"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Để Con Cuông trở nên anh hùng



Sự hoài nghi

Trên trang mạng của Uỷ ban Công lý và Hoà Bình này, chúng tôi đã từng bày tỏ sự hoài nghi, có thật là “một số quần chúng tự phát”, “một số côn đồ”, … bức xúc điều này, việc nọ đến quậy phá nhà thờ, dòng tu, chửi rủa, đánh đập các linh mục, giáo dân Công giáo nơi này, nơi khác, …?

Chúng tôi hoài nghi vì, quần chúng lúc này có đủ thông tin, sự hiểu biết để phân định cái đúng, cái sai; và ví như có điều gì đó sai trái, họ tìm cách hành xử khôn ngoan, theo đúng luật pháp, không dễ gì vì những bức xúc cá nhân họ đánh đập gây thương tích cho người khác, hoặc xâm hại tài sản người khác, … làm điều phạm pháp.

Với những người gọi là “côn đồ”, xưa nay chúng tôi chưa từng nghe họ quậy phá những nơi thánh thiêng, xúc phạm các bậc tu hành bao giờ, vì dẫu sao, họ vẫn là người, và giới này cũng có “luật” của họ.

“Quần chúng tự phát”, “Côn đồ” là ai?

Đến vụ việc xảy ra ở Giáo điểm Con Cuông (Yên Khê, Con Cuông, Nghệ An) thuộc Giáo phận Vinh thì cái gọi là “một số quần chúng tự phát”, “một số côn đồ”, … đã được chỉ tên rõ ràng:

“… Từ việc ngăn cản và phá rối Thánh lễ ngày 13-11-2011, đến việc ném mìn ngày 30-11-2011, rồi đến việc dùng côn đồ và các lực lượng vũ trang đánh đập linh mục, tu sĩ và giáo dân, phá nhà nguyện, đập phá đồ phụng tự, đặc biệt nghiêm trọng là đập nát tượng Đức Mẹ trong cung thánh nhà nguyện ngày 01-7-2012, đã xúc phạm nghiêm trọng niềm tin tôn giáo, xúc phạm đến toàn thể Giáo hội Công Giáo. 

Chúng tôi có đủ bằng chứng về việc chính quyền huyện Con Cuông trực tiếp hoặc tổ chức thuê người và điều động công an, quân đội, dân phòng (kể cả súng ống và chó nghiệp vụ) để ngăn cản không cho các linh mục và giáo dân dâng lễ, đánh đập giáo dân và linh mục. Nhất là hành vi cho hàng chục người chiếm đoạt nhà nguyện, tháo dỡ cửa, phá phách đồ thánh, đập phá tượng Đức Mẹ và các hành vi khác xúc phạm nặng đến niềm tin tôn giáo.” (1)

Tượng Đức Mẹ bị đập phá tại giáo điểm Con Cuông. Ảnh: giaophanvinh.net

Một đơn vị quân đội tham gia trấn áp giáo dân tại giáo điểm Con Cuông. Ảnh: giaophanvinh.net

Điều không thể xảy ra ở thế kỷ XXI, đã xảy ra

Rõ ràng, những hành động của chính quyền tại Con Cuông là vi hiến (Điều 70 Hiến Pháp 1992 sửa đổi 2005), vi luật (Điều 1 Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo 2004, …) và các Công ước quốc tế (Điều 18 Công ước quốc tế về nhân quyền 1948, Điều 18 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1996) mà Việt Nam là thành viên, hoặc đã gia nhập.

Hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, theo tôn giáo nào, hay không theo tôn giáo nào là quyền của một công dân, được minh định trong hiến pháp và luật pháp của quốc gia đó. Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để mỗi người, mọi người dân được hưởng quyền này một cách tự do, và công bằng.

Cộng đồng thế giới không chấp nhận việc bất kỳ chính quyền nào, ở đâu tìm cách ngăn trở, dùng vũ lực trấn áp, … không cho người dân được hưởng các quyền của họ.

Và vụ việc xảy ra ở Giáo điểm Con Cuông đã làm cho người Công giáo khắp nơi trên thế giới, đặc biệt giáo dân Giáo phận Vinh, đau lòng, phẫn giận, và lên án hành động được cho là lạc hậu của chính quyền tại Con Cuông.

Đúng như Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục giáo phận Vinh, Chủ tịch Uỷ ban Công lý và Hoà bình thuộc Hội Đồng Giám mục Việt Nam gọi là “một trong những vụ việc mà đáng lẽ ra không được hiện diện ở thế kỷ XXI” (2).

Nguyên nhân

Trả lời câu hỏi “Vì lý do gì mà nhà cầm quyền địa phương lại tung ra một cuộc đàn áp thô bạo như thế chống lại một nhóm nhỏ những tín hữu chỉ muốn cử hành thánh lễ?” của cơ quan truyền thông Công giáo Eglises d’Asie (Các Giáo Hội Á Châu), tại Paris, ngày 08-7-2012. Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp nói, “…Người ta không thể hiểu những động lực sâu xa của nhà cầm quyền, cũng như không hiểu tinh thần hướng dẫn hành động này của họ.”

Ngài phỏng đoán, thái độ bạo hành của nhà cầm quyền huyện Con Cuông là nhằm bảo vệ cái danh hiệu “vùng đất anh hùng”. Ở một vùng đất gọi là “anh hùng cách mạng” thì không thể có tôn giáo và những biểu hiện tôn giáo ở đó.

Xin nhớ rằng: Những giáo dân tốt là những công dân tốt

Một người dân sống, làm việc theo đúng hiến pháp và luật pháp được gọi là công dân tốt. Người công giáo không chỉ sống, làm việc theo đúng hiến pháp và luật pháp vì trách nhiệm, bổn phận của mình mà cao hơn, còn vì thực hành lời dạy của Thiên Chúa, đúng với lương tâm, đạo đức, lẽ công bằng, và tình yêu (dĩ nhiên, hiến pháp và luật pháp ấy không chống lại Thiên Chúa, không ngược với đức tin của chính họ). Như thế người công giáo tốt là người công dân tốt.

Người Công giáo đã hiện diện tại huyện Con Cuông từ lâu, trong các cuộc kháng chiến giữ nước, trong dựng xây đất nước, họ đã góp phần làm cho vùng đất phía Tây Bắc tỉnh Nghệ An này trở nên anh hùng thật sự. Và hôm nay, sự hiện diện của họ, những giáo dân tốt – những công dân tốt, làm cho huyện Con Cuông sẽ luôn mãi là anh hùng.

Đắp xây Tổ Quốc Việt Nam ngày một mạnh – giàu – đẹp hơn là bổn phận, là trách nhiệm của mọi người dân Việt, không phân biệt người có tôn giáo hay người không có tôn giáo. Bổn phận, trách nhiệm này không riêng, không là đặc quyền của một ai.

 Tôma Hoàng Kim Khánh
........................ 
(1) Văn thư số 25/12-VTTG của Toà Giám mục Vinh về sự việc xảy ra tại Con Cuông, gửi Uỷ ban Nhân Dân tỉnh Nghệ An và các cơ quan, ngày 04-7-2012, do Linh mục Trần Văn Công, Đại diện Giám mục Giáo phận Vinh ký.
 (2) Thư của Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp gửi Cộng đồng Dân Chúa giáo phận Vinh, ngày 04-7-2012.

Nguồn: Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình

...........................................