Người ta vẫn nói người trẻ hôm nay không hành động theo lương tâm, hay mạnh hơn nữa người trẻ không còn lương tâm, vậy lương tâm là gì?
1. Định nghĩa lương tâm
Hội thánh Công Giáo đã đưa ra nhiều định nghĩa về lương tâm, mỗi định nghĩa trình bày một khía cạnh của lương tâm như sau:
a/ “Lương tâm là tâm điểm sâu lắng nhất và là cung thánh của con người; nơi đây con người hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Người vang dội trong thâm tâm họ” (HCMV số 16).
b/ “Lương tâm là một phán quyết của lý trí; nhờ đó, con người nhận biết một hành vi cụ thể mình định làm, đang làm hay đã làm, là tốt hay xấu. Trong lời nói và hành động, con người phải trung thành tuân theo điều mình biết là chính đáng và ngay lành. Nhờ phán quyết của lương tâm, con người ý thức và nhận ra những quy định của luật Thiên Chúa.” (GLCG số 1778).
c/ “Lương tâm là một lề luật của tinh thần con người, nhưng vượt trên con người. Lương tâm ra lệnh, nêu lên trách nhiệm và bổn phận, điều chúng ta phải sợ và điều có thể hy vọng…” (GLCG số 1778).
d/ “Lương tâm là sứ giả của Đấng nói với chúng ta sau một bức màn, dạy dỗ và hướng dẫn chúng ta, trong thế giới tự nhiên cũng như trong thế giới ân sủng.” (GLCG số 1778).
Như vậy, tiếng nói lương tâm chính là ân huệ mà Thiên Chúa đã ban cho loài người, như là của ăn tinh thần, mà Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4).
Tóm lại, lương tâm là tiếng nói vô hình của Thiên Chúa trong tâm hồn con người, thúc giục con người hãy yêu mến và làm điều thiện, tránh xa điều ác.
2. Lương tâm theo đạo lý truyền thống của Giáo Hội
Về bản chất của lương tâm Công đồng Vatican II trong Hiến chế Mục vụ về “Giáo Hội trong thế giới ngày nay” viết: “Con người khám phá ra tận đáy lương tâm một lề luật mà chính con người không đặt ra cho mình, nhưng vẫn phải tuân theo, và tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác. Tiếng nói ấy âm vang đúng lúc trong tâm hồn của chính con người: hãy làm điều này, hãy tránh điều kia. Quả thật con người có lề luật được Chúa khắc ghi trong tâm hồn. Tuân theo lề luật ấy chính là phẩm giá của con người và chính con người cũng sẽ bị xét xử theo lề luật ấy nữa. Lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Ngài vang dội trong thâm tâm họ. Nhờ lương tâm, lề luật được thực hiện trong sự yêu mến Thiên Chúa và anh em, và được biểu lộ cách kỳ diệu” (CĐ Vatican II, Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng số 16).
Như thế, lương tâm là nơi sâu thẳm nhất của con người, nhờ đó con người nhận biết điều lành điều dữ, đồng thời giúp con người hành động để chu toàn bổn phận làm người của mình. Mỗi người đều phải tuân theo chỉ thị của lương tâm vì đó là tiếng nói cuối cùng mà con người có thể nghe được Lời của Thiên Chúa. Theo lẽ đó, con người có quyền lợi và nghĩa vụ tuân theo tiếng nói của lương tâm.
Tuy nhiên, Thiên Chúa tôn trọng phẩm giá con người do chính Ngài tạo nên, phẩm giá ấy phải được hưởng tự do và được hướng dẫn theo phán đoán của chính con người. Con người luôn có tự do để hành động theo lương tâm của mình. Vì vậy, không ai bị cưỡng bách hành động trái với lương tâm, cũng như không ai bị ngăn cấm hành động theo tiếng lương tâm nhất là trong lĩnh vực tôn giáo. Con người có quyền tự do để hành động theo lương tâm của mình và không có một ai có quyền ngăn cản một con người hành động theo lương tâm của mình. Tuy nhiên, người ta sẽ tự hỏi, nếu con người luôn hành động theo lương tâm thì liệu lương tâm của con người có hoàn toàn đúng để hướng dẫn mọi hành động hay không?
Vấn đề lương tâm có thể sai lầm hay không đã được tranh luận rất nhiều nhưng Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Thông điệp Veriatis Splendor đã công nhận: “Các phán đoán của lương tâm luôn có nguy cơ sai lầm. Lương tâm không đưa ra một phán đoán vô ngộ: lương tâm có thể sai lầm”. Như thế, lương tâm không phải lúc nào cũng đưa ra các phán đoán đúng nhưng lương tâm vẫn có thể sai lầm, nhưng điều quan trọng nằm ở chỗ sai lầm ấy khả thắng hay bất khả thắng. Trong trường hợp lương tâm sai lầm bất khả thắng không làm mất phẩm giá và tính bắt buộc, nó vẫn là tiêu chuẩn gần cho hành động luân lý. Công đồng Vatican II cũng đã xác nhận: “Lương tâm nhiều khi lầm lạc vì vô tri bất khả thắng, nhưng cũng không vì thế mà mất hết phẩm giá. Nhưng không thể nói như vậy khi con người ít lo lắng tìm kiếm điều chân và điều thiện cũng như khi vì thói quen phạm tội mà lương tâm dần dần trở nên mù quáng”.
3. Bạn trẻ và vấn đề lương tâm
Như trên đã trình bày, người trẻ hôm nay đang rơi vào cơn khủng hoảng của ý nghĩa và căn tính về chính đời sống của họ. Bên cạnh đó, họ lại rơi vào trong tình cảnh nền luân lý và đạo đức đang xuống dốc trầm trọng. Vì vậy, họ chẳng còn biết bám víu vào đâu để quy chuẩn cho hành động của mình. Mọi hành động của người trẻ bây giờ chỉ còn cách dựa trên phán đoán của họ hay nói cách khác dựa vào tiếng nói của lương tâm. Tuy nhiên, lương tâm lại không phải là vô ngộ. Hơn thế nữa, trong xã hội hiện nay, đôi khi nhu cầu sinh sống và phát triển đã kéo theo những hệ luỵ làm cho lương tâm con người bị sai lệch hoặc bị mất phương hướng. Chính vì lẽ đó có thể giải thích những hoạt động không lành mạnh của giới trẻ hôm nay đa phần là do sự lệch lạc của tiếng nói lương tâm.
“Nhân chi sơ tính bản thiện”, nhưng do sống trong môi trường không được đào luyện lương tâm đúng đắn, lương tâm người trẻ dần trở nên xơ cứng, dẫn đến chai lì. Đứng trước một hành động cần đến sự phán đoán đúng sai, thì lương tâm lại rơi vào tình trạng bối rối nếu không muốn nói là sai lầm. Đôi khi do người trẻ mất cảm thức về tội nên lương tâm của họ cũng chẳng còn biết đâu là đúng, đâu là sai. Tệ hại hơn nữa, có nhiều bạn trẻ nại vào quyền tự do lương tâm để làm những gì mình cho là đúng.
Đứng trước thực trạng như thế đòi hỏi cần phải giáo dục lương tâm cho người trẻ. Bởi lẽ muốn người trẻ sống tốt và có ích cho đời, họ cần phải biết hành động thế nào cho đúng và điều này chỉ có nơi thâm sâu nhất của họ trả lời.
4. Giáo dục lương tâm cho giới trẻ
Giáo dục lương tâm cho người trẻ là điều cần thiết và bức bách trong giai đoạn xã hội đổi mới từng ngày, nhưng công việc giáo dục này nên bắt đầu từ đâu? Thiết nghĩ, công việc giáo dục lương tâm phải khởi đi từ con đường của sự thật, vì lương tâm là tiếng nói sâu thẳm và trung thực nhất nói cho con người làm lành lánh dữ.
a/ Dẫn dắt người trẻ đi trên con đường chân lý
Trả lời một cuộc phỏng vấn báo Thanh Niên, ông Trần Quốc Thuận, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thẳng thắn nói: “Cái lớn nhất bị mất, đó là đạo đức. Chúng ta sống trong một xã hội mà chúng ta phải tự nói dối với nhau để sống. Nói dối đã trở thành thói quen hằng ngày của xã hội Việt Nam. Thói quen đó lặp đi lặp lại nhiều lần thành ‘đạo đức’, mà cái ‘đạo đức’ đó là rất mất đạo đức. Đó là một cái nguy nhưng tôi thấy ít người quan tâm”. Sống trong môi trường gian dối, con người dễ bị lây nhiễm và dần trở thành quen và cho rằng gian dối cũng chỉ là hiện tượng bình thường trong cuộc sống. Vì thế, gian dối tràn lan trong xã hội hôm nay và ngay cả trong lĩnh vực không ai ngờ tới là giáo dục nó cũng đã len lỏi vào.
Sống trong xã hội mà gian dối đã tràn lan ắt hẳn người trẻ cũng bị lây nhiễm ít nhiều. Do đó, muốn giáo dục lương tâm cho người trẻ trước hết phải hướng dẫn họ đến và đi trên con đường của sự thật, của chân lý. Để có được một lương tâm trong sáng, điều trước tiên là phải tìm kiếm sự thật. Dựa trên sự thật ấy, lương tâm con người mới đưa ra những phát xét sau cùng. Tuy nhiên, sự thật ở đâu?
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong ngày quốc tế 27.11.1988 đã nói với các bạn trẻ: “Sự thật ở nơi Ngôi Lời của Cha: đó là điều chúng ta muốn nói khi nhìn nhận Đức Giêsu là sự thật. “Sự thật là gì?” Philatô đã hỏi Người. Bi kịch Philatô đã sống là sự thật đang đứng trước mặt ông nơi con người Đức Giêsu Kitô, mà ông đã không thể nhận ra được. Các bạn trẻ thân mến, bi kịch đó không nên tái diễn trong đời chúng ta. Đức Kitô là trung tâm của đức tin Kitô giáo, đức tin mà Hội Thánh ngày nay đang công bố, cũng như đã luôn luôn công bố với mọi người: Thiên Chúa đã làm người”. Sự thật mà Đức Thánh Cha muốn giới thiệu cho các bạn trẻ là sự thật về Đức Giêsu, Con Thiên Chúa đã làm người và “cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Hơn thế nữa, Giáo Hội và tất cả mọi người đều phải loan báo cho toàn thế giới về “Sự Thật, đó là Đức Giêsu Kitô”.
Đức Giêsu nói: “Chính Thầy là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6), vì thế, hướng người trẻ đi trên con đường của sự thật chính là đưa họ đến gần với Đức Giêsu hơn. Nói cách khác, chỉ Đức Kitô mới thoả mãn cơn khát sự thật về Thiên Chúa, về con người, về cuộc đời và thế giới. Với sự thật của Đức Giêsu, các bạn trẻ sẽ có thêm sức mạnh để đương đầu với những thách đố của thời đại, những vấn đề lớn của cuộc đời, những gian dối, lừa lọc của những thú vui lạc thú, của cải vật chất và những nguy hiểm của những tệ nạn xã hội hôm nay. Nơi sự thật là Đức Giêsu, người trẻ được tăng cường mọi năng lực và củng cố nhận thức về sứ mạng của mình.
Tóm lại, để lương tâm người trẻ trở nên trong sáng trước những thách đố của sự giả tạo của trần thế, trước tiên cần hướng dẫn họ đến với sự thật là Đức Kitô. Chỉ nơi Đức Kitô người trẻ mới tìm được sự thật và cũng chính Người sẽ dẫn dắt họ trên con đường của Chân Lý. Một khi gặp gỡ được Đức Kitô, lương tâm của người trẻ mới tìm thấy sự thật để hướng dẫn họ làm điều thiện và tránh điều ác.
Tuy nhiên, hướng người trẻ về Đức Kitô mới chỉ là một chiều kích mang tính hướng thượng, song song đó cần phải hướng dẫn người trẻ can đảm đối diện với lương tâm của mình.
b/ Khôi phục cảm thức đúng đắn về tội
Trào lưu tục hoá và khuynh hướng hưởng thụ đã làm cho người trẻ ngày nay dần mất đi cảm thức về tội. Điều này có nghĩa rằng, giới trẻ hôm nay không cảm thấy mình có tội, tự giảm chức năng của tội, hoặc tội phong trào: người ta làm được mình cũng làm được. Như thế, tội lỗi không còn khả năng làm cho lương tâm người trẻ bị giày vò hay cắn rứt nữa. Người trẻ triền miên phạm tội và mức độ tội ác ngày càng gia tăng, nhưng chính họ không cảm thấy mình có tội và ra như họ đã được miễn nhiễm với tội lỗi. Đánh mất cảm thức về tội, bất chấp nền luân lý và đạo đức, giới trẻ đang mang bộ mặt “lang sói”. Họ tự huỷ diệt những mầm sống, những đứa con vô tội được trao cho họ. Trước thảm cảnh như thế, người ta chỉ còn biết kêu gào đến tiếng nói lương tâm của các bạn trẻ. Tuy nhiên, tiếng nói lương tâm của người trẻ đã tắt lịm từ bao giờ bởi họ đã đánh mất cảm thức về tội. Sự việc xem ra bị rơi vào vòng luẩn quẩn không thể thoát ra được. Vậy khôi phục cảm thức đúng đắn về tội nơi người trẻ phải bắt đầu từ đâu?
Trước tiên, người trẻ hiểu rằng “tội lỗi như một phần trọn vẹn của sự thật về con người”, như lời Thánh Gioan: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” (1 Ga 1,8-9). Con người là tội nhân, luôn yếu đuối, có khả năng phạm tội và có xu hướng phạm tội, vì thế phải cậy dựa vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Tuy nhiên, cần thận trọng trong công việc này kẻo dễ đưa người trẻ vào tình trạng lương tâm bối rối, thấy đâu cũng là tội và rơi vào cơn khủng hoảng mặc cảm về tội.
Thứ đến, cần giáo dục người trẻ về hệ thống các nguyên tắc của lý trí và đức tin mà Hội Thánh vẫn chủ trương. Như trên đã trình bày, lương tâm là phán đoán của lý trí, nếu người trẻ bị “hổng” kiến thức về những nền tảng và tiêu chuẩn của hành động luân lý, ắt hẳn các phán đoán khó lòng đưa ra kết quả trung thực và đúng đắn. Để khắc phục tình trạng này, người trẻ phải được học hỏi giáo lý thánh thiện và vững chắc của Giáo Hội và nền luân lý Kitô giáo qua các khoá học, các dịp tĩnh tâm, hội thảo….
Bên cạnh đó, để khôi phục cảm thức về tội, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Tông huấn Sám hối và Hoà giải nhắc nhở thêm: “Điều này (khôi phục cảm thức về tội) sẽ được hỗ trợ nhờ một nền giáo huấn chân chính được soi sáng bởi Thần học Kinh Thánh về Giao ước, nhờ việc chăm chú lắng nghe và tin tưởng đón nhận Huấn quyền của Hội Thánh không ngừng soi dẫn các lương tâm và nhờ việc thực hành chu đáo hơn nữa Bí tích Sám Hối”.
Cuối cùng là việc hướng dẫn người trẻ đến với nguồn suối ân sủng là các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Sám Hối. Qua Bí tích Sám Hối, người trẻ sẽ xem xét lại lương tâm của mình để nhìn nhận những thiếu sót, lỡ lầm. Không những hướng dẫn cho người trẻ đến với Bí tích Sám Hối khi mắc tội trọng mà nên khuyến khích họ năng đến với toà cáo giải để xưng thú các tội nhẹ. Khi các bạn trẻ năng đi xưng tội, kể cả những lúc chỉ mắc tội nhẹ thì cũng giúp cho việc xét đoán của lương tâm được bén nhạy, chống lại những xu hướng thấp kém xấu xa, và tiến bộ trong đời sống tinh thần.
Tóm lại, để lương tâm của người trẻ nhận định đúng sai, thiện ác, cần cung cấp cho họ một hệ thống đạo lý và những tiêu chuẩn hành động luân lý. Dựa trên những cơ sở đó, lương tâm của người trẻ sẽ đưa ra phán đoán về các giá trị luân lý mà họ sẽ làm. Bên cạnh đó, cũng nên hướng dẫn họ trông cậy vào lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa qua Bí tích Giao Hoà, cho dẫu họ đang phải đối mặt với những cam go của cuộc sống.
Kết
Huấn luyện lương tâm luôn đòi hỏi một quá trình dài. Không thể mong đợi việc giáo dục này trong một thời gian ngắn ngủi. Lương tâm phải được rèn luyện từ nhỏ ngay trong môi trường gia đình dưới sự hướng dẫn của cha mẹ. Một lương tâm được rèn luyện tốt sẽ phán đoán ngay thẳng và chân thật. Việc giáo dục lương tâm rất cần thiết cho những người chịu các ảnh hưởng tiêu cực và bị tội lỗi cám dỗ làm theo ý riêng và bỏ những giáo huấn chính thức. Giáo dục lương tâm là nhiệm vụ phải theo đuổi suốt đời. Giáo dục lương tâm bảo đảm tự do và tạo bình an trong tâm hồn.
Giáo dục lương tâm hay huấn luyện lương tâm chính là giúp cho con người nhận thức được sự biến chất, thoái hóa cái tâm của mình và cố gắng cải thiện, cố gắng điều chỉnh để đưa cái tâm bị biến chất, thoái hoá về với cái chính tâm, cái tâm thiện tức là lương tâm. Nhờ sự hướng dẫn của lương tâm, mỗi người, trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, luôn có thể lắng nghe, nhận ra được Ý Chúa và quyết tâm đem ra thực hành.
Mến chúc các bạn luôn mở rộng lòng đón nghe tiếng Chúa, giáo huấn của Giáo Hội, lời dạy bảo của những người hữu trách, siêng chăm học giáo lý, lãnh nhận các Bí Tích, nhờ đó các bạn sẽ có một lương tâm ngay thẳng để không ngừng yêu mến và làm điều thiện, tránh xa điều ác.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Hạnh