"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Khùng chứ không ngu!


Một anh tài xế xe tải, làm công việc thường ngày giao hàng cho một bệnh viện tâm thần, đang đậu xe bên cạnh một ống cống. Lúc chuẩn bị rời bệnh viện, anh nhận thấy có một bánh xe bị xì hơi. Anh kích chiếc xe tải lên và tháo bánh xe xì hơi để thay bằng bánh xe dự phòng.

Khi định gắn bánh xe mới vào, anh lúng túng làm rơi cả bốn con ốc bánh xe xuống ống cống. Sau khi tìm mọi cách mà không thể nào vớt những con ốc ra khỏi ống cống được, anh bắt đầu hoảng lên vì không biết phải làm gì.

Lúc đó có một bệnh nhân của bệnh viện tâm thần đi ngang qua và hỏi anh tài xế, tại sao trông anh có vẻ hốt hoảng như vậy.

Người tài xế tự nghĩ, mình mà còn không làm được, huống gì cái gã điên này. Nhưng người tài xế xe tải cũng nói cho bệnh nhận sơ qua tình hình và đưa một cái nhìn thất vọng.

Người bệnh nhân cười anh tài xế và nói:
- Chỉ mỗi cái việc đơn giản như vậy mà anh cũng không làm được? Không lạ gì anh sinh ra chỉ làm cái nghề tài xế xe tải để sống!

Người tài xế lấy làm ngạc nhiên khi nghe lời nhận xét như vậy từ một gã tâm thần. Gã tâm thần nói:
- Đây là  điều anh có thể làm...
- Này nhé: Anh tháo từ mỗi bánh xe một con ốc từ ba bánh xe kia và gắn vô cái bánh xe này. Rồi anh lái xe xuống cửa tiệm gần nhất và gắn thêm những con ốc còn thiếu vô. Đơn giản quá mà, phải không anh bạn?

Người tài xế quá cảm kích với lối giải quyết nhanh chóng này liền hỏi người bệnh:
- Anh giỏi và thông minh như vậy mà sao lại ở trong cái bệnh viện tâm thần này nhỉ?

Người bệnh trả lời:
– Anh bạn ạ, tôi ở đây bởi vì tôi KHÙNG chứ không phải vì tôi NGU!

– !!! ???

Sốc quá đấy chứ! Quả thật, anh ta khùng chứ chẳng phải ngu.

Sống mà suy nghĩ, làm việc theo cách thông thường là chuyện bình thường. Sống mà suy nghĩ và hành động ngược lại với cách nghĩ của mọi người, thì có thể xã hội chung quanh sẽ cho rằng, như thế là khác thường, là bất thường.

Một người sống bất thường, khác thường có thể được kể là kẻ khùng. Sống bình thường như mọi người thì có thể giống anh tài xế kể trên.

Mỗi người sống trong một môi trường, hoàn cảnh xã hội, nơi có khi họ không muốn, không hài lòng. Mỗi hoàn cảnh có những thực tế, những bó buộc, những khuôn mẫu. Sống theo khuôn mẫu thì được gọi là bình thường, đi ngược lại thì có khi bị gọi là bất thường, là khùng, là điên. Và có khi nguy hiểm cả cho chính mình. 

Khuôn mẫu xã hội tạo ra một lối suy nghĩ. Lâu ngày lối suy nghĩ đó biến thành tập quán. Anh tài xế trong câu chuyện trên là nạn nhân của tập quán suy nghĩ, nên anh luống cuống không tìm ra giải pháp cho vấn đề của mình.

Bệnh nhân mang tiếng "khùng" ở trên có lẽ không nằm trong tập quán đó (cũng có thể anh ta vì lý do nào khác, do cách sống "bất thường", đã bị đưa vào bệnh viện tâm thần để "chữa trị". Cách làm này trong môi trường sống ở Việt Nam hiện nay không phải là chuyện hiếm hoi!).

Nói cách khác, "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn" có khi cũng bị cho là "khùng". "Ai cũng làm thế thôi!" đó là lời biện minh của những người tự cho mình là "bình thường".