Cách đây hơn một trăm năm, vào năm 1908 tại New York,
cha Paul Wattson, sáng lập viên Hiệp Hội Phạt Tạ, cùng với một số người khác,
đã khởi đầu tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu.
Thật ra, hơn 50 năm trước đó nữa, nhóm Ngũ Tuần đã gửi sứ điệp kêu gọi việc cầu nguyện rất cần thiết và cấp bách này. Cấp bách là vì tình trạng chia rẽ trong cộng đồng những người tin vào Đức Kitô là điều hoàn toàn đi ngược lại với ý định của Người. Đức Kytô luôn mong muốn và cầu xin cho môn đệ của Người được yêu thương và hiệp nhất: “Xin cho tất cả nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (Ga 17, 21–23). Thế nhưng, hai ngàn năm đã qua đi từ ngày Chúa Giêsu thành lập Giáo Hội và hơn một trăm năm qua từ ngày có phong trào cầu nguyện cho hiệp nhất, dường như sự chia rẽ vẫn còn mầm mống trong Giáo Hội, và vẫn là mối ưu tư cho các thành phần Dân Thiên Chúa, và sự chia rẽ len lỏi vào cả trong những cộng đoàn nhỏ bé nhất? Vậy làm sao để thật sự hiệp nhất?
Con người chia rẽ vì họ không học được bài học tiên quyết
này từ Thiên Chúa của họ. Nguyên nhân chia rẽ đầu tiên chính là sự ganh tị vốn
đi cùng con người qua mọi thời đại và trong mọi tình huống, mọi cộng đoàn. Dường
như cám dỗ lớn lao nhất trong cuộc đời mà tổ tông loài người đã kinh nghiệm, ấy
là cám dỗ của lòng ganh tị và muốn bằng, thậm chí hơn đồng loại của mình, để
được bằng Đấng Tạo Thành.
Ganh tị là hình thức khác của lòng kiêu ngạo. Khi người ta
bước vào một cộng đoàn, họ có khuynh hướng muốn làm thầy, muốn chỉ đạo dù Chúa
Giêsu đã cảnh báo: “Các con đừng gọi ai
dưới đất là cha (…), là thầy (…), và là người chỉ đạo” (Mt.23,8-10). Trong
lịch sử nhân loại nói chung, lòng kiêu căng và ganh tị thường đi đôi với nhau
như bóng với hình. Và đó là kẻ thù lớn lao của sự hiệp nhất. Khi hai người con
của ông Giêbêđê muốn xin được “ngồi bên
hữu và bên tả Chúa Giêsu”, tức là xin được quyền cao chức trọng, lập tức sự
ganh tị lan ra, và mối bất hoà cũng lan theo. May thay, Chúa Giêsu phân xử kịp
thời một cách khéo léo để giảng hoà mọi người.
Đã có lòng yêu thương khiêm hạ, con người sẽ biết tôn trọng
nhau, và do đó sẽ có sự hiệp nhất trọn vẹn. Tôn trọng nhau chính là nhìn nhận
phẩm giá của nhau vì hiểu rằng phẩm giá ấy đã được Đức Giêsu Kytô dùng Máu mình
mà tẩy rửa và nâng lên hàng siêu việt.
Tôn trọng nhau như vậy là tôn trọng con người, cá tính, ý
tưởng, sự chọn lựa và cả những việc làm nhỏ bé nhất của nhau. Lòng ganh tị ngăn
cản, không cho chúng ta đi đến chỗ tôn trọng này. Ngồi dò xét, chê trách, chỉ
đường… là những thái độ của sự ấu trĩ trong tâm hồn, và sâu xa hơn, nó bắt
nguồn từ những mặc cảm nào đó trong đời mình. Và do đó, con người tưởng mình
hơn người khác mà hoá ra lại tự đặt mình vào chỗ thấp kém hơn, ít là xét về
cách hành xử. Có những người nắm trong tay quyền lực, nhưng lại có những hành
động cho xã hội thấy rằng quyền lực ấy được vung lên từ một tâm hồn run rẩy.
Muốn được hiệp nhất, con người cần có một mục tiêu chung để
theo đuổi. Đức Khổng Tử cho rằng “quân tử
hoà nhi bất đồng; tiểu nhân đồng nhi bất hoà” - người quân tử có thể hoà
thuận, chấp nhận nhau dù khác biệt, còn kẻ tiểu nhân dù có giống nhau cũng chia
rẽ. Đó là lý tưởng của các cộng đoàn, nhưng rõ ràng là càng có nhiều điểm
chung, con người càng dễ đến gần với nhau hơn.
Trong tác phẩm “Cõi Người Ta”, Saint Exupéry viết: “Yêu nhau không phải là nhìn nhau, nhưng
cùng nhìn về một hướng”. Chỉ đọc câu ấy thôi, ta chưa cảm được ý nghĩa sâu
xa mà tác giả muốn gửi đến. Phải nhìn đến hoàn cảnh bi đát của ba con người bị
tai nạn máy bay, rơi vào trong sa mạc hoang vắng, chỉ có chờ chết mà thôi. Khi
họ ngồi nhìn nhau trong nỗi thất vọng chán chường, tác giả, trong
tình huống ấy và trong nỗi lo sợ chết người ấy, mới bật lên một ý tưởng nghe
mới mẻ quá mà thật ra Đức Kytô đã nói lên từ ngàn xưa: “Như Maisen đã giương con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải
giương cao như vậy, để ai tin Con Người thì sẽ được sống muôn đời”. (Gn.
3:11-13, 15).
Tình Yêu là ở đó, ở chính nơi Con Người bị treo lên làm hy
tế, và tất cả những tâm hồn cùng hướng về Người sẽ hiệp nhất với nhau và được
cứu trong cộng đoàn yêu thương. Mục tiêu để theo đuổi của chúng ta là gì nếu
không phải là chính Thiên Chúa, Đấng là nguồn gốc và là cùng đích của mọi loài
thụ tạo, và là Đấng mà ngày hôm nay con người muốn chối bỏ và loại ra khỏi cuộc
đời họ.
Ở Việt nam, trong các môn học, người ta tìm mọi cơ hội để
loại Thiên Chúa ra khỏi lòng học sinh. Và như thế, sự chia rẽ ngày càng trầm
trọng là điều vô cùng dễ hiểu. Giáo Hội, nhất là Giáo Hội Việt Nam, chỉ
thật sự hiệp nhất khi tất cả con cái Giáo Hội đồng lòng chiêm ngắm những mầu
nhiệm cao cả và cùng lúc ấy cũng la vang lên khát vọng công lý và hoà bình của
mình, để cùng nhau lao vào giành giật lấy công lý và hoà bình từ tay những kẻ
muốn gói công lý hoà bình vào bọc nylông đem quăng ở bãi rác có nhiều tên gọi
mỹ miều.
Chúng tôi may mắn có những đàn anh là linh mục, tu sĩ và
giáo dân nhiệt thành. Họ thổi vào chúng tôi lý tưởng đẹp. Nhưng thỉnh thoảng lý
tưởng ấy cũng bị người khác chế ngự, và chính lúc bị chế ngự như thế, chúng tôi
hiểu được rằng mình phải dồn hết mọi nỗ lực vào mục tiêu thật của đời mình để
Thánh Ý Đức Kitô nên trọn vẹn.
Bước vào tuần lễ cầu nguyện cho hiệp nhất các Kitô hữu, việc
đầu tiên chúng ta cần làm là nhận ra kẻ thù của hiệp nhất và loại trừ nó ngay
tức khắc. Việc loại trừ những mầm mống kiêu căng, chỉ trích và phá phách làm
cho mầu nhiệm hiệp nhất đơm hoa kết trái, và nhờ đó, Thiên Chúa đi vào lịch sử
và vận mạng con người một cách “thanh thản” hơn. Không phải sau tuần hiệp nhất
là tất cả có thể hiệp nhất trọn vẹn, nhưng dịp này phải là cơ hội cho những ai
còn ham chia rẽ, những ai còn đứng ngược hướng với công lý hoà bình, những ai
còn ngại ngùng không dám chỉ ra những gian tà của thế gian, biết dừng lại và
suy ngắm lời Đức Kytô “Ut Sint Unum” - Để
Chúng Nên Một.
Nguồn: Giáo Dục Công Giáo