Thứ Tư Lễ Tro năm nay (18.02.2015) lại rơi vào 30 Tết. Đôi khi có sự trùng hợp này. Điều này làm ai cũng băn khoăn. Nhưng HĐGMVN, đã định liệu cho ta ngày 30.10.2014 rồi, để mọi người có thể ăn Tết vui vẻ, thoải mái, không phải lo nghĩ, rồi sau đó mồng 9 Tết mới ăn chay. Ăn Tết và Ăn chay có chung chữ “ăn”, nhưng lại trái ngược nhau hoàn toàn. Mỗi cái ăn có ý nghĩa và nét đẹp riêng. Ăn Tết mang đến niềm vui cuộc sống hôm nay, còn ăn chay hướng đến Thiên đàng hạnh phúc mai sau.
Nhưng mùa xuân hạnh phúc mai sau cũng phải được dệt bằng mùa xuân yêu thương hôm nay. Dù sao sự trùng hợp này cũng cho ta nhiều điều đáng suy gẫm. Phải chăng ngày Tết mang hương vị của Mùa chay?
1. Tết trong Mùa Chay: ăn tết – ăn chay
- Ăn tết: Tết là ngày lễ lớn nhất trong năm của người Việt. Ít nhất cũng được vui chơi ba ngày (nên thường gọi là ba ngày Tết). Trong ba ngày Tết, mọi công việc đều tạm ngưng để tất cả ai dù giàu hay nghèo, cũng có thời giờ vui chơi, thăm viếng nhau. Vì thế, trong tháng chạp, mọi người đã chuẩn bị thức ăn cho ngày Tết, không chỉ riêng cho gia đình mà phải nhiều hơn để tiếp đãi khách. Ngày Tết, đi đến nhà nào cũng được chủ mời ăn, do đó chúng ta luôn nói là “ăn Tết”. Có những món ăn mà chỉ ngày Tết mới dùng tới như là bánh chưng, bánh tét, mứt, thịt đông, củ kiệu, v.v. Và vì thế, khi gặp nhau người ta hay hỏi: Năm này ăn Tết lớn không?
- Ăn chay: Ăn nhưng không ăn. Ăn nhưng lại nhịn ăn hay kiêng ăn, nên còn gọi là nhịn chay. Đối với người Công Giáo, chay tịnh là một trong ba hành vi được khuyên làm nhiều nhất (cùng với việc cầu nguyện và bố thí), tín hữu giữ chay để biểu lộ lòng ăn năn, sám hối. Việc chay tịnh bao gồm nhịn ăn và kiêng ăn mà chúng ta quen gọi là "ăn chay" và "kiêng thịt".
Ăn chay trong ngày chay chỉ được ăn một bữa no (chọn bữa nào cũng được), còn những bữa khác chỉ được ăn chút ít để bụng còn đói. Trong ngày chay không được ăn vặt.
Qua việc chay tịnh, con người nhìn nhận mình lệ thuộc Thiên Chúa, vì lúc không sử dụng lương thực Thiên Chúa ban, con người cảm nghiệm được tính cách bấp bênh của sức lực mình: chay tịnh để tự hạ trước Thiên Chúa (x. Tv 34,13; 68,11; Đnl 8,3).
Ngoài việc nhịn ăn và kiêng ăn nói trên, người thực hành việc chay tịnh còn phải tránh xa tội lỗi và dục vọng, như gương của Chúa Giêsu “giữ chay ròng rã bốn mươi đêm ngày” (Mt 4, 2) và thánh Luca nói rõ hơn “Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả” (Lc 4, 2).
Ý nghĩa đầu tiên và cụ thể nhất của giữ chay là chế ngự: không ăn hoặc ăn ít hơn bình thường. Giữ chay không chỉ là một sự chế ngự có tính cách bên ngoài, nhưng còn phải xuất phát tự trong lòng. Nó phải được kèm theo một sự thay đổi lớn lao trong đời sống (x. Giữ chay và Ăn chay, Lm. Huỳnh Trụ).
2. Tết trong Mùa Chay: chữ tết liền với chữ chết một vần
Mùa chay mời gọi ta nhìn lại thân phận hữu hạn của con người. Nhắc đến cái chết là nói lên sự hữu hạn đó. Thật tế nhị khi nói đến chuyện chết trong ngày Tết. Chết là chuyện đau buồn, ai lại nói chuyện buồn trong ngày Tết, bởi nhà nhà ăn Tết, người người vui Tết, có mấy ai nghĩ đến chuyện chết chóc trong mấy ngày Tết bao giờ. Nhưng xét cho cùng, đó lại là chuyện rất ư bình thường. Ta đừng quên rằng: chữ “tết” liền với chữ “chết” một vần. Tiềm ẩn trong cái Tết là sự chết. Một lần vui Tết ta xích lại gần cái chết. Mỗi lần Tết đến là sự sống ta bị rút ngắn lại, như lời một bài hát sau: “Mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi” (Mừng Tuổi Mẹ, Trần Long Ẩn). Nghĩa là ta già hơn, mà già hơn thì cận kề với cái chết hơn. Đó là lẽ thường tình: lá vàng rụng trước. Nói vậy không có nghĩa là không có điều ngược lại: “Lá vàng đeo đẳng trên cây. Lá xanh rung xuống trời hay chăng trời”.
Thật buồn cười! Đón Tết cũng là đón cái chết đang tiềm ẩn. Vui Tết cũng là vui với cái chết đang ẩn khuất. Ăn mừng Tết cũng là ăn mừng cái chết đang nấp bóng. Bằng chứng là cũng có nhiều người chết trong dịp Tết. Và cụ thể hơn là ở nước ta, dịp Tết thường chết tai nạn giao thông nhiều hơn so với trong năm. Chẳng hạn: 9 ngày nghỉ Tết Giáp Ngọ, cả nước xảy ra 338 vụ tai nạn, làm chết 286 người và bị thương 324 người. Phần lớn là tai nạn xe máy ở nông thôn. Đừng quên rằng: sự chết rất bất lịch sự: không loại trừ ai, không vị nể ai, và “kết bạn” với ta trong mọi nơi, mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh, kể cả dịp Tết. Nói thế không có ý để hù dọa nhau đâu, nhưng đó là sự thật. Thôi Tết thì cứ Tết, ăn Tết thì cứ ăn Tết, vui Tết thì cứ vui Tết. Không phải mấy ngày Tết khi ta nghĩ đến sự chết, nói đến chuyện chết là ta lại không dám ăn Tết. Ăn Tết thì cứ ăn tết vô tư, thoải mái, khi nào chết đến thì đón nhận trong tinh thần tĩnh thức và sẵn sàng. Tiềm ẩn trong Tết là sự chết, nhưng niềm tin vào Đấng Phục Sinh giúp ta tin rằng: tiềm ẩn trong sự chết là sự sống bất diệt. Thiên Chuá luôn mời gọi ta, đặt tất cả niềm tin tưởng và phó thác vào Ngài.
Năm nào cũng đón Tết. Năm nào cũng vui Tết. Tết đến rồi Tết lại đi. Chẳng bao giờ Tết ở lại và tồn tại. Người ta cũng chẳng sống mãi để ăn Tết. Đó là quy luật. Người ta đón Tết chứ chẳng ai đón cái chết bao giờ. Nhưng sự thật sao oái ăm! Cái ta đón thì chưa tới, nhưng cái ta không đón thì lại tới. Phải chăng Mùa chay giúp ta nhìn lại thân phận con người, nhưng xét cho cùng, Tết cũng là thời gian giúp ta gẫm suy đến kiếp người mong manh. Liệu ta còn đón được bao nhiêu cái Tết?
"Ngàn năm Chúa kể là gì,
tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,
khác nào một trống canh thôi!
Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng,
như cỏ đồng trổi mọc ban mai,
nở hoa vươn mạnh sớm ngày,
chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn.
Đời chúng con tàn tạ,
kiếp sống thoảng qua, một tiếng thở dài.
Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,
mạnh giỏi chăng là được tám mươi,
mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khó,
cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.
Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,
ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan. (Tv 90)
3. Tết trong Mùa Chay: hướng về cái tết ông bà tổ tiên
Tết nhắc nhở ta, không chỉ vui Tết với nhau, nhưng còn tưởng nhớ đến những người đã khuất bóng mà vui Tết với họ. Không ai bảo ai, dịp Tết là lúc ta nhớ về cội nguồn: uống nước nhớ nguồn. Nhớ về ông bà tổ tiên đó là cách thức biểu lộ tình cảm đơn thuần, nhưng trên hết, nỗi thương nhớ ấy còn khơi dậy nơi tâm hồn ta một niềm tin tưởng: tổ tiên đang vui hưởng cái Tết vĩnh cửu trên quê trời.
Tết cũng là dịp hướng về tổ tiên, nhà nào cũng trang hoàng bàn thờ tổ tiên thật đẹp, và nghĩa trang cũng dọn dẹp chu đáo: nào hoa, nào nến, nào nhang, sao cho tổ tiên được ấm cúng mà vui Tết với con cháu, đồng thời cũng chứng minh cho ông bà tổ tiên biết rằng, con cháu vẫn luôn nhớ về công ơn các ngài. Với người Công Giáo mồng hai Tết là ngày đặc biệt kính nhớ đến tổ tiên, nên nghĩa trang nào cũng vui như Tết.
Em dâu của cụ Lý Như qua đời 30 Tết, cụ đã viết lá thư để nhờ người em chuyển giúp xuống cho vợ thân yêu của mình, sau bao năm cách xa, bức thư có nội dung sau: “Miền lạc thổ thân thị gặp gỡ, có thiêng xin ngỏ chút tình này: cõi trần gian con cháu bình an không quên còn nhớ ơn nghĩa cũ.”
Vui Tết tổ tiên cũng là lời nhắc nhỡ ta một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ quy tiên để vui Tết với ông bà. Vui hưởng cái Tết trên dương gian trong yêu thương, an bình, chia sẻ, tha thứ, quãng đại, hiếu thảo cũng là để chuẩn bị cho mình một cái Tết hạnh phúc bất diệt trên quê trời.
4. Tết trong Mùa Chay: làm phúc, bố thí
Tết thì có nhiều thứ để ăn. Thế mới gọi là ăn Tết! Nhưng Tết trong Mùa Chay nhắc nhở ta nhiều hơn về việc làm phúc và bố thí. Ăn chay không phải để đỡ bớt chi tiêu rồi cất tiền vào tủ, nhưng phải biết dùng của ăn chay mà làm phúc bố thí cho người nghèo. Bởi người nghèo ở đâu cũng có.
Mùa Xuân là mùa của niềm vui và tình thương yêu. Vào ngày Tết con người thường biểu lộ tình yêu thương cách chân thành và rõ nét: thăm viếng nhau, chúc tết cho nhau, tặng quà cho nhau và nhất là biết chia sẻ cho người nghèo khổ. Nhưng Tết cũng là cơ hội cho nhiều người phô trương sự giàu có sang trọng của mình qua việc tiêu Tết, ăn Tết, mua sắm và xài Tết. Riêng người nghèo mỗi dịp tết về lại càng thêm lo lắng. Đừng quên rằng: Giáo Hội ta là Giáo Hội của người nghèo. Yêu thương người nghèo không bao giờ là chuyện dư thừa. Và đây cũng chính là phần phúc Thiên đàng của ta mai sau. Bởi có ai sống mãi để ăn Tết bao giờ!
Làm phúc bố thí mà lâu nay ta vẫn hiểu thông thường là cho đi, là chia sẻ cho kẻ thiếu thốn, nhưng nếu hiểu sát nghĩa, và chính xác hơn theo cái nhìn đạo đức Kitô giáo, thì làm phúc, bố thí là ta trả lại cho người nghèo quyền cơ bản mà họ được hưởng đó là: cái ăn, cái mặc và nơi ở xứng đáng. Thế giới hôm nay còn quá nhiều người đói nghèo. Bao lâu còn có người nghèo đói là ta còn mắc nợ họ. Mà nợ thì phải trả! Làm phúc và bố thì là cách thức trả nợ.
5. Lời kết
Việc ăn chay, bố thì không nên đóng khung trong Mùa chay, nhưng đó chỉ là một điểm nhấn, một khoảng lặng và một thời gian dừng bước để Giáo Hội giúp ta ý thức hơn tinh thần sống đạo của người Kitô hữu. Nếu hiểu được như vậy thì cho dù Mùa chay có hòa lẫn trong mùa xuân và nhất là trong dip Tết cũng chẳng làm ta băn khoăn và nghĩ ngợi.
Trong thư “Tâm Tình Mục Tử” gửi Dân Chúa tháng 2/2015, Đức Cha Giuse viết: “Thực ra, sự trùng hợp giữa lễ Tro và ngày 30 Tết, có thể đem đến cho tín hữu hương vị tích cực là xem Mùa Chay như là Mùa Xuân tâm hồn, để tập chú vào việc canh tân đời sống thiêng liêng, mong đón nhận dồi dào ơn thánh mà tiến bước trên đường thánh đức.”
Lm. Châu Linh