Khách hành hương viếng Lăng Các Vị Tử Đạo tại giáo xứ Nước Ngọt thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, hôm 13.10.2018 - Ảnh: ucanews.com
“Các ngài đã giúp sức cho tôi can đảm, không biết sợ để vượt qua sự kỳ thị tôn giáo trong nhà trường vào thời bao cấp”, cựu giáo viên trung học phổ thông dạy môn toán, lý và hóa từ năm 1977 đến 1982, chia sẻ.
Cô Minh cho biết hiệu trưởng và ban giám hiệu cố ý tổ chức học chính trị và lao động vào các ngày Chủ nhật nhằm ép cô bỏ lễ.
“Mỗi lần tôi đi lễ về, thì hiệu trưởng phạt tôi làm tờ kiểm điểm để trừ ngày phép trong năm và phần mua bổ sung trong tem phiếu của tôi”, cựu giáo viên 60 tuổi kể. “Cuối cùng không khuất phục được, họ đã sa thải vì tôi không chịu bỏ lễ ngày Chúa nhựt”.
Cha Phanxicô Xaviê Hồ Văn Uyển, chánh giáo xứ Nước Ngọt, kể với khách hành hương hôm 13.10. rằng Lăng Các Vị Tử Đạo là nơi an nghỉ của cha Giuse Tống Văn Vĩnh và 43 giáo dân bị quân lính giết hại vào ngày 8-12-1883 trong cuộc bách hại đạo Công giáo.
Cha Vĩnh, cựu chánh xứ giáo xứ này, cùng các giáo dân quyết định ở lại trong ngôi nhà thờ được làm bằng lá cây sau khi nghe tin quân lính sẽ tấn công họ.
Cha Uyển kể vị tiền nhiệm ngồi tòa giải tội cho giáo dân trước khi bị chặt đầu. Thi thể của ngài bị ném xuống giếng. Giáo dân thì bị quân lính thiêu sống trong nhà thờ. Hài cốt của họ được chôn cất tại nghĩa trang địa phương.
Ngài cho biết hài cốt của các vị tử đạo được cải táng tại khuôn viên nhà thờ cũ với diện tích 2.000 mét vuông năm 1913. Người Công giáo địa phương dựng một tấm bia in hình các vị tử đạo trên lăng tử đạo vào năm 2000.
Lăng tử đạo rộng 145 mét vuông được trùng tu tháng 6 vừa qua nhân kỷ niệm 30 năm ngày tôn phong thánh cho 117 vị thánh tử đạo Việt Nam.
Nhà thờ Nước Ngọt hiện nay thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, được xây năm 1925 và cách lăng tử đạo 600 mét. Giáo xứ được thành lập năm 1742, hiện nay có 2.678 người Công giáo.
Anh Phaolô Nguyễn Văn Đại, trước đây là một tay cờ bạc, mê cá độ đá banh và xa lìa nhà thờ, cho biết anh đã bỏ được các tật xấu nhờ các vị tử đạo.
Bố của 3 người con kể hôm 19-6 trong lúc đang trên đường đi cầm cố chiếc xe máy, anh thấy đoàn kiệu các vị Thánh Tử Đạo đi qua, anh dừng xe lại và chiêm ngắm, và anh cảm thấy lương tâm mình cắn rứt, muốn trở về với Chúa.
“Tôi đã xưng tội xin lỗi Chúa, xin lỗi vợ con và được mọi người trong gia đình tha thứ”, người đàn ông 47 tuổi kể sau khi dâng hương trước Lăng Các Vị Tử Đạo hôm 13-10.
Bà Nguyễn Thị Cảo, không theo Công giáo sống gần lăng tử đạo, cho biết hàng tháng bà thường thắp hương trước lăng tử đạo để cầu nguyện cho các thành viên trong gia đình được bình yên.
“Tôi cầu nguyện và con cháu tôi được bằng an, chúng tôi ở đây tuy là người ngoại đạo nhưng chúng tôi rất tin các linh hồn chết oan ngày xưa ở ngôi miếu này (lăng các vị tử đạo)”, bà Cảo, 75 tuổi, nói và cho biết thêm người ngoài Công giáo ở đây gọi lăng tử đạo này là miếu các ngài.
Cha Uyển cho biết người Công giáo địa phương còn noi gương các vị tử đạo làm chứng cho các giá trị Kitô giáo trong xã hội ngày nay. Họ được kêu gọi lên tiếng phản đối bạo lực, bất công trong xã hội và bảo vệ những người thấp cổ bé họng.
Lăng Các Vị Tử Đạo được tuyên bố là một trong 6 điểm hành hương trong Năm Thánh kỷ niệm 30 năm ngày tôn phong các thánh tử đạo Việt Nam trong Tổng Giáo phận Huế. Hơn 10.000 khách hành hương đã viếng lăng tử đạo 2 lần một tháng.
Tổng giáo phận này có 40 lăng tử đạo và 6 khu di tích lịch sử khác liên quan đến các vị tử đạo, ghi nhận có 12 linh mục và khoảng 10.000 người Công giáo bị giết hại vì đức tin, trong đó có 12 vị đã được tôn phong thánh.
Nguồn: UCAN Việt Nam