“Anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật” (Ep 5. 8-9)
Thánh Phao-lô viết cho cộng đoàn ở Ê-phê-sô, một thành phố lớn và hùng vĩ, nơi thánh nhân đã sống, đã rửa tội và rao giảng Tin mừng cho dân chúng. Có lẽ lúc này thánh nhân đang bị giam cầm tại Roma, vào khoảng năm 62. Ngài đang trong hoàn cảnh đau khổ, nhưng đã viết cho các Ki-tô hữu, không phải để giải quyết những vấn đề của cộng đoàn, nhưng để loan báo cho họ vẻ đẹp của chương trình Thiên Chúa dành cho Giáo hội đang nẩy sinh. Thánh nhân nhắc nhở các tín hữu ở Ê-phê-sô rằng, qua hồng ân phép Rửa và đức tin, họ đã đi từ chỗ là “bóng tối” đến chỗ là “ánh sáng” và khuyến khích họ cư xử cách phù hợp. Đối với thánh Phao-lô, đó là theo đuổi một hành trình, một cuộc tăng triển liên tục trong việc hiểu biết Thiên Chúa và ý muốn yêu thương của Người, một việc bắt đầu lại ngày này qua ngày khác. Như vậy, thánh nhân mong muốn khích lệ họ sống cuộc sống hằng ngày theo lời kêu gọi họ đã nhận được: là “những người bắt chước Chúa Cha” như “những người con rất được yêu thương”: thánh thiện, giầu lòng xót thương.
“Anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật”
Cả chúng ta, những tín hữu Ki-tô trong thế kỷ hai mươi mốt, cũng được mời gọi “nên ánh sáng”, nhưng chúng ta có thể cảm thấy mình không được như vậy, mà bị chi phối bởi những giới hạn hoặc những tình huống bên ngoài. Làm sao bước đi với niềm hi vọng, mặc cho bóng tối và những bấp bênh đôi khi xem ra chế ngự chúng ta? Thánh Phao-lô tiếp tục khuyến khích chúng ta: Lời Chúa đem ra thực hành soi sáng chúng ta và làm cho chúng ta có khả năng “chiếu sáng như những vì sao” (Phil 2,15) trong nhân loại lạc hướng này. “Như một Ki-tô khác, mỗi người nam nữ chúng ta đều có thể mang lại một đóng góp [...] trong tất cả mọi lãnh vực của sinh hoạt con người: nơi khoa học, nghệ thuật, chính trị. [...] Nếu chúng ta đón nhận Lời Người ta càng ngày càng đồng bộ với tư tưởng của Người, với tình cảm của Người, với lời Người dạy. Lời Chúa soi sáng mọi sinh hoạt của ta, nắn thẳng và sửa lại mọi diễn tả của cuộc sống ta. [...] “Con người cũ” của ta lúc nào cũng sẵn sàng rút lui vào chỗ riêng tư, chăm lo cho những lợi ích nhỏ nhoi của riêng mình, quên đi những người bên cạnh, trở nên dửng dưng trước công ích, trước những đòi hỏi của nhân loại chung quanh. Vậy chúng ta hãy lại thắp lên trong tâm hồn mình ngọn lửa tình yêu và chúng ta sẽ có những con mắt mới để nhìn chung quanh” (C. Lubich, Lời sống tháng chin 2005).
“Anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật”
Ánh sáng Tin mừng, khi được từng người và cộng đoàn sống, sẽ đem lại niềm hi vọng và củng cố những liên hệ xã hội, cả khi những tai ương như Covid gây nên đau khổ và làm tăng thêm nạn nghèo đói. Tại Phi-luật-tân, như anh Jun kể, trong lúc nạn dịch lên cao, một cộng đoàn bị hỏa hoạn tàn phá và nhiều gia đình mất mọi sự: “Cho dầu chúng tôi nghèo, vợ tôi và tôi rất muốn giúp đỡ. Chúng tôi chia sẻ tình trạng này với nhóm những người chạy xe thuê của tôi, mặc dầu tôi biết họ cũng đang khổ như chúng tôi. Điều đó không ngăn cản những người bạn của tôi ra tay; chúng tôi đã quyên góp được những hộp cá mòi, những gói mì, gạo và những đồ ăn khác và đem tặng cho những nạn nhân hỏa hoạn. Nhiều khi vợ tôi và tôi chúng tôi cảm thấy nản lòng khi nghĩ đến tương lai, nhưng chúng tôi luôn nhắc nhớ câu Tin mừng dạy: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8, 36). Mặc dầu không giầu có gì, chúng tôi tin là mình luôn có cái gì để chia sẻ vì lòng mến Chúa Giê-su nơi người khác và lòng mến yêu này thúc đẩy chúng tôi tiếp tục chân thành cho đi và tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa”. Đó là để cho tâm hồn mình được soi sáng. Những hoa quả của hành trình này – sự lương thiện, công chính và sự thật – được Chúa vui nhận và trở nên nhữngchứng từ cho cuộc sống của Tin mừng, hơn là bất cứ một lời nói nào. Và chúng ta đừng quên sự nâng đỡ ta nhận được từ tất cả những người chúng ta cùng chia sẻ cuộc hành trình nên thánh này trong cuộc sống. Điều tốt chúng ta nhận được, sự tha thứ lẫn nhau chúng ta cảm nghiệm, việc chia sẻ của cải vật chất cũng như tinh thần chúng ta có thể sống: đó là tất cả những trợ giúp quý giá, chúng mở ra cho chúng ta niềm hi vọng và làm cho chúng ta nên những chứng nhân.
Chúa Giê-su đã hứa: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20). Người là Đấng sống lại, là nguồn sự sống Ki-tô của chúng ta, Người luôn luôn ở cùng chúng ta trong lời cầu nguyện chung và trong tình thương yêu nhau, để sưởi ấm tâm hồn chúng ta và dọi sáng tâm trí chúng ta.
Patrizia Mazzola và ban biên tập
Patrizia Mazzola và ban biên tập