Cơn sốt cô dâu Việt Nam đối với đàn ông Trung Quốc ngày càng
mạnh, thậm chí xuất hiện nhiều website Trung Quốc đã rao bán cô dâu Việt như
một loại hàng hóa với giá 6.000 USD. Chuyện này không chỉ bây giờ mới diễn ra
mà đã âm thầm từ rất lâu, nhưng những người có trách nhiệm vẫn làm ngơ, bỏ mặc
thân phận phụ nữ Việt bị coi như một “món hàng”.
Các cô dâu Việt Nam xếp hàng để tham dự một lễ cưới ở tỉnh Thiểm Tây,
Trung Quốc, vào ngày 28/8/ 2011
Một banner giao bán cô dâu Việt Nam giá 6.000 USD
Tuy nhiên, ở một số thành phố lớn, cô dâu Việt Nam có giá còn cao hơn thế. Tờ Time Newsfeed cho hay, đàn ông Trung Quốc ở tỉnh Triết Giang, phải bỏ ra 24.000 USD, cao gấp 3 lần trung bình thu nhập hàng năm của họ để “mua vợ”. Trong khi đàn ông ở một số tỉnh khác có chi phí “mua vợ” rẻ hơn như tỉnh Sơn Đông (20.800 USD), Thượng Hải (16.000 USD), Hồ Bắc (12.800 USD) và và Tây Tạng (12,800 USD).
Cô dâu Việt Nam cưới ở Trung Quốc
Đặng Tiểu Bình, ông chủ của một văn phòng môi giới cô dâu Việt Nam ở Trung Quốc cho hay, ông giới thiệu cho đàn ông Trung Quốc các cô gái Việt Nam từ 18-25 tuổi chủ yếu đến từ Hà Nội và TP.HCM. Công ty có “chân rết” ở Việt Nam và đảm bảo với các cô dâu Việt rằng, những người đàn ông Trung Quốc “mua” họ có thu nhập ổn định từ 2.000 nhân dân tệ/tháng, có nhà ở lành mạnh, yêu thương vợ mình...Tuy nhiên, thực trạng cho thấy phần lớn các cô dâu Việt lấy chồng qua đường môi giới đều vỡ mộng sau khi sang nhà chồng. Chú rể cũng chỉ là nông dân, sinh sống tại các vùng sâu vùng xa, nghèo đói, thiếu thốn đủ đường. Họ thậm chí phải vay mượn để có tiền “mua vợ”. Và khi đã mua được rồi, các cô dâu sẽ phải nai lưng ra làm trả nợ số tiền đã mua họ và bị khinh rẻ, coi thường , đối xử như với một món hàng, thậm chí, bị trở thành nô lệ tình dục, hứng chịu bạo lực gia đình khiến nhiều người phải tìm cách bỏ chạy.
Cô gái Việt được các trung tâm môi giới rao bán
Theo báo Buổi sáng Hải Tây ngày 25/9, tổng số cô dâu Việt “nhập khẩu” tới thành phố Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến hiện đã lên tới 900 người, bao gồm 100 cô dâu đến từ nông thôn.
Các em bị rao bán từ khi còn rất trẻ
Thực chất, chuyện các cô dâu Việt không chỉ bị rao bán sang Trung Quốc mà còn sang cả Hàn Quốc. Dư luận cũng đã được một phen bàng hoàng khi đoạn clip những cô gái Việt phải khỏa thân trước mặt rất nhiều “khách hàng” nam giới để họ chọn “mua” mình.
Trong khi đó, đàn ông Trung Quốc muốn “mua vợ” chủ yếu để có thêm người làm, đẻ con, nối dõi tông đường… Vì vậy, việc rao bán cô dâu như một món hàng khá thịnh hành trên các trang môi giới hôn nhân. Gõ từ khóa 4 chữ “Cô dâu Việt Nam” bằng tiếng Hoa có thể thu được 7,04 triệu kết quả, tăng vọt so với 1 tháng trước. Đồng thời, hiện đang xuất hiện khá nhiều công ty môi giới hôn nhân nằm rải rác nhiều nơi ở Trung Quốc như thành phố Nam Ninh và Đông Hưng (Quảng Tây), Hà Khẩu (Vân Nam), Hạ Môn (Phúc Kiến), Hồng Kông... hầu hết các công ty này đều có đăng ký kinh doanh rõ ràng với ngành nghề môi giới hôn nhân.
Trang CNN dẫn lời một phóng viên của trang Xici Hutong cho hay, các cô gái Việt Nam thường thích lấy chồng ngoại quốc để có một cuộc sống sung túc hơn, hy vọng thông qua hôn nhân để đổi đời. Nhưng phần đông trong số những cô gái này cũng đã đoán trước được “tương lai” xong vẫn phải “nhắm mắt đưa chân” bởi thực tế, công việc để cho họ có thể đổi đời không có, nếu chỉ làm nông hay “thoát li” làm công nhân khu công nghiệp thì tương lai của họ cũng không mấy sáng sủa hơn. Ngoài ra, gia đình họ cần số tiền đó, còn đối với các cô dâu này, khổ ở đâu chẳng như nhau. Hơn nữa, điều đáng buồn nhất là những người có trách nhiệm trong chuyện này vẫn làm ngơ để phụ nữ Việt bị coi như một món hàng, và cũng chẳng có một rào cản nào từ phía chính quyền được đưa ra, mọi việc được ngầm hiểu là những hoạt động không công khai, song ai cũng biết.
Hương Nguyên
Nguồn:
http://songmoi.vn/the-gioi-thoi-su/trung-quoc-rao-ban-co-dau-viet-voi-gia-6000-usd