Cậu thanh niên trong câu truyện vui Thánh Kinh để ý chủ đề
“tóc dài” và đi tìm các vĩ nhân trong Kinh Thánh để tóc dài. Dĩ nhiên, Thánh Kinh còn nhiều chủ đề quan trọng hơn, giúp các tín hữu thông hiệp vào sự sống
của Thiên Chúa. Chúng ta cùng tìm hiểu trong bài này.[1]
Định nghĩa
Phương pháp tìm hiểu các chủ đề Thánh Kinh là tiếp cận một
sách nào đó trong bộ Thánh Kinh, hoặc trọn bộ Thánh Kinh, với một số câu hỏi đã
có sẵn trong đầu, sau đó viết ra những khám phá đã tìm thấy, và sau cùng áp
dụng vào đời sống cụ thể của mình.
Lưu ý: Phương pháp trình bày trong bài này mang tính
giới hạn, ví dụ: “Cầu nguyện” là một chủ đề lớn và bao quát trong Thánh Kinh, ở
bài này chúng ta chỉ tìm hiểu một cách giới hạn, hạn như: “Những lời cầu nguyện
của Chúa Giêsu,” “Những lời cầu nguyện của các tác giả Tân Ước,” “Những điều
kiện để lời cầu nguyện được nhậm lời,” “Chuyển cầu cho người khác,”… Cũng có sự
giới hạn về số câu Thánh Kinh cần tìm hiểu, bạn không nên tìm hiểu tràn lan vô
tận, mà chỉ giới hạn vào những câu Thánh Kinh nào trực tiếp liên quan đến chủ
đề. Giới hạn thứ hai trong phương pháp này là số câu hỏi cần sử dụng cũng sẽ ít
hơn.
Các bước tìm hiểu các chủ đề Thánh Kinh và áp dụng vào đời
sống
1. Chọn chủ đề:
Hãy chọn một chủ đề (nhỏ) mà bạn yêu thích hoặc muốn tìm hiểu sâu hơn.
Ví dụ: Chủ đề: “Định nghĩa của Chúa Giêsu về người môn đệ.”
2. Liệt kê những câu Thánh Kinh liên quan đến chủ đề: Hãy sử dụng các sách công cụ hạn như sách
tra mục từ (concordance), từ điển các chủ đề Thánh Kinh ,… Đặc biệt, xin xem
quyển "NIV Thematic Reference Bible – Study Helps", do Alister McGrath biên
soạn.
Ví dụ: Về chủ đề vừa chọn ở trên, ta tìm thấy có các đoạn Thánh Kinh như sau: Mt 10,24-25; Lc 14,26-28; Lc 14,33; Ga 8,31-32; Ga
13,34-35; Ga 15,8.
3. Đặt những câu hỏi
cần thiết: Hãy viết ra những câu hỏi bạn muốn tìm hiểu trong bản văn Thánh Kinh. Mẹo giúp đặt câu hỏi là các từ WH (what-cái gì, when-khi nào, why-tại
sao, where-ở đâu, who-ai) và HOW (thế nào). Cần nhớ là bạn chỉ nên đặt những
câu hỏi quan trọng và thật sự bạn đang cần biết mà thôi, bằng không bạn sẽ
“đuối”. Như vậy, đôi khi có thể bạn không cần sử dụng tất cả các câu hỏi WH và
HOW ở trên. Chỉ một câu hỏi là đủ! Anh chàng trong câu truyện vui chỉ đặt một câu
hỏi: “Trong Kinh Thánh có những ai để tóc
dài?”
Ví dụ, đối với chủ đề nêu trên, bạn có thể đặt ra những câu
hỏi sau: 1/ Người môn đệ của Chúa Giêsu có những đặc tính nào (what)? 2/ Làm
môn đệ của Chúa Giêsu thì sẽ gặp những gì (what)?… 3/…; 4/…
4. Trả lời những câu
hỏi: Hãy tìm trong Thánh Kinh những đoạn liên quan chủ đề và trả lời những
câu hỏi vừa nêu. Lưu ý, bạn cũng nên giới hạn phạm vi tìm kiếm, đừng lan man,
bằng không, bạn sẽ “đuối” và bỏ cuộc đấy. Sau đây là một số câu Thánh Kinh cho
câu hỏi 1:
Mt 10,24-25: “Trò
không hơn thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá
lắm rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bê-en-dê-bun, huống chi là người nhà.”
Như vậy, đặc tính của người môn đệ là phải giống Chúa Giêsu,
Thầy của mình.
Lc 14,26-28: “Ai đến
với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình
nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo
tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được. Quả thế, ai trong anh em muốn xây một
cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ
để hoàn thành không?” Như vậy, đặc tính của người môn đệ là phải yêu mến
Chúa Giêsu hết mình, phải vác thập giá mình và theo Người.
Lc 14,33: “Cũng vậy,
ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi
được.” Vậy, làm môn đệ Chúa Giêsu là từ bỏ tất cả để theo Chúa Giêsu.
Ga 8,31-33: “Đức
Giê-su nói với những người Do-thái đã tin Người: ‘Nếu các ông ở lại trong lời
của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ
giải phóng các ông.’ Họ đáp: ‘Chúng tôi là dòng dõi ông Áp-ra-ham. Chúng tôi không
hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói: các ông sẽ được tự do?’” Vậy,
làm môn đệ Chúa Giêsu là ở lại luôn mãi trong Lời của Người.
Ga 13,34-35: “Thầy ban
cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu
thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn
đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” Vậy, môn đệ của
Chúa Giêsu là phải yêu thương nhau.
Ga 15,8: “Điều làm
Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của
Thầy.” Môn đệ của Chúa Giêsu là phải sinh hoa trái.
5. Những kết luận:
Viết ra những hoa trái bạn thu lượm được từ những tìm hiểu trên.
Ví dụ: Những đặc tính của người môn đệ của Chúa Giêsu là:
- Giống Chúa Giêsu
- Yêu mến Chúa Giêsu hết lòng
- Vác thập giá mình mà theo Người
- Từ bỏ mọi sự và theo Chúa Giêsu
- Luôn ở lại trong Lời của Chúa Giêsu
- Yêu thương tha nhân
- Sinh hoa trái
6. Áp dụng: Viết
ra những áp dụng trong đời sống hằng ngày.
Ví dụ: Áp dụng đoạn Ga 8,31-32, tôi sẽ dành thời giờ để suy
gẫm và cầu nguyện Lời Chúa.
LM. JM. Mười Một, CSsR
[1] Nội dung bài này dựa trên
quyển „Bible Study Methods, Twelve
Ways You Can Unlock God’s Word”, 79-91, của Rick Warren, tác giả tác phẩm
nổi tiếng “The Purpose Driven Life” (Sống
Theo Mục Đích).