"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Võ sĩ samurai Nhật đang được xem xét tôn phong thánh

Takayuma Ukon từ bỏ của cải và chấp nhận bị ngược đãi vì đức tin. Ảnh: Andrea Gagliarducci

Takayama Ukon, võ sĩ samurai người Nhật ở thế kỷ 16 chấp nhận đi sống lưu vong chứ không chịu từ bỏ đạo Công giáo, đang được xem xét tôn phong thánh vì lòng trung thành với Chúa Kitô và Giáo Hội.
Hội Đồng Giám Mục Nhật Bản đã đệ đơn dài 400 trang lên Thánh Bộ Phong Thánh xin tôn phong chân phước cho võ sĩ samurai này vào năm 2013.

Cuộc sống của Takayama là tấm gương về “lòng trung thành tuyệt vời với ơn gọi Kitô hữu, kiên trì giữ vững đức tin bất chấp mọi khó khăn”, linh mục dòng Tên Anton Witwer, trưởng thỉnh nguyện viên dòng Tên, phát biểu với CNA.

Takayama sinh năm 1552, ba năm sau khi nhà truyền giáo dòng Tên là Thánh Phanxicô Xaviê truyền giáo đến Nhật. Khi ngài 12 tuổi, cha ngài trở lại đạo Công giáo, và Ukon được linh mục dòng Tên Gaspare di Lella rửa tội và đặt tên là Justo.

Gia đình Takayama là daimyo, thành viên thuộc tầng lớp quý tộc cầm quyền thời phong kiến đứng thứ hai sau shogun trong thời trung cổ và cận đại ở Nhật. Daimyo nắm giữ nhiều đất đai rộng lớn và được quyền huy động quân đội và thuê võ sĩ samurai.

Nhờ có địa vị được kính trọng, gia đình Takayama có thể hỗ trợ các hoạt động truyền giáo ở Nhật, làm người bảo vệ các Kitô hữu Nhật và các nhà truyền giáo dòng Tên. Theo cha Witwer, họ ảnh hưởng đến việc trở lại đạo của hàng chục ngàn người Nhật.

Năm 1587, khi Takayama 35 tuổi, thủ tướng Nhật Toyotomi Hideyoshi bắt đầu bách hại Kitô hữu, trục xuất các nhà truyền giáo và khuyến khích người Công giáo Nhật từ bỏ đức tin.

Trong khi nhiều thành viên daimyo chọn cách từ bỏ đức tin Công giáo, Takayama và cha mình quyết định từ bỏ đất đai và danh dự để giữ đức tin.

Cha Witwer kể Takayama “không muốn chống lại các Kitô hữu khác, và điều này đã khiến ngài sống một cuộc sống nghèo khổ, vì khi võ sĩ samurai không tuân theo lời của  ‘cấp trên’, sẽ mất tất cả mọi thứ mình có”.

Ngài kể Takayama “chọn cách sống nghèo khổ để trung thành với đời sống Kitô hữu. Trong những năm sau đó, ngài được những người bạn quý tộc bảo vệ và có thể sống một cuộc sống tốt hơn”.

“Nhiều người cố thuyết phục Takayama bỏ đạo, vì ngài là quý tộc và là một người nổi tiếng và bởi vì họ không muốn giết người Nhật. Những kẻ bách hại cảm thấy giết Kitô hữu nước ngoài dễ hơn, còn giết Kitô hữu Nhật thì khó”, cha Witwer giải thích.

Năm 1597, Toyotomi ra lệnh hành quyết 26 người Công giáo, cả người nước ngoài lẫn người Nhật; họ đã bị xử tử vào ngày 5-2.

Mặc dù đứng trước mối đe dọa như vậy, Takayama vẫn không chịu từ bỏ Giáo Hội, ngài chọn cách sống đời Kitô hữu cho đến khi qua đời. Khi shogun Tokugawa Ieyasu cấm Kitô giáo hoàn toàn vào năm 1614, Takayama bỏ đi sống lưu vong.

Ngài dẫn đầu một nhóm 300 người Công giáo sang Philippines, và họ định cư tại Manila. Ngài đến đây vào tháng 12, và qua đời vào ngày 4-2 năm sau, do yếu sức vì cuộc bách hại ở Nhật Bản.

“Từ khi Takayama chết trong lúc sống lưu vong, vì yếu sức do bị ngược đãi ở quê nhà”, cha Witwer giải thích, “quá trình phong chân phước cho ngài giống như một vị tử đạo”.

Nếu Takayama được chấp nhận là một người tử đạo, ngài sẽ không cần có phép lạ trước khi được phong chân phước.