"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Mặt trái của sự dửng dưng


Miếng Trầu đầu câu chuyện


Cách đây vài năm, khi thế giới bùng nổ những sự kiện xã hội “có vấn đề”, một tờ báo đặt hàng tôi viết một bài về sự vô cảm trong thế giới ngày nay. Lẽ dĩ nhiên là tôi từ chối. Lý do của sự từ chối rất đơn giản: không có người vô cảm! Từ góc độ chuyên môn, tôi cho rằng chỉ có những con người lệch lạc cảm xúc hoặc phát triển cảm xúc kém. Chẳng hạn, có những người bị đánh hội đồng, bị lột trần giữa phố xá; thế mà, chẳng ai can ngăn, thậm chí còn dùng máy quay lại để đưa lên mạng. Ai bảo những con người này vô cảm? Họ không hể vô cảm. Họ có cảm xúc đó chứ! Nhưng đó là thứ cảm xúc lệch lạc – lấy làm vui khi xem cảnh tượng bất bình đó! Thế nhưng, để viết về những thứ lệch lạc này thì chưa thể. Cần có thời gian!

Vẫn cứ suy nghĩ hoài về những điều này, nhưng tôi vẫn không thích từ ngữ “vô cảm”. Cảm ơn Đức Thánh Cha đã gợi ý một từ ngữ tuyệt vời: sự dửng dưng (indifference) trong sứ điệp mùa chay 2015. Tiếc quá! Bản dịch việt ngữ sứ điệp này của trang mạng www.tonggiaophansaigon.com lại dùng từ ngữ vô cảm. Nhưng không sao! Đó là chuyện của người ta, đụng vào lại sinh tội ra: wow, tôi lại dửng dưng rồi!

Chút nồng nàn và đắng đót

Điều quan trọng, khi đọc sứ điệp này, bản thân mình, với kinh nghiệm mục vụ từ gần 20 năm nay và cũng bấy nhiêu thời gian nghiên cứu tâm lý học, tôi chợt nhận ra có một mặt trái của sự dửng dưng trong mục vụ cũng như trong đời sống thường ngày. Dưới những dáng vẻ tưởng chừng là điều gì đó tích cực, không dửng dưng nhưng lại hàm chứa cả một thái độ dửng dưng mà chính tôi cũng không hề biết.

1/ Một dấn thân phục vụ hết mình

Không ai nói dấn thân phục vụ là điều xấu cả! Bởi lẽ, dấn thân phục vụ tự nó là điều tốt. Đó là một đòi hỏi của Tin mừng, là một trong những điều quan trọng của sứ vụ. Trong thực tế, khi dấn thân phục vụ, người ta vẫn có thể xấu mà tôi không biết. Ở đây, tôi loại trừ những trường hợp dấn thân với chủ đích “riêng tư”, hay những trường hợp lấy mục đích biện minh cho thái độ dấn thân của mình.

Nếu chỉ nhìn những trường hợp hoàn toàn dấn thân với mục đích rõ ràng và trong sáng, tôi cũng có thể nhận ra những vấn đề của nó mà tôi gọi bằng cái tên “mặt trái của sự dửng dưng”.

Chẳng hạn, một giám mục, một cha xứ, một bề trên… sau khi đã hoàn tất sứ vụ của mình qua thời gian của nhiệm kỳ vẫn mang theo những thao thức và trăn trở về cộng đoàn của mình. Chính lẽ đó, các ngài vẫn muốn làm điều gì đó cho cộng đoàn mà mình đã từng có trách nhiệm… Và thực sự, có những vị vẫn tiếp tục cách này hay cách khác góp phần của mình với cộng đoàn. Xét về mặt tinh thần là tốt, nhưng trong thực tế, các ngài đã hoàn toàn dửng dưng trước người đương nhiệm, kế vị các ngài. Vì chính những dấn thân của các ngài lúc này sẽ trở thành những khó khăn cho những người đương nhiệm.

Cũng có thể, đó là những vị đương nhiệm trong các vai trò khác nhau trong giáo hội. Vì sứ vụ được trao phó, các ngài có trách nhiệm trên cộng đoàn của mình. Các ngài phải dấn thân phục vụ cho cộng đoàn được trao phó. Điều này hoàn toàn xứng hợp với vai trò và trách vụ của các ngài. Thế nhưng, trong thực tế, có những vị khi dấn thân đã trở thành người dửng dưng với chính vị tiền nhiệm của mình và với những “tình cảm đạo đức” của cộng đoàn. Nói cách khác, chính cách ửng xử trong dấn thân mục vụ đã làm cho các ngài trở thành người dửng dưng ngay khi dấn thân.

Đàng khác, xét từ góc độ tâm lý lứa tuổi, những người dấn thân phục vụ cũng có thể trở thành người dửng dưng. Các linh mục, tu sỹ, các thầy cô, quý phụ huynh, giáo lý viên… trong độ tuổi trưởng thành bị chi phối nhiều bởi những hoạt động dấn thân. Rất nhiều người, ngay từ khởi đầu với ước muốn dấn thân vì con người, nhưng khi bắt tay vào với công việc lại quên mất những người cộng tác, những con người mà họ xác định là đối tượng của sự dấn thân phục vụ của mình; cái còn đọng lại cuối cùng cũng chỉ là công việc. Với những người tuổi trung niên, thôi thúc muốn chuyển giao lại cho các thế hệ sau những gì mình có, rất nhiều khi, cũng đã trở thành dửng dưng với các thế hệ sau vì đã không cảm nhận đủ được điều mà những người trẻ đang cần. Họ trao cái họ nghĩ là cần cho người trẻ hơn là cho cái người trẻ cần để thăng tiến bản thân. Dửng dưng!

2/ Một chủ trương tôn trọng sự riêng tư của người khác

Tôn trọng và không xâm phạm sự riêng tư của người khác là điều cần và là điều tốt. Không ai là một hòn đảo. Dù thế, biên giới riêng của mỗi người cũng là điều không thể không được tôn trọng. Đó có thể là những riêng tư của họ trong tương giao với Chúa và với anh em; đó cũng có thể là những giây phút tĩnh lặng trước những sự kiện riêng tư trong đời sống cá nhân; và không loại trừ cả những vấp váp có thể xảy đến trong hành trình đời sống của ai đó…

Dù có chủ trương sự tôn trọng này, chắc chắn chúng vẫn nhận thấy vấn đề của anh chị em. Nhưng, không thể đụng vào sự riêng tư này! Chỉ còn một cách duy nhất, phớt lờ đi. Nhắm mắt lại để không thấy, bịt tai lại để không nghe, bịt miệng lại để đừng nói, trói tay lại để đừng hành động… và thế là, sự dửng dưng nối tiếp dửng dưng…

3/ Một thái độ tôn trọng phẩm trật

Tôn trọng phẩm trật trong tổ chức – dù là tổ chức xã hội hay giáo hội – là điều tốt. Chính Lời Chúa cũng đòi hỏi sự tôn trọng này. Thế nhưng, chính trong điều tốt lành này cũng đã có một tiềm ẩn một mặt trái trong thực hiện nơi không ít người. Cũng đã có không ít người và không ít lần, nhân danh việc cần phải tôn trọng phẩm trật này mà nhiều người đã trở thành người dửng dưng.

Trước những khó khăn mà các đấng bậc đang trải qua, người ta nhìn thấy chứ! Nhưng, đó là việc của các ngài! Cần phải tôn trọng các ngài! Thôi cứ để cho các ngài giải quyết sự việc trong sứ vụ và tư cách làm đầu của các ngài! Dửng dưng!

Ngay cả khi các bề trên cũng có thể có những sai sót trong điều hành, lãnh đạo, tổ chức cộng đoàn, một số người thích đứng ra phía ngoài để phê bình, chỉ trích, càm ràm…. Lệch lạc! Nhưng cũng có không ít người cho rằng không nên phê bình, chỉ trích các đấng bậc. Cứ để các ngài hành xử và có quyết định của các ngài và các ngài chịu trách nhiệm trước mặt Chúa về đời sống và sứ vụ của các ngài. Dửng dưng!

4/ Đàng sau sự “khiêm nhượng”

Khiêm nhường, tự bản chất là một nhân đức. Nhưng, sự khiêm nhường đó như thế nào trong tự bản chất của nó được diễn tả ra sao lại là điều cần thiết. Có không ít người đã nhân danh một con đường sống “khiêm nhường” và trở thành dửng dưng.

Trong đời sống cộng đoàn, họ thấy rõ những việc cần bàn tay đóng góp và chia sẻ chứ! Nhưng, thôi! Tôi không có khả năng. Tôi còn nhỏ quá! Tôi già rồi! Tôi…. dửng dưng!

Đức Thánh Cha viết, “Cả với tư cách cá nhân, chúng ta cũng bị cám dỗ dửng dưng. Chúng ta bị tràn ngập những tin tức và hình ảnh kinh hoàng thuật cho chúng ta đau khổ của con người và đồng thời chúng ta cảm thấy mình không có khả năng can thiệp”.

Và tệ hại hơn! Không thể không kể đến, có những trường hợp, ẩn tàng đang sau lớp vỏ của sự khiêm nhường chỉ là thái độ mặc cảm tự ti. Khổ một nỗi, từ mặc cảm tự ti, người ta có thể biến thành những người tự tôn, tự cao, tự đại… những kẻ “thánh tướng”. Và rồi, từ chỗ dửng dưng trong sự cộng tác với sứ vụ chung, họ đi đến chỗ dửng dưng đối với cảm xúc của người khác trong cộng đoàn khi họ đang ra sức phê bình, chỉ trích và làm những việc không giống ai.

Để hương vẫn nồng, vị vẫn đắng nhưng tràn yêu thương

Xuyên qua những mặt trái của những điều tốt lành, tôi lại chợt nhận ra, chúng lại nổi lên một vấn đề: sự dửng dưng với chính mình.

Khi tôi đang cố ra sức để dấn thân và phục vụ, không chỉ là đã có không ít lần, tôi lại dửng dưng với chính mình. Kiệt quệ! Mỏi mệt! Căng thẳng!… Thiếu vắng một đời sống nội tâm, mà chính tôi biết rõ, đó mới là nội lực của dấn thân.

Khi nhân danh sự tôn trọng phẩm trật, tôn trọng sự riêng tư của ai đó, tôi không chỉ trở thành kẻ dửng dưng đối với cộng đoàn mà thôi. Tôi đang dửng dưng với chính mình. Tôi đang đẩy tôi đi vào chỗ tách rời đời sống cộng đoàn để rút vào vỏ bọc của chính mình. Và cuối cùng đi đến chỗ cũng chẳng thể biết tôi đang sống vì điều gì nữa. Dửng dưng!

Khi nép tôi dưới dáng vẻ của sự khiêm hạ, tôi cũng đang dửng dưng với chính mình. Thay vì, dấn thân cho một nén nhỏ bé được trao ban, như một con đường để phát triền cộng đoàn và chính bản thân, tôi lại trở thành tệ hại hơn mà bản thân tôi không biết. Một nén bạc được chôn giấu và không thể sinh lợi. Tôi đang dửng dưng với chính mình.

Không chỉ là cầu nguyện trong hiệp thông, không chỉ là sẻ chia, trong sứ điệp, Đức Thánh Cha viết: “Để khắc phục sự dửng dưng và sự tự phụ toàn năng của chúng ta, tôi muốn xin tất cả mọi người hãy sống Mùa Chay này như một hành trình huấn luyện tâm hồn, như ĐGH Biển Đức 16 đã nói (Thông điệp Deus caritas est, 31). Có một con tim từ bi không có nghĩa là có một tâm hồn yếu đuối. Ai muốn từ bi thì cần một con tim mạnh mẽ, kiên vững, khép kín đối với kẻ cám dỗ, nhưng cởi mở đối với Thiên Chúa. Một con tim để cho Thánh Linh thấu nhập và dẫn đi trên những con đường tình thương đưa tới các anh chị em. Xét cho cùng, đó là một con tim nghèo, nghĩa là nhận biết sự nghèo hèn của tôi và xả thân cho tha nhân”.

Đó chính là một hành trình cần được khởi đi từ chính mình: hoán cải. Một cuộc hoán cải trước hết từ cái nhìn của tôi trên cuộc sống để thấy rõ những gì đã và đang diễn ra trong cuộc sống của tôi và anh chị em trong cộng đoàn. Kế đến, đó là một tiến trình đào luyện trái tim và khối óc bằng chính Lời Thiên Chúa và giáo huấn của Hội Thánh để thấy được Thiên Chúa không dửng dưng với chúng ta. Và cuối cùng, đó là cuộc hoán cải đôi tay của chính tôi để có thể bắt đầu hành động với chính khả năng nhỏ bé của mình, bằng nén bạc Chúa trao theo khả năng của tôi trong khiêm hạ.

Đức Thánh Cha kêu mời, “sự đau khổ của tha nhân là một lời mời gọi hoán cải, vì nhu cầu của người anh em nhắc nhở cho tôi sự mong manh của đời tôi, sự lệ thuộc của tôi đối với Thiên Chúa và các anh chị em. Nếu chúng ta khiêm tốn cầu xin ơn Chúa và chấp nhận khả năng giới hạn của mình, thì chúng ta sẽ tín thác nơi tiềm năng vô biên chứa đựng trong tình thương của Thiên Chúa. Và chúng ta có thể chống lại cám dỗ của ma quỷ làm chúng ta tưởng tôi có thể tự tôi cứu thoát bản thân và thế giới”.

Mong Thay!
Hy vọng và đợi chờ!

Lm. Giuse Têrêsa Trần Anh Thụ