Ta thường thấy câu “Tiên học lễ hậu học văn” được nêu ở các trường học như là một tôn chỉ giáo dục trong nhà trường. Khi đọc về Nho giáo, có thể thấy thầy Khổng Tử là người được Nho gia tôn là “Chí Thánh” hay “Vạn Thế Sư Biếu”, nghĩa là người thầy của mọi thế hệ.
Ông là người luôn nêu cao tinh thần Châu Lễ như mục tiêu tôn
chỉ tư tưởng học thuyết của ông. Ngày nay, còn đề cao những chữ Lễ, Nghĩa,
Liêm, Sỉ, Trung, Hiếu, Trí, Tín, Nhân, Dũng… như những phạm trù về đạo đức
phong kiến của Nho giáo.
Trong tác phẩm Cổ học tinh hoa có đoạn viết rằng:
“Công Minh Tuyên đến học thầy Tăng Tử (người học trò thành
đạt của Khổng Tử). Ở nhà thầy ba năm mà ít mấy khi đọc sách.
Thầy Tăng Tử hỏi: “Ngươi đến đây đã ba năm nhưng ta ít khi
thấy người đọc sách và bàn thảo văn chương như các anh em là tại sao?”. Công
Minh Tuyên đáp: “Thưa thầy, con vẫn chăm học ở thầy. Thầy lúc nào cũng hiếu
thuận với song thân. Thầy ứng tiếp bạn bè cung kính ung dung, rất có lễ độ, kẻ
dở người hay ai đều bị thuyết phục. Ở triều đình đối với kẻ dưới bề trên đều
nghiêm nghị như nhau, trong lòng nhân từ, không có ý hại ai. Đây là ba điều con
mãi đang học nhưng chưa làm tốt được…”.
Câu chuyện có ý nói rằng, đi học trước tiên là học làm người
và người thầy không chỉ là người truyền đạt kiến thức, mà còn là tấm gương nhân
cách, gương mẫu về đạo đức để học trò noi theo. Khổng Tử và Mạnh Tử cũng đặt vị
trí người thầy còn cao hơn bậc cha mẹ, vì cha mẹ sinh ra ta, còn người thầy
giáo dục ta nên người.
Khổng Tử ra đời vào thời kỳ nhà Châu bắt đầu suy vong, các
chư hầu thôn tính lẫn nhau, không còn tôn trọng Châu Lễ. Ngậm ngùi tiếc nuối
thời cực thịnh thái bình 400 năm trước của nhà Châu, Khổng Tử đề xướng khôi
phục Châu Lễ và chính vì thế mà về tư tưởng chính trị, người đời lên án Khổng
Tử đã bảo vệ cho chế độ nô lệ phong kiến.
Châu Lễ ngày xưa chính là vũ trụ quan về trời đất, con người
và thiên nhiên, là tư tưởng quan điểm chính trị, là hiến pháp và luật pháp quốc
gia. Từ tư tưởng này, người đời xây dựng nên luân lý và mối quan hệ xã hội, quy
tắc hành xử của con người với nhau trong hệ thống giai tầng xã hội qua các chữ
Trung, Hiếu, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ… Sau đó, Khổng Tử và các học trò của ông kế
thừa và chọn lọc lại thành hệ thống tư tưởng triết học, đạo đức xã hội, đạo đức
con người mà các thế hệ cần phải tu dưỡng noi theo.
Khi Khổng Tử chu du các nước, thuyết phục họ trở lại theo
Châu Lễ thì chẳng ai nghe, vì lúc bấy giờ nhà Châu đã suy tàn, các chư hầu lớn
đều muốn tự mình làm thiên tử.
Sau khi thất bại trên đường quan lộ, Khổng Tử chỉ còn cách
mở trường dạy học. Ông đem đạo lý trị quốc và luân lý xã hội phổ biến và truyền
lại cho đời sau. Đến thời Mạnh Tử, vai trò vua và dân được đánh giá lại qua câu
“Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, về tư tưởng chính trị còn tiến bộ
hơn. Và mẫu người đại trượng phu đã thay cho mẫu người quân tử, gần gũi và
thiết thực hơn.
Những đóng góp về quan điểm giáo dục và đạo đức con người
của Khổng Tử, Mạnh Tử cho đến nay vẫn được người đời xem như là cốt lõi của của
tư tưởng Nho giáo (dù Nho giáo và tư tưởng của Khổng Tử và Mạnh Tử có khác).
Đến nhà Hán (Hán Võ Đế), thừa tướng Đổng Trọng Thư muốn củng
cố chế độ quân chủ chuyên chính và chế độ gia tộc, đã đem tư tưởng Khổng-Mạnh
diễn dịch lại thành mối quan hệ vua tôi, cha con, chồng vợ, gọi là “tam cương”
và tinh thần Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín gọi là “ngũ thường” để phục vụ cho việc
củng cố Hán Triều, đặt tư tưởng Nho giáo theo ý tưởng mới này thành nền tảng tư
tưởng chính thống. Ông đã biến Nho giáo thành công cụ của giai cấp thống trị.
Chính từ đó, những nhà Nho sau khi đỗ đạt thì được làm quan,
trở thành công cụ của giai tầng thống trị. Tiếc là đại đa số người thành đạt đó
đều bị biến chất, phản bội lại tinh thần đạo đức Khổng-Mạnh. Chỉ có những nhà
Nho bị thi rớt hay không chịu làm quan mới giữ được phần nhân cách, đạo đức
Khổng-Mạnh và họ trở thành thầy đồ sống trong các tầng lớp nhân dân, giữ gìn
được tinh thần, tư tưởng khí tiết Khổng-Mạnh, thế nên người đời luôn tôn kính
các đồ nho.
Thật ra, chữ Lễ trong “Tiên học lễ hậu học văn” không chỉ là
lễ phép, lễ nghi, mà cũng không rộng mênh mông như chữ Lễ của Châu Công (Châu
Lễ). Nó là quy phạm, tư tưởng, hành vi của con người đối với mọi mối quan hệ xã
hội và thiên nhiên, nhằm bảo vệ quyền con người và trật tự cộng đồng xã hội,
giữ gìn sự phát triển hài hòa của xã hội và thiên nhiên, giúp cho quyền lợi và
nghĩa vụ của cá nhân và tập thể cũng tồn tại và phát triển, làm cơ sở hình
thành một xã hội văn minh, hạnh phúc.
Ngày nay, các thầy cô giải thích và thực hành như thế nào về
tinh thần “Tiên học lễ hậu học văn” cho học sinh? Mấy tháng trước đây có hai sự
kiện đăng trên hai tờ báo khác nhau khiến chúng ta phải giật mình.
“Tại một trường trung học cơ sở tỉnh Bình Phước, một giáo
viên bị chém trọng thương. Kẻ gây án khai rằng có một em học sinh trường này
không mặc đồng phục nên bị thầy nhắc nhở. Em này về thuật lại với người yêu.
Anh này nghe xong cảm thấy bị “xúc phạm” nên điện thoại nhờ người anh (thủ
phạm) ra chợ mua cây rựa đến trường chém ông thầy nào dám xúc phạm đến người
yêu. Anh không biết người nào, nên chém nhầm thầy này…”.
“Tại tỉnh Bình Thuận, hai công ty làm ăn rồi tranh chấp
nhau. Giám đốc Công ty A dẫn người đến nhà giám đốc Công ty B đập phá… Một ông
hàng xóm đến can. Ông giám đốc Công ty A cho xe tông ông hàng xóm ngã xuống,
còn lùi xe cán đi cán lại thân thể ông ta, gây thương tật đến 80%. Sau đó giám
đốc Công ty A bảo rằng ông ta lầm tưởng là đồng bọn của giám đốc Công ty B và tông
xe chỉ nhằm hù dọa mà thôi, không cố ý giết người ấy”.
Hai sự kiện trên thật ra không phải là lần đầu xảy ra trong
xã hội. Tính chất tàn bạo và xem thường mạng sống con người phải chăng đã thành
hiện tượng phổ biến? Nó đã phản ánh rằng cái học làm người không còn nữa, mà đã
bị sự tranh giành hơn thua bất chấp lễ nghĩa, bất chấp đạo đức chẳng qua là
cuộc sống vật chất mà thôi. Tại sao người ta có thể chém người không thù oán dễ
dàng như ném một chiếc chén xuống đất cho nát vụn! Một sự suy đồi về đạo đức đến
mức không thể chấp nhận được!
Nhớ lại cách đây mấy năm, khi gặp lại một người bạn hiện
sống ở nước ngoài, tôi nói về sự đổi mới của nước ta một cách tự hào. Thế nhưng
anh ta trả lời một cách mỉa mai rằng: “Nhờ đổi mới tư duy, cuộc sống người dân
Việt Nam đã tốt hơn, nhưng đạo đức xã hội lại băng hoại, tham nhũng lan tràn
khắp mọi lĩnh vực, mọi cấp”. Tôi nghẹn họng, đứng lên từ giã và không bao giờ
muốn gặp lại anh ta nữa. Sự thật là đổi mới có làm cho cuộc sống chúng ta tốt
lên, nhưng vấn đề đạo đức xã hội, nhân cách đạo đức con người thì bị lu mờ và
biến dạng dần. Ôi, chữ Lễ của chúng ta còn không và nếu còn thì ở đâu?
Nguồn: Giáo Dục Công Giáo
Nguồn: Giáo Dục Công Giáo