Vua Hamad bin Lsa Al Khalifah của Bahrain đồng ý hiến đất xây nhà thờ Công giáo lấy tên là nhà thờ “Đức Bà Ảrập” (Ảnh: Boston Globe)
Nhiều người Mỹ từng nghe kể hay đọc các bản tin nói về việc Kitô hữu di cư khỏi Trung Đông, và về mặt dân số Kitô hữu Ảrập bản địa điều đó hoàn toàn đúng. Kitô hữu hiện nay chỉ chiếm 5% dân số trong vùng này, giảm 15% so với cách đây một thế kỷ. Tại những nơi như Iraq, các cộng đồng Kitô hữu đang trên bờ biến mất.
Thế nhưng, bán đảo Ảrập ngày nay không thể ngờ là mình đang chứng kiến một trong những con số người Công giáo tăng mạnh nhất so với các nơi khác trên thế giới. Có được tốc độ tăng trưởng này không phải do người Ảrập trở lại đạo mà là do người nước ngoài đến đây làm lao động chân tay và ôsin, và vùng này ngày càng cần họ.
Người Ấn Độ, Hàn Quốc, Pakistan, Philippines, Sri Lanka và những người mang quốc tịch khác đang trở thành người lao động nghèo mới trong một số xã hội giàu có nhất thế giới này.
Kết quả là số người Công giáo trên bán đảo này nằm ở khoảng 2,5 triệu người. Kuwait và Qatar có khoảng 350.000-400.000 người Công giáo sinh sống, Bahrain có khoảng 140.000 người và riêng Ảrập Saudi có 1,5 triệu người.
Mặc dù gặp ba điều bất lợi là nghèo khổ, thiếu quyền công dân, và thuộc tôn giáo thiểu số vốn thường bị coi thường, những người nhập cư này đang cố gắng cắm rễ cho đức tin của mình, và đã có một số thành quả bất ngờ.
Gần đây, Vua Hamad bin Isa Al Khalifah của Bahrain đồng ý hiến đất để xây nhà thờ Công giáo, lấy tên là nhà thờ “Đức Bà Ảrập”, dùng làm nhà thờ chính tòa của giáo phận Bắc Ảrập. Do không có nhà thờ, cho đến nay người lao động nhập cư muốn đi lễ thường đến các đại sứ quán phương Tây, đặc biệt là đại sứ quán Ý, hay tập trung tại nhà riêng hay ở sân công ty dầu nước ngoài.
Đức Giám mục người Ý Camillo Ballin, thành viên 69 tuổi của dòng thừa sai Comboni, dẫn dắt cộng đồng Công giáo đang phát triển nhanh này. Ngài sang Mỹ vào đầu tháng 3 để quyên tiền xây nhà thờ chính tòa, được ngài ước tính mất khoảng 30 triệu Mỹ kim. Ngài nói chuyện với tờ Globe trong chuyến đi này. Đức cha Ballin gọi quyết định này ở Bahrain là “một dấu hiệu đối thoại tốt đẹp, các nước khác cần noi theo”.
Mặc dù Đức cha Ballin gặp phải tình huống khó khăn khi nói về tình hình của giáo dân mình, ngài không hề giấu việc ngài sống trong một nơi khó khăn nhất trên thế giới đối với Kitô hữu.
“Cải đạo hay áp đặt Hồi giáo không phải là chính sách của chính phủ ở những nước này. Nhưng những áp lực đó thường nằm nơi cá nhân và các phong trào Hồi giáo cực đoan”, ngài phát biểu.
Đức cha Ballin kể đôi khi người lao động Kitô hữu được hứa trả lương cao hơn hay cho hưởng các bổng lộc khác nếu họ cải đạo, và họ thường bị ép làm việc theo lịch gần như không thể tham dự lễ Chúa nhật được.
Dựa trên các thực tại đó, ngài thừa nhận xây nhà thờ là một vấn đề khó khăn. Vì tính nhạy cảm của người Hồi giáo, nhà thờ chính tòa mới này sẽ không đặt thánh giá trên đỉnh hay có bất kỳ biểu tượng Kitô giáo nào bên ngoài, ngài cho biết.
“Trong thế giới Ảrập nói chung, đây là thời điểm hết sức cuồng tín. Chúng tôi không muốn khiêu khích những kẻ cuồng tín bằng cách tự biến mình thành mục tiêu”, Đức cha Ballin nói.
Đức cha Ballin nói dù sao thì biểu hiện bên ngoài cũng chỉ là thứ yếu.
“Là Kitô hữu, đeo thánh giá là quan trọng, nhưng không cần thiết. Điều quan trọng là làm chứng bằng đời sống của chúng ta, là Kitô hữu chúng ta là con của một Cha yêu thương hết mọi người”, ngài nói.
Đức cha Ballin còn thừa nhận trong khi một số nước vùng vịnh có thể dễ dãi, Ảrập Saudi vẫn còn cấm xây nhà thờ phục vụ cộng đồng Công giáo thiểu số ở đó.
“Người Hồi giáo dạy rằng cả nước này là đền thờ Hồi giáo lớn, và họ nói anh không thể xây nhà thờ bên trong đền thời Hồi giáo”, ngài nói.
Đức cha Ballin không muốn bàn luận nhiều về câu nói đó, ngài chỉ nói “vào ngày chúng tôi có thể xây nhà thờ ở Ảrập Saudi sẽ là một ngày vẻ vang không chỉ đối với người Ảrập Saudi mà còn đối với cả thế giới”.
Bất kỳ người nào mong muốn tránh xung đột giữa các nền văn minh cần cầu nguyện xin cho sự gia tăng dân số Kitô hữu nơi đây tạo ra cầu nối với Hồi giáo và không để xảy ra bạo lực nữa.
John L. Allen Jr. Cho Boston Globe