"Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh." (Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Thế giới thần bí của thánh Phanxicô


Nói đến thánh Phan-xi-cô người ta thường nghĩ tới cuộc đời cụ thể của ngài, một con người sống nghèo khó, huynh đệ, thân thiện với thiên nhiên, với mọi loài thụ tạo. Người ta hầu như không  biết gì đến các di cảo của ngài (ngoại trừ kinh Hoà Bình, mà kinh này cũng không trực tiếp phát xuất từ ngài), và từ đó không biết gì về thế giới nội tâm và nhất là thế giới thần-bí của Ngài.

Động lực đã làm ngài thay đổi cuộc đời, chính là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống.Vì thế qua kiểu nói "thế giới thần bí", chúng tôi muốn nghĩ tới quan niệm của ngài về mầu nhiệm Thiên-Chúa và những gì liên hệ đến Thiên-Chúa. Chính từ cuộc gặp gỡ đó với Thiên-Chúa, với Chúa Ki-tô,  mà Phan-xi-cô vạch ra những hướng đi thiêng-liêng mà ta gọi là "Linh đạo Phan-sinh". Vì thế trước khi bàn đến lối sống cụ thể này, chúng ta nên tìm hiểu nguồn cội của nó, tức là thế giới thần bí của thánh nhân. Không có nguồn cội này, không có trung tâm này, thì tất cả  đời sống chỉ là cái vỏ, một cuộc sống khô cằn mặc dầu theo đúng mọi giới luật.

Vậy câu hỏi đầu tiên và cơ bản: Phan-xi-cô quan niệm thế nào về Thiên-Chúa?
  
QUAN NIỆM CỦA THÁNH PHAN-XI-CÔ VỀ THIÊN CHÚA

I. Mầu nhiệm Ba Ngôi

Trước hết chúng ta có thể nói rằng quan niệm của Phan-xi-cô về Thiên-Chúa bắt nguồn từ Kinh-thánh, hay nói rõ hơn, từ Kinh-thánh được Giáo-hội giới thiệu qua Phụng-vụ.
Từ Cựu-ước, Phan-xi-cô đặc biệt trích dẫn các Thánh vịnh (ngài thuộc lòng hầu hết các thánh vịnh), sách Sáng thế 4 lần, sách Tôbia 7 lần, sách Isaia 6 lần, sách Đanien 9 lần v.v... Từ Tân-ước, Phan-xi-cô trích dẫn hầu hết các thư văn, đặc biệt các sách Tin Mừng: và trong các sách Tin Mừng, thì ảnh hưởng của Gio-an là rõ nét hơn cả.

Chính vì chịu ảnh hưởng đặc biệt của Kinh-thánh, nên Phan-xi-cô không trình bày cho chúng ta một khoa thần học trừu tượng, nhưng mời gọi chúng ta chiêm ngắm vị Thiên-Chúa đã tỏ mình ra trong lịch sử cứu độ mà ba thời điểm quan trọng nhất là Sáng tạo, Chuộc tội, và  Cứu độ. Vì thế  trong Di-cảo, Thiên-Chúa thường được gọi bằng những tước hiệu như "Đấng Tạo-hoá, Chuộc tội và Cứu độ" (Lksc 16,7; 23,9; K LC 1)[1], hoặc "Đấng hiện có, đang có và sẽ tới" (KSt 1); Ngài là "Đấng đã thực hiện những kỳ công" (KVQ IX,1; X,2).

Vì chịu ảnh hưởng đặc biệt của Gioan, nên vị Thiên-Chúa mà Phan-xi-cô chiêm ngắm, là mầu nhiệm "Ba Ngôi trọn hảo trong  mối hiệp nhất tuyệt đối" (TTD 52): Chúa Cha chí thánh, Người Con yêu dấu và Thánh Khí sự thật và sự sống. Tuyên xưng "Ba Ngôi trọn hảo" là khẳng định có sự khác biệt đích thực giữa các ngôi vị, nhưng sự khác biệt ấy không tạo ra sự hơn, kém: ngôi vị này khác biệt với hai ngôi vị kia, và được hai ngôi vị kia chấp nhận như thế. Ba ngôi vị khác biệt nhau, nhưng yêu mến nhau, hiện diện trong nhau (Thần học Tín lý gọi là "tương tại"), vì thế tạo nên "sự hiệp nhất tuyệt đối". Trong quyển "Di Cảo" mỗi lần nhắc đến "Ba Ngôi" (Trinitas), Phan-xi-cô liền thêm " Hiệp nhất" (Unitas): điều đó biểu lộ một ý thức sâu xa của thánh nhân, chứ ngài không trích dẫn cách máy móc kiểu nói cổ truyền "Ba Ngôi".

Chúng ta đã nghe nhiều lần từ "Thiên-Chúa" hay từ "Ba Ngôi ", nhưng ít khi chú ý, nên các từ ấy chẳng nói với chúng ta điều gì đặc biệt. Thậm chí, chúng ta xem "Ba Ngôi" như một bài toán vô lý: một là ba và ba là một! Còn đối với Phan-xi-cô, nói động đến Thiên-Chúa là như động đến một dây đàn: nó vang lên và làm rung động tận tâm can người. Phan-xi-cô nói về Thiên-Chúa không phải như một giáo-sư, nhưng như một thi-sĩ, hay đúng hơn như một nhà chiêm ngưỡng, hay một em bé trước một thực tại kỳ diệu.

II. Chúa Cha

1. Cha cao cả, nhưng lại khiêm nhường

Chúa Cha là Trung-tâm và là Nguồn gốc mọi sự. Ngài là Cha trên trời, là Đấng Tối cao: "không ai xứng đáng gọi Danh Ngài " (Lksc 23,5; BCMt 2). Trong rất nhiều tước hiệu được tặng cho Ngài, thì phần lớn biểu lộ tính siêu việt. Bởi vậy trước mặt Thiên-Chúa, con người chỉ biết bập bẹ và diễn tả bằng thứ "thần học phủ định", vì Thiên-Chúa vượt ra ngoài những gì con người có thể cảm nhận được:

"Người là Đấng vô thủy vô chung,
thường hằng bất biến,
người ta không thể thấy được,
không thể nói ra được,
không thể diễn tả được,
không thể hiểu được,
không thể truy tầm được"
(Lksc 23,11)

Ngài là Đấng Tối Cao, Đấng Cực thánh, Đấng Toàn năng, Đấng Vinh hiển, là Đức Vua thống trị trời đất. Trong Huấn ngôn 1, Phan-xi-cô trích ba câu trong Tân-ước để diễn tả tính siêu việt của Thiên-Chúa: "Chúa Cha ngự trong ánh sáng siêu phàm (x. 1Tm 6,16), và Thiên Chúa là Thánh Khí(Ga 4,24), và không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ (Ga 1,18). Vì thế người ta chỉ có thể thấy được Người trong Thánh Khí..." (Ga 6,63; Hn 1,5-6).

Trong Kinh Ngợi khen Thiên-Chúa Tối cao gửi cho anh Lê-ô vào tháng 9 năm 1224, sau khi đã trải qua 40 ngày trên núi La Verna và đã được lãnh nhận 5 dấu đinh của Chúa Ki-tô, Phan-xi-cô nêu ra gần 50 tước hiệu của Thiên-Chúa, trong đó gần một nửa diễn tả sắc thái vinh hiển và toàn năng của Ngài.

Có điều lạ lùng là cũng trong kinh này, sau khi đã chiêm ngắm Thiên-Chúa qua các tước hiệu thánh thiện, mạnh mẽ, vĩ đại cao-cả, toàn năng..., Phan-xi-cô lại nêu ra một phẩm tính lạ lùng: "Ngài là hiện thân của sự khiêm nhường" (humilitas).  " Khiêm nhường" ở đây không phải là một đức tính, một thái độ, mà chủ yếu là hành vi Thiên-Chúa tự trao ban cho con người là thụ tạo thấp hèn qua việc Chúa Con nhập thể để đi xuống với loài người và nay còn hiện diện trong Bí tích Thánh thể. Chúng ta hãy suy gẫm những lời sau đây của thánh Phan-xi-cô:

"Ôi điều cao cả kỳ diệu, một sự hạ mình đáng kinh ngạc! Ôi lòng khiêm hạ thẳm sâu, một điều trọng đại mà thật khiêm tốn! Chúa tể càn khôn, Thiên-Chúa và là Con Thiên Chúa hạ mình xuống đến ẩn náu dưới hình bánh nhỏ mọn để cứu độ chúng ta. 28 Hỡi anh em, hãy nhìn ngắm sự khiêm nhường của Thiên Chúa và trước mặt Người hãy tuôn đổ cõi lòng[2] ( Tv 61,9). Anh em hãy hạ mình xuống để Người nâng anh em lên (x. 1Pr 5,6 ; Gc 4,10). 29 Vậy anh em đừng giữ lại cho mình bất cứ điều gì, để Chúa là Đấng đã hiến trọn thân mình cho anh em, cũng sẽ nhận lấy toàn thân anh em" (TTd 27-29)[3].

2. Cha tốt lành

Nhờ Đức Giê-su mặc khải, Phan-xi-cô cảm nghiệm được Thiên-Chúa là Đấng vô cùng tốt lành:

"Ngài là tình yêu, là bác ái...
Ngài nhân từ,
Ngài là nơi nương tựa an toàn,
Ngài là chốn nghỉ ngơi,
Ngài là niềm vui,
Ngài là niềm hy vọng và hân hoan,
Ngài là sự công chính và tiết độ.
Ngài là tất cả kho tàng sung mãn của chúng con" (KLêô 4).

Phan-xi-cô nhắc đi nhắc lại nhiều lần Thiên-Chúa là Sự Thiện:

"Vậy chúng ta đừng ước ao, đừng ham muốn,
cũng đừng vui thích hay yêu quí điều gì
ngoài Đấng Tạo hóa, Cứu chuộc và Cứu độ chúng ta:
chỉ mình Người là Thiên Chúa thật,
là sự thiện viên mãn, tất cả sự thiện,
sự thiện vẹn toàn,
sự thiện chân thật và tối thiện;
chỉ mình Người là tốt lành"
 (x. Lc 18,19; Lksc 23,9; 17,18; KLC 2; KSt 11).

Vì Thiên-Chúa là Sự Thiện, nên Ngài là Tình yêu [4]. Vị Thiên-Chúa mà Phan-xi-cô chiêm ngắm là Đấng mà Đức Giê-su mặc khải, đặc biệt qua bài giảng trên núi (Lc 6,20tt; Mt 5,3 tt). Người thường nhắc đi nhắc lại nhiều lần những phúc lộc mà Đức Giê-su đã tuyên bố:

"Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó... (Hn 14),
"Phúc thay ai xây dựng hòa bình... (Hn 13 và 15),
"Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch ... (Hn 16)

Và hơn 10 huấn ngôn khác được trình bày theo kiểu các phúc lộc: "Phúc thay người tôi tớ...". Điều này cho thấy vị Thiên-Chúa của Phan-xi-cô là Thiên-Chúa của người nghèo, Đấng hằng che chở họ và nghe lời kêu van của họ. Điều này càng thể hiện rõ ràng hơn trong bộ Kinh vượt qua, trong đó Phan-xi-cô chọn những câu thánh vịnh diễn tả tình yêu và sự trợ giúp của Thiên-Chúa đối với những người nghèo khổ.

3. Chúa Cha là nguồn gốc và cùng đích mọi sự

Trong Ba Ngôi, Chúa Cha giữ vị trí ưu đẳng, vì Ngài đã sinh ra Chúa Con và đã sai Chúa Con xuống thế (x.2 TTh 4, đặc biệt KVQ 15). Chính Chúa Cha có sáng kiến về mọi hành động cứu độ.

Vì thế tất cả  mọi lời kinh của thánh Phan-xi-cô đều dâng lên Chúa Cha, trừ hai kinh dâng lên Chúa Ki-tô[5] và hai kinh dâng lên Đức Trinh Nữ Ma-ri-a[6]. Đó cũng chính là quy luật số 1 của Phụng-vụ: mọi lời kinh đều được dâng lên Chúa Cha, nhờ Chúa Ki-tô (per Christum, ad Patrem).

4. Cha của Đức Giê-su

Thiên-Chúa là Cha, nhưng trước hết Ngài là Cha của Đức Giê-su. Vì thế Phan-xi-cô ít khi đặt tình phụ tử của Thiên-Chúa trong tương quan trực tiếp với loài người. Chúng ta chỉ có thể đến với Chúa Cha nhờ Đức Giê-su mà thôi. Chỉ có Chúa Giê-su mới có thể tạ ơn Chúa Cha một cách xứng đáng (Lksc 23,5). Chỉ có Chúa Giê-su mới có thể gọi Thiên-Chúa là "Cha của con" (Mi Pater), và sở dĩ loài người có thể thưa với Thiên-Chúa "Lạy Cha chúng con ở trên trời" là nhờ Chúa Giê-su và trong Chúa Giê-su mà thôi.

III. Đức Giê-su Ki-tô

1. Cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh-thần

Nhiều người nghĩ rằng khi nói về Đức Giê-su, Phan-xi-cô chỉ nghĩ tới Hài-nhi Giê-su trong máng cỏ hoặc Đức Giê-su chịu đóng đinh trên thập giá. Điều đó chỉ đúng một phần thôi. Cũng như đại đa số dân chúng vào thời Trung-cổ, Phan-xi-cô có một ý thức rất sâu xa về thần tính của Chúa Giê-su.

Thánh Phanxicô không bao giờ nhìn Đức Kitô tách rời khỏi Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Đức Kitô luôn ở trong tương quan yêu thương và cùng hành động với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

Đức Kitô là "Người Con yêu dấu của Chúa Cha", "sự Khôn ngoan đích thực của Chúa Cha", "Lời của Chúa Cha". Người đã được Chúa Cha chí thánh chí công "ban tặng"cho loài người, "phái xuống từ trời cao". Người "đến" với chúng ta như "Ánh sáng" đến trong một thế giới mù quáng và gian dối. Người Con yêu dấu ấy đã trở nên "người Anh của chúng ta", một người Anh hiến mạng sống mình cho chúng ta và không ngừng cầu nguyện cùng Chúa Cha cho chúng ta.

Như thế, thánh Phanxicô nhìn toàn thể cuộc đời của Đức Kitô như là sự thể hiện ý định yêu thương của Chúa Cha, như là sự bày tỏ "đức khiêm hạ" luôn hiện hữu bên trong Ba Ngôi, và đức "khiêm hạ" ấy chính là việc Thiên Chúa Tối Cao tự ban chính mình cho các thụ tạo Người dựng lên.

Đức Kitô được gọi là "sự Khôn ngoan đích thực của Chúa Cha", nhưng dồng thời Người cũng là "Khôn ngoan của Chúa Thánh Thần". Chính nhờ Thần Khí mà chúng ta có thể nhận ra Người là Chúa, nhận ra sự hiện diện của Người trong phép Thánh Thể, tiếp nhận Người cách xứng đáng trong tâm hồn và sống kết hiệp với Người.

Với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, "Người là đấng Tạo dựng, Chuộc tội và Cứu độ". Nếu không có một danh hiệu nào trong ba danh hiệu ấy được dành riêng cho Người, đó là vì thánh Phanxicô luôn nhìn thấy Người cùng hành động với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Trong bản chất Người là Đấng Trung gian: "Nhờ Thánh Tử duy nhất cùng với Chúa Thánh-thần, Cha đã dựng nên muôn vật hữu hình và vô hình, và đã dựng nên chúng con... và nhờ Người, Cha đã làm bao nhiêu việc cho chúng con" (Lksc 23,1. 5). Nhờ Đức Giê-su mọi công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa được thực hiện giữa loài người và cho loài người [7].

Cũng như Chúa Cha, Người được gọi là "Đấng Tối cao" (T Gs 3) [8], "Thiên-Chúa hằng sống và chân thật" ( T CPv 7-8), "Thiên-Chúa của It-ra-en" (KVQ VI,15); Người  là Đấng "không bao giờ chết nữa, nhưng  hằng sống trong vinh quang vĩnh-cửu" (TTD 22). Phan-xi-cô mời gọi anh em "khi nghe Danh Người, anh em hãy sấp mình xuống đất [9], thờ lạy với lòng tôn sùng và kính sợ: Người là Chúa Giê-su, Danh Người là Con Đấng Tối cao" (TTD 4).

2. Trong một  ngôi vị duy nhất

Thánh Phanxicô luôn chiêm ngắm Con Thiên Chúa như một ngôi vị duy nhất, vừa mang tính thần linh vừa mang tính nhân loại. Nếu đem so sánh với thánh Bênađô, chúng ta sẽ thấy rõ cách tiếp cận đặc biệt của thánh Phanxicô.
Theo học thuyết tu đức của thánh Bênađô, linh hồn tiến bước về với Ba Ngôi Thiên Chúa qua từng giai đoạn một. Trước hết, linh hồn gắn bó với nhân tính của Đức Kitô(tình yêu theo thể lý), sau đó gắn bó với các giáo huấn của Hội Thánh về Đức Kitô (tình yêu theo lý trí), cuối cùng linh hồn không gắn bó với con người cho bằng gắn bó với Ngôi Lời (tình yêu theo tinh thần). Qua Đức Kitô, linh hồn con người đến được với Ngôi Lời. Rồi đến lượt mình, Chúa Con lại mặc khải Chúa Cha cho con người[10].

Theo quan điểm của thánh Bênađô, đây là một hành trình được thực hiện cách tiệm tiến và có phương pháp. Theo chỗ chúng tôi thấy, ở cấp bậc tình yêu theo tinh thần, nhân tính của Đức Kitô không còn vị trí nào nữa. Thánh Bênađô viết: "Bạn hãy cẩn thận đừng nghĩ đến gì về phương diện thể lý và khả giác trong việc kết hiệp của Ngôi Lời với linh hồn"[11].

Làm như thế là nhìn Đức Kitô theo phương cách của triết học Platô: giống như triết gia, theo biện chứng của Platô, khởi đi từ thế giới khả giác để sau đó đạt tới thế giới thượng đẳng của các ý tưởng, người kitô hữu cũng phải trước hết nhìn vào nhân tính của Đức Kitô để sau đó kết hiệp với thần tính của Người. Trong quan niệm này, tất cả sự chú ý hướng về bản tính kép của Đức Kitô, với nhân tính làm đường dẫn đến thần tính của Người.

Quan niệm duy trí này không phải là quan niệm của thánh Phanxicô. Ngài không hề chịu một ảnh hưởng nào của triết học. Chúng tôi thấy quan niệm của ngài gần với Phúc âm hơn, đặc biệt là gần với sách Phúc âm của thánh Gioan. Quả vậy, nơi thánh Phanxicô, tất cả sự chú ý không hướng về bản tính kép trong Đức Kitô, nhưng hướng về Ngôi vị duy nhất của người Con. Vì thế rất ít khi ngài nói đến nhân tính và thần tính của Đức Kitô[12], nhưng ngài nói nhiều hơn đến "Con yêu dấu" và đến "Cha chí thánh, chí công". Hơn thế nữa, ngài còn nhìn thấy tác động của Đức Kitô, Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người, ngay từ lúc tạo dựng thế giới, trong chức năng là Hình ảnh-Mẫu mực mà Chúa Cha đã dùng để dựng nên thân thể và tinh thần con người. Tâm trí ngài không bao giờ lìa xa nhân tính của Đức Kitô.

Ở đây chúng ta cần nhắc lại kinh nghiệm thần bí của ngài tại núi La Vécna. Ở đỉnh cao của chiêm ngắm, chính Đức Kitô chịu đóng đinh đã hiện ra với ngài[13].

Chúa Con nhập thể là một Ngôi vị sống động, qua Người và trong Người loài người gặp được Chúa Cha: Người là Trung gian và Môi trường gặp gỡ giữa loài người và Chúa Cha. Thánh Phanxicô không bao giờ cho chúng ta cảm tưởng rằng nhân tính của Đức Kitô chỉ là một giai đoạn tạm thời trong hành trình của linh hồn lên cùng Chúa Cha. Một cảm tưởng như thế dễ nảy sinh từ quan niệm về ngôi vị Đức Kitô theo học thuyết Platô.

Tóm lại, trong quan niệm của thánh Bênađô, hành trình của linh hồn được trình bày như sau: "Xin cho chúng con được đi theo Chúa, và đi từ Chúa để đến với Chúa"[14].

Còn hành trình của thánh Phanxicô được trình bày như sau:
"Nhờ được thanh luyện tận bên trong tâm hồn, được soi sáng và nung nấu tận bên trong tâm hồn bởi ngọn lửa Thánh Thần, chúng con có thể bước theo vết chân Con Yêu dấu Chúa, là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, và chỉ nhờ ơn Chúa trợ giúp, chúng con đến được với Chúa, là Thiên Chúa tối cao ..."[15]...

Đặc điểm của quan niệm về Đức Kitô ở đây là hướng sự chú ý không phải đến hai bản tính của Đức Kitô, nhưng đến ngôi vị duy nhất của Chúa Con bên trong Ba Ngôi Thiên Chúa [16].

3. Trong tất cả mầu nhiệm của Người Con

3.1. Mầu nhiệm Nhập thể

Chắc chắn hình ảnh Đức Kitô chịu đóng đinh đã ảnh hưởng sâu đậm trên thánh Phanxicô. Ngài tha thiết nói về Đức Kitô chịu Thương khó dưới các hình ảnh Con Chiên bị sát tế, Người Mục tử nhân lành, Người Tôi tớ có dung mạo chai như đá, người Anh hiến mạng sống mình cho đàn em.

Phải nói một cách tổng quát rằng mầu nhiệm Nhập thể với sự "tự hủy" của Con Thiên-Chúa luôn luôn đánh động tâm hồn của Phan-xi-cô. Người thường xuyên nhắc tới sự nghèo khó và khiêm hạ của Chúa Giê-su và Mẹ Người (x. Lksc 9,1.5; L. 6,3; 12,4...). Trong cuộc sống ở trần gian "Chúa đã trở thành Ngôi Lời bé mọn" (Verbum abbreviatum: L 9,4).
Từ đó chúng ta có thể khẳng định rằng đức nghèo khó mà thánh Phan-xi-cô thường nói tới và hằng theo đuổi mang tính cách Ki-tô-học. Phan-xi-cô yêu mến một cuộc sống nghèo khó, không phải vì sự nghèo khó tự nó là một nhân đức, nhưng vì đó là lối sống của Con Thiên-Chúa ở trần gian. Vì thế lối sống nghèo khó và hèn mọn của người Anh em Hèn mọn cũng phải mang tính cách Ki-tô-học.

3.2. Trong toàn bộ chương trình của Chúa Cha

Tuy nhiên Thánh Phan-xi-cô không dừng lại ở khía cạnh thấp hèn của Chúa. Ngài thấy Đức Kitô hoạt động với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần ngay từ lúc tạo dựng thế giới cho đến Ngày Cuối cùng, đó là điều chúng ta đã thấy qua việc phân tích ba tước hiệuĐấng Tạo hóa, Đấng Chuộc tội và Đấng Cứu độ.
Bộ Kinh Vượt Qua cũng là một dấu chỉ nhiều ý nghĩa: đây là một bộ kinh Thần tụng mà người ta nghĩ là được soạn để tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa; nhưng trong đó các mầu nhiệm Giáng sinh, Phục sinh, Thăng thiên, và Quang lâm lại chiếm hơn một nửa số các thánh vịnh.

Có thể nói Thánh Phan-xi-cô nhìn ngắm Đức Ki-tô qua các công trình kỳ diệu của Chúa Cha được thực hiện suốt dòng lịch sử [17].

4. Phác họa sơ lược hình ảnh Chúa Giê-su trong bộ kinh Vượt-qua

Sự kiện thánh Phan-xi-cô đã chiêm ngắm Chúa Giê-su qua các Thánh vịnh tạo nên một hình ảnh về Con Thiên-Chúa  rất độc đáo mà khoa Ki-tô-học cổ truyền không dễ dàng chấp nhận về hết mọi điểm. Sau đây chúng tôi chỉ nêu lên vài nét sơ lược.

4.1. Con Thiên-Chúa là Trưởng tử

Đức Giê-su là "người Con yêu dấu" của Thiên-Chúa  (KVQ 7,3; 9,2;15,3). Trong các thánh vịnh, người  tín hữu thường gọi Thiên-Chúa là "Lạy Chúa " (Domine), thì người đọc thánh vịnh trong Bộ kinh Vượt Qua gọi Thiên-Chúa là "Cha chí thánh", "Cha cực thánh" (Pater sancte hoặc sanctissime), "Cha cực thánh của con" (Mi Pater, Pater sanctissime meus).
Khi xuống thế làm người người Con ấy được Chúa Cha đặt làm "Trưởng tử" (KVQ 15,4), và như vậy Người là Người Anh Cả của loài người (x.2 Cel.198; ĐT 8,6; 9,3-4).
Tư tưởng này đã được thánh Phao-lô diễn tả trong Rm 8,29, nhưng không được phổ biến trong thời Trung-cổ (Luật thánh Benêđictô gọi Chúa Giê-su là "Cha"). Vào thời ấy người ta chỉ nhìn thấy thần tính của Người; vì thế Người không còn là Trung-gian bầu cử cho ta trước mặt Thiên-Chúa nữa, nhưng là thẩm phán uy nghiêm. Các bức phù điêu, các bức họa vào thế kỷ XII-XIII thường trình bày Đức Giê-su ngồi trên ngai để xét xử muôn dân, theo gợi hứng của sách Khải huyền 4,1-11 (lưu ý là bản văn miêu tả Thiên-Chúa, tức là Chúa Cha).

4.2. Đức Giê-su cầu nguyện

Đức Giê-su  đã dùng các Thánh vịnh để cầu nguyện. Các thánh vịnh là lời kinh của những người nghèo (anawim), đã trở thành lời kinh của Chúa Giê-su. Chúng ta cần lưu ý thêm là trong bộ Kinh Vượt-qua, các câu thánh-vịnh đã được thánh Phan-xi-cô lựa chọn không phải một cách tình cờ, nhưng chính  hình ảnh Đức Giê-su đang kêu van chi phối sự lựa chọn ấy. Các câu thánh-vịnh được chọn là những chỗ trong Kinh-thánh đã đánh động tâm hồn thánh Phan-xi-cô nhất.

Từ đó chúng ta nhận thấy là toàn thể bộ Kinh Vượt-qua nêu ra cho chúng ta hình ảnh một Đức Ki-tô đang cầu khẩn (orare), đang kêu van (clamare), đang nguyện xin (petere), đang ngâm tụng (psallere), đang hát (cantare; "kiểu nói "bài ca mới" được nhắc đi nhắc lại nhiều lần), đang mời gọi chúng ta cùng ngợi khen Thiên-Chúa với Người [18].

4.3. Đức Giê-su sống niềm trông cậy

Một khi đã trở nên nghèo khó và đón nhận lời kinh của những người nghèo, Đức Giê-su đã hoàn toàn đón nhận hoàn cảnh của họ và nhất là niềm trông cậy của họ: "Lạy Cha chí thánh, xin đừng đẩy xa ơn Ngài cứu độ; Xin đưa mắt nhìn mà cứu giúp con" (KVQ 1,9 v.v). Phan-xi-cô nhận thấy là trong cuộc khổ nạn thái độ cơ bản của Đức Giê-su là cầu nguyện cùng Chúa Cha và trông đợi sự giải thoát từ Chúa Cha. Người đã sống niềm trông cậy một cách mãnh liệt.

Ki-tô-học cổ truyền, vì còn quan niệm Đức Giê-su có "phúc kiến" (vision béatifique)[19], nên không bao giờ nói là Đức Giê-su có niềm tin hay có niềm trông cậy: Người chỉ là đối tượng để người ta tin và trông cậy.

Ngày nay, người ta không còn chấp nhận phúc-kiến[20], vì quan niệm ấy không phù hợp với "sự tự hủy" của Đức Giê-su trong cuộc sống tại thế. Bởi thế người ta có thể nói tới niềm tin và niềm trông cậy của Đức Giê-su vào Chúa Cha.

4.4. Đức Giê-su là người được cứu độ

Sự phục sinh của Đức Giê-su là công trình của Chúa Cha. Chính Chúa Cha đã giải phóng Người, đã cứu độ Người và đưa Người vào trong vinh quang (x. KVQ 3,3-5 v.v). Như vậy trước khi trở thành Đấng cứu độ của loài người, Đức Giê-su là người được Chúa Cha cứu độ. Người là mẫu người nghèo đã hết lòng trông cậy vào Thiên-Chúa, và được Thiên-Chúa giải phóng khỏi mọi gian truân.

Ki-tô-học cổ truyền trình bày Đức Giê-su là Đấng Cứu độ loài người, nhưng không bao giờ gợi ý rằng chính Ngài là người đầu tiên được Thiên-Chúa cứu độ.

4.5. Sự phục sinh của Đức Giê-su được nhìn từ nhiều phía

- Từ phía Thiên-Chúa ( khía cạnh thần học): sự phục-sinh trước hết  là công trình của Chúa Cha, là kỳ công trên mọi kỳ công, là "công trình cao trọng nhất" (summum opus Dei) của Thiên-Chúa  theo kiểu nói của Duns Scot. Kinh Vượt-qua 9 (câu 1-4) được sáng tác để ca ngợi mầu nhiệm Phục-sinh, bắt đầu bằng những câu như sau:

"Hát lên mừng Chúa một bài ca mới,
vì Người làm nên những điều kỳ diệu (Tv 97,1ab).
Tay phải Người, cánh tay chí thánh của Người
đã tác thánh người Con yêu dấu (Tv 97,1cd).
Chúa đã biểu dương ơn Người cứu độ,
mạc khải đức công chính trước mặt chư dân (Tv 97,2).
Trong ngày ấy, Chúa đã  đổ tình thương xuống,
và ban đêm vang lên bài ca chúc tụng Người"
(Tv 49,1)

Lưu ý động từ "tác thánh" của thánh vịnh 97 được hiểu là "làm cho sống lại". Bốn câu kinh này thôi cũng đã nói lên được các khía cạnh thần học, ki-tô-học và cứu-độ học.

- Từ phía Chúa Giê-su (khía cạnh Ki-tô-học): Đức Giê-su đã được được Chúa Cha "dẫn  đi", và "nâng lên trong vinh quang", rồi "đặt làm Thiên-Chúa của mọi dân tộc, và cả mặt đất này". Phan-xi-cô chỉ dùng các thánh vịnh thôi, mà chúng ta như nghe được lời giảng của Thánh Phê-rô (Cv 2,33: "Thiên-Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên...), hay lời dạy của Thánh Phao-lô (Pl 2,9-10: "Thiên-Chúa đã siêu tôn Người, và tặng ban Danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu..."). Qua các thánh vịnh Phan-xi-cô nghe được những lời sau đây của Chúa Giê-su:

"Tôi thiếp ngủ, rồi tôi chỗi dậy (Tv 3,6),
Cha cực thánh của tôi
đã nâng tôi lên [21] trong vinh quang (x. Tv 72,24c).
Lạy Cha chí thánh (Ga 17,11),
Ngài đã nắm lấy tay phải con,
và dẫn con đi theo thánh ý Ngài,
rồi nâng con lên vào chốn vinh quang (Tv 72,24).
Con được gì trên trời cao,
con ao ước gì dưới đất thấp
nếu chẳng phải là chính Ngài (Tv 72,25)?
Chúa phán: Hãy nhìn xem, hãy nhìn xem,
này Ta đây là Thiên Chúa,
Ta sẽ được nâng lên trên mọi dân tộc,
Ta sẽ được nâng lên khỏi mặt đất này"
(x. Tv 45,11)  (KVQ 6,11-14)

- Từ phía loài người (khía cạnh Cứu độ học): sự phục-sinh của Đức Giê-su là phúc cứu độ cho những người nghèo, là niềm vui của toàn vũ trụ.
Qua việc phục-sinh Đức Giê-su, Chúa Cha "biểu dương ơn Người cứu độ,  mặc khải đức công chính trước mặt chư dân...và đã đổ tình thương xuống" cho loài người  (KVQ 9,3-4).

Còn Chúa Giê-su thì chiếu tỏa vinh quang của Người trên toàn vũ trụ:

"Hỡi toàn thể địa cầu, hãy rung chuyển trước Thánh nhan,
Hãy nói với chư dân:
Từ trên cây gỗ, Đức Chúa thống trị (Tv 95,9b-10).
Người đã lên trời,
ngự bên hữu Chúa Cha chí thánh trên trời.
Lạy Chúa, xin hãy lên cao trên các tầng trời,
và xin chiếu tỏa vinh quang Ngài xuống mặt đất (Tv 56,12).
Chúng tôi biết Người đang ngự đến,
Người sẽ đến xét xử công minh"
( Tv  95,13b; x.KVQ 7, 9-11).

Qua câu "xin chiếu tỏa vinh quang Ngài xuống mặt đất", chúng ta có thể nghĩ tới lời cầu xin ơn Chúa Thánh-thần, vì Chúa Thánh-thần là "vinh quang của Chúa Giê-su", như chúng ta sẽ xem ở sau.
Câu cuối cùng cho thấy Đức Giê-su phục sinh cũng sẽ là thẩm phán công minh trong cuộc chung-thẩm: "Người sẽ đến xét xử công minh".

5. Hiện diện trong Bí tích Thánh thể và trong Kinh-thánh

Đối với Phan-xi-cô Đức Giê-su hiện diện với các tín hữu cho đến ngày tận thế trong Bí tích Thánh thể và trong Lời Kinh-thánh:
"Chúng ta không có cũng không thấy được điều gì cụ thể[22] về chính Đấng Tối cao ở đời này, ngoài Mình và  Máu, những danh hiệu và những lời của Ngài: nhờ những bảo vật ấy, chúng ta đã được dựng nên, được cứu thoát khỏi chết và dẫn đưa vào cõi sống(TGs 3; DC. 10-12; Hn 1,22; Lksc 22,38).

Vì thế đối với thánh nhân, chúng ta đến với Chúa Giê-su không phải chỉ bằng việc chiêm ngắm Mình thánh Chúa, một tập tục rất phổ biến và rất được trọng vọng vào thời Trung-cổ, mà phải ăn và uống Mình và Máu Chúa như chính Chúa đã dạy.

Vì thế có người cho rằng cách sống đạo của Phan-xi-cô chỉ nặng tính cách tình cảm và rời xa các Bí tích. Nhân nói về các hình thức phụng tự mới của thế kỷ XII và XIII được tạo ra để thay thế lòng đạo đức truyền thống của Hội Thánh dựa trên Phụng vụ: chẳng hạn, việc thờ phượng phép Thánh Thể thay thế việc rước lễ; các cuộc hành hương, các tuồng tích thánh thay cho việc cử hành phụng vụ, tác giả F. Vandenbroucke viết:
"Trong những việc đạo đức thay thế đang được tạo ra lúc bấy giờ, không thể coi nhẹ ảnh hưởng của phong trào Phan sinh. Bà Chúa Nghèo đã mang lại một lời đáp chính thống cho nhiều khát vọng khác nhau của thế kỷ trước. Nhưng lòng đạo đức của thánh Phanxicô mang một sắc thái "sùng kính" rất rõ..."[23].

Chữ "sùng kính" tác giả dùng ở đây có ý chỉ hình thức đạo đức bình dân "xa rời việc chiêm ngắm các kỳ công của Thiên Chúa để trở thành sùng mộ, trìu mến, tình cảm, chủ quan"[24].
Nhận định của Vandenbroucke áp dụng rất đúng đối với các anh em hèn mọn ở cuối thế kỷ XIII. Tác phẩm có tựa đề là "Các bài suy gẫm về cuộc đời Chúa Kitô" mà tác giả trích dẫn để làm bằng chứng cho ảnh hưởng của các tu sĩ Phan sinh trên lòng đạo đức bình dân thực sự được viết ra cuối thế kỷ XIII hoặc thậm chí đầu thế kỷ XIV[25].

Nhưng nếu đem áp dụng cho chính thánh Phanxicô Átxidi, nhận định ấy không đúng. Nếu đọc kỹ lưỡng các đoạn văn liên hệ đến các danh hiệu "Đấng Tạo hóa, Đấng Chuộc tội, và Đấng Cứu độ", người ta sẽ  thấy khá rõ rằng Thiên Chúa của thánh Phanxicô là "Đấng hiện có, đã có và đang đến", nghĩa là Đấng thường xuyên thực hiện những kỳ công suốt dòng lịch sử, trong đó ba cao điểm là việc tạo dựng, việc chuộc tội và việc cứu độ chung cuộc vào ngày tận thế. Như thế làm sao có thể nghĩ rằng lòng đạo đức của thánh Phanxicô "xa rời việc chiêm ngắm các kỳ công của Thiên Chúa"?

Việc phân tích lòng tin của thánh Phanxicô vào phép Mình Thánh và vào Lời Chúa còn cho chúng ta thấy lòng đạo đức của ngài không hề là "sùng mộ, trìu mến, tình cảm và chủ quan", nhưng căn bản là dựa trên các bí tích và được nuôi dưỡng từ các nguồn mạch Phúc âm và Thánh Thể. Đặc biệt phép Mình Thánh Chúa được hiểu dưới ánh sáng của Phụng vụ và của Phúc âm theo thánh Gioan, bởi vậy luôn luôn được xem là nơi kết hiệp với Chúa Cha qua sự trung gian của "Chúa Con diễm phúc và vinh quang, đấng mà Người (Chúa Cha) đã ban cho chúng ta, đấng đã sinh ra cho chúng ta, đã tự hiến bằng chính máu mình làm hy tế và lễ vật trên bàn thờ thập tự giá".
Vì thế, thánh Phanxicô không chỉ chiêm ngắm Mình Thánh Chúa trong hình bánh. Lòng đạo đức của ngài nhằm tham gia thực sự vào hy tế của Chúa Kitô qua việc tiếp nhận Mình Thánh trong bí tích. Ngài là người đã  nhiệt thành truyền bá việc rước lễ thường xuyên [26].

IV. Chúa Thánh-thần

1. Đấng mà chúng ta phải khao khát trên hết mọi sự

Chúa Thánh-thần thường được nhắc tới dưới danh hiệu là "Đấng Bảo vệ" (Paraclitus) hay là "Thần Khí của Chúa"(Spiritus Domini). Cùng với Chúa Cha và Chúa Con, Người hiện diện và hoạt động trong mọi kỳ công, đặc biệt trong công trình sáng tạo, chuộc tội và cứu độ. Điều đáng làm ta khâm phục là Phan-xi-cô chỉ dùng những câu thánh vịnh mà cũng nói lên được những nét chính yếu về Chúa Thánh-thần. Ta hãy đọc hai câu kinh sau đây:

"Này Người sẽ lên tiếng uy hùng (voci suae vocem virtutis)
hãy tôn vinh Thiên Chúa trên Ít-ra-en,
ánh quang huy và uy lực (virtus) của Người
chiếu tỏa trên mây xanh (Tv 67,34-35).
 Kỳ diệu thay, Chúa ngự giữa hàng chư thánh.
Thiên Chúa Ít-ra-en sẽ ban tặng cho dân
uy quyền và dũng lực (virtutem et fortitudinem).
Xin chúc tụng Thiên Chúa
(Tv 67,36; x.KVQ IX,11-12).

Hai câu kinh này được trích từ 3 câu trong thánh vịnh 67, và được Phan-xi-cô thêm vào Kinh Vượt Qua IX để đọc từ lễ Chúa Giêsu lên trời cho đến hết tuần Bát nhật lễ Chúa Thánh-thần hiện xuống. Chúng ta lưu ý là từ "tiếng" (vox) được dùng 2 lần và nhất là từ "uy lực" (virtus) 3 lần; từ sau được bổ túc với từ "dũng lực" (fortitudinem). Chắc chắn chúng ta sẽ không nhầm khi cho rằng hai câu kinh này ám chỉ việc Đức Giê-su phục sinh ban Chúa Thánh-thần.

Sau khi đã lên trời Chúa Giê-su "sẽ lên tiếng uy hùng": sách Công-vụ các Tông đồ kể là vào ngày lễ Ngũ tuần "khi mọi người đang tề tựu một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như một tiếng gió mạnh" (Cv 2, 1-2). Câu kinh của Phan-xi-cô cũng nói tới việc Chúa Giê-su biểu lộ "ánh quang huy và uy lực trên mây xanh". Khi đã lên trời, Chúa Giê-su "ngự giữa hàng thần thánh", nhưng Người "sẽ ban tặng cho dân uy quyền và dũng lực". Như vậy qua ba câu của thánh vịnh 67, Phan-xi-cô chiêm ngắm Chúa Thánh-thần qua hình ảnh tiếng gió mạnh; Người  là "ánh quang huy và dũng lực" của Chúa Giê-su, chiếu tỏa trên mây xanh; sức mạnh ấy (Cv 1,6) cũng được Chúa Giê-su ban xuống cho toàn Giáo-hội.

Nắm được lời dạy của Thánh Phan-xi-cô về Chúa Thánh-thần là chúng ta đi vào trọng tâm của linh-đạo phan-sinh. Linh đạo là con đường thiêng-liêng, là bước theo Chúa Ki-tô để đến với Chúa Cha. Nhưng cốt yếu của việc đi theo Chúa Kitô lại là luôn luôn sống dưới tác động đầy quyền năng của Thần Khí Chúa. Vì thế ở chương 10 cũng của Bản Luật chính thức, thánh Phanxicô dạy anh em là:
"Trên hết mọi sự, anh em phải ao ước được Thần Khí Chúa hiện diện và tác động nơi mình [27]".

2. Lộ trình thiêng-liêng khởi hành từ Chúa Thánh-thần

Trong chương 22 của Luật Không Sắc chỉ thánh Phanxicô trình bày công việc tạo dựng thế giới và loài người như là phần cuối của chuyển động từ trên đi xuống trong các hành động của Thiên Chúa: từ Chúa Cha, qua Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần:
"Lạy Thiên Chúa toàn năng, chí thánh, cao cả, là Cha thánh thiện và công minh... chúng con xin dâng lời cảm tạ vì chính Cha; vì bởi thánh ý Cha và nhờ Con Một Cha,trong Chúa Thánh Thần, Cha đã dựng nên muôn vật hữu hình và vô hình; Cha đã dựng nên chúng con theo hình ảnh và giống như Cha"[28].

Còn trong lời nguyện cuối Thư gửi Toàn Dòng quá trình của con người vươn lên đến Chúa Cha được trình bày theo thứ tự ngược lại: từ Chúa Thánh Thần (là Đấng, theo lời các Giáo phụ, ở bên trong chúng ta hơn cả chúng ta), qua Chúa Con, đến cùng Chúa Cha[29]. Chúng ta hãy cẩn thận đọc lại kinh ấy:
"Lạy Thiên Chúa toàn năng, vĩnh cửu, công chính và từ bi, ... xin ban cho chúng con thực hiện được những điều chúng con biết là Chúa muốn, và luôn luôn muốn những điều đẹp lòng Chúa, để nhờ được thanh luyện tận bên trong tâm hồn, được soi sáng và nung nấu tận bên trong tâm hồn bởi ngọn lửa Thánh  Thần, chúng con có thể bước theo vết chân Con Yêu dấu Chúa, là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, và chỉ nhờ ơn Chúa trợ giúp, chúng con đến được với Chúa, là Đấng Tối cao..."[30].

Không phải tình cờ mà trong lời nguyện cuối Thư gửi Toàn Dòng trích ở trên, thánh Phanxicô dùng hai lần từ "interius - tận bên trong tâm hồn": rõ ràng là ngài muốn nhấn mạnh đến sự hiện diện của Chúa Thánh Thần bên trong tâm hồn con người. Chúng ta cũng có thể tự hỏi phải chăng ngài đã cố tình chọn hình thức so sánh interius [dịch sát: ở sâu hơn nữa bên trong] thay cho hình thức bình thường là intra [dịch sát: bên trong]: Thần Khí ở bên trong chúng ta hơn cả chính chúng ta.

Dẫu sao điều thánh Phanxicô cũng muốn khẳng định mạnh mẽ, đó là con người chỉ có thể đi theo Đức Kitô nếu trước đó đã được thanh luyện, soi sáng và nung nấu nhờ ngọn lửa Thần Khí. Tất cả phải bắt đầu từ Thần Khí, bởi vì "Nếu không được Chúa Thánh Thần giúp sức cho, không ai có thể nói rằng: Đức Giêsu là Chúa. [Nếu không có Người] chẳng có một ai làm được điều thiện, dẫu một người cũng không[31]. Chính "nhờ Chúa Thánh Thần thi ân và chiếu sáng, quí vị (các nhân đức) được đổ xuống trong tâm hồn các tín hữu, biến đổi chúng tôi là những con người bất tín nên những tôi tớ trung thành của Thiên Chúa"[32].

3. Nhìn Chúa Cha và Chúa Ki-tô nhờ Chúa Thánh-thần

"Tác động thánh" của Thần Khí diễn ra đa đạng. Trước hết, trong các mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, chính Thần Khí ban cho chúng ta "những con mắt thiêng liêng" giúp chúng ta "nhìn thấy" Chúa Cha và Chúa Con. Chúa Cha ngự trong ánh sáng siêu phàm, vô phương đạt thấu; Chúa Con, vì ngang hàng với Chúa Cha, nên người ta cũng chỉ có thể nhìn Người như nhìn Chúa Cha và Chúa Thánh-thần. Và Chúa Thánh-thần cũng là thần khí, nên con người với con mắt xác phàm không thể nào nhìn thấy được. Hoàn cảnh xem ra tuyệt vọng! Nhưng, như lời thánh Phao-lô nói, "Thần khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn" (Rm 8,26), nên chính nhờ  Thần Khí hiện diện  trong tâm hồn các tín hữu, giúp họ tin nhận Chúa Cha và Chúa Con, đồng thời giúp họ nhận biết Chúa Ki-tô trong  nhiệm tích Thánh-thể [33].

Vì Thần Khí cảm tạ Chúa Cha chung với Chúa Con, nên chính trong Thần Khí mà chúng ta có thể thờ phượng Chúa Cha và cảm tạ Người theo cách Người muốn[34].
Chúa Thánh Thần không chỉ giúp chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa và thờ phượng Người, nhưng còn kết hiệp chúng ta với Thiên Chúa. Như Chúa Thánh Thần là Bạn Trăm Năm của Đức Trinh nữ Maria, Người cũng là Bạn Trăm Năm của các tâm hồn sống theo sự trọn lành Phúc âm. Chính Người kết hiệp các tín hữu với Đức Kitô để biến họ thành những người mẹ, những người anh em của Đức Kitô, và qua đó cho họ thành con cái của Chúa Cha[35].

4. Chúa Thánh-thần tạo nên "mối họ hàng thiêng-liêng" giữa anh em

Tiếp đến trong các tương quan huynh đệ: Chúa Thánh Thần tạo nên một dòng họ thiêng liêng, một linh tông. Thánh Phanxicô hay nói đến "bác ái thiêng liêng", "bằng hữu thiêng liêng", "anh em thiêng liêng" [nếu dịch sát, có thể dịch là "bác ái theo Thánh Thần", "bạn hữu theo Thánh Thần", "anh em theo Thánh Thần"][36].

Đối với thánh Phan-xi-cô, mối dây giữa "các anh em thiêng liêng" mạnh mẽ hơn rất nhiều so với mối dây liên kết người mẹ với đứa con theo huyết nhục. Người viết: "Nếu một người mẹ nuôi dưỡng và yêu thương đứa con theo huyết nhục (filium carnalem)của mình thế nào, thì mỗi người lại phải yêu thương và dưỡng nuôi anh em thiêng liêng (fratrem spiritualem) của mình hơn là dường nào"![37]. Rõ ràng là thánh Phanxicô muốn so sánh giữa họ hàng theo huyết nhục với gia đình mà Chúa Thánh Thần tạo nên giữa những kẻ được Người gọi để cùng sống sự trọn lành Phúc âm. Có gì mạnh mẽ và lớn lao cho bằng tình mẹ yêu con? Thế mà thánh Phanxicô cho rằng lòng yêu mến giữa các anh em được kết hiệp trong Chúa Thánh Thần phải mạnh mẽ và lớn lao hơn thế nữa.

5. Điều kiện để đón nhận Chúa Thánh-thần

Sau khi xác định việc đi theo Đức Kitô hoàn toàn tùy thuộc vào Thần Khí, thánh Phanxicô còn chỉ cho họ biết các điều kiện để có thể tiếp nhận Thần Khí và để cho Người tác động.
- Trước hết là phải "ao ước trên hết mọi sự" được Người hiện diện và tác động nơi mình (L 10,8): phải biết nhìn nhận Người là "của tốt lành nhất" mà Chúa Cha muốn ban cho con cái; từ đó phải biết cầu xin.

- Thái độ nghèo khó và khiêm hạ

Sự hiện diện của Thần Khí Chúa nơi một tu sĩ có thể nhận ra qua lối sống nghèo triệt để: trong ánh sáng của Thần Khí, người tu sĩ nhận ra rằng chỉ mình Thiên Chúa là tốt lành, và tất cả những gì là tốt lành nơi mình và nơi các thụ tạo đều hoàn toàn từ Thiên Chúa mà đến[38]. Nghèo khó triệt để ở đây có nghĩa là dâng trả về cho Thiên-Chúa mọi sự tốt lành mình đang được hưởng (kiến thức, sức khỏe, sắc đẹp, của cải...):
"17 Chúng ta hãy dâng trả mọi sự tốt lành về cho Chúa là Thiên Chúa tối cao và chí tôn. Chúng ta hãy biết rằng mọi sự tốt lành là của Chúa và hãy tạ ơn Người về tất cả mọi sự; Người là nguồn mạch mọi sự tốt lành. 18 Xin Người là Thiên Chúa tối cao và chí tôn, duy nhất và chân thật, nắm quyền sở hữu mọi danh dự và tôn kính, mọi lời ca ngợi và cung chúc, mọi lời tạ ơn và tôn vinh : chúng ta hãy dâng trả và xin Người nhận lấy, vì mọi sự tốt lành đều thuộc về Người và  chỉ một mình Người là tốt lành (x. Lc 18,19; x.Lksc 17,17-18)".

- Tâm tình thờ phượng Thiên-Chúa

Người tu sĩ nghèo khó, khiêm hạ cũng là người sống  liên lỉ trong tâm tình thờ phượng: người ấy biết rằng mình nhận lãnh tất cả từ nơi Thiên Chúa, nên dâng về lại cho Người  tất cả những điều thuộc về Người , giống như một tôi tớ trung thành không giữ lại một vật gì của chủ[39]. Thờ phượng Thiên-Chúa là nhìn nhận vương quyền tuyệt đối của Người trên mọi thụ tạo.

GIÁO HỘI VÀ ĐỨC MARIA

I. Giáo Hội

1. Giáo-hội là nơi mà Ba Ngôi thần linh đang tiếp tục công trình cứu chuộc. Tất nhiên Giáo-hội là một tổ chức có cấp bậc (giáo hoàng, các giám mục, các linh mục...), nhưng Giáo-hội chủ yếu là đoàn dân rất đông đảo gồm những người muốn phụng sự Thiên-Chúa thuộc đủ mọi thành phần mà Phan-xi-cô kể ra dài dòng trong Lksc 23,7.

2. Đối với Phan-xi-cô Giáo-hội trước hết là nơi người ta sống đức tin và đời hoán cải (Lksc 23,7), là nơi mà Con Thiên-Chúa hiện diện nhờ các Bí tích và Lời Chúa (Lksc 20).

3. Vì thế Phan-xi-cô muốn anh em tuyệt đối trung thành với Giáo-hội, "sống theo tinh thần công-giáo" (Lksc 19; L 12; 2 TTh 32). Đó là một trong những nét khác biệt lớn lao giữa Hội Dòng Anh Em Hèn Mọn với đa số các phong trào sống Phúc-âm thời bấy giờ: các nhóm người này thường mang nặng tính cách chống Giáo-hội và chống các Bí tích. Sự tuân phục tuyệt đối của Phan-xi-cô đối với các linh mục, cho dẫu các ngài tội lỗi (Hn 26; Lksc 19; D.C. 6-10 2 TTh 33), dựa trên một xác tín: các ngài là thành phần của một cơ cấu cần thiết của Giáo-hội là nơi con người lãnh nhận ơn cứu độ.

II. Đức Maria

1. Các chứng từ về lòng sùng kính đối với Đức Maria

Thánh Phan-xi-cô thường gọi Đức Ma-ri-a một cách kính cẩn với tước hiệu là "Đức Trinh Nữ Ma-ri-a hiển vinh và thánh thiện" (Lksc 23,4; 2TTh 4; TTd 21).

Ngay từ khi được ơn hoán cải, thánh Phanxicô đã có lòng tôn sùng đặc biệt đối với Đức Ma-ri-a. Trong số các nhà thờ hư hỏng mà thánh nhân tu bổ, có ngôi đền thờ nhỏ bé dâng kính Nữ Vương các Thiên thần tại Portiuncula. Thánh Bonaventura viết:
"Thấy ngôi đền thờ bị bỏ hoang, người của Thiên Chúa thường tới đó trú ngụ để làm việc, vì người yêu mến thiết tha Đức Ma-ri-a, Nữ hoàng của thế giới... Người luôn luôn yêu mến chỗ này hơn bất cứ chỗ nào khác trên trần gian: chính nơi đó, người đã bắt đầu một cách khiêm tốn; nơi đó, người đã đạt tới đỉnh trọn lành diễm phúc; chính nơi đó, lúc sắp lìa trần, người giao phó cho anh em như một nơi được Đức Trinh Nữ đặc biệt yêu mến" (Đại Truyện III,8).

Sử gia Tôma Cêlanô nói với chúng ta lý do sâu xa của lòng tôn sùng ấy:
"Thánh Phanxicô yêu mến Mẹ Chúa Giê-su với một tình yêu khôn tả vì Mẹ đã trao ban cho chúng ta Chúa tể oai hùng làm người Anh" (2 Cel 198).
Câu này cho thấy thánh nhân đặc biệt nhìn Đức Ma-ri-a trong tương quan với mầu nhiệm Nhập thể. Chính Mầu nhiệm này đã đưa Con Thiên Chúa từ địa vị oai phong và cao cả tới địa vị người Anh, người Bạn, người Tôi tớ của loài người, và Đức Ma-ri-a là Mẹ của Ngôi Lời nhập thể đó. Cêlanô viết tiếp:
"Người đã đặt ra những lời ca ngợi, những lời khẩn nguyện và dâng lên Mẹ những tâm tình dạt dào và sâu xa không miệng lưỡi nào có thể phô diễn được. Nhưng điều làm chúng tôi vui sướng nhất là người đã chọn Mẹ làm Đấng Bảo trợ Dòng và đặt mọi anh em mà người sắp phải lìa bỏ dưới cánh áo của Mẹ để Mẹ ấp ủ và che chở cho tới cùng".

Tập "Tác phẩm" còn giữ lại cho chúng ta một số kinh của thánh Phanxicô mà Xêlanô đã nhắc tới, đặc biệt là hai kinh:
- Kinh "Kính chào Đức Trinh Nữ Ma-ri-a" (Salutatio B.M.V.)
- Điệp ca "Lạy Thánh Nữ đồng trinh Ma-ri-a" (Sancta Maria Virgo)
(x. "Tác phẩm thánh Phanxicô", ấn bản Việt ngữ 2009, tr.194 và tr.210).

2. Phương cách thánh Phan-xi-cô chiêm ngắm Đức Mẹ

Qua các kinh ấy, người ta nhận thấy là thánh Phanxicô thường nhìn Đức Ma-ri-a trong tương quan với Thiên Chúa Ba Ngôi. Tiêu biểu nhất là lời mở đầu của Kinh "Kính chào Đức Trinh Nữ":

"Kính chào Bà, Nữ hoàng thánh thiện,
Thánh Mẫu của Thiên Chúa,
Maria nữ trinh đã trở thành ngôi đền thờ,
được Chúa Cha chí thánh trên trời tuyển chọn.
Chúa Cha cùng với Chúa Con chí thánh dấu yêu
và Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo trợ, đã thánh hiến Bà.
Bà đã được và đang được tràn đầy ơn phúc và mọi điều thiện hảo."

"Ngôi đền thờ" (ecclesia) có hai nghĩa: đó là ngôi nhà thờ vật chất; nghĩa này có thể được hiểu theo nghĩa tượng trưng, kiểu như mỗi tín hữu là "đền thờ của Chúa Thánh- thần"; Đức Ma-ri-a là đền thờ của Thiên-Chúa Ba Ngôi; nghĩa thứ hai của "ecclesia" là Giáo-hội: theo nghĩa này thì Đức Ma-ri-a là hiện thân, là hình ảnh tiên báo Giáo-hội.

Trong tương quan với Chúa Cha, Đức Ma-ri-a  là "Ái nữ và Nữ tì" (filia et ancilla). Trong tương quan với Chúa Con, Bà là Thân mẫu. Vào thế kỷ XIII, bè rối Cathares chịu ảnh hưởng của ảo-thể-thuyết, phủ nhận việc Đức Ma-ri-a đã cưu mang và sinh hạ Chúa Giê-su như mọi người mẹ ở trần gian. Phần thánh Phanxicô, vì thâm tín rằng Đức Ma-ri-a là Mẹ thật của Ngôi Hai làm người nên đã kính chào Mẹ bằng những tước hiệu rất cụ thể:

"Kính chào cung điện của Chúa,
Kính chào Nhà Tạm của Chúa,
Kính chào ngôi đền của Chúa,
Kính chào hoàng bào của Chúa,
Kính chào Nữ tì của Chúa,
Kính chào Thân mẫu của Chúa".

Sau hết, trong tương quan với Chúa Thánh Thần, Đức Ma-ri-a được gọi là "Huyền thê của Chúa Thánh-thần " ("Sponsa Spiritus Sancti", x. Kinh "Sancta Maria Virgo"). Nhờ việc suy niệm Lời Chúa, thánh Phanxicô đã hiểu rõ là chính nhờ tác động đầy quyền năng của Chúa Thánh Thần mà Ngôi Lời đã đầu thai trong lòng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a theo như Phúc Âm đã trình bày (Lc 1,35) và Kinh Tin Kính đã khẳng định ("Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người (Đức Giê-su Ki-tô) xuống thai sinh bởi Bà Ma-ri-a đồng trinh").

Tước hiệu "Huyền thê của Chúa Thánh Thần" là một tước hiệu mới mẻ, lần đầu tiênxuất hiện trong Giáo Hội. Nó có thể làm chúng ta ngạc nhiên. Nhưng về sau các nhà thần học nổi tiếng đều dùng: trong Dòng, thánh sư Lôrenxô Brinđisi ; ngoài Dòng, các thánh Gioan Euđê, Luy Ma-ri-a Grignion de Monfort và Anphongxô Ligôri đã khai thác tước hiệu này. Các Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, Piô XII, Gioan XXIII đều đã dùng tước hiệu này (xem: Didier de Cré, L'Epouse du Saint-Esprit, Blois 1960, tr.8). Mới đây, trong kinh cầu Đức Mẹ trong năm Thánh Mẫu, Đức giáo hoàng Gioan-Phaolô II, đã dạy chúng ta cầu nguyện: "Chúa Thánh Thần đã yêu thương Mẹ như Tân nương diệu huyền và đã dành riêng cho Mẹ bao hồng ân cao quý".

Vì được Thiên Chúa Ba Ngôi tuyển chọn và thánh hiến nên "nơi Đức Ma-ri-a đã có và đang có mọi ơn phúc dư đầy và mọi điều thiện hảo" (x. Kinh "Kính chào Đức Trinh Nữ Ma-ri-a").
Thánh Phanxicô không phải là một lý-luận-gia, nhưng tâm hồn chiêm ngưỡng của người và cách thức người nhìn Đức Mẹ trong tương quan với Thiên Chúa Ba Ngôi, nhất là với Mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập thể, sẽ ảnh hưởng sâu xa trên tư tưởng thần học của con cái người về sau [40].

Norberto Nguyễn Văn Khanh
[1] Creator, Redemptor et Salvator.Ba tước hiệu này của Thiên-Chúa tương ứng với ba động từ  creavit, redemit và salvabit trong Lksc 23, 8. Lưu ý là động từ  redemit ở thì quá khứ  (6 lần như thế trong Di-cảo ), còn salvabit ở thì tương lai! Điều này gơi ý:Redemptor (Đấng chuộc tội) diễn tả tác động của Thiên-Chúa vào giờ phút Chúa Ki-tô chết trên thập giá; tác động này đã xảy ra rồi! Còn Salvator (Đấng Cứu độ) diễn tả tác động của Thiên-Chúa trong tương lai, khi Người đưa chúng ta vào cõi sống đời đời.
[2] Chúng tôi dịch sát bản Phổ-thông La-ngữ mà thánh Phan-xi-cô trích dẫn: Effundite coram illo corda vestra. Động từ "effundere" ở đây có nghĩa là tuôn đổ, mở rộng cõi lòng để dâng hiến, chứ không chỉ là "thổ lộ tâm can".
[3] Nhà thần học người Đức, cha Karl Rahner, xem việc Thiên-Chúa hiến thân cho con người là trung tâm của sứ điệp Kitô-giáo.Ngài nói: "Đối với tôi, trọng tâm chính yếu và duy nhất của Kitô-giáo, là việc Thiên-Chúa, trong thực tại và vinh quang thực thụ của Người , đã đích thực thông ban chính mình Người cho các  thụ-tạo; là tuyên xưng chân lý khó tin nhất trong các chân lý: đó là chính Thiên-Chúa, với thực tại và vinh quang vô biên của Người, với sự thánh thiện, tự do và tình yêu của Người, có thể đến với chúng ta một cách đích thực mà không bị giảm thiểu chút nào, hoàn toàn hòa mình vào trong cuộc sống của các thụ tạo. Đối diện với chân lý đó, thì những gì mà Kitô-giáo nêu ra hay đòi hỏi chúng ta đều là tạm thời hay là hậu quả phụ thuộc" (x.K.Rahner,Experience d'un theologien catholique, trad. Par R. Mengus, Carisript, Paris 1983, p.22).
[4] Thánh Bonaventura sẽ dựa trên ý niệm Sự thiện để khai triển khoa thần học của ngài  về Thiên-Chúa Ba ngôi. "Sự Thiện thì tự mình lan toả" (Bonum diffusivum sui), bởi thế theo bản tính tốt lành của mình, Chúa Cha sinh ra Chúa Con, và từ Cha và Con phát xuất Chúa Thánh-thần.Thánh Tôma dựa trên ý niệm hữu thể với hai khả năng: lý trí và tình yêu.
[5] Kinh Adoramus Te (DC. 5) và Kinh đọc trước Thánh giá ở San-Đamianô.
[6] Kinh Kính chào Đức Mẹ (KĐM) và Điệp-ca "Lạy Thánh nữ đồng trinh Ma-ri-a" trong Bộ Kinh Vượt qua.
[7] Xem NVK, Chúa Giê-su Kitô trong tư tưởng của Thánh Phan-xi-cô, tr.409-410.
[8] Có lẽ vì tước hiệu "Thiên-Chúa tối cao và vinh hiển" mà có người nghĩ rằng Kinh đọc trước Thánh giá ở San-Đamianô dâng lên Chúa Cha.
[9] Cử chỉ mà có lẽ Phan-xi-cô đã học được nơi những người Hồi-giáo.
[10] Th. Bênađô, Diễn giải sách Diễm Ca,, bài giảng XX, số 6,8,9; x. A. Ravelet,Oeuvres de saint Bernard, t. III, trg. 68-70.
[11] Th. Bênađô, Diễn giải sách Diễm Ca, bài giảng XXXi, số 6; x. A Ravelet, Oeuvres de saint Bernard, t.III, trg. 118.
[12] Theo chỗ chúng tôi biết, chỗ duy nhất th. Phanxicô nói đến thần tính và nhân tính của Đức Kitô đó là trong Huấn ngôn 1: nơi đó ngài muốn nói rằng chúng ta phải nhận ra Con Thiên Chúa trong phép Thánh Thể, giống như các Tông đồ đã biết nhìn ra thần tính của Người qua nhân tính; x. Hn 1.
[13] 1 Cel 94; Đt 13,3.
[14] Th. Bênađô, Bài giảng lễ Thăng Thiên, bài II, số 6; x. Ch. Didier, "L'Ascension mystique par l'humanit selon saint Bernard", Vie Spirituelle số 135 (tháng 12, 1930), trg.150. Th. Augustinô đã từng nói: "Sự hiểu biết của chúng ta là Đức Kitô, sự khôn ngoan của chúng ta cũng là một Đức Kitô. Chính Người ban cho chúng ta lòng tin về những sự đời này, chính Người mặc khải chân lý về những sự vĩnh cửu. Qua Người, chúng ta đi đến Người. Qua hiểu biết, chúng ta hướng đến sự khôn ngoan: tuy nhiên chúng ta không rời xa cùng một Đức Kitô duy nhất, vì nơi Người ẩn dấu mọi kho tàng của khôn ngoan và hiểu biết". De Trinitate XIII, 19, 24. P.L. 42, 1034.
[15] TTd 51.
[16] Xem NVK,Chúa Ki-tô ...,tr.410-414.
[17] Xem NVK,Chúa Ki-tô ..., tr.414-415.
[18] Xem: NVK, Cầu nguyện cùng Chúa cha với Chúa Giê-su. Bọ Kinh VQ của Thánh Phan-xi-cô , tr.11.
[19] Quan niệm cho rằng ngay từ giây phút mới sinh ra,linh hồn Đức Giê-su đã có một  trực kiến về Thiên-Chúa và trực kiến ấy làm cho Ngài hạnh phúc. Quan niệm này được đưa ra là để khẳng định rằng Đức Giê-su, vì hằng thấy Chúa Cha, nên không thể sai lầm khi mặc khải Thiên-Chúa.
[20] Xem: Jean Galot, sj., Christ de notre foi.Christologie II, Louvain, 1986,p.147149.
[21] Suscepit : động từ này diễn tả hành động của Chúa Cha cho Đức Giê-su sống lại.Từ đó Chúa Cha sẽ được gọi là "susceptor" (x. KVQ XI,8-9; XII,9-10).
[22] Corporaliter: theo thể xác. Các nhà thần-học trong thế kỷ 12 dùng từ này để ám chỉ "thân mình" của Đức Ki-tô hiện diện trong Bí tích Thánh -thể. Thánh Phan-xi-cô áp dụng từ này không chỉ cho Bí tích Thánh thể, mà còn cho "những danh hiệu và những Lời của Chúa".
[23] F. Vandenbroucke, "Liturgie et pit personnelle. Les podromes de leur tension  la fin du Moyen-Age", La Maison-Dieu, 62 (1962), trg. 59.
[24] Như trên.
[25] Jean de Caulibus, Méditations sur la vie du Christ, bản Pháp ngữ của Paul Bayart, Paris, 1958, trg.6. Theo A. Rayez, tác phẩm được viết năm 1330; x. "Humanité (du Christ)", D.S., t. VII, cột 1085.
[26] Xem NVK, Chúa Ki-tô..., tr.415-417.
[27] L 10,8.
[28] Lksc 23,1.
[29] Sơ đồ này thường gặp thấy trong thần học của các Giáo phụ Hy Lạp (x. P. Evdomikov, Sđd, trg. 111).
[30] TTd 50-52.
[31] Hn 8. Thánh Basiliô định nghĩa tác vụ của Thần Khí bằng những lời sau: "Thụ tạo không có một ân huệ nào mà không phát xuất từ Thần Khí; Người là đấng thánh hóa kết hiệp chúng ta với Thiên Chúa" P.G. 32, 133/C, trích trong P. Evdomikov, Sđd, trg. 111.
[32] KĐm 6.
[33] Hn 1, 12.
[34] LKSc 23,5; LKSc 22,28. Th. Phanxicô hay lặp lại câu này: "Những người thờ phượng đích thực, sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và sự thật. Bởi thể, tất cả những ai thờ phượng Thiên Chúa, phải thờ phượng Người trong Thần Khí sự thật" TTd 1,19-20.
[35] KVQ I, Đc.
[36] LKSc 5,4; L 4,2; L 6,8.
[37] L 6,8.
[38] Hn 12.
[39] KTh 11.

[40] NVK, Đức Ma-ri-a, Nữ-tỳ của Thiên-Chúa, Nha-trang 2006, tr.86-89.