"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Người giáo dân Công Giáo Việt Nam


Trong giờ kinh Truyền Tin ngày Chúa Nhật 14.11.2005, Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã nói với khách hành hương tại Rôma như sau: “Tôi muốn nhắc rằng Chúa Nhật vừa qua, tại thánh đường Vicenze, một bà mẹ gia đình đã được phong chân phước, bà Eusosia Fabris, được gọi là ‘Mamma Rosa’, một gương mẫu đời sống Kitô hữu trong bậc sống giáo dân.”

Trong huấn từ ấy, Ngài nói rõ: “Công Đồng (Vatican II) đã đặc biệt chú ý đến vai trò của các tín hữu giáo dân, khi dành cho họ cả một chương - chuơng 4 - trong Hiến Chế Giáo Hội Lumen Gentium, để xác định ơn gọi và sứ mạng của họ, được cắm rễ trong Bí Tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, nhằm ‘tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa.’ (số 31). Ngày 18.11,1965, các Nghị Phụ đã thông qua Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân, Apostolicam Actuositatem. Sắc lệnh này nhấn mạnh rằng ‘hoa quả của việc tông đồ tùy thưộc vào sự kết hiệp sống động của họ với Chúa Kitô’ (số 4)”.

Huấn từ của Đức Thánh Cha khiến người giáo dân phải nhớ lại Lời Kêu Gọi ở cuối Sắc Lệnh ấy:
“Thánh Công Đồng Nhân Danh Chúa hết sức kêu mời tất cả giáo dân, hưởng ứng sự thúc đẩy của Thánh Thần, hãy mau mắn, đại độ và sẵn sàng đáp lại tiếng gọi của Chúa Kitô, Đấng giờ đây đang tha thiết mời gọi họ… Quả thật, chính Chúa một lần nữa nhờ Thánh Công Đồng này, mời gọi tất cả các giáo dân hãy kết hiệp với Người ngày một mật thiết hơn và nhận thức được những gì của Người cũng là của chính mình ( Ph 2,5), họ hãy tham gia vào sứ mạng cứu rỗi của chính Người và một lần nữa Người sai họ đi tới các thành và những nơi Người sẽ đến” (số 33).

Bốn mươi năm sau, lời kêu gọi ấy đã được người giáo dân, đặc biệt là giáo dân Việt Nam, hưởng ứng và thi hành đến đâu rồi?

I. Thực trạng giáo dân Công Giáo Việt Nam

A. Những điều đáng vui mừng

Bản tin Vatican ngày 22.11.2005 viết: Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI vừa thiết lập một giáo phận mới tại Việt Nam, giáo phận Bà Rịa, một lãnh thổ từ trước đến nay thuộc giáo phận Xuân Lộc. Giáo phận mới này ở Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, bao gồm 900.000 cư dân, trong số đó có 224.000 người công giáo, 78 giáo xứ, 91 linh mục triều và dòng, 61 chủng sinh và 598 nam nữ tu sĩ.

Nhân dịp này, nhận định về tình hình Giáo Hội Việt Nam, Đức Hồng Y Crescenzio Sepe, Bộ Trưởng Thánh Bộ Truyền Bá Tin Mừng, đã phát biểu như sau: “(Việt Nam) là một cộng đoàn rất sống động, rất năng động. Ta có thể thấy qua số lượng các ơn gọi, các chủng viện, giờ này đã đầy ắp và cần phải xây thêm nhiều cơ sở để có thể tiếp nhận rất nhiều thỉnh sinh; một đời sống đạo, tham dự bí tích và tham gia vào đời sống Giáo Hội với một tỉ lệ rất cao, mà hiện nay không còn tìm thấy được ở Âu Châu chẳng hạn!”

Một nhận định như thế cũng nói lên được sức sống của Giáo Hội Việt Nam, và dĩ nhiên của giáo dân Việt Nam, vì giáo dân tạo thành phần tuyệt đại đa số trong dân Chúa. Ví dụ căn cứ vào những con số trên của giáo phận Bà Rịa thì số giáo dân đông gấp 400 lần giáo sĩ và tu sĩ, chiếm 99,96% Kitô hữu. Thật vậy, sức sống này thể hiện rất rõ: Trên toàn lãnh thổ Việt Nam, ngày chúa nhật, không có một nhà thờ nào mà không đầy ắp người. Ở các thành phố lớn, như Sài Gòn, có nơi cử hành 6 thánh lễ chúa nhật mà lễ nào cũng đông người, có lúc tràn ra cả đường phố!

Trong các giáo xứ, nhiều giáo dân đang cộng tác với cha xứ trong các công việc đa dạng: điều hành giáo xứ (hội đồng giáo xứ, ban hành giáo), dạy giáo lý tân tòng, giáo lý hôn nhân, giáo lý trẻ em (các giáo lý viên), tham gia phụng vụ (ca đoàn, giúp lễ, trao Mình Chúa). Người giáo dân còn sinh hoạt trong các hội đoàn: Legio, Liên Minh Thánh Tâm, Hiệp hội Thánh Mẫu, Huynh đoàn Đa Minh, Kolping, Gia Trưởng hay Hiền Mẫu… Trong các hội đoàn, người giáo dân nâng đỡ và huấn luyện lẫn nhau, nâng cao trình độ cho nhau, và cùng nhau phụ trách những công tác mục vụ và nhiều việc linh tinh trong giáo xứ: thăm bệnh nhân, tiếp xúc với người ngoại, ủy lạo người nghèo, nâng đỡ người khô khan yếu đuối, làm vệ sinh những nơi thờ phượng, giữ xe cho mọi người an tâm tham dự thánh lễ, v.v…

Một số giáo dân tham gia vào những công việc mà trước đây chỉ giới giáo sĩ mới có khả năng làm: suy tư và nghiên cứu thần học, mục vụ, dạy triết học thần học, chú giải Thánh Kinh, cộng tác vào việc đào tạo chủng sinh tu sĩ, viết sách báo thần học, nghiên cứu và đề nghị những hướng đi cho Giáo Hội địa phương, v.v…

Những ngày lễ hội giáo phận hay toàn quốc thì giáo dân tham gia đông đảo, với tinh thần hãm mình cầu nguyện sốt sắng. Năm vừa qua, tại Đại Hội La Vang, ban tổ chức bất ngờ ghi nhận con số người hành hương lên đến trên dưới 500.000 người!

Quả là những điều rất vui mừng sau 40 năm Công Đồng, đặc biệt là khi Việt Nam vừa sống qua 30 năm trong một chính thể không cổ võ (có khi còn kìm hãm) cho việc sống đạo, vì từng nghĩ (và chắc chắn vẫn còn nghĩ) rằng tôn giáo nói chung, và công giáo nói riêng, là ‘thuốc phiện’ của quần chúng nhân dân.

B. Những điều còn ray rứt

Thế nhưng những biểu hiện trên chưa khẳng định được rằng giáo dân Việt Nam nói chung đã đáp trả lời kêu gọi của Công Đồng để ‘chứng tỏ mình là cộng tác viên của Chúa, cộng tác vào cùng một công cuộc tông đồ của Giáo Hội bằng nhiều hình thức và phương tiện khác nhau.’ (Apostolicam Actuositatem, số 33).

Quả thế, việc giữ đạo của phần đông giáo dân còn bó hẹp trong phạm vi khuôn viên nhà thờ, là môi trường ‘đạo’; không liên quan gì đến cuộc sống hằng ngày nơi gia đình và trong xã hội, là môi trường ‘đời’! Ngoài những sinh hoạt đạo đức thuần túy như cha ông chúng ta đã ‘giữ đạo’ cách đây hằng trăm năm, thì những nét đổi mới trong não trạng và cách sống đạo chỉ mới xuất hiện rải rác một vài nơi và ở một số người rất ít. Cách giữ đạo của đa số vẫn là ở mức độ giữ một thói quen hơn là tìm hiểu, đào sâu hầu áp dụng đức tin vào cuộc sống. Những lối sùng kính mang nặng tình cảm, nhiều khi lẫn lộn với các biểu hiện dị đoan, còn rõ nét ở rất nhiều người. 

Trong khuôn viên nhà thờ, tinh thần cộng tác với chủ chăn thường là thái độ vâng phục thụ động hơn tinh thần tích cực, có trách nhiệm và có sáng kiến của một người thể hiện đúng mức vai trò và sứ mạng giáo dân của mình! Ngoài xã hội, nếp sống tin mừng như một nhà truyền giáo, bằng lời nói và việc làm, hầu như thiếu vắng hoàn toàn. Cứ so sánh một giáo dân Công Giáo bình thường và một tín hữu Tin Lành bình thường thì sẽ thấy ngay rằng người giáo dân Công Giáo khá thờ ơ trong nhiệm vụ rao giảng phúc âm cho người chưa biết Chúa. Trình độ về tín lý của đa số giáo dân vẫn còn ở mức giáo lý Thêm Sức hay Bao Đồng, và kiến thức đạo được nuôi dưỡng chủ yếu bằng các bài giảng của linh mục ngày chúa nhật, mà mức độ nhận thức nhiều khi rất hạn chế; đó là chưa kể những trường hợp mà, tại không ít giáo xứ, linh mục bận rộn đến độ không còn thì giờ để chuẩn bị bài giảng cho sống động và gần gũi với đời sống thực tế của giáo dân.

Tóm lại, tại Việt Nam, các sinh hoạt đạo đức ở nhà thờ thì không bao giờ vắng người, nhưng nếu đòi hỏi nơi giáo dân một ‘đức tin trưởng thành để đối diện với những thách đố ngày nay’ (Giáo Hội Tại Á Châu, số 45) đúng như sự mong mỏi của Giáo Hội, thì còn một khoảng cách thật xa. Vì sao có một thực trạng như thế?

II. Giáo dân, người là ai?

Nguyên nhân gây ra tình trạng này thì có nhiều. Có thể do một não trạng lâu đời của người Việt, được hình thành qua nền luân lý Khổng Mạnh, trong đó các bậc ‘thánh hiền’ đưa ra những chuẩn mực tối thượng và mình chỉ vâng theo mà không cần và không có quyền đặt lại vấn đề cho đời sống tâm linh của mình! Có thể do một lịch sử đặc thù, trong đó người công giáo luôn ở vị thế thiểu số và không có quyền lên tiếng để tuyên xưng đức tin một cách minh nhiên, kéo theo 30 năm sống trên một đất nước mà mọi tổ chức tôn giáo đều chịu sự lãnh đạo của một quyền lực chính trị. Tuy nhiên, nguyên nhân chính yếu vẫn là do một ‘cơ chế’ Giáo Hội trong hoàn cảnh thực tế Việt Nam khiến cho người giáo dân Việt Nam không thấy rõ được mình là ai. Và khi không biết được mình là ai dưới ánh sáng Công Đồng, thì dĩ nhiên sẽ không thể nào đáp ứng được ơn gọi và sứ mạng của mình!

Vậy người giáo dân là ai? Giáo Dân phải chăng là một Kitô hữu? Đúng và sai! Đúng là vì muốn làm giáo dân thì phải là Kitô hữu. Nhưng sai là vì mọi Kitô hữu không phải là giáo dân! Giáo Dân là một Kitô hữu đặc biệt. Họ là Kitô Hữu thuộc thành phần thứ ba trong Giáo Hội Công Giáo (và chỉ trong Giáo Hội Công Giáo mà thôi). Hai thành phần kia là giáo sĩ và tu sĩ! Nói một cách đơn giản thì trong cộng đồng Công Giáo có 3 thành phần, gồm giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân, và các thành phần sống hiệp thông với nhau trong ơn gọi và sứ mạng đặc thù của mình như một chi thể trong Thân Thể Nhiệm Mầu của Chúa Kitô, và Thân Thể ấy chính là Giáo Hội! 

Điều này rất phù hợp với Kinh Thánh khi ta nhìn lại Giáo Hội sơ khởi, theo lời thánh Phaolô: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa… Anh em là Thân Thể Chúa Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (1Cr 12, 4.5.27). Thế nhưng, trên thực tế thì không đương nhiên là như vậy. Bởi vì Giáo Dân không chỉ là một Kitô Hữu sống trong môi trường trần thế, mà người ta gọi là tục, và Giáo Sĩ và Tu sĩ không chỉ là một Kitô Hữu sống trong môi trường tôn giáo, mà người ta gọi là thánh. Trái lại, rất lâu trong lịch sử, giáo dân được xem là những kẻ dưới quyền cai trị của giáo sĩ!

A. Trong Giáo Hội Tiên Khởi

Vào thời Giáo Hội tiên khởi, toàn bộ Dân Chúa được hiểu “là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa” (1Pr 2,9). Và thuật ngữ laos (giáo dân) được hiểu như thế trong Cựu Ước và trong các cộng đồng Kitô hữu tiên khởi. Trong Tân Ước chỉ có một tư tế duy nhất, đó là Chúa Giêsu, và toàn thể dân Thiên Chúa bình đẳng chia sẻ chức tư tế của Chúa Kitô thông qua phép rửa (chức tư tế do phép rửa). Nhờ chức tư tế cộng đồng (chung) này, mọi Kitô hữu đều bình đẳng từ nền tảng, có cùng một phẩm giá và cùng một ơn gọi nên thánh như nhau.

B. Trong thời gian lịch sử

Nhưng Giáo Hội cũng là một tổ chức nên phải có sự phân công. Và cách phân công ấy mặc lấy cái tôn ti trật tự của xã hội mà con người đang sống. Sau ba thế kỷ sống trong tình trạng ‘chui’, và các nghi lễ phụng vụ được cử hành trong những nhà tư nhân hoặc dưới hang toại đạo, Giáo Hội được tự do tuyên xưng đức tin mình kể từ năm 313, qua Sắc chỉ Milan, dưới triều đại của Hoàng Đế Constantin. Kế từ đó cho đến Vatican II, dựa vào mẫu cai trị của Đế Quốc La Mã, tiếp theo là của các triều đại vua chúa, giáo dân trở thành thần dân của các vị lãnh chúa giáo sĩ! Tinh thần này ăn sâu vào nếp suy nghĩ của Giáo Hội đến độ suốt thời gian lịch sử, không ai đặt vấn đề trở về với khái niệm Dân Thiên Chúa của thời Giáo Hội sơ khai. 

Lịch sử Giáo Hội đã trải qua 22 Công Đồng chung, và ngoài Vatican II ra, 21 Công Đồng trước không bao giờ nhắc tới Dân Chúa, hay Giáo Dân cả. Vatican I chỉ có hai văn kiện, mà một văn kiện là để xác định quyền bất khả ngộ cho vị giáo sĩ đứng đầu Giáo Hội: Đức Giáo Hoàng. Lục lại văn kiện Giáo Hoàng thì bản văn xưa nhất có nói đến ‘laicus’ là Sắc thư Clericis laicos (1296) của Đức Giáo Hoàng Bonifaciô VIII. Trong thư này, Đức Bonifaciô VIII cấm các giáo sĩ đóng thuế thập phân (décime) cho nhà Vua Philippe le Bel của Pháp, là một quyền lực ‘laicus’, nghĩa là một quyền lực ‘đời’ (= không phải là giáo sĩ). Và trong văn kiện cuối cùng trước Vatican II, thông điệpVehementer nos của Đức Giáo Hoàng Piô X gửi nhân dân Pháp, ngày 11-02-1906, thì tư cách thứ dân đó được nói lên một cách minh nhiên: giáo dân được gọi là ‘đàn chiên’ và ‘quần chúng tín hữu’ trong một Giáo Hội ‘tự bản chất là bất bình đẳng’:

“Kinh Thánh dạy chúng ta, và truyền thống Giáo Phụ khẳng định, rằng Giáo Hội là Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Kitô, một Thân Thể được điều hành bởi các mục tử và thầy dạy (Ephs. IV,11), đo đó, ấy là một xã hội con người trong đó các thủ lãnh có đầy đủ và trọn vẹn quyền cai trị, giảng dạy và xét xử (Matt XXVIII, 18-20; XVI, 18-19; XVIII, 17; Tit II, 15; II Cor X,6: XIII, 10, v.v.)

Do đó,Giáo Hội này tự bản chất là một giáo hội bất bình đẳng, nghĩa là một giáo hội bao gồm hai hạng người: chủ chăn và đàn chiên, những người giữ một địa vị ở các cấp bậc trong phẩm trật và quần chúng tín hữu; và hai hạng này khác biệt với nhau đến độ mà,chỉ ở trong hàng ngũ chủ chăn thôi,thì mới có quyền hạn và thẩm quyền cần thiết để thăng tiến và lãnh đạo tất cả mọi thành viên đến cứu cánh của xã hội!Về phần quần chúng, họ không có bổn phận nào khác hơn là để cho chủ chăn dẫn dắt và, với tư cách là đàn chiên ngoan ngoãn, đi theo các chủ chăn của mình”
 [1]

C. Qua văn kiện Công Đồng Vatican II


Phải nhìn lại cả một thời gian lịch sử như thế mới thấy tính chất ‘cách mạng’ của Vatican II khi Hiến Chế Giáo Hội,Lumen Gentium, dành cho Giáo Dân hai chương (4 và 5) và đặt trước chương Tu Sĩ (6). Trong chương 4, căn tính của người Giáo Dân được nêu lên rõ ràng; và từ căn tính đó, họ có một sứ mạng riêng của mình, với tư cách là một thành phần Dân Thiên Chúa, chứ không chỉ là một thần dân của giáo sĩ: Giáo dân là một dân tư tế, ngôn sứ và vương giả nhờ được ‘tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô’ (Lumen Gentium số 31)

Dân tư tế, nghĩa là một dân chuyên lo phụng sự Thiên Chúa (x. 1P 2,9-10 ; Kh 1,6.5.9-10 ). Đây là một quan điểm rất mới, bởi vì cho đến VATICAN II, khi nói đến chức vụ tư tế thì người ta chỉ nghĩ đến việc phụng tự bàn thờ hay là ‘làm lễ’, và do đó chì có ‘hàng linh mục’ mới là tư tế, còn giáo dân thì không. VATICAN II cho thấy rằng chính Phép Rửa đã cho phép một người thông phần với vị Thượng Tế Kitô, và từ đó đề cao chức vụ tư tế chung của toàn thể dân Thiên Chúa (LG 101,34 ). Nói khác đi, tất cả Giáo hội là Dân tư tế, do đó người giáo dân cũng là Linh mụctheo một cách thế tuy có khác với chức vụ tư tế của các linh mục thừa tác, nhưng thực sự tham dự vào chức vụ tư tế độc nhất của Đức Kitô (LG 10).

Dân ngôn sứ, nghĩa là một dân tham dự vào sứ mạng ngôn sứ của Đức Kitô, nghĩa là mặc khải cho loài người về Chúa Cha và Tình Yêu của Người; nói một cách cụ thể, ấy là đem Tin mừng cứu độ đến tận cùng trái đất, để xây dựng một nước Thiên Chúa, biến đổi trần gian thành một Đất Mới trong một Trời Mới đang được hình thành (LG 12,35 ).

Dân Vương giả.Hai chữ "vương giả " có thể làm người giáo dân e ngại vì sợ người ta có thể ngộ nhận mà cho rằng Giáo dân muốn làm bá chủ, muốn thống trị thế giới. Thực ra tham dự vào chức vụ vương đế của Đức Kitô không phải là để thống trị thế giới, nhưng là để phục vụ, bởi vì Đức Kitô đến "không phải để được hầu hạ mà là để hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn dân" (Mt 20, 28), Do đó, Giáo dân được tham dự vào chức vụ vương đế của Chúa Kitô, chính là để được vinh dự phục vụ như người tôi tớ. (x. Lc 22, 24-27).

III. Nguyên nhân bât cập

A. Từ phía giáo dân

Những gì mà Vatican II đã đề ra cách đây 40 năm thì vẫn là một điều mà hiện nay giáo dân Việt Nam còn khá xa lạ. Không phải xa lạ vì chưa từng được nghe đến những thuật ngữ ‘tư tế, ngôn sứ và vương giả’, nhưng xa lạ vì thấy rằng đó là những từ ngữ không có một nội dung rõ rệt và không liên quan đến đời sống Kitô hữu hằng ngày của mình.

Nhiều người cho rằng trong thánh lễ, người giáo dân được đọc sách thánh, dâng lời nguyện giáo dân, dâng bánh rượu lên cho chủ tế, ấy là đã thực hiện trọn vẹn chức tư tế theo bậc sống của mình. Rất ít người nhận thức rằng Chúa Kitô đã là tư tế ở nhà Tiệc Ly trong lễ Tạ Ơn, nhưng ngài còn thực sự thực thi chức tư tế ở giữa nhân loại, trên đồi Calvê, để trở thành của lễ Hy Sinh trọn vẹn! Và chính giữa cuộc đời mà Kitô hữu mới thực sự thực thi chức tư tế của mình, bằng cách ‘chia sẻ cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, vì lợi ích của Thân Thể Ngài là Hội Thánh’ (x. Cl 1, 24). Nếu chức tư tế thừa tác hiện tại hóa Chúa Kitô trong Mình và Máu Ngài, để thánh lễ trở nên nguồn mạch và tuyệt đỉnh (fons et culmen) cho đời sống Kitô hữu, thì chức tư tế giữa đời mới hiện tại hóa ơn cứu độ của Ngài cho muôn dân!

Nhiều người cho rằng mình đã là một ngôn sứ, khi chia sẻ một vài đoạn phúc âm trong giờ cầu nguyện, hoặc góp phần giảng dạy giáo lý cho trẻ em, và như thế đã hoàn thành chức ngôn sứ theo bậc sống mình. Rất ít người để ý rằng làm ngôn sứ có nghĩa là nói lên điều mà hẳn Thiên Chúa sẽ nói giữa lòng đời. Trên một đất nước mà 92% không/chưa chấp nhận tin vào ơn Cứu Độ của Chúa, giáo dân đã làm chứng thế nào để Tin Mừng chạm đến cõi lòng anh chị em mình? Trước những bất công, những tội lỗi, những áp bức dưới mọi hình thức, giáo dân đã lên tiếng hay hành động thế nào để cho tiếng nói của Thiên Chúa vang đến tai những người gây ra những xúc phạm đối với phẩm giá và mạng sống con người?

Nhiều người cho rằng mình đã là một vương đế khi làm một số công tác phục vụ trong phạm vi nhà thờ hoặc đóng góp vào quỹ để xây nhà thờ hay giúp đỡ những người thiếu thốn theo lời kêu gọi của cha sở; và làm như thế đã là hoàn tất chức vụ vương đế của mình. Rất ít người ý thức rằng nơi thế giới chung quanh mình, từ trong gia đình ra đến xã hội, không biết bao nhiêu người cần chúng ta phục vụ để tìm được bình an thể chất cũng như tinh thần. Và điều này cần phải nhạy cảm để nhìn thấy và phải sẵn sàng có sáng kiến để đáp ứng trong mọi tình huống.

Xét như thế, ta thấy rằng đa số giáo dân Việt Nam chưa thực hiện đúng mức chức tư tế, ngôn sứ và vương đế ‘theo cách thức của họ’. Điều họ làm cho đến nay, chủ yếu là thực hiện các chức vị ấy theo ‘cách thức của các giáo sĩ’. Họ không muốn (hay không biết rằng mình cần) tham dự vào chức tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô, mà chỉ hài lòng được tham dự vào các chức ấy của linh mục, như đọc sách thánh trong thánh lễ, góp phần dạy giáo lý ngày chúa nhật hay điều khiển một ca đoàn… Và qua những công việc đó, họ hưởng được chút quyền bính của linh mục mà đối với họ là biểu tượng tuyệt đỉnh của uy quyền.

B. Từ phía giáo sĩ

Dĩ nhiên có những lỗi phạm cá nhân của vị này vị khác - như phạm đức khó nghèo, khiết tịnh hay vâng phục - đã khiến cho giáo dân ở vào tình trạng bất cập so với những lời thúc bách của Vatican II, nhưng lý do bao trùm vẫn là lý do quyền bính. Cho đến đầu thế kỷ thứ 21, cách quản lý trong Giáo Hội nói chung, và trong Giáo Hội Việt Nam nói riêng, vẫn còn giống như thời trước Vatican II. Lời Đức Piô X còn được áp dụng hầu như nguyên vẹn: Ở trên là giáo sĩ với tư cách là ‘chủ chăn, giữ một địa vị ở các cấp bậc trong phẩm trật, có quyền hạn và uy lực để cai trị’, và ở dưới là giáo dân với tư cách là ‘con chiên, quần chúng tín hữu bị trị’, trong một ‘Giáo Hội bất bình đẳng tự bản chất’.

Về mặt ý thức, mọi linh mục điều xác tín rằng, với tư cách con người, mình giống như bao nhiêu người khác, nhưng do lòng nhân hậu của Chúa, Người đã chọn mình để ban chức thánh, nhằm chăn dắt và dạy dỗ đàn chiên ‘của Người’. Trên lý thuyết (và điều lý tưởng) thì linh mục sẽ nỗ lực trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô để rối chăn dắt đàn chiên Chúa như vị Mục Tử Nhân Hậu, nghĩa là phục vụ cho giáo dân. Thế nhưng trên thực tế, không thiếu gì những linh mục, vì bản tính con người và nhờ cơ chế trợ giúp, đã không trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, nhưng trái lại, họ nại vào tư cách là Alter Christus để xử sự như một lãnh chúa đối với giáo dân, ‘dân riêng của Thiên Chúa’, mà họ xem là ‘dân đen của chính mình’.

Quyền bính ấy thể hiện ở cách xưng hô hay đối xử với mọi người thuộc mọi lứa tuổi trong giáo xứ của mình, Mỗi linh mục toàn quyền quyết định thời hạn cũng như trình độ giáo lý của cặp phối ngẫu và cho phép hay không. Vì thế, có những trường hợp cũng trở ngại như nhau, mà ở giáo xứ này thì lãnh nhận bí tích dễ dàng còn giáo xứ khác thì không thể nào kết hôn được; hay cùng ở vào một tình huống trắc trở như nhau, thì đôi này được thông cảm mà đôi kia thì không.

Quyền bính ấy thế hiện qua cách quản lý và điều hành giáo xứ. Xứ nào cha xứ thoáng thì Hội Đồng Giáo Xứ có thể tiếp tay trong một vài quyết định liên quan đến những vấn đề của giáo xứ ! Xứ nào cha sở không tin tưởng trình độ giáo dân, cả trình độ giáo lý lẫn nghiệp vụ, thì cha xứ tính toán hết mọi sự và hội đồng giáo xứ hay ban hành giáo chỉ việc thi hành.

Quyền bính ấy thể hiện qua việc sử dụng tài chánh. Không ai có quyền biết quỹ của nhà xứ có được bao nhiêu, xuất phát từ nguồn thu nào, và được dùng vào việc gì, nếu cha xứ không muốn cho biết. Và số cha xứ giữ bí mật tài chánh này không phải là ít trên toàn cõi Việt Nam.

Quyền bính ấy thể hiện qua việc bắt tay vào những chuyện trần thế, và tính toán theo quy luật của thế gian. Ví dụ xây dựng và trực tiếp hay gián tiếp làm chủ một cơ sở kinh tế (dịch vụ, buôn bán, chăn nuôi, trồng trọt) với lý do gây quỹ cho giáo xứ hoặc giúp các hoạt động truyền giáo hay bác ái. Trong khi đó những suy nghĩ tính toán theo quy luật xã hội trần thế không phải là chuyên môn của một linh mục và cũng chưa chắc là lãnh vực thuận với tin mừng.

Quyền bính ấy thể hiện qua thái độ không cần để ý đến việc nâng cao kiến thức đạo một cách thực tiển để cho giáo dân trưởng thành hơn trong đức tin hầu có thể sống chiều kích tư tế, ngôn sứ và vương đế của mình trong các môi trường sống khác nhau của họ. Điều các vị ấy cần là giáo dân mình phải ngoan ngoãn vâng phục, vì thế giáo dân càng biết về giáo lý thần học ít chừng nào thì lại càng dễ ‘chăn dắt’ chừng ấy. Từ đó rất nhiều giáo xứ có các ‘gia nhân’ giáo dân, mà không có ai là ‘cộng tác viên’ của các cha xứ. Và để củng cố cho quyền bính ấy, có những linh mục nuôi dưỡng sự sợ hãi đối với mình qua việc trình bày một Thiên Chúa đáng sợ, sẵn sàng trừng phạt, hơn là một Thiên Chúa Tình Yêu, kêu gọi con cái mình cộng tác để xây dựng Trời Mới Đất Mới cho toàn thể nhân loại.

IV. Thử tìm một hướng đi

Vì đây là bài ghi nhận về một thực trạng mà hẳn ai cũng đã thấy, nên người viết chỉ nói lên những kết luận mà không đưa ra một dẫn chứng cụ thể nào. Tuy nhiên, dù không nêu ra, người viết cũng căn cứ trên những sự kiện có thực tại nhiều nơi mà mình biết, mặc dù những sự kiện đó không bao giờ nêu lên được bằng con số thống kê. Mục đích của nhận định là có một cái nhìn tổng quan để từ đấy tìm ra một hướng đi cho những thập niên sắp tới.

Thực ra, trong thời gian 40 năm, dù đa số giáo dân Việt Nam chưa ý thức được đầy đủ vị trí và vai trò của mình, cũng như chưa đáp ứng được những yêu cầu của Vatican II, thì ai cũng biết rằng cả một thế hệ giáo sĩ và giáo dân đã nỗ lực nhiều chứ không phải là chưa làm gì cả. Những nhân tố tích cực đã nổi lên rất nhiều nơi. Ngay tại Sài Gòn giáo dân đã khởi xướng và thực hiện một số công việc với nhau để sống đức tin của mình mà không yêu cầu giáo sĩ đi bước trước để dẫn đường: những nhóm nghề nghiệp đã qui tụ với nhau để cùng làm một cái gì cụ thể, chẳng hạn các nhóm chia sẻ, lớp giáo lý cho người trưởng thành hay những tổ chức bán chính thức được qui tụ để tương trợ lẫn nhau và giúp đỡ những người khác; thậm chí có những giáo dân đã thành lập hẳn một công ty tư nhân để tìm lợi nhuận giúp cho công việc bác ái, mà không cần phải tham khảo ý kiến của giáo quyền. 

Thế nhưng, những công việc này chưa phải là một điều mặc nhiên của mọi Kitô Hữu tại Việt Nam, những Kitô hữu mà ngay cả Toà Thánh cũng công nhận là ‘rất sống động và rất năng động’. Trước thực trạng này, ai cũng phải thừa nhận rằng muốn cho toàn thể giáo dân Việt Nam cập nhật được những giáo huấn của Vatican II thì cần phải có nỗ lực của hai phía, cả giáo sĩ lẫn giáo dân. Trong phần cảm nghĩ ngắn ngủi này, người viết chỉ nêu lên một vài điều đừng làm và nên làm của giáo dân và giáo sĩ hầu tất cả cùng suy nghĩ, chứ không mong đề ra một giải pháp thần kỳ nào!

A. Về phía giáo dân

- Đừng chờ đợi nơi hàng giáo phẩm làm thay cho mình hoặc hướng dẫn mình giải quyết theo phúc âm những gì thuộc về cuộc sống trần thế liên quan đến gia đình, nghiệp vụ, xã hội của mình.

- Đừng đòi hỏi giáo sĩ phải thế này, phải thế nọ, phải nói điều này, phải làm điều kia; vì các linh mục cũng có những hạn chế trong khả năng hay trong hiểu biết như bất cứ ai khác, đó là chưa nói đến những lý do của một linh mục mà giáo dân không thể nào biết được. Đừng lên án hay có những hành vi tiêu cực khi một linh mục không hành động giống như ý mình mong.

- Nên tự tìm mọi cách để nâng cao trình độ đức tin của mình qua những sáng kiến cá nhân và chia sẻ cho nhau, mà không cần phải có sự hiện diện hay đóc thúc của linh mục. Dù tôn trọng chức thánh và ơn gọi đặc biệt của linh mục, thì cũng nên từ bỏ thái độ tự ti mặc cảm của một người ‘con’ trước một ông ‘cha’, và chờ đợi sự quyết định của họ trong mọi công việc liên quan đến đức tin của mình!

- Nên khởi xướng những công việc trong lãnh vực chuyên môn của mình và từ đó tìm ra những cách thức sống chiều kích tư tế, ngôn sứ và vương đế trong môi trường cụ thể của mình, rồi chia sẻ với những Kitô hữu khác. Dĩ nhiên, nên tham khảo với một linh mục để biết rằng mọi sự đều đi đúng đường, nhưng về những công việc trần thế đó, đừng để cho linh mục phải ở vị trí lãnh đạo hay đề ra quyết định.

B. Về phía linh mục

- Đừng đối xử với giáo dân như ‘con đẻ’ của mình, và đừng để cho những quyền bính thế gian lẫn lộn vào cách chăm sóc con chiên. Đừng đào sâu hố ngăn cách giữa linh mục và giáo dân, để rồi mãi mãi giáo dân sẽ có một thái độ sống Tin Mừng một cách ấu trĩ.

- Đừng bắt tay vào những việc của giáo dân, ví dụ làm kinh tế, chạy giấy tờ, phụ trách xây cất, quản lý tài chánh, nghĩa là những công việc đòi hỏi cách làm và cách hiểu của xã hội trần thế… Đừng dạy giáo dân cách giải quyết những vấn đề chuyên môn của họ, bởi vì trong lãnh vực trần thế, họ hơn hẳn linh mục về hiểu biết và kỹ năng, thậm chí họ còn biết đi trên những con đường vòng mà một linh mục không nên và không được phép đi.

- Nên công khai tài chánh và trao những công việc quản lý vật chất cho giáo dân; tin tưởng vào chuyên môn của họ và chỉ đóng vai trò điều hợp; lắng nghe và thực hiện những thao thức của họ hơn là đi tìm những nhà chuyên môn ở một nơi khác để thực hiện mọi sự theo ý mình! Chính việc toàn quyền sử dụng tài chánh là một yếu tố chủ yếu khiến linh mục chạy theo quyền lực thay vì sống như một người tôi tớ Yahvê.

- Nên để ý nâng cao trình độ học hỏi về đức tin cho mọi tầng lớp bằng cách hỗ trợ cho họ, chẳng những có điều kiện học hỏi, mà còn có điều kiện dạy nhau và chia sẻ cho nhau mọi hiểu biết về giáo lý đức tin để họ có thể sống đời sống giáo dân 24 giờ một ngày. Nên kịp thời nói lên tiếng nói của Giáo Hội để dựa vào đó họ có thể mạnh dạn đi đúng con đường Giáo Hội theo phương thức của họ.

Ngày 26.11.2000, trước 40.000 người đến dự lễ Năm Thánh về Tông Đồ Giáo Dân tại quảng trường thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban huấn từ: Giờ giáo dân đã điểm. Làm một Kitô hữu, chưa bao giờ là một việc dễ dàng, ngày xưa cũng vậy mà ngày nay cũng vậy. Muốn theo Chúa Kitô cần phải can đảm chọn lựa dứt khoát, thường thường là phải lội ngược dòng!

Cách đây 25 năm, Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nêu cao lời giáo huấn: ‘Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc’. Người sống giữa lòng dân tộc, dĩ nhiên, là giáo dân Việt Nam. Nếu đến giờ này, Phúc Âm chưa đến trong lòng dân tộc, nghĩa là chưa đến lòng từng người Việt Nam không công giáo, thì điều đó nói lên rằng giáo dân Việt Nam chưa đáp ứng lời kêu gọi của Công Đồng để sống ơn gọi và sứ mạng của mình: «Người giáo dân sống giữa trần gian, giữa tất cả cũng như từng công việc và bổn phận của trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội, tất cả những điều đó như dệt thành cuộc sống của họ. Đó là nơi Thiên Chúa gọi họ.» (Lumen Gentium số 4)

Trần Duy Nhiên