"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Việt Nam là nước cầm tù báo chí tệ thứ hai châu Á


Các phóng viên luôn bị nhắc nhở tránh những đề tài nhạy cảm

September 20, 2012-Hôm 19-9, Ủy ban Bảo vệ nhà báo (CPJ) có bài viết nói rằng “Việt Nam bị cáo buộc gia tăng đàn áp giới phóng viên và blogger”.
“Với ít nhất 14 phóng viên đằng sau song sắt, Việt Nam là nước cầm tù báo chí tệ thứ hai châu Á, chỉ sau Trung Quốc - Ủy ban có trụ sở đặt tại New York nhận định - Sự kiểm soát truyền thông ở Việt Nam thuộc số “nghiêm ngặt và thô bạo nhất châu Á”.

Bài báo miêu tả lại câu chuyện blogger Điếu Cày - tên thật là Nguyễn Văn Hải. Ông bị bắt hồi năm 2008 sau khi tham gia và tường thuật về các cuộc biểu tình chống Trung Quốc năm 2007. Blogger này bị xử 30 tháng tù giam vì "tội trốn thuế" và được mãn hạn tù ngày 19-10-2010, nhưng cho đến nay ông vẫn bị giam cầm.

Phiên tòa xử ba blogger gồm Nguyễn Văn Hải, Phan Thanh Hải, Tạ Phong Tần đã ba lần đình hoãn và theo tin mới nhất, có thể diễn ra vào ngày 24-9 tới đây.

CPJ dẫn lời các các phóng viên trong nước nói rằng họ luôn bị chính quyền theo dõi sự đi lại, các cuộc giao tiếp qua điện thoại hoặc các hoạt động của họ trên mạng internet.

Để tự bảo vệ mình, một nhà báo cho hay anh phải dùng bốn điện thoại di động được đăng ký bằng tên của người khác, để tránh bị nghe lén các cuộc nói chuyện với sứ quán nước ngoài hoặc với giới đối kháng.

Việt Nam hiện có khoảng 80 tờ báo phát hành, trong đó hơn chục tờ có tầm toàn quốc. “Các ấn phẩm thường có liên hệ với những tổ chức hoặc cơ quan gắn kết với Đảng Cộng sản, trong khi tin tức và bình luận thường bị bóp méo để phục vụ các phe phái, hoặc công kích các đối thủ trong đảng, nhất là trong thời gian sắp diễn ra Đại hội Đảng năm năm một lần”.

Một số chủ đề mà báo chí bị cấm viết gồm hoạt động của bất đồng chính kiến, tham nhũng cấp cao, chia rẽ trong Đảng, nhân quyền, phản ứng hoặc biểu tình chống Trung Quốc, chia rẽ hai miền Nam – Bắc.

Gần đây, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của quốc gia bị chậm lại, thì danh sách cấm có thêm việc phê phán điều hành kinh tế của chính phủ, tranh chấp đất đai và các hoạt động kinh doanh của con gái Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

CPJ dẫn lời một nhà báo của tờ Tuổi Trẻ ở TP. HCM cho hay Ban Tuyên giáo Trung ương mới đây đã dùng một cuộc điện thoại yêu cầu tòa soạn báo này ngừng thực hiện loạt bài về vấn đề “Vì sao thuế thu nhập ở Việt Nam cao hơn những nước láng giềng?”, và tòa soạn báo Tuổi Trẻ đã buộc phải tuân theo.

Một phóng viên báo Pháp Luật lo lắng: "Chúng tôi không biết làm sao bảo vệ mình. Nỗi sợ lớn ngăn không cho chúng tôi lên tiếng... Ngay cả lúc này, tôi không biết có bị nghe lén không”.

Các phóng viên trong nước tin rằng đấu đá nội bộ trong Đảng cũng khiến các quyết định về báo chí trở nên khó dứt khoát.

Các phóng viên nước ngoài thường trú tại Việt Nam lại bị công an theo dõi bằng những buổi “uống cà phê”.

Nguồn: UCANews