"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Tam Nhật Thánh – Triduum Sacrum


Tam Nhật Thánh

Tam Nhật Thánh là cao điểm quan trọng nhất của Năm Phụng Vụ, thường được gọi với các tên như: Tam Nhật Thánh (Holy Triduum), Tam Nhật Vượt Qua (Paschal Triduum), Tam Nhật Phục Sinh (Easter Triduum). Đây là trung tâm điểm của đức tin Kitô giáo: sự chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô.

Từ “Triduum” có gốc tiếng La Tinh nghĩa là “ba ngày”:
- Thứ Năm Tuần Thánh (Gründonnerstag/Maundy Thursday) bắt đầu từ chiều tối thứ năm và kết thúc vào chiều tối thứ sáu.
- Thứ Sáu Tuần Thánh (Karfreitag/Good Friday) bắt đầu từ chiều tối Thứ Sáu và kết thúc vào chiều tối thứ bảy.
- Thứ Bảy Tuần Thánh (Karsamstag/Holy Saturday) bắt đầu từ chiều tối Thứ Bảy và kết thúc vào Kinh Chiều (Vesper) của Chúa Nhật Phục Sinh.

Tam Nhật Thánh bắt đầu từ chiều Thứ Năm Tuần Thánh và kết thúc vào Kinh Chiều của Chúa Nhật Phục Sinh. Tam Nhật Thánh bao gồm 3 ngày trọn vẹn: bắt đầu và kết thúc vào chiều tối. Như vậy, Tam Nhật Vượt Qua bao gồm: Thứ Năm Tuần Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh, Thứ Bảy Tuần Thánh, đêm Vọng Phục Sinh. Đỉnh cao của Tam Nhật Thánh là Chúa Nhật Phục Sinh.

Tam Nhật Thánh là một phần của Mùa Chay, nên, Thứ Năm, Thứ Sáu và Thứ Bảy Tuần Thánh vẫn được tính vào 40 ngày Mùa Chay truyền thống.

Tam Nhật Thánh tưởng niệm Mầu Nhiệm Thánh Thể (Bí tích của các Bí tích), Mầu Nhiệm Tử Nạn và Mầu Nhiệm Phục Sinh vinh quang của Chúa Giêsu vào sáng Chúa Nhật Phục Sinh. Các Mầu Nhiệm quan trọng của Tam Nhật Thánh, cùng với Mầu Nhiệm Thăng Thiên làm nên Mầu Nhiệm Vượt Qua (Ostergeheimnis/Paschal Mystery).

Lễ Truyền Dầu trước Tam Nhật Thánh

Sở dĩ được gọi là Lễ Truyền Dầu, bởi vì trong Thánh Lễ này Đức Giám Mục sẽ thánh hiến:
- Dầu SC (Sacrum Chrisam), để dùng vào việc thánh hiến nhà thờ, bàn thờ và trong các bí tích Rửa Tội, Thêm Sức, Truyền Chức Thánh,
- Dầu OS (Oleum Sanctum) hay OC (Oleum Catechumenorum), để dùng cho dự tòng,
- Dầu OI (Oleum Infirmorum), để dùng cho bệnh nhân.



Lễ Truyền Dầu còn có mục đích tưởng niệm việc Chúa Giêsu lập Bí Tích Truyền Chức Thánh, tấn phong một số người được tuyển chọn lên làm Linh Mục, ban cho họ quyền hành động nhân danh Đức Kitô để làm những việc mà đúng ra chỉ mình Thiên Chúa mới có thể làm, như tái diễn hy lễ của Đức Kitô trên Thánh Giá, tha tội cho con người...

Lễ Truyền Dầu liên quan trước tiên đến các Linh Mục. Vì thế, vào một ngày thích hợp trước Tam Nhật Thánh (thường là thứ năm Tuần Thánh), các linh mục trong Giáo Phận quy tụ về xung quanh vị Chủ Chăn Giáo Phận để cử hành Thánh Lễ Truyền Dầu. Trong Thánh Lễ này các linh mục sẽ lặp lại lời thề với Đấng Bản Quyền: trung thành với Sứ Vụ Linh Mục đã được trao phó cho mình.

Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền OSB