Những ngày còn bé tôi đã được nghe thông điệp này: “Trái Tim Mẹ sẽ thắng” luôn đi kèm thêm câu “nước Nga sẽ trở lại”. Với tâm hồn trẻ thơ tôi đón nhận thông điệp một cách tự nhiên không thắc mắc, những lời nguyện cầu đi vào tuổi thơ của tôi nhẹ nhàng với những buổi “đọc kinh liên gia” mỗi tối, nhất là trong tháng mười, tháng kinh Đức Mẹ. Cứ thế, hằng đêm tiếng cầu kinh của bọn trẻ chúng tôi theo sau người lớn vang lên hết từ nhà này qua nhà khác. Tôi hiểu dễ dàng về một nỗ lực cầu nguyện cho một nước Nga xa xôi nào đó “ăn năn trở lại”. Lại nữa, thỉnh thoảng Nhà Thờ phát động “bó hoa thiêng liêng”, bọn trẻ chúng tôi được dạy cầu nguyện và hãm mình hy sinh một điều gì đó để cầu nguyện cho “nước Nga trở lại”.
Có những hình ảnh bỗng dưng theo mình suốt đời. Sáng sớm
giật mình thức dậy, tiếng trống kèn xôn xao chen tiếng khóc. Từ trên ban công
nhìn xuống, mặt trên của chiếc quan tài khi di chuyển cứ xô dạt theo nhịp đi
của những người lính chung sự (đơn vị phụ trách chôn cất của quân đội Cộng Hòa)
trong đoàn đưa đám tang đang rời xóm.
“Bốp ba gác” chết rồi, quan tài anh phủ màu cờ! Rồi đến Sơn,
người sĩ quan Trung Tá dù. Chiếc gối đỏ đặt đầu quan tài gắn lên đó huy chương „Anh
Dũng Bội Tinh với nhành dương liễu“. Bên cạnh chiếc bông mai vàng cũ người ta
gắn thêm một chiếc bông mai nữa. Sơn vẫn nằm lặng im bên trong chiếc quan tài
lạnh giá. Rồi một chiều nghĩa trang lộng gió, chiếc quan tài “Tăng thẹo” được
phủ cờ, tiếng kèn tiễn biệt nghe não lòng. Hai hàng lính đứng nghiêm hai bên mộ
huyệt, bồng súng chào từ giã trong tiếng súng nổ khô khốc…
Nhưng còn những thằng bạn đi mà chẳng bao giờ về, “Hải vua
thả diều” đi biền biệt, cho đến bây giờ gia đình vẫn chưa tìm được tông tích
hắn đã nằm xuống nơi nào.
Thời thế như vậy nên việc “nước Nga sẽ trở lại” thật sự rất
mơ hồ nhòa nhạt trong tâm tư của tôi. Cầu thì cứ cầu, nhưng tôi nghĩ khó lắm. Hai
cực thế giới lạnh băng căng thẳng, làm sao có chuyện đổi thay? Biến cố năm 1975
ập đến. Ý tưởng “nước Nga sẽ trở lại” càng xa vời trong tâm trí, dù lời kinh
vẫn còn đó, lời cầu vẫn còn đó. Ý tưởng vẫn còn đó nhưng nghe sao khó khăn và
diệu vợi, càng thăm thẳm hơn khi ngày ấy không ai dám nhắc công khai ý tưởng
này, mong gì hiện thực?
Giữa những nỗi buồn có phần tuyệt vọng trên giải đất hình
chữ S, vào những năm đầu thập niên 90, tin tức lọt về mang theo nhưng biến động
bên vùng trời Đông Âu. Ngày ấy việc thông tin còn khá khó khăn, nhưng lượng
thông tin phổ biến ở Việt Nam cũng đủ để thắp lại niềm hy vọng xa xưa tưởng đã
tắt ngúm.
Sóng biến động khởi đi từ Ba Lan với công đoàn „Đoàn Kết“,
chứa đựng bên trong chính là lòng tin sắt đá của người dân Ba Lan. Gương mặt
của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trở nên sáng ngời, kiên cường và mạnh mẽ. Gương
mặt ấy xuất hiện mang theo Tin Mừng, lòng yêu mến, lòng tin và lòng cậy trông.
Gương mặt ấy xuất hiện cùng với chuỗi tràng hạt Mai Khôi không bao giờ thiếu trên
tay, lời cầu xin cùng mẹ không bao giờ thiếu trong mọi lời kinh, lời phát biểu,
lời bày tỏ cùng nhân loại. Nếu được ví Đức Gioan 23 như là vị ngôn sứ mà Thiên
Chúa dành cho Giáo Hội để Chúa Thánh Thần thổi luồng gió mới, thì có thể nói
Gioan Phaolô II chính là vị ngôn sứ Thiên Chúa dành cho nhân loại để Thần Khí
đổi mới mặt địa cầu.
Biến cố 19.8.1991 kết thúc một giai đoạn đen tối của phần
lớn nhân loại, biến cố ấy cũng chứng minh lời hứa của Đức Mẹ được hiện thực.
Tôi cho rằng tất cả đã được hiện thực trước tiên là do Đức Mẹ mang đầy đủ phẩm
tính của Thiên Chúa. Ngài là Đấng luôn trung tín. Ngài đã hứa thì Ngài sẽ thực
hiện. Mẹ cũng thế. Chúa có cách của Chúa để thực hiện những gì đã hứa. Mẹ với
những ân sủng đặc biệt Chúa ban cho, Mẹ cũng có cách của Mẹ để thực hiện những
gì đã hứa. Đức Chân Phúc Gioan Phaolô II là con người đã biết đón nhận và mang
những can thiệp của Mẹ vào nhân loại, làm cho lời hứa của Thiên Chúa được thực
hiện. Và chính lòng tin kiên vững và lời nguyện cầu tha thiết chân thành của Hội
Thánh đã làm cho những ân huệ của Mẹ “phát huy tác dụng”.
Có người đã nói với tôi rằng: „Cuộc thay đổi ở Đông Âu là nhờ vào đường lối đối thoại kiên trì của Hội
Thánh”(!) Tôi nghĩ nhận định như thế là sai, nếu hiểu đối thoại như một nỗ
lực khôn ngoan của con người, thì xin lỗi, có khôn ngoan đến mấy cũng vẫn thất
bại trước những kẻ lòng chai dạ đá, vô thần và bất nhân. Nhưng nhận định hoàn
toàn đúng nếu hiểu đối thoại như là một cố gắng của con người trung thành với
đường lối của Thiên Chúa và đặt tất cả niềm trông cậy vào Ngài.
Lịch sử nhân loại vẫn còn ở phía trước, vẫn còn nhiều cơ hội
để chứng minh từng chọn lựa và đường hướng của con người, vẫn còn nhiều cơ hội
để mọi người nhận ra rằng: “Trái Tim Mẹ sẽ thắng”.
Lm. Vĩnh Sang, DCCT
Lễ Trái Tim Đức Mẹ
16.6.2012 (Ephata 514)
-------------------------
Ghi chú: Xin xem thêm http://vtc.vn/311-294864/quoc-te/tai-sao-lien-xo-sup-do-vao-ngay-198.htm. (VTC News) – Năm 1991, sự kiện Đảng Cộng Sản Liên Xô và Liên Bang Xô Viết
sụp đổ đã gây chấn động toàn thế giới. Hơn 20 năm nay, các học giả trên khắp
thế giới vẫn không ngừng đi tìm đáp án thỏa đáng cho câu hỏi: "Tại sao
Liên Xô sụp đổ vào ngày 19.8.1991 ?"
Nguồn: Công Giáo Việt Nam