"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Hãy cầu nguyện cho các linh hồn

Nghĩa trang Rahlstedt, Hamburg

Người Á Đông chúng ta nói chung và người Việt nam nói riêng, rất coi trọng chữ hiếu. Nhiều nước còn đưa chữ hiếu lên thành đạo. Nói về lòng biết ơn, người ta thường nhắc con cháu ngược dòng lịch sử để nhớ về cội nguồn: “Con người có cố có ông, như cây có cội như sông có nguồn”. Hay: “con ai chẳng là con cha, cháu ai là chẳng cháu bà cháu ông” (ca dao tục ngữ Việt Nam). Vì thế, việc tôn kính ông bà tổ tiên là bổn phận phải làm đối với thế hệ hậu sinh.

Người Tây phương, họ không nâng lên thành đạo, nhưng họ lại không dừng lại ở chữ hiếu, mà con dành riêng ra hai ngày để nói lên lòng biết ơn đối với bậc sinh thành, đó là ngày của mẹ (mother’s day) vào ngày Chúa nhật thứ hai trong tháng năm và ngày của cha (father’s. day) vào ngày Chúa Nhật thứ ba trong tháng sáu.

Còn với Đạo Phật, người ta dành ngày rằm tháng bảy âm lịch và Mùa Vu Lan báo hiếu để nói lên lòng biết ơn Tam Bảo và hiếu nghĩa với mẹ cha.

Với đạo Công Giáo, trong vai trò Giáo Huấn của mình, Giáo Hội luôn nhắc con cái của mình hãy nhớ công sơn sinh thành dưỡng dục của tổ tiên: “Con ơi giữ lấy lời cha, chớ quên lời mẹ, nhớ mà ghi tâm. Đèn soi trong chốn tối tăm, ấy là chính những lời răn, lệnh truyền.Nhớ cầu cho bậc tổ tiên, khắc ghi công đức một niềm tri ân” (Cn 6,20,23). Vì thế, Giáo Hội Công Giáo, đã dành trọn tháng 11 hằng năm, để cầu nguyện cho các linh hồn. Trong tháng 11 này, nhiều hoạt động mang tính hiếu nghĩa được thực hiện như: xin lễ cầu cho ông bà tổ tiên, viếng nghĩa địa (vườn thánh), chỉnh trang những ngôi mộ cho mới hơn và nếu thuận tiện thì nhiều gia đình cũng tảo mộ nữa….

Thánh Công Đồng Vatican II cũng nói trong hiến chế về Mầu Nhiệm Giáo Hội như sau: “Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh…”; “Khi được về quê Trời và hiện diện trước nhan Chúa, nhờ Người, với Người và trong Người, các thánh lại không ngừng cầu bàu cho chúng ta bên Chúa Cha…”. Sự trao đi nhận lại này nói lên tinh thần hiệp thông, bổn phận và đức ái.

Hôm nay, Giáo Hội hoàn vũ dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn, tại Việt Nam, nhiều nơi có truyền thống dâng thánh lễ tại nghĩa địa (vườn thánh). Khi tham dự thánh lễ ngoài nghĩa địa như thế, chúng ta quây quần bên cạnh các ngôi mộ của người thân. Hẳn lòng không khỏi bùi ngùi khi thắp que nhang, cây nến để tưởng nhớ người đã khuất. Rồi sốt sắng tham dự thánh lễ để cầu nguyện cho các ngài sớm được về nơi hạnh phúc và bình an. Lời bài hát mà mỗi khi thánh lễ an táng được cử hành, chúng ta thường hay hát: “Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy”. Khi hát như thế, chúng ta biểu hiện niềm tin của mình thật mạnh mẽ vào sự sống đời sau, vì chết không phải là hết. Chết chỉ là cửa ngõ để bước vào sự sống vĩnh cửu. Khi cầu nguyện như thế, ấy là lúc chúng ta đang sống niềm tin của mình vào Đấng đã Phục Sinh từ cõi chết và, mong sao người thân của chúng ta đã lìa đời cũng được phục sinh như vậy. Tuy nhiên, Giáo lý Công Giáo dạy chúng ta rằng: có thiên đàng để thưởng người lành, có hoả ngục để phạt kẻ dữ, và có luyện ngục để thanh tẩy các linh hồn còn vướng mắc các tội nhẹ chưa đền hết. Như vậy, khi ở bên nấm mồ của người đã khuất, gợi cho chúng ta ý thức về sự linh thiêng và hiệp thông sâu xa trong mầu nhiệm Các Thánh cùng thông công.

Khi sống mầu nhiệm hiệp thông này, có lẽ không gì quý hơn là chúng ta cầu nguyện cho các ngài, bởi vì các ngài chưa được về cùng Chúa, nên các ngài còn bị giam cầm trong luyện ngục để thanh luyện cho tinh ròng trước khi được diện kiến tôn nhan Chúa cách trọn vẹn.

Các linh hồn chính là những người trước đó đã từng sống với chúng ta. Các ngài là cha mẹ, ông bà, tổ tiên, là những người ân nhân, thân nhân, là ông hàng xóm, là bà bán rau, là cháu học sinh… Các ngài là những người đã ra đi trước chúng ta để trở về với nơi mà từ bụi đất mình đã là khởi điểm kiếp người.  Khi cầu nguyện cho các linh hồn, chúng ta thể hiện lòng biết ơn, là sống tinh thần hiệp thông, liên đới trong đức ái. Không lẽ chúng ta bỏ mặc các ngài trong khi các ngài không thể làm gì hơn được nữa để cứu lấy chính mình?

Cầu nguyện cho các linh hồn còn là một bổn phận mà xét theo sự liên đới đây thì đây chính là lẽ công bằng, bởi vì biết bao điều tốt đẹp các ngài đã làm cho chúng ta khi còn sống, đôi khi vì chúng ta, mà các ngài phải chịu liên lụy và phải đền bù trong luyện ngục. Như vậy, trong thiếu xót, bất toàn của các ngài, chúng ta một phần có trách nhiệm, nên việc cầu nguyện cho các linh hồn chính là lẽ công bằng buộc chúng ta phải làm vì lòng biết ơn các ngài… Sự hy sinh của các ngài thật lớn lao, không bút nào viết cho hết, không miệng nào kể cho xuể. Quả thật, chúng ta được lớn khôn và nên người là nhờ vào sự vất vả một nắng hai sương, suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời của cha mẹ, ông bà…. Từ những đêm thức trắng lo toan, „Gió mùa thu mẹ ru con ngủ – Năm canh chày thức đủ trọn năm”, đến những ngày ngược xuôi bươn trải để kiếm cho con cháu chén cơm ăn cho ấm lòng, chiếc áo ấm che thân khi trời lạnh, mấy đồng xu cho ta học hành, thuốc thang… Cha mẹ chấp nhận tất cả để miễn sao cho con cái có tiếng cười, được hạnh phúc và bình an. Như vậy trong sự sung túc, niềm vui của chúng ta có đau khổ (sự chết) của đấng sinh thành.

Hãy cầu nguyện cho các linh hồn vì đây là việc làm có giá trị hơn hết, bởi vì trong Giáo Hội, chúng ta sống mầu nhiệm hiệp thông. Hôm nay chúng ta dâng lễ, những hy sinh, lời cầu nguyện cho các linh hồn sớm được siêu thoát, để các ngài trở nên những vị thánh trước tòa Chúa, các ngài lại cầu nguyện cho chúng ta.

Và mỗi khi đứng trước nghĩa địa, trước các phần mộ của người thân, hay chứng kiến một đám tang nào đó, ta hãy nhớ rằng một ngày nào đó tôi cũng sẽ phải chết như họ. Nghĩ được như thế, ấy là dịp chúng ta nghĩ đến thân phận mong manh của kiếp người. Nghĩ được như thế, là ta chuẩn bị cho hành trang về với Chúa qua những cái giấy thông hành được kết tinh từ những những việc lành phúc đức, những hy sinh… Nghĩ được như vậy, là ta đang tiến dần đến sự sống. Nói như thánh Phaolô thì:  “Mỗi ngày tôi phải đối diện với cái chết”. Đối diện với nó để ta chuẩn bị cho ngày cái chết đến rước chúng ta về với Chúa trong thanh thản và bình an.

Lạy Chúa, mỗi khi chúng con đứng trước nấm mộ của người thân, xin cho chúng con biết nhớ đến các linh hồn để cầu nguyện cho các ngài, và xin cũng cho chúng con ý thức được thân phận mỏng manh của kiếp người để sám hối và chuẩn bị cho cuộc ra đi của mình có ý nghĩa. Ước gì mai sau chúng con cũng được hợp cùng các bậc tổ tiên để ca ngợi Chúa không ngừng trên Thiên Quốc. Amen.


Jos. Vinc. Ngọc Biển