"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Đồi Golgotha và ngôi mộ Chúa Giêsu


Dinh vua Hêrôđê (trái). Ngõ vào mộ Chúa Giêsu (phải)

Trong khi toàn thể nhân loại nói chung và thế giới Kitô giáo nói riêng đang sửa soạn cử hành lễ tưởng niệm cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa nhập thể, chúng ta thử tìm hiểu thêm về những dấu tích thánh của Chúa Cứu Thế tại Thánh Địa, nhất là ngọn đồi Golgota, nơi Người đã chịu đóng đinh và ngôi mộ, nơi xác thánh Người đã được cất giữ trong suốt ba ngày liền, trước khi Người phục sinh.

1) Nơi Chúa bị đóng đinh và được an táng


Một điều người ta có thể quả quyết được một cách chắc chắn rằng ngọn đồi Golgota hay cũng được gọi là đồi Can-vê hoặc Núi Sọ và ngôi Vương cung Thánh đường Mộ-Chúa hiện nay là chính những nơi Chúa Giêsu đã chịu đóng đinh trên thập giá và rồi được an táng sau đó, cách đây trên dưới 2000 năm.
Đối với con đường thánh giá, tức đoạn đường mà Chúa Giêsu đã đi qua khi Người phải vác thánh giá tiến về Núi Sọ, thì có khá nhiều tương truyền khác nhau, nhưng một điều chắc chắn không ai có thể phủ nhận được, đó là ngôi Vương cung Thánh đường Mộ-Chúa ngày nay chính là nơi Chúa Giêsu đã được an táng sau khi xác thánh Người được các Môn đệ tháo xuống khỏi thánh giá. Và ngôi mộ Người hoàn toàn trống rỗng sau đó ba ngày là một minh chứng cho sự sống lại của Người. Và khi bà Maria Magdalena đến kính viếng mộ Chúa, thì Thiên Thần đã hiện ra và mời bà nhìn kỹ vào ngôi mộ trống. Chính điều đó cũng cho thấy bà Maria Magdalena là chứng nhân đầu tiên của việc Chúa đã sống lại. Đó quả là một vinh dự cao cả được dành cho một người phụ nữ đã luôn tin tưởng và yêu mến Thầy cực thánh của mình một cách tuyệt đối, là được chọn làm chứng nhân đầu tiên về sự sống lại của Người.


Bản Phúc Âm theo thánh Gioan đã tường thuật là có hai vị Thiên Thần mặc áo trắng ngồi trong mộ Chúa, một vị ngồi phía cuối chân và một vị khác ngồi ở đàng đầu trong ngôi mộ an táng Chúa Giêsu. Sự kiện này nhắc chúng ta nhớ đến vị trí của hai vị Thiên Thần Cherubin trên Hòm Bia thánh của Gia-vê, được trao phó cho dân Ít-ra-en trong thời Cựu Ước. Điều này muốn khẳng định rằng ngôi mộ Chúa Giêsu thực sự là Hòm Bia chân chính và sau cùng của Thiên Chúa, được trao phó cho Giáo Hội của Người trong Tân Ước, một Giáo Hội bao gồm mọi dân tộc trên khắp thế giới.

Theo tương truyền và theo dẫn chứng chắc chắn của lịch sử cũng như của khoa khảo cổ, thì vào thời Chúa Giêsu, những nơi trên đây nằm ngoài vòng đai thành Giê-ru-sa-lem.

2) Nơi có ngôi Mộ Chúa là một nghĩa địa

Phía sau ngôi mộ Chúa Giêsu ở trong ngôi Nhà Nguyện của Giáo Hội Chính Thống Syrie, các nhà khảo cổ còn tìm thấy nhiều ngôi mộ khác nữa thuộc thế kỷ thứ nhất. Điều đó chứng minh cho thấy vùng đất nằm bên ngoài vòng đai thành Giê-ru-sa-lem ấy là nơi xưa kia được sử dụng làm nghĩa địa. Và theo tương truyền thì một trong các ngôi mộ ấy được coi là mộ của ông Josef Arimathäa. Ở phía trên ngôi mộ người ta vẫn còn nhìn thấy được những tảng đá được tạc vào thời hoàng đế Constantin để phân biệt ngôi mộ Chúa Giêsu với những ngôi mộ khác, mà cho tới nay người đã xác nhận được bảy ngôi mộ khác đã được chôn cất tại đây.

3) Ngôi mộ Chúa đã từng bị đất vùi lấp

Sau cuộc nổi dậy của Bar Kokba (1) bị thất bại vào năm 135, hoàng đế Aelius Hadrian đã hạ lệnh phá hủy hoàn toàn thành Giê-ru-sa-lem. Hadrian hành động tàn ác như thế là nhằm ngăn chặn tất cả mọi mưu toan của người Do-thái muốn tìm cách chiếm lại thành Giê-ru-sa-lem, và đồng thời xoá tan tất cả mọi dấu vết Kitô giáo, trong đó có ngôi mộ Chúa và đồi Golgota. Để thực ý đồ nham hiểm ấy, Hadrian đã truyền lệnh cho chuyên chở đất tới chôn sâu ngôi mộ và cả đồi Golgota. Giữa trung tâm thành phố, ông xây một con đường chính làm nơi buôn bán sầm uất với tên Cardo maximus. Những trục giao thông Decumani (2) cắt ngang con đường chính này. Trum tâm thành phố mới được trải rộng từ Forum cho tới Capitolium (3). Còn miền thuộc địa mới đã được Hadrian đặt tên là Aelia Capitolina. Điều đó muốn ám chỉ là ở Giê-ru-sa-lem cũng có một Capitolium để thờ các vị thần của người Roma là Jupiter, Venus và Juno, v.v…, hoàn toàn giống như ở Roma vậy.

Đặc biệt, theo các chứng cứ của hai sử gia của Giáo Hội, Đức GM Eusebius thành Caesarea và thánh Hieronymus, thì toàn vùng thuộc Golgota và ngôi mộ Chúa, Hadrian còn cho đổ rất nhiều đất, biến thành một ngọn đồi đất nhân tạo vĩ đại, trên đó ông cho xây một ngôi đền thờ thần ngoại giáo Jupiter và nữ thần Venus (4). Ngay trên chỗ Chúa bị đóng đinh, Hadrian còn cho dựng một pho tượng nữ thần Venus vĩ đại bằng đá cẩm thạch.

Thật ra, việc xây dựng những nơi thờ tự các thần ngoại giáo không gì khác là đền Capitolium. Đây là điều người ta dễ dàng nhận ra được khi khai quật móng ngôi đền. Theo dẫn chứng của thánh Hieronymus, hoàng đế Hadrian cho xây tượng nữ thần dâm đãng Venus trên chính ngôi mộ Chúa là cốt ý tục hóa hoàn toàn các nơi thánh Kitô giáo.

4) Ý đồ gian ác của Hadrian giúp cho kế hoạch của Thiên Chúa

Như đã nói trên, mục đích của Hadrian khi cho chuyên chở đất từ khắp nơi về chôn vùi đồi Golgota, nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh và ngôi mộ táng xác thánh Chúa, và đắp thành một ngọn đồi đất nhân tạo to cao vĩ đại, với mục đích là cốt xóa sổ sự hiện diện những dấu tích đáng ghi nhớ nhất của Kitô giáo. Nhưng chính ý đồ thâm độc của Hadrian lại trở thành một phương tiện bảo tồn hữu hiệu nhất cho hai nơi thánh địa trên, vì ngọn đồi đất do Hadrian xây cao lên trên đồi Golgota và ngôi mộ Chúa trong suốt gần hai thế kỷ liền đã bảo toàn trọn vẹn hai thánh tích trên, chứ không bị các thù địch Kitô giáo phá hại.

Thật vậy, các kẻ thù của Thiên Chúa thường cho rằng họ là những vị thần linh toàn năng, thế nhưng các ý đồ và các kế hoạch của họ đều thiển cận và ngắn hạn. Trong suốt hơn 180 năm hai thánh tích nơi Chúa bị đóng đinh và ngôi mộ an táng xác thánh Chúa bị chôn vùi dưới một ngọn đồi nhân tạo bằng đất, khiến các Kitô hữu không thể đến kính viếng được, nhưng theo các ngụy thư thì các Kitô hữu xưa kia vẫn luôn ghi nhận rõ ràng hai thánh tích trên và luôn gìn giữ các tương truyền. Vào giữa các năm 135 cho tới 326, các Đức Giám Mục miền Aelia Capitolina đã ra sức bảo trì các nơi thánh ấy.

Năm 313 hoàng đế Constantin đã ban hành ở Milan một chiếu chỉ thời danh cho phép các Kitô hữu trong toàn đế quốc Roma được tự do sống đạo của mình. Trong Công Đồng chung do hoàng đế Constantin triệu tập tại Nicäa vào năm 325, Đức Cha Makarius, Giám Mục Giê-ru-sa-lem lúc bấy giờ đã lên tiếng yêu cầu hoàng đế nên ra lệnh phá hủy tất cả các đề thờ ngoại giáo và khai quật và trùng tu lại các di tích thánh Kitô giáo ở Thánh Địa. Theo một số sử liệu, thì chính thánh nữ Helena, mẹ của hoàng đế Constantin, là người đã đưa ra ý kiến phải khai quật và trùng tu lại nơi Chúa bị đóng đinh và ngôi mộ nơi Chúa được an táng. Công việc khai quật được bắt đầu vào năm 326 dưới sự giám sát của Đức Giám Mục Makarius, và Dracilius, vị thị trưởng lúc bấy giờ, đã cung cấp một nửa số nhân công cho công trình trên. Trong cuốn „Das Leben des Kaisers Konstantin“ (cuộc đời hoàng đế Constantin), sử gia Eusebius thành Caesarea tường trình một cách chi tiết công cuộc tôn tạo lại hai thánh tích quan trọng trên của Kitô giáo là đồi Golgota và ngôi mộ Chúa. Eusebius trình bày một cái nhìn tổng quát về ngôi đền thờ mới được hoàng đế Constantin cho xây dựng trên chính địa điểm Chúa chịu chết và sống lại. Eusebius trình bày toàn bộ công trình xây dựng ngôi đền thờ trong bốn phần được gọi là Anastasis (5), trung tâm Atrium (6), Triportico (7) và Martyrium (8).

Theo kết quả những lần khai quật của Linh mục Virgilio Corbo OFM, người ta lại nhận thấy công trình xây dựng phức tạp của hoàng đế Constantin tại vị trí mộ Chúa gồm năm khối khác nhau:

1. Atrium, tức phần tiền sảnh của Vương cung Thánh đường được xây theo kiểu đông phương nằm trên trục Cardo Maximus của Aelia Capitolina.
2. Matyrium, tức chính Vương cung Thánh đường gồm năm gian.
3. Triportico, tức hành lang các cột với núi Can-ve.
4. Anastasis, tức phần hình tròn xây bao trùm ngôi mộ Chúa.
5. Patriarchat gồm sân rộng nằm phía tây-bắc.
Trong những lần khai quật sau cùng, người ta lại tìm thấy phần dưới nền nhà thờ thuộc Giáo Hội Chính Thống còn sót lại dấu tích của Vương cung Thánh đường được xây dựng thời Constantin.
5) Đền thờ Mộ Chúa được xây dựng trên chính ngôi mộ Chúa 

Đó là một sự thật được nhiều nhân chứng khả tín khẳng định. Trước hết, thánh Cyrill (9) đã viết là ngài đã hướng dẫn các người tân tòng chẳng những đi kính viếng Golgota mà cả ngôi mộ Chúa nữa.

Ở đây chúng ta cũng nên nhớ rằng, vào năm 614 Chosroes II, hoàng đế của đế quốc Ba Tư hùng mạnh đã xâm chiếm Giê-ru-sa-lem và đốt phá Đền thờ Mộ Chúa do Constantin xây dựng, còn Thánh Giá Chúa thì bị chiếm làm chiến lợi phẩm mang về Ktesiphon, thủ đô của đế quốc. Nhưng sau đó, quân đội Roma đã chiến thắng đế quốc Ba Tư, và năm 630 Nữ hoàng Helena đã khởi hoàn trở lại Giê-ru-sa-lem và long trọng cung nghinh Thánh Giá Chúa đã được phục hồi trở lại nhà thờ Mộ Chúa.

Tiếp đến, những lãnh chúa Hồi giáo xưa kia cũng đã nỗ lực ra tay bảo vệ các nơi thánh thuộc Kitô giáo tại Giê-ru-sa-lem trước tất cả mọi đe dọa phá hoại thánh địa. Nhờ thế ngôi Vương cung Thánh đường Kitô giáo đã tiếp tục tồn tại. Liền sau đó, trong khi Đức Thượng Phụ Zacharias còn bị giam cầm ở Ba Tư, Đền thờ đã được Linh mục Modestus, Tu viện Trưởng Tu Viện Theodosius, cho trùng tu lại. Vào năm 638 Đức Thượng Phụ Sophronius bó buộc phải cho phép người Hồi Giáo Ả-rập tiến vào Giê-ru-sa-lem. Khi quốc vương Hồi Giáo Omar Ibn Khattab có mặt tại Giê-ru-sa-lem, ông đã công khai long trọng hứa tôn trọng „Status quo“ của Giê-ru-sa-lem, nghĩa là ông tôn trọng tình trạng hiện tại của thánh địa nói chung và của Giê-ru-sa-lem nói riêng.

Nhưng vào năm 906, để phản đối cuộc tranh chấp bằng quân sự của quân Bysantin do tướng Nikephoros Phokas lãnh đạo, người Hồi Giáo đã đốt phá phần đền thờ hình tròn bao trùm Mộ Chúa. Và vào năm 1009, Fatimidenkalf Al-hakim, quốc vương Hồi Giáo, đã ra lệnh phá hủy toàn bộ ngôi Vương cung Thánh Đường Mộ Chúa. Ngôi mộ Chúa Giêsu hoàn toàn bị san bằng. Nhưng đến năm 1031, các Kitô hữu được phép trùng tu lại ngôi mộ Chúa. Năm 1042 hoàng đế Constantin Monmachus khởi công xây dựng lại khu vực Golgota và Mộ Chúa, và vào năm 1048 toàn bộ công trình trùng tu được hoàn thành.

Vào thế kỷ XII khi các đoàn Thập Tự Quân chiến thắng tiến vào Giê-ru-sa-lem, họ thấy ngôi mộ Chúa đã được trùng tu. Sau đó, họ đã quyết định cho xây lại Vương cung Thánh đường Mộ Chúa vĩ đại gồm bốn phần, bao trùm toàn bộ các thánh tích nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh và nơi Chúa sống lại. Ngôi Vương cung Thánh đường Mộ Chúa hiện nay cùng có hình dạng của ngôi Vương cung Thánh đường được xây dựng thời Thập Tự Quân.

Ở đây, chúng ta cũng nên nhắc lại là cuộc đại hỏa hoạn vào cuối năm 1808 và cuộc động đất vào năm 1927, đã làm thiệt hại nặng nề ngôi Vương cung Thánh đường. Vì thế, vào năm 1947 khi người Anh nắm quyền bảo hộ Palestina, để chống đỡ và bảo vệ Vương cung Thánh đường khỏi bị sập đổ, họ đã cho dựng những giàn ráo bằng sắt chung quanh toàn bộ ngôi Vương cung Thánh đường. Về sau, các cộng đồng thuộc các Giáo Hội Kitô giáo đã nhất trí cần phải tổ chức những cuộc khai quật qui mô ở các phần khác nhau của ngôi mộ Chúa. Đây là một dịp thuận tiện để trùng tu lại toàn diện Vương cung Thánh đường Mộ Chúa, và công việc trùng tu được giao phó cho Linh mục Virgilio Corbo, một Tu sĩ Dòng Phanxicô đã sống lâu năm ở Palestina.

Trong khi khởi công tôn tạo lại thánh tích Mộ Chúa, một nơi đã được dùng canh giữ xác thánh Chúa trong suốt ba ngày, sau khi Người được các Môn đệ tháo từ Thánh giá xuống, người ta đã lợi dụng dịp tốt ấy để khai quật toàn bộ khu vực Golgota và ngôi mộ Chúa. Nhưng để có thể thực hiện được điều đó, cần phải được sự đồng ý của ba Giáo Hội Kitô giáo liên hệ, đó là Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp, Giáo Hội Armenien và Giáo Hội La-tinh như vừa nói trên. Sự nhất trí hy hữu này của các Giáo Hội là một dấu chỉ tích cực về sự hiệp nhất huynh đệ giữa họ, một điều mà chính Chúa Cứu Thế hằng tha thiết mong ước, như chính Người đã từng cầu nguyện cùng Chúa Cha trước khi Người bước vào cuộc khổ nạn: „Lạy Cha, xin cho họ hiệp nhất nên một, như Cha và Con là một!“ 

Chớ gì sự mong ước khẩn thiết của Chúa Cứu Thế về sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu như thế được hiện thực một cách thực tiễn giữa các Giáo Hội Kitô giáo cũng như giữa các Kitô hữu.
__________________________
Chú thích:
1. Bar Kokba là vị chỉ huy cuộc nổi dậy thứ hai của dân Do-thái chống lại quân đô hộ Roma từ năm 132 đến 135.
2. Decumanus: trục giao thông Đông-Tây, còn Cardo: trục giao thông Nam-Bắc.
3. Capitolium là một đền thờ ngoại giáo được xây theo kiểu Capitolium ở Roma để thờ các thần Jupiter, trong tiếntg Hy Lạp là Zeus. Thần Jupiter mà người Roma ngoại giáo xưa kia thờ kính là chúa của các thần, Juno và Minerva.
4. Venus là thần tình yêu, thần sắc đẹp và là thần khiêu dâm của người Roma xưa.
5. Anastasis: ngôi đền hình tròn xây bao bọc ngôi mộ Chúa.
6. Atrium: tiền sảnh của ngôi vương cung thánh đường.
7. Triportico: hành lang các hàng cột ba mặt.
8. Martyrium: ngôi đại vương cung thánh đường, nơi cử hành các lễ nghi phụng vụ.
9. Thánh Cyrill cũng được gọi là Kyrill (313-389), được sinh trưởng tại Giê-ru-sa-lem. Từ năm 348 ngài được chọn làm Giám Mục Giê-ru-sa-lem.

Lm Nguyễn Hữu Thy