"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Về Sứ điệp truyền thông thế giới lần 46



Sài Gòn – Kể từ ngày Truyền thông xã hội thế giới đầu tiên, lễ Thăng Thiên năm 1966, hàng năm, các Đức giáo hoàng (ĐGH) đều có Sứ điệp cho ngày này. Năm nay, 2012, Đức Bênêđictô XVI chọn chủ đề cho sứ điệp là “Thinh lặng và Lời nói: Con đường Phúc âm hóa”, và phổ biến từ ngày lễ Thánh Phanxicô Salêsiô, ngày 24.01.2012.

Mở đầu sứ điệp, ĐGH viết: “Gần đến Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội năm 2012, tôi muốn chia sẻ với anh chị em vài suy tư về một khía cạnh của tiến trình giao tiếp giữa con người; khía cạnh ấy quan trọng nhưng đôi khi lại bị coi thường. Đó là mối tương quan giữa thinh lặng và lời nói mà tính cách quan trọng của nó ngày nay cần được đặc biệt nhấn mạnh. Thinh lặng và nói là hai khía cạnh của truyền thông cần được giữ cân bằng, tiếp nối nhau và bổ túc cho nhau để có được một cuộc đối thoại đích thực và tạo sự gần gũi sâu xa giữa người với người. Khi lời nói và sự thinh lặng loại trừ nhau, truyền thông sẽ thất bại, vì nó gây ra tình trạng hoang mang nào đó hoặc, trái lại, một bầu khí lạnh nhạt; còn nếu chúng bổ túc cho nhau một cách hài hòa, việc truyền thông sẽ đạt được giá trị và ý nghĩa”.

Điều ĐGH muốn bàn trong sứ điệp này “đó là mối tương quan giữa thinh lặng và lời nói”. Theo Đức Bênêđictô XVI thì “khi lời nói và sự thinh lặng loại trừ nhau, truyền thông sẽ thất bại, vì nó gây ra tình trạng hoang mang nào đó hoặc, trái lại, một bầu khí lạnh nhạt; còn nếu chúng bổ túc cho nhau một cách hài hòa, việc truyền thông sẽ đạt được giá trị và ý nghĩa”.

Như vậy ý tưởng đầu tiên ĐGH đề cập đến “thinh lặng” và “lời nói” trong sự liên quan mật thiết không thể “loại trừ nhau”, mà bổ túc cho nhau.

Gần đây không biết có ai hay tổ chức nào công khai chủ trương “nói nhiều” hay phát huy tối đa “lời nói” hay không, nhưng “thinh lặng” thì có người chủ trương. Không biết khi chủ trương thinh lặng thì những người chủ trương chọn hướng đi vào hoang địa để nghe tiếng Chúa như Elia, như Gioan Baotixita hay sao. Hay vẫn ở giữa cuộc đời để lắng nghe thấu đáo cuộc đời, rồi sau đó sẽ “nói” tức là hành động?

Mấy hôm rồi, trên internet lẫn báo giấy, ở quán cà phê gốc đường hay trên toà giảng, rất nhiều người bàn đến vụ bệnh viện tỉnh Gia Lai chuẩn đoán thai nhi bị khuyết tật, nên phải phá. Thai phụ đi Sài Gòn khám, cũng nghe bác sĩ ở Sài Gòn phán như thế. Thế rồi về bệnh viện Chư Sê, Gia Lai, phá thai, nhưng khi mang thai nhi đi chôn, thì mới phát hiện đó là một đứa bé đang sống và không hề có bất cứ khuyết tật nào. Vội vã đưa cháu bé đi cấp cứu, nhưng vì chưa đủ tháng đã phải ra đời, lại không được chăm sóc đặc biệt ngay từ đầu, nên cháu đã qua đời sau khi đến bệnh viện tỉnh.

Hôm qua, “thạc sĩ – bác sĩ Hà Tố Nguyên, Trưởng Khoa chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) cho rằng, trong trường hợp thai nhi bị kích sinh non để bỏ do chẩn đoán dị tật thì chưa thể vội kết luận kết quả siêu âm thai là sai”. Theo bà Nguyên: “Bé sinh ra với cơ thể lành lặn trong khi siêu âm dị tật, là chuyện thường bởi bên cạnh những dị tật có thể nhìn thấy trong siêu âm, thai nhi còn có thể mắc những tật ở bên trong như não, tim không thể nhìn thấy”. Bà Nguyên lại còn khẳng định “theo quy định của ngành y, với những dị tật không thể điều trị triệt để sau khi bé chào đời, bác sĩ có thể tư vấn cho sản phụ bỏ thai. Đây là việc làm đúng vì bé chào đời cũng không thể sống hoặc sống bình thường như bao trẻ khác”.

Chúng tôi thật sự không biết bà thạc sĩ nói đến “quy định của ngành y” ở phát biểu này là quy định nào? Do ai ban hành, khi nào, và có tác động điều chỉnh đến những ai, trong những trường hợp nào?

Những quý vị chủ trương “thinh lặng” đã nghe được gì qua biến cố này? Hay đây là chuyện liên quan đến trẻ con thì có gì mà quan trọng? Hoặc đây là chuyện y đức, chuyện liên quan đến sự điều tiết xã hội, liên quan gì đến Giáo hội mà lên tiếng?

ĐGH kêu gọi “thinh lặng” để nhận diện đúng sự việc, để “nói” đúng, nói cho ra Tin Mừng chứ ngài không chủ trương im lặng cầu an, im lặng khiếp sợ, im lặng đồng loã.

Thật sự, chuyện này có thể ngăn chặn được nếu khi Pháp lệnh Dân số và Nghị định hướng dẫn thực thi nó ra đời, có nhiều tổ chức xã hội, nhiều cộng đồng lên tiếng yêu cầu phải bỏ đi quy định cấm sinh con thứ ba thì chắc chắn tình trạng phá thai không tăng khủng khiếp như hiện nay, các bác sĩ sẽ không bị buộc làm theo những quy định trái với lời thề Hippocrates: “Tôi sẽ không trao thuốc độc cho bất kỳ ai, kể cả khi họ yêu cầu và cũng không tự mình gợi ý cho họ; cũng như vậy, tôi cũng sẽ không trao cho bất cứ người phụ nữ nào những thuốc gây sẩy thai” *)

An Thanh, CSsR


*) Lời thề Hippocrates:

Tôi xin thề trước Apollon thần chữa bệnh, trước Æsculapius thần y học, trước thần Hygieia và Panacea, và trước sự chứng giám của tất cả các nam nữ thiên thần, là tôi sẽ đem hết sức lực và khả năng để làm trọn lời thề và lời cam kết sau đây:
- Tôi sẽ coi các thầy học của tôi ngang hàng với các bậc thân sinh ra tôi. Tôi sẽ chia sẻ với các vị đó của cải của tôi, và khi cần tôi sẽ đáp ứng những nhu cầu của các vị đó. Tôi sẽ coi con của thầy như anh em ruột thịt của tôi, và nếu họ muốn học nghề y thì tôi sẽ dạy cho họ không lấy tiền công mà cũng không giấu nghề. Tôi sẽ truyền đạt cho họ những nguyên lý, những bài học truyền miệng và tất cả vốn hiểu biết của tôi cho các con tôi, các con của các thầy dạy tôi và cho tất cả các môn đệ cùng gắn bó bởi một lời cam kết và một lời thề đúng với Y luật mà không truyền cho một ai khác.
- Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi, tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công.
- Tôi sẽ không trao thuốc độc cho bất kỳ ai, kể cả khi họ yêu cầu và cũng không tự mình gợi ý cho họ; cũng như vậy, tôi cũng sẽ không trao cho bất cứ người phụ nữ nào những thuốc gây sẩy thai.
- Tôi suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết.
- Tôi sẽ không thực hiện những phẫu thuật mở bàng quang mà dành công việc đó cho những người chuyên.
- Dù vào bất cứ nhà nào, tôi cũng chỉ vì lợi ích của người bệnh, tránh mọi hành vi xấu xa, cố ý và đồi bại nhất là tránh cám dỗ phụ nữ và thiếu niên tự do hay nô lệ.
- Dù tôi có nhìn hoặc nghe thấy gì trong xã hội, trong và cả ngoài lúc hành nghề của tôi, tôi sẽ xin im lặng trước những điều không bao giờ cần để lộ ra và coi sự kín đáo trong trường hợp đó như một nghĩa vụ.
- Nếu tôi làm trọn lời thề này và không có gì vi phạm tôi sẽ được hưởng một cuộc sống sung sướng và sẽ được hành nghề trong sự quý trọng mãi mãi của mọi người. Nếu tôi vi phạm lời thề này hay tôi tự phản bội, thì tôi sẽ phải chịu một số phận khổ sở ngược lại. (Nguồn Wikipedia)

Nguồn: Lương Tâm Công Giáo