"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Đường nên thánh của ĐGH Gioan XXIII


Muốn nhận ra đường nên Thánh của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII chúng ta có thể đọc lại những bài giảng mục vụ trong suốt 59 năm linh mục, giám mục và giáo hoàng của Ngài, những văn kiện Ngài ban hành trong bốn năm rưỡi làm Giáo Hoàng, cũng như những sách báo người ta viết về Ngài. Tuy nhiên, tài liệu cơ bản, đơn sơ, gần gũi, trực tiếp và sống động nhất phải đọc, phải trích dẫn, đó là cuốn ”Nhật Ký Tâm Hồn” của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII (Giovanni XXIII, Il Giornale Dell'Anima, Edizioni di Storia e Letterature, Roma, 1964).

Nội dung cuốn ”Nhật Ký Tâm Hồn” là những trang bút ký (viết tắt Bk) sau một ngày sống hay sau một buổi, một tuần cấm phòng (viết tắt Cp) của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, và dĩ nhiên do chính tay ngài viết. Phần bút ký đặc biệt vào những năm ở Chủng Viện Bergame (1895-1900). Tuy nhiên có những cách quãng. Lý do là cha linh hướng chủng viện không ưa thích (xem BK 15.1.1899). Một cách đơn sơ và thành thật, Đức Gioan XXIII đã ghi lại: Những cảm nghiệm và suy tư về đời sống hằng ngày, thiêng liêng và thực tế; những đức tính tự nhiên và siêu nhiên bao trùm cả cuộc đời; những thành công, thất bại trong trận chiến thiêng liêng, những khó khăn trong đời sống mục vụ, đặc biệt về ngành ngoại giao và khi lên ngôi Giáo Hoàng; những chiến đấu căm go để sống đơn sơ, khó nghèo, khiêm tốn và nhân hậu, để hạ tự ái, kiêu căng và tham vọng tự nhiên; những phương thế thăng tiến đời sống thánh thiện, như lòng yêu mến Thánh Thể, Thánh Tâm Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các Thánh; những tương quan với gia đình ruột thịt; những suy nghĩ về sự chết, về đời sau...

Đây là cuốn nhật ký trọn vẹn về đời sống tận hiến của Đức Gioan XXIII, kể từ khi mới vào chủng viện, làm linh mục phục vụ tại giáo phận, tại bộ Truyền Giáo, tại nhiều nhiệm sở thuộc ngành Ngoại Giao của Toà Thánh, thời gian làm Giáo Chủ Venise và năm năm trên ngôi Giáo Hoàng. Nói tắt từ khi chịu chức ”cắt tóc” tức là ”gia nhập hàng giáo sĩ” (1895) cho đến lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, mấy tuần trước khi chết (3.6.1963).

Độc giả sẽ ngỡ ngàng về lời văn, tư tưởng, cách diễn tả hết sức đơn sơ, sống động, an bình, nhân hậu... của vị Cha chung. Chúng tôi dám nói: Đơn sơ và sống động hơn cuốn tự thuật của Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng, hay cuốn ”Kể lại những lần Đức Mẹ hiện ra ở Fatima” của chị Lucia. Người Pháp bảo ”Style c'est l'homme” (Văn là người), quả rất đúng với Đức Gioan XXIII.

”Nhật Ký Tâm Hồn” của Đức Gioan XXIII là cuốn sách được nhiều người đọc, được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt Nam. Và đây là nguồn liệu chính của chương viết này. Không làm một cuộc nghiên cứu sâu xa, chúng tôi chỉ đơn giản xếp lại các bút ký của Đức Gioan XXIII theo một dàn bài giúp quý độc giả khi đọc, nhận ra dễ dàng ”các nhân đức tự nhiên và siêu nhiên của Đức Gioan XXIII (phần I), và những phương thế ngài đã theo, để nên thánh hay nên trọn lành (phần II)”.

I. NHỮNG NHÂN ĐỨC TỰ NHIÊN VÀ SIÊU NHIÊN

1. Ý CHÍ MUỐN NÊN THÁNH


Ngay khi còn là chủng sinh, thầy Angelo Giuseppe Roncalli, tức là Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII sau này, đã bộc lộ ý chí muốn nên thánh, muốn nên trọn lành. Ngài đã lặp lại ý chí muốn nên thánh sau nhiều lần cấm phòng: ”Qua những dấu chỉ và các hồng ân cao cả Chúa đã ban cho tôi kể từ khi tôi còn bé cho đến bây giờ, tôi nhận ra rõ ràng là Chúa muốn tôi nên thánh trọn vẹn. Luôn luôn, tôi phải xác tín điều đó. Như vậy, tôi phải nên thánh với bất cứ giá nào. Những gì tôi làm từ trước đến giờ mới là trò chơi của con nít thôi. Thời gian trôi qua mau chóng. Giờ đây tôi đã 21 tuổi. Tôi trở về con số không. ”Và giờ đây tôi bắt đầu lại” (Tv 76,11): “là nên thánh!” (Cp 1902).

* ”Để làm căn bản cho hoạt động tông đồ, tôi quyết chí sống đời sống nội tâm là tìm Chúa ngay trong đời sống của tôi. Nghĩa là tôi muốn kết hợp mật thiết với Người, siêng năng suy gẫm những chân lý Giáo Hội dạy về đời sống nội tâm. Đời sống nội tâm phải được cụ thể hóa bằng những việc đạo đức bên ngoài mà xưa nay tôi rất quý chuộng và từ nay quyết trung thành thực hiện đến nơi...” (Cp 1919).

* ”Kỳ cấm phòng này, tôi có cảm nghĩ mãnh liệt là phải nên thánh một cách hữu ích. Chúa không bảo đảm cho tôi làm giám mục đến 25 năm, nhưng Chúa chỉ nói với tôi rằng: nếu tôi thực tình muốn nên thánh thì Chúa sẽ ban cho tôi đủ thời gian và ơn sủng cần thiết. Vâng, tôi muốn!” (Cp 1928).

* ”Lạy Chúa Giêsu, con cám ơn Chúa vô vàn, và xin hứa với Chúa: Ngay từ bây giờ, con sẽ cố gắng hết sức đạt tới sự thánh thiện như Chúa truyền dạy. Lạy Mẹ Maria và thánh cả Giuse, xin hai Đấng đứng ra bảo đảm cho cho lời hứa ‘cố nên thánh’ của con hôm nay trước toà Chúa Giêsu, xin hai Đấng giúp con trung thành với lời hứa trọng đại này”. (Cp 1928).

* ”Kỳ cấm phòng này, tôi quyết chí phải nên thánh, vì là Kitô hữu, là linh mục, là giám mục, mà hơn nữa, là giáo hoàng, là cha chung của mọi tín hữu, là chủ chiên của đàn chiên đông đúc...” (Cp 1961).

Mỗi lần cấm phòng, Đức Gioan XXIII vẫn thấy mình còn xa sự trọn lành mong ước. Đó là điều dĩ nhiên. Nhưng đó cũng là động lực giúp Ngài tăng thêm ý chí tiến đức. Ngài đã viết: ”Tuy còn xa, nhưng lòng vẫn cương quyết nên thánh. Lối nên thánh thích hợp với tính tình của tôi... Một ý tưởng khuyến khích tôi thăng tiến trên đường thánh thiện của tuổi già: ”Ý Chúa muốn tôi phải thánh hóa mình trong Đức Kitô”. Ôi Chúa Giêsu, Chúa đã tự nguyện bảo trợ con. Con vui mừng núp thân dưới đôi cánh của Chúa. Hồn con bám chặt lấy Chúa. Xin tay mặt Chúa nâng đỡ con”. (Cp 1961).

Và Đức Gioan XXIII đã đặt ra cho mình sáu châm ngôn tiến đức: ”Muốn nên trọn lành, tôi phải: 1) Muốn nên thánh chỉ để làm vui lòng Chúa. 2) Hướng mọi tư tưởng, việc làm vào chủ đích làm vinh danh Chúa và Giáo Hội. 3) Phải bình tĩnh trước mọi biến cố xẩy đến cho Giáo Hội, luôn làm việc và chịu đau khổ vì Giáo Hội. 4) Luôn phó thác cho Chúa Quan Phòng. 5) Luôn nhìn nhận mình là thấp hèn. 6) Phải chu toàn thực nghiêm chỉnh mọi công việc mỗi ngày. (Cp 1961).

2. ĐƠN SƠ VÀ HIỀN LÀNH

Đức tính tự nhiên của Đức Gioan XXIII là ”đơn sơ. Linh mục Trần Văn Thông, dịch giả tiếng Việt cuốn ”Nhật Ký Tâm Hồn” đã viết: ”Nói về lòng đạo đức của Đức Gioan XXIII ư? Đó chính là nguồn của đức tính đơn sơ!” Quả vậy, man mát trong cả cuốn Nhật ký là lời lẽ đơn sơ, cách sống đơn sơ. Đơn sơ đối với Chúa, đơn sơ đối với Bề Trên mọi cấp, đơn sơ trong ý nghĩ, trong hành động, trong các tiếp xúc với mọi người. Các tác giả viết về Đức Gioan XXIII không ngần ngại đồng thuận về một nhận định: ”Đức tính đơn sơ là yếu tố làm cho ngài thành công về mọi hoạt động mục vụ cũng như về sự tiến cao xa trên đường trọn lành”.

Đơn sơ không có nghĩa là khô khan hay hẹp hòi. Cách sống, cách xử đơn sơ của Đức Gioan XXIII rất phong phú và đa diện. Đơn sơ là khí giới hoạt động và xử thế trong mọi trường hợp, qua nhiều kinh nghiệm sống. Chính Ngài đã ghi lại như sau: ”Với nhiều năm kinh nghiệm, tôi thấy cách thế vững chắc nhất để nên thánh, để hoạt động thành công cho Giáo Hội, là tôi phải luôn để ý điều khiển, từ các nguyên tắc, chiều hướng, thời thế, công việc một cách đơn sơ, bình tĩnh đến mức tối đa. Tôi không thể để vườn nho của tôi có những cành lá rườm rà, không hoa trái. Tôi phải đi ngay vào sự thực, công bình, nhất là bác ái... Ôi sự đơn sơ của Phúc Âm, của Gương Phúc, của thánh Phanxicô, của thánh Grêgoriô... Lạy Chúa, xin cho con yêu và sống đơn sơ, để con khiêm nhường, theo gương Chúa nhiều hơn, cứu rỗi nhiều linh hồn hơn...” (Cp 1939)

Gắn liền với đức tính đơn sơ là đức tính hiền lành, bình thản đối với hết mọi người. Khi còn là một chủng sinh quân dịch, thầy Angelo đã viết như một điều quyết tâm: ”Tôi phải luôn vui tính, bình tĩnh, ôn hòa, dễ tính trong mọi sự” (Cp 1902). Khi bắt đầu làm ”mục vụ ngoại giao”, Đức Cha Angelo viết: ”Trong việc mục vụ, tôi phải cố sống bình tĩnh và dịu dàng hơn. Nếu chưa đạt được những lợi ích mà tôi thấy cần cho các linh hồn mà tôi được giao phó, tôi chớ âu lo, mất bình tĩnh. Cứ thi hành phận vụ với đức bác ái là đủ rồi. Tôi phải khuyên răn, nhất là làm gương cho mọi người cộng sự của tôi về sự hiền lành và bình thản”. Lần cấm phòng tại Istanbul, Đức Gioan XXIII đã ghi vắn tắt: ”Còn gì đặc biệt để dốc lòng nữa không? - Cần giữ bình tĩnh và sốt sáng trong sự bình tĩnh. Không nên ăn ở cách nào khác trái với đức khiêm nhường và hiền lành. Dù lắm khi tôi bị cám dỗ, bị thúc đẩy làm ngược lại. Dịu dàng mà không hèn nhát. Nói ít, và nói ôn hoà...” (Cp 1939).

Càng phải sống bình tĩnh, vui tươi khi thấy mình thua kém hơn anh em, hay khi thất bại trong việc tập nhân đức, khi thụt lùi trong việc nên thánh, khi bề trên chỉ định phải làm những việc không vừa ý. Đó chính là điều mà Đức Gioan XXIII ghi lại như sau: ”Tài năng trí nhớ là của Chúa ban. Tại sao lại buồn khi thấy mình kém hơn anh em. Chúa có thể cho ít hơn nữa kia. Thi cử, dĩ nhiên muốn thành công, đỗ cao. Nhưng khi đã làm xong phận vụ theo ý Chúa rồi, sự việc ra sao cũng vẫn được. Trong việc đạo đức, nhiều lúc cố gắng cầm trí để hầu chuyện với Chúa sao cho sốt sáng êm đềm, thế mà không được. Lòng cứng như đá, chia trí liên miên. Chúa như ẩn mặt. Đừng buồn đừng tức, chớ mất bình tĩnh trước cảnh yếu hèn đó. Hãy vui vẻ ôn hòa trong hoàn cảnh kể trên. Hãy tự an ủi rằng Chúa muốn như vậy. Trời mưa, trời nắng, trời lạnh, trời nóng, bề trên lớn, bề trên nhỏ quyết định thế này hay thế kia, tôi vẫn phải vui. Không nói lời chỉ trích kêu ca, công khai hay trong lòng. Trên môi bao giờ cũng nở nụ cười hồn nhiên và chân thành. Thành công không làm tôi mất tự chủ, thất bại không làm suy suyển tinh thần của tôi”. (Cp 1939).

Trên trang cuối cùng của cuốn Nhật Ký, tức dịp cấm phòng để chuẩn bị Công Đồng Vatican II, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã xác định hai hồng ân lớn mà Chúa đã ban cho ”ai không tự tôn” hầu đón nhận và thi hành chức vụ Chúa giao phó: ”Ơn thứ nhất: Tôi chỉ đơn sơ nhận vinh dự và gánh nặng của chức Giáo Hoàng mà tôi không chút gì vận động. Trái lại có lúc số thăm dồn về vị Hồng Y khác vì cho là vị ấy xứng đáng hơn tôi. Tự thâm tâm, tôi cũng công nhận vị ấy xứng đáng và đáng kính. Tôi rất hài lòng. Ơn thứ hai: Nhờ sự đơn sơ, tôi thấy rõ nhiều sáng kiến đơn sơ, không cầu kỳ, mà tầm quan trọng của nó rất rộng lớn, bao trùm thế giới và có ảnh hưởng lâu dài trong tương lai. Hơn thế, thành công lại đến ngay. Đó chính vì tôi thực hiện theo nguyên tắc: ”Lắng nghe Chúa soi sáng bên trong và đơn sơ tin tưởng đem ra thực hành”. (Cp 1962).

3. TỰ CHỦ VÀ KỶ LUẬT

Sống đơn sơ không có nghĩa là bừa bãi, sống hiền lành không có nghĩa là nhút nhát. Trái lại, trong cách sống đơn sơ và hiền lành của Đức Gioan XXIII nổi bật hai đức tính tự nhiên và hiếm có. Đó là đức tính tự chủ và kỷ luật. Đọc cuốn ”Nhật Ký Tâm Hồn”, từ trang đầu cho tới dòng cuối cùng, chúng ta thấy rõ rệt hai đức tính phi thường này của Đức Gioan XXIII.

Không phải là vô tình khi thầy Angelo Giuseppe Roncalli chọn lời của Công Đồng Tridentino mở đầu cho cuốn Nhật Ký của Ngài. Năm 1895, khi bước vào Đại Chủng Viện, thày đã ghi: ”Luật Sống (viết tắt LS) dành cho người trẻ quyết tâm tiến đức: Những chủng sinh đã được kêu gọi hiến mình cho Chúa, phải ra quy luật cho đời sống và phẩm hạnh, giữ sao cho cách ăn mặc, thái độ, đi đứng, nói năng luôn luôn đứng đắn, tự chủ và đạo đức xứng hợp. Phúc cho người biết tự chủ khi tuổi còn trẻ”.

Tuổi trẻ hăng say, có nhiều tham vọng, nhưng tuổi trẻ cần tỉnh thức và tự chế: ”Tuổi trẻ hăng hái, tương lai rực rỡ, lạc quan. Những tư tưởng này làm tôi vui tạm thời, nhưng mất giờ, dù nó rất tốt và lành thánh. Tôi phải tỉnh thức, coi chừng và dè dặt. Trong phương án và công việc, khiêm nhường là con đường vững chắc phải theo, là phương cách vững chắc chuẩn bị tương lai trong thừa tác linh mục, phục vụ Giáo Hội. Mọi việc khác, sau đó tự nó sẽ đến. Khiêm nhường luôn là căn bản của mọi hành động” (Cp 1902).

Lần khác thầy Angelo lại ghi: ”Mấy hôm nay, mối lo nhất là học. Thực ra vì kiêu ngạo. Vì tự nghĩ rằng muốn làm vĩ nhân phải là bác học thông minh thượng thặng. Đấy là nghĩ theo đời! Vậy cần nghĩ lại cách khác. Vĩ nhân là người thực hiện trọn vẹn ý Chúa. Nếu Chúa muốn tôi đốt sách và làm thầy trợ tá hèn mọn, giúp các thứ việc vặt trong bất cứ nhà dòng nào, tuy con tim rướm máu, tôi sẵn sàng thực hiện để thành vĩ nhân. Đừng quá tham vọng hão! Trong mọi việc chớ thái quá!” (Cp 1903).

Đặc biệt trong việc trau dồi trí thức: ”Trước nhất, khi học cần tránh những vấn đề tầm phào nhẹ dạ, học cách cuồng nhiệt, thiếu sư phạm, chạy theo cái mới, sách mới, người mới. Dĩ nhiên phải chú ý đến tất cả. Hăng say theo kịp các trào lưu văn hóa mới, nhất là văn hóa Công Giáo. Nhưng theo công đồng Tridentinô, ”cái gì quá đều không tốt... Cần quy về Chúa mọi học hỏi, nghiên cứu về khoa học. Đừng đổ lỗi cho khoa học hay một kiến thức nào, vì chúng rất tốt và là đường đưa về với Chúa. Tuy nhiên luôn làm theo lương tâm và lấy đời sống đạo đức làm tiêu chuẩn” (Cp 1903).

Tự chủ là biết cẩn thận trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Cởi mở không có nghĩa là nói nhiều, ba hoa hay nói trái sự thật. Cần biết kết hợp với Chúa để giữ tư tưởng cho quân bình. Cần khiêm tốn bình tĩnh để hoàn tất đúng đắn mọi công việc lớn nhỏ.

Người trẻ muốn tự chủ phải là người trẻ sống kỷ luật. Thầy Angelo ý thức điều đó. Vì thế thầy đã ghi ngay khi mới vào chủng viện: ”Luật chủng viện là điều tôi phải giữ, không phải chỉ một cách tổng quát, nhưng giữ kỹ từng điều luật không bỏ một điều nào” (Cp 1901).

Người trẻ tự chủ không để cho ”trời mưa, trời nắng, trời lạnh... ảnh hưởng đến việc làm hay đời sống tinh thần của mình. Thành công hay thất bại vẫn giữ bình tĩnh, vui tươi, nhiệt thành... không vì thế mà mất tự chủ” (Cp 1903).

Ngay trang đầu của tập Nhật Ký, chúng ta đã đọc được một ”chương trình sống cụ thể” mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm của thầy Angelo. Thầy đã nhận lấy chương trình này từ cha linh hướng. Chương trình sống không cầu kỳ, không trừu tượng, không quá đáng, nhưng đó là “luật sống của một chủng sinh, một linh mục mà mỗi lần cấm phòng Đức Gioan XXIII đều nhắc lại và tự kiểm thảo trước mặt Chúa. Chẳng hạn sau khi đã chịu chức linh mục và được chọn làm bí thư cho Đức Cha Radini Tedeschini vào các năm 1905-1914, cha Roncalli đã ghi lại như sau: ”Thực xấu hổ, nhưng phải dốc lòng lại, để trung tín hoàn toàn với luật sống. Thức dậy 5g30 và nguyện gẫm, giúp lễ Đức Giám Mục và làm lễ, cám ơn và đọc các giờ kinh. Năng viếng Mình Thánh đôi phút. Nghỉ trưa rất ít, xong đọc kinh chiều, lần chuỗi sốt sáng. Sau cơm chiều sẽ đọc kinh tối, viếng Chúa lâu giờ hơn. Trước khi ngủ phải đọc sách thiêng liêng. Đấy là những điểm chính, nhưng đó là tấm ván cứu tôi khỏi chết” (Cp 1912), ”và bảo toàn tuổi thanh xuân của tôi” (Cp 1919). Những điều quyết tâm này là ”kỷ luật của đời sống”, vì thế ngay khi đã làm Giáo Hoàng, Đức Gioan cũng xét mình và dốc lòng lại cách cương quyết. (x. Cp 1961).

Tự chủ là biết mình. Biết mình để đổi mới và thăng tiến. Chính ngài thú nhận: ”Tôi có nhiều thảm bại. Cần tự chế bản thân và đặt trật tự cho đời sống. Thực tế, tôi phải thắng tính chậm chạp của mình để làm việc siêng năng và có kết quả hơn. Ai cũng bảo tôi làm việc nhiều quá. Nhưng tôi thấy rõ: những việc tôi thực hiện được vẫn còn quá ít sánh với những việc đúng lý ra tôi phải làm theo phận vụ của tôi”. (Cp 1924).

4. KHIÊM NHƯỜNG, HẠ TỰ ÁI.

Nhân dịp cấm phòng chịu chức ”cắt tóc”, tức ”gia nhập hàng giáo sĩ” (1895), thầy Angelo đã kết thúc những trang ”Luật sống dành cho người trẻ quyết chí nên thánh” bằng lời cầu nguyện như sau: ”Lạy Chúa Giêsu Kitô, không vì công đức của con, nhưng chỉ vì Chúa thương mà gọi Angelo Giuse, tôi tớ bất xứng, hèn hạ vào hàng giáo sĩ của Chúa... Xin Chúa trang bị cho con các nhân đức, đặc biệt đức khiêm nhường phúc âm...”. Khiêm nhường là sự thật. Muốn sống khiêm nhường hay sự thật, điều kiện cơ bản là phải triệt hạ tự ái. Đó là điều mà thầy Angelo đã ghi hàng đầu trong trang Nhật Ký tuần cấm phòng năm 1896: ”Đặc biệt phải sửa trị tính tự ái, tật xấu lớn nhất của tôi. Dẹp bỏ mọi cơ hội làm dịp cho tự ái ngoi lên”. Ba năm sau, thầy Angelo lại thú nhận: ”Điều rõ ràng là tháng này tôi quá nhiều tự phụ, tự ái, tự mãn. Chính cha linh hướng đã chỉ cho tôi thấy rõ điều này. Rồi sẽ ra sao đây? Giêsu nhân ái, Chúa biết tôi chỉ muốn phục vụ Chúa và cố hết sức dằn lòng tự ái. Nhưng tôi lầm lỡ mãi... Tôi thường đọc lời nguyện tắt ”Ôi Maria khiêm nhường, xin cho con nên giống như Mẹ”. Tôi cũng xin với Chúa Giêsu Thánh Thể ”cho tôi biết khiêm nhường khi gặp khó khăn, khiêm nhường với mọi anh em, khiêm nhường ngay từ trong tư tưởng. Tôi hay sa ngã về điểm này. Satan biết điều đó. Giêsu Maria, xin hai Đấng giúp sức cho con”. Khiêm nhường là sự thật. Đức Gioan XXIII nhấn mạnh lại điều này khi cấm phòng chịu chức giám mục: ”Phải dẹp tính kiêu căng và sống đức khiêm nhường. Khiêm nhường là yêu mến sự thật. Đừng vì ưa được đua nịnh, nhát gan mà mất hai đức tính đó. Không đổi trắng thay đen, thay đen đổi trắng. Tốt nói là xấu, xấu lại cho là tốt... (cp 1925).

Bản tính của thầy Angelo là đơn sơ. Nhưng thày cũng thú nhận ”đơn sơ đôi khi trở thành ngây thơ”. Và thầy coi đây là dịp để hạ lòng tự ái: ”Tôi có cái tật ngây thơ. Tin chuyện không đáng. Vì thế các bạn bè ngạo cười tôi. Tôi mừng vì đây là dịp tính tự ái bị hạ nhục. Và tôi nên giống Chúa Giêsu hơn. Chúa bị coi là điên, tôi cũng xin được điên vì mến Chúa”. (Cp 16.4.1899). Quả vậy, theo thầy Angelo, một cách để sống khiêm tốn và hạ tự ái cách hữu hiệu là chấp nhận khi người khác ác tâm hạ nhục mình. Đó là điều thầy ghi lại sau buổi cấm phòng tháng 4.1900: ”Đôi khi có người cố tình hạ nhục tôi mà họ tưởng là tôi không đau. Mỗi lần như vậy, họ làm cho con tim tôi rướm máu. Lúc đó tôi thinh lặng và cố vui. Thế mà họ tưởng tôi khờ khạo. Có lẽ tôi ngây thơ chăng? Nhưng lòng tự ái không cho tôi tin như thế. Thế là khéo, có lợi, vì là dịp để hãm mình sống khiêm tốn, làm vui lòng Chúa và Đức Mẹ. Lạy Chúa, con cần sống thầm kín, hạ mình xuống, chịu khinh bỉ. Dù nhiều tật xấu, con cũng muốn nên thánh. Lạy Chúa, xin hạ con xuống, xin cho con nên trọn hảo trong đức khiêm tốn thật sự”.

Đọc cuốn Nhật Ký, chúng ta thấy Đức Gioan XXIII phải vất vả và kiên trì lắm để triệt hạ lòng tự ái và tập sống đức khiêm nhường. Thì ra trong con người đơn sơ của thầy Angelo, luôn có một kẻ thù hung dữ là lòng tự ái. Chúng ta đọc lại những dòng sau đây để chia sẻ với thầy: ”Tôi tự hào, tự gán cho mình những cái Chúa ban cho tôi... Nào tôi có gì để khoe khoang hay kiêu hãnh? Đúng hơn, hãy cúi mặt xuống đất, khiêm nhường trong tư tưởng và tâm hồn, dễ yêu với anh em. trước mặt Chúa, cử chỉ tôi phải có, là như người thu thuế, đứng xa bàn thờ, đấm ngực thưa rằng ”Lạy Chúa xin thương xót con là kẻ rất tội lỗi” (Lc 18,13). Khi được ơn, được an ủi, hãy xem đó là của Chúa thí cho, đừng kiêu hãnh, song xem mình bất xứng lãnh nhận... Những gì làm tôi kiêu hãnh, nếu không phải là chia trí trong việc đạo đức, nguyện gẫm, tham dự thánh lễ..., những ơn soi sáng mà bỏ qua! Lạy Chúa, tội con chồng chất, thế mà con chỉ biết háo danh, tự ái! Thực nhục nhã!... Ôi khiêm nhường (của Chúa Giêsu Hài Đồng nằm trong máng cỏ)! Đang khi đó, con còn hèn hạ hơn rơm rác, thế mà con lại thắc mắc khi có kẻ tiếp con cách nhạt nhẽo, ít tôn trọng, ít thưởng thức tài giỏi của con, khi họ đem con ra so sánh rồi xếp con sau người này kẻ nọ...! Con buồn thiu, bực bội, khi kẻ con muốn làm ơn, thay vì biết ơn, lại nhục mạ con! Con uất hận khi bề trên không hiểu tốt con, hiểu sai hành động của con! Kiêu ngạo, ngươi hãy hạ mình, noi gương khiêm nhường của Chúa Giêsu...” (Cp 1900).

Với lòng tin tưởng, người chủng sinh 20 tuổi tiếp tục cầu nguyện: ”Lạy Chúa Giêsu, xin cho con tinh thần dũng sĩ của người lính hăng say. Xin cho con đủ nghị lực đương đầu với kẻ nội thù của con. Chúng đông lắm. Đặc biệt có một tên đóng đủ các vai: Nó hống hách, nó xảo quyệt, nó theo sát con... nó xáo trộn mọi việc lành con làm. Chúa biết rõ tên nó. Tên nó là tự ái, bí danh là tự cao, tự đại, tự mãn. Con muốn đánh bại nó một lần cho xong, nếu không được, ít ra con kiềm chế được nó... Lạy Chúa, xin giúp đỡ con” (Cp 1902, khi đi quân dịch).

Để sống khiêm nhường và hạ bệ tự ái, thầy Angelo dốc quyết tránh chữ ”Tôi đáng ghét”. Thầy ghi: ”TÔI, tôi tránh tiếng này như tránh rắn độc. Cấp trên đặt tôi làm y tá thực đúng chỗ. Với công tác này, tôi có dịp hạ mình, quên chữ ‘Tôi’, dịu dàng trong việc phục vụ nhỏ mọn này” (Cp 1902).

Theo thầy Angelo, một trong những khí giới tiêu diệt kẻ nội thù tự ái và đắp vững đồn lũy khiêm nhường là xét mình mỗi ngày. Sau ba ngày cấm phòng của năm 1902, thầy ghi: ”Con đường thích hợp với tôi và tôi phải đi đến cùng, đó là sống khiêm nhường. Phải theo riết con đường này, tiến lên chứ không nhìn lại. Vì trận chiến của tôi hôm nay là chống lại tự ái dưới mọi hình thức. Vì mang tên nội công này theo mình, nên không bao giờ tôi nghỉ ngơi được! Muốn thắng tự ái và được đức khiêm nhường, tôi phải giữ việc xét mình riêng. Tôi nhất quyết trung thành với việc xét mình mỗi ngày”.

Phải chăng nhờ ơn Chúa và sự cố gắng thường nhật đó mà Đức Gioan XXIII nhiều lần đã ”được sống trong sự bình an của đức khiêm nhường” ? Trong thời gian dài làm Khâm sứ, Ngài đã ghi: ”Tôi cảm thấy bình an với chức vụ. Tôi chỉ không hài lòng vì thấy mình chưa nên thánh đủ, chưa làm gương sáng đủ theo phận vụ đòi hỏi. Vinh dự, tiến chức không chút lo tới. Tôi hài lòng và cảm tạ Chúa về điểm này. Xin Chúa giúp con, vì chước cám dỗ dễ dàng nổi lên bất cứ lúc nào, mà tôi thì quá yếu đuối. Giáo Hội đối xử với tôi rất tốt, đang khi tôi là rốt hết mọi người” (Mc 9,34) (Cp 1927). ”Tôi suy nghĩ phận vụ giám mục. Tôi suy nhiều về lời cảnh cáo ‘hãy cố giữ nơi mình sự khiêm nhường, nhẫn nại và dạy kẻ khác cũng giữ như vậy’. Đôi khi gai đâm tôi và đâm rất đau. Nhưng nhờ ơn Chúa, tôi cố lể nó ra... Chính Chúa Thánh Thần cho tôi sự bình an của đức khiêm tốn” (Cp 1940).

Phương thế hiệu nghiệm nhất sống đức khiêm nhường và hưởng sự bình an đó là tín thác vào Chúa. Đức Gioan XXIII xác tín điều đó. Năm 1945 được bổ nhiệm làm Sứ Thần tại Paris, Ngài ghi: ”Đột ngột Tòa Thánh đã chuyển tôi về Paris. Không còn vinh dự nào hơn nữa để bị cám dỗ. Rất bình an... Tôi chỉ còn một điều là xin Chúa cho tôi sống khiêm nhường, lấy khiêm nhường làm nền tảng mà nên thánh. Vào tuổi già, các vị thánh đã thực sự khiêm nhường... Tín thác vào ơn Chúa, tôi cố sống khiêm tốn”. Làm Sứ Thần tại Pháp sau đệ nhị thế chiến, là thời điểm rất khó khăn, Đức Gioan XXIII có hai khí giới hành động là vâng lời, khiêm nhường và phó thác: ”Đã đến năm thứ ba làm sứ thần tại Pháp, không tự ti mặc cảm, nhưng tự nhận mình kém lực kém tài làm cho tôi tin tưởng ở Chúa. Luôn luôn muốn vâng lời Toà Thánh và tín thác vào Chúa, nên tôi bình tĩnh, không sợ hãi. Chúa đã ra tay bảo trợ tôi... Nhờ được giáo dục mà tôi sống nhẫn nhục, dễ thương, lẽ độ và thông cảm. Tôi cầu nguyện để được sống theo gương thánh Phanxicô Salesiô là bậc thầy của tôi về những điểm này. Tôi quyết chí theo gương Ngài. Để nên giống Chúa Giêsu, tôi sẵn sàng chịu mọi khinh bỉ chế nhạo. Là Giám Mục và Đại Diện của Đức Thánh Cha, tôi phải làm sáng tỏa ‘đức hiền lành và đức khiêm nhường thật lòng’. Ai muốn khôn khéo, giỏi chính trị mặc ai. Tôi chỉ cần dịu dàng, đơn sơ trong tư tưởng, lời nói và hành vi. Trung thành với Phúc Âm và noi gương Chúa Giêsu bao giờ cũng có lợi” (Cp 1947).

Còn phải nói thêm rằng, một trong những động lực giúp thầy Angelo, và sau này là linh mục, giám mục và giáo hoàng, sống khiêm tốn, triệt hạ được tự ái, chính là ”sự hãnh diện về cảnh nghèo hèn của gia đình ruột thịt”. Chính Ngài đã viết: ”Tôi đâu phải là nhân vật như tôi tưởng tượng và như tôi tự ái muốn bốc mình lên. Thân phụ tôi chỉ là một bác nhà quê, ngày ngày cầy sâu cuốc bẫm... Tôi sẽ không hơn cha tôi đâu. Ít ra cha của tôi chất phác hiền lành. Còn tôi hơn người ở chỗ hung bạo...” (Cp 1902).

Sau cùng, cũng như đức tính ”đơn sơ, hiền lành”, ”Khiêm nhường là hồng ân rất lớn Thiên Chúa ban cho Đức Gioan XXIII” (Cp. 1956).

5. VÂNG LỜI VÀ AN BÌNH

”OBOEDIENTIA ET PAX”, ”Vâng Lời và An Bình” là khẩu hiệu Đức Gioan XXIII đã chọn ngay khi thụ phong linh mục. Đó là lời mà cha Cesar Baronius thường đọc mỗi khi hôn chân Thánh Phêrô ở đền thờ Vatican. Hai chữ này là cả lịch sử và cuộc đời của Đức Gioan XXIII. Trong bản di chúc, ngài xin khắc hai chữ này trên phần mộ. Càng ý thức đậm đà về đức khiêm nhường, Ngài càng khám phá ra nơi khẩu hiệu này một hào quang sáng chói của con đường tu đức hay nên thánh.

Vâng lời là vui lòng đón nhận những thừa tác vụ mà tự nhiên mình không ưa thích hay bình tĩnh trước những khó khăn khi làm việc, đặc biệt khi những khó khăn xẩy đến vì ”ý mình khác ý Bề Trên”. Đây chính là cảm nghiệm sâu xa của Đức Gioan XXIII mỗi khi đi đến một nhiệm sở ngoại giao. Chẳng hạn khi làm Đại Diện Toà Thánh tại Bảo Gia Lợi, Ngài ghi: ”Làm giám mục đã hai mươi tháng rồi. Như đã tiên đoán, phận vụ mới đã đem lại nhiều nỗi lo âu. Và, lạ thực, cái khó không do nơi tôi làm việc là Bảo Gia Lợi, mà do từ cơ quan hành chánh đầu não ở Roma. Đó là lối mới bắt tôi hãm mình và khiêm nhường. Vì là điều tôi không ngờ nên tôi rất đau khổ. ”Lạy Chúa, Chúa biết tất cả” (cp 1926).

Vâng lời cách tuyệt đối đến độ ”khi gặp khó khăn chỉ biết thinh lặng và phó thác”: ”Tôi muốn và phải nhẫn nại hơn để vác loại ‘thánh giá vâng lời’ này. Tôi đã bình tâm và chịu đựng trong lòng để đi đến hôm nay. Tôi đã và sẽ tuyệt đối thinh lặng, không tâm sự với bất cứ ai về thánh giá này. Nói ra sẽ mất công nghiệp. Lạy Chúa ‘xin canh giữ miệng lưỡi con’ (Tv 140,3). Tôi cố theo gương thánh Phanxicô giữ sự yên lặng cách tự nhiên, không buồn lòng...” (cp 1926).

Vì thế, sau mười năm làm Đại Diện Tòa Thánh tại Bảo Gia Lợi (125-134), ngài cảm thấy tâm hồn bình an và có thể viết: ”Khi tự hỏi phải làm gì để đẹp ý Chúa và nên thánh hơn, tôi chỉ nghe câu trả lời: Hãy tiếp tục sống vâng lời như bấy lâu nay. Làm phận sự thường ngày, từng ngày, chớ mất bình tĩnh. Tâm hồn phải luôn ao ước sống sốt sáng và trọn lành hơn.” (Cp 1934).

Phần thưởng cụ thể của đức vâng lời là đức Roncalli được nâng lên chức Tổng Giám Mục và đổi về làm Khâm Sứ Toà Thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Ngài đã ghi lại về việc thuyên chuyển này như sau: ”Thuyên chuyển tôi về đây, Đức Thánh Cha muốn nhấn mạnh với đức Hồng Y Sincero, là Người rất bỡ ngỡ vì tôi đã mười năm thinh lặng lẻ loi ở Bảo Gia Lợi mà không phàn nàn, không một lời muốn được tuyên chuyển. Tôi đã giữ điều dốc lòng và vui mừng vì đức vâng lời” (Cp 1935).

Đến năm 1945, được Toà Thánh bổ nhiệm làm Sứ Thần tại Paris, đức Tổng Giám mục Roncalli đã ghi: ”Được gọi về Paris, tôi phải trải qua bao khó khăn lúc ban đầu khi nhận công việc. ‘Vâng lời và An bình’ một lần nữa là nguồn hạnh phúc. Tôi lại thêm hăng say sống khiêm nhường, tín thác vào Chúa. Tôi cố thánh hóa chính mình và cứu các linh hồn trong những năm còn lại của cuộc đời để phục vụ Hội Thánh” (Cp 1945).

Năm năm sau, 1950, đức Sứ Thần Roncalli lại viết thêm: ”Tại Paris, tôi vẫn tiếp tục sống đơn sơ, phục vụ Toà Thánh cách cần mẫn, yêu mến nhẫn nại, kết hợp mật thiết với Đức Kitô, là Vua, là Thầy và là Chúa của tôi” (Cp 1950).

Sau cùng, khi được bầu làm Giáo Hoàng (1958), đức Gioan XXIII đã thân thưa với Chúa: ”Con cám ơn Chúa, vì trên hết các ơn, Chúa đã ban cho con sự bình an và không sợ cách vô lý. Con cảm thấy mãi mãi muốn vâng lời trong hết mọi sự, từ việc lớn đến việc nhỏ. Nhờ vậy mà sức hèn mọn của con trở thành sức mạnh đến mạo hiểm, nhưng trong sự đơn sơ, đúng tinh thần Phúc âm, khiến mọi người trên thế giới kính nể và nên gương tốt cho mọi người. Lạy Chúa, con bất xứng, xin Chúa nên sức mạnh và niềm vui cho con. Xin Chúa thương xót con” (Cp 1959).

6. BÁC ÁI MỤC VỤ

Năm 1901 được gửi lên Roma học thần học, thầy Angelo Giuseppe Roncalli đã viết thư về thăm ba má và gia đình. Đây là câu phần cuối của lá thư: ”Thưa ba má, con không làm linh mục để được giầu sang, vì như vậy là đớn hèn. Con sẽ làm linh mục để phục vụ người nghèo”. Lời này nói lên nhân đức bác ái thầy muốn nên thánh và làm việc mục vụ.

Chúng ta thấy thầy Angelo tìm mọi cách để sống bác ái với anh em đồng môn, đồng tuổi. Trước tiên là đối với những anh em có khuyết điểm cần sửa chữa. Trong ”Luật Sống” của thầy có câu: ”Tôi phải luôn cầu cho người tội lỗi nói chung và cách riêng cho những anh em chủng sinh nếu có. Thử tìm mọi cách để họ phục thiện. Bàn hỏi những kẻ khôn ngoan kín đáo, đặc biệt với cha linh hướng để có những phương pháp hay, vừa tế nhị, kín đáo, sửa chữa cái xấu gương mù, vừa giữ được thanh danh cho người phạm lỗi” (LS 1895). Tình bạn cao đẹp này có nhiều trường hợp thi thố... từ các đại chủng sinh, các linh mục trẻ, như cha Roncalli đã ghi lại trong những năm làm linh hướng chủng viện Bergame: ”Tôi thương tuổi trẻ như mẹ yêu con, luôn luôn yêu người trẻ trong Chúa, cố ý chuẩn bị để trong tương lai, họ nên những người xứng đáng của Giáo Hội, nên những tông đồ nhiệt thành của CHÂN và THIỆN... Công việc bắt đầu thật mênh mông: Đồng lúa chín vàng, mà thợ gặt ít quá. Tôi hằng lo lắng cầu xin Chúa, vừa cầu nguyện, vừa nỗ lực tạo nơi các thày đại chủng viện và linh mục trẻ mới ra trường lòng yêu thương và hăng say phục vụ tuổi trẻ. Đây là một công việc mục vụ rất cao đẹp và khẩn trương. Giúp cho họ biết có khả năng làm mục vụ gần tuổi trẻ. Theo tôi, ăn nói dịu dàng và đời sống đơn sơ, đạo đức rất kiến hiệu để, trong thời gian ngắn, có thể quy tụ một số linh mục sốt sáng sinh hoạt cho tuổi trẻ...” (Cp 1919).

Với cương vị ”người làm mục vụ trong ngành ngoại giao”, Đức Gioan XXIII đã sống bác ái như thế nào? Chúng ta hãy đọc những điều ngài viết trong cuốn ”Nhật Ký của Tâm Hồn”:

* Khi làm Đại Diện Toà Thánh tại Bảo Gia Lợi (1925-1934): ”Giao tiếp với người khác, tôi luôn luôn ăn ở xứng đáng, đơn sơ và dịu hiền... Những đức tính này giúp tôi nhẫn nại, bình tĩnh, quên mình, luôn vui vẻ và sống tích cực đức ái giám mục ”để khích lệ người này, chia sẻ yếu hèn với người khác; biết nghiêng mình xuống với hạng người này và đứng thẳng trước mặt người khác; biết nêu gương cho người này mà không làm phật lòng người khác, biết thông cảm đúng lúc và nghiêm nghị khi cần thiết; không trở thành địch thù của bất cứ ai, nhưng làm mẹ của mọi người” (Cp 1928). ”Tình trạng mười năm ở Bảo Gia Lợi không có gì khích lệ. Không thể có sáng kiến, chỉ phải làm việc đang làm, ít là tạm thời vậy. Đành phải sống ngày qua ngày, nhưng càng phải yêu nếp sống như thế, dù phải kìm hãm ước muốn hoạt động, để nên giống Chúa Giêsu hơn. Hằng ngày tôi cầu nguyện tha thiết hơn cho phần rỗi của chính tôi, của các linh mục và các giám mục, của giáo dân và dân tộc Bảo Gia Lợi. Tôi cầu xin cho tinh thần bác ái bén rễ sâu vào dân tộc xứ này, cho sự tiến bộ và thánh thiện của tu sĩ và tín hữu Công Giáo. Hằng ngày, tôi xin Chúa chúc lành cho dân tộc Bảo Gia Lợi. Tuy nghèo khổ, họ rất giàu lòng và sẵn sàng phục vụ Thiên Chúa và Giáo Hội”. (Cp 1934).

* Khi làm Khâm Sứ Toà Thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp (1935-1944): ”Cha giải tội bảo: Chúa hài lòng về cách tôi phụng sự Chúa. Tôi mong rằng Chúa hài lòng thực. Bởi lẽ tôi chỉ bằng lòng một phần thôi. Từ lâu tôi đã chọn hướng đi: Trong mọi công tác mục vụ, tôi nhất quyết hy sinh, hy sinh vô điều kiện cho các linh hồn” (Cp 1939). ”Hãy xem đức bác ái cao trọng và trổi vượt trên mọi hồng ân. Vì thiếu bác ái, các nhân đức khác không còn giá trị. Đức bác ái bảo toàn đức trinh khiết và khiêm nhường... Đặc biệt, cần chăm sóc người nghèo, cho kẻ rách rưới ăn mặc, rước khách đỗ nhà, chuộc người bị cầm giữ, bênh vực kẻ góa, mồ coi. Tỉnh thức lo lắng mọi việc. Quản trị là tiên liệu phân phối cho công bằng. Tiếp đón kẻ xin tá túc là điểm quan trọng. Tiếp đón tất cả cách dịu dàng trìu mến. Tòa giám mục là của chung của mọi người” (Cp 1942).

* Khi làm Sứ Thần Toà Thánh tại Paris (1945-1952): ”Càng ở Pháp lâu, tôi càng thực tình yêu quý cường quốc này. Thâm tâm tôi có hai điều trái ngược: Một đàng là khen ngợi lòng dũng cảm của giáo dân Pháp. Đàng khác, vì bổn phận, tôi cũng nhận ra những khuyết điểm, những lối sống đạo hời hợt, tinh thần thế tục thâm nhiễm... Là Sứ Thần, con mắt của Toà Thánh, làm sao khen được những cái đáng buồn trầm trọng... Ngay trong toà Khâm Sứ, tôi phải ôn hòa với tất cả, không chia rẽ những người làm việc dưới quyền. Tôi phải là người ‘số một’ về đức khiêm nhường cũng như về uy quyền. Không quá khiêm tốn để mở đường cho người dưới lầm lỗi, cũng không quá nghiêm khắc kẻo trở thành người tàn nhẫn... Đức ái là trên hết, không có đức ái là không có gì thành toàn... Do đó khi nói chuyện, tôi phải tỉnh táo tránh những xét đoán táo bạo, bất xứng chức giám mục, hoặc thiếu tôn kính các Bề Trên trong Giáo Hội, các cấp mà Toà Sứ Thần này trực thuộc. Dù phải nén lòng chịu đựng và nhục nhã cho cá nhân tôi, tôi quyết giữ cho được điều dốc lòng này. Nhân viên sẽ hiểu và tôi sẽ an tâm. Bác ái chưa đủ, còn phải dịu dàng, đặc biệt với những ai đến toà Sứ Thần này. Vì như lời thánh Isidorô nói: ”Toà giám mục là nhà tiếp đón mọi người” (Cp 1947).

* Khi làm Hồng Y Giáo Chủ Venezia (1953-1958): ”Đặc biệt Chúa Quan Phòng đã trả tôi về điểm khởi đầu của đời sống linh mục, tức là cho tôi trở lại đời sống mục vụ, trực tiếp chăm lo các linh hồn. Tôi hằng tâm niệm rằng, làm linh mục mà không có tinh thần mục vụ, linh mục sẽ không ra gì, chỉ làm trò cười cho chức thánh. Nay tôi được trả lại cho nhiệm vụ trực tiếp của Giáo Hội, là cứu rỗi các linh hồn, dẫn họ về chân phúc vĩnh cửu. Thế là đủ, tạ ơn Chúa. Ngày nhận chức tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Máccô, tôi đã có một dốc quyết: ”Tôi chỉ có một ý tưởng, một ý chí, là sống và chết cho các linh hồn đã được trao phó. Người mục tử tốt lành phải chết vì đàn chiên...” (Cp 1953). ”Hôm nay, tôi tự hỏi: Cả cuộc đời hèn mọn 50 năm linh mục của tôi là gì? Phải chăng là một tiếng vọng rất bé của câu ‘Lòng thương xót Chúa thay cho tài đức của tôi’... Tôi xác tín hơn nữa rằng: Chủ chăn phải rất bác ái và nhân hậu. Bằng không sẽ thành con chó sói, là kẻ chăn thuê tác hại đàn chiên. Ôi Chúa Giêsu, xin cho con thấm nhuần trọn vẹn tinh thần mục tử của Chúa...” (Cp 1954).

* Khi làm Giáo Hoàng (1958-1963): ”Nhớ lại ngày 28.10.1958, khi các Hồng Y chỉ định tôi gánh trách nhiệm cao cả là điều khiển Giáo Hội hoàn vũ của Chúa Kitô, lúc đó tôi đã 77 tuổi. Ai cũng chuyền miệng nhau rằng: tôi chỉ là vị giáo hoàng giao thời. Nay đã bốn năm rồi. Một chương trình mục vụ lớn lao đã được trình bày với cả thế giới (Công đồng Vatican II), mọi người đang nhìn tôi và trông chờ... Phần tôi, tôi luôn nhận sự bất tài kém đức của mình. Tôi thực lòng biết ơn và kính trọng mọi người, nhất là những người của Chúa. Tôi dốc quyết nên thánh trong chức vụ, và hào quang sự thánh thiện của tôi là đức bác ái chân thành, sống dịu dàng và hiền hậu với mọi người. Tôi xác tín rằng: ‘Đức bác ái bảo vệ, trang điểm, làm linh động đời sống và hoạt động của Giáo Hoàng’... Tôi ít gặp khó khăn về việc sống đức bác ái. Tuy nhiên, khi bị coi thường, thâm tâm tôi vẫn có phản ứng. Phản ứng này, tôi xin âm thầm thú nhận, để luyện tập thêm đức nhẫn nại, thêm dịp để đền tội. Quả thật, nhiều lúc tôi suýt mất nhããn nại, và do đó, có thể làm hại kẻ khác, vô tình sẽ gánh chịu đau khổ. Lạy Chúa, xin thương xót con. Con hằng tin tưởng ở lòng đại từ bi của Chúa... Xin cho con tựa sát vào trái tim Chúa, cho tim con đập theo nhịp của Trái Tim Chúa. Cho con gắn liền với Chúa bằng khoen xích: ”Yêu người không bao giờ cạn và vô cùng nhẫn nại” (Cp 1961).

7. NIỀM TIN VÀ PHÓ THÁC

Như bao nhiêu người Kitô hữu, bao nhiêu linh mục và tu sĩ đạo đức khác, Đức Gioan XXIII ý thức luôn rằng: ”Kho tàng trọng nhất của tâm hồn tôi là đức tin. Đức tin thánh hảo, chân thành, đơn sơ mà tôi thừa hưởng từ cha mẹ, và tổ tiên tôi. Để nên thánh, tôi phải bảo vệ đức tin của tôi bằng mọi cách, giữ đức tin tinh tuyền, không để hư hỏng”. (Cp 1910).

Sống đức tin là sống phó thác. Là chỉ biết nương tựa vào Chúa. Chúa là tất cả: ”Ôi Giêsu, một lần nữa, con là của Chúa, của Chúa đến đời đời. Với Chúa, con thật cao cả, xa Chúa, con chỉ là cây sậy yếu hèn, tựa vào Chúa, con sẽ như cây cột vững chắc... Lạy Chúa Giêsu, muôn đời, con là của Chúa, xin Chúa đừng xa con”. (Cp 4.1903).

Sống đức tin là ”luôn sẵn sàng vâng theo ý Chúa”: ”Tôi chỉ muốn một điều duy nhất là luôn tuân theo ý Chúa trong mọi sự, và hiến toàn thân làm sáng danh Chúa. Duy chỉ có cách này tôi mới sống đúng đời sống linh mục của tôi” (Cp 1915). Đây là điều mà Đức Gioan XXIII coi như ”nóc cao của toà nhà thiêng liêng” (Cp 5.1903). Và ý Chúa được bày tỏ ra qua ý của Bề Trên. Cho nên ”đối với tôi, điều quan trọng là làm theo ý Bề Trên và cha Linh Hướng chỉ định. Thế thôi. Điều khó nuốt không phải là làm việc theo đức vâng lời, mà chính là phải bắt trí khôn và ý muốn của mình theo lệnh truyền của Bề Trên. Cho dù ý riêng của mình có vẻ hữu lý và tốt đẹp, cũng phải đạp nó xuống” (Cp 5.1903). Đức Gioan XXIII không vâng lời thụ động hay lý thuyết. Đức vâng lời cụ thể qua các việc bổn phận phải làm: ”Tôi chỉ sống trong sự vâng lời, và vì vâng lời, tôi đã gánh bao nhiêu thứ việc gần rã vai. Nhưng tôi sẵn lòng gánh vác, nếu Chúa muốn chất thêm tôi vẫn sung sướng lãnh nhận”. (Cp 1911). ”Tôi đã có ý định xin bớt công tác và chỉ xin nhận những gì hợp với khả năng. Nhưng tôi lại nhất định không làm thế. Bề Trên biết rõ, thế là đủ. Hơn nữa, nếu không ai hỏi, tôi chẳng bao giờ tỏ ý mình thích việc này hơn việc nọ”. (Cp 1913).

Cường độ cao của đức tin hay đức phó thác là cảm thấy ”Chúa Kitô sống và hoạt động trong mình”: ”Điều dốc lòng đặc biệt của tôi trong dịp cấm phòng này là: Lạy Chúa, con sẵn sàng nhận tất cả, vui cũng như buồn. ”Đối với tôi, sống là Chúa Kitô sống và chết là mối lợi cho tôi” (Pl 1,21)”.

8. KHÓ NGHÈO VÀ LIÊN HỆ GIA ĐÌNH

Nếu Đức Gioan XXIII đã bú lấy đức tin từ trong sữa của thân mẫu và đã tôi luyện đức tin từ gương sống của thân phụ, thì phải nói thực: Ngài đã ý thức, quý trọng và sống tinh thần khó nghèo từ nhỏ trong gia đình ruột thịt của Ngài. Vì thế, khi đọc cuốn Nhật Ký Tâm Hồn, chúng ta thấy một sự liên kết chặt chẽ giữa đức khó nghèo với tình gia đình ruột thịt nơi Đức Gioan XXIII.

Năm 1901, thầy Angelo Giuseppe Roncalli được gửi học thần học tại Roma. Ngày đầu năm mới, thầy viết thư về thăm gia đình như sau: ”Trọng kính thăm Ba Má,... Con không cầu cho gia đình giàu sang, chỉ cầu cho mọi người thành Kitô hữu rất tốt lành, nghèo túng nhưng bằng an phó thác cho Chúa Quan Phòng. Con lấy làm vinh dự sống trong cảnh nghèo của Ba Má. Chúng con không có bánh mì, chỉ có cháo, không bao giờ biết miếng thịt, trừ vài ngày lễ lớn trong năm. Lễ Noel chỉ được một thẻo bánh má tự tay làm. Gia đình lại đông, 20 đứa con lớn bé, đứa nào cũng chực chờ đĩa cháo. Thế mà, nếu có ai đến ăn xin, má vẫn mời họ ngồi vào bàn chia bữa ăn với chúng con (...) Con làm linh mục không phải để giầu sang, con sẽ làm linh mục để phục vụ người nghèo”. ”Tôi thương gia đình tôi, vì anh chị tôi nghèo, giữ đạo tốt. Họ không nhờ vả tôi, mà còn an ủi, kính trọng, khích lệ, nâng đỡ tôi” (Cp 1955).

Đến khi làm linh mục, có lần cha đã viết: ”Bây giờ tôi hiểu rõ vẻ đẹp và sự dịu dàng của đức khó nghèo. Tôi sẵn sàng bỏ tất cả lập tức không chút hối tiếc. Đặc biệt tôi phải sống khó nghèo bằng cách dứt khoát với chính mình, không nghĩ đến chức vụ, địa sở, đặc ân hay những gì tương đương” (Cp 1919).

Rồi trong thiên chức giám mục và thừa tác vụ ngoại giao tại Bảo Gia Lợi, Đức Cha Roncalli đã thực hành đức khó nghèo cách cụ thể: ”Năm nay Chúa Quan Phòng trao cho tôi món tiền quan trọng, thuộc riêng cá nhân tôi. Tôi dùng một phần giúp người nghèo, một phần cho nhu cầu riêng và giúp đỡ người nhà, phần lớn để tu bổ toà Khâm Sứ, sửa phòng ở cho các linh mục thuộc quyền ở nhà Thánh Linh. Người đời, kể cả hàng giáo sĩ, họ bảo tôi là có tinh thần sống khó nghèo” (Cp 1940).

Đến khi làm Hồng Y giáo chủ Venezia, Đức Roncalli để lại bút tích như sau: ”Tôi thương gia đình tôi, vì anh chị tôi nghèo, sống đạo tốt, họ không nhờ vả tôi, mà còn an ủi, nâng đỡ tôi. Tôi quyết sống xa họ. Lý do là xưa nay các giáo sĩ Venezia, tuy tốt, nhưng với nhiều lý do, chính đáng cũng có, đã đưa bà con về ở chung đông quá. Sự kiện này gây nhiều trở ngại cho việc mục vụ của các ngài. Khi các ngài chết, còn gây hại cho địa phương nữa. Tôi cố tránh cái nạn này” (Cp 1955).

Sau cùng khi lên ngôi giáo hoàng, Đức Gioan XXIII đã viết: ”Làm Giáo Hoàng, Đại Diện của Chúa Kitô, danh hiệu cao sang quá đối với tôi là con nhà nghèo, cha mẹ quê mùa chất phác, tuy thực sự đạo đức”. Rồi ngài cám ơn Chúa: ”Nhìn lại cuộc sống với khuyết điểm tràn đầy, tôi nhìn nhận là Chúa chưa thử thách tôi như đã thử thách bao linh hồn khác. Chẳng hạn về đức khó nghèo, tôi đã trải qua tuổi nhỏ trong sự nghèo nàn, túng thiếu, thế nhưng tôi không nghĩ tôi nghèo, không lo gì cho gia đình túng thiếu... Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vô vàn” (Cp 1961).

Cảm động nhất, tinh thần khó nghèo gắn liền với tình nghĩa gia đình hơn cả là những lời Đức Gioan XXIII viết trong các tờ di chúc:

* Di chúc khi làm Giáo Chủ Venise: ”... Sinh ra nghèo, do cha mẹ nghèo nhưng đáng kính, tôi đặc biệt sung sướng được chết nghèo. Khi làm linh mục và giám mục, có được chút nào là đã phân phối để nuôi sống mình cách đơn sơ, nghèo khó, để giúp người nghèo... Bề ngoài xem ra sống đầy đủ, nhưng che đậy bên trong cái nghèo rắc rối, khiến tôi không giúp được người nghèo như ý muốn. Cám ơn Chúa cho con sống nghèo, như lời con khấn khi gia nhập hội linh mục Thánh Tâm: nghèo trong tinh thần, nghèo thực sự. Cho tới nay, tôi không hề xin tiền hay xin một ân huệ nào cho tôi, cho họ hàng, hay cho bạn hữu. Với các em, các cháu ruột, họ không giúp tôi được gì về tài sản, tôi cũng chỉ để lại cho họ phúc lành. Tôi xin họ sống đơn sơ, khiêm nhường trong sự kính sợ Chúa. Đó là vinh dự đích thực. Lắm lúc họ cùng cực quá, tôi chỉ giúp họ ngang hàng như một người nghèo, không tìm cách cho họ thoát cảnh nghèo. Tôi cầu cho họ nghèo túng mà thanh bạch. Tôi vui mừng thấy họ trung thành với truyền thống cha ông nghèo khổ. Ước vọng gặp lại họ tất cả trong hạnh phúc vĩnh cửu” (1954).

* ”Chúc thư gửi họ Roncalli: ”... Đặc biệt anh thương những em đang nghèo, đang khổ nhất trong các em... Có em phải di cư đến thành phố Milan để kiếm công ăn việc làm. Thấy các em nghèo khổ, có người đã nghĩ: có anh làm giáo hoàng mà dòng họ vẫn nghèo mạt, địa vị xã hội chẳng có gì khả quan hơn! Các em đừng buồn! Không thiếu gì những người nghĩ ngược lại: giáo hoàng hiện nay là con của những người dân quê nghèo hèn, nhưng Ngài khả kính, rất yêu thương bà con, dòng họ. Nhiều giáo hoàng trước đây cũng xuất thân từ gia ình nghèo như anh. Vinh dự của giáo hoàng là đã giúp gia đình như đã vì bác ái mà giúp bất cứ gia đình nghèo khổ khác. Đó là tước hiệu danh dự của giáo hoàng Gioan và của dòng họ Roncalli mà nhiều người hiểu biết và quý mến. Anh có chết, nhiều người sẽ ca tụng anh như đã ca tụng thánh Piô X: Ngài sinh ra nghèo và Ngài chết nghèo!...” (1961).

* Di chúc của Gioan XXIII, Giáo hoàng: ”...Áo choàng của tôi sẽ bán đấu giá lấy tiền cho người nghèo ở Venezia... Xin ai thực hiện bản di chúc, hãy rất thận trọng: Bổng của các ý lễ theo chức vụ giáo chủ, tính toán xong, xin lấy phần còn lại phân phối cho các linh mục và tu sĩ nghèo túng... Xin đừng để linh hồn tôi bị giam lại trong luyện tội vì ý lẽ và phận vụ đối với người nghèo... Phần còn lại sau cùng, xin giúp em Maria và cháu Enrica. Nhưng xin em và cháu cũng hãy chia với người nghèo, đặc biệt những ai nghèo mà không dám xuất đầu lộ diện. Thương người nghèo là đức tính của gia đình ta, mà tôi còn nhớ nhiều câu chuyện đẹp hồi còn bé...” (1961).

Nên thánh là sống trọn vẹn những nhân đức tự nhiên và siêu nhiên Thiên Chúa đã trang bị cho mỗi người. Ai cũng được mời nên thánh, và ai cũng có đủ ơn Chúa để nên thánh. Chúa không bao giờ thua thiện chí của chúng ta, sách Gương Phúc nói như vậy. Trước đó, Chúa cũng đã khẳng định với thánh Phaolô: ”Ơn ta đủ cho ngươi”. Chúng ta vui mừng vì thấy Đức Gioan XXIII đã có một ý chí nên thánh, nghĩa là ý chí muốn sống trọn những nhân đức tự nhiên mà Chúa trang bị cho Ngài. Chúng ta chờ đợi ngày Giáo Hội tuyên dương ý chí nên thánh của Chân Phước Gioan XXIII bằng việc tôn phong Ngài lên bậc Hiển Thánh.

Bây giờ chúng ta đi sang phần II, là trình bày những phương thế mà Đức Gioan XXIII đã theo để thể hiện và phát triển các nhân đức tự nhiên và siêu nhiên trong đời sống, hay nói tắt, để nên thánh.

II. NHỮNG PHƯƠNG THẾ NÊN THÁNH

1. YÊU MẾN CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ


”Quy Luật Sống” nhận được từ cha linh hướng chỉ ghi ”Mỗi ngày viếng Thánh Thể ít nhất một lần” (LS 7). Nhưng sau tuần cấm phòng 1896, thì điều 8 trong 14 điều Quyết Tâm của thầy Angelo Giuseppe Roncalli là: ”Sẽ trường kỳ đạt cho được lòng yêu mến và lòng tôn sùng Chúa Giêsu Thánh Thể. Vì đó là đối tượng của mọi tâm tình và ý tưởng của tôi lúc còn là chủng sinh và nếu Chúa muốn, suốt đời linh mục” (Cp 1896). Thầy còn nhắc lại thêm ở điều 10 khi nói về lòng tôn sùng Thánh Tâm, và điều 13, khi nói về việc cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô giáo.

Trung thành với ”Quy Luật Sống”, thầy Angelo siêng năng viếng Thánh Thể. Đó là cách thế đơn sơ thầy thực hành để tỏ lòng yêu mến Chúa Giêsu. Tuy nhiên không dễ dàng. Không biết bao lần thầy đã thú nhận sự khô khan, chia trí, hời hợt khi viếng Thánh Thể: ”Tôi khuyên kẻ khác mến Chúa Giêsu Thánh Thể. Tôi nói rất hùng hồn, khiến nhiều người có cảm tưởng tốt về tôi. Thực ra tôi còn xa ngàn dặm, thua bạn bè” (Cp 6.1897). ”Những ngày qua tệ quá!... Tôi đã lơ là, bỏ bê việc viếng Thánh Thể” (Cp 10.1897). ”Khổ thực, lòng mến Chúa của tôi mỗi ngày nguội dần... Hôm nay, cách chung tôi không làm vui lòng Chúa. Tôi xa cách Chúa. Tôi có viếng Thánh Thể, nhưng viếng mà như không! Xin Chúa giúp con, nếu cứ thế này, con sẽ đi sai đường!... Nhớ cha sở quá cố cũng là dịp chia trí nhiều trong giờ viếng Thánh Thể và lần hạt Mân Côi. Như vậy là không giống ngài!” (Cp 1.1898).

Tuy không nản, nhưng phải đợi đến biến cố đau thương, là cái chết bất thần của cha sở đáng kính Rebuzzini, thầy Angelo mới lấy lại được thế khí ban đầu về lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể. Chính trong buổi cấm phòng tháng sau biến cố đau buồn, 10.1898, thầy đã ghi hai điều dốc lòng: ”Càng cầu cho linh hồn cha sở, tôi càng thêm lòng tôn sùng phép Mình Thánh. Tôn sùng Thánh Thể hỗ trợ nhiều việc cầu nguyện cho các Đẳng... Lạy Chúa, xin giúp con thực hiện hai điều quyết tâm: Viếng Thánh Thể và lần hạt Mân Côi, phần còn lại tự nó sẽ thành. Ôi Giêsu Thánh Thể, con muốn tiêu hủy mình đi vì yêu Chúa, xin cho con liên kết với Chúa, cho trái tim con gắn liền vào Trái Tim Chúa. Con muốn được diễm phúc kết hợp với Chúa như thánh Gioan Tông Đồ trong ngày Chúa lập Bí tích Thánh Thể. Xin Mẹ Mân Côi giúp con cầm trí khi lần chuỗi hạt, xin Mẹ dùng chuỗi hạt thắt buộc con lại với Chúa Giêsu Thánh Thể. Ngợi khen Chúa tình yêu, không khen Mẹ Vô nhiễm” (Cp 1898).

Từ đó, chính thầy Angelo cảm nghiệm sâu xa rằng: ”Chúa đã dùng lòng tôn sùng Thánh Thể để giữ tôi khỏi phạm tội và khỏi sống xa cách Chúa. Lòng tôn sùng này phải là phương thế hữu hiệu nhất cho việc nên thánh của tôi. Tình yêu Thánh Tâm ngự trong Thánh Thể làm cho đời sống, tư tưởng, lời nói việc làm của tôi mỗi ngày thêm sống động. Lòng sốt mến này thể hiện cách cụ thể qua hành động. Vậy, tôi cố kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể dường như tôi vẫn ở trước nhà tạm, và mỗi ngày tôi cố đọc nhiều lần các lời nguyện tắt về Chúa Giêsu Thánh Thể. Viếng Thánh Thể và Rước Lễ là hai việc làm thể hiện lòng sốt mến và sự kết hợp này...” (Cp 1901). ”Nhờ việc viếng Thánh Thể, việc Rước Lễ và việc đọc những lời nguyện tắt, tôi cảm thấy tư tưởng của tôi quy về Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Thể. Chính Ngài soi sáng, nâng đỡ và thêm sức mạnh cho tôi” (Cp 1903).

Để tránh sự chia trí khi viếng Thánh Thể, nhất là để nuôi dưỡng lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, thầy Angelo đã tìm đọc những sách tu đức nói về Bí Tích Thánh Thể. Đọc mỗi cuốn, thầy đều nhận được thêm một ngọn lửa sốt mến, một sáng kiến làm phong phú đời sống thánh thiện hằng ngày: ”Qua sách ‘Viếng Mình Thánh’ của thánh Alphongsô, Chúa Giêsu đã soi cho tôi hiểu rõ là Chúa rất ưa thích chung sống với loài người. Thế mà nhà thờ bé nhỏ của nhà quê tôi đã thành hoang vắng, không ai tới gặp Chúa. Còn tôi, mỗi ngày chỉ đôi ba lần gặp Chúa. Thế là đúng, vì tôi có giờ. Tôi sẽ đi thêm vài lần để thăm Người, chào hỏi Người, hầu chuyện với Người. Chúa sẽ hài lòng và Chúa cũng cho tôi toại nguyện” (Cp 1900). ”Khi đọc cuốn sách đáng giá ngàn vàng của cha Faber về ‘Phép Thánh Thể’, một tư tưởng đã đánh động tâm hồn tôi rất nhiều: Giữa những bông hoa hay giữa những thành quả của lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, niềm hoan lạc là yếu tố quan trọng nhất của đời sống nội tâm, là dưỡng khí nuôi dưỡng các đức tính anh dũng. Vui là tinh thần, là bản năng, là thiên bẩm, là hồng ân khôn tả. Vui phải được kể là yếu tố của tinh thần tự do, chỉ vui mới đủ khả năng liên kết các đức tính tự nhiên và siêu nhiên, mà đôi khi chúng xem như không hòa hợp với nhau được. Vui tươi không hạn chế sự thân mật do tình thương, vui là bạn rất thân của đức hãm mình... Cần vui để hăng say hãm mình, cần hãm mình để tăng thêm niềm vui...” (Cp 1902).

Những năm ở đại chủng viện là thời gian trang bị cho đời sống linh mục thầy Angelo dần bước tới. Vì thế khi cấm phòng chịu chức linh mục, thầy kiểm điểm lại mọi hành trang, trong đó có hành trang ”lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể”. Hành trang đã có, nhưng phải tiếp tục bảo trì và kiện toàn như điều thầy quyết tâm: ”Tiếp tục để ý đến việc viếng Thánh Thể mỗi ngày cho thực sốt sáng. Tôi mang ơn Thánh Tâm và Thánh Thể, nên tôi để hết lòng yêu mến bí tích Mình Thánh” (Cp 1904).

Cha Angelo đã trung thành với điều quyết tâm. Vì thế ba năm sau ngày chịu chức linh mục, cha có thể viết: ”Kỳ cấm phòng này, tôi thấy sốt sáng kính mến Thánh Thể và Thánh Tâm hơn. Tôi đã quy hướng cả đời chủng sinh vào việc tôn sùng Chúa Giêsu Thánh Thể, thì từ nay là trọn đời sống linh mục. Tôi sung sướng gặp được câu nói của cha La Tasse ‘Tâm hồn này đi với Chúa, đến với Chúa và ở mãi với Chúa’. Ôi tôi sung sướng... Tôi phải luôn quy hướng về Chúa Giêsu Thánh Thể bằng việc dâng lễ, rước lễ, viếng Mình Thánh, đọc lời nguyện tắt. Dù chỉ đến gật đầu chào Chúa thôi, tôi cũng hạnh phúc rồi...” (Cp 1907). Đặc biệt khi được bổ nhiệm làm cha linh hướng chủng viện Bergame, cha coi thừa tác vụ này gắn liền cha với Chúa Giêsu Thánh Thể nhiều hơn nữa. Cha cảm thấy cần đến Ngài nhiều hơn. Vì thế: ”Trong trách nhiệm mới, tôi phải tìm sống thân mật dịu dàng hơn với Chúa Giêsu Thánh Thể. Từ nay, Chúa Quan Phòng đã cho tôi ở một phòng bên cạnh nhà nguyện. Tôi hứa năng đến với Chúa Giêsu hầu đáp lại mọi vinh dự Ngài dành cho tôi” (Cp 1919).

Ý thức rằng lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể là nền tảng của việc nên trọn lành và luôn gắn liền với thiên chức linh mục. Vì thế ngay sau khi đã chịu chức giám mục nhiều năm, Đức Cha Roncalli cũng đã lập lại điều quyết tâm căn bản này: ”Tôi phải tiếp tục trung thành với phận vụ đạo đức của linh mục: Thánh lễ, nguyện gẫm, nhật tụng, lần hạt, viếng Thánh Thể... với lòng sốt sáng như ngọn đèn cháy nhờ dầu đầy đủ” (Cp 1934). Rồi cả với việc đọc kinh dọn mình dâng lễ: ”Để tiếp tục gia tăng lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, từ nay tôi dốc lòng sẽ đọc các kinh dọn mình dâng lễ như đã ghi trong sách lễ” (Cp 1939).

Nếu chức giám mục cho ngài đặc ân ”có nhà nguyện riêng”, thì đây cũng là dịp thúc đẩy ngài trung thành hơn với lòng yêu mến Thánh Thể, và coi đó như trung tâm của mọi việc đạo đức khác: ”Trong việc phụng vụ... tôi cần chú ý trung thành mến yêu Thánh Thể mà tôi được đặc ân giữ tại nhà nguyện riêng, bên cạnh phòng làm việc. Tôi sẽ cố gắng thay đổi cách viếng Thánh Thể vừa bổ ích, vừa sống động hơn: Đọc Thánh Vịnh Thống Hối, ngắm Đường Thánh Giá, kinh nguyện cho các Đẳng. Tất cả phải quy hướng về Thánh Thể” (Cp 1947).

Hai năm trước khi lìa trần, cuối tuần phòng Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã ghi lại như sau: ”Đạo đức, dịu hiền, bác ái là ba điều căn bản, tóm tắt con đường nên thánh của tôi. Tôi vẫn cố gắng chu toàn sốt sáng về: Thánh lễ, lần một chuỗi 150, luôn kết hợp thân mật với Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Thánh lễ hiệp nhất tôi lại với Thánh Tâm và Máu Thánh Chúa như tôi hằng sùng kính. Thánh lễ mỗi buổi sáng là trạm nghỉ êm đềm đến chừng nào! Ngoài Thánh lễ, tôi còn viếng Thánh Thể sau cơm trưa và sau kinh tối... Lạy Chúa, xin bổ túc cho những gì con còn thiếu sót! Chúa biết con mến Chúa đến chừng nào” (Cp. 1962).

2. TÔN KÍNH THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

Tuần cấm phòng năm 1896, thầy Angelo Giuseppe Roncalli đã nghiêm chỉnh viết lên 14 điều dốc lòng. Những điều này lại được tái xác định vào tuần cấm phòng năm 1898. Trong đó, ở điều thứ 10, thầy Angelo dốc quyết: ”Mến Thánh Tâm phải là gương mẫu nơi chính tôi. Tôi sẽ truyền bá lòng kính Thánh Tâm cho mọi người, nhất là cho các em nhỏ”.

Có lẽ thầy Angelo đã được hun đúc lòng yêu mến Thánh Tâm ngay từ môi trường gia đình và họ đạo của thầy, như đã có lần thầy ghi lại: ”Hôm nay, thánh giá kinh hoàng đã đến với tôi, đó là cái chết bất ngờ của cha xứ F. Rebuzzini... Cha làm cha xứ vào những năm 1872-1898, và chính cha đã rửa tội cho bé Angelo. Nhìn ngài chết tất tưởi, tôi nghĩ đến cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh giá. Trái Tim Chúa đã cho ngài sống 26 năm giữa đàn chiên. Nhờ ngài mà giáo dân, từ nhỏ đến lớn, đều có lòng tôn sùng Trái Tim Chúa... Năm nay Chúa đã gọi ngài về vào đúng Chúa Nhật cuối tháng chín mà họ đạo dâng kính Trái Tim Chúa Giêsu... Hiện giờ ngài đang ở trên Trời, bên cạnh Thánh Tâm Chúa... Tôi ghi ơn ngài, vì ngài đã dạy chúng tôi yêu mến Thánh Tâm...” (Bk 25.4.1898). Hơn thế đến năm 1903, thầy Angelo còn thổ lộ: ”Từ nhỏ tôi đã yêu mến Thánh Tâm. Bởi lẽ, bác thân yêu Zaverio, bõ đỡ đầu của tôi, đã dâng ngay tôi cho Thánh Tâm trong ngôi nhà thờ nhỏ bé của làng quê, để Người cho tôi mau lớn và thành người tín hữu tốt. Lời nguyện tắt mà lần đầu tiên tôi học trên đầu gối của bác mà đến nay tôi còn đọc: ”Lạy Trái Tim dịu dàng, xin cho con yêu mến Chúa nhiều hơn mãi. Tôi còn nhớ: Mỗi năm nhằm Chúa Nhật cuối tháng chín, làng tôi quen long trọng mừng lễ Thánh Tâm. Ai cũng nói thói quen này là do sáng kiến của bác Zaverio. Gần đến ngày lễ, bác dọn mình rất sốt sáng. Bác cũng nhắc tôi ‘tùy sức mà dọn mình cho xứng đáng’. Theo ý bác và ba má, họ chỉ mong sao tôi thành người nhà quê lương thiện. Nhưng Thánh Tâm lại đưa tôi vào hàng kẻ Chúa chọn. Chúa lại dùng cha sở khả kính Rebuzzini, là người có lòng mến Thánh Tâm đặc biệt, dạy bảo tôi. Lúc còn là linh mục trẻ, cha đã gây nhiều phong trào phổ biến lòng mến Thánh Tâm... Tôi nhớ lắm, những lần tôi dâng mình lại cho Thánh Tâm, những lần tôi đọc say mê các sách về Thánh Tâm... Tôi sung sướng nhớ lại những mẩu chuyện nho nhỏ đã chuẩn bị tôi, qua nhiều giai đoạn cực khổ, để chia sẻ ơn cao quý hơn của Thánh Tâm ở tại Roma này, và suối Thánh Tâm không bao giờ cạn” (Cp 1903). Chính ”bác hai Zaverio cũng đã hun đúc cho tôi lòng sùng kính ‘Máu Thánh Chúa’, bổ túc cho việc sùng kính Tên Thánh và Thánh Tâm Chúa Giêsu. Tôi cám ơn bác vô vàn” (Cp. 1961).

Quả thật, ngay từ nhỏ thầy Angelo đã có một lòng yêu mến và tín thác vào Thánh Tâm Chúa Giêsu: ”Hôm nay, những gì liên quan đến Thánh Tâm được kể như khá quen thuộc đối với tôi và rất đáng qúy mến. Tôi hạnh phúc cảm thấy rằng: Đời sống tôi cứ tiến đi mãi theo ánh sáng tình thương của Thánh Tâm, và tôi múc lấy từ Thánh Tâm những giải đáp tốt lành mỗi khi tôi gặp khó khăn. Tôi sẵn sàng đổ máu để Thánh Tâm toàn thắng. Ý chí của tôi là làm tất cả những gì có thể để tỏ lòng yêu mến Thánh Tâm. Mỗi khi thấy mình quá kiêu căng, tự ái, khốn nạn, tôi chán ngán, sợ sệt, thất đảm... nhưng rồi tôi lại được bổ sức, nhớ lại lời Chúa phán cùng thánh nữ Magarita: ‘Sở dĩ Cha kén chọn và sai con đi phổ biến mọi kỳ diệu của Trái Tim Cha là vì con dốt nát và yếu hèn’. Tôi muốn phục vụ Thánh Tâm bây giờ và mãi mãi” (Cp 1903).

Ba năm trước, ngày 27.01.1900, thầy Angelo đã tuyên hứa long trọng với Thánh Tâm Chúa Giêsu dưới sự bảo trở của thánh Lui Gonzaga: ”- Nhờ ơn Chúa mà tôi xác tín: Là Kitô hữu và giáo sĩ, tôi tự buộc mình phải hoàn toàn và mãi mãi dấn thân phục vụ tình yêu Chúa. - Nhờ công nghiệp vô cùng của Thánh Tâm Chúa Giêsu, tôi được thúc đẩy phải nên thánh và sống trọn vẹn đức yêu thương. - Xét vì năm nay, 1900, tôi vừa đúng 19 tuổi, tôi đang cấm phòng và đang kết hợp với Thánh Tâm nhờ bí tích Thánh Thể, trước mặt Đức Mẹ Vô Nhiễm, thánh Giuse, Bạn tinh tuyền của Mẹ và là Quan Thầy chính của tôi, trước mặt các thánh khác, đặc biệt những vì thánh bổn mạng và các thiên thần giữ mình, tôi, chủng sinh ANGELO GIUSE, rất tội lỗi, xin long trọng và đem hết nghị lực xin hứa với THÁNH TÂM: Kể từ nay và mãi mãi sống trong ơn Chúa, không vấn vương với bất cứ tạo vật gì dù là nhỏ mọn, và không hữu ý phạm một tội nhẹ nào. - Xét vì sức tôi yếu hèn, tự mình không làm được điều gì tốt lành, tôi xin đặt lời tuyên hứa trên đây dưới sự bảo trợ của thánh Lui Gonzaga, một gương mẫu thiên thần chói sáng. Xin Ngài thương giúp tôi sống trung thành với lời đoan hứa hôm nay. - Xin Thánh Tâm nhân lành Chúa Giêsu khấng nhận lòng thành của con, chỉ muốn yêu mến Chúa trên hết. Xin lửa tình yêu của Thánh Tâm đốt lòng con bừng cháy lửa yêu mến Chúa” (Cp 1900). Sau đó, nhiều lần cấm phòng xét mình lại, thấy mình còn xa với lời đã hứa: ”Một lần nữa, tôi thấy rằng tôi còn xa lý tưởng, còn nhiều việc phải làm để trở nên một chủng sinh tốt như Thánh Tâm mong muốn”... Vì thế, tôi xin lặp lại điều dốc lòng muốn nên thánh thực sự. Con xin xác định lại trước Thánh Tâm dịu hiền rằng: Con quyết chí yêu Chúa như Chúa muốn, con muốn thấm nhiễm tinh thần của Chúa, con muốn từ sáng đến tối kết hợp với Thánh Tâm” (Bk 22.8.1900).

Ba năm sau, kết thúc tuần cấm phòng, thầy Angelo lại dốc lòng: 1) Muốn thực sự là vĩ nhân trước mặt Chúa và mọi người, tôi phải sống khiêm nhường tối đa. Về nhân đức này, tôi còn ở cấp sơ đẳng. 2) Mỗi ngày tôi phải cầu xin Thánh Tâm ”dịu hiền và khiêm hạ” để được ơn soi sáng và bền chí nên thánh... Tôi ghi hai điều dốc lòng này vào ngày thứ năm tuần thánh, ngày trọng đại của Thánh Tâm, ngày cưới và là ngày giao ước của tình yêu... (Cp 1903).

Đặc biệt, thầy Angelo luôn gắn liền Thánh Tâm với Chúa Giêsu Thánh Thể. Càng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, thầy Angelo càng yêu mến Thánh Tâm. Thật cảm động, đọc lại những trang thầy ghi lại vào mấy tháng trước khi chịu chức linh mục: ”Mỗi khi nghe nói về Thánh Tâm, Thánh Thể, tôi vui mừng khôn tả. Bao nhiêu kỷ niệm yêu thương dịu dàng, tin tưởng vui vẻ tràn đầy, làm tôi phấn khởi. Linh hồn tôi ngụp lặn trong âu yếm dịu dàng. Đây là những tiếng ưu ái Chúa gọi tôi đến nguồn ân phúc, là Thánh Tâm đang sống cách nhiệm mầu trong bí tích Thánh Thể. Suốt đời tôi hằng tôn sùng Thánh Tâm... Tôi lấy lòng tôn sùng Trái Tim ẩn mình trong Thánh Thể làm hàn thử biểu đo sự tiến đức của tôi. Cốt yếu của điều dốc lòng kỳ cấm phòng là kết hợp với Thánh Tâm ngự trong Thánh Thể mà nên thánh. Hoàn toàn hạ mình, kết hợp với Thánh Tâm đang bị người đời xỉ nhục là việc êm đềm. Nếu người đời coi thường khinh rẻ tôi, tôi sẽ rất vui mừng đi tìm và gặp được nguồn nghị lực vô biên, nguồn an ủi dịu dàng nơi Thánh Tâm” (Cp 1903).

Thầy Angelo chịu chức linh mục năm 1904, và tuần cấm phòng 1907, Cha ghi: ”Từ lâu, nhất là từ khi lãnh chức linh mục, việc tôn sùng Thánh Tâm và Thánh Thể là linh hứng cho đời sống, cho tư tưởng, tình cảm, hành động của tôi, đến nỗi tôi cảm thấy tôi sống trong đó và vì việc tôn sùng đó thôi” (Cp 1907). Chính niềm xác tín này đã dẫn cha Angelo đến một quyết định: ”Mấy hôm nay, tôi dự định gia nhập Hội Linh Mục Thánh Tâm của Giáo phận Bergame, mong sớm thực hiện ý định” (Cp 1909). Trải nhiều dị nghị, ngay trong hàng linh mục địa phận, và nhiều khó khăn, ngày 7.10.1911, cha Angelo đã quyết nộp đơn xin Đức Giám Mục cho nhập Hội Linh Mục Thánh Tâm. Cha cũng xin Đức Giám Mục đóng ấn vào tờ ghi những điều quyết tâm của những năm đầu đời linh mục của cha, thẩm ý muốn nói lên rằng: Trong mọi việc làm, cha hoàn toàn lệ thuộc Đức Giám Mục, nhờ đó, ”cha cũng là người nô lệ, người tù của Thánh Tâm” (Cp 1911).

Kể từ đó, nhất cử nhất động, trong đời sống mục vụ, cha Angelo đều làm với tinh thần Hội Linh Mục Thánh Tâm, nói khác với lòng yêu mến Thánh Tâm Chúa Giêsu”: ”Tôi cố luôn tỏ ra là một linh mục Thánh Tâm nhiệt thành. Vì thế, Những điều hứa trên đây (sau tuần cấm phòng) liên quan đặc biệt đến những điều tôi hứa riêng với tư cách là hội viên của Hội Linh Mục Thánh Tâm. Tôi cố gắng tham gia hết mọi sinh hoạt của Hội đã đón nhận tôi, trước là nêu gương cho anh em giáo sĩ, sau là làm cho hội được danh tiếng và đạt được mục đích của hội” (Cp 1914). Cũng thế, khi làm linh hướng Tiểu chủng viện Bergame, cha Angelo vận động các linh mục trẻ thuộc Hội Thánh Tâm dấn thân vào mục vụ giới trẻ, nêu cao tinh thần kỷ luật và chí ý tông đồ (x. Cp 1919).

Đến khi làm giám mục, Đức Cha Angelo Giuse Roncalli lại tiến thêm một bước dài: Từ việc sùng kính Thánh Tâm, ngài lại say mê các thương tích của Chúa Giêsu trên Thập Giá. Chính Đức Cha đã viết: ”Tôi thích thánh Aucơtinh gọi Thánh Tâm là ”cửa vào sự sống”. Đôi khi người ta khai thác quá đáng về Thánh Tâm. Tuy nhiên gọi Thánh Tâm là cửa vào sự sống thật chính đáng. Muốn được sự sống vĩnh cửu, cần đi vào cửa đó. Tôi phải bước qua cửa đó để gặp con đường toàn hảo. Tư tưởng khác của thánh Bênadô cũng làm tôi say mê: ”Đâu là nơi an nghỉ cho con người yếu hèn của ta nếu không phải là các vết thương của Chúa Giêsu?... Còn gì nói rõ hơn về lòng Chúa dịu hiền, khiêm nhường đầy lòng nhân hậu bằng các vết thương của Chúa? Những năm gần đây, từ lòng yêu mến Thánh Tâm, tôi đã hết lòng sùng kính các vết thương của Chúa Giêsu chịu treo trên Thập Giá. Tôi sẽ cố gắng thăng tiến thêm về điểm đạo đức này” (Cp 1931).

Trước những khó khăn của đời sống mục vụ ngành ngoại giao của Tòa Thánh, Đức Cha Roncalli thường hay ghi: ”Xin Thánh Tâm thiêu đốt lòng con, bảo vệ con, cho con tinh thần của Người” (Cp 1935). ”Xin Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin Mẹ Maria, xin thánh Giuse bổn mạng ngành ngoại giao... hộ trì con, cho con ơn can đảm và luôn được chúc phúc” (Cp 1947). ”Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, là sự sống và sự phục sinh, là sự an bình và sự hòa giải của chúng con, là sự cứu rỗi cho những ai cậy trông, niềm hy vọng cho kẻ chết trong Chúa, là sự dịu ngọt của mọi thần thánh. Xin Thánh Tâm thương xót con” (Cp 1952).

Sau cùng trong thiên chức Giáo Hoàng, Đức Gioan XXIII đã thân thưa với Chúa: ”Lạy Chúa, xin cho con tiếp tục uống chén Máu Thánh Chúa. Chén thánh đó là Trái Tim của Chúa. Trái Tim Chúa bảo đảm phần rỗi đời đời cho con” (Cp 1961).

3. YÊU MẾN ĐỨC MẸ MARIA

”Danh Maria, êm dịu thay cho lòng con. Tên của Mẹ là tất cả sự dịu ngọt của con. Chính nhờ Tên của Mẹ mà con học được ý tưởng thế nào là yêu. Chính từ nơi Mẹ đã xuất phát những tư tưởng mới mẻ và lành thánh tô điểm linh hồn con” (Cp 1962). Từ bé đi học trường làng, Đức Gioan XXIII đã thuộc lòng những vần thơ ca khen Đức Mẹ như trên. Và vào năm cuối đời, trong tuần phòng chuẩn bị mở Công Đồng Vatican II, Ngài đã chép lại để tạ ơn Đức Mẹ. Mẩu bút ký này nói lên với chúng ta rằng Đức Gioan XXIII đã được hun đúc lòng mến Đức Mẹ ngay từ tuổi nhỏ. Lòng Mến này được phát triển dồi dào kể từ khi thầy Angelo bước vào Đại Chủng Viện, khi ý thức ”thế nào là nên thánh” và ”tác động hữu hiệu của lòng mến Đức Mẹ trong việc nên thánh”.

Lòng yêu mến Đức Mẹ của Đức Gioan XXIII thật phong phú. Và theo Ngài, ”Đây là phương thế cần thiết và hiệu nghiệm để nên thánh”. Cũng như nhiều điểm khác, ở đây chúng ta cũng dựa vào những bút ký còn lại sau mỗi tuần cấm phòng để trình bày ”lòng yêu mến Đức Mẹ của Đức Gioan XXIII”.

Ngay khi bước vào Đại Chủng Viện, thầy Angelo Giuse Roncalli đã nhận được bản ”Quy Luật Sống”, trong đó ghi rõ ràng: 1. ”Hàng ngày phải lần hạt và làm một vài việc hy sinh dâng kính Đức Mẹ”. 2. ”Hàng tuần, mỗi thứ bảy sẽ nói hoặc nghe một nhân đức của Đức Mẹ và rút ra cho mình những bài học nên thánh”.

Tuần cấm phòng năm sau, thầy lại có thêm một quyết tâm: ”Tôi sẽ thu xếp thời giờ đọc Kinh Nhựt Khóa kính Đức Mẹ và thêm ba kinh Kính Mừng xin ơn thanh tịnh. Tôi hứa với Mẹ Maria muôn đời khả ái: Xin Mẹ giữ gìn con luôn, đừng để một tư tưởng hay một hành động cố ý nào có thể làm mờ đục đức trinh khiết của con. Ngay bây giờ và mãi mãi, xin Mẹ bao che con khỏi mọi dịp tội do ma quỷ gài bẫy” (Cp 1896). Nếu gặp dịp tội, xin cho con luôn biết mở miệng kêu xin: ”Mẹ Maria Vô Nhiễm, xin cứu con” (Cp 1897).

Có thể nói, không một lần cấm phòng nào, cấm phòng tháng hay cấm phòng năm, mà thầy Angelo không ghi lại thêm một lời quyết tâm ”mến Đức Mẹ hơn”, ”Tất cả cho Đức Mẹ để tất cả cho Chúa Giêsu” (Cp 15.5.1898). ”Ôi Maria khiêm nhường, con quyết tâm sống khiêm nhường theo gương Mẹ” (Bk 5.6.1898). ”Con hứa sẽ năng tưởng nhớ đến Chúa và Mẹ bằng lời nguyện tắt, Tất cả hy vọng của con đặt nơi Mẹ” (Cp 21.6.1899)....

Viết lên những lời quyết tâm như vậy, thầy Angelo tỏ rõ chí ý muốn yêu mến Đức Mẹ, muốn nhờ Đức Mẹ dẫn dắt trên đường trọn lành. Tuy nhiên không phải là dễ giữ những điều đã quyết tâm. Nhiều lần Thầy cũng thú nhận đã quên Mẹ, đã chia trí khi lần chuỗi hạt, hay đã bỏ bê, hoặc đã có những sai lỗi làm buồn lòng Mẹ. Chẳng hạn: ”Tội nghiệp Mẹ, con yêu Mẹ ít quá, quên Mẹ hoài! Mai con sẽ cố thi hành điều mà đã ngàn lần con dốc lòng. Ôi Maria, con cầu mong và trông cậy Mẹ” (Cp 8.1897). ”Mỗi lần tôi sai lỗi, Mẹ đau khổ như bị dao đâm vào tim. Tôi xấu hổ lắm! Như hôm nay, tôi nói nhiều quá, đủ thứ chuyện không cần... mà lại quên Mẹ” (Cp 9.1900). Lần khác sau một ngày ”bi đát”, thầy xét mình và ghi lại: ”Thứ hai này và thứ hai trước cách nhau xa quá! Hè đi đâu thì chia trí, không kết hợp với Chúa. ‘Tôi chỉ xa lánh điều xấu mà không làm điều lành’ (Tv 36,27). Ra đi là có điều phải hối hận. Như hôm nay, nguyện tắt được có hai lần. Bỏ xét mình riêng. Lần hạt và kinh Nhật Tụng kính Đức Mẹ, đọc cách hời hợt. Chiều nay lại không lo rút lui, cứ nán lại nói những chuyện vô ích” (Bk 31.10. 1900).

Chính với tâm tình thống hối chân thực, mà thầy Angelo đã nhiều lần cầu nguyện, vừa thú tội vừa đoan hứa với Đức Mẹ: ”Mẹ đã khóc vì Chúa Giêsu không được yêu mến lại còn bị xúc phạm. Chắc Mẹ cũng khóc vì con. Thôi, Mẹ đừng khóc nữa! Con xin từ nay sẽ thật tình yêu mến Chúa Giêsu, và sẽ cố làm dịu những đau khổ của Mẹ, bằng cách đưa tâm hồn về với Chúa và Mẹ. Con xin dâng mọi hoạt động mai này cho Mẹ, xin Mẹ giúp con, thanh tẩy con nên hoàn hảo. Con là đứa con bất xứng của Mẹ. Con dốc lòng sẽ lần hạt sốt sáng hơn, chứ không khô khan, hời hợt như bấy lâu nay” (Bk 17.9.1897).

Nhưng không lời cầu nguyện nào tha thiết và nồng nàn lòng mến Đức Mẹ cho bằng lời nguyện mà thầy Angelo đã dâng lên Đức Mẹ Vô Nhiễm như sau: ”Kính chào Mẹ Vô Nhiễm! Mẹ duy nhất, tuyệt trần thánh hảo, đẹp mắt Chúa hơn mọi tạo vật. Mẹ ơi, Mẹ tốt lành và xinh đẹp quá! Nếu không biết Chúa là Chúa duy nhất phải thờ phượng, chắc con đã tôn thờ Mẹ rồi. Mẹ ơi, ai diễn tả hết được lòng nhân từ của Mẹ? Mến Mẹ là ơn đặc biệt Mẹ đã ban cho con từ một năm qua, cho dù con bất xứng. Hôm nào Mẹ đã ban lại cho ơn này cách dồi dào, đồng thời nhắc cho con những phận vụ dịu dàng liên quan đến tình yêu Mẹ và con đã có vinh dự được thi hành. Nhưng nào con đã đáp ứng xứng tình Mẹ yêu con. Xét mình con thấy tâm hồn con như thế nào rồi, nhưng sau một năm con chẳng ra sao cả. Mấy hôm rày, con khùng khùng, điên điên. Đó là nhân đức của con đấy! Con cảm thấy như Chúa Giêsu xa con bởi vì con đã xa Chúa! Con cần cầm trí nhiều bằng lời nguyện tắt là phương thế con vẫn dùng. Con vẫn là thế, vậy cần chú ý đến những việc nhỏ, những lời ngăn ngắn, những tư tưởng be bé... mà không nên coi thường kẻo hại to. Ôi Maria, vì con chưa sống như con phải sống, chưa làm phận vụ riêng mà Mẹ đã từng soi sáng con phải làm. Xin Mẹ cho tâm tình con mãi thành thật sám hối và quyết chí như hôm nay, là quyết liệt thi hành những việc con phải chu toàn. Mẹ đáng mến, con xin dâng mình lại cho Mẹ. Xin cho con thực lòng yêu mến Mẹ và quyết tâm hoàn thành những việc con còn thiếu sót. Xin cho con năng tưởng nhớ Mẹ, nói chuyện với Mẹ. Mẹ biết con, Mẹ hiểu con, con xin ký thác việc này cho Mẹ: Nếu con được Mẹ giúp sống khiêm nhường, con sẽ nên thánh. Càng khiêm nhường thẩm sâu, càng nên thánh cao cả. Nhờ ơn Mẹ, con sẽ dâng Mẹ những việc hy sinh con dự định làm. Xin Mẹ ở bên con, đồng hành với con trong việc học hỏi cũng như trong việc đạo đức. Xin Mẹ đưa con đến gần Chúa Giêsu, Con chí ái của Mẹ. Xin Mẹ kết hợp con lại với Chúa, cho con điên rồ vì mến Chúa, ôi Mẹ Vô Nhiễm” (Lễ Đức Mẹ Vô nhiễm 8.12.1900).

Như chúng ta thấy, một việc làm thực tế mà Đức Gioan XXIII từ nhỏ đã ưa thích làm để bày tỏ lòng mến Đức Mẹ, sống kết hợp với Chúa Kitô và thánh hóa đời sống mỗi ngày: Đó là việc lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày. Nhiều lần Ngài đã dốc lòng, đã đoan hứa lần hạt Mân Côi mỗi ngày. Cũng nhiều lần Ngài tỏ ra hối hận vì bỏ bê việc lần hạt hay lần không sốt sáng... Nếu ngay khi vào Chủng viện thầy Angelo Giuse Roncalli đã hứa ”lần hạt mỗi ngày dâng kính Đức Mẹ”, thì lúc cuối đời, trên ngai Giáo Hoàng, Đức Gioan cũng lập lại: ”Từ đầu năm 1958, tôi đã dốc lòng và giữ mãi hằng ngày lần hạt 150. Phương pháp này giúp tôi trong ngày liên tục trầm lặng suy nghĩ đến tầm hoạt động bao la của hai nhiệm vụ chăn dắt và giáo huấn của Giáo Hoàng và Cha linh hồn của mọi người” (Cp 1961). Vì thế, Đức Gioan XXIII còn để lại cho chúng ta những bài suy gẫm các mầu nhiệm Mân Côi thật sâu đậm và sốt sáng (xem phụ lục I).

Để nên thánh, Đức Gioan XXIII cố sống trọn vẹn các nhân đức tự nhiên và siêu nhiên như chúng ta nói ở phần trên. Nghị lực để sống đơn sơ, khiêm nhường... Ngài đã múc lấy từ Chúa Giêsu Thánh Thể, từ Thánh Tâm, từ Đức Mẹ, từ các Thánh... Không biết bao lần Đức Gioan XXIII đã xin ”Được biết khiêm nhường như Đức Mẹ, đơn sơ như Đức Mẹ, phó thác, tin tưởng theo gương đức Mẹ, chịu đau khổ và hy sinh như đức Mẹ...” (x. Cp 1900).

Và dĩ nhiên, càng mến Đức Mẹ, Đức Gioan XXIII càng được thúc đẩy cầu nguyện cho Giáo Hội (x. Bk 3.9.1895, Bk 4.9. 1900), cầu nguyện cho người khác như cho gia đình ruột thịt, cho bệnh nhân (x.Bk 29.12.1901), cho thế giới... Phải chăng đó là lý do cho phép Đức Gioan XXIII, khi mới chịu chức linh mục, ghi lại lời này như một lời nguyện tắt, một hướng mục vụ phải theo: ”Maria, Mẹ từ ái, xin giúp con để trong mọi sự, Chúa Kitô được vinh hiển” (Cp 1915).

Sau cùng, vì lòng mến Đức Mẹ, Đức Gioan XXIII đã chọn ngày lễ ”Kính Thánh Danh Đức Mẹ”, (12.9.1961) để viết tờ di chúc thiêng liêng. Ngài cũng kết thúc tờ di chúc bằng lời: ”Tôi mong được an táng tại Venezia, gần mộ thánh Máccô... Nếu không, xin được an nghỉ trong Đền Đức Bà Bầu Chủ, dưới mắt Mẹ hiền”.

4. YÊU MẾN CÁC THÁNH

Yêu mến các thánh đối với Đức Gioan XXIII là một phương thế giúp ngài sống tốt đời sống mỗi ngày: khi còn là chủng sinh với ”việc tu luyện”, khi đã chịu chức linh mục bận rộn công việc mục vụ, khi dấn thân vào ngành ngoại giao của Toà Thánh với nhiều nhiệm sở tế nhị, khi tuổi đã cao lại gánh vác chức vụ Giáo Chủ Venezia, và nhất là khi được chọn làm Giáo Hoàng với bao nhiêu vấn đề mục vụ rộng lớn và khẩn trương của Giáo Hội hoàn vũ. Đức Gioan XXIII đã chọn nhiều vị thánh như anh em, như bổn mạng, như cố vấn: ”Xin các Thánh cầu nguyện cho tôi, chỉ dạy tôi sống khiêm nhường. Xin chuẩn bị cho tôi bước vào niên học mới với nhiều hành trang và hạnh phúc tại chủng viện” (Cp 1989). Mỗi vị đều có những gương sáng đặc biệt giúp Ngài trong mọi sinh hoạt mục vụ, nhất là trong việc nên thánh.

Dĩ nhiên Đức Gioan XXIII gắn bó trước hết với thánh Giuse, ”quan thầy chính của Ngài”.

Một điểm tuy nhỏ nhưng khá lịch sử: Tên thật từ nhỏ của Đức Gioan XXIII chỉ là ”Angelo Roncalli”. Mãi cho tới năm 1925, tức là khi cấm phòng để chịu chức giám mục ngài mới thêm tên thánh Giuse vào: ”Tôi quyết định vĩnh viễn thêm tên Thánh Giuse vào tên tôi đã có từ ngày chịu Phép Rửa Tội để tôn sùng vị Tổ Phụ khả ái, vì bổn mạng số một và là gương mẫu của tôi sau Chúa Giêsu và Mẹ Maria” (Cp 1925). Vì thế trong các thư từ viết trước 1925, ngài chỉ ký ”Angelo Roncalli”, còn trong các thư từ viết sau 1925, ngài ký ”Angelo J. Roncalli”. Sự quyết định này làm chứng Đức Gioan XXIII có lòng tôn kính Thánh Giuse cách đặc biệt. Nói khác Thánh Giuse giữ vai trò quan trọng trong đời sống mục vụ và nên thánh của Ngài.

Một cách vắn tắt, trong ”Quy Luật Sống” viết: ”Phải tôn kính Thánh Giuse cách đặc biệt” (Ls 9). Nhưng bản dốc lòng sau tuần cấm phòng 1896 nói rõ ràng hơn: ”Không bao giờ quên thánh Giuse, hằng ngày sẽ dâng lên Ngài một lời nguyện cho mình, cho những người đang hấp hối và cho Giáo Hội”.

Cách đơn sơ để tỏ lòng yêu mến thánh Giuse là mừng lễ Người cho sốt sáng, lấy đó như một dịp tốt dâng mình cho Người. Thầy Angelo đã trung thành với việc làm này. Thầy thường đọc bản kinh sau đây: ”Ôi Cha Thánh Giuse khả ái, hôm nay Giáo Hội long trọng mừng lễ Cha. Một lần nữa con xin dâng mình cho Cha với tất cả những điều dốc lòng của con. Xin Cha bầu chủ để con giữ trọn. Đặc biệt con xin Cha giúp con cầm trí khi cầu nguyện, sống đời nội tâm như Cha đã sống và con hằng mơ ước. Con quyết tâm yêu Cha và làm cho nhiều người yêu Cha. Xin Cha thương giúp con luôn sống đời trong trắng. Xin Cha phù trì con mãi mãi. Amen” (Cp 1901).

Cũng trong dịp cấm phòng này, Đức Gioan XXIII đã tuyên bố: ”Các vị thánh bổn mạng khác của tôi là: Thánh Phanxicô Xaviê, Carolô, Phanxicô Salêsiô, các vị thánh Bảo Trợ của Roma và Bergame, và thánh Grêgoriô Barbarigô” (Cp 1925). Tinh thần truyền giáo và dứt bỏ mọi sự vì vinh danh Chúa của thánh Phanxicô Xaviê là bài học lớn cho Đức Gioan XXIII. Ngay từ khi mới vào chủng viện thầy Angelo đã biết học nơi thánh Carôlô lòng quý mến Bí Tích Giải Tội. ”Thánh nhân xưng tội mỗi ngày, còn tôi lại bỏ qua lâu rồi, cho dù vẫn nhiều lý do” (Bk 31.8.1895). Một ý tưởng làm say mê và phấn khởi vị Đại Diện Toà Thánh tại Bảo Gia Lợi, khi gặp những khó khăn không nói ra được, đó là lời của thánh Phanxicô Salesiô: ”Tôi như con chim đang hót giữa bụi gai” (Cp 1930).

Một vị thánh lớn khác làm say mê Đức Gioan XXIII, đó là thánh Inhaxiô, sáng lập dòng Tên. Có lẽ Ngài đã tiếp thu nhiều ý tưởng tốt lành của thánh Inhaxiô nhờ việc đọc sách thiêng liêng và, đặc biệt, nhờ các linh mục dòng Tên giảng phòng. Chính Đức Gioan XXIII ghi lại: ”Tôi xin nhận lời nguyện của Thánh Inhaxiô trong cuốn ‘Linh Thao’ làm bảo vật: ”Lạy Chúa, xin nhận tất cả sự tự do của con...” (Cp 1928). Chỗ khác, Ngài viết: ”Ít lâu nay sau Thánh Lễ, tôi tưởng đã hết lòng sốt sáng đọc lời nguyện mà thánh Inhaxiô đã dùng để kết thúc tác phẩm của Ngài về ”Nước Chúa Kitô”. Kinh nguyện bắt đầu bằng câu ”Lạy Chúa là chủ vĩnh viễn của mọi loài, con xin hiến mình con cho Chúa”. Nói thực, tôi đã phải trả giá rất đắt về việc tận hiến này. Tôi nài nỉ Chúa cho tôi được chìm đắm trong thánh ý và tinh thần của Chúa Giêsu bị xỉ nhục và chịu đóng đanh trên Thánh Giá. Từ nay, mỗi ngày, tôi xin thêm lời nguyện mà thánh Inhaxiô đã kết thúc khi bàn về bậc thứ ba của đức khiêm nhường: ”Lạy Cha trên trời là chủ tể muôn loài, xin ban cho con là tôi tớ bất xứng được luôn trung thành với lời đã hứa: Xác tín rằng chỉ một mình Chúa đáng được vinh danh và vinh quang mà thôi. Vì thế, con muốn noi gương Chúa Kitô để hành động như Người: Không chọn giầu sang, con muốn chọn sống nghèo với Chúa Kitô nghèo hèn; Không tìm vinh dự, con muốn chọn mọi nhục nhã theo gương Chúa Giêsu, Đấng đã bị mạ lị; Con muốn được coi là điên khùng vì Chúa Kitô, Đấng là người thứ nhất muốn bị coi là điên dại hơn là được thế gian tôn vinh như bậc khôn ngoan” (Cp 1930).

Một điểm độc đáo của Đức Gioan XXIII là ngài rất mộ mến ba vị thánh trẻ. Ngài tìm thấy nơi mỗi vị những gương sáng đặc biệt cho việc tiến đức. Lúc hai mươi tuổi, thầy Angelo viết: ”Ba mươi năm đầu Chúa sống ẩn dật tại Nadarét, phần con đã mười năm qua sống yên ổn trong chủng viện. Chúa đã ban cho con nhiều hồng ân, dẫn con đi trên con đường của Chúa, đến độ khi bắt chước Chúa, con chẳng phải hy sinh, chẳng gặp khó khăn là bao nhiêu! Nhưng tại sao con không giống Chúa? Hai mươi tuổi rồi mà con chẳng làm nên trò trống gì! Đang khi cùng tuổi này, Lui, Stanislas và Berchman đã là những vị thánh trưởng thành. Ba vị thánh này nên thánh khó hơn con, vì không được những điều kiện như con để nên giống Chúa. Ở vào tuổi của con, các thánh đã thành công, còn con mới bắt đầu. Con nói ‘bây giờ mới bắt đầu’ (Tv 76,11). Mười một giờ trưa con mới tới vườn nho. Thế mà Chúa không đuổi con (x.Mt 20,9). Lạy Chúa, con hối hận, con sám hối, xin Chúa dạy cho con biết điều con phải làm” (Cp 1902). Đức Gioan XXIII, ngay khi mới nhập chủng viện, đã muốn học với ba vị thánh trẻ này về gương đức trong sạch. Ngài viết: ”Trong mọi lúc, tôi sẽ tự nhủ mình: Phải sống trong sạch như Thiên Thần. Từ con người đến đôi mắt, từ lời nói đến cử chỉ... tôi phải làm sáng tỏ đức trong trắng nổi bật nơi ba vị thánh trẻ tôi vốn yêu mến, Lui, Stanislas và Gioan Berchman. Đức khiết tịnh mà ba Đấng yêu thích, quý chuộng, là biểu hiệu của một trái tim và một tâm hồn tinh trong, tận hiến cho Chúa, và được Chúa yêu thương” (Cp 1897).

Quả thật Đức Gioan XXIII đã giầu lòng yêu mến các thánh. Mỗi lần cấm phòng vào một ngày lễ kính vị thánh nào, Ngài đều tìm đọc và suy niệm về đời sống của vị thánh đó. Chẳng hạn với thánh Philipphê: ”Hôm nay lễ thánh Philipphê Nêri, cả ngày nhớ đến ngài thật là kỷ niệm êm đềm... Thánh Philipphê hiểu tôi, khỏi cần tôi nói ra. Bao nhiêu năm qua, tôi đã nên giống Ngài tới đâu? Xin Ngài giúp tôi hiểu những nguyên tắc đích thực của trường tu đức của Ngài, để tôi thực hiện những điều ngài dạy về đức khiêm nhường và lòng bác ái, nghiêm trang và vui tươi, trong sạch và thánh hảo, phấn khởi và dấn thân vào những công việc lớn” (Cp 1903).

Với lòng yêu mến dâng lên các Thánh và luôn noi gương các Ngài để tiến đức, Đức Gioan XIII, vào lúc cuối đời, đã vui mừng xướng lên bài Thánh Thi của ngày lễ kính Thánh Giuse: ”Lậy Thánh Giuse đầy công đức, dẫn dắt con hèn lên cõi thọ, để muôn đời ca tụng Chúa từ bi” (Cp 1961).

5. TRUNG THÀNH VIỆC CẤM PHÒNG

Như chúng ta biết, phần lớn nội dung của cuốn ”Nhật Ký Tâm Hồn” là những suy tư, bài kiểm thảo và bản xét mình trong mỗi dịp cấm phòng mà Đức Gioan đã làm cách nghiêm chỉnh từ khi bắt đầu cḥu chức ”cắt tóc” cho đến mấy tuần trước khi kết thúc triều đại Giáo Hoàng. Nghĩa là từ năm 1896 đến 1963. Đọc lên chúng ta thấy rõ: Đối với Đức Gioan XXIII, cấm phòng luôn là một phương cách nên thánh cần thiết và hữu hiệu. Đây là một việc làm có mục đích thánh hóa cuộc sống mà mọi linh mục, tu sĩ hay chủng sinh hoặc nhiều giáo dân đều học biết. Nội dung của cấm phòng tháng hay cấm phòng năm, cấm phòng riêng hay cấm phòng chung cốt yếu là: ”Dành giờ để nghe giảng hay đọc sách thiêng liêng, để cầu nguyện hay suy gẫm, để kiểm thảo hay xét mình cách chu đáo hơn hầu thánh hóa bổn phận hằng ngày, và có sức mạnh thiêng liêng thực hiện những điều quyết tâm nên trọn lành và hoàn thành trọn hảo những tác vụ đã được trao phó”.

Ý thức việc cấm phòng là cần thiết, nên một trong những điều quyết tâm căn bản của lần cấm phòûng chịu chức linh mục, cha Angelo viết: ”Bằng mọi giá, phải giữ cấm phòng tháng, từ chiều thứ bảy đến trưa Chúa Nhật đầu tháng” (Cp 1904).

Hơn thế Đức Gioan XXIII, ngay khi còn là chủng sinh, nhiều lần tỏ ra lo lắng sợ không tận dụng đúng mức việc cấm phòng. ”Ôi Chúa Giêsu, con phải hạ mình sát đất, vì con khốn nạn. Càng ngày, con càng thấy mình như thế. Đã hối hận rồi lại chia trí, thiếu quyết định, thờ ơ trong mọi việc, bao khuyết điểm khác, đặc biệt trong lời nói. Không phải con thiếu ý chí cương quyết. Nhưng con sợ ”tại cấm phòng không nên”. Xin Chúa đừng để ơn Chúa khấng ban, trở thành vô ích... xin Chúa giúp con cấm phòng tốt, chuẩn bị tâm hồn để hai hôm nữa, con mừng lễ Sinh Nhật, con cảm thấy Chúa hài lòng với con, Chúa âu yếm thấy con mến Chúa thực” (Cp 12.2.1902).

Cấm phòng cần thiết như ”một trạm nghỉ để lấy sức, để thêm nghị lực”, sau những ngày công việc mục vụ chồng chất. Vì thế khi cảm thấy ”khô khan, yếu nhược”, hãy bình tĩnh, tìm đến ”trạm nghỉ”. Đó là cảm nghĩ của thầy Angelo lúc gần chịu Phó Tế: ”Nếu hằng ngày tôi không thấy Chúa Giêsu gần tôi như lúc cấm phòng, chịu chức, tôi không nên bỡ ngỡ than van. Vì bao công việc bên ngoài như học hành giải trí... chỉ gián tiếp hướng tôi về Chúa mà thôi. Phận sự của tôi là bình tĩnh, không để những việc kia làm nản chí... Ý tưởng làm vui lòng và yêu mến Chúa sẽ bao trùm mọi hành động của tôi, làm sung mãn đời sống nội tâm của tôi” (Cp 14.4.1903).

Dĩ nhiên không phải cuộc cấm phòng nào cũng sốt sáng, và ngày cấm phòng nào cũng nóng hổi đâu. Phải lợi dụng chính tình trạng khô khan, chán nản trong dịp cấm phòng, ít ra là để thống hối tội xưa. Chúng ta hãy nghe lời tâm sự của thầy phó tế Angelo: ”Ba ngày đầu của tuần cấm phòng đã qua cách khô khan vô vị giúp tôi hiểu hơn về tầm quan trọng của tình trạng hiện tại của linh hồn tôi, đó là việc tôi muốn trở lại để đẹp lòng Chúa. Không biết những hành động ngỗ nghịch hồi niên thiếu có nặng như là một trọng tội không. Dù sao, đối với tuổi đó, đây là những điều rất nặng mà hôm nay tôi vẫn xấu hổ trước mặt Chúa. Tôi than van như tên tội phạm, đỏ mặt vì tội đã phạm. Sau những lỗi ban đầu này, tiếp theo mỗi ngày, mỗi giờ chồng chất thêm bao nhiêu lầm lỗi: chia trí, tự ái, lời nói, hành động, những tự cao nhỏ nhen. Thực chồng chất như núi, đủ đè bẹp tôi” (Cp 1903).

Nếu ý thức và biết ”lợi dụng lòng sám hối để thắng vượt khô khan”, thì rồi sự sốt sáng sẽ trở về với chúng ta. Đó là kinh nghiệm của Đức Gioan XXIII: ”Sau cơn giông tố, Chúa lại cho trời phẳng lặng” (Tb 3,22). Sau ba ngày chờ đợi buồn tẻ, Chúa đã cho con ra mắt Chúa và ban ơn soi sáng... Tôi phấn chấn nhờ lời thánh Phanxicô Salêsiô: ”Dù Satan khuấy động quanh thuyền con, hãy yên tâm, đừng sợ, bao lâu Chúa còn ở với con” (Cp 1903).

Cấm phòng có mục đích nhìn lại cuộc sống của mình hoặc để đổi mới hoàn toàn, hoặc để củng cố điều đã quyết tâm từ trước, sau khi đã kiểm thảo nghiêm chỉnh trước mặt Chúa. Một cách nào đó, Đức Gioan khẳng định như vậy: ”Hôm nay không có gì phải sửa đổi như tôi đã dốc lòng ở bốn lượt cấm phòng trước khi chịu chức thánh. Để có trật tự hơn trong đời sống và tiến đức thêm về những điểm thấy đã vững chắc, tôi đặc biệt nhắc lại những điều dốc lòng sau đây: 1) Thức dậy sớm, dâng lễ, nguyện ngắm... 2) Viếng Chúa trước trưa... 3) Với giá nào cũng phải cấm phòng tháng... 4) Tiếp tục giữ các luật nhà Chúa... 5) Dành giờ học hỏi... 6) Ăn mặc đứng đắn... 7) Luôn sống khiêm nhường, hạ tự ái...” (Cp 1904)

Không kể những lần cấm phòng tháng, cấm phòng năm, Đức Gioan còn có những tuần cấm phòng đặc biệt. Như trước khi chịu chức thánh (phó tế, linh mục, giám mục), dịp mừng ngân khánh linh mục, ngân khánh giám mục, dịp lễ lục tuần, thất tuần và bát tuần. Mỗi dịp cấm phòng, ngài đều có một cảm nghiệm độc đáo về việc nên thánh. Chẳng hạn lần cấm phòng mừng 60 tuổi: ”Tôi chọn cấm phòng lần này vì là ngày tôi 60 tuổi. Lục tuần ai cũng cho là khoảng đời già. Già như thế, ít ra tôi phải là bậc thầy về đời sống nội tâm. Nhưng thực tế, tôi còn kém xa. Thánh hóa những ngày đầu của tuổi 60 bằng lời cầu nguyện, hãm mình đền tội, suy gẫm, cũng vớt vát được phần nào. Chắc Chúa vui lòng. Xin Chúa thương xót tôi!” (Cp 1940). Mười năm sau, khi cấm phòng mừng Ngân Khánh Giám Mục, Đức Cha Roncalli viết: ”Đây là ba ngày tĩnh tâm dịp Ngân Khánh Giám Mục của tôi, tại miền Bắc Phi Châu... Tuy bất xứng, bất tài, tôi đã được Giáo Hội nâng lên hàng giám mục một phần tư thế kỷ qua. Tôi vui mừng nhớ đến dĩ vãng, hiện tại và tương lai của tôi. Tôi mang theo những bút ký từ 1925 đến 1950. Đọc lại những gì đã ghi trên khoảng đường dài 25 năm qua các lần tĩnh tâm từ Bảo Gia Lợi, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp để thêm phấn khởi, thúc đẩy tôi thống hối lỗi lầm và cố sống sốt sáng hơn, xứng đáng một giám mục chủ chăn. Tôi đã bình tĩnh đọc qua một lượt, như xưng tội vậy. Sau đó tôi đọc kinh Meserere cho những lỗi lầm tôi đã vấp phạm, kinh Magnificat cảm tạ muôn hồng ân Chúa đã ban. Nhờ đó tôi thêm khiêm nhường, thứ khiêm nhường chân thành và tin tưởng. Tôi nhớ lại điều tôi đã dốc lòng cách đây 25 năm: ”Mọi sự phải quy về Chúa là cùng đích mọi sự”...” (Cp 1950). Qua năm 1954, Đức Hồng Y Roncalli lại cấm phòng mừng Kim Khánh Linh Mục tại làng quê Sotto il Monte. Ngài đã ghi lại: ”Hôm nay, 10.05.1954, tại Sotto il Monte, tôi nhớ ngày chịu chức linh mục cách đây 50 năm. Sau một đêm mưa êm dịu, sáng nay trời trong sáng. Chuông mai vừa đổ, tôi đã chổi dậy, ngợi khen Chúa. Tôi vào nhà nguyện, cầu nguyện một giờ. Cả cuộc đời hèn mọn 50 năm linh mục của tôi là gì? Phải chăng là một tiếng vọng nhè nhẹ của lời ”Lòng thương xót Chúa thay cho tài đức của tôi” (Cp 1954). Sau cùng là lần cấm phòng lúc 80 tuổi: ”Hôm nay tôi ra lệnh ngưng mọi công vụ giáo hoàng. Tôi hoàn toàn cấm phòng trong sự yên lặng. Cùng cấm phòng với tôi, có Đức Giám Mục Cavagna, người giải tội thường xuyên của tôi. Tuy chịu chức linh mục đã 57 năm rồi, mỗi lần đến 10.8, tôi đều sống lại những tâm tư sốt mến của ngày chịu chức. Càng nghĩ đến, tôi càng hạ mình xấu hổ về sự hư không của tôi. Tôi đã không đáp ứng cân xứng thánh chức đã lãnh nhận... Để thánh hóa bản thân, tôi luôn áp dụng tôn chỉ của cha Baronius ”Oboedientia et Pax”. Chúa hằng ở với tôi, Chúa đã cho tôi tư tưởng đó... Bức tranh vải La Pietà gợi lên trong tôi ý nghĩ: Giáo hoàng phải năng suy niệm về những khổ nhục của Chúa Kitô. Đó là ánh sáng tôi tìm được để nên thánh trong tuổi già” (Cp 1961).

6. QUÝ CHUỘNG BÍ TÍCH HOÀ GIẢI

Một trong những việc làm cơ bản của việc cấm phòng là xét mình và xưng tội. Đức Gioan XXIII rất trung thành với việc làm này. Ngài yêu mến Bí Tích Hoà giải cách đặc biệt, bởi vì đây là phương thế cần thiết, chắc chắn và hữu hiệu cho việc thánh hóa bản thân.

Vì thế, Đức Gioan XXIII luôn trung thành với những điều đã dốc lòng ngay lúc mới vào chủng viện: ”Tối đến trước khi lên giường, phải xét lương tâm cách tổng quát và giục lòng ăn năn tội”. ”Dịp cấm phòng năm sẽ xưng tội tổng quát, nếu không, sẽ xưng tội tổng quát trong năm vào dịp khác” (Ls 4 và 2). Lúc 80 tuổi Ngài cho chúng ta thấy lòng quý chuộng và sự trung thành của Ngài đối với Bí Tích Hoà Giải qua đoạn bút ký: ”Xưng tội hằng tuần là việc tôi hằng làm suốt đời. Nhiều lần tôi xưng tội chung. Nay tôi xưng tội lại tổng quát, không vào chi tiết, nhưng đúng theo lời kinh Dâng Lễ ‘để đền vì vô số lỗi lầm, sơ xuất mất lòng Chúa’. Tuy đã xưng lại nhiều lần, việc xưng tội hôm nay giúp tôi thêm lòng hối hận và chê ghét mọi tội lỗi” (Cp 1961).

Quả vậy, không thể quý chuộng Bí Tích Hoà Giải nếu không có tinh thần thống hối. Đức Gioan XXIII đã có một tinh thần thống hối chân thực và mạnh mẽ, như chúng ta thấy mỗi khi ngài đề cập đến những sai lỗi: thiếu khiêm nhường, quá tự ái, khô khan trong việc đạo đức, bỏ viếng thánh thể... Không những tuyệt đối xa tránh tội trọng, Ngài còn quyết chí không để một tội nhẹ nào vấn vương trong tâm hồn: ”Tội trọng, một ghê tởm không tài nào chấp nhận được! Nghĩ tới, tôi đã phát sợ, và tuyệt đối xa tránh. Còn tội nhẹ, tôi vẫn phải tránh xa vì những hậu quả nặng nề của nó. Tuy nó không đưa tôi vào hỏa ngục, không làm tôi mất ơn nghĩa với Chúa, nhưng nó làm khổ cho Chúa rất nhiều. Nếu muốn hoàn toàn và mãi mãi yêu Chúa, tôi phải tránh bất cứ việc nhỏ nào làm phiền lòng Chúa: Yêu nhau phải tế nhị như vậy! Chúa ôi, có thể nào con lại làm phiền lòng Chúa đến thế sao? Không, chẳng bao giờ. Không thể có tội nhẹ, hay đúng hơn tôi quyết không dính bén với một tội nhẹ nào. Con thà chết còn hơn để một tội nhẹ vướng vấn trong tâm hồn. Xin Chúa giúp con giữ tâm hồn cho trong trắng, tinh tuyền, đẹp mắt Chúa...” (Cp 1900).

Ngài đã dành một tuần cấm phòng để suy gẫm về thánh vịnh 50 của thánh vương Đavít: kinh ”Lạy Chúa, xin thương xót con” (Miserere mei Deus). Chúng ta trích dẫn ở đây một vài đoạn nhỏ:

* Tình thương của Chúa đối với tâm hồn hối cải: ”Lạy Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm!” Thiên Chúa thật độ lượng và dịu hiền. Không chỉ yêu thương thầm kín, Chúa còn bày tỏ lòng nhân hậu của Người cho chúng ta qua bao ơn lành, bao dịu dàng phong phú. Chỉ nghĩ đến các ơn Chúa ban cho những tâm hồn tội lỗi hối cải đủ làm tôi ngỡ ngàng: 1) Dịu hiền quên mọi điều tôi xúc phạm. 2) Ban dồi dào ơn nghĩa thánh, coi tôi như bạn hữu, như con cái. 3) Trả lại cho tôi các đặc ân, các nhân đức đi theo ơn nghĩa thánh. 4) Trả lại cho tôi quyền thừa hưởng Nước Trời. 5) Trả lại mọi công đức như trước khi tôi phạm tội. 6) Ban thêm nhiều ơn mới quá lòng tôi mong ước. 7) Ban thêm các khả năng sống thánh thiện, làm việc lành. Như mặt trời càng lên cao, ánh sáng càng chiếu tỏa, như nguồn càng nhiều nước, càng đổ rẽ thành nhiều khe suối.

* Hiệu lực của Bí Tích Hoà Giải: ”Xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con, xin Người thanh tẩy!” Câu Thánh vịnh này có ba động từ 'bôi bỏ, rửa sạch và thanh luyện'. Đó là ba bước tiến: Trước tiên là bôi bỏ vết nhơ, thứ đến rửa cho thật sạch mọi tì ố, sau cùng là tinh luyện cho thật trong sáng. Nhờ đó, tôi dứt khoát với tội lỗi và thực sự sống khiêm nhường, hiền hậu, hãm mình... ngược hẳn lại những tội đã phạm. Có ba động tác: thứ nhất là ”bôi bỏ”, đây là việc Chúa làm một mình. thứ hai là ”rửa sạch và tinh luyện”, Chúa làm, nhưng với sự cộng tác của tôi nữa. Phận sự của tôi là phải hối hận, rồi nhờ ơn Chúa, tôi được rửa sạch và tinh luyện. Tôi xác tín rằng Chúa làm một mình và một cách mau chóng động tác thứ nhất, nên tôi vững tin vào tình thương và uy quyền của Chúa, như tôi tuyên xưng trong kinh Tin Kính: ”Tôi tin phép tha tội”. Hai động tác sau đòi tôi hợp tác, cần thời gian, nỗ lực và tiến bộ, do đó tôi xin: ”Xin Chúa rửa con tinh sạch và giúp con tinh luyện”.

* Cần năng xưng tội: Qua phép Giải Tội, Máu Chúa Giêsu rửa sạch và tinh luyện tôi. Nếu tôi năng xưng tội, Máu Chúa càng mau thanh tẩy tôi nên tinh tuyền. Do đó, tôi phải năng xưng tội. Muốn sống đời sống nội tâm, tôi cần năng xưng tội, dù tôi là giáo dân, linh mục hay giám mục cũng vậy. Đừng xưng tội chiếu lệ! Phải xưng tội sốt sáng, thành khẩn để được như lời dạy của thánh Phaolô: ”Chính nhờ Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Đức Kitô, Đấng đã trở nên khôn ngoan, sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng đã làm cho anh em trở nên công chính, đã thánh hóa và cứu chuộc anh em”(1Cr 1,30). ”Khi xưng tội, tôi xin Chúa Giêsu ban cho tôi ơn khôn ngoan, để tôi bình tĩnh, cẩn thận xét mình tôi, nhìn thấy các tội, nhận ra những tác hại của tội mà thống hối. Xin Chúa Giêsu ban cho tôi ơn công chính, để khi cúi đầu lãnh ơn tha tội, tôi được nhiều ơn thánh. Xin Chúa Giêsu ban cho tôi ơn cứu độ, để tôi biết làm việc đền tội cho cân xứng, và nhờ bí tích giải tội, tôi được tinh sạch, được nên thánh” (Cp 1940).

Để thấy Đức Gioan XXIII quý chuộng Bí Tích Hòa Giải đến chừng nào, chúng ta hãy đọc lại mẫu bút ký cuối đời của Ngài: ”Mỗi tuần, cứ thứ sáu hay thứ bảy, tôi xưng tội kỹ càng. Đó là ngày tôi bắt đầu lại việc nên thánh cách phấn khởi và can tràng hơn. Nhất là tôi được sự bình an, ơn đặc biệt Chúa ban theo lòng nhân từ. Nhờ đó, tôi sẵn sàng ra đi vào đời sống vĩnh cửu. Nơi đó, Chúa đang mở rộng tay chờ đón tôi” (Cp 1961).

7. NGHĨ ĐẾN SỰ CHẾT VÀ HƯỚNG VỀ ĐỜI SAU

Có lẽ biến cố làm cho Đức Gioan XXIII, ngay khi còn trẻ tuổi đã mang một ấn tượng sâu đậm về ”sự chết”, về ”đời sau”, về ”bài học của người quá cố”, chính là cái chết bất ngờ của cha Fr. Rebuzzini. Ngài là cha sở lâu năm của họ đạo sinh quán của thầy Angelo. Ngài có ảnh hưởng rất nhiều đến ơn gọi của thầy. Ngài yêu thương thầy và thầy kính yêu Ngài, coi ngài như một linh mục lý tưởng. Hãy nghe thầy Angelo kể: ”Hôm nay, cây thánh giá kinh hoàng đã đến với tôi, nghĩ tới, tôi rụng rời: Cha F. Rebuzzini, cha sở của tôi từ 1872 đến 1898. Chính ngài đã rửa tội cho tôi, đã hy sinh tất cả cho tôi và đang hướng dẫn tôi đi theo ơn gọi linh mục. Hôm nay, Chúa đã gọi cha về một cách thật bất ngờ... Tôi không còn khóc được, tôi đứng lặng người như cây gỗ khô, nhìn cha xứ nằm dưới đất, mắt nhắm lại, miệng há ra, đầy những máu... Chiều hôm qua, cha nói ”từ giã con”. Có ngờ đâu hôm nay lời từ giã đã thành sự thật, không bao giờ gặp lại cha ở trần gian này nữa. Chỉ còn Thiên đàng. Phải, từ Thiên đàng, cha đang nhìn, đang mỉm cười và chúc lành cho đứa con út. Tuy cái chết có bất ngờ, nhưng ngài đã chuẩn bị từ 73 năm qua. Ngài chết đúng lúc vừa thắng trận, thắng cơn bệnh mà ngài mắc phải từ lâu. Ngài thắng để đi vào nhà thờ dâng lễ. Thực là cái chết qúy hóa. Ước chi tôi hưởng được cái chết như thế này. Quả thật, ngài đã cho tôi bao nhiêu bài học. Trái Tim Chúa đã cho ngài sống 26 năm giữa con chiên. Năm vừa qua, ngài mừng lễ bạc 25 năm nhận họ đạo này. Năm nay Chúa cho ngài mừng lễ trọng nhất, lễ đời đời... Bây giờ Cha F. Rebuzzini đang ở đâu? Ngài đang ở trên trời để thực sự làm gương cho tôi. Tôi phải hướng về trời, cố sống như ngài. Mong rằng ngài luôn cầu nguyện cho tôi, đứa con út của ngài, và chính tôi phải luôn cầu nguyện cho ngài, người cha, người thầy, người ân nhân của tôi. Ước gì những gương sáng của ngài đã in sâu vào đời sống của tôi giúp tôi biết sống như ngài. Gương sống khiêm tốn, đơn sơ và ngay thẳng của ngài đã ghi đậm nơi tôi. Càng thương nhớ cha sở quá cố, tôi càng cảm thấy bổn phận phải nên giống ngài... Xin Chúa cho con nên giống cha sở quá cố, đặc biệt về đức khiêm nhường...” (Cp 1898).

Hai năm sau, ngày cấm phòng tháng tại chủng viện Bergame, thầy Angelo đã suy gẫm kỹ lưỡng về những câu hỏi cơ bản của đời sống: Tôi là ai? Tôi từ đâu đến? Tôi sẽ đi về đâu? Sau đây là một đoạn nhỏ của bài suy gẫm dài, đoạn gợi ý về Thiên Đàng: ”Phục vụ Chúa, sau đó? Là phần thưởng, quê thực, cõi trời... Thiên đàng... Phải, Thiên đàng, Thiên đàng, là mục đích, là an bình, là niềm vui. Thiên đàng nơi tôi thấy, tôi chiêm ngưỡng Chúa ”diện đối diện như Chúa hiện hữu” (1Cr 13,12). Cám ơn Chúa đã chuẩn bị phần thưởng này cho thời gian phục vụ rất ngắn của tôi. Một danh dự cao cả Chúa dành cho tôi. Là lữ hành dương thế, tôi nhìn về trời là cùng đích, là quê hương, là nơi cư ngụ vĩnh viễn của tôi. Trời, trời đẹp quá, trời đã được dựng nên cho tôi. Giữa nghịch cảnh, khó khăn, thất vọng, sức mạnh của tôi là: Mở lòng tôi trước hy vọng hồng phúc, hướng tâm trí về Trời và Thiên đàng. Các Thánh đã làm thế. Thánh Phanxicô Salêsiô và đấng đáng kính Cottolengo năng kêu lên: ”Thiên đàng, Thiên đàng!”... (Cp 1900). Từ đó, mỗi lần có người thân thương trong gia đình, các Đấng Bề trên hay bạn bè quen biết được Chúa gọi về, Đức Gioan XXIII chỉ biết cầu nguyện, dẹp bớt cơn buồn phiền và nói lên một cách phấn khởi: ”Xin cho tôi được phước gặp lại... trên Thiên đàng”.

Đối nghịch với ý tưởng về Thiên đàng là suy nghĩ về Phán Xét và Hỏa ngục. Dịp cấm phòng chịu chức Phó tế, thầy Angelo đã suy nghĩ: ”Có điều tôi chưa rõ, là làm sao linh hồn có thể rơi xuống hỏa ngục? Nhưng hỏa ngục có chỗ cho tôi, nếu tôi cứ ươn hèn, sấn gần vào vực thẳm tội lỗi. Một tội trọng đủ xô tôi xuống hỏa ngục rồi! Ôi, tôi thực yếu hèn! Một ý nghĩ ”mình có thể rơi xuống hoả ngục” đủ làm tôi sống khiêm nhường, thánh thiện hơn. Nhưng khổ, mấy khi tôi nghĩ tới! Lạy Chúa, con xin lập lại với Chúa: Nếu Chúa cứu con khỏi sa hoả ngục, con sẵn sàng làm hạt bụi giữa đàng. Ngay bây giờ, xin Chúa đốt con bằng ngọn lửa mến Chúa. Hỡi tử thần, nghĩ đến mi thật là cay đắng!” (Hc 41,1). Tại sao cứ lo lắng về ngày mai, về bằng cấp, về bao cái ngớ ngẩn... đang khi Chúa đâu có lên tiếng bảo đảm cho mình sống hết hôm nay! Ngày mai còn bấp bênh hơn nữa! Tôi phải đem hết tâm lực vào việc đang làm, tương lai để Chúa lo. Tôi phải quen với ý nghĩ về sự chết, với sự ghê sợ của hỏa ngục. Sinh ra mình trần, chết cũng tay không... Tôi lo ban giám khảo hạch hỏi khắt khe, trong khi linh hồn tội lỗi khốn hèn này sẽ ăn nói làm sao trước triều thần thánh, trước Chúa Giêsu quan xét chí công, nghiêm khắc?...” (Cp 1903).

Đức Gioan XXIII đã khéo lợi dụng những trường hợp ”người quen thân đã được Chúa gọi về” để suy nghĩ nhiều hơn về ý nghĩa đời sống, về sự chết và đời sau: ”Vài hôm nữa tôi đúng 58 tuổi. Tôi mới đi dự đám táng của Đức Giám Mục Radini chết vừa 50 tuổi. Tôi được sống 8 năm thêm, đó là ơn của Chúa. Tôi cảm thấy còn trẻ, còn khỏe, còn hăng say. Nhưng tôi không mong gì hơn nữa, kể cả khi có người quanh tôi dỉ tai ”còn lên, lên nữa”. Tôi không khờ khạo nghe lời đua nịnh. Nhiều khi biết người ta chế nhạo tôi, tôi chỉ mỉm cười rồi bỏ qua. Chúa muốn sự gì, tôi cũng sẵn sàng. Nhất là sự chết, con xin vâng ý Chúa... Năm nay nhiều cơn thử thách, nhiều người thân thương đã chết: Người mẹ dịu hiền và yêu quý của tôi, Đức Giám Mục Morlani, vị ân nhân số một của tôi, linh mục Forno, người cộng sự đắc lực, linh mục Valsocchi cha sở quý mến của họ đạo quê tôi, Đức Giám Mục Spolverini, cha cựu bề trên chủng viện của tôi. Tất cả đã khuất bóng. Đối với tôi, đời đã đổi mặt, ”gương mặt thế giới đang qua đi”. Tôi bắt đầu làm quen với thế giới bên kia, mai đây có lẽ rất gần, tôi cũng về đó. Ôi những người thân thương quá cố mà lòng tôi hằng trìu mến, xin cầu cho tôi... Tôi còn gì đặc biệt để dốc lòng nữa? Còn... sống khiêm nhường và hiền lành. Dịu dàng mà không hèn nhát. Luôn nghĩ đến sự chết” (Cp 1939).

Cụ thể, thiết thân và gần gũi nhất là tuổi già. Càng cao niên, càng thấy thời gian đi mau, càng nhìn thấy ý nghĩa đích thực của đời sống hiện tại và do đó càng cảm thấy mình gần với sự chết, với đời sau. Đó chính là những suy tư của Đức tổng giám mục Roncalli vào những chục năm cuối đời, đặc biệt khi làm Sứ Thần tại Paris: ”Tư tưởng chính yếu là suy nghĩ về sự chết. Dù sao sự chết cũng gần hơn đối với tuổi già. Cần sẵn sàng, vì tôi đã 66 tuổi rồi. Sự chết sẽ đến cách dễ dàng và bất ngờ. Ngày 12.12, tôi dâng lễ xin ơn chết lành. Chiều lại khi viếng Thánh Thể, tôi đọc kinh Miserere, kinh cầu Các Thánh, kinh Phó Dâng Linh Hồn. Đây là việc đạo đức rất tốt, tôi sẽ năng làm. Để khi Chúa gọi, tôi không bỡ ngỡ, tôi sẵn sàng. Tôi đọc lại chúc thư đã viết từ 1938...“ (Cp 1947). ”Hôm nay 25.11, tôi đúng 68 tuổi. Chiều hôm qua tôi đã xưng tội với cha G. Barbier. Tôi rất yên tâm. Khi nằm trên chiếc giường bé nhỏ của nhà dòng, tôi suy nghĩ về sự chết và chậm rải đọc tám lời nguyện do Đức Giám Mục Bossuet dọn ra để xin ơn chết lành. Tới đây, đời tôi như chấm dứt. Nếu còn sống năm tháng nào, thì đó là Chúa cho phụ thêm để dọn mình. Tôi năng lập lại lời thánh Phaolô: ”Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa” (Cl 3,3). ”Nghĩ đến sự chết” giúp tôi dứt khóat với tất cả: với chính mình, với mọi ưa thích, ham muốn, danh vọng, thành công, với tài sản tinh thần và vật chất. Phải hoàn toàn tự do, không dính bén, chỉ vâng theo ý Chúa mà thôi” (Cp 1948). ”Ngày mai! 70 tuổi rồi, ngày mai đã đến gần! Thánh Vịnh nói: ‘Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồ’” (Tv 89,10-11). Tôi không nên dối mình, phải làm quen với sự chết. Không hốt hoảng để ra yếu hèn, nhưng suy tưởng để hăng say sống, làm việc và phục vụ. Từ lâu tôi dốc lòng nhìn thẳng, chờ đợi và mỉm cười để linh hồn lìa khỏi thân xác. Không cần nói đến nó, vì sẽ làm chán tai người nghe, nhưng phải suy tưởng để làm quen với giờ phán xét, vì nó rất tốt, rất cần để dẹp tính kiêu căng, để sống độ và bình tĩnh trong mọi sự. Cần phải duyệt lại tờ di chúc. Nhờ ơn Chúa, tôi nghèo lắm, và tôi muốn chết nghèo”(Cp 1950). ”Xin Chúa cho con ánh sáng lúc chiều về. Tôi đã 76 tuổi, đã về chiều. Sống là ơn cao trọng Cha trên trời ban cho. Hầu hết các đồng bạn đã sang thế giới bên kia. Chuẩn bị đến lượt tôi, tôi không sợ chi. Một trong năm anh em ruột của tôi, em áp út đã chết. Sống lành, chết lành. Tuy tôi còn khoẻ mạnh, nhưng vẫn chuẩn bị để thưa lại khi Chúa đến gõ cửa” (Cp 1957).

Như bao nhiêu người bình thường khác, Đức Gioan XXIII ước ao chết thanh thỏa, được chuẩn bị mọi sự trước để không phiền hà ai sau này, nhất là các Bề Trên: ”Trong mọi sự việc, phải nhìn hồi kết thúc. Do đó, tuổi càng cao, tôi càng cho giây phút cuối đời là quan trọng. Không nên đùa với những mơ mộng của một cuộc sống lâu dài. Không buồn. Bề ngoài không nhắc đến cái chết mãi làm gì. Ý Chúa là sự bình an của tôi, tất cả và mãi mãi cho đời sống, mà hơn nữa, cho giờ chết. Ước vọng duy nhất của tôi là làm sao cuộc đời kết thúc tốt đẹp. Để khi chết rồi không để lại gánh nặng, sự phản đối, đau khổ, trách nhiệm cho thượng cấp. Lúc tôi yếu hèn chỉ mong Chúa giúp, không dựa vào thành quả hay công lao đặc biệt bên ngoài” (Cp 1952).

Với Đức Gioan XXIII, suy nghĩ về sự chết để làm quen và làm chủ sự chết, chứ không để sự chết làm náo loạn tâm hồn hay chí khí làm việc: ”Lắm lúc ý nghĩ về sự chết muốn làm cho lòng nhiệt thành của tôi nao núng. Nhờ ơn Chúa, tôi không nao lòng, không sợ chết mà cũng không từ chối sống thêm. Ý Chúa là sự an bình của tôi” (Cp 1953). Trái lại, càng thấy mình cao niên, càng thêm phó thác cho Chúa: Mọi sự ở trong tay Chúa, mọi sự thuộc về Chúa: ”Tuổi già là một đặc ân, khiến tôi thầm vui và hằng ngày phó thác cho Chúa như người Cha đang giơ tay chờ đón con mình. Trường thọ, đời sống của tôi như cuộn tơ được tháo dần, đơn sơ và trong lành. Tôi không thấy điều gì khó khi phải lập lại rằng ”tôi không ra chi, tôi chỉ là con số không vô dụng”. Sinh ra bởi cha mẹ nghèo, mọi sự do Chúa an bài cho cả. Khi còn là linh mục trẻ, tôi đã cúi đầu hôn chân thánh Phêrô, tôi đã thích câu “Vâng lời sẽ được bình an” (Oboedientia et Pax)... Chúa nhân từ đã tha thứ mọi lỗi lầm của tôi và gìn giữ tôi mạnh khỏe đến ngày nay. Tôi tạ ơn Người, tôi hoàn toàn phó thác. Tôi tin Chúa giữ tôi tới ngày nay là để tinh luyện tôi... Vào Thiên Đàng có hai cửa: cửa trong trắng và cửa sám hối. Là phàm nhân yếu đuối, ai bảo đảm là mình vào cửa số một? Chính Đức Kitô đã vào bằng cửa số hai, vai vác Thánh giá, đền tội muôn dân... Phần tôi, tôi phó thác đi theo Chúa Giêsu” (Cp 1957). ”Dù chết bất ưng hay sống thêm bao lâu nữa, tùy Chúa. Đã 80 tuổi, tôi rất sẵn sàng, phó thác cho Chúa. Tôi chỉ xin cho được sống hay chết, luôn trong sự thánh thiện” (Cp 1961).

Nghĩ đến sự chết là để chuẩn bị tính sổ với Chúa bằng lòng thống hối và phạt tạ, bằng lời cầu ”xin Chúa mở cửa Thiên đàng cho con vào”: ”Hằng ngày con dâng Thánh Lễ đền tội cho mọi lỡ lầm sơ xuất, làm phiền Chúa và thiếu sót nhiệm vụ. Đó là lý do làm cho con mãi mãi hạ mình không dám kiêu hãnh, nhưng càng thêm tin tưởng phó thác vào Chúa, vì Chúa đang nâng niu và khích lệ con... Bắt đầu 80 tuổi, việc đầu tiên phải làm là hạ mình trước mặt Chúa, tin tưởng chờ đợi Chúa nhân từ mở cửa hạnh phúc vĩnh cửu cho con vào” (Cp 960). ”Nay đã 80 tuổi, tôi đang ở ngưỡng cửa của ‘cái già’. Con sẵn sàng hy sinh không hạn chế, dù là mạng sống và nhận cái chết là cửa đưa vào cõi hằng sống. Đây con giơ tay lên, đôi tay đã yếu và run rẩy, kẻ khác mặc áo và nâng con bước đi. Còn ‘cái nơi con không muốn tới’, cái đó không có. Vì Chúa là người mở lối, con sẽ theo Chúa trên mọi nẻo đường Chúa đi’, dù là đi đến bàn thờ hiến tế, khổ hình và sự chết. Cái chết là cửa mở cho con đi vào sự sống đời đời. Xin Thánh Giuse, vị bảo trợ đặc biệt những người sắp chết, dẫn con đến với Chúa Giêsu và Mẹ Người” (Cp 1963). ”Nhơn danh Cha và Con và Thánh Thần! Giêsu, Maria, Giuse xin cho con an nghỉ trong tay ba Đấng” (Di Chúc 1939-1945).

Sau khi đọc hai phần trình bày về ”Đường nên thánh của Đức Gioan XXIII”, chúng ta có thể suy nghĩ:

Trừ Chúa Giêsu và Đức Maria, không ai đã sinh ra là thánh. Nên thánh là bắt đầu lại mỗi ngày, chiến đấu hằng ngày với chính bản thân, nội giới và ngoại giới, với kẻ thù hữu hình và vô hình, chiến đấu mỗi ngày, từng giây phút và cả đời người. Nên thánh không phải là công việc tự sức riêng, nhưng là hoạt động của Thánh Linh, của ơn Chúa ban cho mỗi người và mỗi người biết tận dụng và cộng tác với ơn chúa. Nên thánh không phải là công việc đơn độc của một người: Sau Chúa Ba Ngôi, mỗi Kitô hữu còn được đồng hành và nâng đỡ bởi Đức Maria, các Thánh trên trời, các Đẳng ở luyện tội và cả các Kitô hữu tốt lành khác còn tại thế.

Đối chiếu với Hiến Chương Nước Trời mà Chúa Giêsu đã công bố trong Phúc âm thánh Matthêu (Mt 5,3-12) và thánh Luca (Lc 6,20-23), chúng ta có thể nói: Đức Gioan XXIII quả đã sống trọn vẹn các Mối Phúc Thật: ”Phúc cho người có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ; Phúc thay ai hiền lành, vì họ đã được đất hứa làm gia nghiệp; Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an; Phúc thay ai khát khao nên công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng; Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa; Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa...”. Nói tắt: Con đường nên thánh của Đức Gioan XXIII chính là con đường trọn lành của Phúc âm.

Linh mục Mai Đức Vinh
(Trích từ: "Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII"
do Ban Tu Thư Giáo Xứ Việt Nam Paris biên soạn và xuất bản năm 2000)