THIÊN CHÚA Ở ĐÂU?
Seewald: Làm sao gặp Chúa, và
tìm Ngài ở đâu? Có một câu chuyện ngắn: Ngày nọ bà mẹ dẫn đứa con trai tới gặp
giáo trưởng (do-thái). Thầy hỏi cậu bé: «Nếu cháu trả lời được Chúa ở đâu thì
thầy cho cháu một đồng tiền». Cậu chẳng phải suy nghĩ lâu, nói ngay: "Và con sẽ
cho thầy hai đồng, nếu thầy trả lời được Ngài không ở những nơi nào". Sách
Khôn ngoan viết, Thiên Chúa "để cho những người không thử thách Ngài gặp Ngài,
và Ngài tỏ mình ra cho những ai không ngờ vực Ngài". Nhưng Chúa thật sự ở
đâu?
Một người bạn của tôi
nói: Chính tôi đã chẳng thấy gì trong một lần bước vào nhà thờ ngày chủ nhật. Tôi
chỉ thấy hoàn toàn không có gì cả.
Chúa không phải là cái gì có thể áp đặt, Ngài chẳng phải là
kẻ một lúc nào đó sẽ la lên: «Này, Ta đây này». Sẽ gặp được Ngài, khi ta
xem Ngài là Chúa, chứ không phải khi ta biến Ngài thành tiêu chuẩn đúng sai của
lối thí nghiệm tân tiến và tiêu chuẩn để bám giữ sự sống. Và, xem Ngài như là
Chúa, có nghĩa là ta có một thái độ hoàn toàn khác đối với Ngài.
Với vật chất, ta có thể khảo nghiệm và áp đặt chúng, vì
chúng là những gì thấp hơn ta. Nhưng ta không thể hiểu một con người, nếu ta
cũng dùng lối đó để đối xử với họ. Trái lại, ta chỉ có thể hiểu họ được đôi
chút, khi ta bắt đầu đi vào tâm họ với một thứ thiện cảm nào đó.
Với Chúa, cũng thế. Ta có thể tìm Ngài, khi ta gạt bỏ thói
ngự trị ra khỏi đầu óc ta. Thay vào đó, khoác vào mình tinh thần sẵn sàng mở lòng
mình ra, sẵn sàng tìm kiếm. Tôi phải sẵn sàng chờ đợi trong khiêm tốn để đón
nhận điều Ngài muốn, chứ không phải để có được điều tôi muốn.
Nhưng Chúa thật sự ở
đâu?
Ngài chẳng ở chỗ nào xác định cả, như đã hàm í trong câu
chuyện trên rất hay của anh. Nói một cách tích cực: Không có chỗ nào cho Ngài
cả, vì Ngài ở trong mọi sự. Tiêu cực mà nói thì : Ngài chắc chắn không
hiện diện ở nơi nào có tội lỗi. Ngài không có mặt khi phủ định nâng cái không
lên thành quyền lực.
Chúa ở khắp mọi nơi. Và có nhiều cấp độ khác nhau đưa ta đến
gần Ngài, vì mỗi cấp sống cao hơn lại đưa ta tới gần Ngài hơn. Nhưng ở đâu mở
ra tình yêu và trí hiểu, ở đó có một cách mới để gần Ngài, ở đó đạt tới một
hình thức gần Ngài mới.
Như vậy, ở đâu có lòng tin, hi vọng và tình yêu, ở đó có
Chúa, bởi vì những thứ này, khác với tội lỗi, là không gian đưa ta vào những
chiều kích của Chúa. Như vậy, ở đâu có thiện hảo, ở đó có Chúa hiện diện, hiện
diện một cách đặc biệt, vượt lên trên mọi hiện hữu và hiện tại thường tình. Ta
gặp Ngài trong sâu thẳm, khi ta tới gần những chiều kích tương ứng nhiều nhất
với bản chất nội tại của Ngài, đó là chiều kích của sự thật, của tình yêu, của
sự thiện.
«Gặp Ngài trong sâu
thẳm» phải chăng có nghĩa là Chúa không lơ lửng đâu đó ngoài vũ trụ, nhưng Ngài
ở trong chính ta, ở trong mỗi người chúng ta?
Đúng, thánh Phao-lô cũng đã nói điều đó với dân Athen nơi
toà án thượng thẩm. Ngài đã trích dẫn câu của một thi sĩ Hi-lạp: Chúng ta
chuyển động trong Chúa, chúng ta sống và hiện hữu trong Ngài.
Chúng ta chuyển động và hiện hữu trong bầu khí của Chúa là
đấng tạo hoá. Điều này, trước hết và nhìn chung, đã được thể hiện trong đời
sống sinh lí của ta. Và điều đó càng đúng, khi ta càng tiến sâu vào cái đặc thù
của Chúa.Ta có thể diễn tả điều đó như thế này: Ở đâu một người làm điều tốt
cho tha nhân, ở đó đặc biệt có sự gần gũi Chúa. Ở đâu con người mở lòng mình ra
với Chúa trong lời nguyện, ở đó đặc biệt có sự gần gũi với Ngài.
Chúa không có độ lớn kiểu không gian vật lí. Ngài không ở
cao trên hàng trăm ngàn cây số hay ở xa hàng nhiều năm ánh sáng. Trái lại,gần
gũi của Ngài mang tính chất một tình trạng sống. Ở đâu khuôn mặt và sự hiện
diện của Ngài được thể hiện nhiều nhất, ở đâu có tình yêu và sự thiện, ở đó ta
sờ được đấng vô biên một cách đặc biệt.
Nếu như vậy thì cũng
có nghĩa Chúa không hiện diện một cách đương nhiên, bởi vì Ngài không phải bao
giờ cũng có mặt sẵn đấy.
Chúa vẫn có đó, cả khi ta không cần đến Ngài để rồ máy cuộc
sống của ta, nếu muốn nói như thế. Như vậy, có sự hiện diện của Ngài khắp mọi
nơi. Nhưng, món quà được gần Chúa một cách thâm sâu của ta có thể nhỏ lại hoặc
mất đi, mà cũng có thể trở nên lớn hơn.
Người được Chúa thấm nhập hoàn toàn đương nhiên ở gần Ngài
hơn là kẻ xa hẳn Chúa. Ta hãy nghĩ tới việc truyền tin cho Maria. Chúa muốn
Maria trở thành đền thờ sống động của Ngài. Đền thờ đó không chỉ là một chỗ ở
nơi thân xác Mẹ mà thôi. Và Mẹ đã trở nên chỗ ở của Chúa, vì Mẹ đã mở lòng ra
cho Ngài, vì tâm Mẹ đã hoàn toàn hoà hợp với tâm Chúa.
Nhưng, có thể có
chuyện thỉnh thoảng Chúa lui mình vào bóng tối không? Einstein chẳng hạn,
ông tôn thờ Chúa như một bậc thầy kiến trúc của vũ trụ, nhưng cuối cùng ông
cũng cho rằng, Ngài chẳng còn thú vị gì nữa với tạo dựng của Ngài và với số
phận của con người.
Tư tưởng coi Chúa là một nhà đại kiến trúc trên làm cho í
niệm Thiên Chúa bị gò bó. Chúa ở đây chỉ là một giả thuyết bên lề, mà người ta
còn cần để có thể giải thích sự hình thành vũ trụ. Theo đó, có thể nói, Thiên
Chúa thoạt tiên phác thảo ra vũ trụ, và rồi sau đó vũ trụ tự nó cứ việc tiếp
tục chuyển động. Ở đây, bởi vì Chúa thuần tuý chỉ là một căn nguyên vật lí cuối
cùng đối với thế giới, nên Ngài cũng có thể đương nhiên rời khỏi sân khấu. Thiên
nhiên giờ đây đã có được sự độc lập của nó, còn Chúa thì hết nhiệm vụ. Và cũng
theo tư tưởng trên, mối liên hệ tiếp tục của Chúa với tâm con người – nghĩa là
với một chiều kích khác của hiện hữu - tới đây cũng hết, vì nó đã không được dự
trù ngay từ đầu trong chương trình tạo dựng. Như vậy thì Chúa chẳng còn là đấng
« sống động » nữa, mà thật ra chỉ là một giả thuyết, mà người ta rốt
cuộc sẽ tìm cách loại trừ.
Nhưng nhiều nhà thần
học cũng nói về «sự vắng mặt của Thiên Chúa».
Điều này lại hơi khác. Kinh Thánh đã nói tới chuyện Chúa dấu
mặt. Chúa ẩn mặt trước đám dân bất tuân. Ngài im tiếng. Ngài không gởi tiên tri
đến. Và cả trong cuộc sống các thánh cũng có những đêm tối. Có thể nói, các
ngài bị đẩy vào một thứ vắng mặt, một thứ im lặng của Chúa, như trường hợp
thánh Thérèse ở Lisieux chẳng hạn, và rồi phải cùng đau khổ cảnh đêm đen của
những kẻ không tin.
Nhưng điều đó không có nghĩa là không có Chúa. Cũng không có
nghĩa là Ngài kiệt sức, Ngài chẳng còn là tình yêu nữa. Đây là những hoàn cảnh
của lịch sử con người hoặc của cuộc sống con người, trong đó vì bất lực không
nhận ra Chúa, nên con người đã tạo ra « bóng đêm Thiên Chúa », như
Martin Buber nói. Trong cảnh bất lực hay cố chấp không muốn nhận diện hay liên
hệ với Chúa này của con người, xem ra Chúa ẩn mặt.
THIÊN CHÚA MUỐN GÌ?
Thánh Clê-men-tô ở
Alexandria, một trong những giáo phụ lớn của Giáo hội, có lần nói: «Thiên Chúa
vì con người mà dựng nên con người, và Ngài muốn có con người». Vậy, nếu Chúa
là tình yêu nhưng không, thì tại sao Ngài lại cứ bắt ta tôn thờ và ngợi ca?
Đức thánh cha Gio-an Phao-lô II đã dùng lại câu « vì
con người mà dựng nên con người » nhiều chỗ khác nhau trong các thông điệp
của ngài. Ngài dùng câu đó dựa theo í của Immanuel Kant* và suy diễn thêm
theo một cách mới. Kant nói, con người là vật duy nhất mang trong chính mình
một mục đích, và không phải trở thành mục đích cho một cái gì khác. Giáo chủ
thì nói: Thật ra, con người mang trong chính mình một kết thúc, và về
phần nó, nó lại không phải là mục đích cho một cái gì khác.
Điều đó cũng là thành trì chở che vững vàng cho mỗi con
người. Bởi vì Thiên Chúa tạo hoá muốn rằng, không ai có quyền dùng kẻ khác như
một phương tiện - dù kẻ đó nghèo hèn hay yếu kém-, cho một mục đích nào đó cao
hơn. Ngày nay, trước những thí nghiệm con người, ngay cả việc thí nghiệm phôi
thai, điều đó đã trở thành một chân lí cao trọng, nó trở thành một thành trì
bảo vệ rất quan trọng cho phẩm giá con người. Nhân quyền chẳng là gì khác ngoài
việc không được biến con người thành phương tiện, nhưng là để cho họ có được
một phẩm giá bảo toàn.
Nhưng sự kiện đó không có nghĩa là con người hành động đúng,
khi nó tự khép kín, khi nó chỉ biết có mình nó mà thôi. Con người là một vật
tương giao.
Nghĩa là gì?
Trước hết, con người được dựng nên để hướng về tình yêu,
hướng về giao tiếp với người khác. Nó không phải là vật chỉ sống cho mình, chỉ
biết có mỗi mình mà thôi, không phải là một ốc đảo, nhưng bản chất của nó là
giao tiếp. Không có giao tiếp, nó sẽ tự huỷ. Và con người giống Chúa là chính
chỗ đó. Là vì, như giáo huấn về Chúa ba ngôi dạy, bản chất của Chúa cũng là
tương giao.
Như vậy, tương giao của con người trước hết là tương giao
giữa người với người, nhưng đó cũng là tương giao với cái vô cùng, với chân lí,
với chính tình yêu.
Đó là điều bắt buộc?
Tương giao đó hẳn không hạ giá con người. Nó không biến con
người thành phương tiện, nhưng trao cho con người tầm lớn của nó, vì chính con
người ở trong một tương giao trực tiếp với Chúa và con người trực tiếp được
Chúa muốn. Vì thế, không được phép nhìn việc thờ phượng Chúa như là một công
việc bề ngoài, như thể đó là chuyện Chúa muốn, hoặc như thể là Chúa cần những
nịnh bợ. Chuyện đó xem ra trẻ con, thật khó chịu và buồn cười.
Vậy thì thế nào?
Thờ phượng hiểu đúng nghĩa, là tôi sống đúng với bản chất tương
giao của con người tôi, như vậy là tôi sống đúng với mục đích hiện hữu của đời
tôi. Và đó là một cuộc sống theo í Chúa, nghĩa là đi tới đồng ý với chân lí và
với tình yêu. Đây không phải là ta làm một cái gì để Chúa cũng được vui. Thờ
phượng nghĩa là chấp nhận đường bay của mũi tên cuộc đời mình. Chấp nhận rằng
mục đích của đời tôi không phải là cho chính mình, nhưng tôi phải vươn lên trên
mọi mục tiêu khác. Nghĩa là vươn tới hợp nhất với đấng muốn tương giao với tôi,
và đấng đó đồng thời cũng để tôi hoàn toàn tự do trong hành động mình.
Và đó thật sự là điều
Chúa muốn nơi ta?
Đúng.
..................................
Trích từ: Joseph Ratzinger - Biển-đức XVI., „Thiên Chúa và Trần Thế - Tin và Sống
trong thời đại ngày nay. Trao đổi với Peter Seewald“. Phạm Hồng-Lam
chuyển ra Việt Ngữ. Nguyên tác Đức Ngữ: „Gott und die Welt – Glauben und Leben in unserer Zeit“