"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Nói về Tình Yêu





VỀ Ý NGHĨA CỦA CUỘC SỐNG

Peter Seewald: Giáo hội dạy, con người tự mình không thể tạo ý nghĩa cho thế giới và cho chính mình. Quả thật khó tin, nếu ta nhìn vào những thư viện mênh mông đầy sách nói về cuộc đời và ý nghĩa cuộc đời, do những tác giả giỏi vừa và ít giỏi hơn viết.

HY Ratzinger: Nếu thế giới đã không có ý nghĩa trong nó rồi, thì ta cũng chẳng có thể tạo thêm ý nghĩa   nào cả. Hành động của ta chỉ giúp cho cơ cấu đã có định hướng thêm rõ ra đôi chút, chứ nó không tạo ra chính ý nghĩa cuộc sống. Ý nghĩa đã có - hoặc không có. Vì vậy, nó không thể đơn giản là một sản phẩm của ta. Những gì ta tạo ra, có thể làm cho ta thoả mãn trong giây lát, nhưng chúng không thể biện minh cho toàn bộ cuộc sống của ta và tạo nghĩa cho cuộc sống đó.

Dĩ nhiên con người trong mọi thời và mọi nơi đều đi tìm ý nghĩa, và họ sẽ còn tiếp tục tìm. Trên đường đó, họ cũng có thể gặp được những mẩu giải đáp. Trong những mẩu đó, chỉ có phần do con người khám phá ra nơi thụ tạo mình là đúng đắn, chứ không phải phần do họ tự nghĩ ra. Và cái khám phá đó có thể giúp con người hiểu biết mình hơn, để họ sống cho có ý nghĩa.

Giáo hội dạy, ý nghĩa là do Chúa chứ không do con người tạo ra, phải được hiểu theo hướng này: Ý nghĩa là cái nâng con người đi, là cái ở trước và ở trên những suy tưởng và khám phá của ta – và chỉ như vậy nó mới có sức mạnh để nâng ta đi. 

Peter Seewald: Nếu ta thật sự có thể thu tóm ý nghĩa cuộc đời vào một chữ, thì chữ đó sẽ là TÌNH YÊU. Thi sĩ và học giả mọi thời bảo đó không những là ý nghĩa, mà cũng là nguyên tắc nền tảng của sự sống, là bí ẩn thật sự của cuộc đời. Có người bảo, ai cảm được cái vô tận của tình yêu này, người đó mới bước được vào tâm điểm của đức tin. 

HY Ratzinger: Trong cuộc trao đổi, chúng ta đã lặp đi lặp lại nhiều lần, là cùng đích cuộc sống của chúng ta là khám phá ra tình yêu, đón nhận nó và trao nó đi tiếp. Đức Ki-tô chịu đóng đinh, kẻ đã đưa tình yêu tới tận cùng, như chính Tin Mừng Gio-an nói, đã hiện thực hoá nguyên tắc đó. Chính Thiên Chúa là tình yêu. Trong ý nghĩa đó, tình yêu là luật căn bản, và là cùng đích căn bản của cuộc sống.

Ở đây, ta gặp lại bí ẩn hạt lúa miến, trở lại với việc từ bỏ mình và gặp lại mình. Ta biết rằng, tình yêu không do ta làm nên, nhưng đó là quà tặng. Tình yêu xuất phát từ một người khác đi tới với ta, đi vào trong ta.

Tình yêu con người luôn hàm chứa một đòi hỏi đời đời trong nó. Tình yêu là một mâu thuẫn với sự chết, như triết gia người Pháp Gabriel Marcel* đã nói. Tình yêu này, như vậy, từ một lời hứa chỉ trở thành thực tại được tuân giữ, khi nó được bao trùm bởi yếu tố đời đời. Marcel bảo, khi tôi nói với một người „Tôi yêu anh/em“, thì điều đó có nghĩa: Tôi không chấp nhận cái chết của anh/em, tôi chống lại cái chết.

Như vậy, ta thấy tình yêu con người tự nó là một lời hứa không thể tháo gỡ. Nó muốn sự vô hạn nhưng có thể chỉ cho cái hữu hạn. Nhưng mặt khác, nó biết lời hứa đó không phải là vô nghĩa và mâu thuẫn và vì thế có tính huỷ diệt, bởi vì nó chứa cái vô tận trong mình. Như vậy, chỉ nhìn theo khía cạnh con người mà thôi, thì tình yêu quả thật là cái chúng ta hướng vọng tới và sống cho nó. Nhìn từ các chiều kích của chính nó, thì tình yêu rốt cuộc hàm chứa trong nó cái nhìn lên Chúa và mong chờ Ngài. 

Peter Seewald: Tình yêu, đôi khi nói thì dễ, nhưng mấy ai hiểu nó là gì. Chẳng hạn mấy ai hiểu được Chúa yêu ta như thế nào? Chúng ta đã nói tới một „Thiên Chúa phẫn nộ“. Có người bảo Chúa cũng loan báo một sứ điệp đe doạ. Tình yêu Thiên Chúa ban tặng cho ta mang hình thù ra sao?

HY Ratzinger: Trước hết, phẫn nộ không phải là cái gì đương nhiên chống lại tình yêu. Chẳng hạn một người cha, anh biết điều đó hơn tôi, thỉnh thoảng cũng phải bực bội với con, vì ông ta yêu con mình. Và ông ta có lẽ sẽ không làm tròn bổn phận và ý muốn yêu thương của mình, nếu chỉ vì muốn yên thân cho chính mình và cho người khác, nên chẳng nghiêm khắc răn đe, sửa phạt con.
Chúng ta đều biết, một đứa con hư, cái gì cũng nó được phép làm, rốt cuộc không thể có một đời sống tốt đẹp, bởi vì cuộc sống sau này không dễ dãi như nó đã gặp, và bởi vì nó đã không học được kỉ luật, không học được cách sống đúng. Hay một thí dụ khác về con cái nghiện ngập. Thay vì cất thuốc đi (làm thế đứa con sẽ rất khổ sở) thì tôi lại cung cấp thuốc cho nó. Đó không thể gọi được là yêu thương đúng nghĩa.

Nói cách khác: Tình yêu đúng nghĩa không phải là luôn nhượng bộ, dễ dãi và ngon ngọt. Do đó, nếu đức Giê-su hay Chúa chỉ luôn tỏ ra ngọt ngào, dễ thương, cái gì cũng ừ, thì đó chỉ là một biếm hoạ về tình yêu đích thực mà thôi. Vì Chúa yêu ta, muốn ta lớn lên trong đường chân lí, nên Ngài phải đòi hỏi và cả sửa sai ta. Thiên Chúa phải, như ta nói, „phẫn nộ“, nghĩa là Ngài phải chống lại, khi chính ta sa ngã và rơi và vòng nguy hiểm. 

Peter Seewald: Nghe thật nghiêm khắc.

HY Ratzinger: Điều quan trọng cần biết, một tình yêu chân thật cũng phải có tính nghiêm khắc trong đó. Nó muốn cho người khác điều tốt thật, vì thế nó phải can đảm chống lại, khi người đó chẳng nhìn ra cái tốt, mà cứ đâm đầu vào cái bất hạnh.

Chúng ta cũng đã nói tới khía cạnh tích cực của tình yêu. Nó yêu thích người khác. Nó muốn cho họ được điều tốt đẹp, được hạnh phúc, được nhận ra chính mình. Và như vậy thì tình yêu tốt cho họ. Nhưng tốt cho họ không có nghĩa gì khác hơn là tôi phải bước ra từ điều tốt, phải để cho điều thực sự tốt hướng dẫn và cố gắng giúp người khác trở nên tốt. Như vậy, một hành động yêu đúng nghĩa là hành động bước ra từ điều thiện và lại quay trở vào trong điều thiện. Và như thế, một đàng, yêu cũng có nghĩa là quên mình vì người khác, và mặt khác, cũng là giúp đỡ kẻ khác. Giúp người khác đừng đóng chặt tâm họ lại, cũng đừng vơ vào mọi thứ cho mình, nhưng trái lại giúp họ tìm được con đường mở lòng mình ra, con đường của hạt lúa miến. 

Peter Seewald: Triết gia tôn giáo người Do-thái Martin Buber mô tả tình yêu Thiên Chúa bằng một thuộc tính quan trọng, mà ông gọi là “lôi ra, kéo ra”. Buber nói: “Kéo lôi ra, ngay từ đầu, là bản chất của Thiên Chúa. Kéo ra khỏi những vướng mắc, ra khỏi sự dửng dưng, ra khỏi cô đơn và cô lập”.

HY Ratzinger: Về điểm này ta có thể lấy hình ảnh xuất hành của dân Do-thái ra khỏi tù đày ở Ai-cập làm mẫu. Nhưng nó đã khởi đầu với ơn gọi của Abraham. Chúa đưa ông Abraham ra khỏi gia đình ông và dẫn ông lên đường. Tự căn bản, mỗi người phải làm cuộc xuất hành của mình. Không những người đó phải rời lòng mẹ để trở thành tự lập, mà còn để ra khỏi chính mình. Người đó phải đi ra, qua khỏi mình, chỉ như thế nó mới vào được đất hứa - bước vào được không gian tự do, để từ đây góp tay xây dựng thế giới. Bản chất của tình yêu là vượt qua, quy luật nền tảng đó chúng ta đã biết. Hẳn nhiên, hành động của kẻ yêu tôi cũng là một hành động vượt qua. Nó phải kéo tôi ra khỏi bản năng thoải mái muốn ở lại trong chính tôi. 

Peter Seewald: Một bậc thầy về phân tâm, Erich Fromm*, đã tự hỏi: Tại sao ta phải yêu?
Fromm nghĩ là câu trả lời nằm trong kinh nghiệm hãi hùng về cô đơn, về chia lìa, phát sinh từ biến cố bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng. Chính vì vậy con người mới có nhu cầu mạnh mẽ hướng tới sự đồng dạng, tới những kinh nghiệm ngất ngây trong một nhóm. Đối lại, ông cho rằng nghiện rượu, nghiện thuốc và tự tử trong thế giới hiện nay là triệu chứng thất bại trong nỗ lực đồng dạng.  
Rồi Fromm bước thêm một bước. Ông nói, chúng ta không thể giải quyết tình trạng chia lìa này bằng việc làm, thành công, thích nghi hay cả bằng những kinh nghiệm ngất ngây, tất cả những thoả mãn đó chỉ mang tính cách tạm thời. Câu trả lời đích thực cho vấn nạn nền tảng đó chỉ có qua việc kết hợp với một người khác, nơi tình yêu. Fromm: “Đòi hỏi kết hợp với một người khác là đòi hỏi mạnh nhất nơi con người. Đó là đòi hỏi căn bản nhất, là sức mạnh duy trì giống người, duy trì bộ tộc, gia đình và xã hội. Thất bại của đòi hỏi đó có nghĩa là điên loạn hoặc huỷ diệt - tự huỷ diệt hay hủy diệt kẻ khác. Theo ông, không có tình yêu, nhân loại không thể hiện hữu được chỉ một ngày”. 

HY Ratzinger: Cái hay của Fromm, là ông coi cô đơn đối nghịch với tình trạng tự nhiên của tâm hồn con người. Nếu cô đơn là không được yêu, là bị bỏ rơi, là chỉ có trơ một mình mà thôi, và như thế đời tôi trống rỗng, thì tình trạng đó quả là nỗi kinh hãi sâu xa nhất của mọi kinh hãi. Từ đó, ta lại thấy con người, nhìn từ bên trong, quả là hình ảnh của Chúa, nó được tạo nên để được yêu và để trở thành một kẻ yêu.

Tôi tin rằng, ở đây ta nhất định phải nói tới hình ảnh Chúa trong con người. Thiên Chúa là tình yêu. Chính tình yêu nền tảng thể hiện trong ba ngôi. Con người là hình ảnh Chúa, như vậy, nó được sinh ra với động lực chính yếu là để nhận và cho tình yêu.

Con đường đưa vào tình yêu đúng nghĩa gắn liền với sự từ bỏ mình, nghĩa là gắn liền với nỗ lực của một cuộc xuất hành. Do đó, trên con đường dẫn tới nó, đã phục sẵn nhiều cám dỗ thúc ta muốn đạt đích nhanh, bằng qua những thoả mãn thay thế, mà anh đã vừa đề cập ở trên.
Chỉ về sau người ta mới hiểu ra, cái thay thế đó chỉ là những lừa đảo kinh tởm, nó rốt cuộc xô ta vào nỗi cô đơn kinh hoàng, xuống hố thất vọng của sự trống rỗng tuyệt đối. Hình ảnh hoả ngục là đó. Bởi khi ta tự hỏi, bị giam lửa hoả ngục là gì, thì điều đó có nghĩa: chẳng còn tìm được thích thú nơi cái gì nữa cả, chẳng yêu thích gì nữa cả, chẳng thích ai mà cũng chẳng được ai thích. Hết khả năng yêu, và như thế là bị đuổi ra khỏi không gian có thể yêu – đó là sự trống rỗng tuyệt đối, trong đó con người sống mâu thuẫn với chính mình và cuộc sống tiêu vong hoàn toàn.

Nếu thật bản chất con người là giống Chúa, là trở thành một kẻ yêu, thì nhân loại và mỗi người chúng ta chỉ có thể tồn tại khi tình yêu có mặt và khi ta cũng được chỉ dạy để đi tới tình yêu đó. Ở đây, ta có thể quay trở lại với đức Ki-tô: Hành động cứu chuộc của đức Ki-tô nằm nơi chỗ Ngài làm cho ta hiểu được tình Chúa yêu ta như thế nào. Ngài mang tình đó tới với mỗi chúng ta, và chính Ngài vác thập giá đi với ta tiến về mục tiêu quên mình, từ bỏ mình.Với hành động đó, Ngài đã biến luật yêu thương thành quà tặng yêu thương, và như thế là Ngài đã thắng vượt được nỗi cô đơn của mọi cô đơn, nỗi cô đơn này cũng có thể coi như là việc mất ơn cứu chuộc. 

HỌC YÊU NHƯ THẾ NÀO?

Peter Seewald: Nhưng quả lạ, dù cho khao khát yêu thương cắm rễ sâu như thế trong lòng, con người vẫn coi những cái khác quan trọng hơn: Thành công, tình dục, danh tiếng, tiền, quyền. Hầu như tất cả sinh lực của ta được bỏ ra để tìm cách đạt những đích đó. Và hầu như chẳng ai quan tâm một tí gì để học lấy nghệ thuật yêu.

HY Ratzinger: Nhiều điều anh vừa nói chỉ là những con đường tắt, đường thay thế. Họ làm thế để chóng đạt đích mà chẳng phải phiêu lưu vào con đường từ bỏ mình. Đó là một chuyện. Còn việc phát triển khả năng mình thì họ coi là chuyện phụ. Việc phát triển khả năng này chính là ơn gọi của con người – và cũng có thể nói nhờ đó họ mới thực thi được sứ mạng yêu thương của mình.

Con người cần cập nhật và tập luyện những khả thể đã được Tạo hoá đặt để trong họ, họ cần làm một cái gì đó trong cuộc đời này. Như vậy, việc học nghề và nỗ lực dấn thân cho nghề đó rõ ràng không đi ngược lại nhiệm vụ căn bản của tình yêu, nhưng là cụ thể hoá tình yêu. Có thể nói, tôi chỉ hoàn thành đầy đủ sứ mạng yêu thương của tôi, khi tôi hoàn toàn trở nên kẻ mà tôi có thể trở thành, khi tôi cho được cái tôi có thể cho, khi tôi mở ra cho tạo vật và quan hệ giữa người với người những khả thể giúp nhau chung sống, và làm cho sự phong nhiêu của thế giới và đời sống trở thành vườn ươm an toàn và tự do.

Nhiệm vụ căn bản trên sẽ không thành đạt, khi việc học nghề chỉ còn nhắm tới việc tập luyện những khả năng; khi việc làm chủ thế giới và khả năng kiếm tiền, khả năng sử dụng quyền lực tách rời khỏi nhiệm vụ thâm sâu của tình yêu, là hiện diện cho và vì người khác; khi quyền hành khiến tôi không còn cho đi được nữa; và cả khi tôi chỉ còn biết có tôi, chỉ còn biết ôm vào mọi thứ cho tôi, và như thế khả năng yêu trong tôi bị chết ngộp. Và rồi con người bị chế ngự bởi quyền và của, và không còn biết đánh giá đúng những thứ đó nữa.

Quan trọng là chúng ta đừng xem chính khả năng của ta, việc học nghề của ta là một thứ gì thứ yếu. Nhưng mọi tài năng của ta, và cả mọi khả năng kĩ thuật của con người, phải giữ đúng chỗ của chúng, và không được chỉ biết có chúng mà thôi. Khi quyền trở thành tâm điểm, nó sẽ biến con người thành nô lệ, và như vậy quyền lúc đó là đối lực của tình yêu.  

Peter Seewald: Câu hỏi cụ thể: Một hồng i cũng có thể học nghệ thuật yêu?

HY Ratzinger: Người ta không phải học yêu, như học chơi đàn hay học sử dụng máy vi tính. Mà có thể nói phải luôn học nó với từng việc một. Và dĩ nhiên cũng học nó từ những người gương mẫu. Trước hết từ cha mẹ, là gương sáng và là người lãnh đạo, mà ta coi như là những vị đã thành nhân. Sau nữa, học qua những cuộc gặp gỡ trong đời. Học nơi tình bạn, nơi công tác nối tôi với kẻ khác, nơi một nhiệm vụ. Điều quan trọng là không phải đi tìm chính mình qua những quan hệ và việc làm đó, mà là để tìm ra con đường cho đi, và nhờ đó biết nhận vào một cách đúng đắn.

Phần tôi, tôi không muốn tự xét đoán mình, nhưng tôi cố bằng mọi cách học yêu qua hình ảnh đức Ki-tô và các thánh. Nói cách khiêm nhường hơn, là học lấy sự nhân ái nơi các ngài và cố bước theo và làm theo các ngài. Còn việc tôi thật sự học được tới mức nào, thì để cho Chúa và cho người ta phán xét. 

Peter Seewald: Người ta đôi khi có thể lầm. Tôi không quên được hình ảnh mà tôi đã một lần viết về ngài. Trong bài viết tôi lặp lại điều của văn sĩ Stefan Andres. Andres viết trong một chuyện ngắn về một đại quan thẩm tra – hoạ sĩ tài danh El Greco đã hoạ lại hình ảnh đại quan đó - như sau: “Ông ta không dính dáng gì tới tình yêu cả”.

Vâng, một vai trò như tôi người ngoài có thể nhìn thấy như vậy. Dù sao, chúng tôi đã cố dùng tình yêu để đối xử với người khác trong những hoàn cảnh có thể nói là khó khăn. Tình yêu đó, dĩ nhiên, không phải chỉ là ve vãn nhau, nhưng nó cũng đặt ra giới hạn cho chỗ nào có hại, và chỗ nào gây phương hại tới quy luật nội tại của tình yêu. Các cộng sự viên của tôi và tôi cố gắng đặt chính người đó vào một toàn cảnh thuận lợi, để chính người đó nhìn ra vấn đề cần giải quyết. Không phải chúng tôi đơn giản muốn gấp rút khai trừ họ, nhưng muốn phục vụ cả toàn cộng đoàn và trong đó rốt cuộc cũng có cả họ nữa. Và chúng tôi cảm thấy bó buộc phải bảo vệ đức tin của những người bé nhỏ. Vừa rồi, một giám mục danh tiếng kể cho tôi hay, ông đã thấy một trong những người nổi tiếng ở Á châu chống lại Bộ tín lý đức tin tỏ ra cao ngạo quá mức, và thái độ đó đã dẫm đạp lên đức tin của những người bé nhỏ như thế nào. Qua đó, cũng theo giám mục, tôi mới thấy công tác bảo vệ đức tin cho kẻ thấp cổ bé miệng chống lại sự cao ngạo thật quan trọng. 

Peter Seewald: Lời Chúa dĩ nhiên không chỉ được khuôn đúc theo chức vụ, mà còn có thể bị chính người giữ chức vụ làm phai mờ.

HY Ratzinger: Đúng, nguy hiểm đó đương nhiên có. Ta chỉ có thể luôn nỗ lực sửa sai và đừng để nguy hiểm đó đè bẹp mình.

Peter Seewald: Một vấn đề gặp phải trong vấn đề yêu, là con người ta trước hết chỉ nghĩ tới cách làm sao để được yêu, chứ ít khi làm sao để yêu.

HY Ratzinger: Với cái nhìn như thế thì bản chất tình yêu kể như tiêu. Nếu ta chỉ muốn được tình yêu mà thôi, thì chắc chắn ta sẽ không nhận được nó, nó sẽ trở nên ích kỉ, thoái hoá, và người khác hẳn cũng nhìn ra được điều đó. Con đường học yêu cũng có nghĩa là vượt thắng mình, từ bỏ mình, học cách trao tặng mình, kể cả khi mình chẳng mong nhận lại được đáp trả nào. Nhất là học cách quên mình cho những người khó thương đối với mình, và cho những người đau khổ đang cần đến mình. Ta hãy nghĩ tới người Samarita. Ta chỉ trở thành kẻ yêu, khi ta không phải lúc nào cũng chỉ nghĩ tới việc thu vén cho mình, mà là lúc ta nỗ lực trở thành kẻ cho đi, kẻ luôn nhìn ra được người bị bỏ rơi không ai đoái hoài, có thể là vì con người đó chẳng có chút thiện cảm nào. 

CÁC BỘ MẶT CỦA TÌNH YÊU

Peter Seewald: Erich Fromm nói, lãnh vực quan trọng nhất để cho đi không phải là lãnh vực vật chất. Một người cho kẻ khác nhiều nhất, khi người đó cho chính họ, nghĩa là cho đi cái quý giá nhất mà họ có, cho đi cuộc sống của mình. Người đó cho đi niềm vui, sở thích, sự cảm thông, sự hiểu biết của mình, và dĩ nhiên cả cái hài hước lẫn u sầu của mình – nghĩa là tất cả những gì tạo sống động nơi người đó.

HY Ratzinger: Cho, trước hết, không hẳn là cho tiền, điều đó hiển nhiên. Dĩ nhiên người ta có thể rất cần tiền. Nhưng nơi đâu chỉ cho tiền, nơi đó người ta cũng thường gặp cảnh bị xúc phạm. Tôi luôn chứng kiến điều đó nơi thế giới đệ tam. Họ nói với một nhân vật rằng, nếu các anh chỉ gởi cho chúng tôi tiền mà thôi, thì thường các anh làm hư chúng tôi nhiều hơn giúp chúng tôi.

Tiền thường hay bị lạm dụng và thường khiến cho tình trạng gia trọng thêm. Các anh nên cho thêm gì khác. Chính các anh nên tới, các anh nên cho chính các anh, có như thế vật chất mà các anh giúp mới được dùng đúng chỗ, chúng mới không phải là những cái các anh móc túi vứt ra, để tìm cách xí xoá đi những vấn nạn mà chúng tôi đặt ra cho các anh, và những vấn nạn của các anh.

Bao lâu chúng ta chỉ cho tiền và kiến thức, chúng ta chỉ mới cho rất ít. Hiểu như thế thì các nhà truyền giáo là những tấm gương. Họ đã mang Thiên Chúa tới cho người khác. Họ đã làm cho tình yêu trở nên đáng tin. Họ đã trao tặng một con đường sống mới. Họ đã cho chính bản thân họ, không phải chỉ có hai, ba năm mà thôi, không phải vì máu phiêu lưu, mà hiến cả thân mình để đến chung sống, làm một với người. Bao lâu ta chưa học lại được khả năng hiến thân đó, thì cái cho của ta còn quá ít.

Điều đúng trên bình diện thế giới, tất nhiên cũng đúng nơi mỗi cá nhân. Về điểm này, thi sĩ Rilke* có câu thuyện hay. Ông kể, lúc ở Paris, mỗi ngày khi đi ngang qua người đàn bà ăn xin, ông đều thẩy vào mũ bà ấy một đồng tiền. Mỗi lần như thế, ông để ý thấy nét mặt chị ta vẫn bất động, xem ra như chị ấy mất trí. Một ngày nọ, thay vì đồng tiền, ông đưa cho chị một bông hồng. Mặt chị bỗng rạng lên. Lần đầu tiên ông thấy cảm xúc nơi chị. Chị mỉm cười rồi biến mất suốt tám ngày, bởi vì chị đã nhận được cái gì còn hơn tiền.

Tôi tin, đó là một hình ảnh cho ta thấy rằng đôi khi chỉ một bông hồng, một cử chỉ quan tâm, một niềm nở đón nhận người khác còn đáng giá hơn tiền bạc hay những món quà vật chất khác. 

Peter Seewald: Lề luật mới của đấng Cứu thế là Tin Mừng tình yêu. Như vậy phải chăng có thể nói được rằng Giao ước cũ đã mất hết sức sống; phụng vụ, của lễ và lối hiểu về đời sống cộng đoàn của nó kể như chấm dứt? Bởi vì rõ ràng nay là thời điểm để khởi sự một cái gì mới. Malakia, vị tiên tri cuối cùng của Giao ước cũ, đã tuyên bố: „Thiên Chúa của các đạo binh nói: Ta không còn thú vị gì với các ngươi nữa và sẽ chẳng nhận lễ vật nào nữa từ tay các ngươi“.

HY Ratzinger: Tôi không muốn nói rằng Giao ước cũ đã kiệt sức. Người Do-thái vẫn còn sống với nó và vẫn còn luôn rút ra được từ Cựu Ước kho tàng tinh thần lớn. Nhưng, là người công giáo, chúng ta bảo rằng Giao ước đó đang trên đường, và nó đang tiến dần về tới đích, bởi vì nếu không có đích, thì con đường kia chẳng có nghĩa gì. Như vậy, không thể cắt đứt hoặc bỏ đi cái cũ, vì coi như nó đã hết xài, nhưng đó là một con đường đang tiến về đích của nó. Không có đường thì ta không thể tới đích được.

Những phê bình liên quan tới của lễ đã có trong Cựu Ước ngay từ đầu. Thiên Chúa nói với con người trong các Thánh Vịnh: Ta sẽ không nói cho ngươi hay Ta muốn ăn gì; những của lễ thú vật và lễ vật hoả thiêu của ngươi là những thứ Ta không cần, Ta cần trái tim cơ.

Của lễ cũng luôn nói lên cố gắng của con người trong việc công nhận quyền cai trị của Chúa, và ít ra, chúng tỏ dấu cho thấy con người muốn dâng cho Chúa một cái gì của chính họ. Đồng thời, một cách nào đó, họ cũng biết Chúa chẳng màng gì tới thú vật hoặc bê thiêu. Trong ý nghĩa đó, các hành vi thờ cúng trong Cựu Ước đã nhập làm một với lễ vật đích thực, là đức Ki-tô, kẻ đã hiến thân cho ta và trao ta cho Cha Ngài, là kẻ có thể nói, đã khởi sự dùng tình yêu để biến đổi thế giới. Tình yêu mới là lễ vật đích thật. Nó thay thế cử chỉ vô vọng nơi của lễ thú vật và làm cho những của lễ đó thành vô nghĩa.
Vì thế, cũng chẳng phải là một việc tình cờ, khi 40 năm sau cái chết của đức Ki-tô, Đền thờ đã biến mất khỏi lịch sử, là vì mục tiêu của Đền thờ giờ đây đã được hiện thực (qua đức Ki-tô) rồi. 

Peter Seewald: Thiên Chúa gởi Con Ngài xuống trần là vì tình yêu đối với con người – hay chỉ vì thương xót họ?

HY Ratzinger: Tôi không cho rằng lòng thương xót vả tình yêu là hai thứ đối nghịch nhau. Lòng thương xót đích thực nhiều hơn là một sự xúc cảm đơn thuần. Nó là một sự đồng cảm với nỗi đau của kẻ khác, và như vậy nó là một hành động cơ bản của tình yêu.

Người Hy Lạp xưa quan niệm Thiên Chúa bất biến, như vậy họ coi Ngài là tinh thần thuần tuý, không thể cảm giác và càng không biết đau đớn. Vì thế ki-tô hữu đã phải tự hỏi, vậy thì Thiên Chúa thật sự ra sao? Và Origenes* đã nói một câu thật hay: Thiên Chúa quả thật không đau khổ, nhưng Ngài có khả năng cùng đau. Nghĩa là Ngài có thể đồng hoá với ta, với những kẻ đau khổ. Quả là một hành vi yêu thương lớn, khi Thiên Chúa đã đi vào thân xác con người trong đức Ki-tô để đồng hóa với ta – và như vậy Ngài đồng hoá ta với Ngài và đưa ta vào trong tình yêu của Ngài. Tôi nghĩ, chính khi ki-tô hữu chống lại quan điểm vô cảm hoàn toàn của phái khắc kỷ và đề cao sức mạnh của lòng thương xót, thì đó cũng là lúc họ tuyên xưng tình yêu. Thương xót đúng ý nghiã là một hành động yêu thương. 

..................................
Trích từ: Joseph Ratzinger - Biển-đức XVI., „Thiên Chúa và Trần Thế - Tin và Sống trong thời đại ngày nay. Trao đổi với Peter Seewald“. Phạm Hồng-Lam chuyển ra Việt Ngữ. Nguyên tác Đức Ngữ: „Gott und die Welt – Glauben und Leben in unserer Zeit“