"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Thư gửi các Thánh


Kính thưa chư thánh,
Trong tình “hiệp thông giữa các thánh”, mà “các thánh” đây gồm tất cả những người mang danh Kitô hữu, kẻ còn sống cũng như kẻ đã qua đời, chứ không phải chỉ là những vị đã được Giáo Hội tuyên phong. Con xin kể cho chư vị nghe những câu chuyện thế gian đối xử với nhau khi còn sống và lúc qua đời nhé.

Trong một xóm nọ, có anh chàng “ba trợn” phá làng phá xóm, trộm cắp hút sách, đủ món ăn chơi, ai cũng ngán anh ta. Bữa kia anh đi nhậu về chạy xe ẩu tông vào xe khách, nhiều người bị thương, còn anh sau mấy ngày nằm cấp cứu thì qua đời. Nghe tin, mọi người thở phào nhẹ nhõm! Thế nhưng khi đến phúng điếu, dù nhà anh ta nghèo lắm, thay vì gởi tiền chia sẻ, bà con trong xóm cũng cố mua cho được một vòng hoa tươi với hàng chữ “vô cùng thương tiếc”!

Còn nhiều chuyện tương tự như vậy nữa chư vị ạ. Những chuyện “cười ra nước mắt”. Trong một gia đình, khi cha mẹ còn sống, con cái bất hiếu, đối xử tệ bạc, chỉ mong cha mẹ qua đời để thừa hưởng gia tài. Trong một cộng đoàn, anh chị em tu sĩ sống thiếu tình bác ái, không quan tâm đến nhau, đố kỵ, ganh tị, chỉ muốn loại trừ nhau. Trong một giáo xứ, có những con chiên chống đối tìm mọi cách triệt hạ cha xứ… Đến khi những người bị đối xử tệ bạc, bị chống đối, bị loại trừ, được Chúa gọi về, lúc đó những người sống cũng vẫn tổ chức tang lễ linh đình kèn trống sụt sùi khóc lóc với vòng hoa “vô cùng thương tiếc”.

Chư vị có thấy buồn cười không? Lúc sống đối xử với nhau không ra gì, chẳng muốn nhìn mặt nhau. Ấy thế mà khi người ta nằm xuống, vòng hoa lại ghi chữ “vô cùng thương tiếc”. Có thương đâu mà tiếc? Tiếc cái nỗi gì? Không thương thật làm sao xúc động mà khóc được, cho nên phải thuê kèn trống ầm ĩ tỉ tê rền rĩ làm lối xóm mất ngủ. Thậm chí thuê cả đám khóc mướn đến chảy dùm cho những giọt nước mắt cá sấu nữa! Hóa ra những vòng hoa phúng điếu, kèn trống cờ quạt, chỉ mang tính nghi lễ, tính hình thức mà thôi, chẳng nói lên được điều gì chân thật trong đám tang. Những vòng hoa (có đám tang của một ông cố ở miền tây tổng kết được 417 vòng hoa!), liễn trướng đó nếu “quy thành thóc” cũng cứu đói được biết bao gia đình nghèo không có cơm ăn, hay giúp cho bao nhiêu em mồ côi thất học có điều kiện đến trường. Sao không có cái nhìn thực tế để có những hành động bác ái thiết thực như vậy nhỉ? Có lẽ đó mới là lời cầu nguyện đẹp nhất và có ý nghĩa nhất dành cho người vừa nằm xuống. Chư vị có đồng ý với con điều này không?

Lúc nằm xuống lìa cõi đời này, chư vị có cần con cháu mình tổ chức linh đình tốn kém như vậy không? Thậm chí sau đám tang còn mang nợ nữa. Chư vị có thể “mỉm cười nơi chín suối” khi người thân của mình đổ ra cả trăm triệu vòng hoa phúng điếu cho người chết, trong khi còn biết bao người đang sống dở chết dở vì nghèo đói bệnh tật không?

Mầu nhiệm “các thánh cùng thông công” là sự hiệp thông giữa 3 thành phần: chư vị là những người đã chiến thắng đang hưởng hạnh phúc thiên đàng, những người qua đời còn đang được thanh luyện nơi luyện ngục, và chúng con những người còn đang chiến đấu tại trần thế.

Trong mọi Thánh Lễ, chúng con cũng đều hiệp thông với triều thần thiên quốc, với các thánh, với những anh chị em tín hữu còn sống cũng như đã qua đời. Do đó làm gì có “linh hồn mồ côi” không được ai nhớ đến, mà cũng chẳng cần thiết phải rao từng tên linh hồn xin lễ hôm đó. Tấm lòng của mình, ý nguyện của mình, Chúa biết mà, phải không chư vị? Tội nghiệp nhiều linh mục bị mắng vốn vì quên đọc hoặc sót tên linh hồn người nhà xin lễ hôm đó. Linh mục cũng là con người nên có thể quên, nhưng Chúa thông biết mọi sự. Chúa đâu có quên, đâu có lộn đâu mà sợ!

Con nói điều này chư vị thấy đúng không nhé. Không phải chỉ có các vị đã được Giáo Hội tôn phong và ghi trong sổ các thánh mới là thánh, còn những người khác thì không. Bởi vì, trong Nước Chúa không chỉ có những vị thánh được tôn phong, vì như sách Khải Huyền mô tả: “Tôi thấy một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ” (Kh 7,9). Trong đó, tổ tiên ông bà cha mẹ bạn hữu chúng con đã qua đời cũng là “thánh”, bởi vì họ cũng thuộc về Chúa Kitô, dù rằng còn đang được thanh luyện. Và chúng con những người đang sống trên trần gian, mặc dầu còn đang phải chiến đấu và còn mang tội trong mình, nhưng cũng được gọi là “thánh”, vì thuộc về Chúa Kitô. Con thấy đặc tính này có ngay từ đầu trong ý thức của các Kitô hữu tiên khởi (Cv 9,13.32.41; Rm 8,27; 1 Cr 6,1)

Thưa chư vị,
Con vẫn luôn thắc mắc. Trong Kinh Tin Kính, chúng con tuyên xưng “Giáo Hội Công Giáo thánh thiện”. Nhưng trong thực tế con thấy làm sao Giáo Hội thánh thiện được khi gồm toàn những phàm nhân, những con người tội lỗi, cho dù là giáo dân, tu sĩ, linh mục, giám mục, hồng y, và ngay cả Giáo Hoàng đi nữa.

Khi phóng viên hỏi thẳng Đức Giáo Hoàng Phanxicô rằng: "Jorge Mario Bergoglio là ai?" Ngài gật đầu và trả lời rằng: "Tôi là một tội nhân. Đó là một định nghĩa chính xác nhất. Nó không phải là một lời nói bóng gió, một thứ văn chương. Tôi là một tội nhân, nhưng tôi tin vào tình thương vô biên và nhẫn nại của Đức Giêsu Kitô". ĐTC chia sẻ kinh nghiệm của mình: "Qua giòng thời gian tôi đã học được nhiều điều. Chúa gia tăng sự hiểu biết trong vấn đề quản trị qua các lỗi lầm và tội lỗi của tôi”.

Ồ, thưa chư thánh, con xin lỗi, nếu tất cả đều là tội nhân, như thế thì làm sao Giáo Hội có thể là thánh thiện được?

Tạ ơn Chúa đã cho con tìm được lời giải thích thỏa đáng. Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 02.10.2013 với hơn 50 ngàn tín hữu hành hương về Rôma, ĐTC Phanxicô đã cho con hiểu rõ Giáo Hội thánh thiện theo nghĩa nào, và ơn gọi nên thánh của tất cả các tín hữu chúng con ra sao:

“Giáo Hội là thánh thiện vì xuất phát từ Thiên Chúa là Đấng Thánh. Chúa trung tín với Giáo Hội và không bỏ mặc Giáo Hội cho quyền lực của sự chết và sự ác (Mt 16,18). Giáo Hội là thánh thiện vì Chúa Giêsu Kitô, Đấng Thánh của Thiên Chúa (Mc 1,24) kết hiệp với Giáo Hội một cách không thể tách rời (Mt 28,20). Giáo Hội là thánh vì được Chúa Thánh Linh hướng dẫn. Ngài thanh tẩy, biến đổi, canh tân Giáo Hội. Giáo Hội thánh thiện không phải vì công trạng của chúng ta, nhưng vì Thiên Chúa làm cho Giáo Hội nên thánh. Đó là hoa trái của Thánh Linh và các hồng ân của Chúa. Không phải chúng ta làm cho Giáo Hội thánh thiện, nhưng là Thiên Chúa, là Chúa Thánh Linh, trong tình thương, Ngài làm cho Giáo Hội thánh thiện.”

Thế là quá rõ khi ĐTC cho thấy chúng con ở trong Giáo Hội gồm những con người tội lỗi nhưng được kêu gọi để cho mình được Thiên Chúa biến đổi, canh tân và thánh hóa. Do đó không phải tự bản thân hay công lao của chúng con làm cho Giáo Hội thánh thiện, mà chính là nhờ công lao của Chúa Giêsu chết trên Thánh Giá. Chúng con chẳng có gì để mà vênh vang kể công kể lênh với Thiên Chúa cũng như với anh em, chẳng có gì đáng để được kể lể công đức khi nằm xuống với vòng hoa liễn trướng kèn trống linh đình.

Thế nhưng thưa chư vị, bản thân con là một kẻ tội lỗi khốn nạn, làm sao con có thể là thành phần của Giáo Hội thánh thiện được? Giáo hội có đón nhận con không? Con có bị loại trừ không?

ĐTC đã cho con câu trả lời hết sức có lý có tình:

“Chúa muốn chúng ta là thành phần của một Giáo Hội biết mở rộng vòng tay đón nhận mọi người. Giáo Hội không phải là căn nhà của vài người, nhưng là nhà của mọi người, trong đó tất cả đều có thể được đổi mới, biến đổi, thánh hóa bằng tình yêu Chúa, người mạnh nhất cũng như người yếu nhất, người tội lỗi, dửng dưng, người cảm thấy thất vọng và lạc loài. Giáo Hội trao tặng tất cả mọi người cơ hội tiến bước trên con đường thánh thiện, là con đường của tín hữu Kitô. Giáo Hội làm cho chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô trong các bí tích, nhất là trong bí tích Giải Tội và Thánh Thể. Giáo Hội thông truyền cho chúng ta Lời Chúa, làm cho chúng ta sống trong tình bác ái, trong tình thương của Thiên Chúa đối với mọi người.”

Thưa chư thánh,
Con thấy an tâm rồi, dù con có lỗi lầm nặng nề, bị anh em khinh bỉ kết án loại trừ, bị mọi người cười chê thì vẫn còn có lòng thương xót của Chúa chở che con như chính ĐTC đã xác tín rằng Thiên Chúa ở nơi “hết mọi cuộc sống của con người”. Thiên Chúa ở nơi “cuộc sống của hết mọi người”. Cho dù đời sống của một người nào đó có trở thành thảm họa, cho dù nó có bị hủy hoại bởi các thứ trụy lạc, nghiện hút hoặc bất cứ sự gì khác - Thiên Chúa vẫn ở nơi cuộc sống của con người này. Chúng ta cần phải cố gắng tìm kiếm Thiên Chúa nơi “hết mọi cuộc sống của con người”. Cho dù cuộc sống của một người nào đó là một mảnh đất đầy gai góc và cỏ lùng chăng nữa, thì bao giờ cũng vẫn còn một chỗ nào đó cho hạt giống tốt có thể mọc lên.

Sau đó ĐTC mời gọi chúng con tự hỏi lòng mình là chúng con có để cho mình được thánh hóa không. Chúng con có phải là một Giáo Hội mở rộng vòng tay đón nhận những người tội lỗi hay là một Giáo Hội khép kín vào mình. Chúng con có phải là một Giáo Hội trong đó người ta sống tình thương của Thiên Chúa, trong đó có sự quan tâm đối với tha nhân, trong đó mọi người cầu nguyện cho nhau không.

Con thật thấy xấu hổ khi câu trả lời từ chính lòng con đều là những câu phủ định. Chính con đã làm méo mó hoen mờ khuôn mặt thánh thiện của Giáo Hội rồi ngồi đó than trách Giáo Hội không…thánh! Chính con không sống thánh mà cứ đòi hỏi người khác phải thánh, nghĩa là sao?

Theo ĐTC, nếu con cho rằng Giáo Hội chỉ là của những người tinh tuyền, thánh thiện còn những người khác cần phải gạt bỏ thì đó là một sự rối đạo. Tuy Giáo Hội là thánh thiện, nhưng không khước từ mà đón nhận người tội lỗi. Giáo Hội kêu gọi chúng con hãy để cho lòng xót thương của Chúa ấp ủ. Chúa không phải là một quan án không biết thương xót nhưng luôn trao tặng cho chúng con cơ hội để gặp gỡ Chúa và tiến bước về sự thánh thiện.

Lạ thật chư vị ạ. Chúa của con là như thế, nhưng con của Chúa lại khác xa. Con thấy mình “còn xa Nước Thiên Chúa” lắm lắm. Con chẳng giống Chúa tí nào. Con xét đoán và kết án anh em thay vì bênh vực che chở. Con thẳng tay loại trừ anh em không thương tiếc thay vì cho anh em “cơ hội”. Con cản trở chặn mọi ngả đường tiến thân của anh em thay vì để anh em tiến bước. Con tự “phong thánh” cho mình khi lấy mình là chuẩn mực và bắt ép anh em cũng phải sống theo “tiêu chuẩn thánh thiện chủ quan” của con. Không nghĩ, không sống giống con là…không thánh thiện gì cả!

Chư vị ở trên thiên đàng cũng đâu phải đúc khuôn giống hệt nhau. Mỗi thánh một vẻ. Mỗi thánh có đặc sủng, có một quá khứ, trổi trang về một nhân đức và lãnh nhận một sứ vụ riêng. Đâu ai giống ai, mặc dầu đều là thánh!  

Chính ĐTC cũng khẳng định: “Trong các mối liên hệ toàn cầu chẳng những cần phải biết nhau hơn, mà còn cần phải nhận biết những gì Thần Linh gieo nơi ai khác như là một tặng ân cho chúng ta nữa… Chúng ta cần phải tiến bước với những khác biệt của chúng ta: không còn cách nào khác để trở nên một. Đó là đường lối của Chúa Giêsu… Can thiệp vào đời sống thiêng liêng của người khác là không thể… Mỗi người chúng ta có ý tưởng của mình đối với những gì liên quan đến điều thiện và điều ác, và chúng ta phải chọn làm theo điều thiện và chống lại điều ác theo quan niệm của mình."

Khi còn sống trên dương thế, chư vị cũng có những khác biệt, mỗi vị được mời gọi làm ngôn sứ và sống theo đặc sủng của mình. Ai được Chúa ban đặc sủng và sống ngôn sứ mà không gặp thử thách, không bị bách hại, có khi bởi chính người trong nhà mình.

Thánh Gioan Vianney được Chúa ban cho đặc ân thấu suốt các linh hồn, giảng dạy, làm phép lạ, nhưng cũng chịu nhiều đau khổ do ma quỷ quậy phá: “Cha đã chịu đau khổ trong 5 năm trời. Cha bị vu khống, bị chống đối, bị nhục mạ. Cha đã vác thánh giá! Cha vác hầu như hơn cả sức cha có thể vác!”

Thánh nữ Faustina được Chúa chọn làm tông đồ của Lòng Thương Xót, thường được xuất thần, được Chúa hiện ra nhưng đã phải chịu rất nhiều đau khổ vì các bề trên và chị em hiểu lầm kinh nghiệm thăng tiến trên đường thiêng liêng của chị. Suốt một thời gian dài, người ta coi chị như kẻ bị quỉ ám, trông rất thê lương, đến các bề trên cũng phải đề phòng, “không thể nào Thiên Chúa lại thông hiệp với các thụ tạo của Người như vậy được. Này chị, tôi cảm thấy sợ hãi cho chị. Không biết đây là loại ảo tưởng nào”.

Chính Faustina cũng hồ nghi và hỏi Chúa: “Lạy Chúa Giêsu, con sợ Chúa quá. Liệu Chúa có phải là một dạng hồn ma hay không?” Mẹ bề trên Michael nói với Faustina: “Này chị, trên đường đi của chị, những đau khổ trồi lên từ lòng đất. Tôi nhìn chị như một nạn nhân bị đóng đinh. Nhưng tôi thấy Chúa Giêsu có nhúng tay trong vụ này. Chị hãy trung thành với Người.” (NK, 149)

Ngày hôm nay, con cũng nghe ĐTC nói: “Một người tu sĩ không bao giờ được bỏ qua tính chất ngôn sứ. Điều ấy không có nghĩa là chống lại yếu tố phẩm trật của Giáo Hội, mặc dù phần hành ngôn sứ và cơ cấu phẩm trật không trùng hợp với nhau… Là thành phần ngôn sứ đôi khi bao hàm việc gây sóng gió. Tôi không biết phải nói thế nào... Việc ngôn sứ gây ra tiếng vang động, náo động, có người nói là 'một thứ ào ạt'. Thế nhưng trong thực tế, đặc sủng của thành phần tu sĩ giống như men: việc ngôn sứ là những gì loan báo tinh thần của Phúc Âm".

Con thấy việc loan báo Tin Mừng ngày nay hiệu quả nhất là thực hành lòng thương xót, là chữa lành. Điều mà Giáo Hội cần nhất ngày nay, theo ĐTC, đó là “khả năng chữa lành các vết thương và sưởi ấm lòng tín hữu. Tôi coi Giáo Hội như là một bệnh viện lưu động sau trận chiến. Thật là vô bổ khi hỏi một người bị thương trầm trọng xem họ có bị cao mỡ và về độ đường trong máu của họ hay chăng! Bạn cần phải chữa lành cho các vết thương của họ. Sau đó chúng ta mới nói đến bất cứ một cái gì khác…

"Đôi khi Giáo Hội khóa mình vào những điều nhỏ mọn, vào những qui luật ti tiểu. Điều quan trọng nhất đó là lời loan báo tiên khởi: Chúa Giêsu Kitô đã cứu bạn. Các thừa tác viên của Giáo Hội trên hết cần phải là các thừa tác viên của lòng xót thương…Trong việc thi hành thừa tác mục vụ, chúng ta cần phải hỗ trợ con người và chữa lành thương tích cho họ…

“Tôi mơ tưởng đến một Giáo Hội như là một bà mẹ và là một mục tử. Các thừa tác viên của Giáo Hội cần phải biết xót thương. Các thừa tác viên của Phúc Âm cần phải là người có thể sưởi ấm lòng người. Dân Chúa muốn các vị mục tử chứ không phải hàng giáo sĩ tác hành như thành phần quan lại hay các viên chức chính quyền. Đặc biệt là các vị giám mục cần phải nhẫn nại nâng đỡ những phong trào của Thiên Chúa nơi thành phần dân của các vị, nhờ đó không ai bị loại trừ…

“Chúng ta cần loan báo Phúc Âm ở mọi hang cùng ngỏ hẻm, rao giảng tin mừng Nước Trời và chữa lành hết mọi thứ bệnh nạn và thương tích, thậm chí bằng cả việc rao giảng của chúng ta.” 

ĐTC còn nhấn mạnh mỗi Kitô hữu được mời gọi nên thánh (Hiến chế Lumen Gentium, 39-42). Tuy nhiên sự thánh thiện trước hết không hệ tại ở điểm chúng con làm được những việc “ngoại thường”, “xuất thần”, nhưng là tín thác hoàn toàn vào Chúa, để cho Chúa hành động, đó là cuộc gặp gỡ giữa sự yếu đuối của con người với sức mạnh của ơn thánh Chúa.

Thưa chư vị,
Con nhớ có vị thánh kia nói: “Ông kia bà nọ nên thánh được. Tại sao tôi không làm được?” Khi khấn dòng, lúc chịu chức linh mục, con cũng quyết tâm giống vị thánh kia lắm. Thế nhưng theo giòng thời gian, quyết tâm nên thánh cứ bị bào mòn bởi những thử thách, cám dỗ. Khổ nỗi con muốn làm “thánh sống” mà con lại không “sống thánh”. Con giảng về đức khó nghèo thì dễ, nhưng con lại khó mà…sống nghèo. Con nói về tình yêu thương thì hay lắm, nhưng con lại yêu thương có điều kiện và chọn lựa. Con chia sẻ về hiệp nhất rất trôi chảy, nhưng con lại hay kéo bè kéo cánh gây chia rẽ. Con suy niệm về bao dung tha thứ không ai bằng, nhưng về mặt thù vặt thành kiến đố kỵ ganh tỵ cũng chẳng ai bằng con!

Đến đây con lại nghe lời ĐTC nhắc nhở trong dịp viếng thăm Assisi nhân Lễ Thánh Phanxicô Khó Khăn 04.10.2013: “Giá trị thực sự trong đời sống không phải là giầu sang, không phải là sức mạnh của vũ khí, của vinh quang trần thế, mà là ở lòng khiêm tốn, ở tình xót thương, ở việc tha thứ".

Trong cuộc gặp gỡ diễn ra tại phòng gọi là “cởi bỏ”, nơi thánh Phanxicô đã cởi bỏ y phục trả lại cho thân phụ để sống theo lý tưởng thanh bần. ĐTC nhắc nhở con hãy cởi bỏ những thứ phù phiếm trần tục:

"Thật là xấu hổ khi một Kitô hữu, một Kitô hữu thực sự, một linh mục, một nữ tu, một giám mục, một Hồng Y, hay một Giáo Hoàng lại theo đuổi con đường trần tục, là một con đường giết người. Tinh thần thế gian chỉ dẫn đến chỗ chết! Nó giết chết linh hồn người ta! Nó giết chết con người! Nó giết chết Giáo Hội!

“Ngày nay Giáo Hội phải cởi bỏ một nguy hiểm rất trầm trọng đe dọa mỗi người trong Giáo Hội, đó là tinh thần thế gian. Kitô hữu không thể sống với tinh thần của thế gian. Tinh thần này đưa chúng ta đến chỗ háo danh, quyền lực, hà hiếp, kiêu ngạo. Đó là một thứ ngẫu tượng chứ không phải là Thiên Chúa, và tội thờ ngẫu tượng là tội nặng nhất! Tất cả chúng ta đều phải cởi bỏ tinh thần thế tục, vì nó trái ngược với tinh thần các Mối Phúc, và đối kháng với tinh thần của Chúa Giêsu.”

Quả thật là như thế. Càng nhiều tuổi đời, càng cao tuổi tu, con càng thấy mình bị “nhiễm mùi trần tục” quá nhiều. Tưởng rằng đi tu là thoát tục, là “sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian”. Nhưng qua cách sống, cách ứng xử của con với anh em, đặt mình trước mặt Chúa, con thấy nó còn tệ hơn cả người thế gian nữa!

Muốn làm thánh mà con “ngại khó, sợ khổ, ngán gió, e mù sương”. Con chỉ muốn làm “thánh thót”. “Thánh” đặt trên ngai để cho người ta cúi mình phủ phục tung hô cờ quạt kèn trống. “Thánh” ngồi ngất ngưỡng trên cao chỉ tay năm ngón, đến để “được phục vụ” chứ không phải “đi phục vụ”. “Thánh” chỉ muốn có hào quang trên đầu sáng chói mà né tránh thập giá và mạo gai. ĐTC nói “làm như thế, chúng ta sẽ trở thành những Kitô hữu của tiệm bánh ngọt, như những chiếc bánh ngọt thật đẹp, nhưng không phải là Kitô hữu đích thực.”

Thưa chư vị,
Có bạn nói với con: “Nếu làm thánh mà chỉ đi làm công tác bác ái xã hội cứu giúp người nghèo thì tôi làm được, nhưng khó nhất là phải tha thứ cho kẻ thù ghét mình, phải sống chung với những người không ưa không thích mình, phải hòa hợp với những người trái tính trái nết với mình. Khó quá! Chỉ có thánh mới làm được thôi!”

Con chưa biết nói lại thế nào thì trong cuộc viếng thăm Vương cung thánh đường thánh nữ Clara, ĐTC nhắc nhở các đan sĩ cách sống nhân bản xuất phát từ việc nhận biết Chúa Giêsu:
"Khi chị em bước vào cuộc hành trình suy niệm về Chúa Giêsu Kitô, cầu nguyện và sám hối với Ngài, lòng nhân bản của chị em phải phát triển. Nữ tu dòng kín được mời gọi là con người với lòng nhân bản tuyệt vời. Một tấm lòng nhân bản như Giáo Hội Mẹ chúng ta. Làm thế nào để một nữ tu thể hiện lòng nhân bản của mình? Thông qua niềm vui, và ngày càng hân hoan hơn nữa! Tôi thật buồn khi nhìn thấy các nữ tu với khuôn mặt buồn rười rượi. Họ có thể mỉm cười, nhưng đó là một nụ cười giả tạo như những nụ cười của một tiếp viên hàng không. Không! Chị em hãy cho thấy nụ cười hân hoan đến từ niềm vui nội tâm."

Tiếp đến ĐTC kêu gọi các nữ tu hãy chăm sóc cho đời sống cộng đoàn, bất chấp những thách đố ngày nay: "Hãy tha thứ, hãy cho thấy sự kiên nhẫn. Thật không phải dễ dàng sống trong một cộng đoàn…Hãy nâng niu tình bạn và tình yêu mến nhau. Một tu viện không phải là một luyện ngục, nó phải là một gia đình.”

Bây giờ con hiểu rồi. Trước khi làm thánh thì hãy làm người cho đúng nghĩa của một con người, như lời chúc tết của một thi sĩ nào đó:

“Chúc cho hết tất cả mọi người,
Vua quan sĩ thứ người trong nước,

Ăn ở sao cho ra cái giống người!”

Làm người sống tử tế trong cõi đời ô trọc này như bông sen ở giữa bùn mà không hôi tanh mùi bùn. Dù tu hay không tu cũng phải có được cái “chân tu” này. Hãy sống và cư xử với nhau như những con người và hơn thế nữa là như những người con cái của Thiên Chúa, đó là con đang “sống thánh giữa đời”, đúng thế không?

Kính xin chư vị cùng đứa con tội lỗi này, hiệp với ý nguyện cầu của vị Cha Chung của Giáo Hội Công Giáo:

"Xin cho Giáo Hội trở thành một "Giáo Hội cầu nguyện và sám hối", "giải thoát khỏi sự thờ ngẫu tượng của hiện tại" cùng với những chủ chăn "thoát vòng kìm tỏa của sự ù lì lười biếng, tinh thần nhỏ nhen đê tiện, chủ bại", giải thoát khỏi "buồn thảm, mất kiên nhẫn, xơ cứng" nhưng "hội nhập" và tràn đầy "lòng xót thương". Như thế  chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui của một Giáo hội phục vụ, khiêm tốn và trong tình huynh đệ…”

Và “Hôm nay, chúng ta xin ơn Chúa cho tất cả mọi Kitô hữu. Chớ gì Chúa ban cho tất cả chúng ta lòng can đảm để tước lột bản thân chúng ta, không phải chỉ những gì nhỏ mọn mà tinh thần thế tục là thứ phong hủi, là thứ ung thư của xã hội chúng ta! Nó là thứ ung thư đối với mạc khải của Thiên Chúa. Tinh thần thế tục là kẻ thù của Chúa Giêsu! Tôi xin Chúa ơn tước lột chúng ta khỏi tinh thần thế tục này".


Chúng ta đừng mất hy vọng nơi sự thánh thiện. Tất cả chúng ta hãy tiến theo con đường này. Chúng ta có muốn nên thánh không? Chúa đang đón chờ chúng ta với vòng tay rộng mở. Chúa đợi chờ để tháp tùng chúng ta trên con đường thánh thiện! Chúng ta hãy sống đức tin trong vui mừng. Hãy để cho Chúa yêu thương chúng ta.. Trong kinh nguyện, chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn này cho chúng ta và cho tha nhân nữa…”

Lm. Giuse Trần Đình Long
Dòng Thánh Thể