"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Hãy tập làm điều thiện


“Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình”
(Isaia 1, 17)

Lời Sống tháng này trích từ chương thứ nhất trong sách Tiên tri I-sa-i-a. Câu này đã được chọn cho Tuần lễ cầu nguyện cho công cuộc hợp nhất các tín hữu Ki-tô được cử hành tại miền bắc bán cầu từ ngày 18 đến ngày 25 tháng giêng. Bản văn đã được một nhóm Ki-tô hữu tại thành phố Minnesota, Hoa kỳ, chuẩn bị.

Đề tài công bình là một đề tài nóng bỏng. Những tình trạng bất bình đẳng, bạo động và những thành kiến gia tăng trên lãnh thổ của một xã hôi phải khó nhọc làm chứng cho một nền văn hóa hòa bình và hiệp nhất. Và thời tiên tri I-sa-i-a không khác với thời đại chúng ta. Những cuộc chiến tranh, nổi loạn, việc tìm kiếm giầu sang, quyền bính, thờ ngẫu tượng, gạt người nghèo ra lề, đã làm cho dân It-ra-en lạc đường. Với những lời rất cứng rắn, tiên tri nhắc nhở cho dân mình về cuộc hành trình hoán cải, bằng cách chỉ cho họ con đường trở về tinh thần ban đầu của giao ước Thiên Chúa thực hiện với ông A-braham.

“Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình”

“Hãy tập làm điều thiện” nghĩa là gì? Chúng ta hãy đặt mình trong thái độ muốn học biết. Điều này đòi chúng ta phải ra sức. Trong cuộc hành trình mỗi ngày chúng ta luôn có điều gì phải hiểu biết, phải canh tân, chúng ta có thể bắt đầu lại, nếu ta sai lầm. “Hãy tìm kiếm lẽ công bình” nghĩa là gì? Nó giống như một kho báu ta phải tìm kiếm, ước ao, là đích điểm của hành động của ta. Thực thi công bình giúp chúng ta tập làm điều thiện. Đó là biết nắm bắt ý Chúa, điều là sự thiện của ta. Tiên tri I-sa-i-a đưa ra những tấm gương cụ thể. Những người mà Thiên Chúa yêu chuộng hơn cả, vì họ là những người yếu kém nhất, những người bị áp bức, những người mồ côi và góa bụa. Thiên Chúa mời gọi dân mình chăm sóc người khác cách cụ thể, nhất là những người không có khả năng đòi quyền lợi của mình. Những cách thực hành tôn giáo, những nghi lễ, hi lễ, lời cầu nguyện, không được Người chấp nhận, nếu chúng không phù hợp với việc kiếm tìm và thực hành việc thiện cũng như công bình.

“Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình”

Lời Sống này thúc đẩy chúng ta giúp đỡ người khác, có được cái nhìn chú ý, trợ giúp người thiếu thốn cách cụ thể. Cuộc hành trình hoán cải đòi chúng ta phải mở rộng cõi lòng, trí tuệ, bàn tay, nhất là đối với những người đau khổ.

“Lòng mong muốn và việc kiếm tìm công bình từ muôn thuở đã được in vào lương tâm con người, chính Thiên Chúa đã đặt vào lòng họ. Nhưng mặc cho những chinh phục và tiến bộ đạt được suốt dòng lịch sử, mọi sự vẫn còn rất xa việc thực hiện trọn vẹn chương trình của Thiên Chúa! Những cuộc chiến tranh mà ngày nay vẫn còn tiếp diễn, cũng như việc khủng bố và những tranh chấp chủng tộc, là dấu hiệu của tình trạng bất bình đẳng xã hội và kinh tế, của những bất công, oán thù. […] Không có tình yêu, không có sự tôn trọng con người, không chú ý đến những nhu cầu của họ, thì những mối liên hệ cá biệt tuy có thể đúng, nhưng cũng có thể trở thành quan liêu, không thể mang lại câu trả lời quyết định cho những đòi hỏi của con người. Không có tình yêu thì sẽ không bao giờ có công bình thực sự, không có việc chia sẻ của cải giữa những người giầu và người nghèo, cũng như sự chú ý đến từng người một và đến hoàn cảnh cụ thể họ gặp”.

“Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình”

Sống cho một thế giới hiệp nhất là nhận lấy những vết thương của nhân loại qua những cử chỉ nhỏ bé, chúng có thể giúp xây dựng gia đình nhân loại. Một hôm anh J. người Ác-gen-ti-na tình cờ gặp ông hiệu trưởng trường nơi anh đã dậy học, ông này đã lấy cớ nào đó để sa thải anh. Ông hiệu trưởng nhận ra anh, tìm cách tránh mặt, nhưng anh đi đến gặp ông. Anh hỏi thăm tin tức và ông kể những khó khăn trong thời gian gần đây, nay ông đang sống tại một thành phố khác và đang tìm việc làm. Anh J. nhận giúp đỡ ông và ngày hôm sau loan tải tin giữa những người quen biết là anh đang tìm việc cho một người. Không bao lâu sau đã có câu trả lời. Khi ông hiệu trưởng được tin về một chỗ làm mới, hầu như ông không tin. Ông chấp nhận với lòng biết ơn sâu xa và cảm động về sự kiện chính người ông sa thải đã chú ý đến ông một cách cụ thể. Sau đó anh J. đã nhận được “gấp trăm”, vì chính lúc đó anh nhận được hai việc làm mà anh đã luôn mong ước từ ngày bắt đầu đại học. Anh cũng kinh ngạc và xúc động bởi tình yêu cụ thể này của Thiên Chúa.

Patrizia Mazzola và nhóm Lời Sống thực hiện