"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

"Mọi người Việt Nam cần tha thứ, hòa giải và tin tưởng nhau"


VRNs (22.05.2014) – Sài Gòn - Lúc 9g30 ngày 22/5/2014, tại Nhà thờ chính tòa Đức Bà, Đức Tổng Giám mục (TGM) Giáo phận Sài Gòn Phaolô Bùi Văn Đọc đã chủ sự thánh lễ đồng tế ‘cầu nguyện cho quê hương đất nước’ cùng với hơn 60 linh mục. Trong đó Đức TGM Phaolô khuyến khích: “Đã đến lúc mọi người Việt Nam chúng ta cần tha thứ cho nhau, hòa giải với nhau và tin tưởng vào nhau.”

Thánh lễ còn có sự hiện diện của hơn 600 người, bao gồm các thành viên của dòng Ba Cát Minh, các em học sinh đến từ trường khuyết tật thính giác Hy Vọng 1. Trong một lá thư ngỏ, Đức TGM Phaolô cũng đề nghị toàn thể giáo phận Sài Gòn sẽ dành ngày thứ Năm 22/5/2014 để hiệp thông cầu nguyện cho quê hương đất nước.




Trước đó vào ngày 9/5/2014, Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, trong vai trò là chủ tịch Hội Đồng Giám mục Việt Nam, đã gửi một lá thư đến toàn thể các tín hữu Công giáo ‘về tình hình Biển Đông’, sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 và một lực lượng lớn tàu bè các loại vào vùng biển tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Trong lá thư, các Giám mục Việt Nam đã lên án hành động của Trung Quốc tại biển Đông là ‘hành vi khiêu khích và leo thang nghiêm trọng với ý đồ rõ ràng thực hiện từng bước kế hoạch xâm lược Việt Nam.’

Chỉ những ai xâm lược mới dùng sức mạnh quân sự để đe dọa

Đức TGM Phaolô cho biết trong bài giảng thánh lễ ‘cầu nguyện cho quê hương đất nước’: “công lý của Kitô giáo là công lý bắt nguồn từ Lòng Xót Thương của Thiên Chúa” chứ không phải nền công lý của “sự trừng phạt”, “tranh đấu bạo động”, hay “khủng bố trả thù.”

Đồng thời, “Công lý Kitô giáo, là sự công chính hóa nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô… nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu.”

“Lịch sử cứu chuộc” cũng là “lịch sử Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, Đấng đã sẵn sàng tha thứ cho mọi tội lỗi của loài người, và đã sai Con Một đến trần gian chịu chết để chuộc tội, hòa giải mọi người với Thiên Chúa và với nhau.”

Vì thế, Đức TGM Phaolô khuyến khích, “đã đến lúc mọi người Việt Nam chúng ta tha thứ cho nhau, hòa giải với nhau và tin tưởng vào nhau.”

Ngài khẳng định tiếp: “con cái của Thiên Chúa là những con người của hòa bình, những sứ giả của hòa bình, đi đến đâu cũng đều rao giảng hòa bình, gieo mầm mống của hòa bình, không bao giờ muốn chiến tranh.”

“Chiến tranh là điều vạn bất đắc dĩ, khi không còn cách nào khác để bảo vệ Quê hương Đất nước. Đó không phải là giải pháp tối ưu, nhưng là một điều xấu không thể tránh được.”

Ngài cho rằng: “chỉ có những ai hiếu chiến, xâm lược mới coi chiến tranh là giải pháp tối ưu, và dùng sức mạnh quân sự để đe dọa những người yếu thế hơn.”

Tiếp đó, Đức TGM Phaolô khuyến khích các tín hữu “phải biết nương tựa vào Chúa”“cầu xin Thiên Chúa thay lòng đổi dạ những người đang nắm vận mệnh thế giới” vì chỉ có “Chúa mới là thành lũy vững chắc, là đá tảng vững bền muôn đời tồn tại”, và vì “mọi sự đều nằm trong tay Người, và không có gì mà Người không làm được.”

Kết thúc bài giảng, Đức TGM Phaolô cầu xin Thiên Chúa tha thứ, thương xót và chúc phúc cho quê hương đất nước Việt Nam. Ngài cũng cầu khẩn với Đức Mẹ dưới tước hiệu là Nữ Vương Hòa Bình cho dân tộc Việt Nam.

‘Người Công giáo tin có Chúa, không đánh nhau nhưng cầu nguyện’

Bên cạnh sự hiện diện của các linh mục, tu sĩ nam nữ, và giáo dân, thánh lễ còn đặc biệt hơn với sự có mặt của các em học sinh đến từ trường khuyết tật thính giác Hy Vọng 1 (số 1 Công xã Paris).

Cô Têrêsa Trần Thị Ngời, hiệu trưởng của trường chia sẻ về lý do cô cho các em đến tham dự thánh lễ. Cô bày tỏ: “tôi muốn cho các em được cầu nguyện, hiệp thông với những người khác. Vấn đề biển Đông, tivi đã nói nhiều lắm, cho nên hôm nay là một dịp để cho thấy rằng người Công giáo tin có Chúa, không đánh nhau nhưng cầu nguyện.”

Cô Ngời còn nhận định, lời cầu nguyện của các em khuyết tật rất hiệu nghiệm. Cô nói: “bất cứ đi đâu mà cho các em cầu nguyện trước đó thì kết quả [mang lại] rất tốt.”
Theo thông tin mới nhất của TTXVN trích từ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, ngày 21/5, Trung Quốc duy trì 95 tàu các loại nhằm bảo vệ giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981), đồng thời bố trí các tàu bảo vệ trên nhiều hướng và trên mỗi hướng Trung Quốc tăng cường từ 2-3 tàu kéo loại lớn.

Các giám mục Việt Nam đã từng nhận định, ‘những thoả ước tôn trọng tình hữu nghị giữa hai quốc gia láng giềng [Trung Quốc và Việt Nam], giữa hai Đảng Cộng sản thực tế đã cho thấy không mang lại ích lợi cho dân nước mà còn đưa đất nước vào tình trạng lâm nguy.’

Khẳng định ‘lập trường xây dựng Hoà bình, phản đối chiến tranh’, HĐGM VN kêu gọi các tín hữu Công giáo ‘biểu lộ trọn vẹn lòng ái quốc của mình’, ‘tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ Tổ quốc’, và ‘sám hối, tiết giảm chi tiêu … để góp phần nâng đỡ các’ nạn nhân của tàu Trung Quốc, bao gồm ngư dân, chiến sĩ cảnh sát, hải giám.

TGP Sài Gòn cũng kêu gọi cách tín hữu trong giáo phận tiết giảm chi tiêu và chuyển số tiền quyên góp qua trung gian là các linh mục chánh xứ.