"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

100 vấn nạn về Đức Tin | 100 QUESTIONS SUR LA FOI

1. Thưa cha, tin là gì?

Tin, đó là tin vào Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, đã chết và sống lại, đã đến trần gian, nhận lấy thân phận làm người để mọi người được sống đời sống của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu hiến trọn đời mình như dấu chứng tình yêu đối với mọi người. Tin vào Thiên Chúa, chính làm tin vào tình yêu vô tận của Ngài. Đó là tìm nơi Ngài, trong cuộc sống hiện tại, bằng cách yêu Ngài như Ngài yêu, niềm hạnh phúc được sống vĩnh cửu sau khi đã chết.

2. Được giáo dục trong một môi trường chống giáo sĩ gay gắt nhất, nhưng đến 36 tuổi thì con đã suy nghĩ nhiều và con ao ước nhận phép Thánh Tẩy. Con cảm thấy một sự thiếu sót kinh khủng trong căn tính của mình. Con đã bắt đầu tìm hiểu Kitô Giáo và lịch sử Đạo nầy. Thưa Cha, làm cách nào để vớt vát lại đây?

Có lẽ chị đang cải hóa. Đó là một hạnh phúc lớn lao, mà cũng là một sự đảo lộn vĩ đại. Nhưng đây không phải là vấn đề vớt vát. Chị cần khám phá ra rằng đức tin vượt xa những kiến thức “về” Thiên Chúa để trở nên một cuộc gặp gỡ riêng tư: nhận biết Thiên Chúa.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi chị cảm thấy điều mà chị gọi là một sự “thiếu sót kinh khủng” trong căn tính của mình. Là một thụ tạo của Thiên Chúa, nên điều gì còn thiếu sót nơi chị, chỉ mình Thiên Chúa mới có thể ban cho chị.

Chị đừng nóng vội. Chị hãy tìm hiểu như chị đã làm, hãy gặp gỡ những người trải qua cùng một đoạn đường đời như chị, những người trong Giáo Hội sống bằng Thần Linh của Thiên Chúa. Giáo Hội đã từng dành một quãng đường dài cho người lớn tuổi trước khi họ nhận phép Thánh Tẩy: đó là thời kỳ dự tòng. Để nhận phép Thánh Tẩy, chị phải trải qua nhiều giai đoạn chuẩn bị, giúp chị trưởng thành trong hiểu biết của Thiên Chúa.

3. Thiên Chúa, Đức tin, Chúa Kitô, Tin Mừng, con đều chấp nhận cả. Nhưng Giáo Hội hiện nay thì không. Cha nghĩ sao về thái độ này?

Tại sao chúng ta tách rời Thiên Chúa, Chúa Kitô, Tin Mừng và Đức tin ra khỏi Giáo Hội? Chúng ta hãy trở về Giáo Hội sơ khai, vào lễ Hiện Xuống, các tông đồ đã lãnh nhận Chúa Thánh Linh. Chúa Kitô đã chọn các Ngài để các Ngài loan báo Tin Mừng cứu rỗi trên khắp thế gian. Chúa Phục sinh giao cho nhóm người ít ỏi này một trách nhiệm huyền diệu: rao truyền Đức Tin. Phiêu lưu quá, nhưng hết sức tin tưởng! Ngày nay, sự mâu thuẩn lạ thường nầy vẫn y như vậy. Nhóm người ít ỏi đã trở nên một tập thể đông đúc. Bởi vì Giáo Hội được hình thành từ nhiều người nam, người nữ và chưa hẳn trọn lành, cho nên Giáo Hội có thể bị phiền trách về những nhược điểm như thường thấy ở bất cứ xã hội loài người nào. Nhưng bởi vì Chúa Kitô vẫn ở lại cùng Giáo Hội, ban cho Giáo Hội Thần khí của Ngài, cho nên Giáo Hội không ngừng nuôi dưỡng đức in của biết bao con người thông qua các phép Bí Tích. Không hấp tấp, không rụt rè, Giáo Hội xây dựng Nước Trời, dẫu có sơ suất, ngập ngừng, nhưng luôn được soi dẫn bởi một đức tin không ngừng tăng trưởng.

Chớ gì những ai có thái độ như bạn nói, đừng nhìn Giáo Hội như khách bàng quang, mà hãy đóng góp phần mình như một viên đá xây dựng Giáo Hội.

4. Thưa Cha, đến một lúc nào đó, chúng ta lại không nhàm chán Thiên Chúa ư?

Nếu chúng ta tin vào Thiên Chúa và ao ước nhận biết Ngài thì chỉ có năng lực tiếp nhận của chúng ta mới có thể ngăn cản Thiên Chúa. Và cũng chính cách tiếp nhận độc nhất này, làm đẹp lòng Ngài. Lo sợ sự nhàm chán là điều rất thường tình trong bất cứ mối giao hảo tình tứ hay bằng hữu nào. Dẫu Đức Tin vững mạnh đến đâu, chúng ta không khỏi lỗi hẹn.

Sự ao ước mộ mến Thiên Chúa, có thể biến mất. Điều đó, các nhà thần bí từng cảm nhận và gọi đó là “đêm tối”, là “sa mạc”. Lòng tràn ngập nghi ngờ, các Ngài có cảm giác như Thiên Chúa từ bỏ mình. Chỉ còn chút ánh sáng chập chờn của Đức Tin giúp các Ngài bền tâm đi tìm kiếm Thiên Chúa.
Trong một cuộc sống càng ít hướng về Thiên Chúa, thói quen tìm Chúa càng bị đe dọa và sự ham thích cầu nguyện dần dà biến mất. Lúc ấy, chính Đức Tin giúp chúng ta nhẫn nại chờ đợi Thiên Chúa. Đức Tin mời gọi chúng ta khám phá Thiên Chúa, không phải mặt đối mặt như lúc diện kiến trong chiêm ngắm, mà phải nhờ qua một cuộc gặp gỡ, ngay giữa một hành động nào đó mà không ai ngờ trước được.

Không, đừng nhàm chán Thiên Chúa. Hãy xem Chúa Giêsu làm các môn đệ bối rối như thế nào. Vậy nên tỉnh thức, sẵn sàng và cậy trông Thiên Chúa đánh động và vực dậy cuộc sống của chúng ta.

5. Thưa cha, đang tuổi 18, con thấy để làm một cô gái ngoan đạo, không phải là điều dễ dàng gì, dù ngay trong trường học công giáo. Ví như trong lớp con, cả thảy 33 học sinh, mà chỉ có năm chúng con sống đạo! Làm sao mà không nản được?


Mọi sự bắt đầu với Chúa Kitô, mười hai tông đồ và vài người phụ nữ: Và hiện bây giờ đây, có một tỉ năm trăm triệu Kitô-hữu trên khắp thế giới. Con số ít người sống đạo trong lớp cô, không được làm cô nản lòng. Đừng tự tách biệt mình khi sống đức tin. Cô hãy sống đạo, không những với bạn bè trong lớp của minh, mà còn với bạn bè bên ngoài, trong giáo xứ, trong đoàn thể hoặc trong phong trào giới trẻ.

Cô hãy vun đáp tình thân với Chúa Kitô và giao phó cho Ngài niềm khát khao muốn nhìn thấy mọi người đón nhận tình yêu của Ngài.

Mạnh dạn lên, Chúa Kitô và Giáo Hội đang cần nhờ đến cô đấy.

6. Thưa Cha, thật khó mà sống đức tin tại nơi làm việc. Các bạn đồng nghiệp nói ra, nói vào về con. Con phải chọn thái độ nào cho thích hợp đây?

Tình yêu Thiên Chúa được trao ban cho chúng ta không phải để chúng ta cất kỹ trong lòng, mà để chúng ta đem chia sẻ với mọi người anh em. Chúng ta được mời gọi trở nên nhân chứng của tình yêu Thiên Chúa, ngay tại khu phố, giữa bạn bè, trong câu lạc bộ thể dục, thể thao, hoặc ngay tại nơi chúng ta làm việc. Sứ mệnh này không phải là một cuộc mạo hiểm nhàn hạ và không cần hy sinh. Đó là một sứ mệnh đòi buộc chúng ta không ngừng suy tính cách thức phù hợp cho riêng mình để liều thân vì Chúa.

Như bạn biết đấy, thật khó mà ứng xử trước sự chế giễu, trước những lời phê bình chể trích, hoặc sự thờ ơ của người đối thoại. Thái độ thích hợp nhất, là lòng chân thành. Không có kiểu cách định sẵn. Bạn nên sống Đức Tin của bạn một cách trung thực, trong khi vẫn tôn trọng những người không cùng niềm tin với bạn. Cũng nên đề phòng những cảm giác thất bại của mình. Thường thường thì chỉ cần đôi lời ngắn gọn, một vài cử chỉ kín đáo hằng ngày, chúng ta cũng có thể làm chứng cho tình yêu của Chúa Kitô và cho sự khăng khít của niềm tin chúng ta.

Thật ra, những phản ứng tiêu cực sẵn có của những người quen thuộc quanh ta không hẳn là một sự bác bỏ hoàn toàn, mà có thể biểu lộ một sự sợ sệt, lúng túng, một nỗi hoài nghi.

Bạn hãy tiếp tục là một chứng nhân trung thực của Chúa Giêsu Kitô, không huênh hoang tự đắc, nhưng cũng đừng rụt rè, với sự vững tin vào tác động của Chúa Thánh Linh trên mọi giới hạn của chính bản than bạn.

7. Khi còn nhỏ, con nhận được một nền giáo dục Kitô-giáo. Bây giờ, hai mươi tám tuổi, con không tin vào Thiên Chúa nữa. Làm cách nào để tìm lại đức tin?

Ta không mất đức tin như mất địa chỉ của một người bạn. Còn hơn thế nữa, ta mất đức tin như mất đi một người bạn. Niềm tin vào Thiên Chúa không thâu tóm trong một mớ hiểu biết. Đức tin là một quan hệ cá nhân, giống như mọi liên hệ bằng hữu hay vợ chồng, cần được không ngừng nuôi dưỡng bởi những khoảng khắc gặp gỡ nhau. Đọc Sách Thánh, lãnh nhận các Bí Tích, cầu nguyện, đó chính là những cuộc gặp gỡ Thiên Chúa.

Để vun đắp mối quan hệ này, người Kitô hữu không nên dựa vào sức riêng mình. Chính với cộng đoàn Kitô-giáo và nhờ qua các Bí Tích của Giáo Hội mà ta có thể sống một Đức Tin chân thật.

Nếu bạn có thể gặp gỡ các tín hữu và đối thoại với họ, học sẽ cho bạn biết tầm quan trọng của sự chia sẻ, sự thông hiệp trong kinh nguyện và trong việc dấn thân hằng ngày. Họ cũng sẽ nói cho bạn về niềm vui mời gọi tham dự Thánh Thể, nơi gặp gỡ than mật với Thiên Chúa, nhờ qua Chúa Giêsu, Con Ngài. Bạn hỏi tôi ”Làm cách nào tìm lại đức tin?” Tôi xin thưa, bằng cách gặp gỡ Thiên Chúa. Nếu bạn mở rộng tâm hồn mình cho Tình yêu Thiên Chúa, bạn sẽ nhận được tình yêu Thiên Chúa, bạn sẽ nhận được tình yêu đó tràn trề.

8. Thưa cha, làm sao con có thể giải thích cho bạn con rằng, dù có Đức Tin mạnh, đôi khi con cũng nghi ngờ, và sự nghi ngờ này cho phép con vững tiến trong việc tìm kiếm Thiên Chúa không?

Là Kitô hữu, không phải là yên vị trong mọi điều rõ ràng chắc chắn. Đó là liều thân cho tình yêu sung mãn mà Thiên Chúa dành cho mọi người. Vì vậy, chúng ta cần phải dám liều, dám chấp nhận để cho tình yêu Thiên Chúa biến hóa, chấp nhận mà không cần biết tình yêu ấy đưa ta đến đâu: “Gió muốn thổi đâu thì thổi, người ta có thể lắng nghe thấy tiếng, nhưng chẳng biết nó từ đâu đến, cũng chẳng rõ nó sẽ đi về đâu” (Tin mừng Gioan, chương 3, câu 8).

Tôi thấy chị suy nghĩ đúng về những nghi ngờ hiện hữu trong đức tin của chúng ta. Đúng vậy, những nghi ngờ đó cho phép chúng ta tiến tới, thúc đẩy chúng ta tiến lên trước để tìm được những lý lẽ cho đức tin. Chúng mời gọi chúng ta đáp lại tình yêu Thiên Chúa bằng lòng tin. Chị có thể nói điều đó với bạn mình. Nên nhắc lại cho anh ấy nhớ rằng chính Chúa Kitô, là người như mọi người chúng ta, Chúa đã biết một cách tường tận nhất, tình yêu của Chúa Cha, đã phải van xin trên thập giá: “Cha ơi, sao Cha bỏ con?” Nhưng mà những lời cuối cùng của Ngài lại là những lời đầy tin tưởng: “Con giao phó linh hồn con trong tay Cha”.

9. Thưa Cha, đứa con gái mười lăm tuổi của chúng con nêu cả ngàn câu hỏi. Cháu đang tìm kiếm một tôn giáo. Con là người công giáo, nhưng không giữ đạo, còn chồng con thì vô thần. Chúng con muốn để cháu chọn lựa. Vì cháu chẳng có được nền giáo dục đào tạo, nên chúng con hướng cháu vào các hoạt động nhân đạo, nhằm giúp cháu bù lấp khoảng trống vắng và tạo cho đời cháu một ý nghĩa, nhưng cháu vẫn thấy lạc lõng làm sao ấy.

Có rất nhiều phụ huynh ở vào hoàn cảnh như chị. Trong khi thực lòng tưởng mình tôn trọng sự tự do của con cái, nhiều vị kiêng dè không nói với chúng về Thiên Chúa, mà lại truyền đạt cho chúng những giá trị nhân bản như tình liên đới chẳng hạn. Có phải chị cũng suy nghĩ như vậy không, bởi vì chị cũng gợi ý cho cháu hướng về những hoạt động nhân đạo nhằm tạo cho cuộc đời cháu một ý nghĩa?

Trước hết, chị hãy vui mừng vì cháu biết tìm hiểu. Cháu đang tập sống tự do đấy. Chị có thể trợ giúp cháu, hướng cháu đến Văn phòng tuyên úy của trường học, hoặc đến một cộng đoàn giới trẻ đang sống đức tin và đang tìm kiếm Thiên Chúa. Chắc chắn cháu sẽ gặp nhiều thanh thiếu niên đang khao khát cuộc sống thiêng liêng. Cha tuyên úy sẽ có những từ ngữ thích hợp để trao đổi, động viên cháu tìm tòi suy nghĩ.

Phần chị, xin chị đừng tránh khéo những câu hỏi của cháu. Biết đâu đó không là một cơ may để khơi dậy đức tin của chị. Chị nên trao đổi với quý phụ huynh khác, xem họ xử trí cách nào và tham vấn các nhà sư phạm Kitô-giáo mà chị có thể gặp. Lứa tuổi thanh thiếu niên là một thời điểm tế nhị, không những cho phụ huynh, mà cho bản thân các bạn trẻ nữa. Chị nên sống qua thời kỳ này của con chị một cách bình tĩnh như một thực nghiệm suy tư của bản thân.

10. Thưa Cha, đức tin của người Kitô hữu và đức tin của người theo Chính Thống giáo. khác nhau ở chỗ nào?

Sau Công Đồng Chalcédoine (năm 451) và sau những vạ tuyệt thông (năm 1054), thống nhất của của Giáo Hội bị tan vỡ, một bên là các Kitô hữu liên kết với các thượng phụ thành Constantinople (nay là Istanbul) và một bên là các Kitô-hữu liên kết với Đức Giám mục Roma, cũng là vị kế nhiệm Thánh Phêrô: Đức Giáo Hoàng.

Những trở ngại từng gây ra sự đoạn tuyệt nầy đã được khắc phục đến độ ngày 07 tháng 12 năm 1965, vào lúc bế mạc Công Đồng Vatican II, Đức Thánh Cha Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Athénagoras đã long trọng tuyên bố, cùng lúc tại Roma và tại Istabul, “hối tiếc và xóa bỏ khỏi trí nhớ và khỏi Giáo Hội những vạ tuyệt thông thủa nào và đưa chúng vào quên lãng”.

Một ủy ban hỗn hợp Chính Thống và Công Giáo được hình thành sau Công Đồng. Ủy ban đã công bố ba văn kiện về đức tin được nêu trong cùng một kinh Tin Kính của Công Đồng Nicée – Constantinople.

Theo dòng lịch sử, những vấn đề gây chia sẽ là:
- Việc các nghị phụ Latinh thêm từ ngữ FILIOQUE (Chúa Thánh Thần bởi Chúa Cha VÀ CHÚA CON mà ra) vào Kinh Tin Kính của Công Đồng Constantinople hồi thế kỷ IV,
- Việc xác nhận có luyện ngục vào thời Trung Cổ,
- Việc Đức Thánh Cha xác định tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, năm 1854, và tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, năm 1950.
- Việc Công Đồng Vatican I (năm 1870) minh định quyền tối thượng và bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng. Ngày nay, điềm sau cùng vẫn còn là mục tiêu của nhiều cuộc nghiên cứu và đố thoại đại kết.
- Điều hiện nay còn làm cho cả đôi bên ngăn cách nhau, tùy thuộc nhiều vào các yếu tố văn hóa, chứ không phải là thần học, hoặc các yếu tố có liên quan đến những biến cố xã hội chính trị. Bất chấp những biến động mới đây ở Nga, ở Ukraine, ở Roumanie hay ở Nam Tư, tất cả mọi Kitô- hữu trên thế giới đều quyết tâm cùng nhau mưu tìm sự thống nhất hữu hình của Giáo Hội như chính Chúa Giêsu mong muốn.

11. Thưa Cha, người ta có thể là người công giáo sống đạo mà vẫn tin vào số tử vi không?

Theo đức tin công giáo, tin vào Thiên Chúa, đó là nhận thấy mở ra trước mắt mình cánh đồng bao la của sự tự do. Chúa Giêsu Kitô, là người và là Thiên Chúa, đã đến khai mào một nhân loại mới, có khả năng tự chọn con đường mình đi.

Chúa Giêsu bảo người bất toại: “Con hãy vác chõng mà đi”. Các sách Tin Mừng đều nói đến sự giải thoát này, kẻ bất toại được đi lại bình thường bởi anh tin việc Thiên Chúa làm cho anh.

Mỗi một tín hữu được mời gọi nắm lấy đời mình, nhận trách nhiệm về mọi hành vì của mình và chọn lựa điều hay, lẽ phải. Mỗi một tín hữu tự vấn lương tâm, tham khảo ý kiến và cầu xin Thiên Chúa tự trong thâm sâu linh hồn mình. Không có gì được định sẵn cho con người: dòng đời từ từ hình thành, tùy theo ước muốn của chính mình, tùy theo các biến cố, dưới tầm nhìn chăm chú trân trọng của Thiên Chúa.

Tin vào số tử vi, đó là tin vào sao chiếu mệnh tốt của mình, đó là vô tình hay hữu ý, nghĩ rằng mọi sự đã được định sẵn trên trời và vô số thể lực siêu vượt tác động trên chúng ta. Thuật chiêm tinh nhận biết, đôi khi cũng đúng, mỗi tương quan giữa con người và vụ trụ, nhưng chưa có trường hợp nào thuật chiêm tinh có thể tự hào biết được một tương lai định trước.

Tất cả điều gì khả dĩ tạo thành một trở ngại hay một bức ngăn cách giữa Thiên Chúa và con người, thì không thể dung hòa được với tình thân mật giữa Thiên Chúa và con người.

Tin vào số tử vi thì không thể đi đôi với cuộc sống mà ta ao ước nối gót theo chân Chúa Giêsu.

12. Thưa Cha, theo Kinh Thánh, Thiên Chúa đã tạo dựng Ađam và Eva để sinh nở khắp cùng mặt đất. Cốt truyện nầy co thể tin được không? Giáo Hội nghĩ gì về thuyết tiến hóa của Darwin?

Trước hết, bạn nên nhớ rằng Kinh Thánh bao gồm nhiều tác phẩm khác nhau, được biên soạn trong nhiều thế kỷ. Những tập sách khác nhau nầy tường thuật việc Thiên Chúa từ từ thành lập một dân riêng, để yêu mến Ngài và theo chân Ngài trong suốt cuộc hành trình trên dương thế. Các cốt truyện đều mang những sắc thái văn chương riêng biệt của từng thời kỳ. Vì vậy, không thể đọc cốt truyện trong sách Sáng Thế, cũng như các cốt truyện khác, theo sát mặt chữ. Cốt truyện liên quan đến Ađam và Eva đề cao sự thống nhất của nhân loại và nguồn gốc của mọi người.

Giáo Hội đã ghi nhận những khám phá khoa học của thế kỷ XX nhằm làm sang tỏ quá trình phát triển trong vũ trụ, trong thế giới động vật và trong thế giới nhân sinh. Điều đó hoàn toàn không phương hại gì đến ý niệm về sự tạo dựng của Thiên Chúa, ngay vào bước khởi đầu của quá trình phát triển, mà còn tạo them ý nghĩ và phương hướng cho vấn đề đó.

Đức tin và khoa học, mỗi bên có cách đặt vấn đề khác nhau. Sách Sáng Thế quan tâm đến vấn đề “tại sao”, theo nghĩa của mỗi sự việc. Khoa Học đặt vấn nạn “bằng cách nào”, truy tìm những quy luật thống trị vũ trụ. Đức Tin không thể và cũng không nên chối bỏ Khoa Học, hay ngược lại.

13. Thưa Cha, danh xưng của Thiên Chúa trong Kinh Thánh là gì?

Trong sách Xuất Hành, chương 3, Thiên Chúa sai Môsê đi làm nhiệm vụ. Môsê thưa với Chúa: “Con phải dung danh nào để nói về Chúa cho dân Israel”. Thiên Chúa đáp lại: “Người nói với con cái Israel thế này: “Chúa (….) sai tôi đến với anh em” (câu 15). Thực ra, danh xưng “Chúa” được phiên âm từ tiếng Do Thái thành Giavê. Nhưng vì tôn kính tính siêu việt của Thiên Chúa, tín hữu Do Thái không phát âm danh xưng đó. Để thế lại, họ dung từ Adonai theo ngôn-ngữ hy- bá- lai, dịch thành “Kyrios” theo hy ngữ và có nghĩa là “Chúa”.

14. Thưa Cha, phải hiểu theo nghĩa nào, tiếng “nghèo” trong Kinh Thánh?

Nên phân biệt hai nghĩa. Trước hết, người nghèo, như người đàn bà góa và kẻ mồ côi, là người bần cũng cần được giúp đỡ (Sách Lê- vi, chương 19, câu 1; Đệ Nhị Luật, chương 15, câu 7- 11). Còn người nghèo, trong Cựu Ước và Tân Ước, ám chỉ kẻ khiêm nhu trong lòng, biết từ bỏ mọi sự dư thừa, như “người khiêm nhu trên trần gian” đang thực thi luật Chúa của tiên tri Sophônia (chương 2, câu 3).

Bản thân Chúa Kitô đã sống cuộc đời của người nghèo. Ngài mời gọi những ai muốn theo Ngài nên sống như vậy… Điều đó, các Tông đồ đã nghiêm chỉnh chấp hành khi từ bỏ mọi của cải và nghề nghiệp. Cái nghèo nầy không vì bất đắc dĩ, mà được đón nhận như hệ quả của việc lựa chọn, việc dấn than. Đối với cậu thanh niên giàu có muốn sống đời thiện hảo, Chúa Kitô đề nghị nên bán hết gia sản để được kho báu trên trời (Mátthêu 19,21). Và trong các mối phúc thật, Chúa Kitô hứa ban nước Trời cho những người nghèo “phúc cho những ai khó nghèo tại tâm, vì Nước Trời là của họ” (Mátthêu 5,3).

15. Thưa Cha, Pharisiêu là gì?

Ngày nay, từ ngữ này trở nên thông dụng: Pharisiêu chỉ một con người khoe khoang cách giả dối nhân đức và lòng mộ đạo của mình. Vào thời Chúa Giêsu, có nhiều người pharisiêu rất đạo đức, cẩn thận giữ Lề Luật như kỷ cương cho cuộc sống. Họ quan tâm nghiên cứu học hiểu Luật và tích cực trung thành tuân giữ. Trái ngược với người sađốc, người pharisiêu tin vào sự sống lại. Dân chúng rất trọng vọng họ. Còn người sađốc xuất thân từ những gia đình quý tộc, thuộc hàng tư tế, phục vụ Đền thờ, thường lại cộng tác đắc lực với chính quyền đô hộ. Người Pharisiêu tự chuốc lấy những lời chỉ trích của Chúa Giêsu, Ngài phê phán họ quá chăm chú vào từng nét, từng chữ trong Kinh Thánh và chê trách vài người trong họ hay phô trương, thậm chí giả dối trong mọi hành vi đạo đức.

16. Thưa Cha, các con số tượng trưng trong Kinh Thánh có ý nghĩa gì? Ví dụ như số 666 trong sách Khải Huyền?

Việc sử dụng các con số trong Kinh Thánh thường mang một ý nghĩa thần học. Ví dụ 7 là con số thánh như sự toàn hảo của Thiên Chúa (Thiên Chúa dựng nên vũ trụ trong 7 ngảy); số 6 là con số của loài người (con người được tạo dựng vào ngày thứ 6); và hai lần 6=12, là con số của Dân Chúa (có 12 chi tộc Israel, mười hai tong đồ vì ngay cả khi Giuđa chết, các tông đồ chọn Mátthias thay thế Giuđa).

Các con số 666 xuất hiện trong sách Khải huyền (13,18), Thánh Gioan viết rằng: “Đây là lúc cần phải có sự khôn ngoan. Ai có trí thông minh hãy tính ra số của tên Con Thú, vì đó là số của tên một người, và số của tên người ấy là sáu trăm sáu mươi sáu.”

Để hiểu ý nghĩa của con số đó, ta nên nhớ rằng, sách Khải huyền được viết trong thời kỳ loạn lạc và các Kitô hữu bị quân La Mã bách hại. Con vật tượng trưng thế lực, cường quyền mà con người sử dụng hòng chống lại Thiên Chúa. Vài nghiên cứu còn đi xa hơn, theo tiếng hy- bá- lai, mỗi chữ cái được cấp cho một chữ số, phù hợp với vị trí của nó trong mẫu tự. Như vậy, khi ta đem cọng các chữ số của một danh xưng, ta có được một con số. 666, là số tổng cộng phù hợp với danh xưng Néron.

17. Thưa Cha, khi đọc Tin Mừng, ta thường gặp dụng ngữ “Nước Thiên Chúa”. Ý nghĩa chính xác của dụng ngữ này là gì?

Nước Thiên Chúa là một hình ảnh diễn đạt sự hiện diện, tác động của Thiên Chúa trên dân Ngài. Đó không phải là một phần thưởng để dành sau khi chết. Nếu nước Thiên Chúa chưa đến, thì nước ấy hiện diện đây rồi. Điều đó có nghĩa là gì? Một phần, nên biết rằng nước Chúa chỉ đến vào ngày tận thế. Các môn đệ hỏi Chúa Giêsu khi nào Ngài mới thiết lập nước Ngài (Cv 1,6). Chúa Giêsu trả lời: “Các con không được biết ngày và giờ mà quyền năng Cha ta đã định”. Nhưng mà, phần khác, Chúa Giêsu loan báo rằng Nước Thiên Chúa đã bắt đầu: “Tin Mừng của Nước Trời được loan truyền, ai cũng phải cố gắng hết sức mới vào được”. (Lc 16,16).

Chúng ta có thể nói rằng chúng ta sẽ biết nước Thiên Chúa khi Ngài tự tỏ mình ra cho mọi người, trong sự sung mãn của Ngài. Trong khi chờ đợi, chúng ta tích cực làm cho nước Thiên Chúa mau đến, không cần phô trương ồn ào, nhưng bằng một đời sống mới, đời sống thiêng liêng.

Giáo Hội được Chúa Giêsu thiết lập là chủ thể của Nước Thiên Chúa đang đến. Để giải thích điều đó cho các môn đệ, Chúa Giêsu dung dụ ngôn: “Nước Thiên Chúa giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình”, “Nước Thiên Chúa còn giống như lưới bắt cá” (Mt 13). Tất cả các dụ ngôn đều đề cao sự tác động không ngừng của Thiên Chúa và sự hoán cải mà con người cần có để được đón nhận vào Nước Thiên Chúa.

18. Chúa Ba Ngôi là gì? Làm sao hiểu được? Làm sao tin được?

Chính Thêôphilê ở Antiôkia, vào khoảng năm 180, đã dùng từ “Ba Ngôi” để diễn tả mầu nhiệm Thiên Chúa cho các tín hữu.

Nên hiểu “mầu nhiệm” theo nghĩa thần học ”mầu nhiệm là một thực tạo không thể giải thích bằng lý lẽ, nhưng được Thiên Chúa mặc khải để cho con người hiểu biết nhờ đức tin”.

Quả thực, từ “Ba Ngôi”, ở số ít, chỉ định rõ ràng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất cho mọi tín hữu. Theo nguyên ngữ (từ số con số ba theo nghĩa hy ngữ) thì sự duy nhất không có nghĩa là một khối chặt chẽ: đó là sụ duy nhất tình yêu giữa Ba Ngôi cũng một bản tính, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Giáo lý về Ba Ngôi Thiên Chúa được hình thành từ đầu thế kỷ thứ II và trong thế kỷ thứ III, để giúp đỡ các tín hữu, bởi vì lúc bấy giờ, chỉ nhờ vào một đức tin hết sức chân chất mà các tín hữu đầu tiên kinh nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi, đơn nhất trong Ba Ngôi Vị.

19. Điều gì đã xẩy ra sau khi Chúa Giêsu Kitô chịu chết? Có chúng cứ về Chúa sống lại không? Có thể là Kitô hữu mà không tin vào sự sống lại không?

Không ai có thể là Kitô hữu mà không tin vào việc Chúa Kitô sống lại. Như Thánh Phaolo đã nói, nếu Chúa Kitô không sống lại, thì đức tin của tôi hóa nên vô ích. Sụ Phục Sinh của Chúa Giêsu là trung tâm điểm của Đức tin chúng ta. Bước theo Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi, sau khi chết, tiến đến cuộc sống tình yêu của Chúa Cha. Các sách Tin Mừng không kể lại điều gì đã xảy ra đúng vào lúc Chúa Giêsu sống lại. Các Thánh sử chỉ tường thuật: vào sáng sớm Phục Sinh, các phụ nữ, rồi các tông đồ, chạy đến mộ Chúa như thế nào và họ thấy mộ Chúa trống rỗng. Chúa Giêsu hiện ra sau đó cho Bà Mađalêna với dáng vẻ người làm vườn, rồi Chúa lại hiện ra cho các môn đệ trên đường Emmaus và cho nhiều môn đệ khác nữa.

Các đoạn Tin Mừng tường thuật lại những cuộc hội ngộ này là bài học phong phú cho đức tin của chúng ta. Nếu đọc cho thật kỹ, chúng ta sẽ khám phá ra rằng không phải các tông đồ hay các chị phụ nữ đi tìm Chúa Giêsu để nhận ra Ngài đang sống. Chính Ngài hiện ra cho họ. Thoạt đầu, không ai nhận biết Ngài. Chính Chúa Giêsu nhắc lại những sự kiện đã xảy ra trong đời Ngài, gợi lại cái chết của mình dưới ánh sáng Thánh Kinh, tham dự bữa ăn, bẻ bánh. Chính nhờ lời nói và việc làm của Ngài mà họ nhận biết Ngài. Lúc bấy giờ, mọi việc đều rõ. Họ tin. “Lúc bấy giờ, mắt họ liền mở ra và nhận biết Ngài” (Lc 24,31). Tất cả các môn đệ nhận biết Chúa Giêsu đang sống, và chính Ngài sai họ đi loan báo Tin Mừng.

Không có những chứng cớ hiển nhiên về sự phục sinh của Chúa Kitô, nhưng việc đó là có thực đối với tất cả những ai tin vào các chứng nhân của Chúa Kitô và vào lời họ nói. Các chứng nhân này đã thông truyền cho mọi người biết cuộc hội ngộ của họ với Đấng phục sinh. Trong sách Phúc Âm, thánh Tôma đã muốn kiểm chứng việc Chúa Giêsu sống lại bằng cách sờ vào các dấu thánh. Chúa Kitô khuyến cáo ông: “Phúc cho ai không thấy mà tin”. Điều này áp dụng cho chúng ta, hai ngàn năm sau.

20. Thưa cha, Thiên Chúa đã dựng nên muôn vật, còn ai tạo nên bao nỗi bất hạnh?

Kitô hữu không phải là người theo thuyết nhị nguyên. Họ tin rằng Thiên Chúa tạo dựng nên điều thiện, đồng thời, lại có một đấng quyền năng tương đương, tạo nên điều ác và điều bất hạnh. Thiên Chúa là Đấng tạo thành mọi sự.

Thế nhưng tại sao ta có thể quả quyết rằng Thiên Chúa là Tình yêu, nếu đồng thời, Ngài cũng là nguồn gốc sự dữ? Không khéo ta lại biện hộ cho Ngài vô tội khi ta tin vào Ngài. Nhưng mà, khi làm như vậy, ta sẽ lạc lối, sai lầm.

Thiên Chúa không dùng sự bất hạnh như một phương cách để ta đạt đến một điều tốt lành hơn; sụ bất hạnh càng không phải là một hình phạt, như bài học để ta nhớ đời. Vậy thì tự do của chúng ta là gì? Thế nhưng, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng sự bất hạnh có thể phát sinh từ sự tự do mà ta lạm dụng. Tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm về sự thiếu thân thiện, về tính ích kỷ, về sự bất công càng ngày gây khó khăn cho cuộc sống, đó là hậu quả tội lỗi của chúng ta.

Nhưng phải nói làm sao về những bất hạnh tự nhiên giáng xuống trên đầu chúng ta?

Thay vì chú tâm tìm cho ra lẽ, đức tin mời gọi người Kitô hữu nên đối phó trước sự dữ, trước nỗi bất hạnh mà bản chất thực là vô lý đó. Đối phó với mọi biểu hiện của chúng bằng nào có thể và vượt lên trên mọi thử thách bằng cách quả quyết rằng con người được dựng nên là để hưởng thụ hạnh phúc và niềm hoan lạc. Nên xem mỗi một nỗi bất hạnh như một cái chết chuẩn bị cho sự lìa bỏ cuộc đời. Để trở về với Thiên Chúa tình yêu, ta nên “dần dần từng bước hiến mạng sống mình”. Chính lúc trở nên cơ cực, mà ta càng có khả năng yêu thương.

21. Tại sao trên thế gian, cáo biết bao đau khổ và bất công? Trong chương trình của Thiên Chúa, Chúa Giêsu giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi. Vậy Thiên Chúa đã dựng nên kẻ xấu và con người phải chịu đau khổ sao? Còn gì là Thiên Chúa Tình Yêu, thưa cha?

Từ nguyên thủy, Thiên Chúa dựng nên chúng ta, không ác hiểm, mà cũng không phải để chịu đau khổ. Ngài dựng nên con người để tự do yêu thương Thiên Chúa. Chính con người đã quay mặt khỏi Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa sai Con Một mình đến, là để con người được cứu rỗi và để con người có thể biết dùng tự do của mình theo gương Chúa Kitô. Các sách Tin Mừng đều cho chúng ta biết rằng Tình Yêu Thiên Chúa có thể chiếng thắng sự dữ, chiến thắng cả sự chết. Nếu chúng ta chấp nhận dùng tự do, dùng cả đời mình để phục vụ tình yêu Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ đẩy lùi hận thù, bất công, bất hạnh…, đẩy lùi tất cả mọi sự dữ đang làm cho con người kém tự do, kém nhân phẩm.

Tôi rất thông cảm nỗi bức xúc của bạn trước nỗi đau, tôi hiểu rằng trước nỗi đau thì ngàn lời nói, vạn lời minh giải cũng hóa ra vô ích. Chỉ có sự thinh lặng là đáng giá, và sự thinh lặng nầy có thể trở nên lời cầu nguyện, lời mời gọi trở về cùng Thiên Chúa.

22. Thưa Cha, người Công giáo có thể tin rằng mọi biến cố trong cuộc đời đều được Thiên Chúa biết trước, và như vậy, vượt ra khỏi ý muốn con người chăng?

Nhiều người đương thời với chúng ta thiên về chiêm tinh, bói toán, thần thông học, có khuynh hướng cho rằng con người bị lôi cuốn bởi quan niệm cuộc đời do những quyền lực ngoài tầm tay chúng ta định đoạt. Theo cách suy luận này, tương lai không thuộc về chúng ta, tương lai được định trước rồi, và những lời tiên đoán có thể cho chúng ta biết được kết cuộc.

Có quan niệm cho rằng Thiên Chúa có quyền tiền định mọi sự và chốt chặt con người trong một tương lai không thuộc quyền họ. Sách Sáng Thế mặc khải cho chúng ta nét căn bản của việc tạo dựng người nam và người nữ được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh của Ngài. Nhận biết điều này, quả là một kho báu đối với các Kitô hữu, bởi vì từ hình ảnh của Cha chúng ta trên trời mà chúng ta được tự do. Chúng ta có sứ mệnh dùng tự do này mà phục vụ muôn loài muôn vật.

Là những con người tự do, thì tiếp tục công việc của Đấng Hóa Công, đó là lý do vì sao Thiên Chúa dựng nên chúng ta. Chúng ta có bổn phận xây dựng cuộc sống mình như những con người có trách nhiệm. Tương lai nằm trong tự do của chúng ta. Nếu Thiên Chúa biết rõ kết cuộc thì Ngài cũng là một người Cha trân trọng tự do của con cái, không muốn chọn lựa thay cho chúng ta. Nhờ Con Một mình, Ngài cứu vớt chúng ta, Ngài tác động trên tự do của chúng ta khi chúng ta không biết giữ gìn nó. Cuộc sống của chúng ta được mang dấu ấn cứu chuộc như thế, quả là tuyệt vời!

23. Thưa Cha, từ lâu, con tự đặt câu hỏi về cùng đích đời mình, và nhất là, con tự hỏi làm cách nào, con có thể chuẩn bị đi đến cùng đích đó bằng việc làm và kinh nguyện? Xin Cha giúp con.

“Đời là thế đấy”, đôi khi người ta nói như vậy về sự chết. Trong cụm từ ngắn gọn nầy, thâu tóm tất cả huyền nhiệm về thân phận con người mà Chúa Kitô đến làm sáng tỏ. Phải, đúng thế: chết là sống!

Qua suốt cả cuộc đời mình, chúng ta phải chuẩn bị để chết, không hoảng sợ, không buồn phiền. Trong Tin Mừng Thánh Mátthêu, (6,27), Chúa Kitô nói với chúng ta: “Dầu có lo lắng đi nữa, thì liệu có ai trong các con kéo dài cuộc sống của mình thêm được một vài gang tấc chăng?” Cách chuẩn bị tốt nhất, là sống theo gương Chúa Kitô, hướng về Chúa Cha và để Chúa Thánh Linh dẫn dắt. Bạn có thể suy gẫm chương 8 của thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma.

Được Tình Yêu Thiên Chúa chinh phục, bạn sẽ được nâng đỡ trong công việc. Yêu thương mà không cần tính toán: từ từ, bạn sẽ tiêu trừ tính ích kỷ nơi mình và sống đời sống mới. Như thế, sự chết sẽ không còn là “đối thủ” kết liễu đời bạn nữa, sự chết sẽ là sự vượt qua cần thiết dẫn đến một niềm tin hạnh phúc vĩ đại hơn. Thánh Phanxicô Assisi, trong “Bài Ca Mặt Trời” đã hát như sau đây, trước hôm Ngài qua đời: “Chúc tụng Chúa, Lạy Chúa Trời con, vì người chị chúng con là cái chết thể xác mà không ai tránh khỏi. (…). Phúc thay những ai làm tròn thánh ý của Chúa, vì cái chết thứ hai sẽ không làm gì được họ”. Cái chết thứ hai, chính là sự xa lìa Thiên Chúa, bằng kinh nguyện và việc làm. Ngài chờ đợi bạn từ muôn thuở và Ngài đến để gặp bạn.

24. Thưa cha, linh hồn là gì? Linh hồn có bất tử không?

Linh hồn là sinh khí của Thiên Chúa, hiện diện trong bản thể của chúng ta từ lúc thụ thai.

Theo dân Hy Lạp cổ xưa, hồn và xác đối nhau. Ngày nay, chúng ta chuộng một từ khác, từ “con người”, để chỉ hữu thể duy nhất được tạo thành từ điều mà dân Hy Lạp gọi là hồn và xác.
Chúng ta tin rằng sau khi chết, sự sống con người không bị hủy diệt, mà được biến đổi. Bên kia thế giới, điều tạo nên ta thành một bản thể duy nhất, sẽ giáp mặt với Thiên Chúa, và ta sẽ gặp lại tất cả mọi người đã ra đi trước chúng ta.

Giáo Hội không ngừng tin rằng con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và con người không bị thu hẹp vào một thân xác như con vật. Giáo Hội tin rằng, khi thân xác con người chết đi, con người vẫn sống và chờ đợi sự phục sinh của bản thân mình, gồm cả xác và hồn. Linh mục Phanxicô Varillion, trong quyển “Tin và vui sống”, nhắc nhở chúng ta nhớ rằng: “Không bao giờ có hồn mà không có xác, cũng như không bao giờ có xác mà không có hồn, xác và hồn cùng hiện hữu trong vũ trụ”.

25. Thưa Cha, có Hỏa Ngục không?

Khi tuyên xưng đức tin, các Ki tô hữu tin vào một Thiên Chúa tình yêu. Hỏa Ngục không phải là một hình phạt của Thiên Chúa. Hỏa Ngục là hậu quả của việc con người nhất định từ chối tình yêu Thiên Chúa. Việc từ chối này ngăn trở mối hiệp thông với Thiên Chúa.

Đặt vấn đề hiện hữu của Hỏa Ngục, tức là tự hỏi có thể nào có một sự từ chối như vậy không. Thiên Chúa muốn con người được tự do, đủ khả năng trả lời có hoặc không. Nhưng mà Giáo Hội không quyết đoán về vấn đề có những ai trong số anh chị em của chúng ta chối từ Thiên Chúa đến cùng, hay không. Chúng ta nên tin vào lòng từ bi vô cùng của Thiên Chúa. Dù tội lỗi đến đâu, lòng con người vẫn có thể rộng mở trước tình yêu của Cha trên trời.

26. Thưa cha, có thể nghĩ gì về luyện ngục? Kinh Thánh có nói gì về “Luyện Ngục” không?

Khái niệm Thần học nầy không có trong Tân Ước. Từ ngữ này có nghĩa là “làm cho sạch sẽ”, “tinh luyện”.

Từ những thế kỷ đầu tiên, các nhà thần học đã nói đến vấn đề này. Đến thế kỷ XVI, công đồng Trentô xác nhận và minh định tín lý về Luyện Ngục.

Ta có thể hiểu như thế này: mọi người đều sai lỗi, nhưng Thiên Chúa thì nhận hậu vô cùng. Vậy, con người cần phải qua một giai đoạn thanh tẩy để trở nên tình yêu như Thiên Chúa.
Sự hiện hữu của Luyện Ngục làm cho lời kinh cầu của các người quá cố trở nên có ý nghĩa. Sự phục sinh bắt đầu ngay khi chết, nhưng chỉ hoàn tất trong ngày cánh chung. Chúng ta có thể cầu nguyện cho những người đã qua đời và những người hiện sống quanh ta để Thiên Chúa đón nhận tất cả vào nước Ngài.

Luyện Ngục là một trạng thái hơn là một nơi chốn. Chúng ta không nên tưởng tượng nhiều và hình dung luyện ngục như một phòng đợi, ở đó linh hồn phải nhẫn nại chịu đựng ít nhiều thời gian để được đoàn tụ với Thiên Chúa. Nếu chúng ta tin rằng Thiên Chúa là Tình Yêu thì chúng ta nên nghĩ rằng chỉ có tình yêu mới có thể thiêu đốt chúng ta. Sự đau khổ của chúng ta chắc chắn sẽ là tự ý thức về những yếu hèn, về sự nhỏ mọn của chúng ta trước lòng nhận hậu bao la của Thiên Chúa.

27. Loài vật là những thụ tạo của Thiên Chúa, chúng vô tội. Chúng có sống lại sau khi chết không? Chúng ta sẽ gặp lại chúng ở thế giới bên kia không, thưa cha?

Truyền thống Kitô giáo không bao giờ công nhận loài vật có một phẩm giá ngang hàng phẩm giá con người. Con người là hữu thể duy nhất được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, là hữu thể duy nhất biết tự vấn về ý nghĩa cuộc đời mình.

Tuy nhiên, có rất nhiều đoạn Kinh Thánh nói về lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với mọi loài thụ tạo, nhất là đối với loài vật. Thiên Chúa chúc lành cho chúng sau khi dựng nên chúng. Ngài nhớ đến chúng khi còn ở trong tàu Nôê. Cựu Ước còn bắt buộc đối xử tử tế với mọi vật, Thánh Phanxicô Assisi thường tỏ ra như người bạn thân của các con vật, ngài còn trò chuyện với chúng, thậm chí còn luyện tập chúng ca ngợi tôn vinh Thiên Chúa.

Tình thân hữu của Thiên Chúa và của loài người dành cho loài vật, có tạo cho chúng sự sống sau khi chúng đã chết không? Không có chứng tích nào trong Kinh Thánh, cũng như trong Tông Truyền, cho phép xác quyết điều đó. Tân Ước cũng không nói gì về sự sống lại của sự vật. Trong thư gửi tín hữu Rôma (8,19- 21), thánh Phaolô đã viết: “Loài thụ tạo (….) cũng sẽ được giải phóng khởi ách nô lệ hư nát, để dự phần vào tự do và vinh quang con cái Thiên Chúa”. Đó cũng là gợi ý nằm trong câu kết của Kinh Tạ Ơn thứ tư: “Lạy Cha nhân từ, xin cho tất cả chúng con là con cái Cha được thừa hường gia nghiệp Thiên Quốc (…..) trong Nước Cha, ở đó hiệp với muôn loài thụ tạo, đã được giải thoát khỏi tình trạng hư nát vì tội lỗi và sự chết, chúng con sẽ được tôn vinh Cha”.

28. Thưa Cha, thiên thần là ai, và ta có thể chờ đợi gì ở thiên thần bản mệnh?

Từ “thiên thần” có nghĩa là “sứ giả của Thiên Chúa”. Thiên thần đều hiện diện trong Cựu Ước cũng như trong Tân Ước. Phục tùng Thiên Chúa, thiên thần chuyển giao sứ điệp của Chúa cho con người. Có ba vị mang biệt danh Gabrien, Micae và Raphaen. Thánh Kinh còn nói đến vô số các Thiên Thần vô danh.

Tôn kính các Thiên Thần là một việc rất quan trọng đối với dân Do Thái, họ tin rằng mỗi người đều được giao phó cho một vị thiên thần hộ mệnh. Kitô giáo tiếp nhận niềm tin này. Và từ năm 1969, Giáo Hội dành riêng một ngày trong năm phụng vụ để kính nhớ các vị Thiên Thần Bản Mệnh, đó là ngày 2 tháng 10. Ngày hôm đó, linh mục bắt đầu thánh lễ bằng ca khúc: “Hỡi các Thiên Thần của Chúa, hãy chúc tụng Chúa, hãy ca ngợi Chúa và tôn vinh Chúa muôn đời”. Nhưng mà không phải chỉ có ngày hôm đó, chúng ta mới cầu nguyện cùng với các thiên thần. Mỗi lần cử hành phụng vụ Thánh Thể, để mời gọi toàn thể cộng đoàn tham dự vào bài ca “Thánh, Thánh, Thánh”, linh mục đọc: “Cùng với toàn thể thiên thần và các thánh, chúng con đồng thanh chúc tụng vinh quang Chúa rằng”.

Các thiên thần không ngừng bảo vệ chúng ta, vì một trong các sứ mệnh của chư vị là tôn vinh ca ngợi Thiên Chúa. Như vậy, chư vị theo sát chúng ta trên đường gặp gỡ Thiên Chúa.

29. Thưa cha, ta phải hiểu sự hóa Thánh Thể như thế nào? (….)

Sự hóa Thánh Thể là sự thay đổi hoàn toàn bản thể Mình và Máu của Chúa Kitô Phục Sinh.

(…..)

30. Thưa Cha, Cha có chắc rằng mọi người Công giáo Pháp còn có chung một Kinh Tin Kính không?

Giáo Hội vừa công bố một quyển giáo lý chung cho toàn cầu. Các Giám mục Pháp cũng đã phát hành một quyển giáo lý dành cho người lớn. Quyển này cũng như quyển kia, đều làm sáng tỏ sự phong phú của đức tin và những điểm chuẩn chắc chắn mà đức tin đề cập đến. Cả hai quyển cho phép bạn xác minh đức tin của các Kitô hữu Pháp có thật sự phù hợp với đức tin mà các tông đồ của Chúa Kitô là những người đầu tiên đã tuyên xưng và đã sống không?

Ngày hôm nay, nói đến đức tin, là nói đến lòng tin trung thành trọn vẹn vào tất cả mọi điều được các Tông Đồ loan truyền. Lời giới thiệu quyển giáo lý của các Giám mục Pháp minh định rằng: “Có vô số Kitô hữu là nhân chứng của Tin Mừng. Họ làm chứng bằng nhiều cách, trong những môi trường xã hội và văn hóa rất khác biệt nhau, đôi khi rất khó khăn vất vả vì xem ra ngược đời, nhưng thường thì thanh thản và tin tưởng”.

Sự khác biệt thật sự này giữa các người công giáo không cho phép ta nghĩ rằng họ không chia sẻ cùng một Kinh Tin Kính.

31. Thưa cha, con buồn lòng nhận thấy rằng lễ của các vị thánh, như Lễ thánh Micae chẳng hạn, ngày càng nhạt nhẽo. Chúng ta không cần mừng lễ và khấn xin cách đặc biệt với các vị thánh quan thầy của chúng ta nữa sao?

Đúng là chúng ta không còn mừng Lễ các vị thánh cách long trọng như xưa kia nữa. Nhưng mà sự lưu tâm tái tạo cuộc sống như các thánh đã sống có thể đưa đến một phương cách hiện đại để cầu nguyên cùng các Ngài.

Tại sao bạn không đề nghị trong giáo xứ bạn, nên tìm hiểu lại đời sống của một số vị thánh được kính nhớ trong năm, và sau đó, nêu lên những ý chỉ cầu nguyện phù hợp với nếp sống của vị thánh, đã được cập nhật hóa. Chính bạn, bạn hãy ra tay hành động.

32. Thánh Phanxicô Assisi và nhiều thánh nam nữ khác đã lãnh nhận các Dấu Thánh Chúa Kitô. Hiện tượng này là gì và có ý nghĩa thế nào, thưa Cha?

Vào năm 1224, đang khi tĩnh tâm trên núi với vài người bạn, Thánh Phanxicô Assisi đã lãnh nhận các thương tích của Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô. Thân xác Ngài mang những thương tích giống như những thương tích Chúa Kitô đã chịu do đinh nhọn, mão gai và lưỡi đồng của viên đại đội trưởng.

Giáo Hội luôn tỏ ra khôn ngoan trước các biểu hiện này. Giáo Hội khuyến khích nên vượt lên trên cái dấu vẻ “kỳ lạ” hoặc “khác thường”, để thấu hiểu ý nghĩa của các sự kiện. Thánh Bonaventura, một nhà thần học vĩ đại của thế kỷ XIII, giải thích rằng các thương tích của thánh Phanxicô là dẫu chỉ hữu hình của nỗi đau xót mà thánh nhân cảm nhận trong lòng khi chiêm ngắm Chúa Kitô chịu đóng đinh. Những thương tích là những kinh nghiệm chân thực thiêng liêng mà các nhà thần bí Kitô giáo đã trải qua.

Tuy rằng những kinh nghiệm như thế, quả là bất thường, nhưng tất cả mọi Ki tô hữu, bằng lời cầu nguyện và bằng cuộc sống thường nhật, vẫn có thể cảm nhận được cuộc khổ nạn và tình yêu của Chúa Kitô.

33. Thưa Cha, ơn bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng được đề cập đến từ khi nào, và buộc phải tin trong những vấn đề nào?

Ơn bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng được công bố vào năm 1870, nhân dịp Công đồng Vatican I. Từ đó đến bây giờ, ơn này buộc phải tin duy nhất chỉ có một lần, vào năm 1950, do Đức Giáo Hoàng Piô XII, khi Ngài công bố về tín điều Đức Mẹ Hồn xác Lên Trời. Tín điều này xác quyết một điểm quan trọng trong đức tin Kitô giáo: Đức Trinh Nữ Maria, sau khi chết, đã vào Thiên Đàng cả hồn lẫn xác mà không phải chờ đợi ngày phục sinh.

Khi buộc tín hữu phải tin sự bất khả ngộ của mình, Đức Giáo Hoàng không tuyên bố theo tư cách cá nhân, mà theo phương thức long trọng (ex cathedra), có nghĩa là tuyên bố từ ngai tòa giáo hoàng, ngai tòa Phêrô. Ngài tuyên bố nhân danh Giáo Hội hoàn vũ, bày tỏ đức tin đã được loan truyền qua bao thế kỷ.

Trái với ý kiến đôi khi phổ biến trong dư luận, ơn bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng được giới hạn vào những trường hợp rất rõ ràng. Những phán quyết thuộc diện không thể sai lầm, không nhằm mục đích đổi mới, mà xác định, làm sáng tỏ một vấn đề của sứ mệnh Phúc Âm.

Khi Đức Giáo Hoàng dung quyền bất khả ngộ của mình, thì tất cả mọi Kitô hữu đều buộc phải tin điều Ngài phán quyết “trong sự vâng phục của đức tin”.

34. Thưa Cha, con được mười sáu tuổi. Con đang học lớp mười và ao ước trở thành Linh mục. Vào tuổi con, điều này có được không, thưa cha? Con có nghe nói về ơn kêu gọi muộn. Theo Cha, có nên đợi đến tuổi ba mươi để biết chắc chắn mình được Chúa gọi không?

Thiên Chúa kêu gọi ở bất cứ lứa tuổi nào. Như vậy là không có tuổi lý tưởng để mà chờ đợi, vì mỗi ơn gọi đều độc nhất và được ghi vào lịch sử tương giao với Thiên Chúa. Nếu ngày hôm nay, con tin rằng Thiên Chúa ngỏ lời mời gọi con, thì ngày hôm nay, con nên đáp lại lời mời gọi đó.

Giáo Hội có thể tiếp sức cho con, như Giáo hội từng tiếp sức cho mỗi tín hữu khám phá ơn gọi đặc biệt của riêng mình. Điều tốt nhất, là con nên trình bày với linh mục tuyên úy của trường con hoặc với vị linh mục quen thân con nhất. Ngài sẽ hướng dẫn con suy tư và, nếu con yêu cầu, ngài sẽ tạo điều kiện cho con gặp gỡ nhiều bạn trẻ khác cũng ao ước trở thành linh mục như con.

35. Thưa Cha, có bình thường không nếu yêu cầu các tín hữu tham dự một nghi thức phụng vụ, đóng góp một số tiền, hoặc phải trả lễ an táng?

Sự quyên tiền là gì? Đó không phải là một thứ thuế, một giá biểu của một dịch vụ, đó là sự tự nguyện góp phần vào ngân sách của giáo xứ. Đồng thời, đó cũng là một lễ vật. Khi chúng ta tham dự phụng vụ Thánh Thể, chúng ta hợp thành cộng đoàn hiến dâng Thiên Chúa những lời khẩn nguyện, chúng ta dự phần vào tiệc thánh của Chúa Kitô. Đóng góp là cách biểu lộ bằng hành động cụ thể, hữu hình, việc hiến dâng này.

Việc quyên tiền này thực hiện lúc dâng lễ vật, khi mà chúng ta cùng dâng bánh và rượu trên bàn thờ. Những lễ vật trong các dịp rửa tội, hôn phối, an táng cũng có cùng một ý nghĩa đó. Thánh lễ thật vô giá! Vì vậy, nếu có điều kiện, chúng ta nên thể hiện bằng một hành động hiệp thông vào kinh nguyện của một vị chủ tế, qua việc tham gia vào các chi phí của Giáo Hội để bảo đảm công tác phục vụ.

Cộng đoàn giáo xứ không chỉ tồn tại chỉ nhờ vào sự đóng góp của giáo dân. Hằng năm, việc đóng góp còn được thực hiện dưới hình thức “tiền dâng Giáo Hội”, hay “tiền xin lễ”.

Có dư luận khá phổ biến cho rằng Giáo Hội giàu có và có lắm nguồn thu. Họ quên rằng, với đạo luật tách rời Giáo Hội và Nhà nước (tại Pháp), những nơi phượng tự không còn là tài sản của Giáo Hội nữa. Phần bất động sản nào còn thuộc quyền Giáo Hội thì không còn là nguồn thu nhập nữa, mà lại trở thành gánh nặng tài chính (bảo trì, bảo hiểm, thuế má…).

36. Thưa Cha, nếu con vào tu trong đan viện, cha mẹ sẽ không gặp lại con nữa, con có ích kỷ với gia đình và cha mẹ không?

Niềm ao ước sống đời chiêm niệm của bạn cần được thảo luận với một linh mục và bạn hãy suy nghĩ chín chắn. Tận hiến đời mình để đọc kinh cầu nguyện là một cách thông hiệp vào cuộc sống của mọi người, kể cả cuộc sống của cha mẹ và gia đình bạn.

Bạn bận tâm về những hậu quả của việc xa cách gia đình là phải.

Ngay từ bây giơ, bạn có thể bàn bạc với cha mẹ. Đó là một giai đoạn khó khăn, nhưng không sao tránh khỏi trên con đường hạnh phúc của bạn và của cha mẹ bạn.

37. Thưa Cha, con không sao gặp được một linh mục hiểu thấu tâm tư con. Không cần đợi lâu, vừa khi con nói rằng con sống đạo đều đặn, thì xem ra việc tìm hiểu của con hóa ra vô vị đối với ngài. Mỗi lần như vậy, con lại ra đi càng trống vắng hơn. Con phải làm gì đây?

Trong việc tìm hiểu, để có được sự hướng dẫn phù hợp cho riêng mình, tốt hơn hết, bạn nên gặp gỡ thường xuyên một linh mục. Bạn đừng tham vấn, giao tiếp lung tung, mà nên đào sâu những vướng mắc của bạn chỉ với một người. Cuốn sách “Nếu bạn tìm Chúa”của Jean-René Bouchet, Nhà xuất bản Cerf, có thể giúp đỡ bạn. Bạn có thể gặp ở đó những lời khuyên đầy khôn ngoan để tiếp tục tìm Chúa.

38. Trong Phúc Âm có viết : “Chúng con đừng gọi ai dưới đất là cha. Chúng con chỉ có một cha duy nhất, Đấng ngự trên trời”. Tại sao chúng ta không thực thi lệnh truyền này của Đức Kitô? Thật kỳ quặc đối với một ông lão tám mươi tuôi như tôi, lại đi gọi một linh mục trẻ đáng tuổi cháu mình là “cha”.

Không nên hiểu tiếng “cha” dành cho một linh mục là ngang tầm với tiếng “cha” dành cho người cha trong gia đình. Qua tiếng “cha” này, Giáo Hội muốn nói đến tình phụ tử thiêng liêng của vị linh mục.

Trong ngôn ngữ, cùng một số từ, nhưng có thể có nhiều nghĩa. Ví dụ, trong tiếng Pháp, “foyer” là lò lửa, cũng có nghĩa lànhà, mái ấm gia đình. Cũng vậy, khi ông gọi linh mục là “cha”, ông gán cho từ ngữ này một ý nghĩa thiêng liêng.

Khi chúng ta nói với Thiên Chúa “Cha chúng con”, chúng ta nghĩ đến một thứ tình phụ tử khác. Chúa Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha (Abba), tương tự với “papa” trong tiếng Pháp (tiếng Việt “ba” hoặc “bố”). Chúa Giêsu đã làm cho mọi người chúng ta nên con cái của Thiên Chúa. Ngài dạy cho chúng ta cầu nguyện như sau: ”Lạy Cha chúng con”. Chúng ta tin vào một Chúa duy nhất, Cha của tất cả mọi người.

Hơn nữa tiếng “cha” còn nhiều nghĩa khác. Chúng ta gọi những người thần học vĩ đạo tiên khởi cũa Giáo Hội là “các Giáo Phụ”, gọi vị bề trên của một đan viện là Viện Phụ, người cha của đan viện.

39. Chúng tôi hiểu chưa thật sâu sát lập trường của Giáo Hội Công Giáo về sự độc thân “bắt buộc”của linh mục. Có phải tình yêu dành cho một người nữ không thể dung hòa được với tình yêu dành cho Thiên Chúa chăng?

Tình yêu dành cho một người nữ hoàn toàn có thể dung hòa được với tình yêu dành cho Thiên Chúa. Hiện nay, biết bao nhiêu đôi vợ chồng không là chứng nhân cho điều đó hay sao? Thế nhưng, Giáo Hội La tinh xem việc cam kết tuyên giữ độc thân như dấu chỉ sự gắn bó khăng khít của linh mục với Chúa Kitô và như dấu chỉ của sự hiến thân trọn vẹn để phục vụ Thiên Chúa và Giáo hội.

Linh mục, tu sĩ nam nữ, là những người làm chứng về một cách thức yêu mến Thiên Chúa, tuy khác biệt, nhưng không hề giảm giá trị tình yêu hôn nhân. Chúa Giêsu nói về việc chọn lựa cách thức yêu mến Thiên Chúa này trong Tin Mừng thánh Mátthêu (chương 19, câu 12): “Có những kẻ tự trở nên hoạn nhân vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu”.

40. Thưa Cha, những lý do nào biện minh cho sự độc thân của linh mục trong Giáo Hội La Tinh?

Truyền thống linh mục độc thân phát triển trong Giáo Hội Phương Tây qua nhiều giai đoạn.

Những chứng cớ lịnh sử đầu tiên ngược về tận thế kỷ IV (năm 306), tại Công Đồng Elvire, bên Tây Ban Nha. Vấn đề độc thân của linh mục được nêu trong Công Đồng này, và được áp dụng cho Giáo Hội hoàn vũ tại Công Đồng Ni Xê vào năm 325, dù rằng các Giám Mục chưa định thành luật.

Vấn đề chưa được ban cãi trong nhiều năm tiếp sau, nhưng ngày càng trở nên bắt buộc. Chính tại Công Đồng Latran II, vào năm 1139, các Giám Mục đều tuyên bố rằng việc kết hôn của một giáo sĩ sẽ không có hiệu lực.

Ở vào một thời điểm có nhiều linh mục kết hôn, thì những lý do truyền thống của Giáo Hội về việc chọn ở độc thân căn cứ vào sự hấp dẫn của đan tu, sự dấn thân nhiều hơn nữa của các giáo sĩ, và ý muốn tách rời hàng giáo sĩ khỏi xã hội dân sự mà hàng giáo sĩ bị dìm sâu vào.

Các Linh mục phải mang đến cho mọi người một bằng chứng sống động về sứ mệnh của Chúa Kitô. Bằng lời giảng dạy, Chúa Ki tô mời gọi tất cả mọi người chúng ta sống trong tình yêu của Chúa Cha. Thứ tình yêu không san sẻ này không thể được đánh giá theo cách tính toán của loài người, đầy hạn chế, lắm thất bại.

Sau khi chết, chúng ta được mời gọi tiến vào cuộc sống vĩnh cửu. Chúa Giêsu đã hiến dâng trọn đời mình cho Chúa Cha, và bởi sự phục sinh, ngài đã chiến thắng sự chết. Các linh mục là dấu chỉ sống động của lời Chúa hứa. Trong khi chọn không kết hôn, không có con cái, các ngài chọn theo Chúa Kitô và dâng hiến trọn vẹn đời mình cho sứ vụ phục vụ Giáo hội. Việc đông con nhiều cháu của linh mục thuộc phạm vi khác với phạm vi của lứa đôi. Đó là sự đông con nhiều cháu thiêng liêng. Như vậy, các linh mục là những chứng nhân của một cách thức yêu thương khác, bằng việc hiến dâng cả cuộc đời mình cho Chúa Kitô, để phục vụ Dân Chúa.

41. Từ trong giáo xứ, các linh mục có nhiều nguồn thu nhập như: quà biếu cá nhân, bổng lễ..v…v…Vậy có bắt buộc phải có một quỹ chung giữa các linh mục trong cùng một giáo phận không, thưa cha?

Không nên nhầm lẫn thu nhập của giáo xứ và thu nhập của linh mục.

Về phần thu nhập của linh mục, có thể có hai trường hợp. Hoặc ngài giữ lai cho mình một phần thu nhập của địa phương, nếu xét thấy thu nhập mà ngài nhận từ giáo phận không đủ đáp ứng mức sinh hoạt hằng tháng do giáo phận ấn định. Đây là trường hợp bổ túc. Trong trường hợp ngược lại, linh mục được khuyến khích đóng góp vào công quỹ (thuộc giáo xứ hay giáo phận) những quà biếu cho riêng cá nhân mình.

Còn về các bổng lễ, thường thì nhiều giáo xứ có nhiều bổng lễ (ví dụ như các địa điểm hành hương) chia sẻ lại cho những giáo xứ có ít hơn.

Như vậy, có sự chia đều giữa các linh mục trong cùng một địa phận, cũng như giũa các giáo xứ và các giáo phận. Nhưng sự chia đều nầy chỉ bắt buộc các linh mục trong những giáo phận có quy định chung.

42. Thưa cha, tại Pháp, các linh mục có được Nhà Nước đài thọ không?

Từ khi có sự phân biệt giữa Giáo Hội và Nhà Nước, các linh mục không còn được Nhà Nước trả lương nữa. Vào tháng 12 năm 1905, chính quyền Combes cho biểu quyết một đạo luật theo đó, Chính Thể Cộng Hòa đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, nhưng “không trả lương, không trợ cấp bất cứ tôn giáo nào”. Ngân sách dành cho các tôn giáo bị bãi bỏ, và các tín hữu phải đảm trách việc đài thọ các linh mục. Từ đó, các linh mục Pháp sống nhờ vào lòng hảo tâm của các tín hữu.

Nhưng hai trường hợp ngoại lệ: hai giáo phận Strasbourg và Metz vẫn còn dưới chế độ Hòa Ước và các linh mục được Nhà Nước đài thọ. Biệt lệ này có những lý do lịch sử: vùng Alsace-Lorraine được giao cho Đức Quốc Xã năm 1935, vùng Alsace-Lorraine vẫn giữ chế độ Hòa Ước.

43. Thưa cha, khi nào nên nhờ đến linh mục trừ tà?

Mỗi người, tin hay không tin, đều phải đương đầu với những vấn đề sự dữ trong cuộc sống. Nhiều người từng trả qua một kinh nghiệm đau thương, gian khổ và phiền nhiễu. Họ cảm thấy đối mặt với sự dữ, bị xâu xé, bị chia năm xẻ bảy từ trong thâm tâm hoặc với những người thân cận. Đôi khi họ cậy nhờ các thầy bùa, thầy pháp, và cuối cùng, họ nhờ đến Giáo Hội, cầu mong một linh mục trừ tà trợ giúp.

Thường mỗi giáo phận đều có một linh mục trừ tà được Đức Giám Mục chỉ định (bạn có thể gặp những người cần liên hệ tại Tòa Giám Mục). Vị linh mục này, cùng nhóm cộng sự viên, sẵn sàng chăm chỉ lắng nghe nỗi ưu phiền được tỏ bày. Quả thật, một sự ân cần nhẫn nại tiếp nhận nỗi đau, san sẻ quá trình diễn tiến, cùng chung một lời cầu nguyện, có thể kèm theo Bí Tích Hòa Giải, đều giúp xoa dịu cơn khủng hoảng và làm an tâm nạn nhân.

Kinh nghiệm cho thấy rằng thái độ thông cảm này đã là một trợ lực vĩ đại. Ngoài ra, cũng có thể nhờ đến sự trợ giúp của tâm lý học hoặc y học.

Trong những trường hợp hy hữu và cá biệt mà vị linh mục trừ tà, do Giám Mục chỉ định, là người phán quyết duy nhất, thì nên nhờ đến lời cầu nguyện trọng thể đã được Giáo Hội tiên liệu. Vị linh mục cầu xin Thiên Chúa giải thoát kẻ đang đau khổ, khi mà sự can thiệp tự nhiên, tâm lý đều trở nên bất lực. Ngài nhân danh Giáo Hội mà dâng lên Thiên Chúa lời cầu xin này, chứ không tự mình như thầy bùa, thầy pháp.

Bất cứ ai đang đau khổ, đều có quyền được lắng nghe: chức vụ trừ tà là một chức vụ cảm thông. Do đó, để hoàn thành mỹ mãn sứ vụ được Giáo Hội giao phó, linh mục trừ tà cùng những vị liên hệ, đều dự một khóa tập huấn thường niên do Hội Đồng Giám Mục Pháp tổ chức với sự giúp đỡ của nhiều nhà thần học và các chuyên viên khoa học nhân văn.

44. Nhiều giáo dân đứng ra sắp đặt và linh hoạt lễ nghi an táng. Thưa Cha, Cha nghĩ sao về sự vắng mặt của linh mục vào lúc mai táng?

Lễ nghi an táng tạp trung cầu nguyện nhằm ký thác người quá cố cho Thiên Chúa. Lễ nghi này không phải là một phép bí tích. Linh mục chỉ bắt buộc hiện diện nếu có cử hành thánh lễ. Thầy phó tế vĩnh viễn có thể chủ sự nghi thức mai táng. Nếu không có linh mục hoặc thầy phó tế, thì một giáo dân được ủy quyền có thể đứng ra chủ sự. Với sự phê chuẩn của Giám Mục, Cha sở có thể yêu cầu một giáo dân trong xứ linh hoạt lễ nghi an táng. Vị nầy nên được tập huấn trước và được một nhóm tín hữu yểm trợ. Thế nhưng, trong những giờ phút đau thương nầy, thật khó mà thông cảm và chấp nhận được sự vắng mặt của vị linh mục, vị lãnh đạo tinh thần của cộng đoàn giáo xứ. Chỉ có tình trạng khan hiếm linh mục ngày nay mới có thể giải thích được điều đó.

Tang gia cần cảm nhận được cả một cộng đoàn tín hữu chân tình đùm bọc, lắng nghe và chia sẻ bằng lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa và lòng trông cậy vào sự sống lại.

45. Thưa Cha, sứ mệnh của thầy phó tế là gì và trong Giáo Hội, thầy có thể ban những phép bí tích nào?

Chức Phó tế là một chức vụ được trao ban. Không đi sâu vào chi tiết, tôi có thể lập lại với bạn rằng phép truyền chức thánh trao ban ba chức vụ là Giám mục, chức Linh mục và chức Phó tế.

Thầy phó tế gắn bó với Giám Mục của mình. Thầy nhận từ tay Giám Mục bài sai cho một sứ mệnh giữa giáo dân. Chức phó tế được hiểu như một sứ mệnh phục vụ (phụng vụ, giảng trong thánh lễ, giáo lý, hoạt động từ thiện). Thầy phó tế vẫn thường ở lại trong môi trường nghề nghiệp của mình. Thầy không được cử hành bí tích Thánh Thể, nhưng thầy có thể giảng giải phúc âm, cử hành bí tích rửa tội, chủ sự lễ nghi hôn phối và nghi lễ an táng, mang Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân.

Chức vụ phó tế hiện hữu ngay từ buổi đầu lịch sử Giáo Hội, nhưng đã dần mất tầm quan trọng của mình để chỉ còn là bước cuối cùng trước chức linh mục. Hiện nay, dù vẫn còn tồn tại thói quen truyền chức phó tế cho người sẽ trở thành linh mục, chức phó tế đã tìm lại được từ công đồng Vatican II vai trò của mình là một chức vụ đặc biệt.

Ngày nay, chức phó tế vĩnh viễn đang trên đà tiến triển rất mạnh. Thầy phó tế vĩnh viễn thường là những người có gia đình và có nghề nghiệp hẳn hoi.Ở Pháp năm 1975, có 33 thầy; năm 1980, có 100 thầy; đầu năm 1989, có 488, và năm 1993, có hơn 800 thầy.

46. Người ta thường nói đến chức phó tế vĩnh viễn. Có phải chức vụ này chỉ dành riêng cho nam giới? Nếu đúng thế, thì tại sao phụ nữ không được dự vào chức vụ này, thưa Cha?

Chức phó tế vĩnh viễn đã được Công Đồng Vatican II tái lập và biểu dương cách đây 30 năm, trong khi từ lâu, chức vụ này chỉ còn là bước cuối cùng trước khi phong chức linh mục. Các nghị phụ đã muốn thể hiện sự khác biệt giữa các chức vụ linh mục và chức vụ phó tế, bằng cách giao cho chức vụ này một nhiệm vụ đặc biệt: nhiệm vụ “phục vụ”. Theo tiếng Hy Lạp “diakonos” có nghĩa là “người giúp việc”. Nhiệm vụ này được thực hiện bằng việc dạy giáo lý, giảng huấn, trợ giúp những người kém may mắn…Trong một số lễ nghi phụng vụ, chúng ta thấy thầy phó tế mang sách Thánh và công bố Tin Mừng, ban lời giảng huấn hoặc trao Mình Thánh Chúa. Thầy có thể cử hành bí tích thanh tẩy hoặc bí tích hôn phối, còn bí tích Thánh hể và bí tích Hòa Giải thì không. Thường thường, thầy là người có gia đình và có nghề nghiệp.

Giáo hội không tiến cử phụ nữ vào chức phó tế vĩnh viễn, cũng như không tiến cử họ vào chức linh mục. Truyền thống tôn giáo này của Giáo Hội căn cứ vào sự phân rõ nhiệm vụ: nam và nữ đều phải tham dự vào sứ mệnh của Chúa Kitô bằng cách khác nhau. Nguyện vọng của Giáo Hội là tôn trọng sự khác biệt giữa nam và nữ, tôn trọng những ơn gọi bổ khuyết cho nhau trong mối liên quan với những ân sủng bổ sung cho nhau.

47. “Để phục vụ Thiên Chúa và phục vụ con người, Giáo Hội cần có nhiều quà tặng của bạn”. Thưa Cha, Cha có nhận thấy loại hình lời bảo có tính quảng cáo này là thái quá không, khi mà Giáo Hội, đặc biệt là Giáo Hội Vatican, chỉ tiêu xa xỉ cho những chuyến tông du của Đức Thánh Cha, trong lúc nhiều người đang chết đói?

Để tiếp tục hiện diện giữa con người của thời đại, Giáo Hội cần sử dụng những phương tiện của thời đại. Đó là lý do tại sao Đức Thánh Cha không ngần ngại đáp máy bay đến thăm nhiều cộng đoàn giáo hữu trên khắp thế giới và khuyến khích mọi dân tộc thăng tiến trong tình yêu Thiên Chúa và trong tình huynh đệ. Các tín hữu của quốc gia tiếp đón Ngài nhận chịu chi phí cho cuộc hành trình của Ngài. Giáo hội Pháp xét thấy không có gì trở ngại khi, nhờ qua phương tiện thong tin đại chúng, kêu gọi các tín hữu Pháp tham gia góp phần: nếu họ muốn, họ có thể biểu lộ tình liên đới với các linh mục và giáo dân trong công việc mà các vị này thực hiện.

Chúng ta tin rằng, nếu đưc tin được tiếp tục loan truyền một cách sống động và hiện hữu, thì đưc tin chỉ có thể kiến tạo một sự công bằng mà bạn nhắc đến lợi ích rất cấp bách.

Để có thể kết luận, chớ gì tôi có thể mời bạn nghiền ngẫm câu tục ngữ Trung Hoa sau đây: “Nếu bạn còn hai mươi đồng, bạn hãy lấy mười đồng mua bánh ăn để sống, và mười đồng mua hoa hồng để có lý do vui sống”.

48. Thưa Cha, Cha nghĩ gì về việc xây cất Nhà Thờ Chính Tòa Évry ?

Tôi mời bạn, cũng như tất cả các Kitô hữu, nên phấn khởi trước sáng kiến của Đức Cha Herbulot, Giám mục Évry. Khi ngài đến giáo phận Essome, thì thành phố Érvy mới mẻ đang tích cực chuyển mình. Từ con số 4000 cư dân hồi năm 1965, thành phố Érvy ngày nay đã vượt quá 70.000 dân. Việc thiết lập những xí nghiệp mũi nhọn, như Ariane- Espace, đã thu hút một số đông cư dân trẻ (40 % dưới 35 tuổi).

Giáo Hội không thể như khách bang quan, không thể không để ý đến một sự bùng nổ của một thành phố lớn của thế kỷ XXI. Đối với một số người, thánh đường cần nên kín đáo, duy chỉ để phục vụ. Thế nhưng, khi nhờ đến ông Mario Botta, kiến trúc sư nổi tiếng khắp thế giới, và khi chọn phương án cực kỳ hiện đại dành cho một thánh đường đang hòa mình trong các kiến trúc của một trung tâm thành phố, công trình công cộng Évry và Đức Cha Herbulot đã minh chứng một dự đoán vượt bậc. Thánh đường cần được nổi bật ngay tại trung tâm điểm của một đô thị. Thị dân cần có những dấu chỉ, những cột mốc thần thiêng.

Bạn hãy nghĩ đến Nhà Thờ Đức Bà Paris. Đối với các Kitô hữu, Nhà thờ Đức Bà là nơi cầu nguyện, nơi phụng tự, nhưng đối với thị dân Paris, Nhà thờ Đức Bà biểu tượng sự hiện diện của Thiên Chúa. Trong khi xây dựng Nhà thờ chính tòa Évry, Giáo Hội muốn xác quyết sự hiện diện của mình giữa thế giới ngày nay và ngày mai. Còn phí tổn cho một công trình như thế thì ước tính độ 60 triệu quan Pháp, cái giá của một trường trung học hay một giao lộ đường siêu tốc.

49. Thưa Cha, có gì khác giữa Hướng đạo Pháp và Hướng đạo Châu Âu?

Phong trào Hướng Đạo Pháp, được thành lập vào năm 1920, khởi nguồn từ những phương pháp sư phạm và chương trình giáo dục do ông Baden-Powell, sáng lập viên phong trào Hướng Đạo hồi năm 1907 khởi thảo. Vào cuối những năm năm mươi, phong trào tiến hành một cuộc cải cách về chương trình và phương pháp, nhằm thích ứng với một giới trẻ, cũng giống như một xã hội, đang chuyền biến nhanh chóng. Ví dụ, phong trào đã quyết định chia nhóm “tráng sinh” thành hai khối: ấu sinh (12- 14 tuổi) và thiếu sinh (14- 16 tuổi), nhằm đề xuất những phương pháp sư phạm riêng biệt cho từng đối tượng.

Việc cải cách nầy không được mọi người chấp nhận. Ví dụ, về phần mình, các hướng đạo sinh Châu Âu muốn trung thành với chương trình nguyên thủy của ông Baden-Powell.

50. Dòng Ba Phanxicô là gì? Dòng có những chủ đích nào?

Dòng Ba Phanxicô đã được chính thánh Phanxicô Assisi thành lập năm 1221. Sau đó, đã xuất hiện nhiều dòng Ba khác (Đa Minh, Dòng Kín Camêlô). Đó là những phong trào kỳ cựu nhất dành cho giáo dân. Dòng Ba Phanxicô, được mang tên Huynh Đoàn Thánh Phanxicô, tiếp nhận mọi người, nam cũng như nữ, thuộc mọi lứa tuổi. Mục đích của Dòng là sống Tin Mừng một cách tích cực hơn ngay giữa thế gian, theo tinh thần tu đức của Thánh Phanxicô.

Những buổi họp nhóm cho phép các thành viên Dòng Ba khám phá tinh thần khó nghèo và đời sống huynh đệ.

51. Thưa Cha, ngày nay, Giáo Hội còn thực thi các ân xã không? Ý nghĩa chính xác của ân xá là gì?

Ngay từ những thế kỷ đầu tiên, Giáo Hội bắt buộc nhiều việc đền tội nhằm đền bù những hậu quả của tội lỗi. Thoạt đầu, các ân xá được đặt ra, để thay thế những việc đền tội thật nặng nề. Có thể nói, các ân xá là sự tha thứ “tha bớt án phạt”. Được Giáo Quyền phê chuẩn, một ân xá có thể thay thế, ví dụ, nhiều ngày buộc giữ chay. Nhưng từ đó, nảy sinh việc mua bán hằng tháng hoặc hằng năm ân xá. Ông Luther chống đối lại những lạm dụng này, vì không phải tình yêu nữa, mà là tiền bạc đền bù tội lỗi.

Các Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Gioan-Phaolô II đã cố gắng phục hồi ý nghĩa của ân xá bằng cách minh định rằng: không thể hưởng nhờ ân xá mà không có sự hoán cải tâm hồn. Sự hoán cải của người này có thể đền bù tội lỗi của người kia, vì mọi tín hữu được liên kết với nhau trong sự hiệp thông của các thánh. Ngày nay, việc thực thi các ân xá căn bản hệ tại ở sự động viên các tín hữu cầu nguyện, hoán cải và gắn bó với Giáo Hội.

52. Thưa Cha, lập trường của Giáo hội đứng trước sự khác biệt của báo chí công giáo như thế nào? Sự khác biệt về quan điểm đôi khi rành rành, có luôn là dấu chỉ của một sự khác biệt lành thánh không?

Việc có nhiều nhóm báo chí công giáo là một điều bình thường, bản thân chúng phản ánh sự khác biệt trong những lo toan của mọi Kitô hữu. Giáo Hội đón nhận tất cả như một sự phong phú phụ trội, trong chừng mực mà những nhóm báo chí này tỏ ra không thủ đoạn trong sự hiệp thông với Giáo Hội.

Một cách khái quát hơn, sự khác biệt về quan điểm, khi không thuộc về những chân lý mặc khải, là điều quan trọng cho phép Giáo Hội có thể lắng nghe mọi người nam nữ của thời đại. Ngay giữa các tông đồ, cũng đã có những cuộc tranh luận đôi khi sôi nổi về thái độ cần có. Giáo Hôi chính là sự hiệp thông tràn đầy sự khác biệt. Thách đố căn bản hệ tại ở năng lực mà nhờ đó các tín hữu biết lắng nghe lẫn nhau. Rõ ràng không có gì hơn là thực thi mệnh lệnh của Chúa Kitô: “Các con hãy yêu thương nhau”.

53- Thứ tự các Bí tích là: Thánh Tẩy, Thánh Thể, Thêm Sức. Thế nhưng vài người cho rằng Bí tích Thêm Sức nên được thực hiện trước khi Rước lễ lần đầu. Thưa Cha, Cha nghĩ sao về vấn đề này?

Theo truyền thống, ba bí tích mà bạn nêu trên là những bí tích “Nhập môn Kitô giáo”. Những bí tích này là con đường phải qua để trở nên thành phần Dân Chúa. Không ai sinh ra là Kitô hữu, người ta trở nên Kitô hữu. Việc nhập môn này hiện hữu từ lâu, nhưng đã phát triển theo dòng lịch sử.

Trong những thế kỷ đầu tiên, việc này thường liên quan đến những người trưởng thành, và cả ba bí tích được lãnh nhận gần như cùng một lúc. Nhưng không bao lâu sau đó, bí tích rửa tội trẻ em cũng được phổ biến rất sớm. Năm 1910, Đức Giáo Hoàng Piô X hạ thấp độ tuổi cho phép trẻ nhỏ rước lễ lần đầu, điều đó dẫn đến việc trẻ em công giáo ngày nay lãnh nhận bí tích Thánh Thể trước bí tích Thêm Sức. Và dù lãnh nhận bí tích Thêm Sức ở tuổi nào đi nữa, mà thường thì vào lứa tuổi thiếu niên, điều chính yếu là trẻ con được gia đình và cộng đoàn Kitô hữu đùm bọc theo dõi.

54. Thưa Cha, ông bà có thể xin cho cháu chắt được lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy không, nếu cha mẹ chúng chểnh mảng làm điều đó?

Dĩ nhiên ông bà có thể xin cho cháu chắt được lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy, nếu cha mẹ chúng chểnh mảng làm điều đó, nhưng với điều kiện là những người này không chống đối. Chắc chắn đức tin có thể chuyển giao cho đời cháu chắt mà không qua đời cha mẹ, và sẽ càng tốt hơn, nếu nhân dịp lễ Thánh Tẩy, cha mẹ đứa trẻ chấp nhận đối thoại về việc giáo dục đạo lý cho con cái.

Trong mỗi giáo xứ, một nhóm giáo dân được giao phó cộng tác với linh mục theo dõi việc chuẩn bị lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy. Nhóm giáo dân này có thể giúp đỡ các gia đình tích cực sống hoàn cảnh trên.

55. Tôi muốn xin cho đứa con bốn tuổi được rửa tội, nhưng chiếu theo chế độ tuổi của nó, Cha Sở yêu cầu tôi bảo nó tham dự vào việc chuẩn bị rửa tội. Tôi không thích việc này: tôi phải làm gì, thưa Cha?

Ông nên hiểu thái độ của vị linh mục, ngài ao ước giúp con ông tự dấn thân bằng cách tự chuẩn bị lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy.

Quả vậy, Giáo Hội mong ước ban bí tích Thanh Tẩy cho trẻ từ độ tuổi nhỏ nhất. Chính Thiên Chúa yêu chúng ta trước. Bí tích là một ơn ban của Thiên Chúa. Lên ba lên bốn, trẻ nhỏ đã có thể bắt đầu hiểu biết và yêu mến Chúa Kitô. Do vậy, Giáo Hội có ý giúp đỡ cháu dấn thân lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy. Thường thường, Giáo Hội gợi ý nên đưa cháu đi dự khóa giáo lý, vì nhờ đó, cháu sẽ học biết Chúa Giêsu Kitô và sống đức tin cùng với các bạn.

56. Thưa Cha, phép Thanh Tẩy của tín hữu bắp- tít và của tín hữu thánh linh giáng lâm có thành sự đối với đức tin công giáo không?

Các Giáo Hội Kitô- giáo đều nhận biết rằng chỉ có một và cùng một phép Thanh Tẩy mà các Giáo Hội trao ban theo nghi thức phụng vụ của riêng mình. Theo Giáo Luật, những ai đã lãnh nhận phép thanh tẩy theo bắp- tít hay thánh linh giáng lâm, đều được kể như thuộc về cộng đoàn giáo hội không công giáo. Nhưng, có vài điều kiện cần được tôn trọng. Tín hữu cần được thanh tẩy bằng nước, nhân danh Cha, Con và Thánh Thần (công thức Chúa Ba Ngôi), và không có sự nghi ngờ nào về chủ tâm của người trưởng thành khi nhận phép thanh tẩy của thừa tác viên ban phép Thanh Tẩy.

57. Thưa Cha, có thể rước lễ mà không cần phải xưng tội ngay trước đó không?

Ai rước lễ mỗi ngày thì không cần đi xưng tội mỗi ngày. Vả lại điều này không đáng khuyến khích. Vấn đề đúng thực là trước khi rước lễ, tự biết mình hòa hiệp với Thiên Chúa, với anh em và với chính bản thân mình. Để có được sự hòa hiệp này, chúng ta phải nhận biết những yếu hèn và những sai lỗi của mình và xin ơn tha thứ. Ngay từ đầu Thánh lễ, toàn thể cộng đoàn thực hiện việc làm này khi đọc kinh thống hối.

Trước khi chịu lễ, chúng ta tiến thêm một bước nữa vào sự giao hòa khi đọc kinh “Lạy Cha” ( “xin Cha tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”). Đoạn chúng ta chúc bình an cho nhau. Dù vậy, phụng vụ Thánh Thể không miễn trừ cho chúng ta một hành động cá nhân tiến đến sự giao hòa với Thiên Chúa.

Để sống tràn đầy bí tích Thánh Thể, Giáo Hội yêu cầu các Kitô hữu nên xưng tội thường xuyên, sự chân thành của tâm hồn còn làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn.

58. Thưa Cha, có phải xưng tội trước khi chết không?

Người tín hữu, trước nguy cơ tử vong, được mời gọi nhìn lại cuộc đời mình và vị trí mà người đó dành cho Thiên Chúa và tha nhân trong suốt bước đường trần gian.

Trước tình cảnh tột cùng này, xưng tội là cơ hội cuối cùng để bày tỏ với một người, là vị đại diện Chúa Kitô do ủy quyền của Giáo Hội, về một khía cạnh quan trọng của đời mình, về mọi sai phạm đang đè nặng trên mình. Đó cũng là giờ phút ký thác cuộc đời mình và đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa cho phép người sắp ly trần tiến lại gần Thiên Chúa lần cuối cùng bằng sự hoán cải tâm hồn và lòng thống hối ăn năn.

Sau nữa, ao ước lãnh nhận bí tích hòa giải, chính là tuyên xưng niềm tin của mình vào sự sống lại.

59. Thưa Cha, con là người công giáo sống đạo. Khi không có linh mục, con phải làm điều gì, nếu có một người gặp nguy cơ tử vong muốn xưng thú tội trọng? Con có thể làm trung gian để người đó được tha không?

Ông không thể làm trung gian được. Sự xá giải là ơn tha thứ của Thiên Chúa, được linh mục trao ban nhân danh Thiên Chúa. Thế nhưng lòng nhân lành của Thiên Chúa không chỉ giới hạn ở bí tích hòa giải. Ngài chăm chú lắng nghe mọi tiếng thở than: “Lạy Cha, nầy con đây trước mặt Cha, với những yếu hèn, với những sai phạm của con, nhưng con cậy trông vào tình yêu và lòng nhân lành của Cha”.

Khi chúng ta cầu xin Thiên Chúa thứ tha, chúng ta nhận biết rằng chúng ta không ở vào tầm cao của Tình Yêu Ngài, nhưng chúng ta cũng thấu hiểu rằng Ngài yêu chúng ta bất chấp mọi lỗi lầm của chúng ta. Dù vậy, trong tình cảnh mà ông nêu, ông không thể ban lời xá giải, nhưng ông có thể có một vai trò hết sức quan trọng trong giờ phút ấy. Sụ hiện diện của ông có nghĩa rằng người hấp hối không ra đi một mình và bị bỏ rơi: ông có mặt ở đó, bên cạnh họ, để giúp đỡ họ đặt hết niềm cậy trông vào lòng nhân lành cuả Thiên Chúa. Điều quan trọng là cuộc đời họ không kết thúc trong sự tuyệt vọng. Tất cả vẫn chưa hết chuyện chỉ vì lẽ ta là kẻ có tội. Con người luôn luôn có thể mở rộng tâm hồn mình cho Thiên Chúa, để tình yêu bao la của Ngài chiếm cứ. Mức độ tình yêu của Ngài, chính là khả năng tha thứ của Ngài.

60. Con không thể đi xưng tội vì con biết rằng tội lỗi của con khai trừ con ra khỏi Giáo Hội. Con không thể tự thú với một linh mục. Tuy nhiên, con tin rằng Thiên Chúa yêu con. Con phải làm gì, thưa Cha?

Đời sống của một Kitô hữu không phải lúc nào ũng hoàn toàn hòa hợp với Thiên Chúa. Thánh Phao lô đã nhắc đến điều đó: “Điều lành mình muốn thì không làm, còn điều ác mình gớm ghét, lại làm”. Chúng ta mang dấu ấn tội nguyên tổ, nhưng Chúa Kitô đã giải thoát chúng ta nhờ cái chết và sự phục sinh của Ngài. Bởi lẽ đó, là Kitô hữu, thì đừng để tội lỗi lúc nào cũng ám ảnh chúng ta. Nên cậy trông vào Thiên Chúa, vào Chúa Kitô là Đấng yêu thương chúng ta, vượt qua mọi giới hạn và lòng chúng ta ao ước trung thành với Ngài. Không có gì đáng kể ngăn cản bạn tâm sự với một linh mục và có thể lãnh nhận bí tích sám hối trong niềm ao ước hoán cải và giao hòa cùng Thiên Chúa.

61. Cha chánh xứ chúng con tổ chức nghi thức sám hối với việc xá giải tập thể. Hình như việc này chỉ được thực hiện trong trường hợp khẩn cấp. Thưa Cha, có đúng như vậy không? Việc xưng tội cá nhân có tương đương với việc xá giải tập thể không?

Xưa kia, việc cư hành nghi thức sám hối cộng đồng, với việc xá giải tập thể mà không có sụ xưng tội cá nhân đi kèm, được dành riêng cho những trường hợp ngoại lệ (như đắm tàu, chiến tranh..v..v…). Ngày nay, việc này vẫn còn là ngoại lệ, nhưng có thể được tổ chức, tùy theo sự lượng định của Giám mục, khi có quá nhiều người ao ước xưng tội mà không có đủ cha giải tội, và những người này đã không được rước lễ trong suốt một thời gian.

Trong khi cử hành nghi thức sám hối này, những người ao ước lãnh nhận bí tích hòa giải, làm dấu bày tỏ ý muốn của mình. Cần minh định rằng những tội trọng sẽ được xưng thú sau đó với linh mục: việc xưng thú không được hủy bỏ, mà được hoãn lại trong một thời gian. Cũng có những nghi thức sám hối tập thể, sau đó từng cá nhân xưng thú tội riêng mình và lãnh nhận ơn xá giải cá nhân.

Trong mọi trường hợp liên quan, việc xưng thú là điều cần thiết ở bất cứ hình thức giải tội nào, bởi vì việc xưng thú cho phép con người nhận biết tội lỗi của mình, đồng thời tự tách mình ra khỏi tội. Tự nhận biết mình là phạm nhân trước Thiên Chúa tình yêu, đó là tin vào sự khoan dung của Ngài và không nản lòng vì tội lỗi của mình. Lãnh nhận bí tích hòa giải, đó cũng là nhìn nhận mình không phải là quan án tối cao của đời mình.

62. Thưa Cha, làm sao tiến hành nghi lễ hôn nhân khi một trong hai người là công giáo và người kia là tin lành?

Trước Công đồng Vatican II, Giáo Hội Công Giáo chỉ công nhận một cuộc hôn nhân như thế là có hiệu lực với những điều kiện khắt khe: nghi lễ phải được cử hành tại nhà thờ công giáo và người phối ngẫu tin lành phải cam kết để cho những đứa con tương lai được rửa tội và giáo dục theo Đạo Công Giáo. Vào năm 1966, một văn kiện chính thức được giảm nhẹ những điều kiện để có hiệu lực của những cuộc hôn nhân hỗn hợp. Nếu đôi tân hôn làm đơn miễn chuẩn, thì đám cưới tiến hành trong Giáo Hội Cải cách (Tin Lành) được công nhận có hiệu lực. Còn việc giáo dục con cái, người phối ngẫu công giáo phải hứa “sẽ làm hết sức mình” để trở nên công giáo. Đám cưới được tiến hành theo nghi thức quen thuộc.

Sự hiện diện của mục sư tại nhà thờ công giáo hoặc Linh mục tại nhà thờ tin lành đều được mong ước trong đám cưới hỗn hợp này.

63. Thưa Cha, con có ý định kết hôn với một người đã ly dị. Cuộc hôn nhân trước kia của anh ta chỉ đơn thuần dân sự. Con có thể kết hôn với anh ta tại nhà thờ không? Anh ta chưa có con.

Không có gì cản trở cô lãnh nhận bí tích hôn nhân với người chồng tương lai, trong trường hợp này bản thân anh ta trước kia chưa lãnh nhận bí tích này. Tuy nhiên điều quan trọng là cô nên dành thời giờ để trình bày hoàn cảnh với một linh mục và chuẩn bị cho chu đáo cuộc hôn nhân của cô.

64. Thưa Cha, lời tuyên xưng ý hướng của đôi vợ chồng trong ngày cưới có tầm quan trọng như thế nào? Nó nhằm mục đích gì?

Hôn nhân là một bí tích, một dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, ban nghị lực cho những người kết hợp với nhau, để Chúa Thánh Linh tác động trên họ. Như vậy, đôi tân hôn có thể vững tin vào Thiên Chúa. Tuy nhiên họ không thụ động. Sự kết hợp của họ có được kết quả mỹ mãn còn tùy thuộc vào điều họ muốn cùng nhau chung sống, bởi vì nếu hôn nhân là một bí tích, thì hôn nhân cũng là một sự dấn thân. Trong thời gian chuẩn bị đi đến hôn nhân, linh mục yêu cầu mỗi người vợ chồng tương lai hoạch định những dự án của mình. Đó là điều mà ta gọi là lời tuyên xưng ý hướng. Mỗi người bày tỏ cách nhìn của mình về tình yêu, về việc xây dựng một gia đình công giáo, về phong cách sống, về chỗ đứng của Thiên Chúa… Những người đã đính hôn biểu lộ quyết tâm muốn sống đời hôn nhân công giáo. Họ hoàn toàn tự do dấn thân sống chung thủy, đón nhận con cái và giáo dục chúng theo tôn chỉ công giáo. Bản tuyên bố ý định không buộc phải đọc trong ngày cưới. Được đôi tân hôn ghi rõ ngày tháng ký tên, bản tuyên bố ý định được lưu giữ trong Giáo Hội như dấu chứng cho sự dấn thân của họ, cho sự có hiệu lực của cuộc hôn nhân.

65. Con nghe nói rằng linh mục nên dâng Thánh Lễ mỗi ngày, trừ ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, thưa Cha, có đúng như vậy không? Có thật là Ngài không được dâng thánh lễ một mình?

Vào ngày Thứ Sáu Tuần Tánh, chỉ có phụng vụ tưởng niệm cuộc Khổ Nạn của Chúa. Không có Thánh lễ, nhưng các tín hữu có thể chịu lễ trong khi cử hành phụng vụ.

Theo Giáo Luật, các linh mục được yêu cầu dâng thánh lễ “thường xuyên (…) và việc dâng lễ hằng ngày rất được khuyến khích” (Giáo Luật, 904). Giáo luật 906 còn thêm: “Linh mục sẽ không cử hành hiến tế Thánh Thể mà không có ít là một tín hữu tham dự, trừ khi có lý do chính đáng và hợp lý”. Chúng ta có thể tìm gặp trong bộ Giáo luật những giải đáp rõ ràng cho vấn nạn của bạn.

Nhưng không nên bỏ qua điều chính yếu. Trong thánh lễ, chúng ta hiệp thông vào Mình và Máu Chúa Kitô, được dâng lên Chúa Cha thay cho nhân loại. Thánh Thể là một huyền nhiệm mà ta không bao giờ thấu hiểu được. Đó là bí tích số một, nguồn mạch khai sinh các bí tích. Nhận lấy Mình Thánh Chúa Kitô làm của nuôi chúng ta, sẽ cho chúng ta sức mạnh hiến dâng cuộc đời mình cho Thiên Chúa và cám tạ Ngài.

Được hiểu như thế, thì việc dâng Thánh lễ hằng ngày không còn là một bổn phận bị ép buộc. Linh mục không dâng Thánh lễ cho riêng mình, cho sự thánh hóa bản thân mình. Linh mục có sứ mệnh tập hợp cộng đoàn của mình, cùng với cộng đoàn và cho cộng đoàn, ngài cử hành hiến tế của Chúa Kitô mỗi ngày được làm mới lại.

66. Con được mười bảy tuổi và con thấy không thích đi lễ ngày Chúa nhật nữa. Thưa Cha, Cha không nghĩ rằngThánh lễ có thể sẽ được sinh động hơn, theo như xảy ra ở Mỹ, nơi mà đôi khi nhạc Rock chiếm lĩnh một phần lớn thời gian dành cho Thiên Chúa?

Thật vậy, đôi khi các bạn trẻ khó mà tham dự Thánh lễ và chú tâm đến những gì đang diễn ra ở đó. Có thể là vì thường các nghi thức được cử hành cho người lớn hơn là cho các bạn trẻ. Trước mắt, con có thể, cùng với bạn bè, đề nghị linh mục của giáo xứ chuẩn bị một Thánh lễ theo phương thức “nổi đình đám hơn”. Nhưng con đừng lầm lẫn. Thánh lễ hơn hẳn một buổi biểu diễn: con có thể trình bày điều này với cha xứ. Giáo hội đang cần con và cần tất cả những ai muốn sống một cách năng động đức tin của mình. Con đừng quên câu này, trái lại, con hãy biến nó thành hành động cụ thể.

67. Thưa Cha, màu áo lễ của linh mục và màu sắc của các vật trang trí chung quanh bàn thờ tương ứng với điều gì?

Mỗi màu sắc đều có ý nghĩa riêng biệt trong năm phụng vụ. Áo lễ của linh mục, cũng như các vật trang trí bàn thờ, đều mang một biểu hiện riêng. Những màu sắc này được vay mượn từ trong Kinh Thánh và trong các tập tục của triều đình hoàng đế Byzance. Màu tím, màu của bụi tro, là dấu tang chế, dấu đền tội, dấu thống hối; màu tím được dùng trong Mừa Vọng và Mùa Chay. Từ Công Đồng Vatican II, màu tím thay thế cho màu đen trong các nghi thức dành cho người quá cố. Màu trắng là màu của Thiên Chúa, màu của ánh sang, màu của sự trịnh trọng, màu trắng được dùng trong Mùa Phục Sinh và trong các lễ kính các thánh không phải là tử đạo. Màu đỏ là màu của lửa, màu của máu các vị tử đạo, màu đỏ được dùng vào ngày Lễ Hiện Xuống và những ngày lễ kính các đấng tử đạo. Màu xanh được dung trong các Chúa Nhật Mùa Thường Niên.

68. Thưa Cha, để mừng lễ ngọc hôn phối, chúng tôi xin một Thánh lễ kính Thánh Piô V. Cha sở chúng tôi thẳng thắn từ chối. Trái lại, theo yêu cầu của đôi tân hôn, ngài không từ chối làm như vậy trong lễ cưới của Balavoine hay của Jean Ferrat. Điều đó xem ra không công bằng, cũng không bác ái.

Giáo Hội đề nghị mọi tín hữu tham dự vào việc chuẩn bị cử hành phụng vụ, đặc biệt vào thánh lễ mà ông ao ước xin dâng nhân dịp giáp năm lễ cưới của ông bà. Nếu sau khi suy nghĩ kỹ, việc chọn lễ kính thánh Piô V có một tầm quan trọng thật sự đối với ông bà, thì ông bà có thể xin lễ đó tại một giáo xứ khác trong giáo phận của ông. Để thực hiện, ông có thể liên lạc với tòa giám mục. Nhưng ông không nên lợi dụng “những thánh lễ ngoại lệ” này: những thí dụ ông nêu càng làm rõ những giới hạn của việc cởi mở trong phụng vụ. Vấn đề này còn nghiêm trọng hơn là sở thích đơn thuần.

69. Giáo dân càng ngày càng tham gia vào việc cư hành phụng vụ Thánh Thể: họ đọc sách thánh, trao Mình Thánh Chúa… Linh mục có còn là người của Thánh Thể nữa không?

Linh mục là “người của Thánh Thể”. Linh mục chủ sự Thánh Lễ. Ngài là dấu chỉ củ sự hiện diện thật sự của Chúa Kitô ngay giữa một cộng đoàn thuộc về riêng mình. Nếu không có sự hiện diện tích cực của linh mục, thì sẽ không có việc cử hành Thánh Thể. Thánh Lễ là một cơ hội để cầu nguyện và để nghe Lời Chúa, Thánh Lễ còn là một bữa tiệc thông hiệp, bữa tiệc chỉ thật sự đầy đủ ý nghĩa nếu được cả cộng đoàn chia sẻ và cùng cử hành lễ tế tái hiến của Chúa Kitô.

Hiến chế “Thánh Công Đồng” (Vatican II), về phụng vụ, yêu cầu “mọi tín hữu không tham dự vào huyền nhiệm đức tin này như khách bàng quan câm lặng, mà chớ gì họ tham gia vào hành vi thánh thiện này một cách có ý thức và tích cực”. Những tác vụ được giáo dân hoàn thành (như giới thiệu chủ đề, đọc sách thánh, điều động ca hát, trao Mình Thánh Chúa…) không làm phương hại chút nào đến chức tư tế. Trái lại, nên phấn khởi về sự tham dự tích cực hơn nữa của giáo dân. Nhân dịp kỷ niệm hai mươi lăm năm ban hành hiến chế “Thánh Công Đồng”, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã viết: “Phải cảm tạ Thiên Chúa (…) về sự tham gia tích cực hơn của các tín hữu vào phụng vụ Thánh Lễ và các bí tích khác, bằng việc cầu nguyện và ca hát, bằng mọi thái độ và sự thinh lặng”.

70. Mùa Chay đồng nghĩa với chay tịnh và kiêng cữ. Đâu thật sự là những đòi buộc trong thời gian Mùa Chay? Phải kiêng cữ như thế nào?

Mùa Chay đồng nghĩa với chay tịnh và kiêng cữ, bạn nói thế chứ? Đúung hơn, đó là thời điểm để cầu nguyện, đền tội và hoán cải, được sống trong niềm hy vọng vào sự sống lại. Suốt bốn mươi đêm ngày trước lễ Phục Sinh, mọi tín hữu được mời gọi chuẩn bị đón nhận trong cuộc sống của mình, cuộc khổ nạn và sự sống lại của Chúa Cứu Thế, Đấng mở ra cho chúng ta cánh cửa của sự sống đời đời.

Để sống Mùa Chay, Giáo hội nêu cao gương Chúa Kitô, Đấng đã lùi vào trong hoang địa bốn mươi đêm ngày. Giáo hội yêu cầu tôn trọng các việc thực hành để có thế trợ giúp sống tràn đầy cuộc tĩnh tâm thiêng liêng này. Giáo hội còn mời gọi các tín hữu chia sẻ của cải cho những người bất hạnh nhất và thực hành kiêng cữ. Ta hiểu kiêng cữ là không dùng thịt. Mọi tín hữu công giáo được yêu cầu kiêng thịt các ngày thứ sáu. Riêng Thứ Tư Lễ Tro, ngày mở đầu Mùa Chay, và Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày Chúa chịu chết, các tín hữu còn ăn chay bằng cách kiêng bớt thức ăn, tùy theo độ tuổi, và dành một thời gian đáng kể để cầu nguyện.

78. Điều chính yếu của Kitô giáo không phải là sự tham dự vào đời sống thần linh bởi các phép bí tích và kinh nguyện hay sao, hơn là mớ luân lý mà các phương tiện truyền thong thường hay nói tới? Không có sự thuần hóa con người, thì mọi nền luân lý đều không hóa ra vô ích và rỗng tuếch sao?

Bạn tiếc rằng luân lý thường là con đường ngoắt nghéo duy nhất mà các phương tiện truyền thông đề cập đến đạo Kitô. Một cách nào đó, họ xem quả biết cây. Không nên tách riêng đức tin và việc làm. Đức tin soi dẫn việc làm, cách hành động. Việc làm minh chứng đức tin. Nếu cách hành động của người Kitô hữu luôn thể hiện sự thánh hóa bạn đề cập, thì chắc chắn người ta sẽ quan tâm hơn đến nguồn gốc của chúng.

Ngày nay, trước những vấn nạn hết sức phức tạp về nhận thức luân lý, người Ki tô hữu không nên đầu hàng. Để được như vậy, như bạn nói, họ nên nhờ đến kinh nguyện và các bí tích, trong khi vẫn theo dõi nghiên cứu về con người. Sự quân bình này không dễ gì đạt được, nhưng mà Thiên Chúa luôn có mặt.

79. Tại sao các tôn giáo luôn luôn toan tính áp đặt nhiều thứ luật lệ và xóa bỏ tự do? Điều thiện, tình yêu là đường tôi đi. Tôi không cần người hướng dẫn hay các thứ giáo điều bắt buộc để hoàn thành nhiệm vụ của tôi.

Bạn được tự do không gia nhập Giáo Hội hay một tôn giáo. Tôi là linh mục nhưng tôi không nhận ra Giáo Hội mà bạn miêu tả. Quá nhiều người như bạn, có hình ảnh về một giáo hội định đoạt, một lần cho tất cả, điều mà người nam và người nữ phải làm hoặc không được làm. Chúng ta sống trong một xã hội thuộc về giáo dân. Đó là một sự kiện được Giáo Hội chấp nhận và cho là tích cực, bởi Giáo Hội không muốn giữ lấy vị trí nhà lập pháp. Nhưng điều đó không chỉ nhân danh chủ nghĩa dân chủ mà thôi, Giáo Hội cũng có quyền phát biểu, chất vấn, ra lệnh, công khai bày tỏ quan điểm trong các cuộc tranh luận ngoài xã hội. Còn về các tín điều, chúng không có chức năng áp chế, mà đặt nền tảng cho niềm tin của chúng ta. Đức tin vào Chúa Giêsu Kitô không ép buộc, nhưng giải phóng, khi đức tin được sống cách chân thực và không bị một sự cưỡng bức nào từ bên ngoài do gia đình hoặc xã hội. Đức tin do từ một lời mời gọi bên trong đến từ Thiên Chúa và dẫn đưa chúng ta đến tình yêu tha nhân.

80. Người ta có thể là người công giáo mà vẫn giữ sự tự do tư tưởng của mình trước vấn đề chính trị, triết học và cuộc sống thường ngày không?

Chắc chắn rồi, người công giáo được tự do trong những chọn lựa của mình về chính trị cũng như về triết học. Người công giáo không những mà có thể, nà còn phải được tự do. Tất cả tùy vào việc hiểu ý nghĩa “tự do”.

Người tự do là người hành động theo lương tâm của mình. Lương tâm của người công giáo được Tin Mừng soi dẫn. Giáo Hội giúp chúng ta giải mã sứ điệp Tin Mừng này. Nếu bạn đọc một thông điệp, bạn sẽ nhận thấy rằng Giáo hội không cưỡng bách một cách cư xử phải nắm giữ, mà đề xuất những phương hướng cho phép chúng ta sống theo giáo huấn của Chúa Kitô.

81. Đã từng có sự vấp ngã của Adam, lụt đại hồng thủy, sự hủy diệt của Sôđôm và Gômô. Tóm lại, ta đã có thể nói: “yêu cho roi, cho vọt”. Ta có thể nhìn SIDA (AIDS) dưới góc độ này, theo như Kinh Thánh không?

Không ai có thể nói rằng SIDA là một trừng phạt của Thiên Chúa. Nói thế, tức là tự mình thay thế Thiên Chúa. Kinh thánh thật rõ ràng minh bạch, Thiên Chúa toàn năng của Cựu Ước là Đấng “chậm nóng giận và đầy nhân từ”. Trong Tin Mừng, Chúa Kitô không ngừng mặc khải cho mọi người lòng nhân từ bao la của Cha mình. Chúa Giêsu ưu tiên đến với những bệnh nhân và những người bị ruồng bỏ đang khao khát tình yêu và lòng nhân hậu của Ngài. Ngày hôm nay, đứng trước nỗi lo âu và sự thiếu vắng tình cảm của những người mắc bệnh sida, sự lựa chọn của chúng ta phải là sự chăm chỉ lắng nghe và sự từ chối phán xét.

82. Con không tin vào tiền định, nhưng con tự hỏi Thiên Chúa đã biết trước giờ chết của chúng ta chưa. Đâu là phần tự do của con người liên quan đến cái chết của mình?

Thiên Chúa có một kế hoạch cho con người. Trong khi trao ban Chúa Giêsu cho chúng ta, Ngài muốn nói với chúng ta rằng cuộc đời chúng ta không thể thu gọn vào bước đường ngắn ngủi trên trần gian. Cuộc đời chúng ta phải trọn vẹn hướng đến đức tin vào sự sống lại. Thiên Chúa đã đề ra một mục tiêu, một định hướng cho cuộc đời chúng ta, nhưng Ngài đã không “tiền định” theo nghĩa lập một chương trình không thể đổi thay. Thiên Chúa đã tạo dựng cho con người tự do và Ngài trao ban Con Một Mình, Đấng chịu chết để cứu thoát sự tự do này.

Mất một đưa con, một người thân, một người bạn, luôn là một thử thách, đau lòng nát dạ. Trong nỗi thương đau, chúng ta tự hỏi, đôi khi với một tâm trạng phản kháng: “Thiên Chúa muốn thế ư?”. Không, Thiên Chúa chỉ muốn điều tốt lành cho con người. Sự chết thử thách chúng ta, mà sự chết cũng làm cho chúng ta xoay hướng về Thiên Chúa trong niềm tin vào lòng nhân hậu và tình yêu của Ngài mà chúng ta sẽ dự phần mãi mãi.

83. Chồng con chết bất thần lúc ba mươi tám tuổi, không kịp lãnh nhận các phép bí tích sau hết. Con sẽ gặp lại anh ta trên nước Thiên Đàng không và anh sẽ như thế nào nếu con tái giá?

Các Bí tích sau hết - Bí tích Tha Tội, Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Bệnh Nhân - được trao ban cho con người để chuẩn bị họ, trong niềm cậy trông, tiến đến gặp gỡ Thiên Chúa. Là sự trợ lực quý báu trong cơn nguy nan chết chóc, những bí tích này, may thay, không phải là một điều kiện tiên quyết cho sự phục sinh. Trong kinh nguyện, chị hãy cầu xin Thiên Chúa đón nhận chồng chị về bên Người. Tôi khuyên chị nên suy niệm Tin Mừng theo Thánh Marcô (chương 12, câu 19- 21), đề cập cách rõ ràng đến vấn nạn chị nêu. Đây là câu trả lời của Chúa Giêsu: “Khi người ta sống lại từ cõi chết, người ta không còn cưới vợ lấy chồng, nhưng người ta sẽ như thiên thần ở trên trời”. Không cần nói nhiều, Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng, mọi mối tương giao loài người chúng ta đều sẽ được biến đổi. Chị có thể sống cách thanh thản một cuộc hôn nhân khác, không phải lo rằng cuộc tình mới sẽ làm phai nhạt mối tình đầu.

84. Tôi là giáo lý viên, sáu mươi tuổi, tôi đang chuẩn bị cho đám trẻ tuyên xưng đức tin. Trong sự hỗn loạn hiện nay, tôi không còn biết trả lời cho chúng như thế nào về những vấn đề như tội lỗi. Một tội trọng hoặc nặng là gì, thứ tội ngăn trở chúng rước lễ ấy?

Tôi thấy khó trả lời vắn tắt cho ông về một vấn đề khá quan trọng như vậy. Tội không đơn thuần chỉ là một sự vi phạm đến lề luật luân lý, mà còn là một thái độ tiêu cực của con người ngoảnh mặt khỏi Thiên Chúa, liều hại mình và làm hại người kẻ khác (….)

Để giải đáp rõ ràng hơn những vấn nạn của đám trẻ, ông đừng đơn phương trả lời, mà nên chia sẻ với các giáo lý viên khác và trình bày với cha xứ những vấn nạn trên.

85. Thưa Cha, tại sao Giáo hội công giáo cũng bị ám ảnh bởi những vấn đề tình dục?

Chú ý! Chúng ta đừng đảo lộn các vai trò. Nếu bạn có cảm tưởng rằng Giáo Hội bị những vấn đề tình dục ám ảnh, điều đó lại không phải vì các phương tiện truyền thông thường xuyên phản ánh quan điểm của Giáo hội về vấn đề này hơn các vấn đề khác hay sao? Các phương tiện truyền thông là hình ảnh cuộc sống của xã hội trong mối tương quan với vấn đề tình dục.

Hiện nay, hiểm họa sida đặt nặng về hành vi tình dục. Thật thường tình khi Giáo Hội ao ước hướng dẫn và nhắc nhở mọi người công giáo điều mà Giáo Hội tin là những giải đáp thích hợp nhất cho hoàn cảnh hiện tại. Bởi vì sứ điệp của mình đã bị tranh cãi, cho nên Giáo Hội phải biện minh và giải thích sứ điệp đó, do vậy sự nhắc đi nhắc lại này đôi khi xem ra thái quá đối với bạn.

86. Tiếng sét ái tình từ cái nhìn đầu tiên giữa một người nam và một người nữ có phải là một dấu chỉ, một biểu hiện cho sự sung mãn của tình yêu Thiên Chúa không?

“Các con hãy yêu thương nhau”, giới luật mới của Chúa Giêsu Kitô mở ra con đường duy nhất dẫn đến Thiên Chúa. Giới luật này có nghĩa là tất cả chúng ta được mời gọi, mọi ngày trong cuộc đời chúng ta, cảm phục tình yêu Thiên Chúa hiện hữu trong mọi thụ tạo, Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta theo khuôn mẫu tình yêu của Ngài. Chan chứa trong con người những nguồn mạch tình yêu này, chúng ta sẽ khám phá quà tặng của Thiên Chúa. Không có tình yêu nào mà lại xa lạ với Thiên Chúa.

Thánh Gioan, trong thư thứ nhất của người, nói với chúng ta rẳng: “Anh em thân mến, ta hãy yêu mến nhau, vì lòng mến phát tự Thiên Chúa và phàm ai yêu mến, thì đã sinh bởi Thiên Chúa và biết Thiên Chúa” (chương 4, câu 7). Tiếng sét ái tình giữa một người nam và một người nữ có thể là bình minh của một tình yêu, mà tình yêu làm cho người nam người nữ lớn lên, trở nên vững mạnh theo dòng thời gian, từ những niềm vui cũng như từ những thử thách cuộc đời.

87. Bạn gái con và con dự định cưới nhau, nhưng việc học chưa cho phép chúng con thực hiện ngay bây giờ. Trong những trường hợp như thế, Giáo Hội có ngăn cấm quan hệ tình dục không?

Đời sống tính dục, đối với lứa đôi, là một chiều kích chính của tình yêu. Vì lý do đó, hành vi tính dục phải được hòa nhập trong sự kết hợp được cảm hứng bởi tình yêu Thiên Chúa. Giáo Hội dạy rằng người nam và người nữ chỉ có thể hiến thân trọn vẹn cho nhau trong hôn nhân, là dấu chỉ của sự dấn thân vì yêu, dấu chỉ của giao ước giữa Thiên Chúa và nhân loại. Đó là điều mà Giáo hội truyền dạy cho những tín hữu muốn sống sung mãn đức tin của mình. Giáo hội không cố tìm cách hành xử như nhà lập pháp hay vị thẩm phán, mà chỉ muốn chỉ bảo con đường dẫn đến Chúa Kitô.

Một giải đáp thành văn không phải là cách thích hợp nhất để bàn về vấn đề này. Tôi khuyên bạn nên cũng cố bạn gái của mình, tìm gặp một vị linh mục có thể giúp đỡ các bạn tiếp tục suy nghĩ và đào sâu đức tin.

Để kết luận, tôi nhắc bạn lời của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II nói với các bạn trẻ ở Lyon năm 1986: “Thời kỳ đi lại, đính hôn, là thời điểm kỳ diệu để tìm hiểu. Các bạn đừng phí phạm thời kỳ đó. Ngay từ bây giờ, các bạn nên chuẩn bị cẩn thận cho một sự dấn thân như thế. Đừng nhầm lẫn kinh nghiệm vội vàng hưởng thụ trước, với sư hiến thân trong tình yêu, được ưng thuận một cách sáng suốt và vĩnh viễn”.

88. Lập gia đình từ hai năm rưỡi nay, sắp sửa làm mẹ của hai đứa bé, con thật thất vọng với đời sống lứa đôi. Chồng con không sống thật sự hòa hợp với tinh thần con. Con như sống với một người xa lạ chỉ biết đến thân xác con. Thưa cha, con phải làm gì để cứu vãn gia đình con?

Không thể khuyên chị điều gì nếu không biết hoàn cảnh cụ thể của chị. Bởi vì chị quyết tâm cứu vãn gia đình, chị có thể, một mình hoặc với chồng chị, liên hệ với một tổ chứ công giáo, tổ chức có thể hướng dẫn chị theo chiều hướng phát triển mà chị ao ước. Chị đừng sống hoàn cảnh của mình trong cô đơn.

89. Tôi được mười tám tuổi. Tôi là người công giáo sống đạo. Mọi sự đều sẽ tốt đẹp nếu tôi không đồng tình luyến ái. Tôi đau khổ vì rơi vào một tình trạng mà tôi đã không chọn lựa. Có thể tôi quá nguyên tắc chăng? Có thể Giáo hội từ bỏ tôi, tôi đau khổ. Nhưng tôi còn đau khổ hơn vì làm Chúa Kitô đau khổ? Tôi phải làm gì đây?

Tôi hiểu nỗi đau khổ của ông. Ông đã không chọn trở thành người đồng tính luyến ái, và thực trạng này thật khó sống. Thế nhưng ông đừng nghĩ rằng Giáo Hội từ bỏ ông. Ông hãy múc lấy trong sự trung thành với Chúa Kitô sức mạnh để khỏi ngã lòng. Tôi khuyên ông nên bày tỏ nỗi khó khăn này với một vị linh mục vừa khi ông cảm thấy khá thoải mái để thực hiện điều đó.

Trong khi chờ đợi, đây là đôi hàng của linh mục Xavier Thévenot, trong quyển sách của ngài: “Mục tiêu luân lý cho một thế giới mới”: “Thiên Chúa không muốn sự hạ nhục, có nghĩa là sự con người tự làm giảm giá trị của mình. Điều mà Thiên Chúa mong ước, chính là lòng khiêm nhu, có nghĩa là sự bình thản nhìn nhận thực tại (…). Một con đường sẽ rộng mở cho phép hiểu rằng, nhờ hồng ân Thiên Chúa, ta có thể trở nên một vị đại thánh, bất chấp những khó khăn tính dục không thể vượt qua được”.

90. Con được mười chín tuổi và con có một niềm tin sâu xa vào Thiên Chúa, mà con tin là Tình Yêu. Nhung con lại là người đồng tính luyến ái. Và như thế, con cảm thấy bị Giáo Hội từ bỏ và con đau khổ vô cùng. Con có thể làm gì?

Bạn không nên sống trong tâm trạng tội lỗi. Hãy biết rằng bạn thế nào thì Thiên Chúa yêu bạn thế ấy. Điều mà Ngài chờ đợi bạn thì khó khăn và khắt khe đấy, bạn có thể múc lấy trong kinh nguyện sức mạnh để sống trung lành với Chúa Kitô. Nhưng bạn không thể một mình mang lấy nỗi đau của mình. Nặng lắm đây. Điều chính yếu, là bạn có thể được trợ giúp và nâng đỡ. Khi có thể, tôi khuyên bạn nên gặp một linh mục để trình bày với Ngài một cách tự do và tin tưởng.

91. Làm thế nào để chống trả các tư tưởng không trong sạch, và làm sao có can đảm xưng thú chúng ra, dù rằng đó chỉ là những tội nhẹ?

Để khuyến khích bạn trong lĩnh vực này, tôi khuyên bạn nên đọc lại các lời đáng nhớ của các Giáo Phụ sa mạc. Những lời đầy khôn ngoan, thu thập từ những đan sĩ đầu tiên ở Ai Cập, sẽ mang lại cho bạn một sự trợ lực lớn lao bởi sự tinh tế và tính hài hước. Có một quyển sách nhỏ, do đan viện Solesmes xuất bản dưới tựa đề: “Lạy Cha, xin cho con một lời khuyên”.Trong đó, có chương nói về những tư tưởng xấu xa mà bạn đang ưu tư. Xin trích dẫn một đoạn: “Trong vấn đề này, giống như một người cầm lửa ở tay trái và một chậu nước ở tay mặt. Nếu lửa bốc cháy, người ấy lấy nước ở trong chậu để dập tắt. Lửa ấy chính là mầm sống của Ác quỉ, và nước, chính là việc ẩn mình vào sự hiện diện của Thiên Chúa!”.

Nếu bạn ao ước tâm hồn được thanh thoát, thì kinh nguyện có thể trợ giúp. Bạn cũng có thể xin lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải, bí tích của niềm vui được tha thứ.

92. Ý nghĩa của đức khiết tịnh là gì?

Tất cả mọi Kitô hữu đều được mời gọi bước theo Chúa Kitô, sống khiết tịnh trong hôn nhân, cũng như trong bậc độc thân. Khiết tịnh, đó là thực hiện tính dục bằng cách chấp nhận tha nhân như chính họ, không ràng buộc tha nhân vào lòng ham muốn của riêng mình. Chúa Kitô đã khuyến khích sự khiết tịnh bằng chính gương lành của minh. Thánh Phaolô đã viết rằng sự khiết tịnh đảm bảo sự tự do rộng lớn hơn trong việc mưu tìm Thiên Chúa (thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, chương 7). Một số người tuyên khấn khiết tịnh, nghĩa là họ tuyên hứa hoàn toàn đáp lại lời mời gọi đó của Thiên Chúa.

93. Thưa Cha, tại sao Giáo Hội chấp thuận cho các linh mục thi hành nghĩa vụ quân sự? Điều đó không trái nghịch với sứ điệp tình yêu của Chúa Kitô sao? Cũng vậy, người công giáo dấn thân trong quân đội, không sống trái ngược với giới luật “chớ giết người” đó sao?

Để trả lời vấn nạn thứ nhất của bạn, tôi chỉ có thể nại đến luật nước Pháp. Luật buộc mọi công dân Pháp phải sử dụng vũ khí mà bảo vệ Tổ quốc, trong tinh thần bảo vệ hợp pháp, luật không công nhận dành cho các linh mục quyền miễn trừ nghĩa vụ quân sự.

Còn về vấn nạn thứ hai, tôi nghĩ nó tùy thuộc vào một câu hỏi phổ biến hơn: ngày nay, làm cách nào để xây dựng một thế giới hòa bình và yêu thương? Để là chủ nhân của nền hòa bình, con người có thể thực hiện những sự lựa chon khác nhau nào? Người công giáo yêu cầu được như là những người có quyền kháng nghị về lương tâm. Giáo Hội thừa nhận ở sự bất bạo động một giá trị tiên báo, và bảo vệ quyền kháng nghị của lương tâm giữa những quyền khác nhau của con người. Giáo Hội nhận thấy nơi các chiến sĩ vai trò cổ vũ hòa bình. Dù cách chọn lựa nào đi nữa, con người đều được mời gọi nên cảnh giác, để kiến tạo một nền hòa bình chân thực.

94. Người ta gọi các nhân đức căn bản là gì? Đâu là sự khác biệt giữa các nhân đức căn bản và các nhân đức “đối thần”?

Nhân đức là một trạng thái sẵn sàng để làm điều thiện. Trạng thái này có thể do từ chính bản thân con người. Người ta gọi đó là “nhân đức tự nhiên”. Trong một số các nhân đức tự nhiên nơi con người, người ta phân biệt những nhân đức gọi là “căn bản”, đó là khôn ngoan, công bình, dũng mạnh và tiết lộ. Đức khôn ngoan xét như là nhân đức căn bản, không phải là việc ăn ở khôn ngoan, mà là biết thực hiện sự khôn ngoan, ví dụ như biết phân tích một hoàn cảnh, thấy những hành động của mình… Đối với các tín hữu, đức công bình là cơ bản. Thiên Chúa là vị thẩm phán công minh duy nhất. Ngài dạy chúng ta ăn ở công bình, biết chia sẻ. Đức dũng mạnh ban sự can đảm để hành động, để chịu đựng sự không thông cảm. Nó khác biệt với bạo lực. Đức tiết độ là việc biết kiểm soát những ham muốn và dục vọng của mình.

Trạng thái sẵn sang làm điều thiện cũng có thể được Thiên Chúa ban cho. Người ta goi đó là “nhân đức siêu nhiên”. Thánh Phaolô nói đến các nhân đức này trong thư gửi tín hữu Côrinthô. Đó là đức tin, đức cậy và đức mến (thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, chương 13).

Nguyên tác: "100 QUESTIONS SUR LA FOI" của linh mục JEAN-MICHEL DI FALCO - Centurion 1993
Bản dịch của một vị Khuyết Danh