói về sợi dây trong nhà với một người
muốn treo cổ tự sát. Sự tế nhị là phải hiểu chắc cái gì mình chỉ dẫn, phải nói
rõ điểm hẹn, và hết sức ân cần khi vừa gặp mặt; phải nói bằng những lời thân ái
và biết xoa dịu nỗi đau của những vết thương. Sự tế nhị làm tăng thêm giá trị
của các hành động thông thường nhất, chẳng hạn như cách chào hỏi, an ủi, tặng
quà, chia buồn hay đoán định các ước muốn của người khác. Nó còn nhắc ta cẩn
thận trong lời nói và hành động, biết vồn vã đón bạn thân, dành cho họ một chỗ
lịch sự nhất cũng như giúp họ tiếp nhận dễ dàng những lỗi lầm đáng tiếc.
Malherbe được mời tới dự tiệc tại nhà ông Desportes nhưng đến
đến trễ. Khi mọi người đều yên vị, Desportes đứng dậy đón chào và vồn vã nói:
- Tôi sắp được nghe một
tác phẩm mới của anh đây!
Malherbe trả lời khô khan:
- Cái đó không cần
thiết, tôi thích món súp của bác hơn nhiều!
Desportes bị tổn thương và kể từ đó, chấm dứt tình bạn với
Malherbe. Rõ ràng Malherbe không tế nhị nhưng anh ta đáng tha thứ, còn Desportes
có lẽ lại thiếu hẳn lòng khoan dung.
Với một chút ít lòng vị tha, chút ít lịch sự trong kinh
nghiệm sống, một thanh niên trai trẻ không bao giờ bị lúng túng. Anh ta sẽ biết
sống và luôn luôn tỏ ra hữu ích hơn những gì mà anh ta đã biết.
3. Sự phân minh
Sự phân minh là vẻ ngoài của đức hạnh, thường hiện ra trên
nét mặt. Nhưng vẻ tự nhiên bên ngoài, tính thường xuyên và sự hòa hợp của các
quy luật ấy không quan trọng mấy, cái chính là ở nội tâm. Nó đòi hỏi sự cao
thượng của tư tưởng và tình cảm phải kết hợp với vẻ giản dị, đẹp mắt của điệu
bộ và lời nói. Sự phân minh vốn là tư chất, không lệ thuộc vào dòng dõi, vị trí
xã hội hay số phận mà nó là phần thưởng của tuổi trẻ có đức hạnh. “Sự quý phái có tính di truyền, còn sự phân
minh là một nghệ thuật sống; cái kia cùng với ta sinh ra, còn cái nầy thì phải
tự tạo lấy”.
Không có gì thích thú hơn khi được gặp một thanh niên có
tính phân minh. Cứ nhìn cái vẻ sinh động, bước đi thoải mái, giọng nói rạch ròi
của anh ta thì đã thấy quyến luyến lắm rồi. Này những cậu trai trẻ, hãy tránh
xa những thói tật rẻ rúng, tầm thường trong xã hội. Hãy trau dồi tính tự tin,
phân minh trong điệu bộ cũng như lời nói, nhưng nhớ tránh các kiểu cách khinh
người.
4. Sự ân cần, niềm nở
Sự ân cần niềm nở làm vui lòng tình cảm của người khác. Ân
cần thái quá, đôi lúc trở thành sự chiều chuộng, khiến người khác quên đi nghĩa
vụ của họ, như chiều chuộng trẻ em và người giúp việc trong nhà. “Sự ân cần, niềm nở là một khoản tiền, nhờ
đó, người không giàu có luôn luôn trả hết phần đóng góp của mình”. Có nhiều
hoàn cảnh áp dụng, như ở lại với một người họ hàng bị bịnh, tự nguyện tham gia
một công việc hữu ích, vác giúp người khác một bao hàng, nhặt của rơi trả lại
cho người bị mất, nhường chỗ ngồi an toàn cho phụ nữ ở nơi đông người hay trên
xe công cộng, đưa tay dìu một người già lên xuống xe buýt, đọc hộ thơ cho người
mù, dắt tay người tàn tật băng qua xa lộ…
Ông Martin rất thích các công việc nầy. Một hôm, gặp một
người bị bịnh động kinh nghèo đói trên sân ga, ông đưa mũ xin tiền và kêu gọi
mọi người giúp kẻ bất hạnh. Lần khác, ông cõng một người thợ say mèm gần chết
về tận nhà anh ta.
Đức tính nầy phát xuất từ lòng quan tâm tới kẻ khác. Một đứa
trẻ có tâm hồn cao thượng, không bao giờ làm mất lòng người khác, kể cả khi nó
chịu mất thú vui của mình. Cho nên, người ta nói rằng, sự ân cần niềm nở là chị
em của tính nhân ái.
5. Tính xác thực,
đúng đắn
Nói như vua Louis thứ 18 “tính
xác thực là phép lịch sự cần thiết của các vì vua”. Đó là thói quen làm
việc một cách kỹ lưỡng và lập tức.
Nhiều người tỏ ra khó chịu với những nhu cầu của họ. Dĩ
nhiên đó là những người không bao giờ tỏ ra vội vàng. Họ quên rằng cơ hội tốt
chỉ mong manh như một sợi tóc, mà họ phải nắm ngay vì nó chỉ chực biến đi tức
khắc. Họ không chỉ làm phiền lòng những ai mà họ lỗi hẹn mà còn làm thương tổn
tới niềm vui và quyền lợi của họ nữa.
Trong cuốn sách “Nos filles”, nhà triết học Legouvé có nhắc
lại chuyến du lịch đến Thụy Sĩ với một số bạn thân. Chuyến đi mất vui chỉ vì
lỗi nhỏ của người vợ: “Cái tính rề rà
chậm chạp của bà làm nhiều người đồng hành bực mình. Bạn của tôi than phiền gay
gắt về bà, tôi hết lời che chở nhưng cũng không quên nhắc khéo bà ta. Sau cùng,
lấy cớ có việc phải trở về Paris, tôi bỏ dở chuyến nghỉ hè“.
Sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chính xác sẽ đỡ mất thì giờ về những
cái ngoài dự kiến. Một phi công, sau khi quan sát kỹ không gian rộng lớn qua
ống kính, sẽ bay rất an toàn; một người lái ôtô, nắm chắc các mối đường, sẽ
giảm thiểu được tai nạn cho người đi bộ. Một thanh tra nhà máy, tận tâm với
công việc, sẽ bảo đảm cho các qui trình đều tiến hành thông suốt, trên chiến
trường, người chỉ huy nắm chắc tình hình sẽ đạt được thắng lợi. Ở trường trung
học, các học sinh nội trú tuân thủ các quy tắc sẽ dễ dàng hòa nhập vào cuộc
sống hàng ngày. Nơi đây, mọi sự ăn ngủ đối với chúng, đều khác hẳn với cảnh
sống ở gia đình. Cha mẹ phải là người đầu tiên thực hiện thời khóa biểu ổn
định, bắt chúng tuân theo. Có như thế, sức khỏe của chúng mới bảo đảm phát triển
được.
Tính xác thực được quan tâm đầy đủ trong công việc hành
chánh và luật lệ, ở nơi sinh hoạt tập thể thường có tính bắt buộc mọi người
phải tuân theo. Ở những khu nội trú, việc thực hiện nó không mấy khó khăn. Như
lời khuyên của Thánh Thésèse thì “hãy đắn
đo cho kỹ khi nghe người ta gõ cửa. Nghĩ thực kỹ trước khi trả lời”. Tôi
làm thế và tôi bảo đảm với anh, đó là nguồn suối của sự hòa bình. Đức tính ấy,
dĩ nhiên, có giá trị lâu dài.
6. Lòng biết ơn
Lòng biết ơn là một nghĩa vụ thiêng liêng “đó là sự trả nợ
thâm tình”. Trước hết, món nợ đối với bậc sinh thành, thường hết sức nhạy cảm
đối với ai có lòng tín nghĩa; bởi vì lòng biết ơn làm vui lòng người nhận thì
lại tạo ra niềm sung sướng hơn một nghìn lần cho người được trả.
Món nợ trước hết mà chúng ta mang nặng trên đời là công ơn
cha mẹ – những người đã cho ta cuộc sống, sự chăm sóc, sự giáo dục. “Không có gì cao đẹp hơn lòng biết ơn”.
Những trái tim đức hạnh thường chứa nhiều linh tính: “một lời cám ơn chân thực, một từ ngữ yêu thương, một bông hoa dâng
tặng, một sự chăm sóc ân cần”. Tất cả những cái đó là cơ hội để chứng tỏ
lòng biết ơn. Ngược lại, những kẻ ích kỷ thường coi công việc ấy là một gánh
nặng. Thực khoan khoái biết bao nhiêu nếu có một bài học nhắc cho họ cái nghĩa
vụ ấy!
Một hôm, K., một đứa bé mười tuổi, có ý định khoe với mẹ về
thứ hạng cao mà nó vừa đạt được trong kỳ thi để vòi tiền: “Tổng cộng là 6 đồng”. Bà mẹ nhìn tấm phiếu, không nói một lời. Đến
bữa điểm tâm, K. nhìn thấy trên đĩa của nó có 6 đồng, đặt cạnh một tờ giấy ghi
sẵn : “K. còn nợ mẹ 10 năm sống hạnh phúc
cạnh bà – không gì cả, 10 năm chăm sóc vì bịnh hoạn – không gì cả, 10 năm có
một bà mẹ yêu quí mình – không gì cả. Tổng kết: không gì cả!“ Bài học ấy
mang lại cho nó nhiều quả ngọt và K. bá lấy cổ mẹ reo lên: “Hãy tha thứ sự khờ dại của con. Bây giờ con hiểu. Không bao giờ con
trả hết những gì mà con còn nợ của mẹ”.
Những người trưởng thành đều biết trân trọng sâu sắc lòng
biết ơn đối với cha mẹ. Pasteur cũng vậy, trong ngày giỗ cha mẹ, ông khấn
nguyện như sau:
- Ôi! Cha mẹ kính
yêu ơi! Ôi, những người yêu thương nhất của con không còn nữa; những người đã sống
rất khiêm tốn trong căn nhà nhỏ này mà suốt đời, con còn nặng nợ. Mẹ rất dũng
cảm của con! Sự nhiệt tình cao cả của mẹ đã truyền lại cho con. Nếu con luôn
luôn đóng góp vào sự vĩ đại của khoa học, sự vĩ đại của Tổ quốc, đó chính là
nhờ con đã chìm đắm trong tình cảm mà mẹ vun bồi trong lòng con. Và, thưa cha
kính yêu. Suốt đời khắc khổ trong công việc cực nhọc, cha đã chứng tỏ sức
làm việc kiên nhẫn trong thời gian rất dài. Chính nhờ cha mà ngày nay con nỗ
lực không kém. Đời cha không chỉ làm nên những gì có ích cho cuộc sống mà còn
là tấm gương sáng chói của một người vĩ đại và của công việc lớn lao. Cha mẹ
kính yêu! Xin hãy yên nghỉ bên nhau như ngày nào và để cho con tỏ lòng tôn kính
cha mẹ trong căn nhà nầy.
7. Sự thận trọng và
dè dặt
Tính thận trọng giúp ta cân nhắc các hành động, uốn nắn lời
nói sao cho thích hợp với mọi nghi lễ. Nếu tinh lực thuộc về thể chất thì nó
chính là tâm hồn. Thiếu thận trọng, người ta không thể thành người lương thiện.
Một người thận trọng không bao giờ lạm dụng, lừa đảo ai, tôn trọng không chỉ sự
bí mật mà còn cả thì giờ và tự do của người khác: “Có sự thận trọng nghĩa là biết chăm chú lắng nghe mà không bao giờ lặp
lại cho người khác”. “Người khôn khéo cảm nhận được cái gì còn thích hợp, cái
gì nên tránh xa”.
Tính thận trọng rất cần khi xét bất cứ vấn đề gì. Không kể
về những vấn đề xảy ra trong gia đình mình cho bạn bè và cho những người quen
biết. Không nghe lén ngoài cửa, không đọc những tờ giấy bỏ bừa bãi trên bàn; giữ
kín được những câu chuyện bạn bè kể lại hoặc tình cờ nghe được.
Bà mẹ của Mérimée phát hiện ra một bí mật nhỏ của con trai,
khi nó còn thơ ấu; thế mà đứa nhỏ giữ mãi nỗi buồn ấy trong lòng, gần suốt cuộc
đời. Cậu khắc lên chiếc nhẫn đeo tay: “Hãy
nhớ mãi mối hoài nghi này”.
Tò mò tìm hiểu một lá thư gởi tới cho người khác là điều
không tha thứ được. Cũng được coi là thiếu thận trọng khi cứ đoán mò, qua quan
sát ngoài bì thư, nơi nào gởi tới, cô ấy viết cho ai, và tìm mọi cách giải đáp
nỗi ngờ vực ít nhiều điều mà người ta muốn giữ kín. Có người thèm biết tất cả
nên tỏ ra xấc xược qua các câu hỏi thiếu thận trọng về gia đình, về số phận, về
cuộc sống riêng tư. Bị đùn đẩy lần thứ nhất, thứ hai rồi thứ ba, anh ta vẫn
không nản, cho tới khi sự thèm khát ấy được thỏa mãn. Cái ý tưởng tò mò kỳ quặc
đem lại cho anh ta nhiều chuyện rầy rà và sinh ra lắm kẻ thù ghét. Sự tò mò là
chị em ruột của tính không thận trọng, nó không phải là một tính xấu bẩm sinh;
đó là một lỗi lầm trẻ con, và là sự dại dột. Nó trở thành thói xấu không tha
thứ được.
Lợi dụng cơ hội của một buổi chiêu đãi thân tình để chui vào
gia đình người khác, vén tấm màn che cái nỗi bất hạnh tiềm tàng, là một hành
động đáng khinh bỉ. Tất cả chuyện riêng của mỗi gia đình đều là bí ẩn thiêng
liêng. Tìm cách mở toang cánh cửa, phơi bày mọi sự thầm kín để thỏa mãn tính tò
mò là một hành động hèn hạ, xấu hổ và thiếu tình người. “Nếu anh vừa nghe thấy cái gì thì hãy làm như chưa biết, chưa thấy
vậy”.
Sự thận trọng bao gồm cả tính dè dặt, kín đáo mà nhờ nó, một
số thanh niên hiện nay tìm được sự giúp đỡ để tiến thân. Sự kín đáo ngoài xã
hội: Không ba hoa chích chòe, không loan tin thất thiệt, không thực hiện những
cuộc viếng thăm phiền phức, không tổ chức những cuộc hẹn hò ám muội, không tụ
tập thành bè nhóm, không đánh hơi, tìm tin tức v.v… và nhất là không gây ra những
cuộc tranh cãi kỳ quặc.
Sự kín đáo trong quan hệ với mọi người: Trong việc mở rộng
giao du, bung rộng ra phạm vi quen biết, người ta có thể bị nguy hại vì những
chuyện buồn phiền, ganh ghét hay tiêu pha vô ích.
Kín đáo trong việc tiêu pha: Điều hạn chế tính tốt của tuổi
trẻ là sự thiếu tiên liệu: thiếu hạn chế việc tiêu pha tiền bạc. Không dự phòng
một số vốn để khi không còn đủ sức khỏe và điều kiện làm việc nữa. Khi có sự
không may ập xuống thì, than ôi, không ai giúp họ kịp thời.
Tính dè dặt và thận trọng không chỉ là vẻ đẹp của xã hội mà
còn là sự đảm bảo cho cuộc sống yên vui. Người ta thường đối xử rất nghiêm khắc
với những ai thiếu thận trọng.
8. Sự kiên Nhẫn
Sự kiên nhẫn giúp ta đứng vững trước những lỗi lầm, những
lời chê trách, những cái không kịp thời và những lời phê phán râm ran không làm
ta thất vọng. Theo Évangile, “nhờ sự kiên
nhẫn mà ta giữ được tâm hồn mình” hay để đạt được sự yên tĩnh trong tâm
hồn, khi phải đối đầu với nghịch cảnh, với sự nguyền rủa, với sự vu khống, gièm
pha, người ta cần, trước hết, là sự kiên nhẫn; thường được gọi là “lòng can đảm
thường xuyên”. Không chờ đợi cơ hội lớn lao, tùy trường hợp, người ta khẳng
định được ý chí của mình, giữ lòng tỉnh táo trước những trở ngại, mâu thuẫn,
không gian thở dù nóng, dù lạnh, dù đau khổ hay bị chống đối, ganh ghét của
người khác.
Nói tóm lại, không hề run sợ, không chút buồn phiền. Cái mà
người ta gọi là sự đau khổ, éo le trong đời nầy có khác gì những viên ngọc quí
mà ta nhặt được trong đống sạn, như ngôi sao lấp lánh trên bầu trời! Người có
bản lĩnh thường thản nhiên trước nghịch cảnh, bất chấp sự ghen ghét, trù ẻo, họ
chỉ tin tưởng ở tài năng và lương tâm của mình. Những hoạt động thiếu kiên nhẫn
phải được dập ngay từ trong trứng nước. Chẳng hạn, người ta không cho phép một
đứa trẻ đập một vật nào đó mà chính cái nầy sẽ gây thương tích cho nó; không
cho chơi nhảy trong tình trạng yếu kém sức khỏe. Cha mẹ càng không bao giờ nhịn
thua những tiếng khóc điên dại, những cái giẫm chân, giẩy nẩy của con trai, con
gái của mình.
Người công dân lương thiện phải làm những điều tốt: “Không nên nói hay làm khi ta đang bực mình.
Nếu không kiềm hãm được sự bình tĩnh thì hãy cố ghìm nó xuống. Phải nhớ rằng,
sự giận dữ thường đưa tới các hành động thiếu suy nghĩ, thường nhận lãnh hậu
quả đáng tiếc mà người ta thường nhắc nhở rằng “no mất ngon, giận mất khôn”.
9. Sự khiêm tốn
Sự khiêm tốn không chỉ là đức hạnh mà còn là sức mạnh giúp
ta lôi cuốn được bạn bè, tìm được giàu sang, tạo được sản nghiệp và quyền lực
trong xã hội. Người khiêm tốn thường tránh xuất hiện công khai, không kiếm chác
quyền lợi, địa vị hoặc lôi cuốn sự chú ý của mọi người. Anh ta thích và thường
tìm kiếm một cuộc sống kín đáo. Anh ta tự ví mình như một chùm hoa không lòe
loẹt, cố phơi mình khoe màu sắc mà lại lặng lẽ tỏa ngát hương thơm. Anh ta ít
tranh luận, không bày tỏ ý kiến khi được người ta hỏi tới và bao giờ cũng nói
rất dè dặt, rõ ràng. Anh ta ít nói về mình. Lại thích ẩn mình để ít ai biết và
tỏ ra dễ dàng khi nhận một công việc khiêm nhường. Lời khen tặng làm anh ta lo
lắng và sự nịnh nọt làm anh ta hoảng hốt.
Anh ta tin cậy những người bạn mà mình đã lựa chọn, dành cho
họ phần lớn những gì có giá trị và chỉ giữ công việc cho mình mà thôi. Anh ta
luôn luôn tự nguyện làm vừa lòng bạn bè và không bao giờ buộc họ chấp nhận quan
điểm và sở thích của mình. Với sắc thái luôn luôn tỉnh táo, nên sự thành công
không làm anh ta vênh váo và thất bại không làm mất can đảm. Sự khiêm tốn giúp
mình giấu kín tính kiêu ngạo và thói khinh miệt – hai thói xấu thường ngự trị
trong trái tim con người. Nhà thơ Bruyère phác họa chân dung của Condé Đại đế:
“Người ta nghe có kẻ tâu lên: tôi đánh đuổi chúng” còn nhà vua, với lòng khoan
dung thì nói: “Chúng ta đánh bại chúng”.
Kẻ kiêu ngạo không bao giờ khiêm tốn: họ thường nói về mình
và về những kẻ đang tán dương họ. Nó không biết rằng “cái tôi” là một chủ đề buồn chán đối với người đối thoại. Nó quên rằng
„sự kiêu ngạo là anh em của sự ngu muội và dù rằng, kẻ ngu xuẩn cố thêu thùa,
trang trí bộ quần áo của y tới đâu thì đó cũng chỉ là quần áo của một tên ngu
xuẩn. Nó mang căn bệnh hãnh tiến đến lạc hậu, buồn cười! Giống như nhân vật
Arrias “nó đã đọc hết, đã thấy hết, đó là một người thông thái bẩm sinh và nó
là thế đấy! Nó thích nói láo còn hơn là im lặng hoặc tỏ ra không biết gì hết!”.
Trong hơn một phần tư giờ, nó rút ra được 4 vấn đề, đưa ra 3 giải pháp để chữa
bịnh nan y, và còn chỉ ra một hình thức chính phủ tốt nhất… Nghe nó nói xong,
cứ ngỡ rằng con người dở dở ương ương ấy đang đóng một vai trò quan trọng. Nó
nói, nó biết hầu hết những nhân vật quan trọng đương thời, phần lớn là bạn bè
của nó, và một số người đã viết cho nó những lá thư đầy lời nịnh nọt. Nó khao
khát những lời khen tặng và nhận những lời nịnh nọt quá đáng với một vẻ thỏa
mãn kỳ cục.
Tự khoe khoang là nhu
cầu của nó, một nhu cầu mà vì vậy nó hy sinh tất cả, kể cả sự thực để đạt được.
Hôm nay nó nói dối, ngày mai tiếp tục nói dối. Tuy nhiên nó là một kẻ khôn
ngoan, theo cái kiểu không bao giờ nói những gì người ta nhìn thấy, và đó là
dấu hiệu của một tư tưởng hẹp hòi của kẻ tự khoe khoang, của kẻ chỉ nói quá
nhiều về mình.“
Người đứng đắn chỉ nên tự giới thiệu mình qua đức hạnh như
kiểu của La Bruyère: “Đừng tự tâng bốc, đừng
tự che giấu, hãy để nó tự phơi bày ra”.
Trích từ: “Học Ăn, Học
Nói, Học Gói, Học Mở”
của một nhóm nhà văn,
nhà giáo Pháp
được Hoàng Liên biên
soạn lại.