"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Cuộc triệt thoái bắt đầu


Các nhà ngoại giao ở Mĩ đánh giá thấp những hậu quả của sự rối loạn mà họ đã gây ra. Và thời đại hậu Mĩ quốc đã bắt đầu.

Chỉ cần biết một chút lịch sử thôi ta cũng hiểu được rằng, việc tuyên truyền thế nào rồi cũng có hiệu quả, dù lối tuyên truyền đó được thực hiện một cách hết sức lộ liễu và trâng tráo. Nó hữu hiệu, không phải nhất thiết vì được người nghe coi đó là bạc thật, mà đôi khi chỉ là vì người ta sợ quyền lực của kẻ tung tin.

Tuyên truyền thành công nhất trong một không gian rỗng, nghĩa là khi nó không gặp thông điệp cạnh tranh nào cả hay khi chủ nhân của thông điệp này không được tin cậy. Ít nhất từ giữa tháng Ba tới nay chính Trung Quốc đang ở trong bối cảnh này. Nó được tự do tuyên truyền trong một thế giới đã bị vi khuẩn Corona làm thay đỗi tận gốc, và nhất là nhờ sự thảm bại buồn cười của Mĩ trong việc chống dịch.

Chẳng có gì lạ, khi nhiều tờ báo trên thế giới đưa ra những phê bình mặt này mặt khác về chính sách ngoại giao của Mĩ và đổ trách nhiệm cho Tổng Thống của họ. Điều này đã có từ khi Mĩ trở thành cường quốc thế giới. Nhưng lối đưa tin, mà chúng ta đang chứng kiến hôm nay, có một nét khác lạ.

Lần này người ta không tấn công trực tiếp Tổng Thống của Liên Bang Châu Mĩ (LBCM, viết tắt Mĩ). Mà người ta cười cợt ông. Beppe Severgnini, một trong những bỉnh bút nổi tiếng nhất nước Italia hiện thời, nói với tôi, nước ông vô cùng cảm thông với người dân Mĩ, vì họ cũng bị đau khổ vì dịch như dân tộc của nước ông. Nhưng Donald Trump đã tạo cho họ có những tình cảm khác. “Trong thời buổi đen tối và đầy trầm cảm này, Trump đã giúp chúng tôi có được những giây phút giải trí.”

Trong lúc Trump đang chìm ngỉm trong những cười cợt, thì nội các của ông cũng biến mất khỏi sân khấu quốc tế. Carl Bildt, thủ tướng của Thuỵ-điển trong thập niên 90, đặc sứ của Liên Hiệp Quốc trong chiến tranh Bosnien và sau đó làm bộ trưởng ngoại giao nhiều năm, nói với tôi về sự ngạc nhiên của ông: Trong ba mươi năm tham chính ông chưa bao giờ thấy có một cuộc khủng hoảng quốc tế nào mà không có sự can thiệp của Mĩ. “Thường thì chuyện diễn ra như thế này: khi đâu đó trên thế giới có chuyện gì xẩy ra: một cuộc động đất, một cuộc chiến hay chuyện gì đi nữa, thì tất cả đều chờ xem hành động của Mĩ, rồi ai nấy sẽ theo đó mà điều chỉnh giải pháp cho mình.”

Nhưng lần này người Mĩ… chẳng làm gì cả. Hay nói đúng hơn: Trong khi nhiều thủ hiến, tỉnh trưởng, bác sĩ, các nhà khoa học, các công ti của Mĩ còn làm một cái gì đó để chống dịch, thì Nhà Trắng ngồi yên bất động. Trong cơn khủng hoảng này LBCM không có tổng thống lãnh đạo cũng như chẳng có sự lãnh đạo của Mĩ trong thế giới. Thêm vào đó là những bất ổn nội bộ sau cái chết đầy bạo lực của George Floyd.

Nhóm G7 – Mĩ và sáu quốc gia đồng minh gắn bó nhất – có họp đấy, để cùng nhau ra một tuyen bố về đại dịch Corona. Nhưng ngay một nỗ lực chính trị hấp nóng tình hình như thế cũng kết thúc bằng một cuộc cãi vã ngớ ngẩn, khi ngoại trưởng Mĩ Pompeo cứ nằng nặc đòi phải ghi thêm chữ “vi khuẩn Vũ Hán” vào tuyên bố chung, khiến các thành viên tham gia còn lại chán nản bỏ cuộc. Chưa đủ, vị Tổng Thống còn nói năng những lời rồ dại. Chưa đủ, nước Mĩ còn tự tạo nổi bật bằng sự vắng bóng của mình; nhà ngoại giao cao nhất của nước này lại trở thành như một anh hài dai – không ngừng tung ra những phát ngôn hùng hồn, để che đậy sự thật về khả năng nắm bắt tình hình của mình.

Các diễn viên quốc tế khác rút ra được kết luận cho họ qua động thái đó, và họ rút ra một cách nhanh chóng lạ lùng. Những tiếng cười trước các lời bình thiếu khả năng và bốc phét về chính sách chống dịch của Trump đã là một điểm mốc lịch sử. Một sự chuyển đổi, vốn đã bắt đầu từ lâu trước đó, nay bỗng xem ra không thể nào chận đứng được nữa. Dù ta chưa nhìn ra được các chiều kích thật sự của khủng hoảng i tế và thảm hoạ kinh tế, thực tế đang cho thấy sự xuất hiện của một trật tự thế giới hậu Mĩ quốc. Trong thế giới này quan điểm của Mĩ trở nên kém quan trọng, trong khi trọng lượng của các đối thủ của họ lại gia tăng. Điều này sẽ khiến cho động năng chính trị thế giới thay đổi đến mức, mà người Mĩ khó còn hiểu nổi.

Ta quan sát chiến lược đàng sau chiến dịch tuyên truyền đầy tham vọng của Trung Quốc. Trên nhiều phi trường khắp thế giới cứ diễn đi diễn lại một hoạt cảnh như nhau, khi những kiện hàng cứu trợ của Trung Quốc được chở tới – từ Pakistan qua Italia cho tới Israel. Luôn luôn cùng một bản thảo: Máy bay hạ cánh, một nhân vật cao cấp của nước nhận hàng chào mừng các chuyên viên trung quốc trong bộ đồ bảo hộ kín mít cho thấy chúng tôi đây là những chuyên gia có khả năng. Lời cám ơn trao qua gởi lại. Dĩ nhiên việc cứu trợ được gọi là nhân đạo này một phần lớn là màn tuyên truyền.

Vì thật ra một phần hàng đó thường là hàng mua phải trả tiền. Một số quà tặng, chẳng hạn các bộ thử nghiệm vi khuẩn, sau đó cho thấy là không dùng được. Người nhận hẳn hiểu rằng, toàn bộ những hàng quà đó là để đánh loảng câu hỏi của thế giới về nguồn gốc và sự lây lan của con dịch. Nhưng dù vậy, sự tuyên truyền vẫn có phần thành công, là vì người nhận đứng trước sự tính toán này: Dù ngờ vực, thì cũng nên chấp nhận thái độ kẻ cả của họ – với hi vọng trong tương lai sẽ nhận được đầu tư của họ.

Trong thế giới tây phương lập luận đó đặc biệt thành công ở Italia. Người Italia mệt mỏi vì con dịch và ngất ngư vì đóng cửa kinh tế và giãn cách xã hội. Trước đó trong nhiều năm người dân nước này vốn đã bị phân rã do những chiến dịch tin giả của thuyết âm mưu trên các mạng xã hội (một số trong đó có nguồn gốc từ Nga). Chúng tấn công vào khối liên minh truyền thống và đặc biệt chống lại NATO và Liên Hiệp Âu Châu (EU). Rồi Trung Quốc lại bồi thêm những chiến dịch tuyên truyền không cần che đậy của họ. Mạng thông tin tràn ngập với những Hashtags về tình hữu nghị Trung – Italia (#forzaCinaeItalia) và về cám ơn (#gracieCina).

Một số hoạt động ngoại giao ít lộ diện còn ảnh hưởng quyết định hơn cho sự biến chuyển liên minh. Cách đây một năm Italia đã trở thành thành viên quan trọng nhất của EU gia nhập kế hoạch “Một Vành Đai Một Con Đường” của Trung Quốc. Đó là kế hoạch buôn bán và xây dựng hạ tầng cơ sở, nhằm gia tăng mối liên kết Âu-Á và làm đối trọng thay thế cho các thoả ước thương mại xuyên Thái Bình Dương và xuyên Đại Tây Dương, mà Trump đã rút ra. Ngoại trưởng Luigi Di Maio của Phong Trào Năm Sao có mối liên hệ chặt chẽ với Peking. Đầu tư của Trung Quốc ở Italia càng ngày càng trở nên quan trọng. Một đại gia đỏ trung quốc đã mua đội túc cầu Inter Mailand; các ngân hàng trung quốc đã nắm được phần lớn cổ phần trong các đại công ti như công ti dầu Eni và công ti xe hơi Fiat.

Nhờ những thiệt hại kinh tế do đại dịch gây ra, chính sách sáp lại gần của Peking ở Roma giờ đây có thể mang lại hoa trái. Maurizio Molinari, chủ bút của tờ La Republica, cho tôi hay, các thương gia trung quốc ở Italia đang trên đường đi tìm mua những công ti xí nghiệp bị khủng hoảng. Ông cho biết, các tiền đạo của họ đang tủa ra dò hỏi các nhà máy có cơ vỡ nợ; họ tìm liên lạc với các chủ nhân để gạ mua. Tôi hỏi, tại sao Italia lại mê Trung Quốc như thế? – Chỉ vì Tiền! Ngược lại với thái độ dấn thân của Trung Quốc ở nước này, chính quyền Mĩ ngay từ khi đại dịch bắt đầu đã nghe lời Trump quyết định chận ngay mọi chuyến bay từ Italia. Ngoài một món viện trợ muộn màng và ít ỏi, Italia cảm nhận được rất ít tình thân hữu từ Mĩ.

Ở những nơi khác, tuyên truyền của Trung Quốc cũng gặp được đất tốt. Những hàng viện trợ đã tới Nhật và Nam Hàn, hai quốc gia liên minh của Mĩ. Họ tìm mối quan hệ thắt chặt với Donald Trump, nhưng lại được ông này phủ đầu với đòi hỏi phải trả thêm tiền cho sự đóng quân của Mĩ trên nước họ. Là những nước láng giềng và là những đối thủ trước đây, Nhật và Hàn có dư lí do để tỏ ra thận trọng với Trung Quốc. Nhưng giờ đây vì Trump trở thành trò cười của thế giới và Mĩ muốn rút khỏi trò chơi quyền lực hoàn cầu, Tokio và Seoul đành phải thu xếp với Peking, để tình đường ăn chắc cho mình.

Trung Quốc cũng giúp Iran, một quốc gia giữ vai trò như một cột mốc quan trọng trong kế hoạch “Một Vành Đai”. Những nhà lãnh đạo Iran có quyền hi vọng ở Peking: họ có thể chịu đựng những đòn phạt của Mĩ, khi vị Tổng Thống của nước này trở thành một khuôn hình chẳng còn mấy ai phải quan tâm trên trường quốc tế.

Trong đại dịch các liên hệ của Trung Quốc với các nước Ả-rập cũng gia tăng. Khi dịch nổ ra, Katar, Ả-rập Sau-đi và Kuwait gởi viện trợ cho Vũ Hán. Về sau Peking đã gởi lại hàng quà của mình cho họ. Ngoại trưởng nước Liên Hiệp Ả-rập Emirate khen Trung Quốc là nước mô mẫu trong việc ngăn chận dịch Corona. Đầu tháng Ba các chuyên viên i tế trung quốc hạ cánh xuống phi trường Bagdad – một toán tiền quân, nhằm chờ lợi dụng cuộc rút quân không thể tránh được của Mĩ ở nước này.

Trên khăp mọi nơi, nước Mĩ giờ đây cho thấy sự vắng bóng, lãng tránh, khập khễnh – và buồn cười – của mình.

Phải nói rõ: ở đây tôi không có í tìm cách khen những việc làm của Trung Quốc. Tôi chỉ muốn lái sự chú í tới sự thành công mà họ có thể đạt được, trong khi thế giới đang cười cợt về ông Tổng Thống của Mĩ. Bên trong quả bóng đang bao quanh ngoại trưởng Mike Pompeo người ta có thể mạnh dạn và hữu hiệu tuyên bố về “vi khuẩn Vũ Hán” và buông ra những lời nói hùng hồn tấn công Trung Quốc. Nhưng trong thực tế bên ngoài xếp của ông bị thiên hạ coi như một anh hề đầy tai hoạ và chính ông cũng được họ coi như một tay sai của anh hề đó, và chẳng còn ai chịu nghe các ông nữa. Một khoảng trống chính trị thế giới mở ra, và chế độ trung quốc đang dẫn đầu cuộc đua trám chỗ trống này.

Cứ theo những tuyên bố mới đây của họ, thì các đại diện của Trump chưa hiểu được tầm vóc của sự hỗn loạn, mà họ đã gây ra cho chính sách đối ngoại của Mĩ. Pompeo vẫn đang mải mê lo tổ chức các đòn phạt đối với Iran – như thể Nga, Trung Quốc và các đồng minh âu châu vẫn còn đang đồng tình với mình. Vừa rồi, một kí giả người Pháp hỏi Philip Reeker, phó ngoại trưởng Mĩ đặc trách Âu Châu, là cuộc khủng hoảng Corona có giúp hàn gắn lại những thiệt hại trong mối bang giao giữa Mĩ và Âu Châu không. Câu trả lời ra vẻ quan trọng của ông nghe ra như câu trả lời của một đại diện Bộ Chính Trị của Liên-xô cuối những năm 1980. “Tôi phản đối cái tiền đề trong câu hỏi của ông”, Reeker hạ lệnh như thế, và rồi cả quyết “sự cộng tác giữa Pháp và Mĩ đang diễn ra tốt đẹp một cách đáng kể”. Quả thật có một cái đáng kể duy nhất, đó là chẳng có sự cộng tác tốt đẹp nào lúc này giữa Pháp và Mĩ.

Những phân tích của các học giả về bang giao Mĩ - Trung hình như cũng xa lạ với với thực tế. Tốt, khi những cựu thành viên của chính quyền Trump viết trên các tạp chí chuyên về ngoại giao rằng, sau đại dịch Mĩ phải có thái độ mới đối với Trung Quốc, phải thắt chặt các đồng minh lại để đối phó với Trung Quốc và phải thay đổi các quy luật về thương mại quốc tế, để đưa Trung Quốc vào khuôn khổ. Nhưng nếu Trump tiếp tục muốn lãnh đạo thế giới chống lại Trung Quốc, thì ai nghe, ai theo? Chắc chắn Italia sẽ từ chối thẳng thừng. EU sẽ chần chừ theo kiểu ngoại giao. Cả những người bạn thân thiết của Mĩ ở Á Châu cũng sẽ lần lữa đợi thời. Các nước phi châu sẽ phải cân nhắc và đành phải làm lành với cả hai phía – cho dù họ cũng phải giận dữ trước chủ trương bài người Phi ở Trung Quốc trong thời gian vừa qua.

Tôi ước ao mình có thể nói được một cách chắc chắn, là một tổng thống Joe Biden có thể sẽ đảo ngược được những diễn tiến trên đây. Nhưng phải chờ vào năm tới thì điều này có thể đã quá trễ. Những kỉ niệm về các kiện hàng viện trợ của Trung Quốc hãy còn đọng nơi tâm trí. Và trò cười của ông Tổng Thống đề nghị chích thuốc khử trùng vào máu để chống dịch cũng vẫn còn khiến nhiều người tiếp tục lắc đầu. Và người thay thế ngoại trưởng Pompeo cũng chỉ có bốn năm ngắn ngủi để hàn gắn những thiệt hại; thời gian quá ngắn, không đủ.

Và nếu như Trump lại được bầu tiếp? Mỗi quốc gia có thể một lúc nào đó sa phạm lỗi lầm và bầu lên một vị lãnh đạo dở. Nhưng nếu người Mĩ bầu Trump lần thứ hai, thì đó là một thông điệp rõ ràng gởi tới thế giới: Quý vị chớ nên quan tâm tới dân tộc chúng tôi nữa. Chúng tôi cũng thiển cận như Tổng Thống đần độn, tự kỉ và thiếu suy nghĩ của chúng tôi. Và việc mỗi nước trên thế giới từ đó phải tự tìm cho mình lối đi riêng sẽ là điều chẳng gây cho ai ngạc nhiên cả.

Anne Applebaum
Phạm Hồng-Lam dịch từ bản Đức ngữ
*Anne Applebaum là nhà sử học và tác giả của báo The Atlantic.
Bản dịch Đức ngữ trên Die Zeit, số 25 ngày 10.06.2020