Cuối năm 2011, người Việt trên mạng xốn xáo vì một bài giảng
của cha Khảm, mãi hồi 1999 gì đó, nhưng được tái xuất giang hồ trên mạng của
TGP Sài Gòn. Xốn xáo chỉ vì có đoạn nhắc tới ông Mác. Để trả lời (hay để bào
chữa?) có bài phỏng vấn Đức cha Khảm. Sau cuộc phỏng vấn, bầu khí đã căng, lại
càng thẳng. Người chống kẻ bênh, người tìm cách hóa giải… Chứng tỏ cái ông Các
Mác râu xồm này sống dai. Mà không riêng gì trên đất nước Việt Nam.
Để chứng minh điều đó, thử tham khảo ý kiến một người đồng
hương của Các Mác, đồng thời là nhà lý luận chặt chẽ, chi li và một trong những
nhà thần học uy tín nhất của Giáo hội Công giáo: Hồng y Ratzinger. Theo ngài,
học thuyết Mác xít vẫn thịnh hành.
1968 và 1989
«Năm 1968 đánh dấu sự nổi dậy của một thế hệ mới. Thế
hệ này cho rằng những nỗ lực tái thiết sau chiến tranh đã không thỏa đáng, đầy
bất công, ích kỷ và tham lam chiếm hữu. Hơn nữa, họ còn cho rằng toàn chuỗi
lịch sử từ khi Kitô giáo thắng thế, đã trật hướng và thất bại. Đã tới lúc phải
làm tốt hơn. Phải xây dựng thế giới của tự do, của bình đẳng và công bằng. Và
thế hệ mới xác tín rằng đã tìm thấy con đường dẫn tới đó trong trào lưu tư
tưởng mác xít vĩ đại.» (Chúng tôi ấn mạnh)
«Năm 1989, đánh dấu sự sụp đổ bất ngờ của mọi chế độ xã hội
chủ nghĩa bên Âu châu; để lại gia tài thê thảm của những vùng đất hoang tàn,
những tâm hồn rách nát. Tuy nhiên, những ai tưởng rằng thời khắc lại đã điểm
cho sứ điệp kitô, đều hụt hẫng. Dù số kitô hữu trên toàn thế giới đáng nể,
nhưng vào thời điểm lịch sử đó, Kitô giáo đã không tỏ ra đủ thuyết phục để được
nhìn nhận như một lựa chọn quyết định. Trên căn bản, học thuyết cứu độ mác xít,
đương nhiên với những biến thái khác nhau, được coi như học thuyết duy nhất có
khả năng vạch đường cho tương lai, bởi lẽ thế giới quan của nó vừa mang động
lực đạo đức vừa phù hợp với tính khoa học. Do đó, dù bị cú sốc năm 1989, nó
vẫn không dễ bị đẩy ra lề lịch sử.» (Chúng tôi ấn mạnh)
Thú thật, tôi khá bỡ ngỡ khi đọc hai trích dẫn trên. Sự vùng
dậy của tuổi trẻ năm 1968, như tôi được chứng kiến bên Pháp chẳng dính dáng gì
tới đảng cộng sản hay chủ nghĩa Mác xít và sau đó cũng chẳng lợi ích gì cho đảng
cộng sản Pháp hay học thuyết Mác xít nơi đây. Trong khi phong trào đang mạnh,
đảng cộng sản Pháp giữ khoảng cách rõ ràng, vì chính đảng cũng bị tấn công. Một
trong những khẩu hiệu sinh viên hô to và vẽ lên tường (graffiti) là À bas
la Dictature/Đả Đảo Độc tài, bên cạnh nhiều khẩu hiệu khác, như À bas la
charogne stalinienne/Đả đảo xác thúi Xít ta lin; Soyez Réalistes, exigez
l’impossible/Hãy thực tế, Hãy đòi hỏi điều không có thể; À bas la société de
consommation/Đả đảo xã hội tiêu thụ; À bas le réalisme socialiste. Vive le
surréalisme/Đả đảo hiện thực xã hội chủ nghĩa. Hoan hô chủ nghĩa siêu thực… Xin
nhắc lại, đảng cộng sản Pháp lúc đó là một trong những chính đảng lớn nhất bên
Pháp.
Tướng De Gaulle, Tổng thống Pháp thời đó cũng nói: la
CGT, oui, le chienlit, non. Ông có ý nói: Nghiệp đoàn CGT, cánh tay nối
dài của đảng cộng sản Pháp thì ông chấp nhận, nhưng trò hề lố lăng của sinh
viên, thanh niên thì ông không chịu. Một trò hề đã khiến ông có lúc phải trốn
đi.
Triết gia JP Sartre, người từng đồng hành với đảng cộng sản,
từng phê phán bản Báo cáo của Khrushchev năm 1956 là không nên có và cho rằng
bọn chống cộng là đồ chó, thế mà cũng tuyên bố trước đại học Sorbonne: La
dictature du prolétariat n’est que la dictature sur le prolétariat/Chuyên chính
vô sản chỉ là chuyên chính trên lớp người vô sản. (Sartre lặp lại lời của
Bakounine, một tay anarchiste/vô chính phủ thời danh, nói với Mác. Tôi nhớ tới
khẩu hiệu băng trước hành lang dẫn vào nhà hát diễn một vở kịch liên quan tới
Mác : Prolétaires de tous les pays, pardonnez-moi! Vô sản toàn thế giới,
hãy tha thứ cho tôi!).
Năm 1968 là năm cộng sản Pháp, bắt đầu xuống dốc. Cho đến
năm 1989, thì đảng cộng sản Pháp coi như chẳng còn gì. Sau khi khối Nga xô sụp
đổ, đúng là Kitô giáo không lên ngôi, nhưng học thuyết mác xít cũng chỉ còn leo
lét nơi mấy nhóm cực tả. Năm nay (2012) trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp, đảng
cộng sản Pháp không có người ra ứng cử.
Như vậy, Hồng y Ratzinger có lầm không? Tôi nghĩ rằng ngài
biết rõ những điều đó, nhưng theo ý ngài, sau 1968, thế hệ trẻ vẫn thấy rằng trào
lưu tư tưởng mác xít là con đương dẫn tới tự do, bình đẳng và công
bằng. Và sau 1989, mặc dù khối Nga xô đã phơi bày tất cả bộ mặt thực của
nó, học thuyết mác xít vẫn không dễ bị đẩy ra lề lịch sử. Nói cách
khác, Mác vẫn sống. Tại sao? Dưới hình thức nào?
Cứu Độ
Hồng y Ratzinger gọi thuyết Mác xít là một học thuyết
cứu độ: «Trên căn bản, học thuyết cứu độ mác xít…». Như Giáo lý công
giáo. «Thế giới quan của nó vừa mang động lực đạo đức vừa phù hợp với tính
khoa học» và được nhiều người coi là niềm hy vọng có khả năng vạch đường
cho tương lai. Hiểu như vậy, học thuyết Mác xít thoát thai từ Giáo lý Kitô
giáo. Thuyết cứu độ của Mác tục hóa giáo lý cứu độ của Kitô giáo.
Duy vật và vô thần, dĩ nhiên cứu độ của Mác không nằm ở một
thế giới bên kia, cũng không còn là cứu rỗi các linh hồn.Vì chỉ còn có thế giới
trận tục này, nên cứu độ là xóa bỏ áp bức và bất công, thúc đẩy con người đấu
tranh trên bình diện xã hội, chính trị, kinh tế nhằm đem lại tự do, công bằng;
đồng thời đề cập những phương thức hành động hữu hiệu. Đó là một học thuyết cứu
độ thực tế và thực tiễn. Trong khi tôn giáo, đặc biệt Kitô giáo thuộc lãnh vực
đức tin, mà vì thế dễ bị coi như chủ quan, riêng tư, khó trở thành điểm quy tụ
chung cho mọi thành phần trong xã hội.
Mặt khác, dù tin hay không tin, tại sao người tín hữu và
người mác xít không thể cùng nhau chen vai sát cánh xây dựng một xã hội công
bằng, tự do? Thực tế, người kitô giáo và người cộng sản đã từng chen vai sát
cánh, trong thế chiến 2, chống lại Đức quốc xã. Sự hợp tác này dường như được
Công đồng Vatican II khuyến khích.
Các Mác, Aristote của thời đại?
Công Đồng Vatican 2 (1962-1965) đã thực hiện cuộc
Aggiornamento vĩ đại của Giáo hội công giáo, mở cửa ra với thế giới đương đại
và khẳng định đức tin người Kitô hữu như chất xúc tác chotoàn bộ cuộc sống giữa
dòng đời. Nếu tin không đóng cửa trong nhà thờ, nếu đạo được sống giữa lòng
đời, thì gặp gỡ là điều dễ hiểu.
Một trong những hậu quả có lẽ bất ngờ của Vatican 2 là Thần
học Giải phóng tại Châu Mỹ La tinh. Nơi đây, công giáo chiếm đa số, mà hiển
nhiên cũng chính nơi đây «áp bức, đè nén, bất công đạt mức ghê tởm; tài
sản và quyền lực nằm trong tay một nhúm người, dân nghèo bị bóc lột một cách
kinh khủng». Trước hoàn cảnh bi đát đó, Giáo hội đương nhiên mang trách
nhiệm lớn,«Đức tin phải thể hiện như một sức mạnh của công lý», đạo phải vào
đời để xóa bỏ áp bức, bất công. Nhưng để thực hiện điều đó, thì «Các Mác
có vẻ là gương mặt lớn vạch ra đường lối. Ông đóng vai trò đã từng là vai trò
của một Aristote hồi thế kỷ XIII, khi phải rửa tội cho triết lý tiền kitô giáo
(mà vì thế «ngoại đạo») ngõ hầu thiết lập tương quan chính đáng giữa đức tin và
lý trí».
Nghiễm nhiên, học thuyết Mác được coi như lý trí của thời đại. Đi lại
với ông, biểu hiện một thái độ cởi mở, thức thời. Hơn nữa, phù hợp với Công
Đồng Vatican II. Vì Công Đồng chủ trương mở cửa và đối thoại. Vào những năm họp
Công Đồng, tức những năm 1962-1965, mở cửa trước hết là mở với khối Đông Âu và
Nga Xô, cái khối lúc đó hùng mạnh, đang bành trướng như vũ bão, và đóng chặt
với thế giới bên ngoài. Đối với ‘Thế Giới Tự Do’ thì đã mở sẵn rồi. Đối thoại
cũng thế. Công Đồng đã khai trương chính sách Ostpolitik của Tòa
Thánh Rôma dưới triều đại Gioan XXIII và Phaolô VI. Ostpolitik là chính sách
ngoại giao tìm chút bang giao với phía cộng sản để cứu vãn được chừng nào hay
chừng đó những Giáo hội đang bị chính quyền cộng sản bách hại nặng nề và buộc
phải cắt đứt liên hệ với Vatican, thành lập giáo hội tự trị. (Chính sách ngoại
giao có vẻ vớt vát này, Tòa Thánh Vatican xem ra vẫn còn sử dụng cho tới ngày
nay với những chế độ cộng sản còn sót lại như Trung quốc, Việt Nam và Cuba.
Nhưng đây lại là một đề tài khác).
Các Mác tai họa của thời đại.
Ngày nay, chắc còn nhiều người thán phục Mác, tuy không theo
một chủ nghĩa Mác xít nào; chắc cũng còn nhiều người theo một chủ nghĩa mác xít
nào đó (có quá nhiều cách hiểu Mác và chính Mác đã nói ông không phải là mác
xít !), nhưng đại loại, học thuyết Mác, hiểu theo nghĩa thông thường trong
những chế độ xã hội chủ nghĩa hiện thực kể như đã hết thời, khi khối Nga xô và
Đông Âu sụp đổ.
Nhưng theo HY Ratzinger, mặc dù cú sốc 1989, Mác không dễ gì
bị đẩy ra rìa lịch sử. Mác vẫn còn đó, và vì thế, còn đó tai họa mác xít.
Như trên đã nói, học thuyết Mác cũng là một học thuyết
cứu độ, như Giáo lý công giáo. Nhưng đó là giáo lý Kitô giáo bị lộn ngược.
Vì cứu độ Mác hứa hẹn không nằm ở thế giới nào khác, mà ngay nơi đây. Không có
Chúa, không có Đấng Cứu Thế, không có Thiên Đàng. Chỉ có con người tự cứu mình.
Tuy nhiên, «Chấp nhận Mác (dù dưới dạng thái tân mác xít nào đi nữa),
không đơn thuần là đón nhận một triết lý như đại diện cho lý trí của thời đại,
một lối nhìn về cội nguồn và ý nghĩa của cuộc sống, mà chủ yếu là chấp nhận một
praxis. Vì, «triết lý» này, chủ yếu là một «praxis». Và «praxis» tạo ra
«sự thật» chứ không đặt nền trên sự thật có trước» (chúng tôi nhấn mạnh).
HY Ratzinger nhìn nhận học thuyết Mác là một triết lý, khi
ngài khẳng định «Chấp nhận Mác (dù dưới dạng thái tân mác xít nào đi nữa,
không đơn thuần là đón nhận một triết lý». Từ triết lý ở đây không bị cho
vào ngoặc kép. Quả thật, có một ông Mác triết gia, đồ đệ phía tả của các đồ đệ
Hegel (các đồ đệ phía tả: duy vật và các đồ đệ phía hữu, ngược lại). Đã là một
triết lý thì có thể bàn cãi, tranh luận. Nhưng Mác cũng là một nhà hoạt động
cách mạng. Nên triết lý của ông thành «triết lý». Thành «praxis» tạo ra sự
thật.
Praxis trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là hành động, đối lập với
suy tư. Như bên ta phân biệt «tri» với «hành», và khuyên rằng tri hành phải
hiệp nhất. Mác triết gia, cũng như mọi triết gia, chủ yếu đi tìm sự thật, vì sự
thật. Nhưng Mác cách mạng không phân biệt tri với hành. Ông không cần biết đâu
là sự thật về con người và xã hội loài người. Đối với ông, cái biết của ông
đúng, học thuyết của ông là chân lý và nó tự chứng minh bằng cách mạng vô sản và
chuyên chính vô sản, tức bằng bạo lực và khai trừ. Vì thế, coi Mác như Aristote
của thời đại, «đón nhận Mác như triết gia của thần học là chấp nhận thế
thượng phong của chính trị và kinh tế; lúc đó kinh tế và chính trị đích thực
trở thành sức mạnh cứu rỗi (và nếu bị vận dụng cách sai lầm, sẽ thành sức mạnh
của tai ương)». Trong viễn tượng đó, sự cứu độ của con người chỉ có thể
thực hiện bằng chính trị và kinh tế. Bộ mặt của tương lai thế nào là do chính
trị và kinh tế quyết định. Vì thế, « Cái «Thực tại» cần lưu ý từ đây chỉ
còn là thực tại vật chất của những dữ kiện lịch sử; phải thông suốt những dữ
kiện này và biến đổi chúng để hướng tới những mục tiêu chính đáng, bằng cách
vận dụng những phương tiện thích hợp. Trong những phương tiện này, đương nhiên
không thể không có bạo lực».
Thực tại của Mác là một «thực tại» què quặt, vì Mác đã khai
trừ thế giới tôn giáo và tâm linh. Hơn nữa, Mác không chỉ cho Thiên Chúa và Tôn
giáo ra rìa khi ông đặt sức mạnh cứu độ vào chính trị và kinh tế. Mác còn chống
lại Thiên Chúa, vì để thực hiện chương trình cứu độ, tức để biến đổi «thực tại»
nhằm «hướng tới những mục tiêu chính đáng» (xã hội phi giai cấp), Mác
chủ trương triệt tiêu bằng bạo lực tất cả những gì không phù hợp với «Thực Tại»
của Mác.
Làm chúa tể «sự thật» và áp đặt «sự thật» bằng bạo lực và
khai trừ, đương nhiên cái học thuyết «vừa mang động lực đạo đức vừa phù
hợp với tính khoa học» cũng chẳng còn đếm xỉa gì tới đạo đức và khoa học.
Nhân danh những mục đích cao cả như công lý, hòa bình, xóa bỏ cảnh người bóc
lột người «người ta cho rằng phải tạm cho vào ngoặc những nền tảng đạo đức
và nghĩ rằng mình có quyền dùng khủng bố để thực hiện điều thiện». Thí dụ:
Khờ me đỏ bên Campuchia. Hay Mặt trận Giải phóng Nông dân nghèo bị tư bản bóc
lột bên Colombie. Mặt trận này hiện nay đã thành một băng đảng sản xuất và buôn
nha phiến.
Mác vẫn sống dai…
Phê bình Mác, chống Mác.. nhưng cũng cần cành giác. Biết đâu
ta không bị Mác ảnh hưởng hay ít ra cũng suy nghĩ và hành động theo chiều hướng
của Mác? Xin nhắc lại: «praxis» tạo ra «sự thật» chứ không đặt nền trên sự
thật có trước». Trong chừng mực suy tư và hành động của ta không đặt nền
trên sự thật, dù có chống Mác, ta vẫn vô tình theo Mác. Xin nêu lên một nhận
xét mang tính lý thuyết và 2 nhận xét cụ thể.
Giá trị.
Giá trị khác với giá cả. Giá cả dành cho việc buôn bán. Nhà
cửa, xe cộ, đồ dùng buôn đi bán lại có giá được đo bằng tiền, bằng sức lao
động. Chuyện cơm áo gạo tiền. Giá trị chỉ những gì, trên nguyên tắc, không thể
mua bán. Tôi có thể mua sách Truyện Kiều nhưng không mua được văn
chương của Truyện Kiều. Giá trị chỉ những gì đáng giá, đáng có, cho
dù nó không có: giá trị thẩm mỹ, giá trị luân lý, đạo đức, giá trị văn hóa v.
v.. Rất khó biết đâu là giá trị đích thực. Chẳng hạn, giá trị thẩm mỹ của một
tác phẩm văn học, hội họa. Về luân lý cũng vậy: trong trường hợp nào có quyền
phá thai? Trong trường hợp nào không được phép?
Khuynh hướng thông thường cho rằng con người làm ra những
giá trị. Ngay khái niệm giá trị đã hàm ẩn ý nghĩ rằng những giá trị lệ thuộc
con người và mang tính chủ quan. Trong khi giá trị chỉ thực sự có giá trị vì đặt
nền trên sự thật. Lấy một thí dụ: Tự Do. Ai cũng đề cao tự do. Nhưng nhân danh
tự do, người ta đòi hỏi những điều trái ngược. Đành rằng cuộc sống cụ thể rất
phức tạp và cần quan tâm đến những biến chuyển tâm lý, xã hội, văn hóa. Nhưng
tự do phải phù hợp với sự thật. Sự thật về con người. Sự thật của Đấng là Sự
Thật. Đứng từ phía con người, đó là lương tâm, lương tri đối với những giá trị
luân lý, đạo đức, và óc thẩm mỹ đối với những giá trị nghệ thuật. Nhìn từ quan
điểm của đức tin, Thiên Chúa Tình Yêu mới thực là Đấng soi đường chỉ lối cho
ta.
Chủ nghĩa Tương đối.
Ngày nay chủ nghĩa tương đối thịnh hành. Đương nhiên, cái gì
cũng tùy nơi, tùy thời nhưng không vì thế mà cái gì cũng tương đối hết. Chẳng
hạn một ý tưởng có vẻ cởi mở: đạo nào cũng như đạo nào, tôn giáo nào cũng như
tôn giáo nào. Nói thế là vô tình nghĩ rằng tính thật giả của đạo không nằm
trong đạo. Nó lệ thuộc người theo đạo. Đạo tôi là đạo thật vì tôi theo. Luân lý
cũng thế, bị giáng xuống cấp những tập tục của một thời, một nơi, đôi khi của
một tập thể. Trẻ em tại nước này nước nọ phải lao động cực nhọc, bị nô lệ hóa…
nhưng đấy là văn hóa bản xứ, phải tôn trọng; phụ nữ phải tuyệt đối tùng phục
chồng vì thuộc tôn giáo này, cộng đoàn kia, ta không có quyền áp đặt lên họ
chính sách nam nữ bình quyền chỉ có giá trị bên các nước Tây phương.
Óc thực dụng.
Óc thực dụng gắn liền với chủ nghĩa tương đối. Một ví dụ:
tôn giáo mọc ra như nấm và ngay trong mỗi tôn giáo cũng sinh ra nhiều giáo
phái, nhiều khuynh hướng, phong trào khác nhau. Sự kiện này không hẳn là không
tốt. Nó phản ánh một nhu cầu hướng về thế giới tâm linh. Tuy nhiên, tìm thỏa
mãn một nhu cầu, một khát vọng là lấy lợi ích, kể cả lợi ích tinh thần làm tiêu
chuẩn của đạo. Sự thật lúc đo bị đẩy ra lề cuộc sống. Lợi ích chiếm chỗ của sự
thật. Đúng hơn, lợi ích trở thành tiêu chuẩn của sự thật. Đạo đã thế, huống hổ
chính trị, kinh tế. Trong hai lĩnh vực này, lợi ích, có khi lợi ích của một
nhóm người, một số nước thành chuẩn mực; quyền lực của nhóm người đó, của những
quốc gia đó áp đặt một «sự thật» kinh tế, chính trị nào đó lên những dân, những
nước kém may mắn hoặc bị thống trị.
Tóm lại, khi sự thật bị quên lãng, thì Thiên Chúa bị đẩy ra
lề cuộc sống. Và con người, với tư cách là người, không còn chỗ đứng trong
xã hội. Người trở thành đồ vật có thể buôn đi bán lại. «Con người càng
ngày càng tự nhiên trở thành một đối tượng kỹ thuật và càng ngày càng biến mất
với tư cách là người. Khi người ta dùng kỹ thuật «chăm nuôi» những bào thai để
có được »chất liệu nghiên cứu» và tạo ra những kho dự trữ các bộ phận con người
để cung cấp cho những con người khác, thế mà chẳng thấy mấy ai kêu lên kinh
hoàng phản đối».Những nghiên cứu và thử nghiệm khoa học nhằm cải thiện cuộc
sống đương nhiên là đáng thán phục, với điều kiện tôn trọng con người và mầu
nhiệm của cuộc sống. Khoa học khách quan, khi đối tượng của khoa học là con
người, thì lúc đó con người là một khách thể như mọi đồ vật hay sinh vật. Nhưng
khoa học kỹ thuật không có quyền hạ con người xuống thành một đồ vật. «Nếu
từ trong cội rễ của mình, con người đối với con người chỉ còn là một đối tượng,
một sản phẩm được chọn lọc tùy theo sở thích hay tiện ích, thì liệu con người
thực sự còn gì để suy nghĩ về con người? Người sẽ cư xử với người ra sao khi
không còn thấy chút gì là linh thiêng huyền nhiệm nơi con người ?[..] Ngày nay
có những vùng tự do buôn người, tiêu thụ người cách bỉ ổi, trước sự bất lực của
xã hội. Vậy: «Đã tới lúc phải đặt vấn đề và tự hỏi, phải chăng, dù
sao đi nữa, Thiên Chúa mới đích thực là thực tại, là tiền đề căn bản cho mọi
thứ «hiện thực chủ nghĩa», đến nỗi nếu không có Chúa, thì không có gì không bị
sứt mẻ».
Thay lời kết
Thế giới 2012 đầy hy vọng, cũng nhiều lo âu. Khủng hoảng
tiền tệ, khủng hoảng kinh tế. Nhưng hầu như khắp nơi, le lói một tia sáng. Cuốn
sách nhỏ của Stéphane Hessel, một ông già 94 tuổi,Indignez Vous!/Hãy nổi giận được
dịch ra nhiều thứ tiếng và tán phát tới mấy triệu bản, tới đúng lúc như
tiếng gọi, đồng thời là tiếng dội dấy lên từ những dòng người nổi giận cách ôn
hòa, đòi được tôn trọng. Người với tư cách là người, người trần trụi, người
ngoài mọi quốc gia, chủng tộc, tôn giáo, chính kiến, đứng lên khẳng định sự
thật về mình, một từ tiếng Pháp hay được dùng trong những cuộc biểu tình tại Ai
Cập và Tunisie: Dignité! Tarek Bouazizi cách đây hơn một năm
(17/12/2010) đã tự thiêu để khẳng định phẩm giá bị nhục mạ của mình, dignité.
Anh đã làm nên Mùa Xuân A rập. Mùa xuân này rồi có bị mùa đông của đủ thứ quyền
lực thao túng, cũng sẽ mãi mãi là âm hưởng của Mùa Xuân muôn thuở, đem hy vọng
và quả cảm, Mùa Xuân của Chúa Xuân, của Đấng là Đường, Sự Thật, Sự Sống và Sự
Sống Lại.
Đỗ Mạnh Tri
Xuân Nhâm Thìn 2012.
...........
1. Những trích dẫn trong ngoặc kép đều rút ra từ Lời tựa của
ấn bản năm 2000 cho cuốn "Đức Tin Kitô giáo Hôm qua và Hôm nay".