"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Lề Luật



VỀ BỐN LỀ LUẬT 

Peter Seewald: Giáo hội đã lập ra bốn lề luật. Những lề luật này đặt nền tảng trật tự cho việc tổ chức cuộc sống trong thế giới. Các luật đó: thứ nhất là luật thiên nhiên; thứ hai là luật dục vọng; thứ ba là luật giao ước cũ qua Mai-sen; thứ bốn là luật giao ước mới qua đức Giê-su Ki-tô. Tóm tắt của tôi như thế có đúng không?

Ratzinger: Trước hết, phải nói các lề luật đó không có cùng một cấp độ ngang nhau. Luật thiên nhiên cho biết chính thiên nhiên cũng có một sứ điệp luân lý. Công cuộc tạo dựng còn mang một nội dung tinh thần, và nội dung này không chỉ mang tính cơ giới toán học. Sứ điệp luân lý là chiều kích nâng khoa học tự nhiên lên trong các luật thiên nhiên. Nhưng không phải chỉ có tinh thần, không phải chỉ có „luật thiên nhiên“ trong cuộc tạo dựng. Tạo dựng tiềm ẩn trong nó một trật tự, và nó cũng chỉ cho ta thấy trật tự đó. Qua trật tự này, ta đọc được suy nghĩ của Thiên Chúa và hiểu được mình phải sống ra sao.

Điểm thứ hai: Luật dục vọng muốn nói lên rằng sứ điệp của tạo dựng đã bị che mờ. Tội lỗi trong thế giới là một thứ đối lực chống lại sứ điệp đó. Luật này cho thấy con người, như người ta vẫn nói, đang chống lại mình. Về điểm này, Phao-lô đã nói như sau: Con người cảm thấy có sự hiện diện của một luật trong họ, nó khiến họ nhiều khi làm chuyện trái với mong muốn của mình. Điều này như vậy là một cấp độ khác. Trong khi luật thiên nhiên cho biết sứ điệp tiềm ẩn nơi tạo dựng, thì luật dục vọng cho thấy con người tự xây cho mình một thế giới riêng, và như vậy đã mang vào thế giới một chiều hướng đối nghịch. 

Đó là điều đặc biệt thánh Tô-ma ở Aquino đã diễn tả và kiện toàn?

Vâng. Tô-ma là tổng hợp và kết quả của những điều trên.
Điểm ba: luật của Cựu Ước. Cả luật này cũng có nhiều tầng ý nghĩa. Căn bản của luật này là mười giới răn ở núi Si-nai. Thêm vào đó, cả 5 sách của Mai-sen cũng được gọi là „luật“. Các sách này là bộ luật của Is-ra-en. Chúng đề ra những quy tắc sống, những lề lối cầu nguyện và những quy định đạo đức phải theo cho dân này. Phao-lô đã xét kỹ các luật đó, và nhận ra rằng luật Mai-sen đã là một quyền lực thật sự. Luật này vẫn còn giá trị cho dân Do-thái, và trên nhiều bình diện, cho cả chúng ta nữa, chúng ta sẽ bàn thêm chuyện này sau. Nhưng Phao-lô đồng thời cho hay, luật đó hoàn toàn không thể giải phóng được con người. Lí do: Luật càng đòi hỏi mạnh bao nhiêu thì bản năng chống lại nó càng lớn bấy nhiêu.

Chính đức Giê-su Ki-tô, theo Phao-lô, là kẻ đã giải phóng lề luật, đã đưa tự do đức tin và tình yêu thay thế lề luật. Tiếp nối ý của thánh Phao-lô, Tô-ma ở Aquino đã nói tới một luật gọi là luật đức Ki-tô, và luật này có một bản chất hoàn toàn khác. Thánh Tô-ma nói, luật mới, luật đức Ki-tô, là Thánh Thần, nghĩa là đó là một sức mạnh thúc đẩy ta từ bên trong, và ta không hoàn toàn bị lệ thuộc bởi bên ngoài.

Như vậy chúng ta có tất cả bốn tầng khác nhau: thứ nhất là sứ điệp của tạo dựng. Thứ hai là khuynh hướng đối nghịch của con người trong lịch sử, muốn chống lại Thiên Chúa và muốn tạo cho mình một thế giới riêng. Thứ ba là tiếng nói Thiên Chúa trong Cựu Ước, Cựu Ước đề ra cho con người một con đường, nhưng con người chống lại con đường đó và xem ra họ bất lực trong việc chống đó. Luật giao ước cũ tạm thời vẫn còn, nó mở ra cánh cửa vượt qua nó. Và cuối cùng thứ tư là đức Ki-tô, Ngài đã đến trong ta không qua các lề luật bề ngoài, và đã mở ra một hướng nội tâm cho cuộc đời chúng ta.
  
Nhưng câu này của đức Giê-su làm cho tôi thấy bối rối: „Đừng nghĩ rằng tôi đến để phá lề luật và các tiên tri. Tôi đến, không phải để phá, mà để làm cho trọn. Amen, tôi cũng muốn nói điều này: Cho tới khi trời đất qua đi, một nét chữ nhỏ nhất trong luật cũng không qua đi, cho tới khi tất thảy mọi sự đã xảy ra». 

Đức Ki-tô đến không như một kẻ phá luật. Ngài không đến để bãi bỏ luật hay biến nó thành ra vô nghĩa. Phao-lô cũng hành động như thế, cả cho dù một số người theo quan điểm của ngài nhận thấy có điều khó hiểu trong câu nói của đức Giê-su được ghi lại bởi Mat-thêu trên. Đức Giê-su nói, toàn bộ luật cũ có vai trò sư phạm rất quan trọng. Và Ngài đến để làm trọn nó. Điều này cũng có nghĩa là để nâng nó lên một tầm cao hơn. Ngài làm trọn nó qua cuộc khổ nạn, qua cuộc sống và sứ điệp của Ngài. Và nhờ vậy, toàn bộ luật đó giờ đây mới có được ý nghĩa. Tất cả những gì luật cũ gói gém và muốn nói lên, đã được thực hiện nơi con người đức Giê-su.

Đó là lý do tại sao chúng ta giờ đây chẳng cần phải thực thi từng mớ chi tiết của luật cũ nữa. Sống cộng đoàn với đức Ki-tô có nghĩa là chúng ta đang ở nơi luật đã được nên trọn, nơi luật có chỗ đứng đúng của nó, nơi nó đã được „nâng lên“, nghĩa là nơi nó được bảo tồn và đồng thời cũng được biến thể. 

Có biết bao nhiêu thư viện chứa đầy những bộ luật quy định cách sống chung và cách hành xử cho con người trong các quốc gia. Nhưng ngược lại, đức Giê-su muốn tóm tắt những luật đó trong vài câu dễ hiểu và có thể áp dụng cho mọi người trên trái đất, Ngài muốn có một bộ luật chính yếu cho thế giới.
Khi có kẻ hỏi: Thưa Thầy, điều luật nào quan trọng nhất, Ngài trả lời: „Ngươi nên yêu Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết tâm hồn và với hết mọi ý nghĩ. Đó là điều luật thứ nhất và quan trọng nhất. Điều thứ hai cũng quan trọng không kém: Ngươi nên yêu tha nhân như chính ngươi“. Và Ngài còn nói thêm, như thể để cho mọi người có thể nắm bắt: „Hai điều luật đó là toàn bộ lề luật và các tiên tri“.

Quả thực đó là bước đột phá lớn, là tổng hợp quan trọng mà đức Giê-su đã mang tới. Ngài giúp ta vượt qua mọi góc độ và chi tiết để nhìn vào tổng thể: tất cả mọi thứ đều nằm sẵn trong hai điều răn đó. Thiên Chúa và tha nhân gắn liền với nhau. Như vậy, đức Giê-su đã đơn giản hoá vấn đề một cách tuyệt diệu, đây không phải là Ngài coi nhẹ hay tầm thường hoá, nhưng là cơ bản hóa vấn đề. Ngài đưa ra ánh sáng tâm điểm của vấn đề, tất cả mọi chuyện đều đặt nền trên đó, đều xoay quanh nó, không có nó là không được, như Phao-lô đã nói. Nếu không có nó như là giới răn nền tảng, thì mọi chuyện chúng ta nói đều là phèng la inh ỏi mà chẳng thực tế. Mọi hành vi sùng mộ và mọi thứ sinh hoạt sẽ là trống không, nếu trong chúng không có hồn tình yêu. Chúng không giúp ta đụng được với Chúa và cũng chẳng giúp được gì cho tha nhân. Như vậy thì việc tóm kết và đơn giản hoá đó quả là một đột phá nền tảng, nó chỉ ra sự đơn giản của Thiên Chúa và đồng thời cũng cho thấy nét đẹp và cao cả trong đòi hỏi của Ngài.

Ta hẳn biết rằng, trong Is-ra-en xưa, luật pháp và quy chế luân lý quốc gia đều hoà chung làm một với lề luật phụng tự. Qua biến cố đức Giê-su, những thứ đó đã được tách ra. Tôn giáo có thể nói giờ đây nhận được bản chất riêng của nó. Tôn giáo vẫn là hồn cho quốc gia và luật pháp quốc gia, và nó vẫn đề ra mực thước đạo đức cho quốc gia, nhưng luật pháp quốc gia giờ đây không còn là một với những gì đạo đức hay đức tin dạy.

Với cái nhìn đó, các quốc gia càng ngày càng phải tạo ra cho mình những quy định và tiêu chuẩn pháp lý riêng. Nhưng những cái đó sẽ trống rỗng, nếu chúng không có hồn, và nếu con người từ thâm tâm không nhận ra được yêu cầu nền tảng của cuộc sống, và từ đó biến những quy định hành xử có tính cách thuần bề ngoài đó trở thành một cuộc chung sống hài hoà, công bình. 

Có phải đó là điều mà ngài đã có lần phát biểu: luật thiên nhiên đúng nghĩa là một luật đạo đức?

Đúng. Như đã nói, thiên nhiên không những mang trong mình những luật diễn biến, như khoa học tự nhiên nghiên cứu, mà còn cả một sứ điệp sâu xa nữa. Sứ điệp này soi đường dẫn lối ta. Và khi Giáo hội nói tới luật thiên nhiên, thì đây không phải là những luật của khoa học tự nhiên, mà đó là bảng chỉ đường nội tâm mà Tạo hoá đã bật sáng trong ta. 

MƯỜI GIỚI RĂN

Trong sa mạc Si-nai, Mai-sen vẽ một đường ranh quanh núi Ho-rép. Không ai được bước qua ranh đó, ngoài một mình ông. Vào ngày thứ ba, sấm chớp bắt đầu nổi lên, mây vần  vũ bao phủ lấy ngọn núi, kèn loa vang dội. Cả ngọn núi dậy khói, toả lửa và động đất, và chỉ có Mai-sen leo lên đỉnh để nhận mười giới răn, luật thiên chúa. Mai-sen viết tất cả những lời của Thiên Chúa vào Sách Giao ước.
Huyền thoại được viết lại như thế. Đối với Giáo hội, mười giới răn nói lên nỗi lo lắng của Thiên Chúa đối với con người, các giới răn hướng dẫn họ bước vào một cuộc sống tốt đẹp. Tôi muốn hỏi: Có thật các giới luật đó đã được Chúa hiện ra trao cho Mai-sen trên núi Si-nai?  Đó là những tảng đá, có phải trên đó chính „tay Chúa đã viết ra“, như vẫn được truyền tụng không?

Có lẽ phải giải thích rõ hơn một chút về chữ „huyền thoại“. Ngôn ngữ diễn tả ở đây rõ ràng là ngôn ngữ hình ảnh. Ngôn ngữ đó nói lên những điều khó có thể diễn tả. Nhưng việc những sứ điệp đó được thông báo qua biểu tượng, không có nghĩa là chúng chỉ là một cơn mơ, một truyền thuyết hay là một thần thoại.

Hình ảnh ở đây nói lên một biến cố có thật, đó là biến cố Thiên Chúa đi vào lịch sử, biến cố gặp gỡ giữa Ngài và dân Is-ra-en – và xuyên qua dân này gặp gỡ nhân loại. Hình ảnh này được thông truyền qua một người, người đó sống gần Chúa, thật sự muốn lắng nghe Chúa và, như Kinh Thánh nói, có thể nói chuyện với Ngài như một người bạn, và từ tình bạn đó đã trở thành kẻ môi giới, và đã có thể chuyển tiếp sứ điệp của Ngài. Như vậy, chúng ta gặp ở đây một biến cố trung tâm và biến cố này đã được diễn đạt bằng hình ảnh thị kiến.

Nhưng làm sao biết được rằng các giới răn đó thật sự đến từ Thiên Chúa?

Ngày nay ta biết rằng chuyện mười giới răn, như đã được truyền lại trong các sách Mai-sen, có dây mơ rễ má với lịch sử của các dân tộc lân cận. Những chuyện nói lên việc vật lộn với lịch sử như thế cũng có trong vùng Assiri. Tuy nhiên, việc có một giới luật dưới hình thức đó và được viết ra bằng chữ như thế thì quả đã vượt ra ngoài mọi nguồn ảnh hưởng hỗ tương. Nó đã được một người gần gũi với Chúa viết ra dưới một dạng hình mà ta nhận biết thực sự là lời của Chúa. Như là bạn thân tình, Mai-sen đã nhận ra được ý Thiên Chúa, ý này cho tới lúc đó chỉ xuất hiện từng mảng rời rạc và đây đó trong nhiều nguồn khác nhau. Và Mai-sen đã kết hợp chúng và diễn tả ra. Có phải thật đó là những mảng đá hay không, lại là một chuyện khác. Ta biết, theo như sách kể, Mai-sen vì tức giận đã đập bể các mảng đó, và cuối cùng đã nhận được các mảng khác thay thế. Vấn đề quan trọng ở đây là chính thật Thiên Chúa đã tỏ hiện xuyên qua một người bạn. Vì thế, việc môi giới này là điều vượt ra ngoài sự tưởng tượng của con người, hay cả vượt ra ngoài sự nhạy cảm của họ đối với sứ điệp của tạo dựng.  

Mười giới răn vẫn mang giá trị - vô giới hạn - cho ngày nay?

Chúng vẫn giá trị. Chúng ta đã nói tới một giới răn. Giới răn đó, sau khi gặp đức Ki-tô, có thể nói đã mang một bộ mặt và ý nghĩa mới : « Ngươi không được tạc tượng hình nào khác ». Giới răn này trở thành mới ngay khi chính Thiên Chúa tự tỏ hiện qua hình ảnh Ngài. Nghĩa là tất cả các giới răn cũng đều đang trên đường hình thành, chỉ qua đức Ki-tô chúng mới nhận được hình thù hoàn chỉnh.

Cả giới răn thánh hoá ngày thứ bảy cũng giữ nguyên giá trị. Giới răn này có liên hệ với câu chuyện tạo dựng. Nhưng nó đã nhận được một khung mới, vì giờ đây ngày phục sinh của đức Giê-su trở thành thực sự là ngày giao ước. Thứ bảy chuyển thành chủ nhật – và mang theo một chiều sâu mới.

Trong ý nghĩa đó, các giới răn chưa hẳn là những lời đã hoàn chỉnh. Phải qua ánh sáng đức Ki-tô chúng mới có được hình thù quyết định. Tuy nhiên chúng vẫn có giá trị trong nền tảng. 

Mười giới răn đã chẳng bao giờ bị sửa đổi?

Không. Có hai bản văn, một trong sách Xuất hành và một trong sách Dân-số. Hai bản có khác nhau đôi chút bề ngoài, nhưng bản chất giống nhau – và dĩ nhiên con người không có quyền sửa đổi chúng.

Khi Mai-sen từ núi thánh xuống, thấy dân đang nhảy múa quanh bò vàng, ông giận ném tan các mảng giới răn. Chỉ có con cháu của chi Lê-vi, chi họ về sau trở thành giai tầng giáo sĩ, tụ tập chung quanh ông, và như vậy đứng về phe Thiên Chúa. Maisen ra lệnh: „Hãy đi từ bên này sang bên kia doanh trại, từ cửa này tới cửa kia, và giết hết ngay cả anh em, bạn bè, người hàng-xóm“.
Câu chuyện mười giới răn, như thế, đã khởi đi từ một tội chống lại điều răn thứ năm: Chớ giết người. Lẽ ra Mai-sen phải biết điều đó chứ.

Trước hết, nó khởi đi từ tội chống lại điều răn nền tảng thứ nhất : Ngươi không được thờ thần nào khác ngoài Thiên Chúa.Con người chỉ quân bình, khi họ chấp nhận Thiên Chúa và tôn thờ Ngài. Khi họ bỏ Chúa chạy theo thần khác, khi họ muốn tự mình làm Chúa và thờ lạy chính mình, lúc đó họ phản nghịch lại với thân phận mình. Tội nền tảng này đã làm cho bộ mặt dân này ra dị hợm và khiến họ ăn tươi nuốt sống nhau. Bởi bỏ Chúa là bỏ nguồn sống, cũng có nghĩa là ra khỏi sự sống.

Câu chuyện trên quả dã man và thật khó hiểu đối với ta. Nhưng ở đây, ta lại phải nhìn về đức Ki-tô. Ngài hành động ngược lại. Ngài nhận lấy cái chết cho mình mà không giết hại ai cả. Trong giờ phút lịch sử ở Si-nai, có thể nói, Mai-sen đã chỉ hoàn thành điều đã xảy ra: chính những người khác đã đồi truỵ cuộc sống họ. Câu chuyện trên thật sự xẩy ra như thế nào, lại là một câu hỏi khác. Dân Is-ra-en vẫn còn đó. Câu chuyện muốn nói lên rằng, ai bỏ Chúa, người đó không những bỏ giao ước, mà còn ra khỏi không gian sự sống, phá hoại chính sự sống, và như vậy là đã bước vào vùng đất chết. 

Giới răn thứ nhất
„Ta là Chúa, Thiên Chúa ngươi. Ngươi chớ có thần nào khác ngoài Ta“.

Nếu nhìn kỹ, thì cuộc nhảy múa quanh bò vàng trong lịch sử nhân loại chưa bao giờ dữ dội và say sưa như trong thời đại ngày nay.
Ngày nay không có những thần linh được minh nhiên tuyên xưng, nhưng có những quyền lực khiến người ta kính cẩn sấp mình. Tư bản, hay nói chung của cải, là một trong những quyền lực đó. Hay đam mê quyền lực cũng thế. Bò vàng xuất hiện dưới nhiều bộ mặt và hiện rất thời sự trong thế giới phương tây của chúng ta. Hiểm nguy luôn chờ sẵn.

Nhưng còn hơn thế nữa. Càng ngày gương mặt Thiên Chúa càng bị xoá nhoà. Người ta bảo : Chúa nào thì rồi cũng chỉ là một Chúa đó cả thôi. Vấn đề là mỗi nền văn hoá có một cách gọi riêng, chứ dù mình có coi Ngài là một con người hay không, có gọi Ngài là Jupiter, Shiva hay với tên nào đi nữa, thì tất cả cũng chỉ là một! Và càng ngày, người ta càng chẳng quan tâm gì tới Chúa nữa. Người ta rời xa Chúa, và chỉ quay nhìn vào những tấm gương phản chiếu chính họ trong đó.

Ta thấy: Chính khi Chúa bị gạt ra một bên, thì đó là lúc các chước cám dỗ thờ ngẫu tượng trở nên rất mạnh. Nguy cơ lớn của ta lúc này, là người ta coi Chúa là dư thừa. Họ bảo, Ngài ở xa quá, và có thờ Ngài thì có lẽ cũng chẳng lợi lộc gì. Điều chúng ta ít để ý hơn: Khi ta nhổ cây cột trụ làm nền cho cuộc sống của ta đó đi, lúc đó càng ngày ta sẽ càng trở nên mất cân bằng và phân rã.

Giới răn thứ hai
„Ngươi chớ làm ô danh Thiên Chúa!“

Nhưng ta tự hỏi: Nếu Thiên Chúa lớn như thế, thì sao Ngài lại phải phiền vì một tội nhỏ của tôi như thế, tội của một chú giun đất nhỏ nhoi?

Không phải vì ta có thể đe doạ Chúa mà Ngài phải trả thù ta. Song là vì để ta giữ được thăng bằng trong cuộc sống. Chính khi ta làm ô uế Ngài, làm biến thể bộ mặt Ngài, khiến bộ mặt không còn toả rạng để cho thế gian nhận ra Ngài, thì lúc đó con người cũng chẳng còn toả rạng nữa.

Martin Buber có lần nói, không có từ nào bị lạm dụng như từ THIÊN CHÚA. Từ đó bị bôi đen và làm biến thể đến nỗi không còn sử dụng được nữa. Ông nói tiếp, tôi nghĩ rằng, dù vậy, ta không được tránh hay không nhắc tới từ đó, nhưng hãy cố gắng kính cẩn vực nó dậy và tạo lại ý nghĩa đúng đắn cho nó.

Ta chỉ cần nghĩ tới câu „Thiên Chúa ở cùng chúng ta“ được in trên dây lưng của quân đội Đức trong thời quốc-xã, thì cũng đủ rõ. Tưởng là để vinh danh Chúa, nhưng thực ra là để lợi dụng cho mục tiêu riêng của họ.Mỗi lạm dụng danh Chúa, mỗi hành vi làm biến thể bộ mặt của Ngài đều để lại nhiều rác rưởi và dấu vết có hại kinh khủng.

Nếu không có những lạm dụng danh Chúa đó, ta không thể giải thích được quyền lực lớn của vô thần, hay của việc chối từ hoặc vô tâm đối với Thiên Chúa. Gương mặt Ngài đã bị bóp méo đến đỗi người ta không còn dám nhìn. Xem đó, ta thấy việc lỗi phạm điều răn này có thể mang lại những hậu quả ghê gớm như thế nào. 

Giới răn thứ ba
„Hãy nhớ thánh hoá ngày thứ bảy“

Có người rất thích ngày chủ nhật và muốn tận hưởng nó. Có người lại chẳng muốn nghỉ, dùng nó để đi chợ, làm việc hay gây ồn ào. Phải chăng là vì người ta không còn hiểu ra ý nghĩa của ngày này nữa? 
Trong trình thuật tạo dựng, ngày thứ bảy là thời gian con người nghỉ ngơi lo việc Chúa. Đây là dấu chỉ giao ước giữa Chúa với dân Ngài trong nội dung thập giới. Ý nghĩa nguồn cội của ngày thứ bảy, như thế, là việc báo trước tự do và bình đẳng cho tất cả mọi người.

Trong ngày thứ bảy, cả nô lệ cũng không còn là nô lệ nữa, họ cũng được nghỉ ngơi. Đó là một trong những ý nghĩa chính trong truyền thống giáo hội. Còn đối với những người tự do thì họ vẫn được tiếp tục làm việc, là vì việc họ làm không phải là công việc đúng nghĩa. Điểm quan trọng thứ hai, đây là ngày nghỉ, kết thúc cuộc tạo dựng. Giới răn này cũng có giá trị ngay cả cho súc vật.

Ngày nay, con người muốn dành toàn quyền cho mình việc sử dụng thời gian. Thực tế là chúng ta đã quên đi tầm quan trọng của việc để Chúa đi vào thời gian, và quên rằng thời gian không phải chỉ là vật liệu sử dụng cho nhu cầu riêng của mình. Vấn đề là ta phải thoát ra khỏi sự ràng buộc của cái lợi và cái hữu ích - để giải thoát cho chính mình và cho kẻ khác.

Như đã nói, ngày thứ bảy đã mặc lấy hình thức mới trong ngày phục sinh của đức Ki-tô. Đó là ngày đấng phục sinh hiện ra giữa các môn đồ của Ngài, là ngày chúng ta quy tụ với Ngài, là ngày Ngày mời gọi chúng ta tới với Ngài – ngày cầu nguyện và gặp gỡ, Chúa tới và thăm ta và ta thăm Ngài.

Giới răn thứ bốn
„Ngươi phải tôn kính cha mẹ, để được an khang và sống lâu trên trái đất“

Đây là giới răn duy nhất gắn liền với một hứa hẹn. Đức Giê-su nhiều lần nói tới tầm quan trọng của giới răn này.
Tôi muốn kể ở đây một câu chuyện nhỏ. Đó là chuyến nghỉ hè của chúng tôi, và tôi rất vui khi thấy hai đứa con vui. Thằng Paul ngồi hàng giờ câu cá măng và các chú tôm nhỏ. Jakob đào chơi cát. Chúng tôi chèo một chiếc thuyền nhỏ và Paul bơi theo rất lâu bên cạnh. Nó bỗng nhiên chẳng còn sợ nữa và rất hãnh diện vì mình có thể bơi một mình. Có lúc tôi ngồi trên mỏm đá xa xa nhìn vợ con, thấy tất cả khoẻ mạnh, tươi trẻ. Lòng tự nhủ,  đây là khởi đầu thời gian đẹp nhất của đời mình, và tôi không muốn phí phạm nó, tôi nghĩ có được như vầy thì tuyệt quá. Nhưng bỗng dưng tôi chợt nghĩ tới bố mẹ và ông bà tôi – và cũng nghĩ tới giới răn thứ bốn này.

Giới răn này quả là đại hiến chương (Magna Charta) của gia đình. Nó xác định một trật tự nền tảng. Nó nói cho chúng ta hay, tế bào căn bản của xã hội tính và của xã hội là gia đình, là cha mẹ và con cái. Và chỉ trong trật tự nền tảng đó ta mới tập được những đức tính căn bản. Chỉ trong đó tương quan nam nữ và tương quan thế hệ mới nẩy nở đúng.

Một mặt, giới răn chứa đựng nhiệm vụ giáo dục, nghĩa là hướng dẫn người khác bước vào tự do của họ một cách đúng đắn, để họ nhận ra những quy luật bên trong, để họ học sống cho ra người. Trong quá trình giáo dục này, sự vâng lời đóng vai trò phục vụ cho việc tập sử dụng tự do riêng. Và ngược lại, điều kiện đương nhiên về phía con trẻ là phải chấp nhận sự giáo dục đó.

Điều răn thứ bốn cũng dạy ta cách đối xử với người già cả, là những người hết ích lợi và sinh lực. Nó dạy ta phải quý trọng cha mẹ già. Ta không nên chỉ nghĩ tới cái lợi, nhưng quý trọng các ngài, vì các ngài đã cho ta sự sống. Qua các ngài, ta cũng quý trọng phẩm giá con người nói chung, những con người giờ đây không còn tự giúp mình được nữa. Sự kính trọng nền tảng đối với con người đó, là khía cạnh tối quan trọng của giới răn này. Trong nó cũng hàm chứa tương lai của chính chúng ta, để sau này ta có thể tin tưởng bước vào tuổi già. 

Giới răn thứ năm
„Ngươi không được giết người“

Có lẽ hầu như chẳng ai phản đối điều này. Cái lạ là nó luôn bị lỗi phạm.

Trong con người, rõ ràng có sự hiện diện của một nhận thức nguồn cội, nó bảo tôi không được phép giết người. Dù tôi quên rằng, chỉ có Chúa mới có quyền trên con người, thì ít nhất tôi cũng biết người đó có sự sống và nhân quyền riêng của họ, và nếu tôi giết họ, là tôi phạm tội đối với nhân loại.

Tuy nhiên cái nhìn trên đây càng ngày càng trở nên lu mờ nơi các trường hợp biên tiếp. Đặc biệt nơi sự sống mới bắt đầu, là lúc nó chưa biết tự vệ, còn dễ bị lèo lái. Đây là lúc dễ bị nguy cơ cái lợi sai khiến. Người ta muốn chọn để ai sống, bắt ai chết, vì sợ rằng bào thai đó sẽ hạn chế tự do và nhân cách của mình. Nơi nào sự sống chưa đủ vóc dáng và trí tuệ để đối phó, nơi đó ý thức về giới răn thứ bốn dễ mai một.

Trường hợp kết thúc cuộc đời cũng thế. Người ta coi người bệnh, người đau khổ trở thành phiền hà và nghĩ rằng cái chết có lẽ tốt hơn cho đương sự. Và đó là cớ để người ta vội vàng trợ tử cho người bệnh.

Và từ đó cứ tùng bước, từng bước một đi tới. Ngày nay, ý nghĩ nuôi cấy người lại trở nên thịnh hành, như ta đã thấy trong thời gian bất hạnh vừa qua. Người ta nẩy ra đắn đo, không biết một người không còn ý thức nữa và không còn khả năng hoàn thành được vai trò xã hội nữa, có phải thật sự còn là một con người nữa không.

Suy tư từ đó cứ mở tiếp ra. Đặc biệt, trong lãnh vực trợ tử, ta gặp ngay câu hỏi: Khi nào thì ta có quyền chấm dứt một sự sống, để nó không phải chịu đau đớn quá đỗi.  Xem thế, trong các trường hợp tiếp biên, ý thức cội nguồn và đạo đức của con người về việc kính trọng sự sống kẻ khác quả rất dễ bị triệt tiêu. Điều răn thứ năm, nói lên quyền của Chúa trên mạng sống con người từ lúc sinh ra cho tới lúc chết, vì thế, lại đáng cho ta tranh luận hơn bao giờ hết. 

Giới răn thứ sáu
„Ngươi chớ làm sự dâm dục“

Thế giới chúng ta đã biến việc sở hữu và sử dụng tình dục thành ra một đức tính. Nếu không phải là kẻ quá mê đắm dục tình, thì thử hỏi: Phải chăng dâm dục thật sự là tội?

Bản văn nguồn của giới răn này trong Cựu Ước có nội dung như sau: „Ngươi chớ ngoại tình“ (Xh 20,14; Ds 5,18). Như vậy, giới răn này thoạt tiên có một nghĩa rất nhất định. Nó dạy sự trung thành trong quan hệ vợ chồng, nó không những bảo vệ tương lai con người, mà còn hội nhập tình dục hôn nhân vào trong toàn thể cuộc sống làm người, và chỉ qua đó tình dục mới có được phẩm giá và chiều kích cao cả.

Đó là tâm điểm của giới răn. Hôn nhân không phải là một giao tiếp tạm bợ, mà là sự kết hợp giữa hai người trong tiếng Vâng, tiếng Vâng này đồng thời cũng nói lên việc sẵn sàng chấp nhận con cái. Như vậy, hôn nhân là nơi đích thực để cho tình dục nhận được phẩm giá và cao cả. Chỉ nơi đó tinh thần mới thành cảm giác và cảm giác mới thành tinh thần. Nơi đây diễn ra cái mà ta gọi là bản chất của con người. Nó có vai trò như cây cầu nối liền hai điểm kết thúc của tạo dựng vào nhau và trao cho nhau phẩm giá và nét cao cả.

Nếu giờ đây ta bảo, chỗ của tình dục là hôn nhân, thì đương nhiên điều đó cũng hàm ý rằng, chỉ trong hôn nhân tình dục mới có được phẩm giá và sự nhân tính hoá đích thực. Hôn nhân có nghĩa là một kết hợp trong tình yêu và chung thuỷ; nó bao hàm cả sự chăm sóc lẫn nhau và sự sẵn sàng cho tương lai, nghĩa là hướng đến nhân loại trong toàn thể.

Hẳn nhiên sức mạnh quá lớn của bản năng tình dục, nhất là trong một thế giới ngập đầy yếu tố kích dục như hiện nay, đã khiến cho bản chất hôn nhân bị lu mờ. Tình dục từ lâu đã trở thành hàng hoá có thể mua bán. Nhưng như thế thì con người đã bị lợi dụng thành kẻ bán dâm, nhân tính họ bị biến thể, và họ chẳng còn được kính trọng như là một con người nữa. Những kẻ tự biến mình thành hàng hoá, hay bị ép buộc làm chuyện đó, trước sau sẽ bị khai thác đến kiệt quệ. Và, lúc này đây, trên nền chợ tình dục kia còn nẩy sinh thêm một chợ nô lệ mới. Như vậy, chính khi tôi không đặt tình dục vào khuôn tự do trách nhiệm của đôi bên, không nối nó vào trong cái toàn thể của sự sống, lúc đó con người đương nhiên trở thành vật mua bán. 

Xin Ngài nói lại lần nữa tâm điểm của điều răn.

Đây là sứ điệp của tạo dựng: Người nam và nữ được tạo nên cho nhau. Sách Sáng-thế viết: Họ sẽ lìa cha mẹ để hợp với nhau thành một thân xác. Vậy từ cái nhìn thuần sinh lý, ta có thể nói được rằng, thiên nhiên đã sáng tạo ra tình dục để duy trì chủng loại. Điều chúng ta thoạt tiên thấy như chỉ là một sản vật thiên nhiên, như là một thực thể thuần sinh lý, đã trở thành dạng hình người qua sự chung sống của người nam và người nữ. Đó là một cách con người mở ra cho nhau. Một cách không những để làm triển nở sự gắn bó và chung thuỷ, mà còn mở ra một không gian để con người có thể khởi đi từ lúc thụ thai tiến lên thành người. Không gian này là chỗ đặc biệt nẩy sinh cuộc chung sống đúng đắn của con người. Điều thoạt tiên chỉ là một quy luật sinh lý, một xảo thuật của thiên nhiên (nếu có thể nói được như vậy), đã trở thành dạng hình người, trong đó nẩy sinh sự chung thuỷ và gắn bó tình yêu giữa người nam và người nữ, và từ đó đồng thời hình thành nên một gia đình.

Đó là tâm điểm của giới răn mà tạo dựng muốn nói với ta. Càng suy nghĩ và sống trọn giới răn đó, ta càng thấy rõ các loại tình dục khác không đưa ta tới độ cao chân thực của ơn gọi làm người. Chúng không đạt tới cấp độ muốn có và nên có của tình dục con người.

Chúng ta sẽ nói thêm về tình dục ở chương sau. Nhưng thập giới xem ra phản lại quy luật thiên nhiên. Chúng ta khó mà tuân giữ những điều đó được, vì chúng thường đi ngược lại bản năng con người.

Đúng, khó tuân giữ. Nhưng điều răn thứ sáu hàm chứa trong nó chính sứ điệp của thiên nhiên. Thiên nhiên quy định sự hiện diện của hai phái, để cho giống nòi được tồn tại – đặc biệt cho giống người, vì sau khi lọt lòng mẹ, con người còn lâu mới toàn thành và còn cần một thời gian chăm sóc dài.

Con người không phải là loài thoát tổ, mà là nằm tổ. Với cái nhìn thuần sinh lý, thì giống người cần có tình yêu của cha mẹ như là lòng mẹ mở rộng, để mới có thể vượt qua cấp sinh lý ban đầu, hầu tiến lên thành người được. Khung cảnh gia đình có thể xem là điều kiện hiện hữu của con người.

Như vậy, chính thiên nhiên ở đây đã mở cho ta thấy bộ mặt nguồn cội của loài người. Con người cần một gắn bó tiếp tục với nhau. Trong sự gắn bó đó, thoạt tiên hai người nam nữ hiến thân cho nhau – và rồi hiến thân cho con cái, để con cái cũng bước được vào quy luật tình yêu, quy luật tự hiến. Nơi loài nằm tổ, rõ ràng cần có sự chung thuỷ sau khi sinh. Như vậy, sứ điệp hôn nhân và gia đình hẳn là quy luật của chính tạo dựng và không đi ngược lại bản chất con người. 

Dù vậy, vẫn quả thật khó mà tuân giữ.

Đúng là trong lãnh vực này, cũng như trong các lãnh vực khác mà chúng ta đã đề cập, đang có cảnh lội ngược dòng. Có sự thặng dư quyền lực sinh lý. Ta thấy trong các xã hội tân tiến – và cả trong xã hội của một số thời kì trước đây, chẳng hạn ở Rô-ma dưới thời vua chúa – có một sự kích dục công khai, khiến sức mạnh bản năng gia tăng, và vì thế gây khó khăn cho việc kết hợp hôn nhân.

Hãy trở lại với bốn điều răn đã nói. Ta thấy ở đây có hai trật tự khác nhau của thiên nhiên. Thiên nhiên một mặt cho hay, việc kết hợp nam nữ là hành vi thâm sâu nhất, nó rốt cuộc trở thành một hành vi con người, và mở ra không gian để loài người có thể phát triển. Một sứ điệp khác của thiên nhiên là chúng ta, trên phương diện nào đó, cũng hướng về sự chung đụng khác giới, đặc biệt hướng về việc sử dụng tình dục vượt ra ngoài khuôn khổ gia đình.
Đứng từ góc độ đức tin, ta thấy rất rõ sự khác nhau của hai chiều hướng trên. Một bên nói lên sứ điệp chân thực của tạo dựng. Bên kia phản ảnh khuynh hướng muốn làm chủ của con người. Do đó, việc tự trói buộc mình vào hôn nhân luôn là một nỗ lực liên lỉ. Tuy nhiên, ta cũng thấy, ở đâu nỗ lực đó thành tựu, ở đó có trưởng thành nhân bản và trẻ con có thể học được tương lai. Ở đâu việc li dị trở thành thường tình, ở đó trẻ con là giới chịu nhiều thiệt hại nhất. Như vậy, đứng từ phía trẻ con mà nhìn, ta có thêm một lý do minh chứng sự kết hợp nam nữ, sự chung thuỷ vợ chồng là đúng đắn và thật sự phù hợp cho con người.  

Giới răn thứ bảy
„Ngươi chớ trộm cắp“. 

Coi trọng tài sản kẻ khác là chuyện thường tình. Giới răn có ám chỉ thêm điều gì nữa không?

Bài học của tạo dựng về quy định chung của tài sản không chỉ là một tư tưởng đẹp, mà nó còn phải được thực hiện. Bài học này xác quyết mỗi người cần cho mình một số nhu cầu căn bản để sống, và vì thế phải có luật để bảo vệ tài sản cho từng người. Ở đây, nhà nước phải có những bộ luật để canh chừng và ngăn chận mọi lạm dụng tư hữu.

Ngay lúc này đây, ta thấy rõ hơn bao giờ hết cảnh con người đang tự huỷ diệt mình, khi họ chỉ còn biết sống cho của cải, cho đồ vật, khi họ ngụp lặn trong những thứ đó, và của cải trở thành thượng đế của họ. Chẳng hạn, ai bị quy luật cổ phần chế ngự hoàn toàn, kẻ đó chẳng còn suy nghĩ được gì khác. Ta thấy quyền lực của cải đè lên con người nặng như thế nào. Càng có thêm, ách nô lệ càng nặng, bởi vì họ phải lo giữ của và không ngừng làm tăng chúng.
Vấn nạn của quyền tư hữu cũng thấy được rõ nét trong tương quan bất ổn giữa thế giới thứ nhất và thế giới thứ ba. Ở đây, quyền tư hữu đã đi trệch ra ngoài quy luật chung về tài sản. Phải tìm ra những hình thức pháp lý để giữ nó thăng bằng hoặc ngay cả đưa nó về lại thế thăng bằng.

Như vậy, đàng sau giới răn đó ta thấy một gánh nặng ghê gớm của thực tế. Giới răn nói tới việc bảo vệ những gì cần thiết cho cuộc sống cá nhân (và những thứ đó cũng phải được quý trọng), cũng như trách nhiệm làm sao sử dụng quyền sở hữu cho đúng, để đừng đi ngược lại sự uỷ thác chung của tạo dựng và ngược lại tình yêu tha nhân. 

Giới răn thứ tám
„Ngươi chớ nói dối“ hay „Ngươi chớ làm chứng dối“. 

Có nhiều chuyện tuyệt hay về nói dối. Nhiều khi chính những lời dối trá nhỏ lại trở hành lớn, đến nỗi sém làm tiêu tan sự nghiệp các tổng thống của một siêu cường hoặc sém khiến cho những đảng cầm quyền hay những ông vua truyền thông sụp đổ. Chuyện lạ : chẳng có chi dấu được dưới ánh sáng mặt trời.

Tôi muốn nói, điều đó cho thấy bản chất con người là yêu sự thật. Mọi giới răn chung quy đều là giới răn của tình yêu, hoặc là những khai triển của giới răn tình yêu. Như vậy, tất cả chúng rõ ràng cũng có liên quan tới sản phẩm chân lý. Khi tôi dấu diếm hoặc làm méo mó sự thật, khi tôi trầm mình trong dối trá, lúc đó tôi thường làm người khác thiệt hại, và cũng luôn làm thiệt hại cả chính tôi.

Những dối trá lặt vặt dễ biến thành một thói quen, ở đâu rồi cũng dùng nói dối cho qua chuyện, dần dần người ta tự trói mình trong dối trá, và vì thế sống ngược lại với thực tế. Ngoài ra, mỗi lần làm tổn thương phẩm giá chân lý như thế, là mỗi lần ta không những triệt hạ con người, mà còn lỗi phạm gia trọng chống lại tình yêu. Là vì khi tôi dấu người khác sự thật, có nghĩa là tôi khước từ họ một tài sản nền tảng, và dẫn họ vào đường sai trái. Chân lý là tình yêu, và tình yêu sẽ trở nên dị hợm, khi nó chống lại sự thật. 

Giới răn thứ chín và thứ mười
„Ngươi chớ muốn vợ người khác“. „Ngươi chớ tham của cải của người khác“. 

Hai giới răn gắn liền với nhau đó mang ý nghĩa sâu xa vượt lên trên cái thực tế và bên ngoài. Chúng cho ta hay, khởi đầu của tội không phải là chính lúc ta ngoại tình, hay lúc ta chiếm đoạt tài sản kẻ khác một cách bất công, nhưng tội đã ló dạng ngay từ trong tư tưởng của ta rồi. Một khi tâm tưởng tôi đã không còn kính trọng kẻ khác, không còn tôn trọng hôn nhân và tài sản họ, thì việc dừng tay trước hành động cuối cùng cũng chẳng còn ý nghĩa.

Như vậy, tội không chỉ bắt đầu với những hành vi cụ thể bên ngoài, mà nó đã bắt đầu từ trong vườn ươm của nó, từ trong ý nghĩ ghen tương, ý nghĩ phủ nhận chính kẻ khác và tài sản của họ. Thiếu trong sạch trong tư tưởng, cuộc sống sẽ mang hậu quả bất ổn. Hai giới răn trên, như vậy, muốn kêu gọi trực tiếp tới tâm con người. Bởi vì tâm chính là cội nguồn xuất phát hành động. Chỉ riêng với lý do đó thôi cũng đủ cho ta phải giữ tâm trong và sáng.

Khi Mai-sen nhận những tấm đá giới răn giữa sấm sét trên núi, lúc đó cũng là giây phút khởi đầu của cá nhân tự do. Nhà báo Đức gốc Do-thái Hannes Stein đã lý luận như thế. Kể từ đây, mỗi cá nhân, dù là chủ hay tớ, đàn ông hay đàn bà, đều mang trách nhiệm trực tiếp với Chúa về mình và về hành vi mình. Có thể nói, tính cách pháp nhân tự trị đã hình thành cùng với giao ước trên núi Si-nai. Có liều lĩnh lắm không, khi bảo rằng nền tảng xã hội tự do dân chủ không phải xuất phát từ Hi-lạp cổ, mà từ truyền thống do-thái và ki-tô giáo?

Tôi cũng đã đọc sách của Hannes Stein và thấy có những điểm rất nền tảng. Trên thực tế, tâm điểm của nhân quyền nằm nơi phẩm giá của mỗi cá nhân, người đó đối diện một mình với Chúa, Chúa nói trực tiếp với họ, và Giao ước đề cập tới họ như một cá thể. Nhân quyền có nghĩa là mỗi người đều có phẩm giá ngang nhau, và nhân quyền chính là nền tảng của dân chủ.

Lẽ ra Is-ra-en thoạt tiên không có vua, mà chỉ có những phán quan dùng luật Chúa mà cai trị. Điều đó có nghĩa là người ta nhắm tới một xã hội hoàn toàn bình đẳng, một thứ xã hội vô chính phủ theo nghĩa tích cực, trong đó không ai ngoài chỉ mình Chúa là kẻ trị vì. Và Ngài cai trị thông qua luật Ngài, lời Ngài và qua các giới răn.

Nhưng loại xã hội đó cuối cùng đã phải thay đổi theo thực tế, điều này trước đây chúng ta đã nói rồi. Ở đây, dĩ nhiên tôi không dám coi thường nền dân chủ hi-lạp, nó đã làm nẩy nở đôi điều quan trọng và đã khai sinh một mô hình thực tế, mà người ta về sau đã có thể noi theo. Nhưng ta cũng phải biết, là trong nền dân chủ hi-lạp, chỉ có lớp đàn ông tự do mới có quyền bầu cử, đàn bà và nô lệ không phải là chủ thể của chính trị, nên không được bầu phiếu. Vì tự do bị hạn chế, nên dân chủ hi-lạp chỉ là mẫu mực của một nền dân chủ hạn định. Trái lại, lời Kinh Thánh coi mỗi người đều là người và là hình ảnh của Chúa, và đã trao cho từng người trong họ đầy đủ tư cách chủ thể. Vì thế, quả thật lời Kinh Thánh đã xây thêm nền tảng cho các thể chế dân chủ.

..................................
Trích từ: Joseph Ratzinger - Biển-đức XVI., „Thiên Chúa và Trần Thế - Tin và Sống trong thời đại ngày nay. Trao đổi với Peter Seewald“. Phạm Hồng-Lam chuyển ra Việt Ngữ. Nguyên tác Đức Ngữ: „Gott und die Welt – Glauben und Leben in unserer Zeit“