"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Hôn nhân thành hình từ lúc nào?


Trong nhiều ngôn ngữ, “hôn nhân” (matrimonium, marriage) vừa ám chỉ sự “kết hôn” (sự thành lập hôn nhân) vừa ám chỉ “cộng đồng hôn nhân” (hai người nên vợ nên chồng). Sự “kết hôn” là nguyên nhân tạo ra “cộng đồng hôn nhân”. Để phân biệt hai khía cạnh ấy, thần học đã tạo ra hai thuật ngữ: matrimonium in fieri (sự kết hôn), và matrimonium in factum esse (cộng đồng vợ chồng, tức là gia đình). Sự kết hôn diễn ra trong giây phút: khi hai người nam nữ bày tỏ sự thoả thuận lấy nhau; cộng đồng là một thực tại kéo dài. Sự kết hôn là một “hành vi”; cộng đồng là một “thực trạng bền vững”.

Câu chuyện xem ra đơn giản, nhưng trong lịch sử thần học, một cuộc tranh luận đã nảy lên, liên quan đến thời điểm cấu tạo hôn nhân: từ lúc nào hôn nhân được thành hình? Phải mất nhiều thế kỷ mới có câu trả lời chính xác. Chúng ta hãy đi ngược lại dòng thời gian để theo dõi cuộc tranh luận này.

Tân ước không để lại một “nghi thức kết hôn”. Trong các thế kỷ đầu tiên, các Kitô hữu kết hôn theo những phong tục địa phương. Dần dần chính các phong tục ấy đã được du nhập vào luật lệ Kitô giáo.

I. Việc cử hành hôn lễ nơi người Do thái, Hy lạp, Rôma

1. Đối với người Do thái, hôn nhân diễn ra qua hai chặng.

Chặng thứ nhất là thương lượng để kết hôn; chặng thứ hai, đưa vợ về nhà chồng. Việc thương lượng kết hôn được tiến hành bởi các gia trưởng (hoặc đại diện). Đối tượng thứ nhất của cuộc thương lượng là sự kết hôn của hai bạn trẻ; đối tượng thứ hai là của cải sẽ trao cho cô dâu.

Chặng thứ hai gồm những lễ nghi cử hành và những tiệc tùng, diễn ra trong một bầu khí tôn giáo, do gia trưởng chủ sự, với những lời cầu nguyện và chúc tụng. Kế đó, cô dâu rời bỏ gia đình và được đưa về nhà chồng, khởi sự cuộc sống chung.

2. Lễ kết hôn của dân Hy-lạp cũng có những điểm tương đồng với người Do-thái, gồm hai chặng. Trước tiên là sự cam kết (engúesis), rồi đến đám cưới (gámos).

Trong chặng thứ nhất, nhà gái (người cha) cam kết với nhà trai là sẽ gả vợ, và sẽ rước dâu; đôi bên cũng thoả thuận về của hồi môn.

Sau một thời gian, diễn ra lễ cưới: cô gái được trao cho chàng rể; chàng rể dẫn vợ về nhà mình. Đám rước diễn ra trong bầu khí lễ hội tưng bừng, và không thể thiếu nghi thức tôn giáo (hy lễ dâng lên các thần của gia tộc, tiệc cưới, tắm rửa đôi tân hôn, đội triều thiên lên đầu). Người Hy-lạp không đặt nặng các công thức trao đổi sự thỏa thuận kết hôn; điều này được hiểu ngầm qua các cử chỉ.

3. Người Rôma cũng phân biệt hai giai đoạn: hứa hôn (sponsalia) và kết hôn (nuptiae).

Lễ cưới chính thức mang tính cách lễ hội với nhiều phong tục tôn giáo: tế lễ thần gia tiên, bữa tiệc (thường là bên nhà gái), rước dâu về nhà trai (domum deducere); về đến nhà trai và được dẫn vào trong nhà, vào đến tận phòng the, vv. Các nghi lễ hứa hôn và kết hôn diễn ra theo tục lệ, chứ không theo một quy định pháp lý nào. Đối với pháp luật, các nghi lễ ấy không phải là cốt yếu của sự cấu tạo hôn nhân. Điều quan trọng là ý định trở thành vợ chồng (affectio maritalis). Yếu tố cấu thành hôn nhân là sự thoả thuận (consensus). Điều này được phát biểu qua thành ngữ: Nuptias non concubitus sed consensus facit. Tuy nhiên sự thoả thuận không được biểu lộ qua một công thức ngắn gọn, vào một lúc chính xác, như ngày nay, nhưng được suy đoán qua suốt tiến trình cử hành (hứa hôn, kết hôn), qua những cử chỉ và nghi lễ (đặc biệt là việc rước dâu, domum deductio, được các luật gia chú trọng cách riêng).

II.- Việc kết hôn trong những thế kỷ đầu tiên của Hội thánh

1/ Các Kitô hữu không du nhập một hình thức mới nào trong việc kết hôn. Tuy ý thức hiệu lực bất khả ly của hôn nhân dựa theo Kinh thánh, cũng như tính cách thánh thiêng của nó, nhưng họ không thấy ngại ngùng gì khi ở giữa những tập tục cổ truyền trong lễ nghi kết hôn, ngoại trừ những lễ nghi có thể mang tính thờ ngẫu tượng (chẳng hạn cúng tế các gia tiên, bói toán), mà họ biết rằng không phải là cốt yếu của việc nên vợ nên chồng.

2/ Các Kitô hữu chấp nhận dễ dàng tục ngữ Rôma: Nuptias non concubitus sed consensus facit, bởi vì nguyên tắc này giúp cho sự phân biệt rõ ràng giữa hôn nhân và ngoại hôn (hoặc chỉ là ăn ở với nhau không giá thú). Theo quan điểm của người Rôma, hôn nhân hình thành không phải do sự giao hợp (cho dù thường xuyên đi nữa) hoặc do sự chung sống với nhau, nhưng là ý định kết hôn, nghĩa là affectio maritalis. Điều cốt yếu là ý muốn trở thành vợ chồng, còn các nghi lễ bên ngoài chỉ dùng để biểu lộ ý muốn đó mà thôi. Vì thế dần dần người ta cũng đặt nặng vấn đề thoả thuận về của hồi môn cho cô dâu, bởi vì nó là dấu hiệu cho thấy ý muốn lấy người phụ nữ làm vợ chứ không làm nàng hầu. Từ đó, có câu tục ngữnullum sine dote fiat coniugium.

3/ Dù sao, tuy chấp nhận học thuyết của luật Rôma, nhưng Giáo hội đi xa hơn một bước, theo nghĩa là một đàng nhìn nhận rằng sự thoả thuận làm nên hôn nhân, nhưng đàng khác, sự thỏa thuận ấy mang tính bất khả ly. Điều này khác với quan niệm Rôma, bởi vì họ chấp nhận rằng hôn nhân kéo dài bao lâu còn affectio maritalis. Đối với Giáo hội, affectio maritalis là nguyên nhân cấu thành hôn nhân, nhưng nó không thể trở thành nguyên nhân chấm dứt hôn nhân.

III. Cuộc tranh luận thời Trung cổ giữa các học thuyết “thoả thuận” và “giao hợp”

A/ Vấn đề

Vào thế kỷ XII đã nảy ra cuộc tranh luận giữa các giáo sư thần học và giáo luật: từ lúc nào dây hôn nhân được thành lập?

Nghi vấn được đặt ra nhằm tìm câu giải đáp cho một vài tình huống khúc mắc. Sau khi đã hứa hôn và trước khi sống chung với nhau, thì có thể thay đổi ý định và lấy người khác được không? Hoặc nếu đã hứa hôn thì có thể đi tu được không, và người ở ngoài đời sẽ có thể kết bạn không? Trong cuộc tranh luận này, người ta cũng đem ra bàn cãi hôn nhân của Đức Mẹ với thánh Giuse: có thật là hôn nhân không, bởi vì hai người không ăn nằm với nhau?

1. Ông Gratianô và trường phái Bologna chủ trương rằng: sự thoả thuận sẽ sống chung với nhau mãi mãi chưa đủ để cho hôn nhân được hoàn hảo; cần phải có sự “hoàn tất” (consummatio) qua sự giao hợp vợ chồng thì hôn nhân mới ratum (bền vững).

2. Ngược lại, trường phái Paris chủ trương rằng sự thoả thuận đã thiết lập hôn nhân rồi. Ông Petrus Lombardus chứng minh rằng sự hợp nhất ý chí giữa hai người nam nữ, đã là bí tích của sự hợp nhất giữa Đức Kitô và Hội thánh, là sự kết hợp của tình yêu. Sự thoả thuận của hai vợ chồng là nguyên nhân tác thành duy nhất của hôn nhân; những gì còn lại chỉ là “trang trí” (ad decorem sacramenti) chứ không thuộc về bản chất. Trên nguyên tắc, kể cả sự chứng kiến của Giáo hội (coram Ecclesia) cũng không thuộc về bản chất, nhưng chỉ là yếu tố cần thiết để có thể minh chứng rằng hai bên đã lấy nhau.

B/ Những can thiệp của huấn quyền

Hai sắc lệnh (litterae decretales) của Giáo hoàng Alexander III (1159-1181) và Innocentê III (1198-1216) đã làm sáng tỏ vấn đề.

1. Giám mục giáo phận Salernô viết thư hỏi Giáo hoàng Alexander rằng: hai người đã hứa hôn nhưng chưa giao hợp; người đàn bà có được phép đi lấy người khác không, và nếu đã lấy ông này thì có buộc phải trở về với người đàn ông thứ nhất không? Giáo hoàng trả lời rằng nếu đã bày tỏ công khai sự thoả thụân kết hôn rồi thì không được phép làm phép cưới lần thứ hai nữa.

2. Đạo lý ấy được Giáo hoàng Innocentê III tái khẳng định: sự thoả thuận làm nên sự kết hôn; nếu có sự thoả thuận thì tất cả những điều khác, kể cả sự giao hợp, chẳng ích lợi gì cho việc kết thành hôn nhân.

3. Sang thế kỷ XII, lại thêm một ưu tư cho các giám mục: làm thế nào để bảo đảm cho tính cách công khai của sự thoả thuận kết hôn? Làm cách nào để tránh những sự kết hôn lén lút? Làm cách nào để kiểm chứng các ngăn trở giữa đôi nam nữ sắp cưới, cách riêng là ngăn trở họ hàng? Làm thế nào ngăn chặn những chuyện kết hôn của vị thành niên mà cha mẹ không hay biết? Làm thế nào biết được sự kết hôn được tự do, chứ không bị cưỡng ép?

4. Giáo hội đã đưa ra nhiều biện pháp. Công đồng Lateranô IV (1215) truyền phải rao hôn phối tại nhà thờ, và chờ đợi một thời gian xem có ai tố cáo ngăn trở nào không. Tuy nhiên, các nhà thần học và giáo luật cho rằng các đôi hôn nhân lén lút vẫn thành hiệu tuy rằng bất hợp pháp. Công đồng Firenze (1439) tuyên bố rằng nguyên nhân tác thành của hôn nhân là những lời thỏa thuận kết hôn. Công đồng Trentô mới cương quyết hơn rằng việc trao đổi sự thoả thuận kết hôn cần phải được diễn ra trước mặt cha xứ, hoặc linh mục được sự uỷ quyền của cha xứ, cùng với hai chứng nhân thì mới thành hiệu (ad validitatem). Nói khác đi, sự thoả thuận là nguyên nhân cấu thành hôn nhân; nhưng sự thoả thuận cần phải được biểu lộ theo thể thức pháp định thì mới thành hiệu. Điều này được tiếp nhận vào các bộ giáo luật 1917 và 1983 (đ.1108). Chúng ta sẽ trở lại điểm này khi bàn về nghi thức cử hành bí tích.

IV. Những kết luận về đạo lý

Khi đọc lại lịch sử về việc cấu tạo hôn nhân, ta thấy rõ ràng rằng hôn nhân không phải chỉ là một sự kiện thuần tuý của hai người nam nữ chung sống với nhau, cho dù lâu năm và đã có con cái. Hôn nhân đòi hỏi sự thoả thuận: solus consensus facit matrimonium. Hai vợ chồng khác với hai tình nhân ở chỗ họ quyết định gắn bó với nhau. Sự thoả thuận không chỉ là khởi đầu của một sự chung sống, mà còn là một “hành vi nhân linh, qua đó đôi vợ chồng trao hiến và lãnh nhận lẫn nhau” (GS 48a). Hành vi này tạo ra một tình trạng mới mẻ, khác với sự quen biết nhau trước đó: họ cam kết trao thân gửi phận cho nhau suốt đời.

Tuy rằng sự thoả thuận là nguyên nhân tác thành hôn nhân, nhưng bản chất hôn nhân không hoàn toàn tuỳ thuộc vào ý định của hai người. Đúng ra, họ chấp nhận cho mình sợi dây kết hợp do Thiên Chúa ấn định: họ để cho Thiên Chúa “ràng buộc” mình (Mt 19,6). Như vậy, trong việc kết hôn, có yếu tố “tự nhiên” (dựa trên bản chất của sự vật) và có yếu tố “tự do” (ý chí chấp nhận sự kết hợp). Công đồng Vaticanô II, khi nói đến hôn nhân tự nhiên, đã gọi sợi dây liên kết là “thánh thiêng”, không tuỳ thuộc vào sự định đoạt của loài người (GS 48a).

Giao ước hôn nhân có ảnh hưởng đến xã hội bởi vì nó tạo ra gia đình. Vì thế xã hội (và Giáo hội) có quyền đòi hỏi một thể thức cử hành, ngõ hầu nó mang tính cách công khai và tránh được những sự khiếm khuyết. Đó là lý do mà Giáo hội đòi hỏi thể thức pháp định như điều kiện hữu hiệu của sự kết hôn, mặc dù vẫn khẳng định rằng sự thoả thuận là nguyên nhân tác thành của hôn nhân.

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP
...........................................................................

ĐTC Phanxicô diễn giải Bí Tích Hôn Phối
(Vatican, 02.04.2014)

(...)
Anh chị em thân mến,

Hôm nay chúng ta nói về bí tích hôn phối và kết thúc loạt bài giáo lý về các bí tích. Bí tích hôn phối dẫn chúng ta đến trọng tâm ý định của Thiên Chúa, là một ý định giao ước với dân Ngài, với tất cả chúng ta, một ý định hiệp thông. 

Ở đầu sách Sáng Thế, cuốn sách đầu tiên trong bộ Kinh Thánh, khi kết thúc trình thuật về sự sáng tạo, có nói rằng: ”Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình giảng của Ngài; theo hình ảnh Thiên Chúa Ngài tạo dựng họ: Ngài sáng tạo họ có nam có nữ. Vì thế người nam sẽ lìa cha mẹ và kết hiệp với vợ mình, và cả hai nên một thân thể” (St 1,27; 2,24). 

Hình ảnh Thiên Chúa là một đôi hôn nhân, là người nam và người nữ, tất cả hai, chứ không phải chỉ có người nam, và người nữ. Đó là hình ảnh Thiên Chúa, và tình yêu, giao ước của Thiên Chúa với chúng ta, được tượng trưng trong giao ước giữa người nam và người nữ. Đây là một điều thật là đẹp! Chúng ta được tạo thành để yêu thương, như phản ánh Thiên Chúa và tình thương của Chúa. Và trong sự kết hiệp vợ chồng người nam và người nữ thực hiện ơn gọi này qua dấu chỉ hỗ tương và cuộc sống hiệp thông trọn vẹn và chung kết. 

Khi một người nam và một người nữ cử hành bí tích hôn phối, thì có thể nói Thiên Chúa phản ánh trên họ: Ngài in trên họ những đường nét của Ngài và đặc tính không thể xóa bỏ của tình yêu Ngài. Hôn nhân là hình ảnh tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Thật là đẹp! Cả Thiên Chúa cũng là hiệp thông. Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Linh từ đời đời và mãi mãi trong trong sự hiệp nhất hoàn hảo. Và điều này chính là mầu nhiệm Hôn Phối: đó là Thiên Chúa làm cho đôi vợ chồng trở nên một cuộc sống duy nhất - Kinh Thánh nói là ”một thân thể duy nhất” - theo hình ảnh của tình yêu Thiên Chúa, trong dấu chỉ hiệp thông bắt nguồn từ nơi Thiên Chúa và kín múc sức mạnh từ đó.

Thánh Phaolô, trong thư gửi tín hữu thành Êphêsô, làm nổi bật điều này là: nơi các đôi vợ chồng Kitô có phản ánh mầu nhiệm mà Thánh Tông Đồ định nghĩa là ”cao cả”, có nghĩa là tương quan được Chúa Kitô thiết lập với Giáo Hội, một tương quan có đặc tính hôn nhân tuyệt vời (Xc Ep 5,21-33). Điều này có nghĩa là Hôn nhân đáp ứng một ơn gọi đặc thù và phải được coi là một sự thánh hiến (Xc Vui Mừng và Hy Vọng, 48); Familiaris consortio, 56). Thực vậy, do bí tích Hôn Phối, các đôi vợ chồng được ủy thác một sứ mạng riêng và đích thực, để từ những điều đơn sơ, bình thường, họ có thể hữu hình hóa tình thương mà Chúa Kitô yêu thương Giáo Hội của Ngài, tiếp tục hiến thân cho Giáo Hội, trong sự trung tín và phục vụ.

Thực là một ý định tuyệt vời những gì ở trong bí tích Hôn Phối! Và nó được thể hiện trong sự đơn sơ và cả trong sự dòn mỏng của thân phận con người. Chúng ta biết rõ đời sống vợ chồng có bao nhiêu khó khăn và thử thách.. Điều quan trọng là giữ cho mối liên hệ với Thiên Chúa được luôn sinh động, mối liên hệ này là nền tảng mối liên hệ vợ chồng. Mối liên hệ thực sự luôn luôn là liên hệ với Chúa. Khi gia đình cầu nguyện thì mối liên hệ ấy được duy trì. Khi người chồng cầu nguyện cho vợ, và người vợ cầu cho chồng, mối liên hệ ấy trở nên bền chặt hơn. Hai người cầu cho nhau. 

Và quả thực là trong đời sống gia đình có bao nhiêu là khó khăn: công ăn việc làm, thiếu tiền, con cái có vấn đề.. bao nhiêu là khó khăn. Và bao nhiêu lần vợ chồng căng thẳng, cãi nhau. Trong hôn nhân vẫn có những vụ cãi nhau, và nhiều khi bát đĩa bay. Anh chị em cười, nhưng đó là sự thật. Nhưng chúng ta không nên buồn vì điều này. Thân phận con người là như thế. Nhưng bí quyết là tình yêu mạnh hơn những lúc cãi nhau. Và vì thế tôi khuyên các đôi vợ chồng, đừng bao giờ kết thúc một ngày mà không làm hòa với nhau, nếu đã cãi nhau. Để làm hòa với nhau không cần phải gọi Liên Hiệp Quốc, chỉ cần một cử chỉ nhỏ, một cái vuốt ve âu yếm. Và ngày mai lại bắt đầu. Đó là cuộc sống: tiến bước như thế trong can đảm, can đảm muốn sống chung với nhau. Đời sống hôn nhân là điều rất đẹp và chúng ta phải luôn giữ gìn, bảo vệ con cái.

Một vài lần tôi đã nói ở đây, có 3 lời giúp cho đời sống vợ chồng. Tôi không biết anh chị em có nhớ 3 lời ấy không: ba lời phải luôn nói trong gia đình: xin vui lòng, cám ơn, và xin lỗi. Xin vui lòng, để không xen mình trong đời sống vợ chồng. Cám ơn người phối ngẫu của mình, cám ơn điều mà anh, mà em đã làm. Và vì tất cả chúng ta đều có sai lỗi, nên cần nói lời này: xin lỗi. 
Với 3 lời này, với kinh nguyện của vợ chồng cho nhau, và vợ chồng luôn làm hòa với nhau trước khi kết thúc một ngày, hôn nhân sẽ tiếp tục tiến bước. 

Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!