Thánh Phaolô dạy các bậc cha mẹ về bổn phận giáo dục con cái
như sau: “Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo
dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy” (Ep 6,4).
Chúng ta thường được cha mẹ dạy dỗ trở nên những đứa con
ngoan, nhưng rất ít khi được giáo dục để trở nên những ông bố bà mẹ tốt. Ở
trường học, tuy được học rất nhiều môn, nhưng không môn nào dạy nghệ thuật làm
cha mẹ, mà chúng ta phải áp dụng rất nhiều từ khi có con. Vì thế, khi làm cha
mẹ nhiều người đã không biết cách giáo dục con cái thế nào cho hữu hiệu, và mày
mò tự học nghệ thuật giáo dục con cái theo kiểu “nghề dạy nghề” hay theo sách
vở nặng về lý thuyết. Sau đây là một số kinh nghiệm giáo dục con cái trong gia
đình:
Cha mẹ đừng đòi con cái của mình phải thật hoàn hảo, phải
luôn làm cho mình hài lòng. Nếu xét lại, thì chính chúng ta, cũng có nhiều bất
toàn. Do đó, tuy có thể đòi hỏi con cái phần nào để chúng cố gắng, nhưng chúing
ta cần biết thông cảm với những khuyết điểm tật xấu của con cái. Cần biết hài
lòng với thiện chí và cố gắng của chúng.
2. Đừng kỳ vọng quá mức vào con:
Thông thường, khi có con, ai cũng kỳ vọng con mình phải là
người thế này, thế kia. Ta mong con ta phải giỏi hơn ta, và sẵn sàng hy sinh
tất cả để con đạt được những gì ta kỳ vọng nơi chúng. Nhưng trong nhiều trường
hợp, những kỳ vọng đó lại vượt quá khả năng thực hiện của chúng. Có thể chúng
không có nhiều tài năng và nghị lực như cha mẹ, hoặc có khuynh hướng bẩm sinh
khác với cha mẹ. Do đó, cha mẹ tránh lấy mình làm khuôn mẫu để ép con cái phải
như mình. Kỳ vọng quá cao dễ làm cho con bị mặc cảm tự ti và buồn chán
nếu không có khả năng đạt tới, đồng thời cũng dễ làm cha mẹ thất vọng về chúng.
3. Chấp nhận giới hạn của con:
Chấp nhận không có nghĩa là không bắt chúng cố gắng để nên
tốt đẹp hơn, mà là chấp nhận mức độ chúng đạt được sau khi chúng ta đã hết sức
động viên và đã tạo mọi điều kiện cho chúng. Cũng đừng ép con cái phải giỏi như
trẻ khác ta biết. Để chấp nhận trẻ, ta cần đặt mình vào hòan cảnh của chúng và
nhìn sự vật theo quan điểm của chúng.
4. Đối thoại với con:
Nên bỏ ra mỗi ngày ít nhất 15 hay 30 phút để tiếp xúc với
con cái, bằng việc nói chuyện, trao đổi tư tưởng, cảm nghĩ và tâm tình với
chúng. Thời gian thuận tiện đối thọai là trong các bữa ăn. Phải khuyến khích
bằng cách lắng nghe chúng nói, chứ không phải chỉ biết nghe lời dạy của cha mẹ
mà thôi. Phải tập trò chuyện với chúng như hai người bạn, nhất là khi chúng
được 10 tuổi trở lên. Đừng để xảy ra tình trạng con bắt chước bạn bè xấu ra hư
hỏng: hút chích sì-ke và tham gia các vụ cướp lúc nào mà cha mẹ chẳng hề hay
biết.
5. Tạo mối quan hệ tình cảm:
Con cái chúng ta rất cần được yêu thương, khuyến khích, hỗ
trợ để phát triển. Do đó, cha mẹ cần biểu lộ tình cảm qua ánh mắt, qua những cử
chỉ âu yếm, những lời nói ngọt ngào, những hy sinh cụ thể và thường xuyên. Khi
còn nhỏ, con chúng ta rất nhạy cảm trước tình thương của cha mẹ và chúng cần có
tình thương đó để có thể phát triển, cũng giống như cần đồ ăn thức uống vậy.
6. Cần tạo được niềm tin tưởng nơi con:
Trẻ cần được bảo đảm tốt đẹp về vật chất cũng như tinh thần.
Chúng mong tìm được những bảo đảm đó nơi cha mẹ của chúng. Vì thế, cha mẹ phải
trở nên chỗ dựa vững chắc cho con cái về mọi mặt. Phải sống làm sao để chúng
cảm thấy an tâm. Mọi lời cha mẹ nói phải đúng để chúng tin tưởng, mọi việc cha
mẹ làm phải tốt để chúng bắt chước. Phải làm sao để chúng tin vào tình yêu, sự
thành thật, khả năng hy sinh và sự cao thượng của cha mẹ. Ta muốn con cái chúng
ta tốt tới mức nào thì chính chúng ta cũng phải sống tốt với mức độ đó. Hành
động của cha mẹ dù tốt hay xấu đều gây ảnh hưởng không nhỏ tới con cái.
7. Tôn trọng phẩm giá của con:
Con cái chúng ta có quyền và rất cần được cha mẹ đối xử như
những con người. Đừng đối xử với chúng như những nô lệ hay đầy tớ trong nhà. Hãy
tôn trọng tự do của chúng, Đừng cấm đoán chúng những gì vô hại. Cũng nên tôn
trọng giờ làm việc, giờ ngủ nghỉ của chúng vừa phải. Nếu cần phải sửa phạt thì
thì nên sửa phạt đúng mức, hợp lý. Đừng phê phán quá đáng hoặc chửi rủa thậm
tệ, xúc phạm tới phẩm giá hoặc làm tổn thương tự ái của con quá mức. Đừng bêu
xấu con cái trước mặt người khác hoặc những trẻ em khác. Có tôn trọng chúng thì
chúng mới biết tự trọng và tự tin sau này.
8. Phát triển tính độc lập:
Khi còn nhỏ, con cái bị lệ thuộc cha mẹ mọi mặt. Trong thời
gian ấy chúng ta bắt chúng phải vâng lời để biết phận biệt phải trái cho đúng. Nhưng
ta phải huấn luyện chúng dần dần trở nên trưởng thành, có khả năng tự lập về
mọi mặt. Đừng bắt chúng phải lệ thuộc vào cha mẹ mãi khi đòi chúng phải làm
theo ý muốn của cha mẹ. Đó cũng là cách để chúng ta tự giải phóng chính mình. Nên
ý thức rằng con cái không phải thuộc về cha mẹ mãi mãi, mà chúng thuộc về Chúa
và xã hội. Đòi con cái phải lệ thuộc mình mãi mãi chính là dấu hiệu của những
cha mẹ thiếu kinh nghiệm. Cần phải biến con cái thành những người bạn ngang
hàng với mình. Có như thế chúng mới có điều kiện đễ trưởng thành và tự lập.
9. Hãy trao trách nhiệm cho con:
Phải tập cho con cái tinh thần trách nhiệm ngay từ khi chúng
còn nhỏ, bằng cách trao cho chúng những trách nhiệm trong gia đình từ dễ đến
khó, từ nhỏ đến lớn. Phải tập cho con cái dần dần quán xuyến được mọi việc như:
đi chợ, quét nhà, nấu bếp…Và khi chúng khôn lớn, phải tập cho chúng đảm nhiệm
những việc lớn hơn như công việc kinh doanh, giao tiếp, điều hành quản trị cơ
sở kinh tế gia đình,… Phải tập cho chúng làm những công việc của cha mẹ để khi
cần chúng có khả năng thay thế cha mẹ. Nên sớm trao trọng trách cho con đang
khi chúng ta còn có thể đứng sau để trợ giúp chúng. Đừng để tới lúc ta không
làm được nữa mới trao trách nhiệm thì đã muộn, vì khi đó nếu chúng mắc sai lầm
nghiêm trọng thì chúng ta sẽ không thể khắc phục kịp thời được nữa.
10. Hãy năng cầu nguyện và nêu gương sáng đức Tin cho
con:
Kèm theo gương sáng và lời dạy bảo, cha mẹ còn phải năng cầu
nguyện cho con có lòng tiu cây yệu mến Thiên Chúa. Hãy tạo thói quen tốt giúp
con tham dự thánh lễ chiều và đọc kinh tối chung gia đình hằng ngày. Trong giờ
kinh tối, cha mẹ nên phân công cho từng thánh viên và cha mẹ nên dùng Lời Chúa
mà dạy dỗ bảo ban con cái. Nhờ sống trong bầu khí đạo hạnh như thế, hy vọng con
cái chúng ta sẽ có được đức tin trưởng thành và chu tòan được sứ mệnh làm chứng
nhân của Chúa sau này.
Lạy Chúa Cha từ ái. Thế hệ con cái của chúng con có tốt
lành hay không là do sự giáo dục mà chúng nhận được từ nơi các bậc làm cha mẹ
chúng con. Xin giúp chúng con biết sáng suốt trong cách dạy dỗ con cái và không
phó mặc công việc quan trọng này cho sự may rủi, cũng không thi hành cách tùy
tiện thiếu hiểu biết. Xin cho các bậc cha mẹ công giáo chúng con biết luôn nêu
gương sáng đức tin cho con cái để chúng trở thành những đứa con ngoan ngoãn, hiếu thảo với Chúa Cha, môn đệ thực sự của Chúa Giêsu và làm chứng nhân cho
tình thương của Chúa trước mặt mọi người. Xin Mẹ Maria cầu bầu cho chúng con. AMEN.
LM Đan Vinh
Nguồn: www.hiephoithanhmau.com