Bão thường được hiểu là hiện tượng mây gió kết tụ lại thành
một sức mạnh phi thường di chuyển không theo luật. Hậu quả của bão là tàn phá
trên bất cứ nơi nào nó đi qua. Ở đây, tôi xin mượn từ bão với ý nghĩa đó, để nói
về những sức mạnh vô hình đang tàn phá đức tin trên thế giới nói chung và tại
Việt Nam hôm nay nói riêng. Theo tôi, thì có nhiều thứ bão loại đó.
Phong trào tục hoá đang hình thành và diễn biến phức tạp
trong nếp sống đạo hiện nay. Nét chung của các hình thức tục hoá là nỗ lực tăng
cường các việc đạo đức bề ngoài, còn đời sống nội tâm thì lại coi nhẹ.
Một trong những yếu tố quan trọng của đời sống nội tâm là
gặp gỡ Chúa trong đức tin, thì xem ra không được để ý. Thực vậy, đức tin không
phải là một đề tài, một chủ thuyết để cắt nghĩa và khai triển, nhưng chủ yếu là
một gặp gỡ sống động với Chúa Giêsu nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Thế nhưng rất nhiều
khi, phong trào tục hoá đã làm áp lực, để tôi đừng gặp gỡ Chúa Giêsu, thậm chí
cũng áp lực để tôi không muốn tìm gặp gỡ Chúa Giêsu, một Chúa Giêsu là Con
Thiên Chúa làm người, để cứu chuộc nhân loại.
Phúc Âm thánh Marcô có đoạn viết: “Đang khi Đức Giêsu ra khỏi Đền thờ, thì một trong các môn đệ nói với
Người: ‘Thưa Thầy, Thầy xem công trình lớn thật! Kiến trúc vĩ đại thật!’ Đức
Giêsu đáp: ‘Anh nhìn ngắm công trình vĩ đại đó ư? Tại đây, sẽ không còn tảng đá
nào trên tảng đá nào. Tất cả đều sẽ bị phá đổ’”. (Mc 13,1-2).
Lời Chúa phán trên đây gợi ý cho tôi nghĩ tới những công
trình đức tin, mà tôi và hầu hết cho là vĩ đại, nhưng Chúa lại cho là sẽ bị phá
huỷ tan tành. Bởi vì công trình đó chỉ được xây dựng bằng những việc đạo đức bề
ngoài, có tính cách phô trương mà thiếu thực chất.
Phô trương xem ra là một nhu cầu đang được vẽ ra cho nhiều
công trình đức tin, và được công nhận là chính đáng để làm sáng danh Chúa, hợp
với thời đại mới.
Bão tục hoá đang tàn phá, nhưng lại không nhận ra, đó mới là
điều bi đát cho đức tin.
2. Cơn bão thứ
hai là phong trào hưởng thụ
Nói tới hưởng thụ, chúng ta thường nghĩ tới sự tìm khoái lạc
nơi của cải vật chất. Chúng trói buộc chúng ta, bắt chúng ta phải làm tôi
chúng. Để vật chất khống chế, để vật chất sai khiến, nhận đó là hạnh phúc chính
của mình, thứ hưởng thụ như thế rất hại đến đức tin.
Nhưng nguy hiểm hơn thứ hưởng thụ đó, là hưởng thụ về giai
cấp, về danh dự đạo đức mà mình cho là mình hơn người khác.
Phúc Âm thánh Luca kể dụ ngôn Chúa Giêsu đưa ra sau đây để
cảnh báo: “Có hai người lên đền thờ cầu
nguyện. Một người thuộc phái Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người
Pharisêu đứng riêng một mình, cầu nguyện rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, con xin tạ ơn
Chúa, vì con không như bao kẻ khác, tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như
tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười
thu nhập của con.
“Còn người thu thuế,
thì đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa
thưa rằng: Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.
Tôi nói cho các ông
biết: Người này, khi trở về nhà, thì đã được nên công chính rồi. Còn người kia
thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được
tôn lên” (Lc 18,10-14).
Kiêu căng, tự đắc với giai cấp đạo đức, tự mãn cho là mình
không xấu như những người khác, đó là một thứ hưởng thụ rất tinh vi, cao cấp,
cực kỳ nguy hiểm. Nếu tôi không tỉnh thức, tôi cũng dễ bị cơn bão hưởng thụ đó
tàn phá đức tin của tôi.
3. Cơn bão thứ
ba là phong trào "nhân danh Chúa"
Phong trào nhân danh Chúa đang phát triển mạnh. Xây cất nhân
danh Chúa, tổ chức ban bệ nhân danh Chúa, tiệc tùng nhân danh Chúa, tranh đấu
nhân danh Chúa, loại trừ nhân danh Chúa, kết án nhân danh Chúa, chống đối nhau
nhân danh Chúa.
Xưa, Chúa Giêsu đã cảnh giác về việc nhân danh Chúa với
những lời nghiêm khắc sau đây: “Trong
ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi
đã chẳng nhân danh Thầy mà nói tiên tri, nhân danh Thầy mà trừ quỷ, nhân danh
Thầy mà làm nhiều phép lạ đó sao. Và bấy giờ, Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không
hề biết các ngươi, hãy xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác”
(Mt 7,22-23).
Lý do là vì họ làm theo ý riêng, chứ không làm theo ý Cha trên
trời (x. Mt 7,21).
Có thể là còn nhiều cơn bão khác đang tàn phá đức tin. Nhưng
tôi biết chắc ba cơn bão nói trên đang thi nhau di chuyển trên Hội Thánh Việt
Nam hôm nay.
Tôi cầu xin Chúa phá đi những cơn bão nguy hiểm đó. Nhưng
Chúa cho tôi thấy chính Chúa Giêsu xưa cũng đã bị Satan đi theo, để quấy phá
Người, ngay trong sa mạc, nơi Người vào đó để cầu nguyện và ăn chay. Chúa cũng
cho tôi nhớ lại lời Chúa Giêsu nói về sức mạnh của Satan: “Đây là giờ của những bóng tối” (Lc 22,53). Thế nghĩa là gì?
4. Chúng ta phải phấn đấu
Tôi hiểu là những cơn bão tàn phá đức tin sẽ vẫn mãi còn.
Chúng do Satan. Chúa cho phép chúng tồn tại và hoạt động. Chúng ta phải phấn
đấu, như Chúa Giêsu xưa. Chúa muốn như vậy.
- Phấn đấu của chúng ta sẽ rất cam go, có khi sẽ bi quan, khi
thấy xem ra đang ứng nghiệm lời than của Chúa Giêsu xưa: “Liệu khi Con Người đến, Ngài còn tìm thấy đức tin trên mặt đất này nữa
không?” (Lc 18,8).
- Phấn đấu của chúng ta sẽ phải rất kiên trì, như Chúa Giêsu
đã nói: “Vì tội ác gia tăng, nên lòng yêu
mến của nhiều người sẽ nguôi đi. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng sẽ được cứu rỗi”
(Mt 24,12).
- Phấn đấu của chúng ta phải luôn luôn cầu nguyện và tỉnh thức
tìm thực thi ý Chúa, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
- Phấn đấu của chúng ta sẽ phải khiêm tốn dựa vào Lời Chúa,
dựa vào các phép Bí tích, dựa vào Hội Thánh, coi đức tin là một ân huệ Chúa ban,
mà ta phải đón nhận với lòng khiêm tốn cảm tạ.
- Phấn đấu của chúng ta sẽ có lúc phải rất vất vả đớn đau, như
Chúa Giêsu xưa trong vườn Cây Dầu và trên thánh giá.
- Phấn đấu của chúng ta sẽ không ngừng phiên dịch đức tin ra
yêu thương trong mọi liên đới, nhất là liên đới với những người đau khổ, coi
yêu thương chính là dấu chỉ đích thực của những người tin Chúa.
- Phấn đấu của chúng ta sẽ luôn luôn nép mình vào trái tim
Chúa Giêsu. Trái tim ấy là nơi chúng ta trú ẩn, để tuyệt đối tin cậy ở tình yêu
Chúa luôn ở với ta, luôn lấy máu mình làm giá cứu chuộc ta.
Lạy Chúa, con là kẻ tội lỗi, yếu đuối, hèn hạ, nhưng con tin
con được Chúa yêu thương, được Chúa cứu chuộc, được Chúa kêu gọi, được Chúa sai
đi. Con tin ở Chúa. Con phó thác nơi Chúa. Con cảm tạ Chúa. Con thuộc về Chúa.
Con về với Chúa.
ĐGM. GB. Bùi Tuần