"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

„Hãy nối chí tôi“: bảo vệ và kiến thiết Tổ quốc

Quốc gia, Tổ quốc là đầu mối  đem lại sung túc cho mỗi gia đình, cho từng từng cá nhân. Tác giả đã từng ví quốc gia như là một căn nhà mà mỗi gia đình tiêu biểu cho từng căn phòng ở trong căn nhà đó. Nếu căn nhà vững chắc về mọi mặt thì các phòng trong nhà luôn được yên ổn, an toàn. Ngược lại nếu căn nhà èo uột, mái nhà dột nát thì chỉ một cơn bão thổi đến cũng đủ phá sập nhà và các căn phòng trong nhà mặc dù kiên cố vẫn bị hư hại, dột ướt. Cuộc khủng hoảng Âu châu vừa qua đã chứng minh được giả thuyết nêu trên.

Một nghiên cứu của Ngân hàng trung ương Âu châu (ECB) cho biết, tài sản trung bình của người dân Hy Lạp là 101.900 EUR, của người dân Tây Ban Nha là 182.700 EUR và của người dân Zyprus là 266.900 EUR. Trong khi đó gia tài trung bình của người dân Đức chỉ có 51.400 EUR mà thôi[1]. Mặc dù Ngân hàng trung ương Âu châu cho biết phương pháp tính có thể có lỗi lầm là họ dùng Median chứ không dùng Average. Nhưng thông thường trong một tập hợp to lớn với chục triệu phần tử thì khác biệt giữa Median và Average không cao lắm.

Nước Đức vẫn vững chắc qua các cuộc khủng hoảng vừa qua. Các nước Hy Lạp, Cyprus, Tây Ban Nha gần như phá sản phải nhờ đến sự giúp đỡ tài chánh của nước Đức được hình thành bởi những người dân nghèo  hơn mới được sống còn. Qua đó giả thuyết dân có giầu thì nước mới mạnh là không đúng. Ngược lại, mỗi người dân phải có nhiệm vụ đóng góp xây dựng đất nước, xây dựng quốc gia cho vững mạnh, xây dựng một chính quyền vững mạnh.

Điều kiện tiên quyết cho  một quốc gia vững mạnh là quốc gia đó phải có một chính quyền mạnh, biết cách lèo lái, điều khiển nhân lực và tài nguyên hiện hữu trên quốc gia nhằm đạt được kết quả cao nhất. Vào thập niên 90 trong lãnh vực kinh tế phát triển cho những quốc gia chậm tiến có xuất hiện danh từ „good Governance“, danh từ này được wikipedia giải thích như sau:  điều hành tốt một xã hội . Điều hành bao gồm công việc điều khiển và quản trị xã hội, trong đó có cả việc  quản lý tốt ngân sách tài chính.  Điều hành kém (bad Governance) được đề cập đến khi việc quản lý và kiểm soát xã hội bị thất bại. Trái ngược với điều hành tốt, trong điều hành  kém không có sự minh bạch, pháp luật không nghiêm minh, tham nhũng tràn lan. Công dân phải chấp nhận sự tùy tiện của những người cầm quyền và công dân ít có hoặc không có cơ hội tham gia vào công việc chính trị.

Trong một cuộc phỏng vấn trước đây 10 năm, cũng vào thới điểm này với đài phát thanh Úc châu, Tiến sĩ sử gia Hoàng Ngọc Thành nhận xét là chế độ chính phủ Ngô Đình Diệm là một chế độ mạnh.  Cho đến nay chưa có một nhận xét nào ngược lại với nhận xét trên có tính thuyết phục.

Việt Nam Cộng Hoà và Đại Hàn (South Korea)

Tương tự như Việt Nam, Đại Hàn sau thế chiến thứ hai năm 1945 cũng bị chia đôi, nghĩa là trước Việt Nam 9 năm. Sau khi nhậm chức vào năm 1954, chính phủ Ngô Đình Diệm phải đương đầu với rất nhiều khó khăn. Trong bài „Một cách hiểu về Ngô Đình Diệm“  Tiến sĩ Roland Frankum nhận xét tình hình miền Nam Việt Nam khi TT Ngô Đình Diệm về chấp chánh như sau:

„Khi tạo ra Việt Nam Cộng Hòa từ tro tàn của gần 100 năm Pháp đô hộ, Diệm đối diện rất nhiều thử thách; chúng định hình chính sách và quyết định số phận của ông.  Diệm thừa hưởng một tình thế khó khăn; thực dân Pháp đẩy người Việt xuống hàng công dân hạng hai, không cho họ kiến thức và kinh nghiệm trị nước.
Trải nghiệm thực dân và thời gian chiếm đóng tàn nhẫn của Nhật thời Thế chiến Hai khiến đất nước chia rẽ về ý thức hệ, tôn giáo, văn hóa, xã hội. Ban bệ của Diệm lại không có mấy người có kinh nghiệm quản trị, nhiều người thì nuôi dưỡng sự nghi ngờ chính quyền Sài Gòn.“ [2]

Hơn thế, chính phủ Ngô Đình Diệm còn phải đối đầu với những nan giải sau:

- Ổn định an ninh xã hội qua việc đánh dẹp các phe Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo, thân Pháp,  thân Cộng.
- Giải quyết những phá hoại ngầm của chính phủ Pháp.
- Ổn định đời sống cho gần một triệu người di cư từ miền Bắc
- đối phó với những phá hoại của cộng sản
- Xây dựng nền kinh tế tự chủ từ một nền kinh tế thuộc địa què quặt.
- Vận động cộng đồng quốc tế công nhận VNCH

Mặc dù Đại Hàn không có hoặc có nhưng đã giải quyết xong các khó khăn nêu trên mà chính quyền Ngô Đình Diệm đang phải chống cự, nhưng  vào năm 1960 GDP đầu người của người dân Đại Hàn (south Korea) mới được  155 USD[3], trong khi đó  dân miền Nam Việt Nam đã vượt trội hơn với 223 USD (miền Bắc 73 USD)[3]. Nghĩa là vào năm 1960 GDP đầu người của Đại Hàn chỉ bằng 69% của VNCH và hơn gấp đôi so với miền Bắc cộng sản. 

Tại miền Nam Việt Nam người Pháp đã áp đặt một chế độ thực dân thuần túy là chỉ nhằm khai thác tài nguyên chứ không hề xây dựng nhà máy công nghiệp có tính chất phát triển lâu dài như Nhật đã thực hiện tại Đại Hàn. Vào năm 1954 kỹ nghệ sản xuất tại miền Nam Việt Nam chỉ bao gồm sản xuất bia, nước uống và thuốc lá.  Song song việc xây cất hạ tầng cơ sở như đường bộ, đường sắt và  xây dựng các ngành kỹ nghệ như  xi măng, thủy tinh, giấy,hoá chất, điện, nghiên cứu hạt nhân vv…  chính phủ Ngô Đình Diệm đặc biệt cho phát triển ngành giáo dục từ tiểu học đến đại học cùng các biện pháp khuyến khích phát triển  nông nghiệp là ngành nuôi sống phần lớn dân chúng thời bấy giờ. Vào năm 1963 sản phẩm sản xuất công nghiệp chiếm 12% tổng sản lượng nội địa.

Sự phát triển của miền Nam Việt Nam đã được William E. Colby ghi nhận như sau khi ông tới thăm các vùng thôn quê Việt Nam:

“Đường xá được mở lại. Số trường học tăng nhanh ở thôn quê. Chương trình ngũ niên xịt thuốc diệt muỗi được khởi sự để thanh toán bệnh sốt rét rừng. Sức sản xuất lúa gạo bắt đầu tăng... Những tiến bộ về kinh tế, xã hội lúc đó đã xuống đến nông thôn... Đặc biệt kế hoạch “Khu trù mật” năm 1959, là kế hoạch được ông Diệm nâng niu nhất, bắt đầu với nhiều hứa hẹn. Những “đô thị” nông nghiệp được xây dựng trên phần đất truất hữu của địa chủ theo chương trình cải cách điền địa và được chia thành những khu trung tâm dân cư và vùng ruộng lúa...“[4]

Thực vậy, vào năm 1963, VNCH  xuất cảng 323 ngàn tấn gạo, đứng hàng thứ tư trên thế giới về xuất cảng gạo trên thế giới, nhưng chỉ 4 năm sau, vào năm 1967 VNCH phải nhập cảng 770 ngàn tấn gạo[5].  

Từ năm 1960, đặc biệt sau khi Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam được thành lập người cộng sản bắt đầu tổ chức du kích phá hoại gây trở ngại cho công việc làm ăn của người dân ở thôn quê. Điều này biểu lộ rõ ràng qua ngành xuất cảng tại miền Nam Việt Nam. Biểu đồ sau đây so sánh xuất cảng của miền Nam Việt Nam và của Đại Hàn từ năm 1955 cho đến năm 1967:

Trước năm 1961 xuất cảng của miền Nam Việt Nam cao hơn Đại Hàn, và có thể nói tương đương với Đại Hàn trong hai năm 1962 và 1963. Nhưng từ năm 1964 Đại Hàn vượt trội hẳn.  

Yêu nước, thương dân

Các chuyên gia trong lãnh vực good Governance thường xác định sự đồng thuận giữa dân chủ và good governance  của quốc gia. Bởi vì trong một quốc gia có dân chủ việc làm của chính phủ được kiểm soát bởi các đảng phái đối lập, của báo chí độc lập và của chính người dân sinh sống trong quốc gia đó. Chính phủ qua đó làm việc rõ ràng, minh bạch, cố gắng hết sức đạt nhiều kết quả tốt đẹp nhất cho quốc gia hầu có thể được đắc cử trong lần bầu cử kế tiếp.

Ở những quốc gia chưa có nền móng dân chủ sẵn, điều kiện để có được một chính quyền mạnh là chính phủ này phải có tinh thần trách nhiệm cao đối với đất nước và dân tộc, đồng nghĩa với  yêu nước, thương dân. Điều kiện nêu trên đã được chứng minh tại Đại Hàn, Đài Loan, Do Thái vv…  

Năm 1949 Quốc gia Việt Nam ra đời do Quốc trưởng Bảo Đại đứng đầu, có nhiều nguồn tin cho là Chí sĩ Ngô Đình Diệm đứng ra đảm nhận chức Thủ tướng. Ông đã viết lời tuyên bố gửi đồng bào có đoạn như sau:

„Trước hết tôi tin chắc rằng nguyện vọng của dân tộc Việt Nam chỉ thoả mãn khi Tổ quốc chúng ta hưởng được một chế độ chính trị như các nước Ấn,  Hồi. Sự bang giao hữu nghị giữa Pháp và Việt Nam sẽ được vững chãi, khi nào đôi bên đều bình đẳng và có tình huynh đệ trong một khối cộng đồng các dân tộc ở trong „Liên Hiệp Pháp“.

Thứ đến, nên biết rằng cuộc tranh đấu hiện tại không phải chỉ là cuộc chiến đấu cho độc lập Tổ quốc về phương diện chính trị mà thôi, mà còn là một cuộc cách mạng xã hội để đem lại cho nông dân và thợ thuyền  Việt Nam. Để cho tất cả mọi người trong nước Việt Nam mới có đủ phương tiện để sống xứng đáng với phẩm cách con người, con người tự do thực sự. Tôi chủ trương những sự cải cách xã hội hết sức tân tiến và mạnh bạo, miễn là phẩm cách con người vẫn luôn luôn được tôn trọng và được tự do nảy nở“.[6]

Với lời tuyên bố trên đây Chí sĩ Ngô Đình Diệm đã nêu điều kiện để ông đảm nhiệm trọng trách điều hành quốc gia là Việt Nam phải có được chủ quyền như các nước Ấn, Hồi vừa được độc lập từ năm 1947. Vì có được chủ quyền thì người Việt chúng ta mới có thể kiến thiết quốc gia, tiến hành một cuộc cách mạng cải thiện xã hội bất công của thực dân Pháp để lại. Đồng thời con người, nhân phẩm con người và tự do được đặt là mục đích, phải được duy trì, tôn trọng trong „những sự cải cách xã hội hết sức tân tiến và mạnh bạo“ .    

Để có thể đạt được mục đích „mọi người trong nước Việt Nam có đủ phương tiện để sống xứng đáng với phẩm cách con người, con người tự do thực sự“, TT Ngô Đình Diệm và bào đệ là ông Ngô Đình Nhu đã phát triển Chủ Thuyết Nhân Vị. Chủ thuyết này được TT Ngô Đình Diệm cho biết khái quát vào năm 1955 như sau: „Chủ Nghĩa Nhân Vị cho rằng dân chủ của Cộng Sản độc tài chà đạp phẩm giá con người, coi người như con vật. Chủ Nghĩa Nhân Vị cũng bác bỏ loại dân chủ muốn đặt tư bản phong kiến trên tần lớp cần lao, và chủ trương chế độ thực dân để bóc lột những dân tộc nhược tiểu“.

Chủ Nghĩa Nhân vị

Vị có nghĩa là địa vị, chỗ đứng. Nhân có nghĩa là người, rộng hơn Nhân còn có nghĩa là đạo lý làm nguời,  thí dụ như câu dậy con trong Gia Huấn Ca: «ở cho có Đức có Nhân ». Trong Khổng học, để  thành Nhân con người phải trải qua giai đoạn rèn luyện, tu luyện bản thân: Tu Thân.

Vũ trụ quan của Việt Nho (khác với Hán Nho) cho rằng trong vũ trụ này có ba quyền lực lớn, đó là Trời, Đất và Con Người. Vị trí con người được đặt ngang với Trời và Đất. Con người chính là nơi hội tụ của Trời Đất, do đó con người là nơi hôi tụ của mọi đối cực: tinh thần và vật chất, tình và lý, đúng và sai, quyền lợi cá nhân và lợi ích xã hội vv… Để có thể hành xử đúng, con người phải biết rèn luyện, tu thân, học hỏi bền bỉ.  

Chủ nghĩa Nhân Vị do đó là một chủ nghĩa vì giá trị con người. Con người là trọng tâm của mọi hành động, mọi quyết định trong xã hội. Đồng thời chủ nghĩa Nhân Vị còn qui định trách nhiệm của mỗi con dân trong xã hội luôn phải rèn luyện bản thân và hành động vì lợi ích chung của xã hội.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tấn giải thích Chủ nghĩa Nhân Vị như sau „chủ thuyết Nhân Vị là một triết lý nhằm xác định và đề cao giá trị con người, vị trí của con người trong tương quan với vũ trụ, với người khác và trong cộng đồng xã hội. đồng thời là một chủ thuyết chính trị chủ trương thiết lập những định chế thích hợp để tạo cơ hội và khuyến khích việc phát triển các giá trị nầy đến mức cao rộng nhất và hương về việc phục vụ hạnh phúc con người. Chũ Nghĩa Nhân Vị  lấy “con người biết tu thân (thái hòa)” làm nền tảng cho giải pháp, để giải quyết các mâu thuẩn trong sinh hoạt của con người“.[7]

Nhận định của chuyên gia ngoại quốc

Tién sĩ sử Philip Catton thuộc đại học Canterbury nhận xét: „Ông (Diệm) muốn một nhà nước không sao chép cả tư bản lẫn cộng sản. Ông muốn một xã hội lấy cảm hứng từ mô hình văn hóa xã hội truyền thống của Việt Nam – vừa hiện đại nhưng hình như cũng phải thuần Việt“.[8]

Theo tiến sĩ Edward Miller „Ông (Diệm) là một nhà chính trị xảo trí và là một nhà lãnh đạo “dân chủ” với một đường lối chấn hưng đất nước dựa trên cơ sở gắn kết có chọn lọc tư tưởng Thiên Chúa giáo, Khổng giáo, và sự đặc trưng chủ nghĩa dân tộc của Việt Nam“.[9]

Tiến sĩ sử học Ronald Frankum viết trong một bài viết cho BBC là „Các quan chức phụ trách đối ngoại của Kennedy đụng độ với Diệm vì họ không bao giờ cố gắng tìm hiểu bản chất của sự trị quốc tại Việt Nam … Dù có một số thành công, một vài thất bại, Ngô Đình Diệm đã lãnh đạo đất nước theo cách tốt nhất có thể, trong hoàn cảnh chiến tranh và cách mạng ông phải đối đầu hàng ngày“.[2]

Sử gia Henry Fairbanks đã tóm tắt sự thật lịch sử này bằng lời lẽ khách quan, trong một bài báo tựa đề “The Enigma of Ngô Đình Diệm”, được đăng trong tờ Commonweal, như sau:

“Ông Diệm tìm kiếm và khôi phục laị những giá-trị cổ-truyền làm nền tảng cho giaỉ-pháp canh tân xứ sở trong khi đó những người khác laị đi tìm những học thuyết ngoaị  lai. . . .Dù sao đi nữa, Ông ta vẫn là một người có cái nhìn sâu sắc về tương lai.  Cả thế giới này đều yêu mến các chiến-sĩ dũng cảm và ai ai cũng phải nể trọng những kẻ đeo đuổi một lý-tưởng cao cả nào đó.  Ông Diệm ao ước thực hiện một nhà-nước được xây dựng trên những giá-trị cổ-truyền tốt đẹp nhất của Á-châu và Tây-phương, những đặc điểm đúng đắn và khả thi nhất để phục vụ quyền-lơị chung và tôn trọng nhân-phẩm.  Ông Diệm cho rằng Xã-Hội Chủ-nghiã và Tư-bản Chủ-nghiã đều là những học-thuyết cực-đoan cần có một hình-thức trung-gian, một lực lượng đứng giữa, nhằm tổng hợp được những giá-trị ưu-tú nhất của cả hai để phục vụ cho lơị ích chung: công bằng đối với người này là tự-do của kẻ khác, cũng như loaị bỏ độc tài toàn chế và tinh thần vô trách nhiệm của Chủ-nghiã cá-nhân.”[10] (21-9-1962, tr.516)

Nhận xét của đối lập về Tổng Thống Ngô Đình Diệm

Cựu đại sứ Bùi Diễm, thành viên đảng Đại Việt trả lời một cuộc phỏng vấn vào năm 2003 như sau:

„Thực sự ra mà nói thì mặc dù tôi thuộc lớp người chống chế độ ông Diệm, nhưng mà tôi cũng phải thành thực công nhận rằng, ông ấy là người yêu nước. Ông ấy là người trong sạch. Ông ấy đóng góp nhiều cho việc xây dựng miền Nam thành một quốc gia khá qui củ, nền nếp, uy tín: không thua kém gì các nước khác trong vùng vừa lấy lại nền độc lập.[11]“.

Ông Bùi Tín, cựu Đại Tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, phó Tổng biên tập báo Nhân Dân, phát biểu ý kiến khi được hỏi về khác biệt giữa ông Ngô Đình Diệm và ông Hồ Chí Minh cũng trong buổi phỏng vấn của đài phát thanh Úc châu vào năm 2003:

„ … Về vấn đề yêu nước mà có lợi cho đất nước thì tôi nghĩ  ông Hồ Chí Minh đã đưa học thuyết Mác-Lênin về mà cho tới nay nhiều người vẫn còn sùng bái. Theo tôi học thuyết đó không ích lợi lắm, thậm chí còn tai hại cho đất nước vì dẫn đến chiến tranh.
Bởi vì cơ bản của học thuyết Mác-Lenin là đấu tranh giai cấp. Cơ bản của học thuyết này là cổ súy bạo lực. Chính đó là nguyên nhân dẫn đến chiến tranh…
… Bây giờ càng ngày càng có nhiều người, ngay cả những người ở trong nước, nhìn nhận ra rằng chủ nghĩa Mác_Lênin là học thuyết không phải đem lợi, mà thậm chí đem lại tai hại cho đất nước. 
Do đó nếu so sánh về yêu nước thì tôi nghĩ rằng ông Hồ Chí Minh đã đi vào con đường không được đứng đắn lắm. Thế còn về nhân cách, về lòng trung thành với đất nước, về tinh thần dân tộc, đặc biệt là về tinh thần dân tộc, tôi nghĩ ông Hồ Chí minh không có tinh thần dân tộc lắm đâu. Cho nên ông mới đi lấy học thuyết ngoại lai về, mà theo tôi những học thuyết ngoại lai này rất không có lợi cho đất nước.
Còn về tinh thần dân tộc của ông Diệm thì rõ ràng ông chống lại việc người Mỹ đưa quá nhiều quân vào và đưa bom đạn vào. Tôi nghĩ rằng đấy là tinh thần dân tộc. Ông ấy chống Pháp, và đòi lại cái quyền cai trị Bắc Kỳ cho chính phủ Nam Triều. Đó là một thái độ rất dân tộc. 
Thêm điều nữa là trong vấn đề đạo đức. Về đạo đức thì đúng là người ta thường so sánh về chỗ là hai ông đều không có vợ, đều không có con. (cười)
Nhưng thật ra thì bây giờ, bao nhiêu tư liệu ở Quảng Châu, ở Bắc Kinh, ở Pháp, ở Moscow đều nói rõ là ông Hồ Chí Minh có cưới vợ đàng hoàng.
Bà vợ ông Hồ là bà Tăng Tuyết Minh ở Quảng Châu. Ngoài ra ông Hồ còn có đủ thứ: ông có người yêu ở Nga, ở Đức, ở Pháp và nhất là ông chung sống với bà Nguyễn Thị Minh Khai nữa…
… Tất nhiên có vợ có con là chuyện bình thường, nhưng mà cái nghiêm trọng là cái sự che dấu sự thật, tỏ vẻ mình như là một nhà hiền triết tuyệt đối … 
Ông Ngô Đình Diệm là một con người, tuy không phải tu hành, nhưng ông quả là một nhà chân tu. Ông Diệm không có vợ, không có con, không có chuyện tửu sắc v.v…
Tôi nghĩ rằng, đứng về mặt đạo đức Á Đông thì rõ ràng về mặt đó. Tôi tôn trọng ông Ngô Đính Diệm hơn ông Hồ Chí Minh.“

Kết luận

Đệ Nhất Cộng hoà sụp đổ đã đúng 50 năm. Các quốc gia trước đây ngang tầm chúng ta đã vươn lên  mạnh mẽ nhưng Tổ quốc Việt Nam của chúng ta không những không tiến tới mà còn đi lùi ngược trở lại về mọi mặt, cả về kinh tế, đặc biệt là đạo đức xã hội suy đồi nặng nề và tinh thần thiếu trách nhiệm của người công dân trong xã hội ngày càng tăng. Đành rằng trách nhiệm chính là do nhà cầm quyền độc tài cộng sản vì họ chủ trương biến người dân thành những con cừu non để tha hồ thao túng đất nước. Nhưng người dân chúng ta cũng có lỗi, vì chúng ta đặt quyền lợi bản thân lên trên tất cả, không dám lên tiếng đòi hỏi cải thiện xã hội, cải thiện Tổ quốc như các công dân can đảm như Lê thị Công Nhân, Nguyễn Uyên Phương, Huỳnh Thục Vi, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức vv…  

Khi nào cái quái thai „kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa“ dưới sự lãnh đạo cũa đảng cộng sản Việt Nam còn tồn tại thì Việt Nam vẫn còn khập khễnh, bóc lột, bất công còn tồn tại và người dân Việt vẫn chỉ là những kẻ nô lệ cho giai cấp thống trị là lãnh đạo đảng và nhà nước „ngồi mát ăn bát vàng“ mà thôi.
Tổ quốc không chỉ của riêng ai mà thuộc về tất cả mọi công dân nước Việt. Đã đến lúc tất cả người dân Việt cùng nhau nhận lãnh trách nhiệm cải thiện xã hội, sẵn sàng thay thế đảng cộng sản điều hành đất nước .  Nếu hàng triệu người dân Việt cùng đồng lòng xuống đường đòi hỏi quyền công dân, đòi hỏi quyền quyết định vận mạng đất nước thì chắc chắn quê hương chúng ta sẽ mau chóng được tự do, dân chủ để mọi người chúng ta được tham gia kiến thiết đất nước một cách thiết thực.

Nếu lợi ích của đất nước luôn đặt lên hàng đầu,  với khả năng thiên phú và sự cần cù của người dân Việt, đất nước chúng ta chắc chắn sẽ mau chóng giầu mạnh để chúng ta không phải hổ thẹn với tiền nhân, đặc biệt với vị anh hùng dân tộc thời đại là Ngô Đình Diệm vì chúng ta đã „nối chí“ Ông là bảo vệ và kiến thiến Tổ quốc.

Nguyễn Hội
02/11/2013

“Nếu bọn Việt Cộng thắng, thì quốc-gia Việt-Nam cũng sẽ bị tiêu-diệt và sẽ biến thành một tỉnh nhỏ của Trung-hoa Cộng-sản. Hơn nữa toàn-dân sẽ phải sống mãi mãi dưới ách độc tài của một bọn vong bản vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo".  Ngô Đình Diệm (Khánh Thành Đập Đồng Cam, Tuy-Hòa 17-9-1955)


[1] nguồn: EZB-Studie: Vermögen in Griechenland größer als in Deutschland  http://www.spiegel.de/wirtschaft/soziales/ezb-vermoegen-in-griechenland-groesser-als-in-deutschland-a-893412.html
[2] Tiến sĩ Ronald Frankum: Một cách hiểu về Ngô Đình Diệm  http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/10/081028_frankum_ngodinhdiem.shtml
[4] Minh Võ: NGÔ ĐÌNH DIỆM: Lời Khen Tiếng Chê
[5] Douglas C. Dacy: Foreign aid, war and economic development south Vietnam 1955-1975, Cambridge 1986
[6] Lời tuyên bố của chí sĩ Ngô Đình Diệm ngày 16 tháng 6 năm 1949 http://ngodinhdiem.net/ChinhTri/NDD/LoiTuyenBo.html
[7] Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tấn: CHỦ NGHĨA NHÂN VỊ, Con Đường Mới, Con Đường của Tiến Bộ.
[8] Dr. Philip Catton: Liên minh bất hòa: Ngô Đình Diệm và Mỹ.
[9] Edward Miller: Misalliance: Ngo Dinh Diem, the United States, and the fat of South Vietnam, tr. 137-138.  Văn Cầm Hải: Ngô Đình Diệm và cuộc chiến kiến quốc.