Đống đổ nát của khu nhà được dòng Chúa Cứu Thế cho thương phế binh ở, bị chính quyền phá hủy. Ảnh được cung cấp
Hơn 100 ngôi nhà bao gồm một ngôi nhà Giáo hội dành làm nhà ở cho các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, bị quan chức nhà nước phá hủy ở miền nam Việt Nam.
Những người sống trong các khu nhà này đa số là người Công giáo, cho biết họ gần như không được thông báo trước về vụ cưỡng chế ở Lộc Hưng, Sài Gòn.
Chính quyền quận Tân Bình “đã hoàn thành việc cưỡng chế tháo dỡ 112 căn nhà xây dựng trái phép” ở khu vườn rau hôm 04.01. và 08.01., tờ báo Tuổi Trẻ của nhà nước đưa tin.
Tờ báo dẫn lời các quan chức quận buộc tội người dân địa phương buôn bán trái phép khu đất được chính quyền khẳng định là đã có dự án xây trường học và các cơ sở công cộng.
Các phương tiện truyền thông nước ngoài đưa tin có khoảng 300 công an tham gia vụ cưỡng chế trong đó có dùng máy ủi.
Trong số các ngôi nhà bị phá hủy có một ngôi nhà thuộc sở hữu của dòng Chúa Cứu Thế dùng làm nhà ở cho các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, vốn là những người không có người thân và phải bán vé số để kiếm sống.
Các thương phế binh cho biết công an ép họ phải mang đồ đạt sơ tán ngay trước khi bắt đầu phá hủy ngôi nhà hôm 08.01. Họ nói họ không được thông báo trước về vụ cưỡng chế này. Một số người thậm chí không kịp mang theo tay chân giả và nạng.
Một thương phế binh nói công an hứa cấp cho mỗi người 2 triệu đồng (86 Mỹ kim) nếu họ chuyển đến đồn công an nhưng họ từ chối vì không tin công an.
Ông cho biết các thương phế binh bạn ông đã đến nhà dòng Chúa Cứu Thế để xin trợ giúp.
Cha Antôn Lê Ngọc Thanh thuộc dòng Chúa Cứu Thế, người khởi xướng chương trình tri ân thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, kêu gọi người dân giúp các thương phế binh vô gia cư này có chỗ tạm trú.
Cha Thanh cho biết các tượng Thánh Giuse, Đức Mẹ và một thánh giá đặt tại nhà ở dành cho các thương phế binh này đã bị công an cưỡng chế khiêng đi.
“Các việc làm và lòng tốt của chúng tôi dành cho các anh chị em cần giúp đỡ đã bị vụ cưỡng chế của chính quyền tước mất”, vị linh mục nói.
Ngài cho biết chi phí xây ngôi nhà bị phá hủy hiện nay được các nhà hảo tâm trong và ngoài nước tài trợ. Cha Thanh nói ngôi nhà được xây trên lô đất rộng 220 mét vuông do dòng Chúa Cứu Thế mua của một gia đình địa phương đã sinh sống ở đó từ lâu.
Khu đất do Hội Thừa sai Hải ngoại Paris (MEP) sở hữu từ năm 1954 cũng bị tịch thu, theo Asia News.
Một người nói bị công an tra tấn
Ông Cao Hà Trực, người Công giáo có 4 người con, lên án chính quyền tước đoạt sinh kế khi phá hủy 11 phòng trọ của ông. Ông Trực bị công an bắt, chất vấn và tra tấn hôm 08.01. vì phản đối vụ cưỡng chế. Gia đình ông sinh sống và trồng trọt trên khu đất này từ năm 1954 sau khi từ ngoài bắc chuyển vào nam để tránh bị cộng sản ngược đãi.
Một số nhà hoạt động miêu tả vụ cưỡng chế tàn bạo và vô tâm khiến hàng trăm người không có nhà ở trước Tết Nguyên Đán, rơi vào đầu tháng 2 năm nay.
Nhà cầm quyền nói họ sẽ hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình bị cưỡng chế, nhưng không bồi thường thiệt hại và mất mát gì cả.
Phản ứng trước việc chính quyền nói họ dự định sử dụng khu đất này, cha Thanh phát biểu người dân địa phương không phản đối các dự án phát triển nhưng phản đối cách làm của nhà cầm quyền.
Việc chính quyền cộng sản tịch thu đất đai và tài sản của Giáo hội được người Công giáo địa phương sử dụng đã trở thành vấn đề lâu nay tại Việt Nam.