ĐIỀU GỌI LÀ SỰ DỮ
Seewald: Huyền thoại kể rằng,
lúc đầu các thiên thần mang đầy ơn nghĩa và vinh quang Chúa. Các ngài được ngắm
dung nhan Chúa, được cầu nguyện và đầy hạnh phúc. Nhưng Lu-zi-fer, một trong
những thiên thần bên cạnh Chúa, đã sa chước cám dỗ kiêu căng và muốn chống lại
Chúa. Lu-zi-fer và đồng bạn vì thế phải sa hoả ngục.
Cố gắng giải thích sự
dữ đó của huyền thoại Kinh Thánh cho tới nay vẫn không ổn. Hiện nay các nhà
khoa học quan sát thấy nơi con người có hiện tượng „gia tăng sự man rợ khả
nghiệm và của tính xấu không thể hiểu nổi“. Thánh Phao-lô đã mô tả: “Tôi lỗi
luật, sự dữ hiện diện trong tôi, mặc dầu tôi muốn làm điều lành“. Người ta còn
kể, Luther đã thấy sự dữ, nghĩa là đã thấy Sa-tan, bằng xương bằng thịt,
và ông đã ném bình mực vào đầu Sa-tan. Câu hỏi nền tảng: Tại sao Chúa lại dựng
nên Sa-tan? Tại sao Ngài lại dựng nên cho chính Ngài một đối thủ?
Nhưng không thể nói Chúa tạo ra Sa-tan. Câu chuyện Lu-zi-fer
sa hoả ngục mới hình thành sau này. Nó muốn nói lên rằng, rõ ràng không phải
Chúa tạo nên các lực thần dữ. Các lực này xuất hiện rõ nét trong câu chuyện đức
Giê-su trừ quỷ. Chúa chỉ tạo nên thần lành. Và sự dữ không bao giờ là một cái
gì độc lập, song nó chỉ xuất hiện như là phủ định của một sự lành. Chỉ trong
tương quan với sự lành mới có sự dữ, chứ một mình sự dữ thì không có.
Cơn cám dỗ đã như thế
nào?
Nhắc lại: Chúa đã không tạo ra vua sự dữ nào cả, Ngài chẳng
cần có một Chúa đối lập nào đứng bên cạnh. Điều Ngài đã tạo ra, là tự do và
hoàn cảnh trong đó nhiều khi ta không thấy rõ được tự do đó.
Kinh Thánh cho hay, những lực thần dữ đó có thể là gương soi
cho ta. Qua chúng, ta có thể nhận ra cái nguy hiểm của tự do có hình thù dễ sợ
như thế nào. Hình thù đó có dạng như sau: Tạo vật càng lớn, nó càng muốn
có nhiều độc lập, càng muốn bớt bị lệ thuộc và muốn mình trở thành một thứ chúa
tể, chẳng cần nhờ ai giúp nữa. Đây là lúc xuất hiện ý muốn bất cần đời, mà ta
gọi là kiêu ngạo.
Luôn luôn có cám dỗ nơi loài linh thiêng. Cám dỗ đó xuất
hiện như một thứ ngược đời: nó khiến người ta coi tình yêu là lệ thuộc,
chứ không phải là quà tặng để tôi được sống. Nó khiến người ta coi tình yêu
không như là nguồn lực sự sống nữa, mà như cái gì hạn chế sự độc lập của mình.
Bằng cách nào có thể
nhận ra sự dữ?
Có lẽ phải nói, chẳng bao giờ có thể chứng minh được quỷ.
Nhưng ta biết, ngoài tính xấu nơi con người ra, còn có những rối loạn và phá
hoại trong tạo dựng, còn có một thứ lực ganh tị, nó muốn lôi ta đi và nhấn ta
xuống. Đó là điều Kinh Thánh và đức tin ki-tô giáo muốn ta phải ý thức. Nhưng
phải nhớ rằng, không bao giờ được nâng quỷ lên thành một nghịch chúa, vị này có
thể đối đầu và chống trả lại Chúa. Cuối cùng rồi thì phủ định cũng chẳng có
quyền lực gì. Sự dữ, tuy là một mối nguy và một cám dỗ thường trực, nhưng kỳ cùng nó không phải là đối thủ ngang hàng của Chúa. Ta phải luôn biết rằng, chỉ
có Chúa là Chúa, và ai bám vào Ngài, kẻ đó chẳng cần sợ gì mọi quyền lực
Sa-tan.
Hitler có phải là „Sa-tan
bằng xương bằng thịt không“, như một số người vẫn nói? Sartre có lần bảo: „Quỷ
là Hitler, là Quốc-xã Đức“. Và triết gia gốc Do-thái Hannah Arendt, khi nói về
những hành vi tội ác của chủ nghĩa phát-xít, đã dùng một từ nổi tiếng để mô tả:
„nỗi tầm thường của sự dữ“.
Quả thật lạ. Một tay lớn lên từ đáy tầng xã hội, chẳng
học-thức gì, ăn không ngồi rồi, mà lại có thể làm dấy động cả một thế kỉ. Với
cái nhìn thông suốt quỷ quái, i đã có những quyết định chính trị và đã có thể
làm cho mọi người, ngay cả những kẻ trí thức, nghe theo.
Hitler là một hình tượng ma quái. Đọc lịch sử các tướng lãnh
người Đức, ta thấy trong họ ai cũng muốn chống lại, nhưng rồi cuối cùng lại bị
ông ta hớp hồn và không còn dám nói lên ý kiến riêng của họ nữa. Nếu nhìn thật
gần con người mang nét mê hoặc ma quái đó, ta lại thấy y quả là một tay thật
tầm thường. Và cuối cùng, chính vì quyền lực sự dữ cắm lều trong sự tầm thường,
nên ta cũng nhận ra phần nào diện mạo của nó: sự dữ càng lớn, nó càng trở
nên nghèo nàn, và kích thước lớn lao của nó thật ra chẳng lớn gì cả.
Có thể nói, Hitler cũng đã nhìn ra được trước những hoàn
cảnh ma quái. Chẳng hạn, tôi đã đọc một phúc trình về việc chuẩn bị cho chuyến
thăm của lãnh tụ phát-xít nước Í ở Berlin. Những người được uỷ thác công việc
theo nhau đưa ra đề nghị. Nhưng rồi, sau một hồi lâu suy nghĩ, Hitler tuyên bố:
„Không, mọi đề nghị đều trật lất. Tôi thấy phải làm như thế nào rồi“. Và rồi,
như trong một cơn xuất thần, y nói ra toàn bộ kế hoạch, và kế hoạch đó cũng đã
được thực hiện. Nghĩa là, đâu đó có một siêu lực ma quái khiến cho cái tầm
thường trở nên lớn lao – và cái lớn lao trở nên tầm thường – và nhất là khiến
nó trở nên nguy hiểm và phá hoại.
Chắc chắn không thể nói Hitler là một con quỷ. Ông ta là một
con người. Nhưng, qua những tường trình đáng cậy của những người mắt thấy tai
nghe, xem ra Hilter có những cuộc gặp gỡ với ma quỷ, y hay run lên và nói: “Nó
lại tới kìa”, hoặc những câu đại loại như thế. Ta không thể tìm hiểu ngọn ngành
được điều đó. Tuy nhiên, tôi tin, một cách nào đó, y có dính dáng với ma quỷ;
điều này có thể thấy qua cách y sử dụng quyền lực, qua những khủng bố và đại
hoạ do quyền lực của y gây ra.
Như thế nghĩa là nơi
Chúa dứt khoát không có vực sâu, không có mặt tối? Không như kiểu nơi con người
có “hai hồn ngủ gật trong lồng ngực tôi”?
Câu hỏi đó luôn được đặt ra trong lịch sử tôn giáo, ngay cả
nơi các phong trào ngộ giáo trong lịch sử ki-tô giáo. Carl Gustav Jung cũng đã nhắc lại câu đó theo lối của ông, và
tự hỏi, phải chăng đấng Tối hậu cũng lại phải mang trong mình hai khuôn mặt? Và
ông tiếp: Phải chăng Thiên Chúa này cũng đồng thời là một con quỷ? Phải chăng
sự dữ bắt nguồn từ Ngài? Bởi vì, nếu sự dữ hiện hữu, thì nó hẳn phải là cái gì
xuất phát từ nơi Ngài?
Câu hỏi này khiến cho thế giới trở nên thật đáng sợ, bởi vì
Thiên Chúa quả đáng sợ. Nhưng câu đó đã được đức Ki-tô giải toả mọi thắc mắc,
khi chính Ngài đã chết cho chúng ta, và qua đó cho ta thấy vực thẳm yêu
thương nơi Thiên Chúa. Vì thế, thư Gia-cô-bê đã có thể viết: “Không có
bóng tối nơi Ngài”, bóng tối đến từ một chỗ nào khác, chứ Chúa, trái lại, là
nơi ta có thể hoàn toàn trông cậy; ma quỷ hay sự dữ không cắm neo trong Ngài,
và vì thế, khi Chúa trở nên tất cả trong mọi sự, thì đấng Tối hậu sẽ là kẻ giải
phóng khỏi mọi áp chế của sự dữ.
Dĩ nhiên ta phải đặt câu hỏi, nếu sự dữ không bắt nguồn từ
Thiên Chúa, thì nó từ đâu mà ra? Như vậy, nó làm sao có thể tồn tại? Nếu sự dữ
không do Chúa, thì làm sao còn nói được Chúa là đấng tác tạo mọi sự? Ở đây,
chúng ta lại đứng trước một vấn nạn vực thẳm. Câu trả lời của Ki-tô giáo và của
Kinh Thánh là: Nó tới từ tự do.
Như vậy, sự dữ không phải là một tạo vật mới, nó không phải
là một cái gì tự sinh tự tồn, nhưng, tự bản chất, nó là phủ định, nó là sự huỷ
diệt thụ tạo. Nó không phải là một hữu thể, vì hữu thể chỉ xuất phát từ nguồn
của mọi hữu thể, nhưng nó là cái không. Sức mạnh của cái không này quả làm cho
chúng ta rùng mình. Nhưng, tôi tin rằng, ta cũng an tâm khi biết rằng sự dữ
không phải là một tạo vật riêng rẽ, mà nó là một thứ cây chùm gởi. Nó sống nhờ
kẻ khác, và rốt cuộc nó sẽ tự giết nó, như số phận cây chùm gởi, một khi nó trở
thành ông chủ và giết kẻ bảo trợ mình.
Sự dữ không phải là thứ gì tự sinh, tự hữu, nhưng nó là phủ
định. Và khi tôi để mình sa vào sự dữ, thì đó là lúc tôi bỏ không gian triển nở
tích cực của hữu thể, để bước vào tình trạng ăn bám của phá hoại và phủ định
hữu thể.
THIÊN ĐÀNG VÀ HỎA NGỤC
Một trong những thành
tố cơ bản của đức tin là quan điểm về thiên đàng, hoả ngục, và ngay cả luyện
ngục. Quan điểm này ngày càng trở nên xa lạ và bị ngờ vực.
Chết không phải là hết, đó là xác tín của đức tin ki-tô
giáo. Ngoài ra, đây cũng là niềm tin chung của nhân loại, thể hiện dưới nhiều
hình thức khác nhau. Một cách nào đó, con người biết rõ: còn có một cái gì
thêm, còn có một cái gì hơn nữa. Điều đó có nghĩa là chúng ta có trách nhiệm
trước Chúa, có nghĩa là có một toà án, có nghĩa là cuộc sống con người có thể
được cứu rỗi hay bị hư mất.
Liên quan tới việc được cứu rỗi, mà chúng ta ai cũng hi vọng
đạt đến, dù mình vẫn còn nhiều thất bại, thì lửa luyện ngục đóng vai trò quan
trọng. Nào ai trong chúng ta có được cuộc sống toàn hảo. Và hi vọng cũng không có
nhiều người trong chúng ta hoàn toàn bị hư mất. Dù gặp nhiều thất bại, đa số
chúng ta vẫn ao ước điều tốt. Chúa có thể đưa tay đón lấy bình vỡ và hàn gắn nó
lại. Nhưng với điều kiện là ta phải có một sự thanh tẩy cuối cùng nào đó, tức
là lửa luyện ngục; ánh lửa nhìn của đức Ki-tô này, có thể nói, sẽ uốn ta lại
cho đúng, và nhờ đó ta mới có thể gặp được Chúa, và có thể bước vào được trong
nhà Ngài.
Nghe ra vừa khiêu
khích vừa cổ hủ.
Tôi tin đó là một cái gì rất người. Có thể nói, ngay cả nếu
không có luyện ngục thì cũng nên lập ra nó, vì ai dám bảo mình đã toàn hảo, có
thể trực diện với Chúa. Và ta cũng chẳng muốn mình, nói như trong Kinh Thánh,
là chiếc “bình bất hạnh” phải bị bỏ đi, nhưng muốn mình được cứu độ. Lửa luyện
ngục thật ra có nghĩa là Chúa hàn gắn lại những mảnh vỡ, là Ngài có thể thanh
tẩy ta thật sạch, để ta có thể tới được bên Ngài và có được một cuộc sống dư
đầy.
Còn các tín hữu Phật
giáo hay Tin lành làm gì ở thế giới bên kia? Một vở kịch xưa của tiểu bang
Bayern bảo rằng, dân Phổ có riêng một thiên đàng, bởi vì nếu không, thì thiên
đàng của Bayern không còn là thiên đàng nữa.
Tôi muốn nói rằng, với cái nhìn thật người, thì lửa luyện
tội cũng giúp ta bỏ đi được các chủ trương cá biệt kiểu đó. Nó giúp ta quẳng đi
những gì không kham nổi, và tẩy sạch những gì không thể chịu đựng, để trong ta
chỉ còn hiện ra cái tâm trong sáng, và ta nhận ra rằng, tất cả mọi người đều
thuộc vào một bản đại hoà tấu chung.
Còn các Phật tử, họ quan niệm tất cả chỉ là khổ đau, nên
cũng muốn bước ra khỏi bánh xe khổ đau của quá khứ, để bước vào một cõi không
tinh tuyền, nhưng cõi không này, một cách nào đó, cũng không phải là hoàn toàn
hư vô. Vì thế, dù với một lối diễn tả hoàn toàn khác ta, đạo đó cũng dạy một
cái gì như hi vọng vào một hiện hữu tối hậu chân thực.
Chúng ta chia sẻ với tín hữu tin lành niềm tin có thiên đàng
và hoả ngục. Vì nhiều lí do, trong đó có giáo huấn về công chính hoá, nên họ đã
không thể chấp nhận lửa luyện tội. Và có lẽ ta cũng chẳng nên tranh luận nhiều
về chuyện này. Trên căn bản, mọi người chúng ta đều mừng, khi biết Chúa sẽ uốn
nắn lại những gì ta không thể uốn nắn được.
Cầu nguyện cho kẻ chết
hẳn cũng bắt nguồn từ đó?
Có một lực thôi thúc uyên nguyên nơi con người, khiến họ
muốn làm một cái gì thêm cho người đã khuất, cũng như để nói lên tình yêu đối
với người đó, nhất là khi họ cảm thấy mình có lỗi với người quá cố. Chúng ta
tin rằng, mình còn có thể gởi một món quà sang bên kia thế giới cho người đã
mất. Nếu chỉ có thiên đường và hoả ngục không thôi, thì điều đó quả vô nghĩa.
Như vậy, cầu nguyện cho người chết hàm chứa nhận thức sâu
xa, là ta còn có thể làm điều tốt cho họ. Và tôi tin rằng, cái khía cạnh rất
nhân bản này chính là luyện ngục. Những người chết đang ở trong một tình trạng,
mà lời cầu của ta có thể giúp họ.
An-tịnh có lần phân
biệt „tạo dựng ban đầu“ và „tạo dựng tiếp tục“. Giáo hội thì nói tới „chương
trình cứu độ lớn của Chúa“. Như vậy, có nghĩa là trước sau Chúa vẫn ngồi trước
tập sách của Ngài và viết tiếp trang lịch sử sự sống, hết chương này tới chương
khác?
Trong Tin Mừng Gio-an, đức Ki-tô cũng có lần nói: „Cha Ta đã
tác động, và Ngài vẫn luôn tác động“. Ngài dùng cả chữ "làm việc",
vì Ngài được nói tới như một người làm công, và Ngài nói: Chúa đã làm việc và
Ngài luôn còn làm tiếp. Điểm này hoàn toàn giống như điều chúng ta có thể thấy
được trong khái niệm "Thiên Chúa sống động". Chúa không rút lui.
Trong Ngài, chỉ cần một nháy mắt là mọi sự đã có. Và mọi sự diễn ra không bao
giờ như một bánh xe quay nhàm chán, mà trái lại, luôn tiếp diễn như một hiện
tại sống động. Như thế, đúng là Chúa luôn hiện diện trong lịch sử. Lịch sử thâu
tóm sự duy nhất của í nghĩ và lời nói của Ngài, tắt lại, thâu tóm toàn bộ hiện
tại của Ngài trong từng cấp phát triển của nó.
Người ta cũng có thể
nghĩ rằng, giờ đây, chính con người là kẻ viết tiếp chương tạo dựng. Bởi vì
thiên nhiên cho tới nay đã cần hàng triệu năm để làm điều, mà ngày nay các nhà
nghiên cứu di tử và các nhà hoạ mẫu sinh học, chỉ bằng qua một nháy mắt lịch
sử, đã tạo ra nơi các loại thực phẩm và sinh vật mới.
Việc ráp nối di tử đó dĩ nhiên là một vấn nạn lớn. Một mặt,
đó là một cơ may. Nhờ đó, chúng ta đã tiến sâu vào cơ cấu uyên nguyên của sự
sống, để có thể nhận ra được những mật mã, và có thể cùng cấu trúc hoặc ngay cả
tái cấu trúc các di tử. Việc làm này tốt, bao lâu nó có tác dụng chữa lành và
còn tôn trọng tạo dựng. Nhưng khi con người tin rằng, chính mình là tạo hoá, là
thợ cấu trúc thế giới, lúc đó nó có thể trở nên kẻ phá hoại.
Vấn đề quan trọng ở đây, là phải biến sự kính trọng trước
những gì không được đụng đến thành một hiến chương cho mọi hành động con người.
Ta phải biết, con người không thể và không được phép trở thành thí vật cho kế
hoạch lắp ráp của chính con người. Ta phải í thức rằng, ngay khi bắt đầu lắp
ráp là trong ta có thể đã manh nha tư tưởng muốn cai trị thế giới, và điều này
đồng thời cũng có nghĩa là một tiềm năng phá hoại đã chớm nở.
Con người không thể tạo ra một cái gì cả, nó cùng lắm chỉ có
thể kết hợp một cái gì đó thôi. Với khả năng đó, nó có thể là một người giúp
việc và bảo vệ khu vườn Thiên Chúa, bao lâu nó còn tỏ ra khiêm tốn và kính
trọng đối với những í nghĩ đã có trong tạo dựng. Nhưng khi nó muốn làm tạo hoá,
lúc đó tạo dựng sẽ bị đe dọa.
CÂY SỰ SỐNG
Việc hái trái cây hiểu
biết đã là một tội tầy đình. Chúa đã cảnh cáo điều đó trong trình thuật Kinh
Thánh, và Ngài còn cảnh cáo tiếp về một chuyện tày đình hơn, chuyện cấm kị
tuyệt đối, đó là việc nhúng tay vào cây sự sống.
Sách Khởi-nguyên viết,
Chúa đã sai các thiên thần Che-ru-bim cầm gươm lửa đứng canh phía đông vườn địa
đàng, để không ai được tới gần cây đó, cho tới khi ngày phán xét đến. Chúa nói
trong Kinh Thánh „Vâng, con người giờ đây đã trở thành giống Ta, vì nó nhận ra
sự lành sự dữ. Giờ đây, chỉ còn việc là không để nó vươn tay tới cây sự sống,
hái trái ăn và sống đời đời!“ Phải chăng Chúa muốn dựng lên một biên cương cuối
cùng ở đây ? Nếu vượt qua, đương nhiên con người sẽ tự huỷ diệt mình?
Những hình ảnh lớn trên đây của sách Khởi-nguyên, rốt cuộc,
không thể giải thích hết được và sẽ không bao giờ hoàn toàn cạn í nghĩa. Chúng
còn bao gồm các chiều kích khác vượt lên trên mọi nhận thức của ta.
Trước hết, tôi muốn trình bày cái nhìn cổ điển do các giáo
phụ khai triển về những hình ảnh đó. Các ngài cho rằng, con người không được
gần cây sự sống, là vì con người đã ăn trái cây hiểu biết, và do đó tự đưa mình
vào một tư thế không còn xứng hợp. Khi đưa tay hái trái cây đó, con người đã
chuốc vào mình một số phận thảm thương. Trước hoàn cảnh mới này, Chúa bảo, con
người không được gần cây sự sống nữa, bởi vì, nếu như nó bất tử trong tình
trạng này, thì quả đó là điều khốn nạn cho nó.
Như vậy, việc cấm tới gần cây sự sống, là nơi gắn liền với
số phận sự chết, là một ân huệ. Nếu chúng ta phải bất tử trong tư thế ta đang
sống, thì đó không phải là một tình trạng đáng mong. Trong một cuộc sống với
quá nhiều hỗn mang, thì cái chết là một hồng ân, tuy nó vẫn là một mâu thuẫn và
là một biến cố bi thảm đối với từng người. Bởi vì nếu không, cuộc sống theo
kiểu đó sẽ nên bất tử, và thế giới như thế sẽ trở thành nơi hoàn toàn không thể
dung thân được.
Phải chăng sứ điệp của
hình ảnh trên ngày hôm nay phải được lưu tâm hơn bao giờ hết?
Dĩ nhiên ta có thể đi sâu hơn vào í nghĩa của những hình ảnh
đó. Nếu giờ đây ta thấy con người, khi đã nắm được các mật mã di tử, bắt đầu
chiếm hữu cây sự sống, và tự coi mình là chúa sự sống, có thể lắp ráp sự sống
ra mới, thì như vậy, họ đã thật sự vượt qua lằn biên cuối cùng mà đáng lẽ họ
phải giữ.
Với kĩ năng xảo thuật đó, con người biến con người thành tạo
vật của mình. Do đó, con người không còn xuất phát từ bí mật tình yêu, nghĩa là
không còn được hình thành từ tiến trình tạo thai và sinh hạ vốn đầy bí ẩn nữa,
nhưng là một sản phẩm kĩ nghệ. Nó được tạo ra bởi người khác. Như vậy, nó bị
cướp mất phẩm giá và hào quang tạo dựng riêng của nó. Ta không biết tương lai
của lãnh vực này rồi sẽ ra sao, nhưng ta có thể xác tín : Chúa sẽ ra tay
chống lại tội ác tự huỷ của con người. Ngài sẽ chống lại việc dày đạp con
người, sẽ chống lại việc con người tạo ra những đồng loại nô lệ. Có những đường
biên cuối cùng, mà nếu ta bước qua, ta sẽ trở thành những tên phá hoại tạo
dựng, và lỗi phạm của ta còn vượt xa tội tổ tông và các hậu quả tiêu cực của
nó.
Vấn đề dùng xảo thuật
để cải biến sự sống con người đã trở nên cấp tính.
Sự sống con người là bất khả nhượng, không thể có chọn lựa
nào khác ở đây. Phải dựng lên nơi đây một biên giới cho hành động, khả năng,
khuôn phép và thí nghiệm của con người. Con người không phải là một đồ vật.
Song mỗi người là đại biểu cho sự hiện diện của Chúa trên trần gian.
Đôi lúc xem ra đường
ranh đó không còn ở trước ta nữa, nhưng đã bị ta vượt qua rồi. Với kĩ thuật di
tử, con người có được một dụng cụ mới cho phép họ lần đầu tiên toàn quyền sử
dụng toàn bộ vật liệu di truyền trên hành tinh này.
Sự sống đã bị biến thể
từ khá lâu rồi. Đã có tới hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn bào thai không
được hình thành qua hành động giao phối bình thường, nhưng qua việc kết hợp
tinh trùng và trứng bên ngoài dạ mẹ. Có những đứa trẻ có tới ba mẹ: mẹ cho
trứng, mẹ mang thai và mẹ nuôi. Có những trẻ có cha đã mất nhiều năm trước khi
chúng sinh ra.
Trong tương lai, rất
có thể người ta sẽ tạo ra trẻ theo ý muốn, theo phái tính, màu mắt, chiều cao,
sức nặng, hay có thể kéo dài sự sống với một thân xác khác. Cuối 1999, khi một
nhóm nhà khoa học đã hoàn tất mở khoá được một trong 24 chromosomen của con
người (tuy là một trong những chromosomen nhỏ bé, nhưng mỗi cái chứa khoảng 30
triệu thông tin di truyền), một bà trong nhóm đã nói với phóng viên: Quả
là một „công việc hỏa ngục“. Có thể nhà khoa học đó có lý?
Đúng, rất tiếc có thể đúng như vậy. Nhưng trước hết, ta phải
phân biệt giữa cái con người làm và cái con người là. Bất cứ ai được sinh ra từ
ống nghiệm đều cũng là người, và ta vẫn yêu và chấp nhận họ như là người. Việc
ta phải chống lại lối tạo người bằng ống nghiệm không có nghĩa là ta đóng ấn
những người được sinh ra bằng cách đó. Dù vậy, ta vẫn nhận ra nơi họ cái bí ẩn
của con người và chấp nhận họ như là người. Đó là điều rất quan trọng, tôi tin
như thế.
Quả thật đã có sự vượt rào gia trọng, như anh nói. Giáo hội
công giáo, ngay từ đầu, đã cảnh báo việc chế tạo con người. Lối chế tạo đó,
thoạt tiên, diễn ra dưới những hình thức vô tội, như mọi chuyện vẫn luôn khởi
đầu một cách vô tội. Trước hết, người ta bảo là để giúp cho những cặp vợ chồng
không con. Vấn đề ở đây chưa phải là gia trọng, nếu quả thật đó là những vợ
chồng thành tâm muốn có được con bằng cách ấy. Tuy nhiên, ở đây, người ta cũng bắt
đầu tuột dốc, khi tin rằng, mình phải có con bằng bất cứ giá nào, mình phải có
quyền có con. Với kiểu đó, đứa con trở thành một của cải thuần tuý. Nó không
còn được sinh ra từ tự do của Tạo hoá nữa, tự do này cũng được thể hiện nơi sự
bất lường của tự do nơi thiên nhiên.
Tôi nghĩ, cái nguy cơ lớn của ngày nay, nói chung, là xem
con như một quyền, như một của cải. Các cha mẹ không những muốn phô trương
chính họ qua của cải đó, mà còn qua đó nhắm vớt vát lại những gì họ chưa thành
đạt. Có thể nói, qua con cái, họ lặp lại chính cuộc đời mình một lần nữa và để
được xã hội công nhận. Vì vậy mới có sự chống đối của con cái. Chúng chống cha
mẹ, vì chúng muốn thể hiện quyền muốn được là chính chúng.
Chính mỗi người được sinh ra từ tự do của Chúa, và ở trong
tự do đó với quyền riêng của mình. Giáo dục gia đình là để hướng trẻ tới cái
riêng tư của chúng, chứ không phải là để cho cha mẹ, đó là trọng điểm đích thực
của các chương trình giáo dục phản quyền uy hiện nay. Nhưng điểm sai của các
chương trình này là chủ trương hoàn toàn vứt bỏ giáo dục, với lập luận rằng,
giáo dục sẽ lèo lái tự do và có thể bóp chết tự do. Tự do cần được giúp đỡ để
cất cánh, nó cần được nâng đỡ qua sự đồng hành. Và một lối giáo dục thật sự cảm
thông sẽ không nhắm lái trẻ theo mình, nhưng là giúp chúng phát triển hình hài
và mở ra con đường riêng của chúng.
Xin trở lại một lần
nữa về việc lắp ráp, chế tạo con người …
Như đã nói, việc làm khởi đầu vô hại, tỏ ra vì con người,
nhưng khi coi đứa con không còn là quà tặng nữa, mà là sở vật phải tạo ra nếu
cần, lúc đó là ta đã bước qua lằn biên. Hành vi kĩ thuật, bao gồm cả việc thụ
thai ống nghiệm, giờ đây thay thế cho một hành vi tình yêu. Từ đây, những vấn
nạn kế tiếp sẽ được đặt ra. Trước hết, làm gì với số phôi gọi là thặng dư, phôi
đó đã là người, nhưng lại bị xử lí như là những sản phẩm dư thừa.
Với lối xử lý hiện
tại, hàng ngàn sự sống đã bị giết hàng loạt.
Nhiều hậu quả khác cứ thế theo nhau xẩy ra, chúng rốt cuộc
từng bước làm biến đổi tương quan đối với con người. Rồi cái gì sẽ diễn ra tiếp,
bắt đầu từ lúc nào sẽ nổ ra tai hoạ kiểu nào, ta chưa biết được. Cám ơn Chúa là
ta không biết. Nhưng ta biết, ta phải chống lại việc dùng xảo thuật cải biến sự
sống và việc tuỳ nghi sử dụng sự sống. Không phải ta chống lại tự do của khoa
học hay cản ngăn những khả thể của kĩ thuật, nhưng là bảo vệ tự do của Chúa và
phẩm giá con người, vì hai thứ đó đang gặp nguy. Ai có được lối nhìn đó nhờ đức
tin – khá nhiều người không phải ki-tô hữu cũng có cái nhìn như vậy -, đều có
bổn phận làm nổi bật lằn biên đó lên và làm cho người khác chấp nhận dừng lại
trước lằn biên đó.
..................................
Trích từ: Joseph Ratzinger - Biển-đức XVI., „Thiên Chúa
và Trần Thế - Tin và Sống trong thời đại ngày nay. Trao đổi với Peter
Seewald“. Phạm Hồng-Lam chuyển ra Việt Ngữ. Nguyên tác Đức Ngữ: „Gott
und die Welt – Glauben und Leben in unserer Zeit“