"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Chuyện ngôn ngữ: I hay Y




Trước tiên xin được khẳng định: Bài viết sau đây không mang tính „khoa học ngôn ngữ“, cũng không phải là một bài „giảng“ về văn phạm tiếng Việt. Nó chỉ là tổng hợp của nhiều nguyên tắc khác nhau từ nhiều nguồn khác nhau, để thử đưa ra một hướng giải quyết một vấn đề khá phổ biến khi sử dụng tiếng Việt. Đó là việc viết đúng chính tả những từ ngữ có chữ „i“ và chữ „y“. Những điều đưa ra sau đây vì thế không nhất thiết là những „chân lý“. Từ ngữ „nguyên tắc“ được sử dụng trong bài được hiểu như một phương thế, một hướng giải quyết.

Từ khi chữ Việt được chính thức Latinh hoá và được sử dụng như một „quốc ngữ“, thì ta cũng sử dụng một số nguyên tắc văn phạm căn bản của các ngôn ngữ có gốc Latinh.

Ta bắt đầu bằng bảng mẫu tự tiếng Việt (còn gọi là bảng“chữ cái“). Các mẫu tự chính trong tiếng Việt gồm có 23 chữ cái: A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y

Trong đó ta có các nguyên âm: A E I O U Y (cộng thêm các mẫu tự biến dạng như  â, ă, ê, ô, ơ, ư)
các phụ âm: B C D Đ G H K L M N O Ph Qu R S T V X.

Điều cần lưu ý là các mẫu tự P và Q không đứng riêng lẻ như một phụ âm, nhưng luôn đi chung: ph, qu.

Sau đây là các nguyên tắc cho việc sử dụng I hay Y.

* Các nguyên tắc cho „I”:

1) Sau phụ âm kép: luôn luôn là I
Thí dụ: Tri âm, thi nhân, chí tình, ghi nhớ, nhi đồng...

2) Sau các phụ âm B, D, Đ, G, N, Ph, S, X: luôn luôn là I
Thí dụ: bị động, di tản, đi đứng, cái gì, nỉ non, phi lý, sĩ phu, xỉ nhục...

* Các nguyên tắc cho “Y”:

3) Sau các phụ âm H, K, L, Qu: luôn luôn là Y
Thí dụ: hy vọng, kỳ tích, lý lẽ, quy định...
Nguyên tắc này chỉ được áp dụng khi Y đứng cuối chữ
Các ngoại lệ: lí nhí, li ti, kì cọ v.v. là những từ ngữ được hình thành từ nguồn gốc “tượng thanh” hoặc "tượng hình"

4) Khi đứng một mình: Y
Thí dụ: ý nghĩa, y tế...

5) Khi đứng đầu chữ: Y
Thí dụ: yêu thương, yếm đào, yểm bùa...

* Phân biệt theo âm tiết của Ui và Uy:

Ui và Uy có âm tiết khác nhau. Thúy và thúi, hủy và hủi, quỷ và củi, lúy và núi, v.v., có âm tiết hoàn toàn khác nhau. 

Ông A nói với ông B: Tui tuy là người miền Nam, nhưng tui rất quý trọng việc sử dụng đúng văn phạm tiếng Việt. Bởi vì nói sai thì nó sẽ không đúng ý.” 

Hai từ “tui” và “tuy” phát âm khác nhau và mang ý nghĩa khác nhau.

Nói tóm lại, những cách viết: NGUIỄN, QUÍ VỊ, Í TƯỞNG, HI VỌNG, PHI LÍ ... là những cách viết hoặc không đúng (vì sai âm tiết), hoặc vì tác giả thích ... khác người.

JB Lê Văn Hồng