"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Những nghịch lý Tin Mừng


Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nói với các Tông Đồ và với chúng ta hôm nay những nghịch lý Tin Mừng như là những quy luật tất để đạt tới hạnh phúc và vinh quang đích thực. Đó là nghịch lý thập giá, chết sẽ sống và cho sẽ nhận lại. Để hiểu sâu hơn về mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta lần lượt tìm hiểu từng giáo huấn ngày.

1- Nghịch lý thứ nhất: Giờ thập giá là giờ vinh quang

Đối với cái nhìn thế gian, thập giá được coi là một nhục hình tồi tệ nhất. Những ai bị treo trên thập giá là những người bị nguyền rủa, bị chúc dữ, cả Thiên Chúa cũng ruồng bỏ họ. Trong thời đế quốc Rôma, thập giá là một hình phạt dành cho các trọng tội, cho lớp bần đinh, nô lệ, những tên đại tặc hay phiến loạn. Tội nhân thường bị đánh đòn, và sau đó phải vác thanh ngang tới pháp trường. Tử tội bị lột hết áo quần và bị đóng đinh vào khổ giá cho đến chết mà không được an táng, nhưng phải phơi thây làm mồi cho dã thú. Vì tính cách nhục nhã như vậy nên không ai muốn làm anh hùng bằng cái chết trên Thập giá.

Tuy nhiên, theo Tin Mừng thánh Gioan, giờ Chúa Giêsu bước lên thập giá là giờ vinh quang. Bởi thế, Gioan trình bày Tin Mừng của mình thành hai phần: phần các dấu chỉ và phần vinh quang. Phần các dấu chỉ gồm các phép lạ và hành vi Chúa làm. Phần vinh quang thuật lại cuộc thương khó và phục sinh của Chúa Giêsu.

Trong chương 12,20-33 Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh!” Quả thết, giờ mà toàn bộ sứ mạng Chúa Giêsu hướng tới là giờ thập giá, là kairos, giờ quyết định cho vận mạng thế giới. Giờ tử nạn trên thập giá là giờ mà Người phải đi qua, giờ phải thi hành, để vào hưởng vinh quang Người đã có trong Chúa Cha. Đây một nghịch lý khó hiểu nhưng lại là chân lý nền tảng nhất của Kitô giáo. Bởi thế, đoạn Tin Mừng kết thúc với những lời rất ý nghĩa: “Phần tôi, khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.”

Thật vậy, theo thần học của thánh Gioan, thập giá trở thành nơi bộc lộ vinh quang Thiên Chúa: Thiên Chúa tỏ vinh quang của tình yêu khi ban Con một mình cho nhân loại; nơi Đức Giêsu, thập giá không còn phải là một nhục hình nhưng là ngai tòa mà Người hành sử vương quyền, không phải vương quyền theo nghĩa trần tục nhưng là vương quyền của tình yêu. Thập giá trở thành nguồn ơn cứu độ cho loài người chúng ta.

Khi nói về nghịch lý của thập giá, thánh Phaolô tuyên bố: “Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1 Cr 1,18-25).

2- Nghịch lý thứ hai: Chết để sống

Thứ đến, nghịch lý thứ hai là dụ ngôn về hạt lúa mì: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh nhiều hạt khác” (Ga 12,24).

Trong Tin Mừng, chúng ta tìm thầy nhiều nơi Chúa Giêsu nói với người cùng thời của Người bằng nhiều hình ảnh từ đồng ruộng vốn rất gần gũi họ. Chẳng hạn như dụ ngôn người gieo giống, về mùa gặt, hay vườn nho, cây nho v.v… Nhưng Chúa Giêsu không dừng lại một cách tự nhiên ở phạm vi nông nghiệp. Cũng như những hình ảnh và dụ ngôn khác, hình ảnh hạt lúa mì được Chúa dùng để chuyển tải cho chúng ta một giáo huấn mà xem ra rất nghịch lý nhưng rất ý nghĩa và hiện sinh liên quan đến chính Người và các môn đệ Người, bao gồm cả chúng ta.

Thật vậy, hạt lúa mì ở đây trước hết là chính Người, Đức Giêsu Kitô. Như một hạt lúa mì gieo vào lòng đất, Ngôi Lời được Thiên Chúa Cha gieo vào thế gian khi Người nhập thể làm người, qua mầu nhiệm tự hủy (kenosis). Người đã trút bỏ địa vị Thiên Chúa, trở nên một người phàm hèn như chúng ta (x. Pl 2,4-6). Đặc biệt, Người đã chịu khổ nạn trên thập giá và nhờ quyền năng của Thánh Thần, Thiên Chúa đã làm cho Người phục sinh. Cái chết và sự phục sinh của Người mang lại muôn vàn hoa trái cho nhân loại giống như hạt lúa mì chấp nhận chết đi và sinh nhiều bông hạt khác. Nhờ cái chết của Chúa, con người được sống và được ơn cứu độ, Giáo Hội được sinh ra từ cạnh sườn Người. Nhờ sự phục sinh của Chúa, sự dữ và thế lực sự chết bị hủy diệt, Chúa Kitô mang lại cho con người sự sống vĩnh cữu.

Hình ảnh hạt lúa mì chết đi cũng được áp dụng cho mỗi người kitô hữu chúng ta. Cũng như hạt lúa mì không được gieo vào lòng đất, điều gì sẽ xảy ra? Hoặc chim trời đến ăn mất, hoặc nó bị khô héo, hay hư hoại, hoặc bị bán đi làm lương thực và sự sống của nó kết thúc. Nhưng nếu nó được gieo vào ruộng đất, nó chấp nhận thối đi, rồi mọc lên và sinh nhiều bông hạt. Một cách tương tự, nếu con người không được biến đổi đến nhờ đức tin và phép rửa, nếu con người không chấp nhận những hy sinh rèn luyện, mà chỉ sống ở bình diện tự nhiên, chỉ dừng lại ở sự ích kỷ cá nhân, họ sẽ kết thúc một cách nghèo nàn và hủy diệt. Ngược lại nếu con người tin vào Thiên Chúa và chấp nhận thập giá, hy sinh và hiệp thông với Chúa Kitô, bấy giờ, họ mở ra với chân trời vĩnh cữu.

Như thế, với hình ảnh hạt lúa mì, Đức Giêsu đưa ra cho chúng ta một quy luật để sống: phải qua đau khổ để tới vinh quang. Nếu không chấp nhận chết đi, thì sẽ không có sự sống, trở nên nghèo nàn và không lợi ích gì. Không vất vả, không có kết quả (no pain, no gain). Điều gì đến dễ dàng cũng sẽ ra đi dễ dàng.

3- Nghịch lý thứ ba: “Giữ sẽ mất, cho sẽ tìm lại”

Cũng trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu còn thêm một nghịch lý thứ ba nữa: “Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12,25; cf. Mt 16,25). Đây quả là một nghịch lý đối với lý luận và tính toán của con người. Chúng ta thường nghĩ rằng “cho là mất, cất là còn.” Nên người ta tìm mọi cách để chiếm hữu, để tích lũy, để hưởng thụ tối đa cho riêng mình. Trong khi đó Chúa Giêsu nói ngược lại, là “hiến dâng sẽ tìm lại được”. Đây chính là chân lý được Người mạc khải như là quy luật để chúng ta tìm thấy sự viên mãn trong đời sống mình.

Quả thế, sự sống trong chúng ta không dừng lại trong mình. Nó có sức mạnh tự thân lan tỏa, kết hợp, sáng tạo. Nếu chúng ta cố giữ nó lại, nó sẽ chết và làm cho chúng ta chết. Không một ai trong chúng ta có thể sống trọn vẹn, tròn đầy, viên mãn mà lại không cố gắng trao ban sự sống mà mình đã lãnh nhận, đã hội nhập, đã tăng trưởng. Chúng ta chỉ có thể làm triển nở và phát triển sự sự ấy khi biết trao ban, hiến dâng và phục vụ tha nhân. Phần thưởng mà Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta theo như Lời Chúa hứa: “Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy. Như thánh Phanxicô Assisi nói: “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi, là khi vui sống muôn đời.”
Khi nói đến nghịch lý hiến dâng, nhà thần học Michael Quoist quả quyết: “Cuộc sống được hiến dâng sẽ không bị mất gì cả… Cuộc sống này còn được trao lại cho bạn gấp trăm lần. Khi Đức Giêsu ở trên thập giá, đã với với Cha Người: ‘Con xin phó dâng cuộc đời con trong tay Cha.’ Người đã dâng cho Cha cuộc sống của Người, cùng với cuộc sống của bạn và cuộc sống của toàn thế giới. Chúa Cha đã chấp nhận tất cả, và ba ngày sau, Người đã trao lai cho Chúa Giêsu tất cả đã được hiển dung, phục sinh.”[1]

Câu chuyện thần thoại của người Hy Lạp về chàng Narcissus minh chứng cho nghịch lý này: Anh ta chỉ yêu mình, say đám mình và ngắm mình trên mặt hồ và để chiếm hữu mình nên nhảy xuống nước. Rút cuộc anh ta chết!

Xin Chúa ban ơn nâng đỡ để chúng ta có đủ can đảm đi vào đường lối và logic của Thiên Chúa.

Rev. Petrus Nguyễn Văn Hương
................
[1] Michael Quoist, Xây dựng con người nhân bản, Nxb. Tôn Giáo, Tp. HCM 200, 141.