"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Chủ tịch HĐ Giám Mục Việt Nam và bài học từ Nam Hàn

Đức Giáo Hoàng Phanxicô chủ sự Thánh Lễ bế mạc Đại Hội Giới Trẻ Công Giáo Châu Á lần thứ 6 tại Haemi, khoảng 150 km phía nam Seoul, ngày 17.08.2014. AFP

RFA | 24.08.2014 - Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, đức tổng giám mục Bùi Văn Đọc, là đại diện của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam tại Hàn Quốc trong sinh hoạt lớn của giáo hội Triều Tiên với sự hiện diện của Giáo hoàng Phanxicô từ ngày 14 đến 18 tháng 8 vừa qua. Sau khi trở về từ Hàn Quốc, tổng giám mục Bùi Văn Đọc trả lời phỏng vấn của biên tập viên Gia Minh, Đài Á Châu Tự Do về chuyến đi đó. Trước hết tổng giám mục Bùi Văn Đọc cho biết về khoảnh khắc tiếp xúc với Giáo hoàng Phan Xi Cô tại Hản Quốc:

TGM Bùi Văn Đọc: Thứ nhất tôi cảm thấy Ngài rất vui. Ngài vui khi gặp tôi biết là chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, ở Việt Nam sang. Bởi vì thái độ của Ngài là thái độ đối thoại và sẵn sàng cởi mở với mọi người, đối với Việt Nam Ngài càng khích lệ chuyện đó. Ngài biết chúng tôi đi vào đường lối đó của Tòa Thánh nên Ngài rất vui. Ngài cũng nhắc lại sự kiện mà tôi thấy Ngài vui khi nhắc lại là (tôi cũng không ngờ Ngài nhắc lại) ‘tôi đã gặp Ngài đứng đầu Quốc hội của Việt Nam. Ngài nói và Ngài cười. Khi nói chuyện với tôi, tôi thấy Ngài ở trong tư thế rất dễ chịu và thoải mái.

Gia Minh: Qua những ngày ở Hàn Quốc, tham gia những sinh hoạt lớn của Hàn Quốc như vậy, Đức Tổng giám mục có nhận xét gì về giáo hội Hàn Quốc?

TGM Bùi Văn Đọc: Trước hết, giáo hội Đại Hàn ( Hàn Quốc) là một giáo hội rất sinh động, rất năng động, và là một giáo hội dấn thân loan báo Tin Mừng rất mạnh mẽ.

Hàng giáo phẩm và giáo sỹ Đại Hàn có thể nói rất là năng động và công việc tổ chức giáo hội, các công việc; ít nhất là trong việc tổ chức tiếp đón Đức Thánh Cha, các giám mục cũng như Đại Hội Giới Trẻ, và Lễ Phong Thánh; tôi thấy họ làm rất tốt và đem lại niềm vui, một sức sống thực sự.

Điều thứ hai mà tôi thấy rất rõ, và có lẽ như tôi thấy, có lẽ thôi hơn Việt Nam là ( dù hàng giáo sỹ, giáo phẩm Việt Nam cũng rất tốt, rất năng động) giáo dân Đại Hàn (tôi có cảm tưởng) năng động hơn giáo dân Việt Nam. Bởi vì nguồn gốc giáo hội Đại Hàn, việc xây dựng giáo hội đầu tiên là từ những người giáo dân. Do đó vai trò của người giáo dân rất quan trọng trong lòng giáo hội. Và có nhiều người giáo dân trẻ- rất trẻ, rất năng động, tự nguyện rất nhiều trong việc tổ chức lễ trong những ngày đó.

Tôi thấy giáo dân Đại Hàn rất năng động và nhiệt thành.

Gia Minh: Và hẳn nhiên đây cũng là một bài học để Đức tổng giám mục truyền đạt lại cho các giáo phận tại Việt Nam?


Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, đến chủ tế Thánh lễ khai mạc Năm Thánh mừng 400 năm Dòng Tên đến loan báo Tin Mừng trên đất Việt (01/2014)

TGM Bùi Văn Đọc: Đúng rồi, đây là bài học mà tôi có dịp này, dịp kia tôi sẽ nhấn mạnh, khích lệ việc cho người giáo dân tham gia một cách mạnh mẽ hơn nữa, tích cực hơn nữa trong các công việc sinh hoạt của giáo hội, đặc biệt việc loan báo Tin Mừng.

Chắc chắn có một điều mà minh phải bớt, Việt Nam ít nhiều còn, tuy bây giờ nhẹ nhiều rồi nhưng hình thức ‘giáo sỹ trị’ vẫn còn. Chỗ nào mà như vậy thì phải khuyến khích các cha hết sức cố gắng để dẹp bỏ tinh thần đó. Phải khuyến khích sự cộng tác của mọi người, đặc biệt là của người trẻ.

Gia Minh: Đức giám mục có dịp gặp nhóm đại diện thanh niên Công giáo tham gia Đại hội Thanh niên Công giáo Á Châu không?

TGM Bùi Văn Đọc: Họ có đến chào tôi trước khi đi. Cha Việt là người phụ trách có đưa họ đến gặp tôi. Ngoài cha Việt thì có một cha ngoài Hải Phòng vào cùng tham gia hướng dẫn đoàn.

Sau khi qua bên Đại Hàn tôi thấy có đức cha Viên, Giám mục phụ tá Giám mục Vinh, cũng đi với tư cách tham dự Đại hội Giới trẻ. Ngài thay mặt Đức cha Thiên giáo phận Hải Phòng, đặc trách giới trẻ.

Tôi nhận thấy giới trẻ Việt Nam cũng hăng hái, vui vẻ nhưng có thể nói xét về một phương diện vẫn chưa mạnh bằng những chỗ khác. Sự hiện diện của mình, cách nào đó, cũng chưa… Sau đó họ có trao đổi văn hóa gì đó với sinh viên Đại Hàn nhưng tôi không dự được, tôi đi về trước.

Tôi thấy anh chị em có cố gắng, nhưng sự hiện diện của họ chưa nổi bật. Có thể lý do vì (có thể thôi) vì giáo hội Đại Hàn muốn dành chổ đứng ưu tiên cho những thiểu số. Do đó khi đặt những vấn đề, những câu hỏi thảo luận với Đức Thánh Cha, có ba người: một người là cố sinh viên Cam bốt từ một giáo hội rất nhỏ, rất ít giáo dân, rồi một sinh viên Hồng Kông và một Đại Hàn. Không thấy Việt Nam mình, mặc dù mình ở gần, và nhiều hơn Cam bốt; nhưng tôi có cảm tưởng họ khích lệ thiểu số. Điều đó là điều tốt thôi.

Gia Minh: Đức tổng giám mục cũng như rất nhiều người cũng có ao ước Việt Nam có một dịp như Hàn Quốc vừa rồi, vậy để có một dịp như thế (Việt Nam) cần phải có chuẩn bị ra sao?

TGM Bùi Văn Đọc: Một dịp để mời Đức Thánh Cha, theo tôi nghĩ, thì năm nay và năm 2015 thì chúng ta chưa làm kịp đâu. Nếu có phải cần thêm thời gian, sau đó 2016 hay ‘gì gì đó’.

Nếu được mời, Đức Thánh Cha sẵn sàng qua và chính phủ tạo điều kiện cho Ngài qua, thì chúng tôi rất vui mừng. Tôi có cảm tưởng Đức Thánh Cha rất hiền lành, Ngài không có khó khăn trong đòi hỏi phải tổ chức thế này, thế kia đâu. Đến đâu cũng thấy Ngài  vui vẻ, dễ chịu lắm. Cho nên không có sợ phải tổ chức thế này, thế kia. Không lo lắng lắm. Dĩ nhiên phải có sự chuẩn bị cho cả giáo hội khắp ba miền từ nam chí bắc, cả ba giáo tỉnh. Lo lắng quá thì không lo lắng quá, nhưng lo về chỗ rộng rãi để tiếp đón Đức Thánh Cha như Hàn Quốc. Họ có nhiều chỗ ví dụ chỗ tiến hành lễ phong Á Thánh hôm đó nghe nói có chừng 1 triệu người. Việt Nam cũng hơi khó có một chỗ như vậy. Nhưng mà rồi thôi, nếu được thì mình sẽ tính, tôi nghĩ không có gì phải lo lắng nhiều!

Gia Minh: Cám ơn Đức Tổng giám mục đã chia xẻ với thính giả về chuyến đi Hàn Quốc khi có Đức Thánh Cha đến đó.

Gia Minh 
biên tập viên RFA, Bangkok