"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

35 năm Cộng Đoàn Công Giáo Hamburg

Con tàu nhân đạo Cap Anamur đã cứu 11.300 người Việt tị nạn trên biển Đông 

1. Hình thành Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hamburg

Cùng với những làn sóng thuyền nhân rời Việt Nam tìm tự do vào cuối thập niên 70, sau khi may mắn được con tàu nhân đạo Cap Anamur cứu vớt, người Việt tỵ nạn tại Hamburg nói chung và những giáo dân nói riêng đã đặt bưóc chân đầu tiên lên xứ sở bắc Âu lạnh lẽo này vào cuối năm 1979. Nhóm người với con số khoảng 200, trong số đó có trên 30 người Công Giáo, đã được chính quyền địa phương dành riêng cho một chung cư lớn ở đường Halskestraße thuộc quận Bilstedt.

Trong những bỡ ngỡ, lạ lẫm của thuở ban đầu, những chật vật trong việc sống và giữ đạo trong xã hội mới, đã không ít những chuyện vui buồn khó quên xảy ra đối với họ. Một ông cụ kể lại:„Chủ nhật đầu tiên, lò dò vô nhà thờ dự lễ, ngồi hơn nửa tiếng đồng hồ mà vẫn chả thấy Cha cụ gì cả! Mãi sau mới biết là mình vô lộn nhà thờ Tin-Lành!..“

Ông nói thêm: „Có biết tiếng Tây tiếng U gì đâu, về sau cứ thấy nhà thờ nào có con gà ở trên nóc thì chui vô là chắc ăn thôi!“

Có lẽ đây không phải là trường hợp duy nhất. Và có lẽ những giáo dân Việt Nam lúc bấy giờ cũng không ngờ rằng, những cố gắng tưởng chừng như lẻ loi và âm thầm trong việc sống đạo của họ đã được các giáo phận điạ phương quan tâm đến. Khởi đầu với sự giúp đỡ của cha Rembert Panther, lúc bấy giờ là chánh xứ nhà thờ St. Erich Rothenburgsort (sau là linh mục chánh xứ tại St. Agnès-Jenfeld/Tonndorf, hiện nay ngài đã về hưu).

Lm. Rembert Panther và Lm. TU Phaolô Phạm Văn Tuấn 

Với nụ cười thân thiện, một ít tiếng Anh và một chiếc xe 9 chỗ ngồi, Cha đã tận tâm đưa đón những „con chiên lạc“ để họ có điều kiện đi dự các Thánh lễ ngày Chúa nhật.

Và rồi một biến chuyển quan trọng vào hơn một năm sau đó đã xảy ra: vào tháng 12 năm 1980, cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hamburg, một cộng đoàn với ban đại diện „mới tinh“ vừa được thành lập, đã chào mừng đại lễ Giáng-Sinh lần đầu tiên do tân-nhiệm Lm tuyên úy Giuse Nguyễn Trung Điểm cử hành!


Lm. Giuse Nguyễn Trung Điểm

Nguyên là linh-mục phó xứ Fulda lúc bấy giờ, theo lời mời của các giáo phận vùng bắc Đức, Cha đã nhận lãnh trách nhiệm chăn dắt đàn chiên của mình, một đàn chiên, mà trong cuộc điện thoại Cha đã nói: „..tiếng là đi tìm chiên lạc, khi gặp họ mới thấy, họ „lạc“ là lạc nơi xứ lạ quê người, chứ con tim của họ chả „lạc“ tí nào cả!..“, nói tới đây Cha cười vui vẻ.

Nhờ những chuyến đi xuôi ngược của Cha để gặp gỡ và liên kết các giáo dân cư ngụ rải rác từ thượng lưu sông Rhein đổ lên bờ biển phiá bắc, các cộng đoàn Việt Nam tại đây đã lần lượt ra đời.

Cha Điểm cho biết thêm: „…Đi thì nhiều lắm, đi hoài! Từ Berlin qua Hamburg, lên Kiel, về Osnabrück, Münster, Oldenburg, Bremen v.v., nhưng lúc đó tôi không thấy mệt mỏi gì cả. Gặp giáo dân cũng lắm chuyện vui. Nhiều chỗ tôi mới đến lần đầu, họ không biết mặt và vì không thấy áo dài thâm, một lần có người than với tôi: sắp lễ rồi mà sao vẫn chưa thấy ông Cha tới vậy kìa!...“

Lm. Giuse Huỳnh Công Hạnh

Kể từ lúc hình thành cho đến nay, Cộng Đoàn đã 35 tuổi! Con số 12 gia đình với trên 30 người giờ đây đã có khoảng 200 gia đình gồm trên 700 giáo dân, và đã được sự chăm sóc của các Cha tuyên úy:

- Linh mục Giuse Nguyễn Trung Điểm, 1980 - 1994,
- Linh mục Giuse Huỳnh Công Hạnh, 1994 - 1997,
- Linh mục Phaolô Phạm Văn Tuấn, từ 1999 đến nay
.

Các linh mục trong Thánh Lễ Đồng Tế kính Thánh Quan Thày Giuse Khang (2011) tại St. Mariae Himmelfahrt (từ trái: Gioan Đặng Xuân Hải, Giuse Nguyễn Trung Điểm, Phaolô Phạm Văn Tuấn, Dr. Francis Hồ Ngọc Thỉnh, Hans-Joachim Winkens SAC)

Nhân sau biến cố vĩ đại vào năm 1988 qua sự việc phong Thánh cho 117 vị Tử Đạo tiêu biểu nhất của Việt Nam, cộng đoàn cũng đã nhận Thánh Giuse Khang là Thánh Bổn Mạng. Kể từ đó cộng đoàn có tên gọi mới là „Cộng Đoàn Thánh Giuse Khang“.

Tượng Thánh Giuse Nguyễn Duy Khang

2. Các tổ chức và sinh hoạt nội bộ

Nằm trong khuôn khổ sinh hoạt của cộng đoàn, các tổ chức cũng được thành lập để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn mạnh của cộng đoàn. Các ban đại diện đã nối tiếp nhau trong các nhiệm kỳ để phụ giúp Cha tuyên-úy trong các công tác mục vụ.

Họp Ban Đại Diện, 12.04.1992

Tiệc mừng

Đón khách từ phương xa

Đón đức TGM Averkamp, TGP Hamburg

Ca đoàn Thánh Linh

Ca đoàn Hamburg được thành lập vào năm 1981, lúc bấy giờ chỉ với 5 đến 7 anh chị em, ngày nay đã lên đến hơn 20 ca viên. Để công việc phụng vụ về Thánh Ca trong các buổi lễ được chu đáo, các anh chị em trong ca đoàn đã phải tập dợt liên tục hàng tuần, một việc làm đòi hỏi nhiều nhẫn nại và sức chịu đựng bền bỉ, không phải do ngẫu hứng mà thành được. Ngoài những phụng vụ thường xuyên trong các hôn lễ, tang lễ, ca đoàn luôn có mặt trong các dịp quan trọng như Đại Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam của vùng bắc Đức hoặc Đại Hội Công Giáo thường niên do Liên Đoàn Công Giáo tổ chức. Cả trong những sinh hoạt đối ngoại với các tổ chức của các giáo xứ địa phương, ca đoàn đã nhiều lần chứng tỏ sự trưởng thành của mình trong công tác „đem chuông đi đánh xứ người“.

Kiệu thánh quan thày CĐ Giuse Nguyễn Duy Khang

Hai sinh hoạt đặc trưng của giới cao niên cũng được thành lập từ những năm đầu tiên. Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, đúng như tên gọi, quy tụ khoảng 20 bà Mẹ trong Cộng Đoàn, hội họp hàng tháng nhằm đọc kinh cầu nguyện cũng như thăm viếng những người đau ốm. Nhóm Chia Sẻ Lời Chúa với khoảng 15 thành viên, gặp gỡ mỗi một hoặc hai tháng để suy niệm lời Chúa, chia sẻ kinh nghiệm sống đạo cũng như thăm viếng an ủi các nhóm viên khi đau ốm hoặc gia đình khi có kẻ qua đời.

Hội Các Bà Mẹ Công Giáo 

Hằng năm vào ngày 1/11, lễ Các Linh Hồn, cả hai nhóm đều đến các nghĩa trang để thăm viếng phần mộ và đọc kinh cầu nguyện cho các tín hữu đang yên nghỉ tại đây.

Nhằm duy trì truyền thống tôn sùng trái tim Mẹ Maria, kể từ năm 1985 Cộng Đoàn đã tổ chức các buổi đọc kinh Tôn Vinh Nữ Vương gia đình. Mỗi năm có khoảng 25 gia đình được đón rước Đức Mẹ đến nhà để cuối tuần cùng mọi người trong Cộng Đoàn dâng lời kinh cầu nguyện cho Giáo Hội và quê hương, cho Cộng Đoàn cũng như cho ý chỉ riêng của gia đình. Đây cũng chính là một trong những sinh hoạt quan trọng của cộng đoàn, nhờ đó mà mối tương quan giữa mọi người mỗi ngày thêm khắng khít hơn.

Rước Đức Mẹ thánh du đến các gia đình


Các em thiếu nhi dâng hoa kính Đức Mẹ

Thiếu Nhi Thánh Thể

Nói về sinh hoạt thiếu nhi và thiếu niên có lẽ phải nhắc đến phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể được thành lập vào năm 94/95. Các buổi sinh hoạt hàng tuần, khi các em được học tiếng Việt, được ca hát, vui chơi trong khuôn viên nhà thờ dưới sự hướng dẫn của đội ngũ huynh-trưởng, đã mang lại biết bao vui mừng cho các bậc phụ huynh lúc bấy giờ. Một điều đáng tiếc là đoàn đã phải ngưng hoạt động vào năm 2001, mà lý do chính là sự thiếu thốn về nhân lực. Tuy vậy, trong việc nhận định đúng đắn về một phong trào, thì kết quả của việc làm bao giờ cũng là một yếu tố thứ yếu so với những nỗ lực để dấn thân phục vụ cho lý tưởng của tất cả các thành viên.



Mừng Chúa Giáng Sinh

Đội Banh Công Giáo Hamburg, quán quân Giải Túc Cầu 1999 tại Hamburg 

Một tổ chức khá đặc biệt và sinh động dành cho giới trẻ, đội banh Công Giáo Hamburg, đã ra đời năm 1985. Ngày nay với một lực lượng cầu thủ đáng kể, đội banh đã thu hút các anh em hâm mộ thể thao từ bé đến lớn, trong cũng như ngoài đạo, „hút“ luôn cả „cúp lớn cúp nhỏ“ trong các đợt tranh giải trong và ngoài tiểu bang.

Vấn đề thông tin về lịch trình phụng vụ và sinh hoạt cộng đoàn cũng được chăm sóc chu đáo qua tờ Thông Tin Mục Vụ hàng tháng do Cha Tuyên úy gửi về từ trung tâm mục vụ Borsum. Ngoài ra, cứ 3 tháng, Bản Tin Cộng Đoàn cũng được gửi đến tay mọi người để thông báo những tin tức quan trọng, những hoạt động trong tương lai cũng như những kêu gọi tín hữu trong tinh thần Bác ái cho việc đóng góp giúp đỡ giáo hội quê nhà, ủng hộ ủy ban Cap Anamur cứu người vượt biển, giúp đỡ các trại tỵ nạn, cứu trợ bão lụt, giúp đỡ các trại cùi v.v.

3. Sinh hoạt với các giáo xứ Đức

Đức Giám Mục Averkamp, TGM địa phận Hamburg, đến thăm Cộng Đoàn

Trong chiều hướng hội nhập và gìn giữ mối quan hệ tốt đẹp với các giáo xứ và người dân địa phương, Cộng Đoàn luôn nỗ lực để tham gia những sinh hoạt trong giáo phận. Việc tham dự bán thức ăn truyền thống trong ngày lễ "Ausländerfest" (lễ ngoại kiều) hàng năm tại Quickborn đã không những nằm trong mục đích gây quỹ từ thiện, mà còn tạo được sự cảm thông giữa giáo xứ địa phương và cộng đoàn nói riêng cũng như người Việt Nam tỵ nạn nói chung. Cũng cùng trong ý thức ấy, cộng đoàn luôn có mặt trong các lễ „Sommerfest“ (lễ mùa hè) tại các giáo xứ như St. Joseph tại Hamburg-Wandsbeck, Mariae Himmelfahrt tại Hamburg-Rahlstedt, St. Agnes tại Hamburg-Tonndorf và Heiliggeist tại Hamburg-Farmsen. Ngoài ra cộng đoàn còn tham gia các sinh hoạt „Weihnachtsbasar“ (chợ Giáng Sinh) trong mùa Giáng Sinh tại các giáo xứ địa phương.

***
Dù xa quê hương, cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hamburg, vẫn luôn hiệp thông với Giáo Hội tại quê nhà, gắn bó và đoàn kết để bảo tồn văn hóa Việt Nam và luôn cố gắng để là những nhân chứng sống động của Thiên Chúa trên xứ người. Và chúng ta tin tưởng rằng, Cộng Đoàn luôn luôn có sự đồng hành của Đức Maria, như Mẹ đã gìn giữ chúng ta qua những cơn sóng gió thật sự khi lênh đênh trên biển Đông, trên đường chạy trốn chế độ cộng sản, mong tìm một mảnh đất tự do để sống đạo, để sống cho đúng nhân phẩm con người.

"Lạy Mẹ là ngôi sao sáng, 
soi lối cho con lúc vượt biển thế gian.
Lạy Mẹ là ngôi sao sáng, 
soi lối cho con thẳng về nơi phúc nhàn.
Sống chết con trông nhờ bao nhiêu sức hộ phù,
lòng Mẹ sẵn sàng mà đoái đến con 
giúp con, đưa con về tới bến...."

Một con thuyền đã ra khơi! Nó còn phải vượt nhiều đại dương, đương đầu với nhiều sóng gió. Mong rằng mọi người giữ mãi niềm tin, với sự đồng hành của Chúa Giêsu, của Mẹ Maria và thánh quan thầy Giuse Nguyễn Duy Khang, cùng nhau lèo lái để cuộc vượt sóng này luôn là niềm an ủi và hãnh diện khi nghỉ tay nhìn lại chặng đường đã bỏ lại sau lưng.